Mùa Xa Nhà epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8 -
ùa thu năm 1985 lặng lẽ đến, với những cơn gió hiu hiu lúc xế chiều, với ánh nắng vàng mơ dịu nhẹ, bầu trời trong trẻo mênh mông. Từng đàn chim thiên di bay từ hướng đông bắc về nam, để rớt lại những tiếng kêu líu ríu vọng dài trong gió, và vào những chiều thu muộn, trên những cánh trảng, chuồn chuồn bay từng đám rập rờn, điểm lên nền trời xanh lơ những chấm vàng chao động.
Một buổi chiều tháng Mười, sau ngày Lý lên đường đi phép hơn ba tháng, Huy ra thăm me Sa Rinh. Hạn phép của Lý đã hết từ lâu, nhưng anh vẫn biệt tăm, và trong quảng thời gian đó, không có bất cứ một tin tức thư từ gì của Lý gửi sang. Mợi hay chắc lưỡi, lắc đầu rồi bất ngờ chửi đổng lên: " Mẹ nó! Có trốn không qua thì cũng báo cho anh em biết chứ! Tao mà về được, nó biết tay tao! " Me Sa Rinh và Sa Piên rất lo lắng hoang mang. Cô vào cứ mấy lần hỏi thăm tin tức Lý, dù cách chừng một đôi tuần Huy lại ra nhà. Có lần, Sa Piên còn nhờ Huy viết thư cho Lý, nhắc anh mau sớm trở qua. Huy viết lá thư theo đúng những lời của Sa Piên nói, những lời ngây thơ mộc mạc buồn cười, nhưng thể hiện một tình yêu sâu sắc và nỗi buồn nhớ mênh mông. Nhưng Huy bắt đầu nghi ngờ việc Lý trở qua. Có đến tám mươi phần trăm là anh ta đã đào ngũ hẳn rồi. Nhiều lúc Huy thầm tiếc phải chi Lý đừng chuyển về tiểu đoàn ba, phải chi Sa Piên vẫn yêu thương Quân, cả hai chắc chắn sẽ được hạnh phúc. Quân vẫn còn yêu Sa Piên lắm, Huy biết. Nhưng làm sao được, trái tim cô, thân xác cô đã thuộc về Lý mãi mãi mất rồi. Lần me Sa Rinh trao chiếc vòng nhờ Huy trả lại cho Quân, hai anh em đã trò chuyện với nhau rất lâu, từ chiều đến tận khuya. Hôm đó, Quân buồn lắm, chuyện chiếc vòng gợi nhớ cho anh, gợi lại nỗi đau mà anh đã cố tìm quên, cố vượt qua trong công việc bấy lâu nay. Nhưng hôm đó, anh cũng nói rất nhiều về bản thân, về những suy tư, quan niệm, ý tưởng của mình đối với cuộc đời cho Huy nghe.
Khi Huy vừa bước tới chân thang đã nghe thấy tiếng quát tháo của Buk Hô. Huy đứng ngập ngừng một lúc rồi bước lên nhà. Buk Hô chỉ hơi gật đầu đáp lại câu chào của Huy, rồi ông lập tức bỏ đi, nét mặt vừa đau đớn vừa phẫn nộ. Me Sa Rinh và Sa Piên ngồi co rúm ở một góc nhà. Sa Piên gục đầu vào lòng me khóc nấc. Huy bối rối, không biết nên ra về hay ở lại. Anh còn đứng lưỡng lự chưa biết phải làm sao thì me Sa Rinh bảo:
- Con lại đây. Me có chuyện này muốn nói với con.
Huy bước lại, ngồi đối diện với me, nhìn bà dò hỏi.
- Lý có viết thư cho mấy con chưa?
- Dạ không có me à. Không biết tại sao...
- Huy à, Sa Piên đã có thai mấy tháng rồi. Thằng Lý thì bặt tăm tin tức... Me vừa nói cho Buk Hô biết chuyện. Con thấy đó, ổng nổi khùng lên, đòi đập chết Sa Piên... me biết làm sao đây, Huy ơi!
Huy ngồi chết trân, đầu óc hoang mang. Một thanh niên còn chưa hết tính trẻ con như anh thì biết gì đâu với mấy chuyện quá phức tạp thế này. Huy thầm trách Lý quá nhẫn tâm vô tình, anh nhìn Sa Piên thương xót. Trông cô xanh xao gầy guộc đi nhiều, hai mắt quầng đen vì mất ngủ, lo âu.
Me Sa Rinh nói tiếp, nghẹn lời, rưng rưng nước mắt:
-Thanh niên trong phum chê bai nói xấu Sa Piên. Nó bây giờ không dám bước đi đâu. Khổ cho mẹ con me quá, Huy ơi!
Sa Piên nhăn mặt:
- Me đừng nói nữa!
Huy nhìn ra khoảnh sân tràn ngập ánh nắng quái chiều hôm. Cây chùm ruột mà me Sa Rinh có lần hái trái nấu canh chua thịt gà cho anh và các bạn khẽ đung đưa trong gió, những cành lá vẫn xanh ngăn ngắt vô tình. Ðống un ở góc vườn tỏa lên một làn khói mong manh, mỏng như sương. Hai con trâu nằm thảnh thơi nhai lại, thỉnh thoảng lại lười nhát vung đuôi xua ruồi nhặng. Mấy con gà mái già, lông cánh xác xơ, đang hối hả tìm những míếng mồi cuối cùng trong đống rác, bọn gà con vừa chạy quẩn bên chân mẹ, vừa kêu líu nhíu như giục mẹ chúng mau đi tìm chỗ ngủ. Con gà trống hoa mơ đỏm dáng đã kịp nhảy lên cành vú sữa thấp nhất, nơi nó vẫn đậu ngủ đêm. Nó nghiêng nghiêng đầu, hếch một bên mắt nhìn xuống bầy đoàn thê tử bên dưới, khẽ lục cục trong cổ họng. Chợt nó nhỗm hai chân, hất chiếc mồng đỏ tía qua một bên, vươn cổ gáy lên một cách hợm hĩnh vô duyên. Tất cả - ánh nắng vàng, cây cỏ trong vườn, bầy gà, hai con trâu, những lượn khói mờ xanh- đều giống như bất cứ một buổi chiều nào, nhưng trong không khí tịch mịch giờ đây, có một cái gì đó thật nặng nề, làm tim Huy thắt lại, bồn chồn.
Huy chợt nhớ có một lần anh nghe hai chị em Khla và Cà mum trò chuyện với nhau, đứa chị chừng mưới ba, nhỏ em chừng chín mưới tuổi, chúng hỏi đáp nhau những câu thật ngộ nghĩnh ngây thơ. Lúc đó hai chị em đang sàng gạo, còn Huy đứng giã gạo giúp chúng kế bên. Ðang nghĩ vẩn vơ gì đó, anh chợt chú ý khi nghe Khla hỏi:
- Boòng Cà mum, boòng có thích sau này mình sẽ có thể đi xa, thật xa, đến thật nhiều nơi không?
- Ðể làm chi? – Nhỏ chị hỏi lại.
- Ðể trông thấy tất cả mọi thứ, để hiểu biết mọi thứ.
- Chà, thích đó, nhưng làm sao được, muốn đi xa như vậy phải thật giàu có, Khla ạ.
- Em ước gì được đi. Em chán ngày nào cũng cứ như ngày nào, nhìn ra xa trước mặt chỉ có núi S vai già cỗi và quen thuộc. Chả biết ở xa kia có núi nào khác to hơn núi Svai không nhỉ?... À này, boòng ơi, boòng có biết thứ gì to nhất trên đời này không hả boòng?
- Trái đất to nhất chứ còn gì. Bao nhiêu là người, là heo chó trâu bò, sông núi, đều nằm trên trái đất.
- Không phải đâu, em nghe lục tà Sa Gong bảo tình yêu là to lớn nhất đó.
- Sao thế được, tình yêu nằm trong cái bụng, trong cái đầu của mình mà, sao to nhất được?
- Lục tà bảo tất cả sông dài núi rộng đều đo được đó, boòng ạ. Lục tà bảo ngay như trái đất là to, nhưng người ta cũng có thể đo được, chứ tình yêu mênh mông lắm, không ai đo lường được. Không đo được tất là phải to ghê lắm.
- Sao thế được! To thế thì mày đến vỡ bụng, vỡ đầu ra khi cái tình yêu nó chui vào bụng, vào đầu mày hay sao! Vớ vẩn!
- Ừ nhỉ! Chả hiểu lục tà nói vậy là sao. Nhưng lục tà đâu có nói dối, hả boòng?
- Tao không biết đâu. Mày đi mà hỏi lục tà.
Nhỏ Khla chợt quay sang Huy, hỏi anh:
- Boòng Huy, boòng thấy lục tà nói đúng không? Lục tà đâu nói dối, phải không?
Huy ngưng giã, chống cằm lên cán chiếc chày. Anh gãi gãi đầu, rồi nhe răng cười với Khla:
- Ừ, ông ấy không nói dối đâu. Nhưng khó giải thích lắm. Em chỉ cần biết tình yêu to hơn trái đất là đúng, được chưa nào?
Lúc đó, anh cũng chỉ trả lời qua quýt vậy thôi. Nhưng giờ đây, Huy chợt cảm nhận trong câu chuyện vu vơ của hai đứa bé có một cái gì đó, như là những chân lý giản đơn. Và câu đáp của lục tà Sa Gong nữa. Có phải con người bao giờ cũng khao khát những chuyến đi xa, khao khát được biết những điều mới lạ, có phải thật sự tình yêu to hơn tất cả?
° ° °
Không đầy nửa giờ từ lúc Huy từ nhà me Sa Rinh về trại, Quân cho tập trung toàn trung đội. Anh cũng vừa lên tiểu đoàn bộ hội ý đột xuất trở về. Anh thông báo ngắn gọn:
- Phát nấu cơm, chuẩn bị cơm vắt. Tất cả chuẩn bị năm ngày gạo, đạn dược đủ cơ số. Ðúng 8 giờ tối tiểu đoàn xuất kích. Trinh sát trung đoàn đi bám phát hiện một lực lượng rất đông, đang trên đường từ biên giới ngược về nội địa theo hướng đông nam. Chúng ta sẽ tập kết ở khu vực suối Cro lanh, cách đây hơn ba mươi cây số. Hợp đồng tác chiến như sau: Hai đại đội vượt suối sang bờ bên kia, cắt ngang hướng đông đông bắc, chặn đường chạy của địch về khu rừng phía đông. Khi địch bị khối trung đoàn đuổi từ trên chạy xuống, C11 sẽ đánh chéo hông, C12 cắt bọc vu hồi. Trung đội ta sẽ phối thuộc C13 đón lõng cắt đường địch băng qua suối. Tôi phân công Già Hương và Bùi ở nhà giữ cứ, chỉ để ở nhà một khẩu AK, tất cả vũ khí trang bị còn lại mang theo tác chiến. Phân công tác chiến như cũ, phương án tác chiến loại A.
Mọi người nhanh chóng tản ra làm công tác chuẩn bị. Sau đó, họ ngồi quây lại với nhau, vừa ăn cơm chiều, vừa tán chuyện ồn ào, phấn chấn vì sắp có một trận đánh ngon lành.
Ðó là một đêm hanh nóng. Mồ hôi ướt đẫm áo những người lính ngay trong mười phút đầu sau khi xuất phát. Trăng non đã xuất hiện ở lưng trời, gieo một thứ ánh sáng lờ mờ, đục như sữa, xuống cánh trảng dọc bờ hồ, nơi họ đi qua. Ra đến cứ Tiểu đoàn một, Huy thấy một đội hình dài dằng dặc cũng đang di chuyển về hướng bắc, chéo một góc 30 độ so với hướng của Tiểu đoàn ba. Vậy là cả trung đoàn đều xuất kích. Lâu lắm rồi mới có một trận tập trung lực lượng lớn thế này, Huy thầm nghĩ.
Khoảng ba giờ sáng, tiểu đoàn đến điểm tập kết. Quyền tiểu đoàn trưởng Bảo ra lệnh các đại đội vượt suối triển khai đội hình chiến đấu, khối hoả lực cối, ÐKZ, thông tin vận tải nằm lại bên này bờ suối yễm trợ.
Crolanh là một con suối lớn. Lòng suối ở khúc hẹp nhất cũng rộng hơn hai mươi mét. Và tất nhiên, nó cũng là một con suối sâu. Ðã có một người lính tiểu đoàn một chết đuối khi hành quân vượt suối vào mùa nước lớn tháng Bảy trước đó. Dọc hai bên bờ suối, rải rác những lùm cây gai dày đặc, loại dây leo bám thân mềm nhưng rất hiểm độc này là thứ những người lính ghét cay ghét đắng, và ngán nhất. Gặp lũ dây này trên đường hành quân, chỉ có cách né chúng, vòng đường khác mà đi, giây vào chúng chỉ tổ mất thì giờ, và mất thêm một ít máu chứ chả lợi lộc gì. Dưới ánh trăng, những bụi gai khổng lồ, đen sẫm đứng lù lù như đe dọa.
Các đại đội lần lượt vượt suối,tản ra theo phương án. Ðại đội trưởng Thu bố trí trung đội 12 ly nằm chệch lên trên, giữa trung đội tám và trung đội chín ở cánh trái và trung đội bảy ở cánh phải, rải đều thành một hình cánh cung dọc theo một đoạn suối uốn lượn hình chữ Z.
Hai bên bờ suối, chạy xéo về hướng đông nam là một trảng cỏ thưa thớt trãi dài hàng chục cây số đến tận chân trời, lác đác mới có những cụm cây, bụi nhỏ thấp. Thẳng góc với bờ suối, hướng bắc, cách hơn ba trăm mét là một quảng rừng thưa. Sau khi bố trí xong đội hình trung đội, Quân nhìn một vòng bao quát địa hình, anh đi qua chỗ Thu.
- Ông Thu nè, bờ suối này quá thấp và phẳng, không có địa vật che đỡ, ông nhắc anh em đào công sự cẩn thận, nếu không địch tràn xuống rất dễ thương vong.
- Nhằm nhò gì, ông đừng lo. Mình di chuyển chứ có nằm im một chỗ đâu mà đào công sự, để anh em nghỉ ngơi để lấy sức đánh nhau tốt hơn.
- Không được đâu ông Thu. Di chuyển là khi tấn công, còn đây ta đón lõng, chủ yếu là ngăn không địch vượt qua suối. Trống trải như vầy di chuyển để phơi mình cho địch hay sao, ông nên suy nghĩ lại. Thà mệt thêm chút ít còn hơn làm đổ máu anh em một cách vô ích – Quân cố thuyết phục Thu.
Thu nhếch mép cười, lắc đầu không đáp. Anh bắt đầu hơi bực bội, nhưng dằn lòng lại vì cũng có phần nễ Quân. Thu nghĩ thầm: " Hừ, lại còn dạy đời nhau. Thằng Thu này đánh nhau hàng trăm trận, từ thằng binh nhất bò lên chức đại đội trưởng qua chiến đấu, chứ đâu phải thứ sĩ quan trường lớp hôi sữa mẹ!" Quân cảm thấy Thu có vẻ tự ái nên cũng không nói gì thêm. Anh buồn bã quay lại lệnh cho anh em trung đội đào công sự.
Ðất dọc theo bờ suối toàn một loại gan trâu, rắn như đá. Lưỡi cuốc bập mạnh vào cũng chỉ sới lên được một vạt mỏng những lớp đất rời rạc lục cục lòn hòn. Quân cùng đào với anh em. Khi họ ngưng tay, trời bắt đầu hửng sáng.
Khoảng nửa tiếng sau, khi mọi người đang ngấu nghiến nhai nắm cơm vắt chuẩn bị từ chiều hôm trước, tiếng súng bắt đầu rộ lên ở hướng Bắc, cách chừng bảy tám cây số. Ðạn B và cối pháo nổ dồn dập một lúc, rồi im lặng trở lại. Thêm khoảng nửa tiếng nữa, địch bắt đầu xuất hiện ở bìa cánh rừng thưa.
Chưa bao giờ, ngay cả lúc đánh các căn cứ lớn ở vùng biên giới, họ lại trông thấy một lúc nhiều quân địch như vậy. Hàng ngàn tay súng, lố nhố di động sau những thân cây, bụi nhỏ như một bầy kiến đông lúc nhúc, đặc cả một dãy rừng.
Mọi người không cần chờ lệnh. Ðịch sờ sờ trước mắt, họ nổ súng ngay.
Khói đạn mù mịt chẳng bao lâu đã tỏa ra phủ một vùng rộng quanh chiến địa. Ðịch bị thương vong nhiều hơn, nhưng chúng quá đông và cố mở đường chạy về đông để thoát gọng kìm của trung đoàn ở phiá trên đang dồn xuống, nên lớp này vừa gục xuống, những xác chết đã trở thành vật che chắn cho lớp sau bò lên. Quảng cách giữa hai bên ngắn dần. Phiá đại đội 13, đã có một số chết và bị thương. Cối, ÐKZ của Tiểu đoàn từ bên kia bờ suối rót qua đều huốt ra sau lưng địch, hoặc nếu hạ tầm thì lại vướng vào những bụi cây ven bờ suối.
Trận đánh kéo dài được hơn một tiếng, thế yếu ngày càng nghiêng về phiá đơn vị lính tình nguyện Việt Nam. Ðội hình của họ bị chẻ nhỏ ra, rồi lần lượt bị đánh tan tác.
Lúc này mạnh ai nấy bắn, chẳng còn hàng lối trật tự gì. Khẩu 12 ly mỗi lần khạc lửa lại quét ngã một lớp địch đang cố xông lên. Lúc đầu nổ súng, Thuận bắn. Nhưng mảnh một quả B nổ gần găm vào vai làm anh ngã quỵ. Quân vội giao khẩu AK cho Huy, đỡ Thuận ra phiá sau, rồi quay lại khẩu súng tiếp tục bắn. Huy nằm bên trái khẩu súng, giương AK vào những bóng áo xanh mờ mờ sau màn khói bắn từng loạt ngắn. Ở hai cánh của khẩu trọng liên, mấy khẩu AK còn lại của trung đội cũng đều phát hỏa. Chẳng bao lâu, địch đã phát hiện ra tọa độ của khẩu đội. Chúng tập trung mấy khẩu B vào một mục tiêu, quyết diệt cho bằng được khẩu hỏa lực lợi hại này. Những quả B nổ tung xung quanh khẩu súng. Tai Huy ù lên, đau nhói và gần như điếc đặc vì những tràng 12 ly và tiếng đạn B nổ gần. May là họ đã có công sự nên cũng đỡ hơn một tí. Nắng bắt đầu gay gắt, phóng từng luồng ánh sáng nóng chói chang xuống đầu những người lính, nhưng không ai để ý. Trong đầu họ lúc này, máu dồn lên còn nóng gấp mấy lần ánh nắng. Bụi đất bay lên mù mịt làm những người lính ho sặc sụa, cổ họng họ khô se, đắng ngắt và nghẹn lại.
Huy lia súng vào một tên địch cách anh khoảng trăm mét, khi hắn vừa nhỗm lên định phát hỏa một quả B, mấy phát đạn không trúng đích, nhưng cũng buộc tên địch thụp đầu ngay xuống nằm im thin thít. Chợt anh nghe loáng thoáng như có tiếng ai quát tháo. Anh quay sang Quân. Hình như Quân đang hét to gì đó, nhưng Huy không nghe rõ. Rồi anh thấy Quân bò về phiá sau, nơi các số đạn đang nằm nấp. Huy chợt hiểu ra là mấy thùng đạn ở trên đã hết. Quân phải bò xuống để lấy mấy dây đạn phiá sau. Huy quay về trước tiếp tục nổ súng. Anh cũng đã bắn hết bốn băng đạn lắp sẵn và gần nửa ruột tượng đạn rời, dù rất tiết kiệm. Vừa bắn, Huy vừa tranh thủ những lúc địch thụp xuống để lắp đạn rời tiếp vào băng. Lúc này, bọn địch thừa cơ khẩu trọng liên im tiếng, vừa bắn xối xả uy hiếp, vừa hè nhau xông lên áp sát. Bên tay trái Huy, một tên, bên phải Huy hai ba tên khác. Huy rút quả lựu đạn cầu ở thắt lưng ra, ghé răng cắn vào chốt và chờ đợi. Mấy tên phiá phải vừa nhoài lên đúng tầm lựu đạn, Huy bung chốt, ngưng khoảng hai giây rồi ném lên. Quả lựu đạn nổ hất ngược bọn địch về. Huy lại quay sang bắn kềm chân bọn phiá kia. Thoáng chốc, Quân bò lên tới. Quanh vai anh quấn một dây băng, hai tay kéo thêm hai thùng nữa. Vậy là tất cả số đạn còn lại trong cơ số đã mang lên – Huy thầm nghĩ. Anh không dám nghĩ tiếp. Ðạn địch vẫn cào xới, đào tung mặt đất xung quanh họ. Những bụi cỏ nhỏ, thân cây đều đã bị đạn cắt tiện hoặc băm nát hết. Quân vừa lắp xong dây đạn mới vào bệ tiếp đạn, anh nghiêng người lên đạn. Thân hình Quân chợt nẩy nhẹ lên, rồi anh gục xuống. Bên trán phiá tay phải của Quân, một dòng máu vọt ra. Còn sau ót anh, một vùng máu và óc lầy nhầy, nát bấy. Thuận đang nằm ở phiá sau cố gượng ngồi dậy, rồi quên cả vết thương ở vai, anh gào lên, nhào tới, ôm chầm lấy Quân. Ngay sau đó, anh vội buông Quân ra, chụp tay kéo lên đạn, nước mắt ràn rụa. Khẩu 12 ly rung lên, nòng súng xòe ra những chùm hoa lửa, và nóng đỏ lên, lớp bao bố ràng sau đầu ruồi bắt đầu bốc khói nghi ngút. Trong một khoảnh khắc, Huy nhìn thấy tất cả các cảnh tượng ấy. Chính anh khi đó đã gào lên, đã khóc, hay đã làm gì khác? Những hành động sau đó của Huy vượt khỏi tầm kiểm soát của trí não anh. Sau này khi nhớ lại, Huy cũng chỉ biết lúc ấy mình vẫn tiếp tục chiến đấu. Còn chiến đấu ra sao, trận chiến còn bao lâu nữa kết thúc, và họ đã trở về Cứ như thế nào, những điều sau đó như một lớp sương mù mờ mịt trong ý thức của Huy.
Nói về tình cảnh của đại đội 13 khi ấy, mọi chuyện cũng bi đát không kém. Hàng ngũ của đại đội đã rối bời. B trưởng B7 và B8 đã chết, gần hai phần ba quân số đại đội bị thương hoặc hy sinh. Những người còn sống sót cố cầm cự một cách yếu ớt, và đã dạt xuống phiá sau khẩu đội. Ðịch tràn lên từ khắp phiá, đằng trước, bên phải, bên trái, đâu đâu cũng thấy lổm ngổm những tên địch đang xông tới.
Ở một chỗ cách khẩu đội chừng trăm mét, Ðại đội trưởng Thu vai trái loang đỏ máu, đang ôm khẩu AK bắn cầm chừng. Nằm kế bên anh là một chiến sĩ thông tin, và Duy, liên lạc đại đội. Cả ba đều bị tách khỏi đội hình, bấy giờ chỉ còn chiến đấu một cách vô vọng như mấy con giun lọt vào một ổ kiến lửa hung tàn. Thu vừa bắn, vừa hét thẳng vào chiếc máy PRC 25, không còn để ý đến mật khẩu, ám hiệu gì nữa: " Mười ba bị bao vây, mười ba bị bao vây, yêu cầu chi viện khẩn.... " Câu hét của anh bị dập tắt nửa chừng. Một quả B nổ tung ngay trước mặt Thu. Sau khi lớp bụi đất và khói tan đi, trên mặt đất chỉ còn lại ba xác người xạm đen và nát bấy.
Khối tiểu đoàn bộ lúc bấy giờ đã rút về phiá sau một quảng, đang cố bắn cấp tập để giải vây, nhưng cũng chỉ ép địch được địch dạt qua một cánh, xuống khu bờ suối phiá dưới trận địa. Ðịch đã vượt qua suối được một phần ba. Số còn lại bên này bờ suối cũng không còn hăng máu đánh nhau mấy vì đã có đường thoát, chúng tranh nhau vượt suối. Tiếng súng ngớt đi, rồi một lúc sau chỉ còn tiếng cối toong đuổi theo lưng địch của tiểu đoàn.
Lực lượng của trung đoàn xuống tới trận địa chậm hơn sau đó khoảng một giờ. Họ không ngờ địch lại tập trung lại một điểm ở đó, lại càng không ngờ lực lượng đón lõng vì quá mỏng so với địch đã gần xoá sổ sạch trơn. Ðại đội 11 và 12 cũng đụng mấy nhóm nhỏ của địch dạt về hướng họ, nên đã bị cầm chân tại chỗ, không thể nào tiếp ứng.
Chiều hôm ấy, vào lúc những tia nắng cuối cùng sắp tắt, một vài người dân ở mấy phum lân cận còn nán lại trên đồng đã trông thấy một đoàn xe bò mười mấy chiếc đi ngang qua chỗ họ, kéo theo một lớp bụi xám mờ tỏa lên nền trời tím đỏ, trên mỗi xe có hai hoặc ba xác chết bộ đội Việt Nam, được phủ phiá trên bằng một tấm nylon màu xanh nhạt. Chẳng bao lâu, dân trong vùng đã biết rằng có rất nhiều lính Việt Nam chết trong một trận đánh vào buổi sáng mùa thu ấy. Họ kể chuyền cho nhau nghe, mỗi người lại thêu dệt thêm thắt những chi tiết về tính nết, vẻ mặt người này, chuyện tình người khác. Trận đánh trở thành một huyền thoại bi thương, và mỗi người dân đều tưởng chừng như mình có quen biết, thân tình với một ai đó trong số những người lính đã hy sinh.
Trong trận đánh ấy, có ba mươi chín người, kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ, đã trở thành liệt sĩ. Một trận đánh mang lại tổn thất nặng nề, cả về con người và tinh thần chiến đấu cho toàn thể trung đoàn. Rất lâu sau đó, người dân quanh vùng vẫn nhắc lại cảnh tượng ngày hôm ấy, như là một biến cố không bao giờ phai nhòa trong ký ức họ, ký ức của những cuộc đời bình lặng, với những niềm vui nỗi buồn rất bình thường, và hầu như không có gì đáng nhớ.
*****
Thấm thoắt, Huy đã trãi qua hai năm xa nhà. Từ lâu, Huy không còn cảm giác nhớ nhà da diết nữa, anh không viết thư về nhiều lắm, bốn năm tháng mới gửi một lá về thăm ba má, thăm các em. Và cũng ít nhận được thư nhà hơn. Có những lúc, Huy tưởng chừng như mình sinh ra đã là người lính, tưởng chừng như anh đã sống cuộc sống này từ rất lâu, rồi một lá thư nhà bất chợt nhắc lại cho anh nhớ còn có một gia đình ở xa kia, còn những mối dây vô hình mà bền chặt giữa anh và những người thân ở chốn quê nhà.
Trung đội có nhiều thay đổi. Quân đã hy sinh từ lâu. Lớp lính cũ như Nam Bùi, Qui,Thiện, Mợi, Già Hương, Ụ Mối đã lần lượt phục viên xuất ngũ, có thêm một số lính mới vào như Vũ, Kiên, Quang. Huy đã là người chỉ huy trung đội. Năm tháng qua đi, Huy cũng có nhiều thay đổi. Anh không còn tính nóng nảy bồn chồn, dễ buồn dễ vui như trước. Tính anh trầm lắng lại, dù bản chất vẫn như xưa. Huy là một người nhạy cảm, không phải ở ý nghĩa bình thường, mà là đặc biệt của từ này. Anh đa cảm đa sầu thái quá. Tư tưởng, nhận thức của anh đối với cuộc đời mang một vẻ vừa cổ hủ, xa xưa, vừa ngây thơ ngờ nghệch. Huy thuộc loại người mà mọi người thường gọi một cách châm biếm là "kẻ sống trên mây". Loại người như anh nhìn cuộc đời không phải với những sắc màu, đường nét thực sự của nó, mà với một màn lọc vô hình, qua đó mọi thứ mang một dáng vẻ sắc thái lãng mạn, khác thường, hoặc phức tạp hơn lên, hoặc lại bị đơn sơ hóa tuyệt đối; loại người một cách không ý thức ưa sống trong những giấc mơ hơn là thực tại.
Một thời gian dài sau khi Quân hy sinh, Huy mới nguôi ngoai, quen dần với nỗi đớn đau mất mát. Nhiều đêm, Huy nằm thao thức, nước mắt chảy dài trên má khi nghĩ tới Quân. Di vật của Quân mà Chính trị viên tiểu đoàn giao trả lại cho trung đội sau đó có một quyển nhật ký, quyển thơ có lần Huy đã được đọc, và chiếc vòng cẩm thạch. Huy đọc hai quyển sổ nhiều lần, rồi đã đốt chúng theo ý của Quân. Trong quyển nhật ký, ngay ở trang đầu, Quân ghi dòng chữ: " Nếu tôi chết, và ai đó nhặt được cuốn sổ này, xin làm ơn đốt nó giùm tôi ". Ðọc quyển nhật ký, Huy cảm thấy Quân vẫn khó hiểu và lạ lùng như những cảm giác đầu tiên mà Huy đã có với anh. Càng biết thêm nhiều về những suy tưởng của Quân, Huy càng thấy con người anh mông lung xa vời như một cái gì đó vượt khỏi tầm nhận thức. Chính bản thân Huy cũng có nhiều suy tưởng, nhưng chúng gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Còn ở Quân, chúng là những điều xa xăm, rất đỗi xa xăm. Nhưng dù gì đi nữa, trong đầu Huy, Quân vẫn là một con người đẹp đẽ. Một vì sao rực sáng trong giây lát thôi, nhưng để lại trong ký ức người trông thấy một ánh sáng diệu kỳ và tồn tại mãi.
Còn chiếc vòng, Huy mang nó ra chôn dưới đất, trước nhà mộ me Sa Rinh. Sa Piên không nhận nó, nhưng dù sao thì nó cũng đã vĩnh viễn thuộc về cô. Thôi thì để me giữ nó, và bà sẽ đưa lại cho cô một ngày nào đó, khi hồn hai người gặp nhau ở cõi chết, nếu như thật sự có cõi chết và có linh hồn. Me mất sau Quân chừng hai tháng. Buồn phiền, đau đớn vì Sa Piên, và nhất là cái chết của Quân, đã nhanh chóng cướp đi ở bà chút sức già còn lại. Hôm nghe tin me chết, Huy ngồi lặng đi, cổ họng nghẹn ngào, đầu óc mụ mị hoang mang. Anh không còn có thể khóc lên thành tiếng. Vài hôm sau khi hỏa táng me, Sa Piên bỏ nhà đi đâu không rõ, sau đó ít lâu có người bảo trông thấy cô bán nước giải khát ở một quán nhỏ trên đường liên tỉnh thị xã Batdomboong, cùng một người đàn ông đứng tuổi. Căn nhà ngày xưa êm đềm ấm áp, rộn tiếng cười nói ríu rít của Sa Piên, tiếng xe cửi quay tơ đằm đằm những chiều nắng nhạt, giờ hoang vắng lặng đi như một chốn nghĩa trang. Một hôm Huy ra thăm buk Hô, anh ngồi nhìn người đàn ông mái tóc mới đó còn đen bóng nay đã gần như bạc trắng, nhìn gương mặt âm thầm và đôi mắt buồn u uất, rướm lệ của ông mà muốn khóc theo ông. Buk ít khi rời nhà, trừ những khi ông ra ngồi hàng mấy giờ liền bên nhà mồ me. Ông ngồi bệt trên mặt đất, đầu cúi gằm, hai vòng tay ôm gối co ro như ôm nhớ thương, nuối tiếc.
Mãi lâu lắm về sau, Huy vẫn đôi khi tự hỏi lòng, những gì đã xảy ra trong quảng thời gian đó, liên hệ đến bao nhiêu số phận mà chính anh được biết, có thật sự chỉ là một sự ngẫu nhiên, hay đã được xếp đặt một cách lệch lạc, oái oăm từ một đấng siêu hình không rõ. Cuộc sống hội tụ những con người từ những xuất phát điểm rất khác nhau, kết nối họ lại trong những mối ràng buộc vô hình, rồi lại như một đợt sóng vô tình tàn bạo cuốn phăng, xóa tan đi tất cả. Cái còn lại là hồi ức - có lẽ ở người này nó bám chặt, đâm sâu như rễ của loài hoang mộc trên núi đá, nhưng ở người khác nó chỉ là một thoáng gió lướt qua. Có lúc anh lại nhủ lòng chẳng qua vì mình hay nghĩ ngợi, thêu dệt quá mà thôi. Anh cố không nghĩ về chúng, không nhớ đến chúng nữa. Nhưng đột nhiên trong một phút giây nào đó, chúng lại như một tia chớp lóe lên trong ý thức Huy, và gây cho anh một cơn đau buốt trong tim, rất chóng qua, nhưng hầu như không chịu nổi.
Huy vẫn không quên được câu nói của Quân trong buổi trưa nằm trò chuyện với nhau trên vùng biên giới, không bao giờ quên được: "... em đa cảm và mang nhiều ảo tưởng quá... em sẽ vì nó mà chịu nhiều bất hạnh...". Quân đã đoán biết được điều này do suy tưởng, do kinh nghiệm hay chỉ là một trực cảm ngẫu nhiên, Huy không thể biết chắc, anh chỉ nhận thấy lời Quân đúng một cách kỳ dị đối với bản thân anh. Càng về sau này, Huy càng có những nhận thức, nghĩ suy sâu sắc hơn đối với mọi người xung quanh, mọi sự việc, phán xét mọi điều chính xác hơn. Nhưng ngoài những gì thuộc về lý trí, trong Huy còn có những chi phối mạnh mẽ về tình cảm, sự xung đột giữa tình cảm và lý trí làm cho anh bối rối, hoang mang. Cuối cùng, thường là Huy hành động không phải theo lý trí mà là theo cảm tính - chúng vạch đường chỉ hướng cho anh, và nếu anh không theo những mệnh lệnh sâu xa của chúng, anh sẽ phải dằn vặt không yên. Lý trí chỉ đóng vai trò của một nhà phê bình lịch sử, nó sẽ phê phán, đánh giá đúng sai, nhưng chỉ là về sau, khi mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Nhiều khi Huy tự hỏi không biết có ai giống như trường hợp của anh không. Tệ hại nhất, là anh nhận thức rất rõ về yếu điểm của mình, nhưng không tài nào chối bỏ, vượt qua nó được. Hay đó cũng chỉ là một dạng tự mâu thuẩn với chính mình mà ở bất cứ người nào cũng có, dù dưới hình thức này hay hình thức khác?
--------------------------------
1 Từ lóng của lính chỉ bệ súng 12ly 7
Mùa Xa Nhà Mùa Xa Nhà - Nguyễn Thành Nhân Mùa Xa Nhà