Linh Sơn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8
Ở bên dưới trại, trong rừng thích và đoan, nhà thực vật học đi kèm ta vào núi đã phát hiện một cây sồi khổng lồ, cao hơn bốn chục mét, hóa thạch thực vật duy nhất sống từ thời kỳ sông băng, lâu đã hơn một triệu năm. Phải ngửa cổ mới nhìn thấy những lá non tí xíu ở đầu cùng các cành cây trơ trụi. Thân cây bị khoét một lỗ lớn có thể làm hang cho một con gấu. Nhà thực vật học già cho ta vào đó, bảo đảm nếu một con gấu trú trong đó thì nó chỉ ở đó vào mùa đông. Ta trườn vào, các vách rêu phủ mượt như nhung. Ở bên ngoài cũng thế, cái cây to lớn cũng phủ những rêu mượt như nhung. Rễ và cành chằng chịt luồn vào nhau như rồng như rắn ở trong các bụi cây và cỏ cao.
- Này chàng trẻ tuổi, đây là tự nhiên ở trạng thái đích thực mai dại đấy nhá. Ông nói, gõ cái mỏ cuốc chim vào thân cây sồi. Ông gọi tất cả các thành viên của khu bảo tồn là "chàng trẻ tuổi". Ở cái độ tuổi sáu mươi, ông giữ được sức khỏe rất tốt. dùng cái cuốc chim như cây gậy chống, ông đi không ngừng khắp cùng núi non.
- Họ đốn các cây quý để lấy vật liệu. Nếu không có cái hốc này cây sồi đây có lẽ cũng đã tiêu luôn mất rồi. Đây không còn là rừng nguyên sinh theo nghĩa hẹp của từ ấy nữa, quá lắm chỉ là một rừng nguyên sinh "hạng hai", ông thở dài.
Ông đến thu thập mẫu vật của cây trúc-mũi tên, thức ăn của gấu trúc. Ta đi theo ông len lỏi giữa các bụi trúc héo khô, cao hơn đầu người. Không thấy một cây trúc nào sống. Ông giải thích rằng ở giữa kỳ chúng ra hoa, nảy mầm và khô héo rồi mọc lên măng mới trước khi lại ra hoa là trôi đi sáu chục năm trời. Thời gian này vừa đúng một Kiếp, vòng luân hồi những tồn tại và hồi sinh trong đạo Phật.
- Con người theo các đạo của Đất, Đất theo các đạo của Trời, Trời theo các đạo của Đạo, và Đạo theo các đạo của tự nhiên, ông lớn giọng nói, không nên có những hành vi đi trái với tự nhiên, không nên làm cái bất khả.
- Việc cứu gấu trúc mang một giá trị khoa học nào nhỉ?
- Chỉ là một tượng trưng, một an ủi, con người có nhu cầu tự lừa mị mình. Một mặt, hắn cứu một loài đã mất bản lĩnh sống sót, mặt khác hắn đẩy nhanh việc hủy hoại môi trường cho phép hắn tồn tại. Hãy nhìn hai bờ sông Mân Giang xem, rừng ở đấy đã bị đốn đổ hết và ngay con sông cũng chỉ là một dòng bùn đen chảy. Và chớ nói đến sông Trường Giang. Họ muốn xây thêm một hồ nhân tạo bằng cách chặn nó lại ở quãng Tam Môn Hiệp, Ba Hẻm! Có những dự án hoang đường thì dĩ nhiên là rất lãng mạn rồi. Lịch sử chứng nhận đã nhiều lần có những sụt đất ở cái vùng của khe nứt địa chất học này, xây dựng một con đập sẽ phá hủy hết cân bằng sinh thái của lưu vực sông Trường Giang. Nếu không may cái khe nứt ấy gây ra một trận động đất thì hàng trăm triệu người dân sống ở hạ lưu, trung lưu con sống sẽ hóa thành rùa! Dĩ nhiên chẳng ai hoài hơi nghe lời lẽ của một ông già như tôi. Con người trấn lột của tự nhiên, tự nhiên cuối cùng thế nào cũng phục thù.
Ta theo ông vào rừng, lách giữa các lùm dương xỉ cao đến ngang lưng, lá chúng quấn lại nom giống như những cái phễu đồ sộ. Lá màu xanh ngọc bích nhưng thẫm hơn, các cây quỷ đăng khinh rodgersia aesulifolia với bảy lá hoàn sinh thể mọc tròn xoe. Đâu đâu cũng một không khí bão hòa hơi nước. Ta không thể ngăn mình hỏi:
- Trong cỏ rậm này có rắn không?
- Chưa đến mùa, đầu hè, khi trời dịu đi, chúng mới trở thành nguy hiểm.
- Thế thú dữ?
- Cái đáng sợ không phải là thú dữ mà đúng hơn là người!
Ông giải thích với ta rằng trong thời trẻ của ông, một hôm ông đã gặp ba con hổ. hổ mẹ và hổ con đi qua gần ông. con thứ ba, con đực, ngẩng đầu lên và lại gần. người và hổ nhìn nhau rồi hổ quay mắt đi, đến lượt nó cũng lảng xa.
- Nói chung hổ không tấn công người trong khi người thì theo đuổi hổ khắp nơi để trừ diệt nó. Người ta không tìm ra dấu vết hổ ở miền nam Trung Quốc nữa. Bây giờ cậu phải đặc biệt may mắn mới gặp được một con.
Ông nói điều đó với giọng châm biếm.
- Thế rượu cao hổ cốt người ta bán khắp chốn thì sao?
- Nhảm! Ngay các nhà bảo tàng cũng không thể thu thập được các mẫu vật. Mười năm vừa rồi, người ta không mua được một bộ da hổ nào ở trong cả nước. Một ai đó đã đến một cái làng ở Phúc Kiến để mua một bộ xương hổ, nhưng khi kiểm định, người ta thấy là xương lợn với xương chó.
Ông phá lên cười rồi hết hơi, ông nghỉ một lát tì người vào các cuốc chim:
- Trong đời tôi, tôi đã thoát chết nhiều lần nhưng chưa bao giờ vì móng vuốt của thú dữ. Một lần, tôi bị cướp bắt, chúng muốn đổi tôi lấy một nén vàng, tưởng tôi xuất thân từ gia đình giàu có. Chúng không hình dung nổi tôi, một sinh viên nghèo, vào núi điều tra lại chỉ có tài sản duy nhất là một cái đồng hồ mượn của bạn. Một lần khác, trong một trận bom Nhật. Quả bom rơi vào căn nhà tôi ở, làm bay hết ngói nhưng nó lại không nổ. Lần thứ ba, là lúc người ta đấu tố tôi, kết tội tôi là phần tử hữu phái rồi đưa đi lao động cải tạo ở một nông trường. Trong thời kỳ thiên tai, chẳng có gì ăn, người tôi phù sưng hết suýt chết. Chàng trẻ tuổi ơi, tự nhiên không đáng sợ đâu, người mới đáng sợ! Cậu chỉ cần kết thân với tự nhiên là nó sẽ đến với cậu. Con người, hắn ta ấy, dĩ nhiên nếu thông minh, hắn ta sẽ có thể sáng chế ra mọi cái nhưng đồng thời, hắn ta mỗi ngày lại cũng trừ diệt đi mất hai hay ba loài của thế giới. Đấy, cái trò bịp của con người.
Ở trại, ta chỉ có ông để chuyện trò, có thể vì ông là người duy nhất đến từ một thế giới sống động, những người kia, năm này qua năm khác làm việc trong núi này đều lầm lỳ và hà tiện lời như cây cỏ. Vài ngày sau, đến lượt ông cũng ra đi. Ta hơi lo với cái ý ta không thể giao tiếp với những người khác. Ta biết rằng trong mắt họ, ta chỉ là một kẻ ngao du bị cái óc hiếu kỳ nó đùn đẩy. Nói cho cùng, tại sao ta lại vào trong mấy quả núi đây. Phải chăng để thể nghiệm đời sống trong các trại nghiên cứu khoa học này? Cái loại kinh nghiệm này có nghĩa gì chứ? Nếu chỉ là để chạy trốn các khó khăn ta gặp phải thì có một cách còn dễ làm hơn thế. Vậy thì có thể ta mong tìm một cuộc sống khác? Bỏ đi càng xa càng tốt cái thế giới buồn chán đến kinh hoàng của con người. Vì ta chạy trốn thế giới, nên giao lưu với người thì hỏi có tích sự gì? Không biết ta tìm kiếm cái gì, điều này mới chính là mối phiền muộn thật sự. Quá nhiều tư biện, quá nhiều lô-gích. Bản thân cuộc sống không tuân theo lô-gích nào thế tại sao người ta lại cứ muốn suy diễn ý nghĩa của cuộc sống bằng lô-gích? Thế rồi, lô-gích là cái gì? Ta nghĩ, có lẽ ta phải thoát khỏi tư biện bởi vì nghiệp ách của ta nó ra từ đấy.
Ta hỏi lão Ngô, người đã giúp ta bắt con bọ ve, liệu ở đây có còn rừng nguyên sinh không.
Ông trả lời rằng ngày xưa chung quanh đây đều chỉ là um tùm rừng nguyên sinh.
Ta bảo ông điều đó hiển nhiên nhưng ta muốn biết là bây giờ ta còn có thể tìm ra rừng nguyên sinh ở đâu không.
- À, thì đi đến Đá Trắng ấy. Chúng tớ đã vạch ra một đường nho nhỏ.
Ta hỏi ông có phải đấy là hòn đá trắng nổi lên ở giữa cái biển rừng xanh thẳm, trên đỉnh một vách đá mà người ta vào bằng con đường mòn băng qua một khe vực, ở bên dưới trại hay không.
Ông gật đầu.
Ta đi đến đấy, rừng dầy đặc hơn nhiều, nhưng trong các khe vực, những thân cây to tướng đen sì chưa bị lũ các con sông cuốn đi nằm ngổn ngang.
- Ở đấy người ta cũng đốn hạ cây, ta nói.
- Đấy là trước khi mở khu bảo tồn tự nhiên.
- Rút cục thì trong khu bảo tồn tự nhiên này vẫn còn một rừng nguyên sinh chưa mang tàn tích phá phách của con người phải không?
- Đúng thế, phải đi đến sông Chính.
- Có thể được ư?
- Ngay chúng tớ, với đủ vật liệu và thiết bị, chúng tớ cũng chưa hề đi tới khu vực chính giữa của nó. Đấy là những hẻm núi hun hút, địa hình địa thế phức tạp, núi tuyết ở độ cao năm sáu nghìn mét vây kín chung quanh.
- Làm thế nào đi xem được một rừng đích thật nguyên sinh.
- Điểm gần nhất nên đến là 11M 12M.
Ông nói đến một điểm trắc địa ghi trên bản đồ, dùng trong khảo sát địa hình bằng máy bay.
- Nhưng cậu, cậu không đến đó một mình được đâu.
Ông giải thích rằng năm ngoái, có hai người tốt nghiệp đại học vừa được phân công đến trại đã ra đi, mang một la bàn và một gói bích quy theo, đinh ninh không có chuyện gì xảy ra được, nhưng chiều tối, họ không trở về. Chỉ đến cuối ngày thứ tư, một người trong họ leo lên đường cái đã được một đoàn xe đi Thanh Hải trông thấy. Người ta xuống trở lại tìm, người bạn anh ta đã đói lả. Ông dặn ta đừng bao giờ đi xa một mình, cảnh báo ta rằng nếu ta thật sự muốn đi xem rừng nguyên sinh thì hãy chờ dịp một người trong bọn họ đến điểm 11M 12M tác nghiệp thu thập các tín hiệu hoạt động của gấu trúc.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn