Chương 9
Ông Phú bực bội hỏi sẵng:
- Công việc ra sao mà anh cứ đòi đắp vốn hoài vậy?
Ngồi đối diện với ông là ông Tín. Vẫn giữ nét mặt trầm tĩnh, ông chỉ vào tập tài liệu đang trải rộng trên bàn, thuyết trình:
- Khu đất này chỉ thưa thớt vài chục nóc nhà của người dân tộc sống chủ yếu bằng việc săn bắt, hái lượm. Trên tỉnh đã phê duyệt dự án mở khu nhà nghỉ cho mình rồi, chỉ trợ cấp tiền di dời, đền bù cho các hộ dân nữa là xong. Lẽ ra đã hoàn thành kế hoạch nhưng bất ngờ có mấy tên thanh niên lên thành phố làm việc, trở về nhà, thấy có khả năng kiếm thêm được nên đòi tăng khoản tiền đền bù. Muốn công việc tiến triển tốt thì phải chi thêm cho họ thôi.
Ông Phú đi qua đi lại trong phòng, trán nhăn lại, tỏ ra khó nghĩ:
- Tôi lấy danh nghĩa giám đốc để làm dự án này, không thông qua cổ đông bởi tất cả đều là người nhà. Nay phát sinh số tiền này thì phải họp bàn để lây chữ ký của mọi người chứ không thể chi vượt quá giới hạn được.
Ông Tín thận trọng góp ý:
- " Phóng lao thì phải theo lao", không thể bỏ dỡ giữa chừng được. Trước đây, vùng đất ấy chỉ là nơi " chó ăn đá, gà ăn muối" chẳng ai ngó ngàng. Từ khi mình đặt vấn đề khai thác để làm du lịch thì thiên hạ ùn ùn dòm ngó, định phổng tay trên. Bây giờ mình bỏ ngang thì họ nhảy vào ngay, cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng- ngon ăn quá rồi còn gì-!
Đứng phắt lại, ông Phú chém mạnh tay vào không khí, nói dứt khoát:
- Không đời nào có chuyện tôi nhả ra cho đứa nào ăn hết! Cậu cứ tiếp tục đàm phán rồi báo kết quả cho tôi hay. Việc ở đây, tôi sẽ tự xoay xở.
Ông Tín xếp giấy tờ lại rồi chào ra về.
Ra đến ngoài cổng, ông gặp Mỹ Trang đi vào. Cô mừng rỡ cất tiếng chào đầy thân thiết:
- Chú khỏe chứ? Lúc này con ít gặp chú quá.
Tình cảm của cô giành cho người đàn ông này rất đổi chân thành vì ông chính là ông Bụt đã giơ chiếc đũa thần lên, hóa phép làm biến đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Ông Tín cũng tỏ thái độ thân ái với cô, tươi cười đáp:
- Chú làm việc ngoài tỉnh nên con không thấy chú là phải rồi.
Mỹ Trang vô tư hỏi:
- Vậy bữa nay chú về chơi hay có việc?
Sợ nói nhiều lộ chuyện, ông Tín đáp nhanh:
- Về nhờ giám đốc ký một số giấy tờ. Chú đi nhé.
Mỹ Trang vẫy tay theo cho đến lúc ông chạy xe khuất dạng rồi mới đi lên lầu, gõ cửa phòng giám đốc.
Trông thấy cô cháu gái, ông Phú nhíu mày, ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì mà con tới đây kiếm chú vậy? Sao không chờ về nhà rồi nói?
Ngồi xuống ghế, Mỹ Trang nôn nóng nói luôn:
- Chú Ba cho con rút một số tiền lớn được không?
Ông Phú dè dặt hỏi:
- Khoảng bao nhiêu?
Mỹ Trang giơ ba ngón tay.
Ông Phú ngạc nhiên hỏi:
- Ba trăm triệu hả?
Mỹ Trang lắc đầu, nói rõ lại:
- Ba tỉ!
Mắt trợn tròn, ông Phú hốt hoảng hỏi:
- Làm gì mà nhiều vậy?
Mỹ Trang thốt:
- Quán trà sữa đang kinh doanh rất tốt mà chủ nhà muốn đòi lại để bán. Con muốn mua luôn cho rồi, vừa đỡ tiền thuê mặt bằng, lại vừa ổn định.
Ông Phú tìm cách trì hoãn:
- Có cần hao tốn vậy không? Mướn chỗ khác cũng được vậy. Bỏ mấy tỉ ra đâu phải chuyện đùa hả con?
Mỹ Trang nói một cách dứt khoát:
- Con tính kỹ rồi. Thà tốn một lần còn hơn cứ rĩ rã hao hớt. Mình có sẵn tiền trong tay thì bỏ ra, lo gì hả chú?
Im lặng một lúc rồi ông Phú bảo cô:
- Con về trước đi, chú sắp xếp mấy ngày mới đưa tiền cho con được. Số tiền lớn như vậy, đâu phải vừa nói là có liền được.
Mỹ Trang hỏi gặng cho chắc ăn:
- - Khoảng mấy ngày thì có để con hẹn với chủ nhà?
Giọng ông Phú có vẻ bẳn gắt:
- Hễ có thì tao đưa chứ giữ của mày làm gì!
Mỹ Trang về rồi, ông ôm đầu ngồi lặng một lúc lâu rồi đột ngột bấm số điện thoại của bà Hồng Cúc, nói vào máy:
- Chị Hai có rảnh không? Em mời chị đi ăn món Hồng kông rồi bàn chuyện một chút nhé.
Buông máy xuống, những nếp nhăn trên trán ông đã giãn bớt.
ØË×
Xuất hiện ở nhà hàng với trang phục đen tuyền càng làm nổi bật nước da trắng và nét đẹp lạnh băng của người góa phụ tuổi năm mươi, bà Hồng Cúc ngồi xuống ghế, nói ngay với em chồng:
- Chú hẹn tôi ra đây là có việc khẫn không thể nói ở nhà chứ không vì tình cảm chị em muốn giúp bà góa này vơi bớt nỗi buồn vì phải chôn chân suốt ngày trong biệt thự, đứng không?
Ông Phú cười gượng:
- Em vẫn thường khen chị Hai rất sắc sảo, nhìn xa trông rộng chứ không thưa thớt như những phụ nữ khác. Anh Hai được người vợ như chị thật có phước!
Nhếch nụ cười chua chát, bà Hồng Cúc giơ tay ngăn lại:
- Thôi đủ rồi, không cần tán tụng lấy lòng tôi như thế đâu! Nếu anh chú thấy vậy thì đâu dang díu với một đứa tanh hôi mùi phèn để sanh ra cái giống lạc loài đó chứ?
Âm thanh của bà chợt cao vút, biểu lộ nỗi căm hận tột cùng giành cho mẹ con tình địch,-điều mà bà phải cố ghìm nén khi sống trong bốn bức tường của biệt thự và dưới cặp mắt dò xét của những thân quyến thuộc gia đình chồng-.
Dù có chủ đích khi khôn khéo khơi gợi mối bất hòa giữa mẹ ghẻ- con chồng nhưng chứng kiến thái độ dữ dội của người chị dâu thì ông Phú cũng phải rùng mình, quay đi không dám nhìn.
Là người biết tự chủ và khôn khéo, bà Hồng Cúc mau chóng lấy lại trạng thái bình thường, uống một hớp bia rồi khẽ hất đầu, hỏi vắn tắt:
- Chú cần gì, nói nhanh lên. Nếu có kẻ nhìn thấy cảnh chúng ta cùng ngồi ăn thế này thì không hay lắm đâu.
Hiểu sự đề phòng của bà là hợp lý, ông Phú nhanh chóng nói luôn:
- Mỹ Trang đòi rút ba tỉ để mua nhà. Chị nghĩ sao?
Bà Hồng Cúc lãnh đạm đáp:
- Tiền của ba nó để lại thì nó có quyền sữ dụng. Chú hỏi tôi làm gì?
Cố hết sức để giữ vẻ mặt bình thản, ông Phú nêu lý do:
- Em lo là nó nghe người ngoài xúi khôn xúi dại, âm mưu chuyển tiền bạc của họ Kim về tay họ đó chứ. Anh Hai không còn nhưng vẫn có chị. Không lẽ nào chị để bọn họ vừa được ăn, vừa được cười vào mặt gia đình mình sao?
Bà Hồng Cúc nhíu mày, tỏ ý nghi hoặc:
- Ý chú là nó muốn tẩu tán tài sản về cho má nó, đúng không?
Ông Phú lập tức xác nhận:
- Đúng vậy! Em chỉ lo là công sức tích góp cả đời của anh Hai tạo dựng nên, giờ để người ngoài hưởng hết thì đau lòng quá.
Bị điểm trúng huyệt, bà Hồng Cúc cười khẩy, hằn học thốt lên:
- Không bao giờ tôi để chuyện đó xảy ra. Phải chi con mụ đó ở vậy nuôi con thì còn châm chước được, đàng này lại lòi ra mấy giòng con. Thứ lăng loàn trắc nết đó đừng hòng hưởng một thứ gì của anh Đạt hết!
Thấy mưu kế của mình đã thành công, ông Phú mừng quýnh, vội vã bơm thêm vào:
- Em phải nói riêng với chị để chị có ý kiến với gia đình, chứ ba cưng chìu nó lắm, muốn gì ba cũng đồng ý. Vợ chồng út Hạnh thì giữ ý, không can thiệp. Rốt lại chỉ còn mình em, mà cái thế của em lại rất tế nhị, không thể công khai phản đối được.
Bà Hồng Cúc mạnh mẽ khẳng định:
- Còn một hơi thở thì tôi còn bảo vệ tài sản cho gia đình, không để suy suyển chút nào hết. Chú khỏi lo gì hết!
Giấu nụ cười đắc thắng, ông Phú đưa đẩy:
- Em vẫn biết chị là người vợ hiền của anh Hai mà. Dù anh trai em còn sống hay mãn phần thì chị vẫn chu toàn bổn phận với gia đình chồng.
Uống cạn ly bia, bà Hồng Cúc khoát tay đoan chắc:
- Con ranh đó " ngựa non háu đá", rồi sẽ biết thế nào là lễ độ!
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ