Mây Gió Đổi Thay epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9 -
gày cuối tuần, cả một đám đông phụ nữ chuyện trò vui vẻ, bàn bạc mọi chuyện, việc mua bán của tôi cũng nhân đó khá lên.
Đêm về, tôi nằm dài trên giường đọc sách. Thật là một sự hưởng thụ.
Chuông điện thoại reo, tôi hơi do dự, chuông ngừng reo chắc Bái Bái đã nhắc lên nghe máy nối tiếp.
Bái Bái là đứa con gái, nó uống nước ngoại quốc, thân thể và tâm tư của nó lớn nhanh đến độ tôi không ngờ. Thoạt đầu tôi lo âu, rớt nước mắt; qua thời gian tôi không thể không chấp nhận nó. Ấy cũng vì tính cách của tôi do dự, không dứt khoát, hoặc tôi thấy nó đã lớn nên phải đồng ý với nó? Thật khó nói.
Bái Bái có chủ định, nó hiểu rõ con đường mình đi, ở trường, nó quyết định học môn chính là kinh tế, môn phụ là quản trị thương nghiệp; mặc dù nó học nhảy cấp, rất căng thẳng song vẫn theo kịp, nó còn học thêm tiếng Pháp – nó muốn sống và làm việc ở đó. Xem ra, nó đã sớm biết lo lắng cho tương lai của mình.
Bái Bái cũng chú ý đến sức khỏe, nó là tay quần vợt xuất sắc của đại học Columbia, nghe nói cuối năm nó tham gia thi đấu với các đại học quốc tế.
Có một điều tôi không hiểu và tự tìm lấy phiền não cho mình. Nói ra thì hết sức dung tục, nhưng lại rất hiện thực - những học sinh đại học ngày nay có bao nhiêu đứa còn trinh nguyên?
Tôi chỉ có thể xác định con gái mình khỏe mạnh là được!
Tôi an ủi tôi như vậy.
Có người gọi bên ngoài phòng.
– Vẫn chưa ngủ à!
Tôi đặt sách xuống, nhìn Bái Bái cười.
– Vừa nãy dì Uất Chân gọi điện.
– Vậy sao? Sao không để mẹ nói với dì ấy?
– Con có hỏi, dì Uất Chân hình như gấp lắm nên cúp máy!
– Có chuyện gì không?
– Hà! Hà! – Bái Bái mừng rỡ nhảy lên giường hôn trán tôi, nói:
– Dì Uất Chân nói sắp đặt cho con đi nghỉ hè ở Âu Châu, cho con ở Pháp hai tháng, học họa và bồi dưỡng tiếng Pháp! Dì nói có người bạn dạy ở đại học Paris, nói sẽ gởi gắm chăm sóc con. Dì sẽ lo hết chi phí cho con, miễn năm nay con học giỏi là được!
– Dì Uất Chân lo cho con quá!
– Mẹ, mẹ vui không?
Tôi cười, không đáp. Khỏi phải nói, đương nhiên là rất vui rồi. Ai lại thấy con mình được người khác quan tâm chăm sóc mà không vui chứ? Huống chi, người ấy lại là em gái mình, chắc chắn đó là cách bày tỏ tình cảm tôn trọng và tha thiết đối với tôi!
Tôi đã từng giận Uất Chân mà cả đêm đâm ra xót xa, đau khổ. Tôi là kẻ quá mềm lòng, chỉ cần ai đối xử tốt với tôi một chút dịu dàng tốt bụng là tôi muốn cả đời báo đáp họ. Cho nên nhớ tới Cẩm Xương, anh chẳng bạc đãi tôi, vậy tôi phải vì anh mà tận tụy, đến chết mới thôi.
Ngày thứ hai thường vắng khách, tôi đi chợ mua các thức ăn. Lúc trở về, hòm thư đã đầy ắp, phần nhiều là các hóa đơn, phải đến buổi chiều tôi mới xem hết.
Vừa định đẩy cửa vào nhà, chị hàng xóm Đỗ Luân béo phì vừa cười vừa di chuyển tấm thân 200 cân béo phì của chị từ bên vườn phục phịch chạy đến, tay cầm phong thư, gọi:
– Bà Vương, bà Vương!
Chị chạy gấp gáp đến thở hồng hộc như trâu cày quá buổi, trán đẫm cả mồ hôi, đưa tôi phong thư, chị nói:
– Vừa nãy bà treo bảng đi vắng, tôi mới tản bộ ra vườn thì có người đưa thư đến nhờ trao cho bà.
– Cảm ơn chị Đỗ.
– Nào có gì. Anh ta nói thư từ tòa án Hương Cảng đấy.
Tôi ngạc nhiên:
chuyện gì đấy? Tôi mỉm cười cảm tạ chị hàng xóm và quay trở vào nhà.
Tôi bày các thứ đã mua lên bàn, đoạn ngồi lại xé bì thư, vừa xem lướt qua tôi đã chết lặng.Tôi đọc lại, tay liền nắm chặt đập liên tục lên tờ thư mỏng manh trên bàn.
Hoàn toàn không thể nào có được Ngân hàng Hằng Mậu vu khống tôi nợ họ 200 vạn đồng, chẳng chịu hoàn trả nên kiện đến tòa, tòa gởi giấy báo đến tôi tại Canada này.
Cả người tôi run lên từng chập, sau đó tôi đờ người bất động, thân hình chìm vào khoảng không trống vắng, chỉ còn đôi mắt là không ngừng chuyển động ...
Tôi nghĩ mình sẽ khóc òa lên, nhưng tôi lại không khóc.
Khóc được sẽ hay hơn, nhưng tôi sợ,rất đỗi kinh sợ.
Tôi ngồi chết lặng trong bếp rất lâu, rất lâu ...
Sau đó, càng lúc càng sợ hãi, trong tôi dần hồi phục tri giác, lòng dạ rối tung lên, tôi đứng lên loạng choạng, muốn nôn ra hết những rạo rực khó chịu trong lòng.
Thực vậy, lòng tôi muốn nôn tháo ra máu huyết, những sầu muộn ẩn khuất tự tâm hồn. Tôi lần mò tựa vào tường, vào cửa, lúc rửa tay, rửa mặt tôi mới bắt đầu nôn mửa ...
Tôi nôn tháo ra hết thức ăn sáng ...
Tôi ngồi bệt xuống đất. Bên miệng còn đọng một ít mùi tanh khó chịu, và tôi lại ói, lại mửa, cơ hồ nôn cả ruột gan.
Chẳng biết tôi gượng dậy lúc nào và gọi điện cho chị Cầu, tôi chỉ mơ màng nhớ rằng đã nhờ chị coi sóc Bái Bái và cửa hàng. Tôi nói:
– Tôi có việc gấp phải về Hương Cảng ngay.
– Bao giờ thì trở lại?
Tôi chẳng biết. Nếu dính vào vòng lao lý thì thật đời này không biết lúc nào mới trở lại.
Tôi òa khóc ...
Tôi nằm vật trên giường khóc suốt đêm.
Sớm hôm sau, tôi rửa mặt xong đi vào phòng con gái. Bái Bái còn say ngủ, chăn thòng xuống đất - từ bé nó đã quen đạp tung cả chăn gối.
Tôi nhìn lướt qua Bái Bái, để lại mấy tờ ngân phiếu và ghi vài công việc giao cho nó. Thấy mắt mình còn ướt, tôi vội lấy chiếc khăn nhỏ của nó cho vào xách tay, đi nhanh ra cửa.
Tôi gọi taxi đến phi trường. Trong phòng chờ đợi, đầy cả khách trở về Hương Cảng, ai cũng vui cười hớn hở, chỉ riêng tôi là ngồi một góc lặng câm như hến.
Có lẽ quá kinh hãi, tôi chỉ biết mau mau trở về Hương Cảng nên chẳng còn suy nghĩ gì khác.
Tôi vô tội, cho nên chẳng có gì phải trốn tránh.
Với lòng tin đó, tôi đứng lên đối diện với mọi khốn khó trước mắt!
Cẩm Xương biết việc này anh sẽ phản ứng thể nào? Mắng chửi tôi hay sẽ ly hôn vì tôi ngu quá?
Trời ạ! Tôi không thể suy nghĩ theo lối đó được, nếu không tôi sẽ quỵ mất và sự tình thêm tệ hại.
Có thể giấy thông báo chỉ là một sự nhắc nhở lấy lệ, chứ gia đình Trương Trọng Hiên đã dàn xếp đâu đó rồi, 200 vạn đối với họ có là gì? Mẹ tôi từng nói bà Trương một lần sắm nữ trang đến 500 vạn, bà còn nói người ta muốn giúp cho mình nở mặt; xem chúng ta là bạn tri kỷ nên mới nhờ đến, vậy thì sao lại có ý hàm hại tôi chứ? Mẹ tôi còn nói nếu không may có điều gì xảy ra, họ sẽ đứng ra gánh vác, chẳng cần đến tôi phải lo lắng? Mẹ tôi ...
Từ bé đến lớn, mẹ tôi đã bao giờ quan tâm đến tôi?
Tôi đâm ra run sợ.
Hiện tại tôi không thể bi quan quá. Trời cao rất công bình, tôi chẳng làm gì sai trái. Còn nếu như có sai trái và tội danh được thành lập thì tôi cũng không đáng chết, không chết thì ngồi tù, có phải vậy?
Đừng để Cẩm Xương biết tôi về đây làm gì. Tôi chỉ cần Thính Đồng giúp, cô ta cũng đã muốn tôi về chơi vài ngày, vậy khi xong việc tôi sẽ trở lại Canada.
Đột nhiên, tôi lại nôn nóng muốn trở về nhà ngay.
Mẹ tôi chắc đang sốt ruột chờ tôi về. Bà nhất định đang nóng lòng và biết tôi không có lỗi. Nói cho cùng thì cũng là ruột thịt, không thể để cho bà lo lắng.
Trong nhất thời, bà bị người ta dụ hoặc nên nhờ đến tôi. Sự tình lớn lao như vậy phải để người trẻ gánh vác, chịu đựng, chứ không thể phó mặc cho người già lo toan được. Tôi suy nghĩ và quyết định vậy.
Vả lại, tôi về bên Cẩm Xương kể ra cũng có lực lượng ủng hộ! Hoặc tôi có giấu giếm Cẩm Xương thì chỉ cần có anh ở bên tôi, lòng tôi cũng được yên ổn và bình tĩnh đối phó sự việc; còn như giấu không được, lúc đầu anh có tức giận nhưng sau đó cũng phải thôi. Tóm lại, trở về nhà là tốt nhất.
Bắt đầu tư hôm qua, mọi chuyện dồn dập xảy ra, tôi càng nôn nóng, máy bay càng chậm chạp. Đến Nhật Bản, thay đổi máy bay, phải đợi mất ba tiếng, khi đến phi trường Khải Đức thì đã hơn 9 giờ đêm.
Tôi không có hành lý, chỉ mang theo có xách tay và bộ đồ để thay đổi. Tôi bước nhanh vào gian Cục di dân, trái tim nôn nao như muốn nhảy tháo ra ngoài, cảm giác rất khó chịu. Cả đời tôi không bao giờ quên giờ phút ấy.
Viên quan di dân nhìn tôi, cái nhìn như soi mói, đẩy tôi vào vực sâu, chẳng còn cách chi trở lại dương gian. Nếu giờ phút này, hắn gọi cảnh sát giữ tôi lại thì quả là cùng đường trốn chạy.
Cả người tôi ướt lạnh như chìm ngập trong hố băng.
Trải qua thời gian hàng muôn năm dài đằng đẵng, anh ta mới đưa lại tôi hộ chiếu, chẳng nói lời nào.
Hai ngày nay tôi mới có được một chút khoái cảm. Sự tình chưa đến nỗi cùng đường, bế tắc.
Tôi gọi xe đến khu Bão Mã.
Trên đường đi, lòng tôi thư thái lại, chỉ mong chờ đến nhà, gặp lại người thân.
Tôi mở xách tay lấy chìa khóa mở cổng. Đây là những động tác qua đỗi quen thuộc, một năm trước đây, ngày nào tôi cũng thế, nay lại có vẻ xa lạ - thật tức cười.
Tôi đẩy nhẹ cánh cổng vào nhà. Căn hộ chìm trong bóng đêm, phòng khách và nhà bếp đều không mở đèn, có lẽ Cẩm Xương và mẹ tôi đã ngủ.
Tôi nhìn đồng hồ tay – chưa đến 11 giờ. Nhưng nếu mẹ tôi đi chơi bài thì giờ này bà vẫn chưa về, đấy là điều hay, bà vẫn còn ung dung, thong thả, chứng tỏ việc đã được giải quyết.
Đối với Cẩm Xương, anh có thói quen đi ngủ lúc 10 giờ.
Tôi đặt túi xách xuống ghế sa lông, tháo giày ra và đi về phòng ngủ. Tôi vừa đưa tay đẩy cửa phòng mới hay cửa phòng chỉ khép hờ.
Tôi chợt chú ý lắng nghe, bên phòng có âm thanh nho nhỏ.. Là tiếng của người ...
Là tiếng thở của người ...
Là người đàn ông, là hơn thở dồn dập của đàn bà ...
Tôi nhủ mình lại đang trong cơn mộng mị.
Liên tiếp những ác mộng.
Tôi lạnh lùng cười, những ngày qua toàn gặp những chuyện hắc ám nên đầu óc tôi mê mờ vớ vẩn. Thật là đáng sợ!
Trong khoảnh khắc, căn phòng thoáng cơn gió lạnh buốt, tôi vội vàng khoanh tay, bất động.
Căn phòng không ngừng phát ra tiếng sột soạt của chăn, nệm ...
Tôi nhìn chung quanh, thấy mình không đi nhầm phòng ...
Có thể tôi đã hồ đồ đi vào căn phòng của nhà người khác. Ở khu này, ác mẫu nhà đều na ná như nhau!
Nhớ hồi đại học, tôi cũng đã hồ đồ một lần. Lúc đó gần thi, liên tiếp mấy đêm liền tôi miệt mài học bài đến sáng ở thư viện, chân tay, mình mẩy, mệt mỏi đến rã rời, tôi quay về ký túc xá nghỉ ngơi. Ký túc xá nữ sinh ở tầng trên cùng, các tầng khác thuộc nam sinh. Tôi đi tới đi lui, loanh quanh một lúc tìm thấy phòng và ngả người ra ngủ. Khi thức dậy thì ánh sáng đã ngập phòng, tôi phát hiện ra quanh tôi đấy dẫy những sách vật lý, hóa học? Tôi hết sức ngạc nhiên, tôi đổi sang khoa vật lý từ lúc nào nhỉ? Trong lúc bối rối lại xuất hiện một thanh niên đồng học, anh ta định nhào xuống giường nằm ngủ. Tôi thất kinh hét lên:
– Anh làm ma quỷ gì thế?
Anh ta cũng gắt gỏng:
– Tôi muốn hỏi cậu đấy!
Trời ơi! Tôi vỗ lên đầu mình.
Chuyện cười ấy truyền khắp cả trường. Sự hồ đồ, mỏi mệt đến nỗi đi nhằm chỗ và ngủ qua đêm trong phòng nam sinh.
Khi người ta mệt mỏi quá thì sinh ra những điều không thể hiểu được, không thể giải thích những lầm lỗi của mình.
Nhất định là tôi đã vào nhà khác rồi.
Tôi muốn mau chóng lui trở ra.
Ngay cái lúc cuống cuồng đó, đôi chân tôi lại nặng trĩu đến không nhấc nổi.
Tôi thật đáng thương thể nào Sực nức mùi lan, nghe tiếng thở, Giờ đây đáng hận bạc tình không?
Đối tượng lại chẳng phải là tôi!
Lòng tôi bắt đầu quặng thắt, cơn đau siết chặt đến cơ hồ tươm máu.
Trong phòng, tiếng người đàn ông thật êm ả dịu dàng:
– Anh xin lỗi em!
– Chúng ta nên xin lỗi người khác kìa!
– Em đừng nói!
– Đúng. Chẳng nên nói làm gì. Có xin lỗi một vạn lần cũng chẳng ra gì!
Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, cứng ngắt và lạnh lùng.
– Anh khát nước! - Người đàn ông nói.
– Để em lấy nước cho anh.
Và liền đó đèn trong phòng bật sáng.
Cửa phòng mở.
Và tiếng kêu thét thảm thương, lạnh lẽo vang lên, song không phải là tôi.
Cẩm Xương chạy vụt đến ôm lấy Uất Chân vội hỏi:
– Gì đó em?
Lời chưa hết, anh đã trố mắt nhìn tôi như thể gặp ma quỷ hiện hình, mắt chiếu ánh sáng màu lục!
Tôi chẳng làm gì, chỉ nói:
– Cho tôi vào, đây là phòng của tôi.
Tôi bước qua khỏi hai người, đóng cửa phòng lại.
Cách biệt không quá 300 ngày, mọi vật trong phòng vẫn y nguyên! Gối, chăn, giường, nệm, thảy đều như cũ.
Trong dạ dày tôi chẳng có chút gì, nhưng nhìn thấy gối chăn loạn xị tôi lại muốn nôn mửa!
Tôi nằm lăn xuống đất!
Khi tỉnh dậy, sự việc chắc đã qua mấy tiếng đồng hồ.
Đời con người là vậy. Bạn ngã xuống, bạn đứng lên, bạn đi lại, tất cả đều do bạn, kẻ khác chẳng liên quan đến!
Tôi vịn vào giường đứng lên.
Tôi cởi bỏ hết y phục trong ánh sáng.
Tôi mở vòi sen cho nước dội lên khắp người.
Tôi đứng trước gương, thân hình trần truồng của một người như tôi có còn gì hấp dẫn?
Tôi mỉm cười.
Người với thú, có gì khác.
Chưa quá ba ngày, thân thể trần trụi của tôi cho biết tôi đã mệt mỏi, tiều tụy qua nhiều!
Tôi lấy khăn lớn choàng qua người, đến ngăn kéo lấy quần áo, tôi cẩn thận xem xét rất kỹ, thấy vẫn còn y nguyên nên yên tâm lấy mặc!
Mở cửa phòng, tôi vào phòng khách.
Cẩm Xương liền từ ghế sa lông đứng lên.
Ánh mặt trời từ bốn phương tám hướng soi khắp.
Lúc đầu chúng tôi chọn căn hộ này vì nó thông thoáng, quả nhiên, ngày nay mọi đen tối đã tan biến, sự bẩn thỉu cũng không còn, căn phòng hiển nhiên sáng sủa.
Kẻ trước mặt tôi đã trở thành người xa lạ.
Cẩm Xương trong có một đêm mà đã già đi nhiều, hố mắt hằng sâu, râu ria đâm tua tủa, loạn xị và một thứ ... một thứ cảm giác bẩn thỉu còn thiếu ở anh mà trước giờ anh không hề như vậy!
Cẩm Xương nhìn tôi, anh do dự một lúc đoạn nắm tay tôi, nói:
– Uất Văn ...
– Xin lỗi! Tôi có việc gấp nên lật đật về đây mà không báo trước cho anh!
– Uất Văn, em đừng vậy! Cả đêm anh không ngủ, anh sợ em có điều không hay, anh định báo cảnh sát!
– Mẹ tôi đâu?
– Mẹ về quê rồi, không dặn gì lại, tuần rồi đột nhiên bỏ đi!
– À!
– Uất Văn ...
– Cẩm Xương, tôi có chuyện gấp lắm! – Tôi vùng thoát khỏi tay anh và mở cánh cửa lớn.
Cẩm Xương đứng áng tôi.
– Uất Văn, xin em, chúng ta hãy ngồi lại nói chuyện đi!
– Hãy để tôi đi, tôi có công việc, khi tôi về sẽ nói chuyện!
– Em trở lại chứ!
– Vâng!
Ngân hàng Hằng Mậu chễm chệ tọa lạc trên một khu đất cao, kiên cố và lớn lao tựa một nhà giam vậy.
Tôi đi vào.
Tôi ngồi chờ ở phòng khách thật huy hoàng ...
Trên tường treo ảnh ban giám đốc, tấm ảnh cuối chợt làm tôi vui – Thi Gia Ký?
Tôi không phải là không run sợ, nhưng, cảm tạ đêm qua, sự run sợ của tôi không phải là đối diện số nợ bị vu khống – nó đẩy tôi xuống 18 tầng địa ngục, nhưng lòng chưa hẳn đã đau khổ.
Đôi mắt đầy lệ, đến nay, nó như một dòng minh châu cứ chảy dài không ngớt.
Có ba viên chức cao cấp của ngân hàng Hằng Mậu phụ trách tiếp tôi, gồm tổng giám đốc Trần Nghiệp Quảng, người phụ trách cho vay họ Cam và cố vấn pháp luật của ngân hàng họ Thang.
Tôi ngồi trước họ, mắt đã lau khô.
Trần Nghiệp Quảng từ tốn nói:
– Bà Vương, rất vui vì bà về đây giải quyết sự việc. Chúng tôi phải bất đắc dĩ lắm mới mời bà về như vậy.
– Tôi hiểu.
Cố vấn pháp luật hỏi:
– Bà có luật sư đại diện không?
Tôi lắc đầu.
– Hy vọng là chẳng cần thiết. Nếu đôi bên giải quyết vấn đề ổn thỏa thì hay lắm, không ai thích gặp nhau ở tòa án cả!
– Phải giải quyết thế nào?
Trần Nghiệp Quảng đáp:
– Bà Vương, bà ở nước ngoài nên không biết nhà Trương Trọng Hiên xảy ra chuyện!
Tôi thầm nghĩ, nếu như ở Hương Cảng tôi cũng chẳng hề hay biết gì về công việc của Trương Trọng Hiên, tôi hoàn toàn không quen biết, không qua lại, tôi chỉ biết họ qua mẹ của tôi thôi.
Trong bụng chợt quặn đau khiến tôi ngồi dịch sang bên.
– Bà Vương, nửa năm qua, Trương Trọng Hiên đã gặp nguy khốn rồi, đứa con rể của ông làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn sang Đông Nam Á, anh ta còn nợ ngân hàng hơn năm ngàn vạn, số tiền bà bảo lãnh chỉ là con số rất nhỏ.
Tôi cười khổ.
Cả nửa đời người của tôi chưa hề cần đến 200 vạn đồng.
– Tại sao đi làm ăn lại vất bỏ hết danh dự của mình mà đi hại kẻ khác như vậy? – Tôi hỏi.
– Việc đó ... bây giờ không quan trọng nữa, có phải vậy không?
Tôi gật đầu.
– Ông Trương Trọng Hiên mặc dù là phó chủ tịch của chúng tôi, nhưng ông đã nói rõ là ông không chịu trách nhiệm về hành vi của con rể ông.
– Còn bà Trương Trọng Hiên? – Tôi hỏi.
– Chúng ta không rõ. Nhưng bà Vương đã đứng tên bảo lãnh nên chúng tôi chỉ mời bà thôi.
– Tôi không có 200 vạn!
Cả phòng đều im lặng.
– Tôi thực sự không có.
Tôi lại hỏi:
– Nếu không có, có phải tôi ở tù không?
Lòng tôi đâm ra khích động.
– Bà ngồi tù thì đâu có ai hay ho gì!
– Chúng tôi có chỗ khó nên bất đắc dĩ phải bức bách vậy thôi.
– Kéo dài thêm thời gian, chúng tôi có thể lo liệu! Cần gì phải bức bách để mọi người cùng bế tắc.
Ba người họ, anh một câu, tôi một câu, thảy đều hợp lý.
Tôi thở dài, nói:
– Hãy cho tôi một thời hạn!
– Bà định bao lâu, để chúng tôi còn báo với ban giám đốc, sau đó sẽ rút lại đơn kiện?
– Ít ra cũng phải để tôi nghĩ cách trong vài hôm và báo lại các ông sau.
Từ ngân hàng, tôi đi thẳng đến dinh thự của Trương Trọng Hiên.
Người hầu mở cửa cho tôi, tôi xin gặp bà Trương, chị ta mời tôi ngồi đợi.
Hơn 10 phút trôi qua, chị hầu xuất hiện, vừa khép hờ cửa như sợ kẻ hủi chạy xộc vào.
– Bà Trương đã đi rồi, không còn ở Hương Cảng.
Nói xong liền đóng ập cửa lại.
Tôi đi dài trong hành lang tòa nhà chờ đợi.
Nếu bà Trương đã đi khỏi sao còn bảo tôi phải chờ đợi hơn 10 phút.
Ba ngày tôi qua, tôi chỉ uống một ít nước trái cây, chẳng ăn thứ gì nhưng lại không thấy đói.
Tôi đã dẫn xác đến khu tử địa đây quấy nhiễu một cách máy móc, và như chẳng còn sức lực, tôi ngồi tựa vào ghế chờ đợi dọc hành lang ... Tôi đợi đến trưa, đến qua trưa, đến chiều, ai qua lại cũng liếc mắt nhìn tôi.
Cửa thang máy chốc chốc lại mở ra, khép lại, người đến đi đều không phải bà Trương.
Mây Gió Đổi Thay Mây Gió Đổi Thay - Lương Phụng Nghi Mây Gió Đổi Thay