Lời Yêu Thương epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9 -
ạch Đàn thoáng giật mình khi nhận ra người đang ngồi chung bàn ăn với Giang là Hoàng.
Chưa kịp quay đi thì anh ta đã nhìn thấy cô. Vẫy vẫy tay chào giống như đã thân quen từ đời nào, Hoàng ngọt sớt:
- Thì ra cô bé cũng trọ với thằng bạn chí cốt của tôi. Đúng là hữu duyên. Này Giang, giới thiệu đi chứ!
Giọng Giang cộc lốc:
- Bạch Đàn là chủ nhà trọ của tao đấy.
Mắt Hoàng chợt sáng lên. Anh ta gật gù một hồi rồi vụt hỏi:
- Cô chủ nhà trọ à, tôi muốn xin trọ được không?
Bạch Đàn dài giọng:
- Ông chủ quán đùa hoài. Nơi đây làm sao xứng với nhà thơ như ông.
Hoàng mim cười:
- Cô quá lời rồi. Khung cảnh nơi đây đầy chất thơ ấy chớ.
- Tiếc là nàng thơ không còn nữa. Hồi đó Hiền Thục ở trong phòng anh Giang đang trọ, chiều nào chỉ cũng đợi, anh không thèm tới nên chị tuyệt vọng tự tử chết.
Mặt Hoàng tái xanh như tàu lá. Anh ta ấp úng:
- Làm gì có chuyện Thục chết vì tôi. Bạch Đàn cẩn thận lời nói. Buộc tôi không chứng cớ là ác khẩu đó.
Bạch Đàn bĩu môi:
- Không ai thèm buộc tội anh. Tôi chỉ nói sự thật dựa theo quyển nhật ký của chị Thục. Tiếc là cuốn nhật ký đó gia đình chị đã đem về quê rồi.
Giang nhíu mày:
- Hiền Thục nào vậy Hoàng?
Hoàng ôm đầu:
- Chi Lan, giọng ngâm hay nhất câu lạc bộ hai năm về trước, mày quên rồi sao?
- Ủa! Chi Lan là Hiền Thục à?
- Chi Lan là tên tao đặt cho cô ấy. Hồi đó Lan rất... mến tao.
Giang vẫn trầm giọng:
- Tao biết. Và hầu như cô ấy không dấu ai điều đó. Tụi bây lúc ấy là một cặp rất xứng trong thơ ca cũng như ngoài đời thường.
Hoàng kêu lên:
- Nhưng tao không hề yêu Hiền Thục. Tao chỉ xem Thục như những cô gái ái mộ tao thôi.
Bạch Đàn quắc mắt lên:
- Anh nói dối! Hiền Thục kể rất nhiều về anh với tôi. Trước vong hồn chị, anh dám thề là chưa từng hứa hẹn với chị không? Tội nghiệp Hiền Thục đã yêu lầm người. Chàng thi sĩ Hoàng Giang thật ra chỉ là một người không có lương tâm, một kẻ dùng thơ văn để lừa gạt, dụ dỗ những cô gái nhẹ dạ, khờ khạo.
Hoàng đứng bật dậy:
- Không được quyền lăng mạ người khác.
Bạch Đàn hất mặt:
- Không thích nghe thì mời đi ra. Đây là nhà tôi. Tìm ra, nhìn rõ được anh, tôi đã hả dạ. Tôi tin vừa rồi Hiền Thục nghe hết những lời anh nói. Chị ấy đã hiểu con người thật của anh rồi. Liệu hồn đi! Hiền Thục linh thiêng lắm đó.
Hoàng hầm hừ:
- Giỏi nói bậy nói bạ. Hừ! Cô là con bà Vân Ngà có phải không? Bữa nay cho cô lên mặt. Sau này gặp lại coi ai phải năn nỉ, cầu lụy ai cho biết.
Thấy không khí có vẻ nặng nề, Giang liền chen vào:
- Sao tự nhiên hai người lại "găng" nhau vì chuyện xưa như trái đất vậy? Dù sao Hiền Thục cũng yên nghĩ lâu rồi, đừng nói động tới cô ấy nữa, tội lắm!
Hoàng nhún vai:
- Thiên hạ vẫn lắm kẻ thích buộc tội, kết án người khác trong khi gia đình mình chả hay ho gì.
Bạch Đàn sững người:
- Anh nói vậy là sao?
- Điều nay cô hiểu hơn tôi mà. Tôi tới đây tìm bà Vân Ngà chớ không phải tìm Giang đâu. Tiếc là không có bà ấy ở nhà.
Bạch Đàn hấp tấp hỏi:
- Anh tìm mẹ tôi chi vậy?
- Tôi chỉ có thể trả lời riêng với bà Ngà thôi. Cô thông cảm!
Quay sang nhìn Giang, Hoàng nhếch môi:
- Tao về đây. Vài hôm nữa sẽ gặp lại. Tao muốn hỏi mày vài chuyện nhưng giờ thì bất tiện quá.
Giang không đứng dậy tiễn, anh nói với theo:
- Nếu những chuyện đó không ảnh hưởng tới người khác, tao sẽ trả lời.
Hoàng vừa khuất dạng Bạch Đàn đã hỏi ngay:
- Tại sao anh ta đến gặp mẹ tôi?
Giang im lặng lắc đầu. Nhìn thái độ thản nhiên của anh, Bạch Đàn ấm ức dịu giọng:
- Anh quen thân với Hoàng lắm phải không? Chắc anh phải biết lý do Hoàng tới đây chứ?
Bới thêm một chén cơm, Giang nói:
- Trời đánh tránh bữa ăn đấy cô nương. Lâu rồi, em không thèm đếm xỉa gì đến tôi, sao hôm nay lại hỏi han tới tấp vậy? Hừ! Lúc nào em cũng hỏi tôi về những gã đàn ông khác. Thật không biết xấu hổ!
Bạch Đàn xìu mặt xuống. Cô bỏ đi một nước, ra tới sân Đàn ngồi phịch lên ghế đá. Bọn đàn ông thật nhỏ mọn, thù dai. Đặc điểm này ở Đại, Giang và Hoàng đều thấy rất rõ.
Để trả thù cô, Đại đã mượn Ái Linh làm người yêu, chớ đâu phải anh dối lòng, chạy trốn thực tại như cô từng suy nghĩ đầy lãng mạn.
Còn Giang và Hoàng nào tốt lành gì hơn đâu, thái độ vừa rồi của cả hai chứng tỏ họ sẵn sàng ăn miếng trả miếng khi đã biết cô chả hề có tình ý gì với họ. Nghĩ sự đời thật phát chán. Nhưng dù chán cách mấy, Bạch Đàn cũng phải hỏi cho ra Hoàng tìm mẹ cô nhằm mục đích gì. Nếu hôm nay mẹ ở nhà, Hoàng sẽ được bà tiếp đón như thế nào?
Vụt chạy vào trong, Bạch Đàn hỏi bà Ngọc:
- Mẹ con đi đâu từ sáng tới giờ dì?
- Dì không biết. Nhưng đi với thằng Bá, hình như hai người định ra ở riêng.
Bạch Đàn tròn mắt nhìn bà Ngọc. Với cô, những lời bà vừa nói thật bất ngờ.
Cô lắp bắp:
- Sao dì biết hả dì Ngọc?
Bà Ngọc thở dài sườn sượt:
- Mẹ con nói. Nó mù quáng mất rồi. Dì khuyên can, năn nỉ hết lời mà nó chỉ nghe theo thằng Bá. Vân Ngà tính mua nhà.
Bạch Đàn kêu lên:
- Tiền ở đâu mà mẹ mua nhà? Không lẽ ông ấy cho?
Bà Ngọc lắc đầu:
- Đời nào thằng đểu ấy lòi ra, dù một xu. Tiền đó mẹ con dành dụm cả đời mới có.
Bạch Đàn không tin, cô ngơ ngác nhắc lại:
- Tiền để dành sao con không biết? Mẹ có bao nhiêu mà đòi mua nhà?
- Mẹ con dấu, đến dì còn không rõ Vân Ngà có bao nhiêu, nhưng có lẽ không dưới hai mươi cây vàng.
- Trời ơi! Vậy mà lúc nào mẹ cũng than hết tiền. Thậm chí lương dạy kèm của con, mẹ cũng lấy để đóng hụi chết.
Bà Ngọc cười khẩy:
- Nhờ chơi hụi mẹ con mới có dư. Nó còn cho vay ăn lời nữa đó. Nhưng nếu dì kẹt, hỏi đến tiền, bao giờ Vân Ngà cũng bảo không có. Nóii chuyện này ra không phải để trách mẹ con, ý dì muốn cho thấy mẹ mày coi đồng tiền lớn hơn tình mẹ con, tình chị em. Nhưng trước gã đàn ông đó, nó sẵn sàng móc cả trái tim ra dâng tặng. Đã một lần vấp ngã, sao Vân Ngà vẫn còn nhẹ dạ đến thế nhỉ?
Bạch Đàn thẫn thờ:
- Bây giờ tính sao hả dì Ngọc? Con sợ mẹ bị gạt lần nữa quá.
Bà Ngọc nhìn cô chăm chú:
- Thật sự con không có chút tình cảm nào với thằng Bá hết sao? Dầu gì nói cũng là ba ruột của con.
Mặt Đàn lạnh tanh:
- Con ghê tởm ổng. Dì chưa biết đó thôi chớ thật ra con đã từng gặp ổng trước đây rồi.
- Vậy sao? Con gặp ở đâu?
Mắt Bạch Đàn bỗng dưng cay xè. Cô thấy tủi nhục chưa từng có. Vừa thút thít cô vừa khổ sở kể cho bà Ngọc nghe về ba ruột của mình.
Bà Ngọc tức tối:
- Tại sao tới hôm nay mày mới nói?
Đàn nghẹn ngào:
- Con sợ mẹ không tin mà còn buồn nữa.
Bà Ngọc ngao ngán:
- Phải từ đầu con kể chuyện này ra thì dì còn cách tính. Bây giờ trễ rồi. Vân Ngà sẽ không bao giờ tin. Còn thằng Bá đã sắp xếp chuẩn bị đối phó, lợi thế thuộc về nó. Nhưng dì sẽ can mẹ con tới cùng...
Bạch Đàn lo lắng:
- Lúc nãy có một người tìm mẹ. Anh ta không chịu nói mục đích, tự nhiên con thấy sợ sợ cái gì đó.
Nhìn ra cửa, cô sốt ruột:
- Mẹ lâu về quá.
- Nó có đi một mình đâu mà lo. Xuống bếp dọn dẹp cho rồi. À! Con vẫn chưa tìm ra chỗ dạy mới sao?
Khẽ lắc đầu, Đàn chậm chạp đứng lên. Cô nghe giọng bà Ngọc thật nhẹ:
- Thằng Đại không theo con nữa chớ?
- Không!
Bà Ngọc kết luận chắc nịch:
- Đàn ông là vậy đó. Tội gì phải nghĩ ngợi cho khổ.
Bạch Đàn rầu rĩ:
- Khổ chứ! Con đang rất kẹt tiền. Lương tháng rồi mẹ lấy hết. Cặp vỏ xe "banh ta lông" không có tiền thay. Bữa nào đạp xe đi học cũng hồi hộp muốn chết.
- Bao nhiêu dì đưa cho?
Đàn hậm hực:
- Con sẽ xin mẹ cho bằng được vì mẹ đâu thiếu trước hụt sau như con vẫn tưởng.
Bạch Đàn chán nản bỏ xuống bếp. Cô có cảm giác bị mẹ lường gạt khi nhớ bà luôn mồm than thiếu hụt. Mười hai tuổi, Bạch Đàn đã làm ra tiền. Ngoài thời gian đến lớp hầu như suốt ngày Đàn còng lưng trên bàn máy để ráp vải vụn. Đến lúc đi dạy kèm, tiền lãnh hàng tháng mẹ cô đều giữ. Chuyện này đã thành nếp quen nên Bạch Đàn không hề thắc mắc tại sao. Ngược lại, mỗi khi xin tiền đóng học phí hay sắm sửa vài vật dụng cá nhân Đàn lại thấy ngại vì mẹ cằn nhằn không có tiền, đừng hoang phí.
Đàn cười chua chát. Đúng là mẹ không có tiền mặt. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bà và của cô nữa bà đã mua vàng để dành, hoặc đem cho vay cả rồi. Sao cô vô tình đến mức không biết gì hết vậy? Nếu dì Ngọc không nói chắc Bạch Đàn vẫn cứ triền miên khổ trong cái vòng quẩn quanh còn hết, có không, thiếu hụt, nghèo đói mà mẹ luôn kêu gào nhằm ngăn cô đừng hỏi đến tiền.
Cuộc sống khó khăn đã khiến mẹ biển lận như thế nhưng có khi nào mẹ nghĩ vô tình bà đã biến cô thành con bé tràn đầy mặc cảm tự ti không?
Bạch Đàn ngẩng đầu lên nhận ra có người đến gần mình. Thấy Giang tủm tỉm cười, cô lại cúi xuống rửa tiếp đống chén bát còn đầy thau. Anh ngồi chồm hổm kế bên, giọng làm lành:
- Em muốn hỏi gì về Hoàng thì hỏi đi!
- Thế anh biết gì về Hoàng? Nói đi!
- Mẹ Hoàng là chủ quán cà phê Tigôn. Tôi thường tới đó uống cà phê, sinh hoạt câu lạc bộ Sáng Tác Trẻ mà Hoàng là thành viên sáng lập. Hoàng rất đào hoa, anh ta luôn được các cô ái mộ và ca tụng, họ truyền tay nhau chép những bài thơ tình khó hiểu của Hoàng. Trong số đó tôi có biết Chi Lan, cô gái này đặc biệt si mê anh ta. Có cả năm tôi xuống miền Tây làm việc nên không ghé quán Tigôn, khi trở lại Sai Gòn, gặp Hoàng, tôi hỏi thăm, anh ta nói Chi Lan đã chết vì bệnh. Tới nay tôi mới biết Chi Lan chỉ là biệt hiệu của Hiền Thục, người mà em luôn nghi ngờ đã tự tử chết vì tôi.
Bạch Đàn ân hận:
- Chuyện này tôi thành thật xin lỗi anh! Nhưng anh thật sự không biết Hoàng tìm mẹ tôi nhằm mục đích gì à?
Giang ngần ngừ:
- Nãy giờ tôi suy nghĩ, dù đoán ra rồi nhưng lại sợ sai, đến tai mẹ em lại phiền phức.
Bạch Đàn nóng nảy:
- Cứ nói đi! Mẹ tôi làm sao biết được.
- Tôi nghĩ Hoàng đến tìm dì Ngà là vì bác Bá. Hoàng là cháu ông ấy.
Bạch Đàn thảng thốt:
- Thật không?
- Chính bác Bá nói mà. Đàn nhớ lần đầu tôi đưa em tới quán Tigôn không? Lần đó bác Bá và dì Ngà năn nỉ tôi giúp để bác Bá được nói chuyện riêng với em. Khi nghe nói điểm hẹn là quán Tigôn, ổng nhảy nhỏm lên, không chịu. Tôi phải dối là Bạch Đàn đòi tới đấy, ông mới đồng ý và bảo rằng đó là quán của thằng cháu ruột...
Bạch Đàn nghi ngờ:
- Sao mẹ nói ba tôi không còn bà con họ hàng nào ở đây hết mà?
- Và em tin như vậy? Bác Bá đâu phải tuýp người đơn giản. Ông chỉ nói những gì có lợi.
- Tới giờ tôi vần chưa hiểu gì nhiều về ba mình. Có lẽ mẹ tôi cũng thế. Anh biết gì về ba tôi?
Giang bưng rổ chén đứng dậy:
- Không biết gì ngoài những điều đã nói với em trước kia. Nhưng mẹ tôi thì "nắm lý lịch" bác Bá rất rành vì hai người làm ăn chung mà. Bác ấy nói dối kinh khủng. Mẹ tôi nhờ bác đem tiền tới cho tôi, có vậy bác Bá lại nói ổng đi tìm vì người ta chỉ dì Ngà ở đây. Hôm đó tôi đã thấy kỳ kỳ rồi...
- Sao anh không cho tôi biết?
Giang bật cười:
- Để làm gì? Cô định lột mặt nạ ông bố ruột mình ra à? Không nên đâu!
- Tôi không thể để ổng lừa mẹ mình thêm lần nữa.
Giang nhún vai:
- Cho là vậy đi. Nhưng em sẽ ngăn ổng bằng cách nào khi dì Ngà tin ổng hơn tin em?
Bạch Đàn ngập ngừng:
- Anh có thể dẫn tôi đến nhà mẹ anh không?
Giang lắc đầu nhanh như cắt:
- Không được. Ông Bá từng năn nỉ tôi đừng kể chuyện ổng gặp lại em và dì Ngà với mẹ tôi, cũng như với bất cứ ai. Tôi đã hứa rồi.
- Anh hứa mà không cần tìm hiểu lý do. Vậy mà lương tâm vẫn thanh thản sao? Hay thật!
Giang thản nhiên:
- Khi đã khẳng đinh được mục đích của mình, lương tâm người ta đâu có gì phải ray rứt.
- Được! Tôi sẽ nhờ người khác dẫn đến nhà Bác Nhung.
- Đại phải không?
Bạch Đàn đứng dậy, lau tay vào khăn:
- Anh hỏi làm gì chứ?
Giang có vẻ phân vân:
- Em nghỉ dạy rồi mà. Không nên trở lại đấy!
- Không giúp thì thôi, anh đừng có bàn ra. Đại sẵn sàng làm bất cứ gì vì tôi.
- Phải hôn đó? Dạo này tôi thấy Đại bận bịu với một cô gái cũng dễ thương, biết hắn có thời gian không?
Bạch Đàn liếc Giang thật sắc:
- Tôi sẽ năn nỉ, bao giờ Đại chịu mới thôi.
- Vậy sao không năn nỉ tôi?
- Vì anh dễ ghét hơn Đại gấp mấy lần.
Giang cười cười:
- Em lập bản so sánh hồi nào thế? Thôi được. Tôi phải chứng tỏ mình dễ yêu hơn Đại. Em khỏi năn nỉ. Tôi sẽ tình nguyện chở em tới ngôi nhà mẹ tôi ở, nơi tôi từng thề không đặt chân vào.
Bạch Đàn nói:
- Đối với bác Nhung, anh cũng cố chấp. Bởi vậy đừng khuyên can chuyện của tôi.
Giang lắc đầu:
- Em lầm rồi! Tôi không sống chung vơi mẹ vì xung đột với ông dượng ghẻ, chớ tôi rất thương bà. Mẹ tôi đã chịu nhiều tủi nhục khi làm dâu. Ông bà nội tôi không chấp nhận bà từ đầu nên cứ xúi ba tôi bỏ vợ. Ông là người thiếu bản lĩnh, mẹ tôi lại ngang bướng nên khi tôi được ba tuổi hai người đã ly dị. Mẹ tôi không nghề nghiệp lại phải một nách nuôi con, trong khi ba tôi bỏ vợ mới ba tháng đã cưới vợ khác. Mẹ tôi rất hận dòng họ của Đại.
Bạch Đàn buột miệng:
- Và bác Nhung đã trả thù?
Giang cau mày:
- Trả thù nghĩa là sao?
Bạch Đàn cười khẩy:
- Giả bộ hoài. Bác Nhung làm cho Đại ở tù vì đâm một cô gái. Anh đã từng kể cho tôi nghe mà, bộ quên rồi sao?
- Mẹ tôi tài cán gì mà muốn cho ai vào tù thì cho. Đại đã dựng chuyện để bêu xấu chúng tôi với cô. Nó làm vậy nhằm mục đích gì? Từ hồi ông nội nó tuyên bố tôi là con hoang, không phải là cháu đích tôn của ổng và không bảo lãnh tôi đi Úc, tôi đã tự xem không họ hàng bà con gì với những người trong ngôi nhà có hai gốc nguyệt quế già ấy. Bộ Đại chưa vừa lòng sao còn đổ tội lên đầu mẹ tôi nữa.
Bạch Đàn bối rối trước phản ứng gay gắt của Giang, cô nói:
- Xin lỗi, tôi chỉ nhắc lại những gì đã được nghe. Còn đúng hay sai chỉ Đại và mẹ anh mới biết. Có thể bác Nhung đã dấu những việc mình làm thì sao?
- Tại sao mẹ tôi phải hại Đại chớ? Thật vô lý!
Bạch Đàn xua tay:
- Chuyện dài dòng lắm. Muốn biết, anh cứ hỏi bác Nhung. Nhưng tôi tin lời Đại nói là có thật.
- Và vì vậy nên đối với em, tôi dễ ghét hơn Đại gấp mấy lần?
Bạch Đàn làm thinh. Một lúc sau cô mới bảo:
- Anh và Đại thật ra vẫn là anh em tốt. Chỉ tại ai cũng nhiều tự ái quá nên mất tình máu mủ ruột rà.
- Nhưng Đại có xem tôi là ruột thịt đâu. Mà có thêm một người thân chắc gì đã hay.
- Trước đây ảnh cũng đã than thở với tôi những lời anh vừa nói. Đại từng ở tù nên luôn nhiều mặc cảm. Anh ấy cho rằng anh coi thường ảnh, dù thừa biết ảnh là nạn nhân của mẹ anh.
Giọng Giang bỗng đầy cay cú:
- Nếu vậy, phải nói Đại là nạn nhân của ba em thì đúng hơn. Đại bị bốn năm tù vì tội ăn cắp xe. Ba em trước đây chuyên tiêu thụ xe ăn cắp. Biết đâu ông đã xúi hắn làm chuyện này cũng nên.
Bạch Đàn nghẹn lời trước câu kết luận bất ngờ của Giang. Thì ra, Đại đã quen ba cô ở môi trường bất lương đó. Hèn chi lần đó Đàn hỏi, Đại úp mở nói từng làm ăn với ông, còn làm ăn gì thì anh không nhắc tới. Đại cũng như Giang, hai người đều biết ông Bá là hạng người nào trong xã hội này nhưng đều giấu cô. Có phải vì Giang và Đại thương hại cô không?
Tự dưng, Bạch Đàn thấy mệt mỏi. Giang nói đúng. Có thêm một người thân như kiểu ba cô thì chả hay ho gì. Trước đây ông đã từng làm ăn phi pháp, bây giờ còn không? Mẹ cô luôn bênh vực ông nên dù có biết chuyện chắc bà cũng dấu nhẹm.
Thấy cô cắn môi làm thinh, Giang tưởng Đàn giận. Anh vội vàng nói:
- Tôi sẽ đưa em tới gặp mẹ tôi. Bà chịu kể về bác Bá hay không là do tài năn nỉ của em.
Cô ngập ngừng hỏi:
- Chừng nào mình đi?
Giang có vẻ ngần ngừ:
- Ngày mai.
Bạch Đàn không ngăn được nôn nóng:
- Sao mình không đi ngay bây giờ?
Giang thản nhiên đáp:
- Tôi có hẹn với Mai Ly. Chắc em không xúi tôi bỏ hẹn chứ?
- Ồ không! Tôi đâu ích kỷ dữ vậy. Chúc hai người đi chơi vui vẻ!
Giang nhìn Bạch Đàn, anh nói:
- Tôi là người thực tế. Trong tình yêu cũng thế, tôi muốn mình là cái bóng mà người khác phải khó nhọc đuổi bắt chớ không muốn phải đuổi bắt một cái bóng khác. Tôi không muốn phải đau khổ triền miên như mẹ mình. Ngày xưa bà đã đánh đổi tất cả mọi thủ đoạn mánh khóe để được ba tôi cưới làm vợ mà không lường trước được những bất hạnh đầy dẫy đang chờ. Mẹ tôi không có ăn học nên làm sao hòa hợp với gia đình bên chồng được. Sau khi ly dị rồi, mẹ tôi không còn yêu ai nữa. Tình yêu với bà như chiếc bóng. Bà lao vào làm ăn rồi chấp nối với người đàn ông này cũng vì muốn có chỗ dựa để nuôi tôi. Tôi biết mẹ tôi còn yêu ba tôi nhiều lắm. Thỉnh thoảng, bà vẫn ghé nhờ cô Loan xin số điện thoại, địa chỉ của ổng, thậm chí đòi ở bển phải chu cấp tiền cho tôi. Bà làm như vậy để được nghe kể về ông ấy, biết ông ấy giờ ra sao, có hạnh phúc không.
Giang thở dài:
- Sắp hết đời người rồi mà mẹ vẫn quẩn quanh với cái bóng của mình. Tôi sẽ không như bà, tôi không yêu những cái mơ hồ. Muốn được vậy phải chiến thắng chính bản thân. Tôi không hiểu Đại lắm, nhưng chắc hắn hợp với em hơn tôi. Giữa hai người, ai là bóng, ai là hình, tôi chẳng biết. Nhưng em và hắn đang chơi trò trốn chạy. Nói thật đừng nên yêu như tôi. Trần trụi và thực dụng lắm!
Bạch Đàn bâng khuâng nhìn Giang bước đi.
Cô hiểu anh muốn nói gì với mình. Vậy cũng tốt, cô sẽ tự nhiên hơn khi trò chuyện cùng Giang. Còn yêu như thế nào là trần trụi là thực dụng, cô không cần quan tâm, miễn sao anh không rề rà tán tỉnh cô nữa là được.
Trở vào nhà ngồi nghiêm túc trên bàn học, cô bắt đầu làm bài. Bài văn bằng tiếng Anh với đầu đề "Lời nói dối nhân ái" quả là hóc búa. Bạch Đàn đã lấy chuyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" để minh họa cho bài viết của mình nhưng cô vẫn chưa hài lòng. Trên đời này liệu có bao nhiêu người chịu nói dối vì lòng nhân ái? Hay hiện thực chỉ có những người nói dối vì lợi ích của mình, như ba cô chẳng hạn. Biết rằng ông dối vì chính ông, nhưng làm sao Bạch Đàn chứng minh được ông đang sống hai mặt?
Thở ra một hơi, cô tự an ủi: "Dầu sao những người chân thật vẫn đông hơn những kẻ lừa đảo". Rồi cô lại xót xa nghĩ tiếp: "Thế sao trong cái thiểu số dễ ghét ấy lại có một người là cha ruột của mình?"
Vẫn vơ với những câu hỏi không lời giải đáp, Đàn đưa tay búng mũi chú thỏ trắng ngồi ngoan trên góc bàn. Giá mà mình được vô tư như con thỏ này. Chả biết Đại nghĩ sao mà đi tặng nó cho cô. Anh muốn nói là cô nhát như thỏ hay muốn nói là cô là một món đồ chơi dễ thương?
Dù Đại nghĩ cô là gì đi chăng nữa thì hai người cũng đã chia xa rồi.
Tự nhiên Đàn thấy mủi lòng, cô đưa tay ôm con thỏ nhồi bông vào người, nhớ vẫn vơ tới mùi hương nguyệt quế.
Không biết đêm nay hoa có nở trắng cây và Đại có hái tặng Ái Linh như đã tặng cô không nhỉ? Đã lâu rồi cô không được ngửi mùi hoa dễ làm say lòng người ấy...
- Bạch Đàn ơi! Có người kiếm...
Cô vùng dậy khi nghe tiếng Huệ nhí gọi:
- Ai kiếm hả Huệ?
- Một anh chàng trông quen quen. Người ta đợi ngoài cổng ấy. Ghê thật! Hổm rày xù Giang rồi hả? Nếu thật vậy chắc Mai Ly mừng hết lớn.
Mặc cho Huệ chì chiết, Bạch Đàn chạy vội ra sân. Tay vẫn còn ôm con thỏ nhồi bông, cô bàng hoàng khi thấy Đại ngồi trên ghế đá.
Hai chân Đàn như quýnh trước đôi mắt mênh mông của anh. Một tháng không gặp mà cô ngỡ lâu lắm rồi.
Giọng Đại thật khách sáo:
- Khỏe không Bạch Đàn?
Thay vì trả lời, cô chỉ gật đầu. Hai người im lặng ngồi bên nhau. Chịu không nổi sự thinh lặng nặng nề, Đàn lên tiếng:
- Tối nay anh không đi đâu chơi sao?
- Dạo này tôi lo học chớ không lo chơi nữa. Lâu quá không gặp Đàn nên tôi ghé thăm.
Bạch Đàn nói như máy:
- Vậy cũng tốt!
Đại hỏi trả lại:
- Tốt, về vấn đề gì mới được?
Hơi cong môi lên, Đàn đáp:
- Ít ra anh cũng... ngoan, không trốn học nữa. Tôi nghĩ vậy là tốt rồi.
Đại hơi nhếch môi:
- Đúng là nhận xét của một cô giáo. Ngoài khen chê tôi xấu, cô không còn gì để nói hết sao?
- Có chứ! Tôi đang thắc mắc chả biết bao giờ anh và Ái Linh mới làm đám cưới.
Đại đăm đăm nhìn cô, anh trầm giọng:
- Tôi không thể cứ lừa dối mình. Tôi không thể thay em bằng Ái Linh được nên làm gì có vụ cưới hỏi.
Bạch Đàn bối rối:
- Đừng nhắc tới vấn đề này, anh đã hứa rồi mà.
Đại thở dài ân hận:
- Xin lỗi! Tôi đến vì muốn nói với Đàn một chuyện quan trọng của ông Bá chớ không nhằm mục đích bày tỏ mãi lòng mình.
Bạch Đàn ngập ngừng:
- Anh định nói chuyện quan trọng gì vậy?
Nhìn nét lo lắng trên gương mặt Bạch Đàn, Đại bỗng chạnh lòng. Anh nói một hơi:
- Trước đây em có nói ba em không còn bà con ruột rà nào ở lại đây hết. Ông ta kể rằng vợ và con bỏ ông đi nước ngoài lâu rồi. Thật ra ông Bá nói dối. Vợ con ổng vẫn ở tại Sài Gòn. Tôi đã tìm hiểu và biết chắc quán cà phê Tigôn là quán của vợ con ổng.
Quên cả ý tứ, Bạch Đàn nắm chặt tay Đại, giọng cô nghẹn đi:
- Anh bảo sao? Quán cà phê Tigôn hả? Vậy là... là... Hoàng Giang là... là...
- Là con trai của ông Bá. Anh cùng cha khác mẹ với em.
Liếm đôi môi khô khốc, Bạch Đàn ngờ vực ngó Đại:
- Có đúng vậy không? Nếu thế, ông ấy đã có vợ có con rồi mới gạt mẹ tôi chớ đâu phải vì gia đình ngăn cấm như ổng từng nói.
Đại nói:
- Chả giấu gì em, cô Loan cũng từng sa vào bẫy của ông Bá. Cô ấy đã tự tử vì ông ta nhưng may mắn được cứu sống. Chính cô Loan kể cho tôi nghe về vợ con ông. Nhưng chỉ hôm qua tôi mới biết chính xác Hoàng là con trai của ổng khi tôi đưa cô Loan tới quán Tigôn. Mẹ con Hoàng không phải người tốt. Tôi sợ họ sẽ làm hại tới bác Ngà và em.
Bạch Đàn siết chú thỏ nhồi bông vào người, lo lắng:
- Hồi chiều Hoàng có tới đây tìm nhưng mẹ tôi không có nhà. Anh ta muốn gì?
- Hắn ta muốn vòi tiền. Nếu không ứng hắn sẽ quậy.
Bạch Đàn trợn mắt:
- Nghệ sĩ đầy mình như Hoàng mà tệ vậy sao? Ít ra anh ta cũng phải tìm hiểu trước sau đã chứ.
Đại bật cười:
- Hoàng là đồ dỏm. Bởi vậy màn quậy của hắn cũng chỉ là một màn kịch. Cần gì phải tìm hiểu trước sau.
Bạch Đàn nhíu mày:
- Tôi vẫn không hiểu anh muốn nói đến kịch gì nữa?
Đại giải thích:
- Đại khái nếu biết ông Bá quen người đàn bà nào, Hoàng sẽ tới làm tiền bà ta, nếu không được hắn sẽ kéo bà mẹ nổi tiếng "la sát" của mình tới đánh ghen.
- Trời ơi! Thật vậy sao?
- Chính bác Nhung, mẹ Giang nói với cô Loan như vậy. Trường hợp này nhiều khi được sự tiếp tay của chính ông Bá.
Bạch Đàn hoang mang, nhơ ngác:
- Tôi... tôi không hiểu gì cả.
Đại trầm giọng:
- Đôi khi muốn loại bỏ người tình đã hết tiền nhưng vẫn bám theo mình, ông Bá nhờ, thậm chí muốn Hoàng diễn kịch "tống tiền, hăm dọa, đánh ghen".
Bạch Đàn ngồi không yên trên ghế. Cô rùng mình mấy lần làm Đại lo lắng:
- Em lạnh à?
- Không! Nhưng tôi khó lòng tin trên đời này lại có những màn kịch bẩn thỉu như vậy. Đã thế, người diễn kịch lại có bề ngoài hết sức lịch lãm.
Đại chép miệng:
- Tại em không biết đó thôi. Xã hội đầy rẫy những kẻ lừa đảo. Tầng lớp nào, nghề nghiệp nào cũng có hạng người này. Ông Bá và Hoàng từng hợp tác nhiều vụ lừa dối đó.
- Họ lừa ai vậy?
Đại khoanh tay, tựa người vào thành ghế đáp:
- Rất nhiều người. Đầu tiên Hoàng lừa những nhà nghiên cứu văn học, những văn nghệ sĩ chân chính. Hắn mượn, xin, thậm chí ăn cắp những bài viết của họ về những vấn đề văn học như: cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của một nhà văn tiền chiến hay cổ điển nào đó...
Bạch Đàn nóng nảy ngắt lời:
- Nhưng để làm gì? In thành sách à?
Đại bật cười:
- Không phải! Hoàng mang những bài viết này về cho ông Bá đọc, sau đó hắn lợi dụng danh nghĩa một đơn vị thông tin văn hóa nào đó điện thoại tới nhiều xí nghiệp cơ quan, công ty đề nghị họ chuẩn bị chu đáo để nghe học giả, Tiến Sĩ Ngôn Ngữ Học nói chuyện chuyên đề. Thường những nơi này ít có người đến nói chuyện về văn học nghệ thuật. Giám đốc cũng muốn nhân viên của mình thay đổi tư duy, tiếp cận với các học giả, làm quen với văn nghệ nên rất sẵn lòng đón tiếp. Với bộ vó phong nhã, thanh lịch, ông Bá đã nhập vai Tiến Sĩ Ngôn Ngữ học rất xuất sắc. Đi tới các Nhà Văn hóa cấp quận, các xí nghiệp để diễn thuyết, ông ta được bồi dưỡng khá hậu, đã vậy còn được chiêu đãi cơm nước thịnh soạn.
Bạch Đàn tức tối kêu lên:
- Thật là bịp bợm!
- Đúng! Ông bà ta đã nói: "Đi đêm nhiều ắt có ngày gặp ma". Cây kim dấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, huống hồ chỉ một con người thích "nổ" bằng công sức người khác. Ông ta đã bị công an văn hóa mời khi đang say sưa bàn về chữ tài chữ mệnh trong Kim Vân Kiều. Công an bắt ông ta làm bản kiểm điểm, hứa không tái phạm rồi cho về. Chuyện dài về học giả Hoàng Bá có đăng trên báo Công An Thành Phố cách nay cũng hơi lâu rồi, chắc Đàn không nhớ đâu. Tôi từng đọc qua vụ này nhưng không nghĩ đó là ông Bá, tay chuyên mua xe ăn cắp mình đã từng làm ăn chung. Công nhận ông ta... bá nghệ thuật.
Bạch Đàn muốn khóc trước câu kết luận vô tư của Đại. Cô cúi gằm mặt xuống, nước mắt cứ chực ra, ngực ứ nghẹn, tức hơi đến muốn vỡ bụng.
Bạch Đàn nức nở:
- Tại sao tôi lại là con ông ấy? Tại sao?
Quay lại nhìn Đại bằng đôi mắt đẫm ướt, cô trách:
- Anh ác lắm nên mới kể những chuyện xấu xa của cha con ổng cho tôi nghe.
- Em muốn mắng gì tôi cũng được, điều quan trọng là phải cẩn thận đề phòng, phải làm sao cho bác gái biết và tránh xa ông Bá.
- Phải làm sao? Tôi biết phải làm sao bây giờ. Với mẹ tôi, ông ấy là tất cả, là trên hết. Thậm chí bỏ tôi để có được ông ấy, mẹ cũng sẵn sàng bỏ ngay.
Rồi cô thút thít:
- Trên đời này không còn ai nghĩ đến tôi hết. Ngay cả anh, người mà tôi... tôi tin rằng hiểu tôi nhất, cũng lãnh đạm, thờ ơ.
Đại kêu lên:
- Tôi lãnh đạm, thờ ơ?
Bạch Đàn tức tưởi:
- Chớ còn gì nữa. Người ta đã nhượng bộ, đã chịu trở lại dạy học, vậy mà anh làm mặt khó đăm đăm, suốt buổi không cười, không một lời hỏi han. Với anh, Ái Linh mới quan trọng chớ đâu phải người ta.
Hít hít mũi, cô tiếp:
- Cám ơn anh đã tới đến nói những chuyện vừa rồi. Bây giờ anh về đi.
Đại lắc đầu:
- Làm sao anh về được khi em cứ khóc như vầy. Bạch Đàn! Trách nữa đi, thậm chí đấm anh vài cái cho vơi khổ anh cũng chịu nhưng đừng đuổi anh về.
- Chỗ của anh là ở nhà Ái Linh kia mà.
Đại nắm chặt hai tay cô, giọng lì lợm:
- Không có Ái Linh nào xen vào anh với em hết. Anh từng nói yêu em và em im lặng. Đêm nay anh phải hỏi cho ra tình cảm của em đối với anh mới được. Em không trả lời, anh ngồi đây tới sáng. Nói đi Bạch Đàn. Có yêu anh không?
Ghị tay mình ra khỏi đôi tay mạnh bạo của Đại nhưng không được, Bạch Đàn nói qua hơi thở:
- Yêu thì sao, còn không yêu thì sao? Với tôi, tất cả đàn ông đều giống nhau. Tôi không tin ai hết.
Nói dứt lời, cô lại khóc. Đại xót xa nhìn cô. Buông tay Đàn ra, anh ngồi thừ người trên ghế. Con thỏ nhồi bông rơi xuống đất nằm ngoẻo sang một bên trông thật tội.
Anh khó khăn mở lời:
- Không nên nhìn cuộc sống bằng một định kiến. Em phải lạc quan, bao dung hơn mới thấy hạnh phúc và yêu đời. Em sẽ sống ra sao khi không tin vào bất cứ ai? Đúng ra phải nói em không tin chính mình nên không nhận thấy được ai tốt, ai xấu. Em yêu nhưng từ chối lòng mình. Rồi em mãi quẩn quanh trong vòng tròn do em vẽ ra. Em sẽ chẳng có gì, chẳng được gì vì đặt niềm tin sai chỗ. Phải nhớ rằng người tốt bao giờ cũng nhiều hơn kẻ xấu gấp bội lần. Vì họ mà vơ đũa tất cả đàn ông, tự làm khổ mình thật là ngu xuẩn.
Bạch Đàn quắc mắt nhìn khi nghe Đại nói mình ngu xuẩn. Cô chưa kịp phản ứng thì anh đã nói tiếp:
- Giờ anh đã hiểu em yêu anh, nhưng em không dám nhìn sự thật này. Anh thất vọng khi nghĩ anh từng yêu và tin tưởng một cô gái bản lĩnh, giàu nghị lực, luôn luôn vượt qua số phận. Thật ra, cô ta chỉ là một con ốc suốt ngày rúc vào lớp vỏ nặng nề của mình mà tưởng đó là nơi trú ẩn an toàn nhất.
Bạch Đàn nấc lên:
- Anh đừng nói nữa!
Giọng Đại lạnh như băng:
- Tại sao không? Anh nói đúng nên em sợ chớ gì? Yêu và được yêu đâu có gì xấu. Tại sao em cứ nghĩ tình yêu của anh giống tình yêu của ông Bá dành cho mẹ em hoặc giống những mối tình gian dối khác.
Đặt tay lên vai Đàn, anh chợt dịu dàng:
- Tin vào một người, kể lể mọi buồn vui và được họ chia sẻ thật là sung sướng. Đã có lần anh ở bên em suốt đêm, nghe em khóc và vỗ về lau nước mắt cho em. Những lúc ấy, em không thấy lòng mình thanh thản hơn phải lặng lẽ chịu đựng những bất hạnh của cuộc đời một mình sao?
Bóp nhẹ bờ vai run run của Đàn, anh tha thiết:
- Bạch Đàn! Anh luôn mong được chia sẻ những buồn vui của em, anh mong được che chở, an ủi cho em. Hãy nhìn cho kỹ anh đi! Anh không nói dối bao giờ...
Bạch Đàn lắc lắc đầu, cô vẫn khóc và để mặc Đại kéo mình vào lòng. Anh nhẹ nhàng chùi nước mắt cho cô, giọng thì thầm xúc động:
- Con thỏ bông ngang bướng của anh! Đêm nay em cứ khóc cho hả hê đi. Bắt đầu ngày mai anh sẽ không để em phải khóc nữa.
Bạch Đàn bồi hồi tựa vào ngực anh, cảm giác yên ổn vì được bảo bọc lại trở về giống như đêm nào cô lang thang, đã khóc vùi ướt vùng ngực vững vàng của Đại.
Anh nói đúng, cô là con ốc chỉ biết ẩn trong lớp vỏ mặc cảm nặng nề và đánh giá mọi người bằng những định kiến ngốc nghếch. Suốt hai tháng nay cô đã làm khổ mình, làm khổ Đại chỉ vì những suy nghĩ lệch lạc.
Tự nhiên cô tìm tay anh rồi siết chặt. Đại hỏi nhỏ:
- Sao vậy?
Bạch Đàn lại khe khẽ lắc đầu. Đêm ở đây không thơm mùi nguyệt quế nhưng vẫn nồng nàn dễ say lòng người. Đại bồi hồi vuốt tóc cô, anh biết Đàn đang trải qua một cơn sốc. Tốt nhất cứ để cô tựa đầu vào ngực anh như bây giờ với tất cả vẻ yếu đuối của người cần được chở che, bao bọc.
Lời Yêu Thương Lời Yêu Thương - Trần Thị Bảo Châu