Màu Xanh Học Trò epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9
ế lớp lục hai là nhà để xe. Hồi thằng Lên vào đệ thất, nhà xe này đã hư rồi. Bây giờ thì quá lắm, coi như teng beng hết. Chỉ còn cái mái. Xe đạp cũng ít, thành ra nhà trường không để ý tới, không cho sửa chữa gì cả. Phần đông đi xe gắn máy, để cả ở ven phòng thí nghiệm đằng dãy trước.
Trường còn một khoảng đất trống phía sau dãy sau; ở lớp lục hai, mở cửa sổ, thì thấy khu đất này rõ ràng. Ở đấy có hai ngôi mả cổ, xây bằng đá ong, cây um tùm coi dễ sợ. Nhiều đứa nói đó có ma.
Thứ ba, buổi con trai học chiều. Mới một giờ hơn. Thằng Lên tự nhiên thấy nóng ruột, đi từ một giờ. Qua cầu lại mau, đi thẳng lên trường. Lên vào trường lúc trường còn thật vắng. Đi ngang sân chào cờ, liếc về mấy lớp lớn ở dãy trước, Lên thấy mới có một hai anh vào sớm, ngồi dò bài. Lớp lục hai chưa có đứa nào tới cả.
Lên dắt xe về phía nhà để xe. Chiếc xe mới, dắt đi không, vang lên những tiếng lách cách vui tai. Lên lựa một chỗ mát dựng xe, khóa lại cẩn thận. Xe đạp chớ cũng phải coi chừng như thường, lỡ ra mất thì khốn. Lại là xe mới nữa, mất uổng lắm.
Dựng xe xong, Lên lấy cặp đi về lớp, mở cửa định vào bỏ cặp, ngồi dò bài luôn. Cửa hôm nay sao kỳ, cứng ngắc, Lên kéo mãi không ra. Chắc bị kẹt gì đây. Lên bỏ cặp vào một khe chấn song cửa sổ. Trường xây cửa sổ trước theo lối mới, bằng những tấm bê tông đặt xiên, cách khoảng nhau. Những đứa nhỏ con có thể chui lọt, nhưng Lên có hơi lớn con, không lọt. Đành đứng đợi xem có thằng nào tới nữa rồi cùng kiếm cách mở cửa mà vào. Nóng ghê. Mà cũng lâu nữa, chưa thấy đứa nào tới cả.
Có tiếng chuông xe đạp leng keng ngoài sân. Lên nhìn ra. Thằng Tuần học lớp lục ba đang chạy xe đạp vào nhà để xe. Thầy Hiệu Trưởng đã cấm không cho chạy xe trong sân trường, nhưng chắc thằng Tuần ỷ còn sớm, văn phòng chưa có ai, mới phóng xe chạy đại. Thằng nghịch phá nổi tiếng ở lớp lục ba. Cho đến Lên còn không ưa được nữa, dù rằng hai đứa không học chung lớp và nhà lại gần nhau. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của người lớn, hai gia đình hai đứa không ưa nhau mấy, ưa có chuyện đôi co. Lên không có ý gì ghét Tuần, nhưng vẫn thường tránh nói chuyện với nó, chỉ sợ rồi chuyện trẻ con mất lòng người lớn. Lên không muốn ba má buồn vì mình.
Thằng Tuần dựng xe xong, lấy cặp đi về phía lớp mình. Tay nó vung vung chiếc cặp. Ngang thằng Lên, không biết vô tình hay cố ý, chiếc cặp vung trúng ngay Lên. Lên đứng lui vào, không nói. Thằng Tuần đứng lại, giọng tử tế:
- Xin lỗi mày nghe…
Lên nói: “không sao” nho nhỏ rồi lơ đãng nhìn ra sân, coi chuyện như không đáng để ý. Trời nắng, bầu trời trong xanh.
- Ê, Lên, chủ nhật tới nữa mày có đá banh không?
Tiếng thằng Tuần làm Lên giật mình. Đá banh nữa hả? Trời ơi, sướng mê đi. Nếu có đá, ắt là Lên phải có mặt; gôn lục hai chớ bộ! Ờ… nhưng mà… Mặt Lên mới tươi rói, chợt buồn thiu. Biết thằng Tưởng có còn chịu cho mình giữ gôn nữa không? Nó có quyền mà, trưởng ban thể thao.
Thằng Tuần nhắc lại câu hỏi:
- Mầy đá không?
Lên lúng búng:
- Không chắc nữa…
- Mầy làm gôn cừ mà không có mặt sao được…
Tự nhiên, Lên thố lộ:
- Tụi nó giận tao rồi…
Thằng Tuần cười, xem tươi lắm. Lên thấy nụ cười khó hiểu. Tuần nói:
- Không có mầy làm gôn, tụi tao thắng là cái chắc. Con nhà Phùng còn nhát banh lắm…
Lên chống chế cho lớp mình:
- Kỳ rồi không có tao, lớp tao cũng đá hòa chớ bộ…
- Hòa cũng phải tới giờ chót mới gỡ được. Lần này rồi mày coi, tụi tao nhất định hạ lớp mày…
Lên thấy nóng mặt trước câu nói của thằng Tuần. Còn chưa nói gì, thằng này đã dịu, nói nhẹ:
- Nói với mày vậy chớ chưa chắc tụi tao đã thắng. Nhất là nếu mày làm gôn cho lớp. Tay mày như có nhựa vậy đó…
Được khen, Lên thấy nguôi giận. Thằng Tuần lại nói:
- Bộ tụi nó nghỉ mày ra rồi hả?
Lên đáp buồn:
- Ừa.
- Sao vậy?
- Không biết nữa. Có lẽ tại tao không đi đá lần trước nên tụi nó giận…
- Tụi bạn mày kỳ ghê… Giận gì mà lãng nhách.
“Giận gì mà lãng nhách”. Đó, thằng Tuần nó còn nói vậy đó. Lên đâu đáng giận, có tụi thằng Tưởng vô lý thì có. Xem ra thằng Tuần cũng biết phải trái lắm chớ. Lên nói:
- Tao không hiểu sao tụi nó lại giận tao được… tao có làm gì đâu… Nhiều lúc tao nghĩ tụi nó thiệt đáng giận…
Lên còn chưa nói hết câu, rằng: “… nhưng nghĩ lại, tao chắc tụi nó hiểu lầm tao gì đó”, thằng Tuần đã ngắt:
- Mầy tính vậy được đó Lên, nghỉ chơi tụi nó cho rồi.
Lên nhìn Tuần. Hóa ra nãy giờ mày đề cao tao là để đưa đến câu nói này sao, để xúi tao không chơi banh nữa sao. Cho lớp mày thắng dễ chớ gì. Quả thật, tao với mày không hợp.
Thằng Tuần hỏi:
- Mầy tính sao, Lên?
Lên hỏi lại, giọng lười biếng:
- Tính gì?
- Tính không chơi banh với tụi thằng Tưởng nữa.
Lên trả lời liền:
- Trừ khi tụi nó không cho tao làm gôn chớ không, lúc nào tao cũng sẵn sàng…
- Mầy nói thiệt vậy đó?
- Ừa.
Thằng Tuần thấy mình sắp thành công lại không được, giận:
- Mày… tao chưa thấy đứa nào… ngu như mày vậy đó…
Ngu… Mầy dám nói với tao vậy đó sao Tuần. Thằng Lên này từ hồi nào tới giờ, tuy không dám tự phụ là giỏi hơn ai, nhưng chưa bao giờ để bị ai nói nặng như vậy. Ngu… Tao lo cho lớp tao như vậy mà mầy cho là ngu đó sao. Mầy dám nói nặng tao vậy đó sao? Lên nghĩ và thấy nóng mặt, nó đỏ bừng hai tai:
- Mầy nói gì?
Thằng Tuần biết mình hớ, lỡ chọc giận thằng Lên. Gần nhà nhau, làm gì Tuần không biết Lên nóng tính, chút gì cũng giận, cũng gây được. Anh Kéo nó đó, có lần còn bị nó vác cây rượt, chỉ vì la nó rằng “ngu như bò”. Vậy mà Tuần lại dám… Lên nổi nóng rồi, làm sao vuốt giận nó bây giờ. Tuần nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi mày… nghe Lên… tao lỡ lời…
Lý ra, thằng Lên phải nguôi giận, vì dù gì, thằng Tuần cũng đã biết lỗi. Nhưng hiềm nó đang có chuyện buồn, bị nói nặng, cơn giận bừng bừng như trời trưa nóng nực, nguôi ngay đâu được. Nó vung tay ngay mặt thằng Tuần. Má thằng này đỏ bừng vì cái tát. Bị đánh, nó cũng nổi nóng, liệng cặp xuống hè, hầm hầm:
- Mầy… mầy dám đánh tao hả?
Lên biết mình quá tay, nhưng đã lỡ rồi, biết sao giờ. Thằng Tuần thách:
- Có ngon đánh tay đôi với tao…
Lên vẫn gờm thằng Tuần. Nó to con hơn Lên nhiều. Nhưng tự ái không cho nó từ chối. Lúc này, tụi bạn hai đứa đã đến khá đông, đứng quanh làm khán giả. Lên nói:
- Tao đợi mày lúc tan học…
Thằng Tuần không chịu:
- Không. Liền bây giờ nè.
- Gần vô học…
- Mầy sợ à…
Sợ. Tao mà sợ mầy sao Tuần. Tao nói hẹn lúc tan học là vì tao nghĩ chút nữa vào lớp, nếu có đánh nhau, hai đứa tránh sao khỏi bẩn thỉu quần áo, mặt mày, tay chân trầy trụa. Lớp mầy học có thầy Sơn dễ, không đáng lo. Nhưng lớp tao, giờ đầu thầy Quát dạy toán, tính khó, để ý từng chút. Thế nào thầy cũng hỏi đến tao. Nhưng được, mày đã nói thế thì tao cũng liều. Lên đáp liền:
-Thì đánh liền, tao sợ gì mày…
Thằng Tuần hăm hở trao cặp cho một thằng bạn, bảo giữ dùm rồi nó ngoắc thằng Lên cùng chạy vòng ra đầu dãy sau. Lên biết nó sẽ đánh nhau ở bãi cỏ trống sau trường, gần hai ngôi mộ. Ra đó có hơi sợ thiệt nhưng thôi kệ, văn phòng có mở cửa, thầy giám thị cũng không thấy được, đỡ một phần. Lại nữa, đỡ lo bị rách áo quần.
Bọn bạn hai đứa ùa theo xem đánh nhau. Không đứa nào đứng ra can cả. Vì muốn được xem đánh nhau cũng có, mà vì không dám can cũng có. Can ra, nhiều khi còn bị vạ lây, ai thèm can làm gì. Một vài đứa vào lớp, mở cửa sổ đứng nhìn ra. Chúng nó vô tư như khán giả chứng kiến một trận cầu.
Thằng Tuần cởi áo ra trước, Lên bắt chước. Vừa xong thì Tuần xông tới. Hai đứa vào cuộc đấm đá nhau.
Bọn thằng Tưởng, Hạ, Hiểu cũng vừa vào lớp. Chúng nó cất cặp xong, ra cửa sổ đứng xem. Thấy Lên đánh nhau với thằng Tuần, cả ba đứa cùng có vẻ ngạc nhiên:
- Lạ kìa. Sao thằng Tuần nói hai đứa nó thân nhau rồi mà…
- Chắc có chuyện gì…
- Để coi…
Ngoài sân, thằng Lên nhỏ con hơn thằng Tuần, đang lùi dần. Nó ăn đòn nhiều, mặt đỏ gay, mồ hôi tuôn như tắm, dù hai đứa đánh nhau trong bóng mát của ngôi trường in trên nền cỏ. Bọn đệ lục, cả hai lớp, thỉnh thoảng reo lên…
Tưởng nhìn bạn bị đánh, nó thấy trong lòng nao nao. Phải thằng Lên đừng làm cho nó giận, hẳn nó đã xông ra can thiệp ngay từ đầu rồi. Thằng Tuần còn lâu mới dám đánh với Tưởng. Nhưng thằng Lên dễ giận quá, nó làm lớp suýt bị thua trận banh hôm nọ, bị đánh cũng đáng. Dù sao, Tưởng cũng thấy không yên trong dạ.
Thằng Hạ cũng thế, thấy kỳ kỳ, xốn con mắt. Thằng Lên đó, thằng bạn thân của nó ngày nào giờ đang bị đánh mà nó nỡ đứng yên. Có phải là nó ác không?
Hiểu mới khổ tâm hơn, cứ liếc chừng Tưởng và Hạ. Anh Kéo của mầy đó Lên, đối với tao thật tốt, từ một đứa học trò sợ nước đến một thằng Hiểu dám theo anh bơi băng sông, không do công khó của anh là gì. Mầy là em anh Kéo, tao là bạn mầy, vậy mà tao lại nỡ để mầy bị người khác đánh. Tao muốn ra bênh quá đi thôi. Tao muốn quên hết, quên từ chuyện mầy làm lớp suýt bị thua tụi lục ba, quên luôn cả thằng Tưởng, thằng Hạ trước mặt tao kia, nhưng không quên được. Tao không muốn tụi thằng Tưởng giận tao như đã giận mầy. Tao lo cho mầy ghê mà đành chịu. Bây giờ, chỉ cần thằng Tưởng hay thằng Hạ có chút ý gì thương mầy, bênh mầy, là tao xông ra liền. Có bị thằng Tuần đánh tao cũng chịu.
Thằng Lên bị đấm trúng mặt, đưa tay lên ôm má. Xem dáng, nó như đau đớn lắm… Thằng Tuần thừa thắng xông lại đánh đấm tới tấp. Lên lùi dần, nó chỉ biết cắn răng chống đỡ…
Lúc này, thằng Tưởng không nhịn được nữa. Nó lấy đà đu lên thành cửa sổ, nhảy xuống, chạy nhanh ra chỗ hai đứa đang đánh nhau. Thằng Hạ, rồi thằng Hiểu, hành động hệt như Tưởng. Tình bạn dâng cao trong lòng ba đứa.
Tưởng nhảy vào xô thằng Tuần sang một bên. Thằng này cự:
- Ăn thua gì tới mầy?
Tưởng ưỡn ngực:
- Nó là bạn tao…
Tuần ức lắm nhưng không làm gì được. Nó đánh làm sao lại thằng Tưởng, Tuần biết chắc thế. Nó hậm hực chỉ thằng Lên nói:
- Bị có tụi bạn mày chớ không…
Rồi, quay ra lấy quần áo, Tuần vuốt lại mái tóc, phủi bụi và mặc áo vào. Vài đứa bạn nó bu quanh hỏi chuyện. Tuần tha hồ kể xấu Lên. Nó là kẻ chiến thắng mà!
Đằng này, thằng Lên đã được thằng Hạ, thằng Hiểu đỡ đến thềm nhà xe. Nó bị đánh khá đau, nhưng còn cố gượng. Tưởng đợi bạn ngồi xuống rồi, rút khăn lau mồ hôi cho bạn, nó hỏi:
- Sao đánh nhau vậy mày Lên?
Lên ngước nhìn Tưởng. Nó muốn khóc. Cám ơn mày lắm Tưởng ạ. Tao không ngờ mày lại bênh tao. Mầy bênh tao, điều đó chứng tỏ mầy đã hết giận tao rồi, hoặc nếu không, cũng đã nguôi giận. Cả thằng Hạ, thằng Hiểu nữa, cám ơn tụi mày lắm. Có lẽ nhờ dịp này, tao tìm lại được tình bạn của tụi mày.
Thấy bạn không đáp, Hiểu lại hỏi:
- Mầy với nó có chuyện cãi nhau hả?
Lên gật đầu. Hiểu lại hỏi:
- Hai đứa mày thân nhau rồi mà sao lại cãi nhau…
Lên nhìn bạn ngạc nhiên:
- Mầy nói ai thân ai?
- Mầy với thằng Tuần chớ ai?
- Tao chơi với nó hồi nào đâu…
- Nó nói với tụi tao mà…
Lên ngạc nhiên ghê. Mình chơi thân với thằng Tuần hồi nào đâu mà nó lại nói với tụi thằng Hiểu như vậy. Kỳ ghê. Phải hỏi cho ra lẽ mới được.
- Nó còn nói gì về tao nữa không?
Hiểu muốn nói song ngập ngừng, nhìn Tưởng và Hạ dò ý. Hai đứa kia lại nhìn nhau. Tưởng ra điều kiện:
- Tụi tao nói, mày đừng buồn nghe…
- Ừa.
- Nó nói mầy chơi thân với nó từ mấy tuần trước. Nó rủ mầy ở nhà không đi giữ gôn cho tụi tao để lớp bị thua, mầy ưng…
Lên tròn mắt:
- Hồi nào…
Và nó hiểu hết. Tưởng, Hạ, Hiểu ơi! Chỉ có thế mà tụi mày giận tao đó sao? Chỉ vì thế mà tao bị ngờ oan. Thằng Tuần chia rẽ mình đó. Nó muốn lớp nó chắc thắng trong trận đá tới, mới bày đặt chuyện để tụi mày giận tao, không cho tao giữ gôn. Từ trước, tao vẫn nghĩ phải có một lý do nào đó, chớ không lẽ chỉ vì tao không đi đá chủ nhật trước mà bị giận. Lý do đó tao tìm ra rồi! Chung qui chỉ tại thằng Tuần!
- Tụi mày bị thằng Tuần lừa rồi.
Bọn Tưởng còn nghi ngờ. Lên phân trần:
- Hôm đó tao mắc đi mua hụi dùm má tao, chớ có phải vì chơi với nó rồi nghe lời nó ở nhà đâu. Nó muốn tụi mày ghét tao để trận tới lớp nó dễ thắng đó mà…
Đến lượt tụi thằng Tưởng sững sờ:
- Vậy ra…
- Mày nói thiệt không Lên?
Lên nhớ tới thầy Tuyên:
- Ngày mai tụi mày hỏi thầy Tuyên thì rõ…
Tưởng nhìn Lên, lúc này nó mới thấy vẻ thành thật hiện trên gương mặt bạn. Lên ơi, tụi tao bậy quá, đi ngờ oan cho mày. Tưởng ấp úng:
- Thôi… khỏi hỏi thầy Tuyên nữa… Tụi tao tin mày rồi… xin lỗi mày nghe… Lên…
Chỉ bấy nhiêu thôi là thằng Lên sung sướng lắm rồi. Nó quên hết để chỉ còn nhớ có ba thằng bạn trước mặt. Lên hỏi:
- Sắp có đá banh nữa hả tụi mày?
- Ừa… Mầy sẽ làm gôn chính, thằng Phùng để thế mầy nếu mầy mệt…
- Mầy nói thiệt không Tưởng?
- Sao lại không?
Sung sướng quá. Lại sắp được đá banh rồi. Nhất định thằng Lên này sẽ không bao giờ để tụi lục ba tung lưới. Và tụi thằng Tưởng sẽ đá thật hay, lớp lục hai sẽ hạ lục ba mấy bàn trắng, không gỡ. Nghĩ tới đó, Lên cười. Thằng Hạ hỏi:
- Mầy còn giận tụi tao không Lên?
Lên cười tươi, đáp:
- Đời nào tao giận tụi mày được. À này hạ ơi! Thầy Tuyên nói tao với mầy đứng nhất lý hóa kỳ đệ nhị cá nguyệt đó.
Thằng Hạ nghe tin, reo:
- Sướng ghê!
Và nó theo đuổi ý nghĩ về ngày lãnh thưởng. Nó sẽ khệ nệ ôm chồng phần thưởng đặc biệt, chắc phải nặng lắm.
Thằng Lên thì nghĩ đến chút nữa vào học. Thế nào thầy Quát cũng hỏi vì sao mặt nó sưng. Nó sẽ nói thật và thầy sẽ quở phạt. Nhưng Lên thấy chẳng ăn thua gì. Đổi những lời rầy mắng của thầy lấy tình bạn của bọn thằng Tưởng, Lên ưng.
Mười
Ngày… tháng…
Mới ngày nào còn cùng bọn học trò lục hai N.Q rủ nhau đi tắm sông, xong, vào vườn nhà em Lên ăn trái cây, trò chuyện. Vậy mà bây giờ, mình đã ngồi đây, một nơi xa dòng nước Đồng Nai ngọt ngào vắt qua xứ bưởi đến mấy trăm cây số đường bay.
Cao nguyên trời đẹp, cảnh nhiều nơi xem hùng vĩ, giá có bọn các em Tưởng, Hạ, Hiểu, Lên, năm thầy trò cùng đi dạo cảnh thì vui biết bao. Vậy mà… buồn quá. Nhớ mấy em học trò cũ quá đi thôi.
Ngày lãnh thưởng cuối năm, mình đâu đã ngờ bị đổi đi xa thế này. Ngày ấy, mình nhớ như in. Em Hạ ngồi tận cùng dãy ghế kê sát tường dành cho học sinh được thưởng, xem nôn nóng lắm, cứ thấp thỏm muốn đứng lên. Rồi lúc ông Tổng Giám Thị gọi tên em, mình nhớ đâu câu thành tích của em dài lắm: “Trần Thiếu Hạ, lớp đệ lục hai. Hạng nhất Quốc văn, Toán, Lý Hóa, Pháp Văn, Sử địa, Công dân, Vạn Vật. Hạng nhì Nhạc, Vẽ. Chín lần xướng danh”.
Lúc ông Tổng Giám Thị đọc xong, và em Hạ mặt đỏ bừng, từ hàng ghế học sinh bước chầm chậm lên lãnh thưởng, mọi người có mặt đều dồn vào em. Một tràng pháo tay kéo dài từ lúc em bắt đầu rời chỗ đến lúc em trở về chỗ. Chính ông Phó Tỉnh Trưởng chủ tọa buổi phát thưởng hôm ấy trao cho em. Phần thưởng thật nhiều. Trong ấy, có riêng của mình một bộ tem sưu tập quý. Mình yêu tem, mình biết em cũng yêu tem. Hy sinh phần của mình cho em, mình không hối tiếc một chút, vì em rất xứng đáng. Mình thấy việc mình tình nguyện xin xuống dạy ở lớp lục hai không phải là vô ích.
Có ích lắm chứ. Mình tìm được thật nhiều niềm vui ở các em lục hai. Các em làm mình nhớ lại những ngày còn bé, những ngày còn cắp sách đến trường. Những nghịch ngợm vô tư, những giận hờn nho nhỏ, những ganh đua, những vui buồn. Tuổi học trò rẫy đầy những thứ đó, những thứ thoạt xem thì không có gì đáng nói, nhưng lại là những thứ ghi nên kỷ niệm ấu thơ. Bây giờ, phải chi mình được tiên bụt hiện ra cho một điều ước, ắt mình sẽ ước được trở lại tuổi trẻ hồn nhiên của những ngày học trò. Mình mơ điên ghê!
° ° °
Ngày… tháng…
Sáng này, nhận được thư của em Lên. Đọc và thấy cảm động quá. Thư em báo tin buồn, anh Kéo của em vừa tử trận. Những câu thư của một đứa học trò đệ lục còn non mà khiến mình muốn khóc:
“… em không được thấy mặt anh Kéo lần chót nữa. Người ta liệm anh trong hòm thiếc kín, rồi lại đặt vào quan tài gỗ. Đám ma buồn lắm thầy ạ. Chỉ có vài người bà con đưa ảnh ra huyệt… “
Anh Kéo! Giờ này anh đã yên phận. Với anh, tôi chỉ còn một điều nuối tiếc, là không được đưa tiễn anh lần cuối về chốn an nghỉ. Nhưng rồi sẽ có một ngày, tôi trở về quê anh, ra thăm mộ anh, để ôn lại những kỷ niệm giữa chúng ta. Hai người bạn tuy không nói, không nhận là thân nhau nhất, nhưng đã như nói, như nhận nhau rồi. Gia đình anh bây giờ, chỉ còn em Lên. Tôi hứa sẽ thay anh, khuyên bảo em Lên những điều hay, điều tốt. Mà có lẽ cũng chẳng cần làm nữa. Người miền quê vẫn thường được trời phú cho tính tốt. Tôi nhớ lại ngày nào, em Lên đã khiến tôi thấy sung sướng khi biết rằng, giữa những lọc lừa ngoài đời, giữa những ganh tị, đua đòi, còn có một tâm hồn trong trắng. Em Lên thật tốt. Em xứng đáng là một học trò khá, xứng đáng là một người bạn hiền, xứng đáng là em của anh lắm.
Anh Kéo! Nếu con người lúc mất đi, còn lại phần linh hồn vương vất, nghe, thấy, và biết tất cả những gì của những người còn lại, ắt anh hiểu được tôi qua những giòng này, những giòng tâm sự dành chỉ riêng cho mình anh, người bạn thiết nhất đời tôi.
…………………………………
Buổi trưa, muốn ngủ mà không sao chợp mắt được. Lấy sách ra đọc mong tìm giấc cũng không xong. Đành nằm ngắm trời. Trời trong và xanh, không một gợn mây. Đất cao nguyên làm bầu trời như thấp xuống. Màu xanh da trời, nhiều lúc khiến mình nhớ lại bọn học trò nhỏ, khiến mình tìm được hình ảnh của chúng. Màu xanh học trò đó chắc? Màu xanh học trò kia, gần mình quá. Em Tưởng, em Lên, em Hạ, em Hiểu, và các em khác ở lớp lục hai. Các em có nhớ đến thầy không. Các em còn nhớ những giờ hỏi bài của thầy không? Hẳn nhiều em không hiểu sẽ oán thầy, nhưng thầy tin phần đông các em biết là thầy làm thế chỉ mong các em khá. Học trước đã. Bao giờ thầy cũng nghĩ thế. Tuổi các em, tuổi học trò, đẹp, vô tư, ngây thơ, còn chưa phải lo lắng gì, thì phải học. Nhưng cũng phải nghịch, phải đùa. Để lấy quân bình tâm trí. Một ngày nào lớn lên, các em sẽ thấy hối tiếc nếu bây giờ các em không chịu học.
Lại nghĩ vớ vẩn rồi. Chắc tại nhớ học trò quá mà thế. Muốn mơ điên rồi. Trời ơi! Làm sao mình trở lại tuổi học trò ngây thơ để nô đùa, để vô tư, để hờn dỗi, để ghi nên bao kỷ niệm khó quên bây giờ?
Xa tuổi thơ, xa tuổi học trò rồi mới thấy tuổi nhỏ là sung sướng. Chứ ngày còn bé, mình đâu đã biết điều đó. Có lẽ rồi phải viết cho các em học trò cũ biết điều này mới được. Để chúng đừng bỏ qua, đừng chóng lãng quên đi ngày thơ tươi đẹp. các học trò của thầy ơi, các em có biết tuổi học trò của các em là đẹp và sung sướng nhất không?
NGUYỄN THÁI HẢI
Tháng 5-1969
Màu Xanh Học Trò Màu Xanh Học Trò - Nguyễn Thái Hải Màu Xanh Học Trò