Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Mù Lòa
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 9
H
ọ mặc áo đi giày, điều họ vẫn chưa giải quyết được là tắm gội, nhưng họ nom đã khá khác với những người mù khác, màu sắc áo quần của họ hài hòa dù tương đối ít màu để chọn, vì như người ta thường nói, liệu cơm gắp mắm (Tạm dịch từ câu: The fruit is hand-picked) hài hòa nhờ lợi thế có người tại chỗ để khuyên mình, Cô mặc cái này, nó hợp với cái quần đó hơn, sọc không chướng với đốm chàm, đối với đàn ông, tất nhiên, các chi tiết đại khái như thế chả thấy khác biệt chút nào, nhưng cả cô gái đeo kính đen và vợ người đàn ông mù đầu tiên nhất định đòi biết màu và kiểu họ đang mặc, để trí tưởng tượng của họ có thể hình dung họ nom ra sao. Còn giày dép, mọi người đều đồng ý rằng nên thoải mái hơn là đẹp, không dây buộc rắc rối hay cao gót, không da dê hay hàng hiệu, với tình trạng đường phố thế này thì thời trang tao nhã là lố bịch, thứ họ cần ở đây là ủng cao su, hoàn toàn không thấm nước và cao lên đầu gối, dễ xó vào cởi ra, bước trong bùn lầy không có giày nào tốt hơn. Xui xẻo thay, ủng loại này không có cho mọi người, không tìm thấy đôi ủng nào vừa đứa bé mắt lác, chẳng hạn, cỡ lớn thì như chiếc ghe đôi với nó, vì thế nó phải chịu đi đôi giày thể thao không rõ dành cho môn nào, Thật là tình cờ, mẹ nó sẽ nói, bất kỳ bà ở đâu, khi người ta kể cho bà chuyện xảy ra, đó đúng là đôi giày con tôi sẽ chọn nếu nó có thể thấy. Ông già đeo miếng vải đen che mắt có bàn chân lớn, giải quyết vấn đề bằng cách đi đôi giày chơi bóng rổ, làm đặc biệt cho các vận động viên cao một mét tám và có bàn chân tương xứng. Quả thật ông nom hơi tức cười, như thể ông đang đi đôi dép trắng, nhưng ông sẽ nom buồn cười chỉ một lúc thôi, trong vòng mười phút đôi giày sẽ bẩn, như mọi thứ trên đời, hãy để thời gian diễn biến và nó sẽ tìm ra giải pháp.
Trời đã tạnh mưa, không còn người mù đứng há hốc miệng. Họ đi loanh quanh vô định, họ lang thang qua các phố, nhưng chẳng bao giờ đi lâu, đi hay đứng đối với họ như nhau, họ không có mục đích nào khác hơn là tìm thực phẩm, âm nhạc đã ngưng, chưa bao giờ thế giới lại im lặng như vậy, các rạp xi-nê và hí viện chỉ có người vô gia cư đã bỏ cuộc tìm kiếm, một số nhà hát, những rạp lớn, đã được dùng để giữ người mù cách ly khi Chính quyền, hay vài kẻ sống sót, còn tin rằng bệnh mù trắng có thể chữa trị được bằng các phương kế và chiến lược nào đó đã vô hiệu quả trong quá khứ khi dùng để chữa bệnh sốt vàng và các bệnh dịch khác, nhưng tất cả đã chấm dứt, thậm chí chả cần một ngọn lửa. Còn các viện bảo tàng, thật đau lòng, tất cả những người đó, và nhấn mạnh là người, tất cả các bức tranh đó, tất cả các pho tượng đó, không còn khách viếng thăm nào đứng trước họ. Người mù trong thành phố này chờ đợi gì, nào ai biết, họ có thể đang đợi một phương thuốc nếu họ còn tin tưởng, nhưng họ hết hy vọng khi công chúng biết rằng dịch mù đã không chừa một ai, không một người nào còn thấy để nhìn qua kính hiển vi, phòng thí nghiệm bị bỏ phế, nơi không có giải pháp nào khác cho các vi khuẩn ngoài việc ăn lẫn nhau nếu chúng hy vọng sống sót. Lúc đầu, nhiều người mù đi theo thân quyến, dạo ấy họ còn giữ ý thức đoàn kết gia đình, họ vẫn chạy tới các bệnh viện, nhưng ở đó họ chỉ gặp các bác sĩ mù bắt mạch bệnh nhân họ không thấy, nghe trước ngực sau lưng, họ chỉ làm được đến thế, vì họ vẫn còn thính giác. Rồi khi cảm thấy đói dằn vặt, bệnh nhân nào còn có thể bước bắt đầu trốn khỏi bệnh viện, rốt cuộc họ chết không được ai bảo vệ trên đường phố, không rõ gia đình họ ở đâu để gọi chôn họ, nếu họ còn gia đình, và khi ấy, dù chưa nhiều để người ta tình cờ vấp phải, xác họ đã bắt đầu bốc mùi, và ngay cả khi ấy, họ chỉ được chôn nếu họ chết trên một số phố chính. Thảo nào có nhiều chó như thế nhiều con đã giống như chó rừng, đốm trên bộ lông của chúng nom như thối rữa, chúng cụp đuôi chạy quanh, như sợ người chết và người bị ăn thịt có thể sống lại để bắt chúng trả giá cho tính xấu đã cắn kẻ không thể tự vệ. Thế giới dạo này thế nào, ông già đeo miếng vải đen che mắt hỏi, và vợ bác sĩ đáp, Chẳng có gì khác giữa bên trong và bên ngoài, giữa nơi này và nơi kia, giữa nhiều và ít, giữa những gì chúng ta đang trải qua và những gì chúng ta sẽ phải trải qua, Còn người ta, làm sao họ thích nghi, cô gái đeo kính đen hỏi, Họ đi loanh quanh như bầy ma, chắc ma quỷ là nghĩa như vậy, họ biết chắc rằng còn sống, vì bốn giác quan của họ chứng tỏ như thế, nhưng không thể thấy, Ngoài đó có nhiều xe không, người đàn ông mù đầu tiên hỏi, ông không thể quên xe ông đã bị mất cắp, Giống như nghĩa địa. Bác sĩ cũng như vợ người đàn ông mù đầu tiên không hỏi câu nào, để làm gì, khi các câu trả lời là như thế. Còn đứa bé mắt lác, nó hài lòng vì đi đôi giày nó vẫn luôn mơ ước và thậm chí nó chả buồn vì không thể nhìn thấy giày. Có lẽ vì thế nó không giống một con ma. Còn con chó của nước mắt, nó theo sau vợ bác sĩ, không đáng bị gọi là chó rừng, nó không đi theo mùi thịt thối, nó đi theo đôi mắt mà nó biết là còn tốt và lành lặn.
Nhà của cô gái đeo kính đen không xa lắm, nhưng sau khi bị đói một tuần, đến giờ những người trong nhóm này mới bắt đầu hồi phục sức khỏe, vì thế họ bước rất chậm, nếu muốn nghỉ họ không có cách nào khác hơn là ngồi xuống đất, chịu khó chọn màu và kiểu là phí công khi chả bao lâu áo quần họ đã bẩn. Nơi cô gái đeo kinh đen sống, đường phố vừa ngắn vừa hẹp vì thế ở đây không thấy ô tô, xe chỉ có thể chạy một chiều, nhưng không có chỗ đậu, cấm đậu. Cũng chả có gì ngạc nhiên nếu không thấy người, trên những khu phố như thế này, nhiều lúc trong ngày không có một bóng người, Nhà cô số mấy, vợ bác sĩ hỏi, Số bảy, tôi sống trên tầng hai ở căn bên trái. Một trong các cửa sổ mở, vào lúc nào khác đó là dấu hiệu hầu như có người ở nhà, giờ đây mọi việc đều mơ hồ. Vợ bác sĩ nói, Không cần tất cả mọi người lên, hai chúng tôi đi một mình, còn lại đợi bên dưới. Bà thấy cửa trước dẫn ra đường bị phá, ổ khóa hẳn đã bị bẻ, một mảnh gỗ dài gần như bung khỏi trụ cửa. Vợ bác sĩ không nhắc gì tới điều này. Bà để cô gái đi trước vì cô biết lối, cô không nề hà bóng tối cầu thang. Giữa lúc vội vàng lo lắng, cô gái đeo kính đen vấp hai lần, nhưng cười xòa, Thử tưởng tượng xem, tôi thường nhắm mắt lên xuống cầu thang cũng được, sáo ngữ là vậy, nó phớt lờ hàng ngàn ý nghĩa tinh tế chẳng hạn, câu nói này không biết nhắm mắt khác với mù thế nào. Trên đầu cầu thang tầng hai, cánh cửa họ tìm bị đóng. Cô gái đeo kính đen lần tay theo khung cửa cho tới khi tìm thấy chuông, vợ bác sĩ nhắc cô, Không có đèn, và cô gái hiểu ba chữ này chỉ nhắc lại tin xấu mọi người đã biết. Cô gõ cửa, một lần, hai lần, ba lần, lần thứ ba dùng nắm tay đập mạnh và gọi, Mẹ ơi, ba ơi, nhưng không ai ra mở cửa, những chữ âu yếm này không làm mủi lòng thực tế, chẳng ai ra bảo cô, Con gái cưng à, rốt cuộc con đã về, ba mẹ đã hết hy vọng nhìn thấy con lần nữa, vào đi, vào đi, bà bạn con đây cũng vào luôn, nhà hơi bừa bộn, đừng để ý, cửa vẫn đóng. Ở đây không có ai, cô gái đeo kính đen nói, rồi dựa vào cửa bật khóc, đầu cô tì trên cánh tay bắt tréo, như thể cô đang tuyệt vọng cầu xin thương hại bằng cả thân mình, nếu chúng ta chưa đủ kinh nghiệm hiểu sự phức tạp của tâm hồn con người, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy cô yêu mến cha mẹ tới mức cho phép mình bày tỏ nỗi buồn này, một cô gái có lối sống tự do lại chẳng khác gì một kẻ đã quả quyết là không có hay chưa hề có mâu thuẫn nào giữa lòng hiếu thảo với lối sống tự do. Vợ bác sĩ cố an ủi cô, nhưng không biết nói gì, hẳn nhiên hoàn cảnh không cho phép người ta ở lâu trong nhà, bà đề nghị, Chúng ta có thể hỏi thăm hàng xóm nếu còn ai, Vâng, mình đi hỏi, cô gái đeo kính đen nói, nhưng giọng cô chẳng có chút hy vọng. Trước tiên họ gõ cửa nhà đối diện, nơi đó cũng không có ai trả lời. Cửa hai căn tầng trên mở. Các căn hộ đã bị lục lọi, tủ áo trống trơn, trong tủ thức ăn chẳng còn gì. Có dấu hiệu có người vừa mới ở đây, hẳn là một nhóm phiêu bạt, ít nhiều giống như họ lúc này, lang thang từ nhà này sang nhà khác, từ thiếu vắng sang thiếu vắng.
Họ xuống tầng trệt, vợ bác sĩ gõ cánh cửa gần nhất, vẫn lặng im như trông đợi, rồi một giọng cộc cằn hỏi một cách ngờ vực, Ai đó, cô gái đeo kính đen bước tới, Tôi đây, hàng xóm trên lầu của bà, tôi tìm cha mẹ tôi, bà có biết tôi có thể tìm nơi nào không, chuyện gì xảy ra cho họ, cô hỏi. Họ nghe tiếng chân lết, cửa mở và một bà cụ nom dữ tợn xuất hiện, chẳng còn gì ngoài da bọc xương, hốc hác, mái tóc dài trắng của bà rối bời. Mùi ẩm mốc buồn nôn và mùi thối rữa khó tả khiến hai người phụ nữ lùi lại. Bà cụ mở to mắt, cặp mắt hầu như trắng dã, Tôi không biết gì về cha mẹ cô, người ta đến tìm họ sau hôm cô bị bắt đi, lúc đó tôi còn thấy, Trong tòa nhà này còn ai không, Thỉnh thoảng tôi nghe người ta lên xuống thang, nhưng họ là người ngoài và chỉ vào đây để ngủ, Còn cha mẹ tôi thì sao, Tôi đã kể cho cô là tôi không biết gì về họ, Còn chồng bà, con trai và con dâu bà, Người ta cũng bắt đi luôn, Nhưng tại sao để bà lại, Vì tôi trốn, Ở đâu, Tưởng tượng xem, trong căn hộ của cô, Làm sao bà vào, Đi lối sau rồi lên thang cứu hỏa, tôi đập kính cửa sổ rồi mở cửa cái từ bên trong, chìa trong ổ khóa, Làm sao từ đó tới nay bà xoay xở sống hoàn toàn một mình trong căn hộ của bà, vợ bác sĩ hỏi, Ai đó nữa, bà cụ quay đầu sửng sốt hỏi, Bà ấy là bạn tôi, bà ấy cùng nhóm với tôi, cô gái đeo kính đen trấn an bà, Không phải chỉ vấn đề sống một mình, còn thực phẩm thì sao, suốt từ dạo đó tới nay làm sao bà xoay xở có thức ăn, vợ bác sĩ cố hỏi, Sự thật là tôi chả dại và tôi hoàn toàn có thể tự lo lấy thân, Nếu không muốn thì xin bà đừng nói, tôi chỉ tò mò, Thế thì tôi sẽ kể cho cô, đầu tiên tôi đi một vòng tất cả các căn hộ và gom hết thức ăn tôi có thể tìm thấy, cái gì có thể hỏng tôi ăn ngay, còn lại tôi giữ, Bà còn lại chút nào không, cô gái đeo kính đen hỏi, Không, hết rồi, bà cụ trả lời với vẻ chợt ngờ vực trong cặp mắt mù của bà, một cách nói thường dùng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng vô căn cứ, vì cặp mắt, nói một cách chính xác, con ngươi không diễn tả, ngay cả khi bị móc ra, nó là hai vật tròn trơ trơ, mà chính mí mắt, lông mi và lông mày phải đảm nhiệm các việc hùng biện và diễn tả thị giác khác nhau, tuy việc này vẫn thường gán cho cặp mắt, Vậy bây giờ bà sống bằng gì, vợ bác sĩ hỏi, Thần chết rình rập ngoài phố, nhưng sự sống vẫn tiếp tục trong vườn sau, bà cụ nói một cách bí ẩn, Cụ nói gì, Vườn sau có cải bắp, thỏ, gà mái, có cả hoa, nhưng hoa không ăn được, Làm sao cụ thích ứng, Tùy thôi, khi này tôi hái cải bắp, khi khác tôi giết con thỏ hay con gà, Rồi ăn sống, Lúc đầu tôi đốt lửa, rồi tôi quen dần với thịt sống, còn cọng cải bắp thì ngọt, các cô đừng lo, con gái của mẹ tôi sẽ không chết đói. Bà lùi lại hai bước, hầu như biến mất vào bóng tối của căn nhà, chỉ còn cặp mắt trắng của bà lấp lánh, rồi bà nói từ bên trong, Nếu cô muốn vào căn hộ của cô thì cứ việc, tôi không cản. Cô gái đeo kính đen định nói không, cảm ơn bà nhiều, không đáng, để làm gì, nếu cha mẹ tôi không ở đó, nhưng cô bỗng muốn thấy phòng mình, thấy phòng mình, thật ngốc nghếch, nếu ta mù, ít nhất sờ các vách tường, vải trải giường, chiếc gối ta thường đặt cái đầu cuồng dại của mình, bàn ghế, có lẽ trên tủ ngăn kéo vẫn còn hoa trong chiếc lọ cô nhớ, trừ phi bà cụ đã ném nó xuống sàn, bực mình vì hoa không ăn được. Cô nói, Vâng, nếu cụ không phiền, tôi xin phép, cụ tử tế quá, Vào đây, vào đây, nhưng đừng mong tìm được thức ăn, tôi có chả đủ cho tôi, vả lại chẳng ích gì cho cô trừ phi các cô thích thịt sống, Đừng lo, chúng tôi có thức ăn, À, các cô có thức ăn, thế thì các cô có thế trả ơn tôi và để lại cho tôi một ít, Chúng tôi sẽ cho cụ thức ăn, đừng lo, vợ bác sĩ nói. Họ bước qua hành lang, mùi hôi thối trở nên không chịu nổi. Trong bếp, ánh vàng vọt bên ngoài rọi vào lờ mờ, dưới sàn có da thỏ, lông gà, xương, và trên bàn cái đĩa bẩn đầy máu khô có mấy miếng thịt không thể nhận diện như đã bị nhai đi nhai lại, Còn thỏ và gà thì chúng ăn gì, vợ bác sĩ hỏi, Cải bắp, cỏ dại, thức ăn thừa, bà cụ nói, Cụ bảo gà và thỏ ăn thịt, Thỏ chưa ăn, nhưng bọn gà mái thích lắm, thú vật cũng như người, cuối cùng chúng sẽ quen hết. Bà cụ đi vững vàng, không loạng choạng, bà dời cái ghế tránh lối như thể bà thấy, rồi chỉ cánh cửa dẫn tới thang thoát hiếm, Qua chỗ này, cẩn thận đừng trượt chân, tay vịn không chắc lắm đâu, Còn cánh cửa thì sao, cô gái đeo kính đen hỏi, Cô chỉ phải đẩy cửa, tôi có chìa khóa, nó đâu đây, Chìa của tôi, cô gái định nói, nhưng ngay lúc ấy cô nghĩ rằng chìa khóa này vô ích cho cô nếu cha mẹ cô, hay người thay họ, đã lấy đi các chìa khác, các chìa khóa cửa trước, cô không thể xin người hàng xóm này cho phép cô đi ngang mỗi lần cô muốn ra vào. Cô cảm thấy tim mình hơi nhói, có thể vì cô sắp vào căn nhà của chính mình và khám phá ra rằng cha mẹ cô không còn ở đó, hay vì bất kỳ lý do nào khác.
Gian bếp sạch và gọn, bụi trên bàn ghế không quá nhiều, một lợi điểm nữa của mùa mưa này, như đã làm cải bắp và cỏ xanh mọc lên, thật vậy, nhìn từ trên cao, mấy mảnh vườn sau làm vợ bác sĩ tưởng như những khu rừng thu nhỏ, Bầy thỏ có thể tự do chạy quanh không nhỉ, bà tự hỏi, chắc không, chúng vẫn bị nhốt trong chuồng thỏ đợi bàn tay mù đó mang cho lá cải bắp rồi túm lấy tai và lôi ra lúc chúng còn giãy giụa, trong khi bàn tay kia chuẩn bị một cú đập mù sẽ làm gãy cột sống gần sọ. Ký ức của cô gái đeo kính đen đã dẫn cô vào căn hộ, giống như bà cụ tầng dưới không vấp hay ngập ngừng, giường của cha mẹ cô không được dọn, người ta chắc đã tới bắt họ vào lúc sáng sớm, cô ngồi xuống giường rồi khóc, vợ bác sĩ đến ngồi bên cạnh và bảo cô, Đừng khóc, bà có thể nói gì khác hơn, nước mắt có nghĩa gì khi thế gian đã mất mọi ý nghĩa. Trong phòng cô gái, lọ thủy tinh trên tủ ngăn kéo cắm hoa đã héo, nước đã bay hơi, đôi tay mù của cô tự đi tìm, ngón tay cô lướt trên các cánh hoa rụng, đời sống mong manh làm sao khi nó bị bỏ rơi. Vợ bác sĩ mở cửa sổ, bà nhìn xuống đường, họ còn đó cả, ngồi trên mặt đất, kiên nhẫn đợi, con chó của nước mắt là sinh vật duy nhất ngửng đầu, lanh lợi nhờ thính giác nhạy bén của nó. bầu trời lại u ám, bắt đầu tối lại, đêm đang về gần. Bà nghĩ hôm nay họ không cần đi tìm chỗ trú nào để ngủ, họ sẽ ở lại đây. Bà cụ sẽ không hài lòng lắm nếu mọi người bắt đầu nặng bước qua nhà bà, bà lẩm bẩm. Đúng lúc đó, cô gái đeo kính đen chạm lên vai bà, nói, Chìa khóa trong ổ khóa, người ta không lấy đi. Vấn đề, nếu có, vì thế được giải quyết, họ sẽ không phải chịu sự càu nhàu của bà cụ tầng trệt, Tôi sẽ xuống gọi họ, trời sắp tối, may thật, ít nhất hôm nay chúng ta có thể ngủ trong một căn nhà tử tế với mái che trên đầu, vợ bác sĩ nói, Bà và chồng bà có thể ngủ trên giường cha mẹ tôi, Mình sẽ tính sau, Tôi là người ra lệnh ở đây, tôi đang ở trong nhà tôi, Cô nói đúng, tùy cô, vợ bác sĩ ôm cô gái, rồi xuống tìm mấy người kia. Leo thang lầu, tíu tít vì hân hoan, thỉnh thoảng vấp trên các bậc thang dù đã được người hướng dẫn của họ bảo, Mỗi dãy thang có mười bậc, như thể họ đến thăm. Con chó của nước mắt lặng lẽ theo họ như đây là chuyện xảy ra hàng ngày. Từ đầu cầu thang, cô gái đeo kính đen nhìn xuống, thói quen khi có người đi lên, để biết là ai nếu đó là người lạ, hay để mở lời chào đón nếu họ là bạn, trong cảnh ngộ này không cần cặp mắt để biết ai đang đến. Mời vào, mời vào, cứ tự nhiên. Bà cụ tầng trệt đã ra cửa nhà bà để soi mói, bà nghĩ đám này là một trong số bọn du thủ du thực tới để ngủ, bà không sai, bà hỏi, Ai đó, cô gái đeo kính đen từ trên trả lời, Nhóm của tôi, bà cụ sửng sốt, làm sao cô ta có thể ra đầu thang, rồi bà chợt hiểu và bực mình vì đã quên rút chìa khóa cửa trước, như thể bà mất quyền sở hữu tòa nhà này nơi bà là người cư ngụ duy nhất trong nhiều tháng. Bà không tìm thấy cách nào để bù đắp cho sự bực dọc bất thần của mình hơn là vừa nói, vừa mở cửa, Nhớ đấy nhé, cô nói cô sẽ cho tôi một ít thức ăn, đừng quên lời hứa của cô. Và vì vợ bác sĩ cũng như cô gái đeo kính đen, một người bận hướng dẫn người đang đến, người kia đang đón họ, không ai trả lời, bà kích động hét lên, Có nghe tôi không, một lỗi lầm về phía bà, vì con chó của nước mắt đúng lúc đó đi ngang bà, chồm lên bà và bắt đầu sủa dữ tợn, cả lòng cầu thang vang dội tiếng sủa, thật đúng lúc, bà cụ hoảng sợ rít lên và chạy vào căn hộ của bà, đóng sập cửa lại sau lưng, Mụ phù thủy đó là ai, ông già đeo miếng vài đen che mắt hỏi, chúng ta nói những lời này khi chúng ta không biết tự nhìn mình, phải chi ông sống như bà đã sống, chúng ta sẽ muốn thấy tính văn minh của ông sẽ còn giữ được bao lâu.
Không có thức ăn nào ngoài các món họ mang theo trong bao, họ phải tằn tiện tới mẩu cuối cùng, còn về ánh sáng, họ rất may mắn tìm thấy hai cây nến cất trong tủ bếp để dùng mỗi khi xảy ra cúp điện và vợ bác sĩ thắp lên cho riêng bà hưởng, người khác không cần nó, họ đã có một ngọn đèn trong đầu, mạnh tới nỗi làm họ mù. Mặc dù khẩu phần đạm bạc là tất cả những gì nhóm nhỏ này có, nhưng nó hóa ra như một bữa tiệc gia đình, một trong các bữa tiệc hiếm hoi khi thức ăn của một người là của mọi người. Trước khi họ ngồi vào bàn, cô gái đeo kính đen và vợ bác sĩ đi xuống tầng dưới, họ đi làm tròn lời hứa của họ, nếu không nói là đúng ra họ đi thỏa mãn một yêu sách, trả bằng thức ăn cho lối đi qua căn nhà hải quan đó. Bà cụ tiếp họ, càu nhàu và gắt gỏng, chỉ có phép lạ con chó khôn khiếp đó mới không ăn tươi nuốt sống bà, Các cô phải có nhiều thức ăn lắm mới có thể nuôi con thú đó, bà nói bóng gió, như thể trông đợi qua lời nhận xét vạch trần này sẽ gợi lên trong hai sứ giả cái mà chúng ta gọi là lòng thương hại, thật sự họ đang nói với nhau, bỏ một bà cụ đáng thương chết đói trong khi một con chó ngu xuẩn được ngốn thức ăn thừa là vô nhân đạo. Hai phụ nữ không quay lại để đem thêm thực phẩm, họ đã mang một phần thịnh soạn rồi, nếu chúng ta xét tới hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hiện nay, và cũng lạ, chẳng rõ bà cụ tầng dưới đánh giá tình hình thế nào rồi quay vào tìm chìa khóa cửa sau, nghĩ cho cùng, bà dường như ít thâm hiểm hơn ta tưởng, bà bảo cô gái đeo kính đen, Cầm lấy, chìa này của cô, và như chưa đủ, lúc đóng cửa bà vẫn còn lẩm bẩm, Cảm ơn nhiều. Sửng sốt, hai phụ nữ trở lại tầng trên, hóa ra mụ phù thủy già cũng có cảm xúc, Bà ấy không phải là người xấu, sống bấy lâu một mình chắc đã làm bà ấy mất thăng bằng, cô gái đeo kính đen nhận xét mà có vẻ không nghĩ mình đang nói gì. Vợ bác sĩ không trả lời, bà quyết định sẽ bàn đến sau, khi mọi người khác đã lên giường, có người đã ngủ, và hai người đàn bà ngồi trong bếp như mẹ và con gái cố gom sức để làm các việc phải làm quanh nhà, vợ bác sĩ hỏi, Còn cô, bây giờ cô định làm gì, Chẳng làm gì cả, tôi sẽ đợi ở đây tới khi cha mẹ tôi về, Một mình và mù, Tôi đã quen với bị mù, Còn hiu quạnh thì sao, Tôi sẽ phải chấp nhận nó, bà cụ tầng dưới cũng sống một mình, Cô đâu muốn trở thành như bà ấy, ăn cải bắp và thịt sống, nếu còn, các tòa nhà quanh đây hình như chẳng còn ai, cô và bà ấy sẽ là hai người đàn bà ghét lẫn nhau vì sợ thực phẩm có thể hết, mỗi cọng rau cô hái sẽ như lấy mất khỏi miệng của người kia, cô không thấy người đàn bà đáng thương đó, cô chỉ ngửi thấy mùi hôi thối từ căn hộ của bà ấy, tôi cam đoan với cô rằng ngay cả chỗ lúc trước chúng ta ở cũng không kinh tởm như thế, Không sớm thì muộn, chúng ta đều sẽ như bà ấy, rồi khi đó mọi việc sẽ kết thúc, sẽ không còn sự sống, Trong khi đó, chúng ta vẫn sống, Này, bà biết hơn tôi rất nhiều, so với bà, tôi chỉ là một con ngốc, nhưng theo ý tôi thì chúng ta đã chết, chúng ta mù vì chúng ta đã chết, hay nếu bà muốn tôi nói một cách khác, chúng ta chết vì chúng ta mù, đằng nào cũng vậy, Tôi còn có thể thấy, May cho bà, may cho chồng bà, cho tôi, cho mấy người kia, nhưng bà không biết bà sẽ còn thấy bao lâu nữa, nếu bà hóa mù bà sẽ như chúng tôi, tất cả chúng ta rốt cuộc sẽ như bà hàng xóm bên dưới, Hôm nay là hôm nay, ngày mai sẽ có việc của ngày mai, hôm nay là trách nhiệm của tôi, không phải ngày mai nếu tôi hóa mù, Bà nói trách nhiệm nghĩa là làm sao, Trách nhiệm của kẻ có cặp mắt sáng khi người khác đã mất thị lực, Bà không thể hy vọng hướng dẫn hay cung cấp thức ăn cho tất cả người mù trên thế giới này, Tôi nên làm, Nhưng bà không thể, Tôi sẽ làm bất kỳ điều gì tôi có thể làm, Dĩ nhiên bà sẽ làm, nếu không nhờ bà thì hôm nay tôi có thể đã không còn sống, Và tôi không muốn cô chết lúc này, Tôi phải ở lại đây vì bổn phận của tôi, tôi muốn cha mẹ tôi tim thấy tôi nếu họ quay về, Nếu họ quay về, chính cô nói thế, nhưng chúng ta không có cách nào biết họ còn là cha mẹ của cô không.
Tôi không hiểu, Cô nói bà hàng xóm bên dưới là người tốt bụng, Tội nghiệp bà ấy, Cha mẹ đáng tội nghiệp của cô, cô gái đáng thương ơi, khi cô và họ gặp lại, mù trong mắt và mù trong cảm xúc, vì các cảm xúc mà chúng ta đã sống và cho phép chúng ta sống như mình, tùy thuộc vào việc có cặp mắt sinh ra cùng với chúng ta, không có mắt cảm xúc trở thành một thứ khác, chúng ta không biết khác thế nào, chúng ta không biết khác cái gì, cô nói chúng ta chết vì chúng ta mù, đúng vậy, Bà yêu chồng không, Có, như tôi yêu chính mình, nhưng nếu tôi hóa mù, nếu sau khi mù tôi không còn là tôi, làm sao tôi có thể tiếp tục yêu ông ấy, và với tình yêu nào, Tình yêu khi trước, khi chúng ta vẫn còn thấy, người mù cũng vậy, Khó so sánh, các cảm xúc đang dùng là của người có thể thấy, vì thế người mù cảm xúc bằng cảm xúc khác, không như người mù mà họ hiện đang là, bây giờ, hẳn nhiên, cảm xúc thật của người mù đang hiện rõ ra, và chúng ta chỉ mới bắt đầu, tạm thời chúng ta còn sống trong ký ức của những gì chúng ta đã cảm thấy trước kia, cô không cần cặp mắt để biết cuộc sống hôm nay thế nào, nếu ai đó bảo tôi rằng sẽ có ngày tôi giết người, tôi sẽ xem đó là một sỉ nhục, nhưng tôi đã giết, Vậy bà muốn tôi làm gì, Đi với tôi, tới nhà chúng tôi, Còn mấy người kia, Cũng vậy, nhưng tôi quan tâm tới cô nhất, Vì sao, Chính tôi cũng hỏi mình câu đó, có lẽ vì cô đã trở thành gần như một cô em gái, có lẽ vì chồng tôi đã ngủ với cô, Xin tha thứ cho tôi, Đó không phải là tội để xin tha thứ, Chúng tôi sẽ hút máu bà như loài ký sinh, Loài ký sinh đã rất đông hồi chúng ta còn thấy, còn về máu, nó phải được dùng cho một mục đích nào đó ngoài việc nuôi sống cái cơ thể chứa đựng nó, bây giờ cố ngủ đi vì ngày mai là một ngày khác.
Một ngày khác, hay vẫn vậy. Khi thức giấc, đứa bé mắt lác muốn vào phòng vệ sinh, nó bị tiêu chảy, có thứ gì không hợp với thể trạng yếu đuối của nó, nhưng mọi người biết ngay không thể vào đó, bà cụ tầng dưới rõ ràng đã tận dụng hết các phòng vệ sinh trong tòa nhà cho tới khi không còn dùng được nữa, nhờ may mắn phi thường nên không ai trong bảy người trước khi đi ngủ tối hôm qua cần thỏa mãn giải tỏa sự thôi thúc của đường ruột, nếu không họ đã biết các phòng vệ sinh ấy kinh tởm thế nào. Bây giờ tất cả đều cần tiêu tiểu, nhất là đứa bé tội nghiệp không thể nín lâu hơn nữa, thật ra, dù chúng ta có thể miễn cưỡng nhìn nhận, thực tế khó ưa này của cuộc sống cũng cần được lưu tâm, khi ruột hoạt động bình thường, ai cũng có thể có ý kiến, tranh luận, chẳng hạn, liệu có mối quan hệ trực tiếp nào giữa cặp mắt và cảm xúc, hay liệu ý thức trách nhiệm có là kết quả tự nhiên của thị lực tốt hay không, nhưng khi chúng ta quá túng quẫn và bị đau đớn và khổ não quấy rầy, khi ấy bản tính thú vật của chúng ta sẽ trở nên hiển nhiên nhất. Ra vườn, vợ bác sĩ thốt lên, và bà nói đúng, nếu không ra sớm, chúng ta sẽ thấy bà hàng xóm tầng dưới đã ở đó, đã tới lúc chúng ta đừng gọi bà là mụ già nữa như chúng ta đã làm một cách bất kính cho tới nay, bà đã ở đó, như chúng ta nói, lom khom giữa bầy gà mái, vì người hỏi câu ấy hầu như chắc chắn không biết gà mái dậy sớm thế nào. Ôm bụng, được vợ bác sĩ bảo vệ, đứa bé mắt lác đau khổ xuống thang, tệ hơn nữa, khi nó tới bậc thang cuối, cơ vòng hậu môn của nó đã chịu thua áp lực bên trong, vì thế ta có thể tưởng tượng hậu quả. Trong khi đó, năm người kia cố xuống thang thoát hiểm, cái tên gọi thích hợp nhất, nếu họ còn chút kiềm chế nào sót lại từ khi họ sống trong chỗ cách ly thì đây là lúc để xả nó. Phân tán khắp vườn sau, rên rỉ vì cố gắng, khổ sở với nỗi ngượng ngùng phù phiếm còn rơi rớt lại, họ làm điều phải làm, ngay cả vợ bác sĩ khóc khi bà nhìn họ, bà khóc cho cả bọn, một việc hình như họ không còn làm được nữa, chồng bà, người đàn ông mù đầu tiên và vợ ông ta, cô gái đeo kính đen, ông già đeo miếng vải đen che mắt, đứa bé, bà thấy họ ngồi xổm trên cỏ dại, giữa những cọng cải bắp gầy guộc, đàn gà mái đang nhìn, thêm con chó của nước mắt cũng đã xuống. Họ cố tự lau chùi, qua loa và vội vã, bằng vài nắm cỏ hay mảnh gạch vỡ, bất kỳ thứ gì trong tầm tay, trong một số trường hợp cố gắng giữ sạch sẽ chỉ làm vấn đề tệ hơn. Họ lặng im lên lại thang thoát hiểm, bà hàng xóm tầng trệt không xuất hiện để hỏi họ là ai, họ từ đâu tới, họ đang đi đâu, chắc bà còn ngủ cho tiêu hóa hết bữa ăn tối, và khi họ vào căn hộ, thoạt tiên họ không biết nói gì, rồi cô gái đeo kính đen lưu ý rằng họ không thể ở trong tình trạng đó, quả thật không có nước để rửa ráy, tiếc là không có trận mưa xối xả như hôm qua, họ sẽ lại ra sân, nhưng bây giờ họ sẽ trần truồng và không ngượng ngùng, họ sẽ đón nhận trên đầu trên vai giọt nước hào phóng từ bầu trời, họ sẽ cảm thấy nó chảy xuống lưng và ngực, xuống đôi chân, họ có thể hứng nó trong bàn tay rốt cuộc sạch sẽ, và mời chén này cho ai cần thỏa cơn khát, bất kỳ ai, có lẽ môi người ấy sẽ dịu dàng chạm lên làn da họ trước khi tìm thấy nước, và quá khát, người ấy sẽ háo hức uống cạn những giọt nước từ làn da đó, vì thế biết đâu lại gợi lên một cơn khát khác. Trí tưởng tượng đã làm cô gái đeo kính đen lạc lối, như chúng ta đã thấy trong các dịp khác, lẽ ra cô phải nhớ hoàn cảnh này là thảm kịch, lố bịch, tuyệt vọng. Dù vậy, không phải cô không có óc thực tế bằng cớ là cô đi mở tủ áo trong phòng cô, rồi phòng cha mẹ, cô gom các tấm trải giường và khăn tắm, Chúng ta lau chùi bằng những thứ này, cô nói, còn hơn là chẳng có gì, rõ ràng đó là ý kiến hay, khi ngồi xuống ăn họ đã cảm thấy rất khác.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Mù Lòa
José Saramago
Mù Lòa - José Saramago
https://isach.info/story.php?story=mu_loa__jose_saramago