Chương 6
ự tao nhã của ý nghĩ bất chợt
Robert Kincaid trôi giạt về phía nam qua Oregon, men theo bờ biển. Ông đã xuống đây vài lần, từ bảy hoặc tám năm trước, và thêm một lần nữa, chuyến đi xuyên Mỹ này dường như mới mẻ với con mắt ông.
Trong vịnh Coos, những người đàn ông đang dỡ một tàu chở hàng, và Kincaid dùng ống kính 200 li chộp được hình ảnh một người trên bờ với lên cao hướng dẫn thùng hàng, ở Bandon, một người đàn bà già cả đã lùng sục các bãi biển nhiều thập kỷ và trưng bày những món bà ta giữ gìn ở trong, xung quanh và trên nóc căn nhà nhỏ bằng gỗ. Bà lão đã ngoài tám mươi tuổi, mớ tóc xám xỉn mọc tua tủa, và mang dấu tích khắc nghiệt của bao năm tháng ngấm gió biển. Nhưng bà có nghị lực và sự linh lợi của người trẻ hơn nhiều.
Bà lão ngắm Kincaid lục lọi bên ngoài, nơi có ít nhất năm chục cái phao nhiều màu đã phai, treo trên một cọc rào.
- Vào đây mà xem, ông bạn. Có nhiều thứ đẹp, ông có thể mang về nhà làm kỷ niệm.
Bà lão có những cái chai từ Australia bị sóng biển, giông bão và thủy triều quăng lên bờ. Những mảnh gỗ trôi giạt lợp nguyên trạng. Một phần thân con thuyền đánh cá dựa vào chấn song ngoài hiên, trên đó còn tay cầm của một mái chèo gẫy. Một cái răng cá mập treo bằng sợi dây vào tay cầm của mái chèo. Danh mục dường như vô tận và chắc chỉ mới gần hết, tuy vượt ra ngoài mọi sắp xếp trong vật lý học, toán học và sự nhạy cảm của con người, trong đó có vài thứ thực sự giá trị.
Kincaid nhận thấy ánh nắng cuối buổi sáng tình cờ chiếu lên một đống chai kích thước khác nhau trên một trong những cửa sổ, và hỏi ông chụp ảnh có được không? Bà lão bảo ông thích thì cứ chụp, miễn là không làm vỡ cái gì, còn bà bận rửa sạch các vỏ sò, vỏ ốc.
Ông ngắm nghía đống chai. Ánh sáng cắt qua một cái bình thủy tinh trên giá và khúc xạ lên một chai to màu xanh, sau đó cong lại và xuyên qua một chai thót cổ, mảnh dẻ đựng vang, trên thành ghi rõ Italy 1940. Hiệu ứng chung là một loạt lăng kính hòa trộn ánh nắng với các màu khác nhau của thủy tinh. Không một người chụp ảnh tĩnh vật nào - dù điều hành một studio tinh tế - có thể bố trí chúng tốt hơn, và sự tao nhã của ý nghĩ bất chợt bao giờ cũng mê hoặc Kincaid. Ông gọi nó là vẻ đẹp ngẫu hứng. Những kiểu như thế có ở khắp nơi, miễn là ta biết cách nhìn ra chúng. Kincaid mất mười lăm phút chuẩn bị chụp và hai mươi giây thực hiện các thao tác kỹ thuật để cánh chớp như rực cháy và uốn lượn trên phim.
Sau khi gói ghém dụng cụ, Kincaid hỏi bà lão có bán chai vang Ý không. Bà lão lé mắt nhìn ông trong bộ quần áo xuềnh xoàng và nói hai đôla là được rồi. Bà lão gói cái chai bằng giấy xốp và lấy dây buộc chặt lại.
- Nếu ông thích, hãy mua cái răng cá voi ở đằng sau luôn thể.
Kincaid cảm ơn bà, nhưng nói hiện giờ ông đã có đủ các loại răng cá voi, rồi ông lái xe theo đường ven biển, nhằm thẳng hướng nam.
Bãi biển Golden xuất hiện ở cửa sông Rogue. Ông chụp ảnh con tàu chìm nửa chừng, dùng thêm năm ảnh nữa trong cuộn phim Technical-Pan. Một người đàn ông dừng lại bắt chuyện, nói ông ta cung cấp các mặt hàng cho một khách sạn du lịch ở thượng nguồn, nếu Kincaid muốn đến đấy và đi cùng cho có bầu có bạn, ông ta sẽ thết ông bữa trưa. Con Đường có vẻ thiếu tin tưởng vào cái xuồng, nhưng Kincaid đã nhấc nó vào và xuồng nổ máy, tai con chó cụp lại, mắt nó đầy kinh hãi. Ba giờ sau, họ trở lại cửa sông Rogue. Kincaid tìm thấy một khách sạn bên mép nước và sáng sớm hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Chiều đã muộn, ông vào bắc California và chạy qua vùng rừng. Nửa giờ sau, Mendocino xuất hiện; về một số mặt - những mái nhà dãi dầu mưa gió, những cọc hàng rào, luống hoa ngăn cách bằng đá và gỗ trôi giạt - giống như một làng chài New England chuyển đến Bờ Tây. Nó nằm yên tĩnh trên một bán đảo nhỏ nhô ra Thái Bình Dương, với nhiều cánh rừng gỗ đỏ ven đường Một trên đất liền.
Kincaid đỗ ở trạm Cheyron trên đường cái và đổ xăng. Ông đi quanh chiếc Harry và lo lắng vì lốp trái ở đằng trước. Nhân viên trạm xăng kiểm tra lốp xe và nói nó xẹp lắm rồi.
- Có lẽ bị thủng. Ông có muốn tôi xem hộ không?
Kincaid đồng ý và đi lang thang lên phố Main, liếc nhìn vào tủ kính các cửa hàng. Nhiều hiệu sách, hiệu đồ cổ, hai quán bar, vài hiệu cà phê và một số phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Ông rẽ lên phía bắc ở Kasten và dừng chân ngắm một bức ảnh trong tủ của phòng trưng bày. Tên nhà nhiếp ảnh là Heather Michaels. Tác phẩm của bà cũng thường nhưng có nghề, tập trung vào phong cảnh đen-trắng. Khuynh hướng và chi tiết cho ông thấy Heather Michaels chụp bằng máy ảnh khổ lớn, chắc là 4x5.
Robert Kincaid đứng đó, tay thọc vào túi và ngắm nghía các bức ảnh. Con Đường ngồi cạnh chân phải ông và nhìn Kincaid đang ngắm các thứ trong tủ kính. Trong phòng, một phụ nữ mảnh dẻ trạc năm mươi nhăm tuổi, mặc váy dài màu xám, áo trắng muốt cài đến cổ, quàng khăn đen đang nói chuyện với một khách hàng. Kincaid nhìn bà qua kính rất rõ, bà ta đứng, mặt nhìn nghiêng, nhưng mớ tóc dài buộc gọn và cách bà dùng bàn tay để nhấn mạnh các ưu điểm của tác phẩm có một cái gì đó khiến ông chú ý. Một nhận biết thoáng qua chợt đến trong tâm trí ông, rời bỏ ông, rồi trở lại lần nữa. Một cảm giác buồn buồn, ngưa ngứa lan trong trí nhớ. Ở đâu? Bao giờ? Mái tóc dài, đôi bàn tay khoa lên gần như theo nhịp nhạc.
Người phụ nữ thay đổi tư thế lúc chỉ cho khách hàng một tác phẩm khác. Ông có thể nhìn rõ mặt bà hơn, tuy những phản chiếu trong gương làm hình ảnh bà thay đổi chút ít.
Bên trong, Wynn McMillan liếc qua vị khách, thấy một người đàn ông ngoài cửa kính, trông tò mò. Diện mạo chung của ông ta khiến bà chú ý ngay từ đầu. Ông ta đã già, nhưng đồng thời cũng không già. Cao và mảnh khảnh, mặc quần jeans, sơmi kaki và đeo dây quần. Có đủ loại người khác thường đi qua Mendocino, nhưng người đàn ông này có một cái gì đó vượt xa sự thông thường, một cái gì đó gần như quen thuộc.
Nắng chiếu xuống và gặp ngay bên phải gương mặt ông ta, hắt vào mái tóc dài, hoa râm, rẽ ngôi giữa từ đỉnh đầu, chải ra sau và hai bên. Gió biển thổi tung tóc ông, ông ta giơ tay gạt khỏi gương mặt, kéo sợi dây quần màu cam lên cao hơn trên vai, chỉnh bao đựng con dao Thụy Sĩ trên thắt lưng. Mặt trời chui qua đám mây và ông ta chìm vào bóng râm vài giây trước khi ánh nắng lại chiếu rọi lên ông.
Wynn bất giác rùng mình, bị thôi thúc mãnh liệt đi ra ngoài và nói chuyện với người đàn ông. Nhưng đúng lúc đó, vị khách của bà quyết định, rút một bức tranh khắc gỗ nhỏ và chỉ vào một trong các bức ảnh của Heather Michaels trên tường. Vừa làm việc với người thu ngân Wynn vừa tiếp tục liếc nhìn ra cửa kính, nơi người đàn ông hình như đang chăm chú nhìn bà. Người phụ nữ mua hàng nhận thấy thái độ của Wynn và quay nhìn qua tủ kính.
- Cô biết người đang đứng ngoài kia sao? - Bà ta hỏi và lộ vẻ không chấp nhận thái độ thiếu chú ý của Wynn.
- Ô không, tôi xin lỗi, tôi... tôi tưởng là có, nhưng tôi không nghĩ thế.
- Một loại người khá đặc biệt đấy. - Bà khách ăn vận sang trọng, là khách quen từ trước, có vẻ nhiễm cung cách người Anh trong cách sống và nói năng.
- Vâng, hình như thế. Nhưng bà biết Mendocino rồi đấy. Đủ loại người lạ đến và đi qua đây.
Wynn bắt đầu gói tác phẩm nghệ thuật - Lúc bà nhìn ra cửa kính lần nữa, người đàn ông đã biến mất.
Sau khi trở lại trạm Chevron, Robert Kincaid dừng các ngón trên tay cầm của chiếc Harry và suýt quay lại phòng trưng bày. Ông thường vụng về với những người phụ nữ không quen biết, lúng túng vì sự có mặt của mình khi họ bắt chuyện với ông. Trong ý nghĩ, ông lại đụng phải những “ở đâu” và “khi nào” lần nữa, và ông lắc đầu như muốn gạt đi rồi nổ máy.
Sau khi đóng cửa hàng lúc sáu giờ, Wynn McMiilan về nhà, bà vẫn run rẩy vì hình ảnh của người đàn ông nhìn bà qua tủ kính bày hàng. Bà ra ngoài và đi trên các con phố Mendocino suốt hai giờ liền, mong thoáng nhìn thấy ông ta. Chẳng tìm thấy gì, bà trở lại theo đường mũi biển, để mặc bóng tối bao trùm, lắng nghe tiếng chân mình át tiếng sóng vỗ lúc triều xuống và gió đêm thổi qua rặng bách. Bà nhớ lại thời xa xưa, khi biển cả đập lên bờ Big Sur và bà chơi nhạc Schubert cho một người đàn ông vừa từ chiến trận trở về.
Xuôi xuống bờ biển cách đó hơn năm chục dặm, Robert Kincaid chăm chú nhìn về phía trước và lắng nghe tiếng lốp cao su miết trên con đường dẫn đến Big Sur, nếu ông đi tới sáng. Ông nghĩ về các đường song song của những con người, địa điểm và sự kiện, những hồi tưởng đan chéo nhau chằng chịt. Từ những khoảng đó, có những lát cắt theo thời gian, như một con dao cắt qua quả cam. Con dao đặc biệt này có tuổi vài thập kỷ và đã cùn nhưng vẫn còn đủ sắc lúc ông nhìn qua gương chiếu hậu và nghĩ đến Mendocino. Những “ở đâu” và “khi nào” tạo thành một giả thuyết mơ hồ. Phải, một sự trùng hợp. Có lẽ thế. Nếu gạt sự trùng hợp này sang một bên vì có vẻ không hợp lý, thì cái gì tạo nên phần lớn cuộc đời, nếu không kể đến nó tự tồn tại? Sự tao nhã của ý nghĩ bất chợt có ở khắp nơi, và thực tế là chúng ta đang sống chẳng đáng ngờ chút nào, ông nghĩ. Ở nơi nào đó trong phân xưởng của những “Ai” và “Cái gì” với bàn tay chủ nhân, cơ hội và mẫu thiết kế đẹp không tách rời nhau, là nơi sự “không thể” trở thành “có thể” và ngạc nhiên là một thông lệ.
Đêm hôm đó, sau hai nơi từ chối vì không nhận Con Đường, Robert Kincaid nằm trong một khách sạn nhỏ ở Sonoma, trong bóng tối và lại nghĩ đến Mendocino. Ông nghĩ đến thời ấy, khi ông còn trẻ trung, rám nắng và rắn như sắt từ những ngày trên bãi biển Tarawa. Được giải thoát hay giải ngũ, tùy thuộc cách nhìn nhận, ông đã cưỡi xe máy qua các đường vòng của Big Sur với một cô gái ngồi đằng sau, tóc cô rối bời trong gió và đúng như đặc tính của người già, dòng suy tư lùi trở lại, lúc này vươn tới thứ ông muốn nhớ lại và gần như là có thể. Có lẽ có thể nhớ ra nó, nếu ông bắt mình nghĩ lâu và thành thật.
Đêm hôm ấy, trước khi ngủ thiếp đi, cuối cùng Robert Kincaid nghĩ đến hai thứ: bác bỏ sự trùng khớp lúc gần như hy vọng vào nó, đồng thời kết hợp với mong muốn được trẻ lại lần nữa và chưa chết trong vòng một giờ.
Một Ngàn Con Đường Quê Một Ngàn Con Đường Quê - Robert James Waller Một Ngàn Con Đường Quê