Chương 8: Điên Phốc Đạo
ỗ Nhất Khí lùi lại hai bước, gỡ mảnh lụa đỏ trên mặt xuống, xem xét lại một lần nữa bức tranh thủy ngân Nam Từ, thì ra nó là một bức bích họa bằng sứ men rỗng, khảm trên bức chiếu bích thứ ba của trạch viện.
Đúng vậy, bức chiếu bích thứ ba. Trạch viện này có tới ba bức chiếu bích!
Trước mặt họ là chiếu bích hình chữ “nhất” bên trong cổng chính, là loại chiếu bích thường gặp nhất trong tứ hợp viện, song cũng là bức chiếu bích đáng sợ nhất, dị thường nhất trong ba bức chiếu bích mà họ đã phải đối đầu trong đêm nay.
Ba người kia vội vàng chạy lên, kéo Lỗ Nhất Khí cùng lao vào lối đi mới mở. Khảm tử gia đều biết rõ, quá trình xung phá khảm diện cần phải cố gắng thực hiện liền một mạch, chỉ chần chừ một chút thời gian, sẽ càng thêm nhiều nguy hiểm, bởi lẽ sẽ tạo thêm cơ hội cho đối thủ thay đổi khảm diện và tăng thêm nút lẫy.
Thoát khỏi cánh cổng kinh hồn này, họ đã xông vào được ngoại viện của khu trạch viện. Khoảng sân trông vuông vức và rộng lớn hơn rất nhiều lần so với kết cấu ngoại viện của nhà ở bình thường. Kì lạ hơn nữa là toàn bộ sân trước gần như bị choán hết bởi một hồ nước lớn, vị trí của nó tương ứng với vị trí đặt bể cá vàng trong các hộ bình thường. Giữa hồ nhô lên vài khối đá Thái Hồ cao vút xù xì, so le khấp khểnh, vị trí của chúng được thiết kế rất khéo léo, vừa hay che chắn được tầm nhìn về hướng tây và bắc, khiến mọi người không thể nhìn thấy được cổng thùy hoa[1]. Nhìn về phía đó, chỉ thấy thấp thoáng sống nóc hình cánh cung và các đầu đao uốn cong, mà phán đoán rằng ở đó có lẽ là một môn lâu[2].
Lỗ Nhất Khí đứng ngẩn ra, thầm nghĩ, làm sao lại có cách xây nhà kì quặc đến thế? Như vậy làm sao để vào được cổng thùy hoa và nội viện đây?
Cùng lúc đó, cậu cũng phát hiện ra rằng, trong ngoại viện không có đảo tọa, tức là không có căn phòng tại bức tường phía nam quay hướng về ngôi nhà chính. Không có phòng bên cổng, không có đảo tọa, xem ra trạch viện này tuy diện tích rất rộng, song lại không có mấy nóc nhà. Chí ít cho tới lúc này, họ vẫn chưa nhìn thấy một căn phòng nào, bởi lẽ ngôi nhà này vốn dĩ không phải được xây để ở.
Lỗ Nhất Khí quả thực cảm thấy rất băn khoăn. Dẫu cậu biết rằng, cho dù người thợ xây có hồ đồ đến đâu chăng nữa, cũng không thể chuyển cái hồ vốn dĩ chỉ nên xuất hiện ở vườn sau thành bể cá vàng đặt tại sân trước; dẫu cậu biết rằng, cho dù chủ nhà có ngốc nghếch đến thế nào chăng nữa, cũng không thế thiết kế một hồ nước lớn đến mức choán hết cả diện tích sân trước. Thế nhưng khảm diện vừa vượt qua đã cho cậu biết rõ hơn rằng, trong trạch viện này mọi chuyện đều có thể xảy ra, mọi thiết kế quái dị đều có thể xuất hiện.
Bác cậu đã tìm ra con đường để đi tiếp. Tại phía nam của cái sân, tại nơi mà đáng lẽ phải có căn phòng đảo tọa[3], chìm khuất giữa một tảng đá lớn và một gốc sơn trà um tùm bên cạnh hồ nước là lối mở vào giữa một hành lang quanh co gấp khúc.
Họ không dám đi tiếp, bởi lẽ hành lang này trông không giống như một con đường có thể đi qua. Đây là kiểu hành lang kín một nửa, một bên là vách tường bịt kín, một bên là dãy lan can thấp sát mép nước, chỗ cao chỗ thấp, gạch lát trên nền hành lang lồi lõm khấp khểnh, các trụ dọc hành lang cái nhỏ cái lớn, bản thân hành lang cũng chỗ rộng chỗ hẹp. Đứng từ vị trí của họ nhìn vào, thì thấy hành lang này có thể dẫn đến cổng thùy hoa, vấn đề ở chỗ có đi qua được hay không, và phải đi qua bằng cách nào. Thử nghĩ mà xem, những bức chiếu bích và cổng chính được thiết kế ngay ngắn đến vậy mà còn ẩn chứa trùng trùng nguy hiểm, huống chi là đường hành lang càng trông càng nghịch mắt này.
Quỷ Nhãn Tam lại tìm ra một lối đi khác ở mé chính bắc ngoại viện, cũng khuất giữa một tảng đá lớn và một gốc sơn trà um tùm bên hồ nước là chỗ bắt đầu của một hành lang khác. Hai dãy hành lang giống nhau như đúc, chỉ khác ở chỗ đứng từ lối vào của hành lang này có thể thấy thấp thoáng mặt bên của một môn lâu.
Phải làm thế nào đây?
- Nếu bắc được một cây cầu đi thẳng qua mặt hồ thì tốt quá! – Có lẽ do còn trẻ, cũng có thể do ảnh hưởng bởi kiến thức ở trường Tây học mà suy nghĩ của Lỗ Nhất Khí có phần bay bổng.
- Bắc cầu thì dễ thôi, song sẽ càng khó đi hơn nữa. Phi nga sách[4] của chú Hạ và Thiên thần phi trảo[5] của Nghê Tam đều có thế bắc được một chiếc cầu treo. Song ở những nơi như này, nếu đi theo đường chính, tức là sống chết ngang cơ, có thể thoát ra, cũng có thể bị vây khốn. Nếu cao tay, sẽ qua được; nếu kém tài, sẽ trở về. Dù có sơ suất cũng chưa chắc đã nguy hại tới tính mạng! – Lỗ Thịnh Hiếu nói tới đây thì ngừng lại.
Lão mù liền tiếp lời:
- Con đường tự tạo ra chắc chắn là đường chết. Chủ nhân của ngôi nhà đã tính toán trước cả rồi. Nếu không, một tặc vương như ta sao phải nhọc công phí sức làm gì, ngay từ bên ngoài đã bay tường nhảy cổng cho rồi!
Những lời của Lỗ Thịnh Hiếu và lão mù đã giúp Lỗ Nhất Khí hiểu thêm đôi chút về môn Khảm tử[6].
- Ông Hạ, đừng có bay, chi bằng hãy theo tôi đi đào hang! – Quỷ Nhãn Tam lại chộp được cơ hội để chọc tức lão mù, song lời nói đã khách sáo hơn rất nhiều. Lời nói của hắn cũng đồng thời cho Lỗ Nhất Khí biết rằng, ở đây bay lên trời không được, mà chui xuống đất cũng không xong.
Lão mù không để tâm đến Quỷ Nhãn Tam, chẳng nói chẳng rằng, ngồi thụp xuống đất, bắt đầu tỉ mỉ sờ soạng trên nền gạch cao thấp khấp khểnh.
Nền đất được lát bằng loại gạch nhỏ màu xanh của Giang Nam, rộng chừng ba ngón tay, dày hai ngón tay, dài cỡ bàn tay. Chúng đều được lát dựng đứng, như vậy tuy tốn gạch, song rất chắc chắn, không dễ bong tróc, hơn nữa khi lát xuống còn được tạo hình hoa văn đa dạng, trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, cho dù tạo hình có đẹp đẽ đến đâu, thì thiết yếu nhất vẫn là phải lát thế nào cho bằng phẳng dễ đi mới đúng, đằng này lại khấp kha khấp khểnh. Nếu không phải là tay nghề kém, thì chắc chắn là cố tình muốn người ta vướng chân vấp ngã.
- Này anh cả, anh nhìn xem, sao tôi có cảm giác dường như nó rất giống với bộ pháp của Điên phốc đạo nhà anh thì phải? – Lão mù sau khi đã dò dẫm một hồi, bèn nói với Lỗ Thịnh Hiếu.
Lỗ Thịnh Hiếu nghe đoạn, liền kéo lão mù đứng dậy, lôi sang một bên, cầm lấy chiếc đèn khí tử phong trong tay Lỗ Nhất Khí, đặt vào vị trí bên trong hành lang cách lối vào khoảng một cánh tay. Rồi ông nghiêng chống bàn tay phải xuống đất, gập khuỷu, hạ thân người áp sát mặt đất, bàn tay trái chụm thành thất hoa chỉ quyết, vươn ra xa.
Nhìn ông khai triển tư thế đó, Lỗ Nhất Khí không khỏi kinh ngạc, nghĩ thầm: “Bác mình đã nhiều tuổi nhường kia mà vẫn thực hiện được động tác khó đến thế. Trẻ khỏe như mình chắc chắn cũng không thể bắt chước được, thực đáng khâm phục!”
Lỗ Thịnh Hiếu nheo mắt, đưa chỉ quyết vạch xuôi vạch ngược mấy lần, sau đó duỗi thẳng cánh tay, thu người đứng dậy.
Quỷ Nhãn Tam buột miệng thốt lên:
- Phục long thám căn! Đây chính là công phu Định cơ trong Lục hợp chi lực[7] của Lỗ gia.
Lão mù nghe vậy, lập tức tán dương:
- Anh cả, anh vẫn sử được chiêu này, mà tôi còn chưa kịp nghe ra, quả đúng là thân thủ không già.
- Lão giặc mù, đừng có chuốc thuốc mê cho tôi, chú đang tự khoe khoang thì có! Nhưng chú rờ mó cũng chính xác đấy, đây chính là bộ pháp của Điên phốc đạo, chỉ là tự quyết đã đổi chữ “trượt” thành chữ “vấp” mà thôi!
Nghe Lỗ Thịnh Hiếu nói vậy, lão mù lại phô ra một nụ cười đắc ý, song ngoài miệng vẫn ra vẻ khiêm tốn:
- Tôi chỉ đoán bừa thôi, gia tộc các anh vốn cũng có dây mơ rễ má với bọn họ, nên cách bố trí giống nhau cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
- Tuy nói là vậy, nhưng trải qua bao nhiêu thế hệ truyền thừa, cải tiến, chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt. Hơn nữa vài trăm năm trước, bọn họ đã dựa vào thế lực của gia tộc để tiến hành thu thập kĩ nghệ khắp giang hồ rồi cải tiến thêm. Như con đường Điên phốc đạo đã sửa một tự quyết này, không rõ bên trong liệu có huyền cơ nào khác không? – Lỗ Thịnh Hiếu nói, giọng đầy lo lắng.
- Có cần tôi đi thử vài bước không? – Lão mù chủ động lên tiếng, vẻ rất quả cảm.
- Cứ để tôi, hai người chỉ cần bảo vệ cho Nhất Khí là được! – Lỗ Thịnh Hiếu nói, rồi không để ba người kịp phản ứng, ông lập tức bước vào hành lang.
“Một dừng hai điểm ba vượt bốn xoay” là bốn khẩu quyết của bộ pháp trên Điên phốc đạo, mỗi một quyết đều ăn khớp với một cơ quan trên mặt đường. Sau khi bước vào một bước, cần dừng lại một chút, cũng chính là để ổn định lại cơ thể, rồi mới bước tiếp bước thứ hai. Nếu không dừng lại mà bước luôn, thì bước thứ hai chưa kịp chạm đất, đã ngã nhào sang một bên. Bước thứ hai không thể giẫm cả bàn chân xuống, mà chỉ điểm khẽ xuống mặt đất để vượt qua, đó chính là “hai điểm,” nếu không, phần cổ chân sẽ bị vặn mạnh ra phía ngoài, trẹo khớp hay gãy xương là chuyện khó tránh. Bước thứ ba cần sải rộng chân mà bước qua, để vượt qua khảm diện, nếu không, phần chân sẽ bị trượt thẳng về phía trước, thương tổn dây chằng. Bước thứ tư cần hơi xoay sang bên trái một chút, nếu vẫn bước thẳng như trước, phía trước chắc chắn sẽ có một vật gì đó đập thẳng vào khiến cho sứt đầu mẻ trán. Giang hồ gọi những người ngoại đạo không hiểu gì về cơ quan khảm tử là “mộc qua” (dưa đần), gọi những người không biết bộ pháp của khảm tử mà bước lầm vào, hoặc xông bừa vào là “phá qua” (dưa vỡ). Nói ngay như Điên phốc đạo này, chỉ cần đi sai bốn bước đầu tiên, một người đang yên đang lành chắc chắn sẽ tan nát khác gì quả dưa bị đập vỡ.
Điên phốc đạo của Lỗ gia sau khi bố trí xong thường thiết kế khảm diện rất khéo léo, nhìn từ bên ngoài hầu như không thể nhận ra được. Nhưng Điên phốc đạo tại hành lang này lại bố trí khá cẩu thả, đặc biệt là đã sửa tự quyết “trượt” ở bước thứ ba thành tự quyết “vấp,” bố cục trơn trượt kín đáo khó nhận đã được biến thành những viên gạch nhô lên, thoạt nhìn là nhận ra ngay.
Lỗ Thịnh Hiếu sửa “ba vượt” thành “ba nhảy,” đã đi được chừng ba, bốn tổ hợp bốn bước, vẫn không thấy có gì khác thường, ông bèn quay trở lại lối vào hành lang. Ông không dám đi quá xa. Chỉ có một mình mà đi tách xa là rất nguy hiểm.
Ở lối vào hành lang, lão mù đang thao thao bất tuyệt giảng giải cho Lỗ Nhất Khí nghe về bộ pháp và các bí mật của Điên phốc đạo. Thực ra, Lỗ Nhất Khí đã tìm hiểu được đôi chút về Điên phốc đạo nhờ đọc được cuốn sách “Kì công,”[8] chỉ là không hiểu cách bố trí và bộ pháp cụ thể mà thôi. Nhìn thấy cách thức Lỗ Thịnh Hiếu bước đi, lại nghe những lời giảng giải của lão mù, cậu đã sáng tỏ ra rất nhiều.
- Bước đầu tiên bắt đầu từ chỗ xiên ngang trên mặt đường nếu không biết thế Phục long thám căn, cậu hãy ngồi thụp xuống hay nằm bò xuống mà nhìn, chỉ cần giữ đầu ở độ cao thích hợp, sẽ nhìn ra được! – Lão mù dường như hiểu rõ vướng mắc trong lòng Lỗ Nhất Khí, nên đã giảng giải cho cậu về bước đi đầu tiên quan trọng nhất.
- Đường đi hai bên đều giống nhau, nếu không có vấn đề gì thì chúng ta hãy đi theo đường này, có vẻ gần cổng thùy hoa hơn! – Lỗ Thịnh Hiếu nói, song vẻ hoài nghi vẫn lộ rõ trên hai đầu lông mày đang nhíu lại.
Vẫn là Lỗ Thịnh Hiếu bước vào Điên phốc đạo đầu tiên, Lỗ Nhất Khí đi sát theo sau. Như vậy, cậu không cần phải tự mình phán đoán bước chân nữa, cứ đi đúng theo bác là được. Đi sau cậu là lão mù, cuối cùng là Quỷ Nhãn Tam đoạn hậu. Bốn người bọn họ đi sát vào nhau, khoảng cách giữa họ bằng một tổ hợp bốn bước.
Bước thêm vài tổ hợp nữa, vẫn không có điều gì bất thường. Họ đang từ từ tiến lại gần cổng thùy hoa.
Khi tổ hợp bước chân thứ bảy sắp kết thúc, Lỗ Nhất Khí chợt cảm thấy thân hình Lỗ Thịnh Hiếu ở phía trước có một chút xíu lệch nhịp, cậu cũng không quá lưu tâm đến. Tới lượt cậu, khi bước đến “bốn xoay,” cậu cũng bất giác xoay về phía trước nhanh hơn một chút, tức là bước xoay này có mang theo một chút xung lực đẩy cậu tiến lên, và vẫn trong thế lao về phía trước để bước sang tổ hợp thứ tám. Xung lực này khiến cậu cảm thấy rất tự nhiên, cũng rất thoải mái, dường như có một luồng sức mạnh bên ngoài đã đẩy cậu đi.
Khi tổ hợp thứ tám kết thúc, bước xoay cuối cùng dường như lại nhanh hơn một chút, tựa như đang lướt đi trong mây, không hề tốn sức lực.
Khi kết thúc tổ hợp thứ chín, cậu cảm thấy bản thân bắt đầu không kiểm soát nổi xung lực đó nữa, suýt nữa thì đâm vào cột hành lang. Trong lúc cậu cố gắng khống chế để xoay trở lại, thì xung lực đột ngột biến mất. Đang gắng sức xoay người, cậu chợt mất đà, va đánh sầm vào bức tường hành lang ở phía đối diện, hơn nữa đây lại chính là chỗ chật hẹp nhất của hành lang. Dưới sự tác động của hai luồng xung lực một xuôi một ngược, cậu lại bị đẩy vào tổ hợp tiếp theo.
Tổ hợp thứ mười, thứ mười một, xung lực xô đẩy mỗi lúc một mạnh hơn, cậu đã bắt đầu hết va vào cột trụ, lại va vào tường hành lang. Phản lực đến từ những cú va đập càng khiến cho cậu khó mà kiểm soát nổi thân hình. Xung lực càng lúc càng dữ dội, tốc độ cũng càng lúc càng nhanh.
Lúc này cậu cũng phát hiện thấy, bác cậu ở phía trước cũng gặp phải tình trạng giống y như cậu, thậm chí còn tệ hại hơn, dường như ông đã bắt đầu chạy. Sau lưng cậu cũng liên tục vọng đến tiếng cơ thể va đập và vạt áo bay lật phật, xem ra hai người phía sau cũng không có gì sáng sủa hơn.
Lỗ Nhất Khí còn phát hiện ra một điều, cổng thùy hoa vốn tưởng như rất gần, nhưng đến bây giờ họ vẫn chưa đi tới, dường như nó vẫn ở rất xa.
Và một sự việc đáng sợ đã xảy ra, họ không thể dừng lại được! Dưới tác dụng của các loại lực đạo, họ buộc phải bước tiếp về phía trước, hơn nữa càng bước càng nhanh, muốn dừng lại, chỉ còn cách chủ động bước chệch vào nút lẫy đạp lên khảm diện. Song giờ đây, khi các loại lực đạo đã kết hợp lại với nhau, nếu đạp vào khảm diện, hậu quá chắc chắn sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều so với khi mới đặt chân vào hành lang. Nếu không cẩn thận, bong gân gãy xương là chuyện nhỏ, không chừng còn vỡ đầu nát óc như chơi.
Lúc này, Lỗ Nhất Khí chỉ muốn mình là một gã “dưa vỡ” không hiểu gì về bộ pháp trong Điên phốc đạo, cho dù có thành “dưa đần” cũng được.
Mồ hôi cậu túa ra lút đầu, vì mệt, cũng vì sợ hãi. Song cậu không thể lau mồ hôi được, ngay cả động tác vung vẩy của cánh tay đã không thể điều khiển được nữa. Mồ hôi ròng ròng che mờ hai mắt, khiến cậu không còn nhìn rõ thân hình người bác ở phía trước. Cậu chỉ còn nghe rõ tiếng thở dốc nặng nề của mình, tiếng thở của cậu đã lấn át các âm thanh khác, trở thành tiếng sấm dội duy nhất trong tai cậu lúc này.
Cậu vẫn chệnh choạng chạy về phía trước, những va đập mỗi lúc một thêm dữ dội. Trước mặt cậu là con đường không có điểm tận cùng, nhưng cậu biết, cho dù con đường này dẫn đến thiên đường hay địa ngục thì trước khi tới đích, cậu đã chết rồi. Hơn nữa, rất có thể là một cái chết cực kì đau đớn sau khi đã vắt kiệt sức lực.
Cậu không muốn chết vì kiệt sức, thà cậu bị quật chết hay ngã chết còn hơn, bởi vậy, cậu quyết định sẽ đạp vào nút lẫy, giẫm lên khảm diện…
Nhưng, một sự việc khủng khiếp hơn đã xảy ra ngay cả khảm diện cậu cũng không thể giẫm vào được, trong khi vốn dĩ chỉ cần bước chệch đi một chút. Cơ thể cậu đã hoàn toàn mất khả năng kiểm soát, mọi động tác đều được thực hiện một cách máy móc, đặc biệt là đôi chân, đã hoàn toàn không thể điều khiển được nữa.
Lỗ Nhất Khí đã thực sự khiếp sợ. Cậu thấy mình như đã sa thân vào một đầm lầy tuyệt vọng, chỉ biết giương mắt nhìn lớp bùn nhão từ từ, từ từ dâng lên ngập mũi miệng, có muốn tự vẫn chết ngay cũng không xong.
Mồ hôi đã lấp kín đôi mắt, chảy nhễ nhại trên khắp khuôn mặt cậu.
Chú thích
[1] Cổng thùy hoa là một loại cổng nằm ở bên trong trạch viện trong kiến trúc cổ của Trung Quốc, thường nối thông với hành lang phía trong. Do trụ mái không chạm đất mà treo lơ lửng dưới phần mái, nên gọi là “thùy trụ” (cột treo, trụ lửng), bên dưới trụ lửng có thùy châu thường được vẽ hình hoa lá, nên được gọi là cổng thùy hoa.
[2] Tức là phần gác xây phía trên cổng.
[3] Căn phòng xây đối diện với sảnh chính trong kiến trúc tứ hợp viện, thường tọa nam hướng bắc, là nơi cho khách nghỉ qua đêm.
[4] Có nghĩa là: Sợi thừng con thiêu thân.
[5] Có nghĩa là: Vuốt bay chuyển xác chết. Một loại công cụ, cũng có thể nói là vũ khí Kì môn. Phía trước là bộ vuốt bằng sắt, nối liền với một sợi dây xích, càng kéo căng sợi dây xích thì các móng vuốt càng siết chặt. Có thể dùng nó để trèo tường, nắm chụp đồ vật, cũng có thể khóa chặt đối thủ.
[6] Chỉ môn phái chuyên nghiên cứu thiết kế, bố trí sắp đặt cơ quan cạm bẫy hoặc cách phá giải khảm diện của người khác.
[7] Tức sáu kĩ pháp của Lỗ gia bao gồm: Định cơ (định móng), Bố cát (bài trí may mắn), Lập trụ (xây cột), Cố lương (cố định xà nhà), Tịch trần (trừ bụi), Phô thạch (lát đá), mỗi kĩ pháp đều có tuyệt chiêu kì diệu riêng.
[8] Trước tác chân truyền của Lỗ gia là “Ban kinh,” còn “Kì công” cũng là một cuốn sách của Lỗ gia, ghi chép về những kĩ thuật thông thường của họ Lỗ, cùng những kĩ thuật của các môn phái khác mà họ Lỗ biết được, và các phương pháp biến hóa, cải cách trong việc ứng dụng kĩ thuật của các môn phái khác. Đây là một cuốn sách công cụ có nội dung phong phú, toàn diện, mang tính tổng hợp cao.
Lời Nguyền Lỗ Ban Lời Nguyền Lỗ Ban - Viên Thái Cực Lời Nguyền Lỗ Ban