Ký Thác epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Người Đàn Ông Đẻ
oàng Hậu Ái Mỹ lấy ngón tay uốn nhánh dâu để xem nó đủ sức cứng rắn chưa, đặng chặt về
biếu con trai yêu quí của bà, vì cậu Thái Tử tương lai mơ ước một cây cung vừa dẻo dai, vừa bền chắc.
Hoàng Hậu chợt thấy một con bướm rất xấu xí, thân hình toàn một màu trắng mông mốc và yếu đuối như vừa mới nở. Nhưng nó không là mới nở đâu, vì nó đang quằn quại trên một lá dâu, rồi giây lâu, đẻ lên đó một mớ trứng vàng.
Đẻ xong, bướm ta dò dẫm bò chầm chậm ra bìa lá, chớp lia lịa hai cánh yếu mềm, không đủ sức nâng cái thân hình của nó lên không trung.
Bướm nhìn vực thẩm dưới kia, lảo đảo như say rượu, rồi vô tình hay cố ý không rõ, rơi mình xuống vực. Bướm rơi xuôi xị như một lá chết, hai cánh mong manh không thèm cựa quậy nữa.
Bướm chết thật rồi.
Hoàng Hậu ngạc nhiên quá, nhưng bận chặt nhánh dâu, nên không để tâm thêm về cái chết nầy.
Những ngày sau, Hoàng Hậu quên mất con bướm vắn số, nhưng một hôm, ra thăm lại cây dâu, để tìm một nhánh làm cung nữa, thì Hoàng Hậu thấy những trứng vàng đã nở ra những con sâu lông dài màu đen như những con sâu rọm.
Cha nào con nấy, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, sâu nầy yếu đuối không thua gì mẹ nó là con bướm mốc hôm trước.
Hoàng Hậu đoán những vật èo uột nầy, rồi cũng chết mất thôi.
Quả thật thế, hai hôm sau, ra thăm lại thì chúng đã chết sạch, chỉ trừ một con.
Hoàng Hậu than:
- Trời sanh làm chi những kẻ yếu sức như vầy, ích gì cho ai và chính nó cũng khổ.
Bỗng, kỳ lạ thay, có tiếng nói nhỏ nhỏ phát ra từ con sâu:
- Thưa Hoàng Hậu, ban đầu, trời sanh chúng tôi cũng mạnh khỏe như bất kỳ ai. Nhưng chúng tôi phung phí sức nhiều quá để làm việc, thành ra càng kiếp, càng phải ươn yếu như vầy. Không lỗi ở trời đâu.
Hoàng Hậu hơi sờ sợ con sâu sống sót đó, nhưng tánh tò mò mạnh quá, nên bà đánh bạo hỏi:
- Nhưng tại sao giống của mi lại phung phí nhiều sức lực quá như vậy? Trên đời, ai cũng làm việc cả, mà có ai khổ đến thế đâu?
- Thưa Hoàng Hậu, là tại công việc chúng tôi khó khăn quá sức
- À, ra thế! Nhưng cái kiếp của mi đây, chắc không còn làm gì được nữa. Bị mi yếu quá rồi.
- Không, Hoàng Hậu. Kiếp nầy làm giỏi hơn kiếp nào hết, vì kinh nghiệm của bao đời đã kết tinh nơi đây, miễn là...
- Miễn là gì?
- Miễn là chúng tôi được nuôi dưỡng châu đáo.
- Nhưng mi làm được cái gì?
- Tôi là nghệ sĩ đây.
- Nghệ sĩ là cái quái gì, ta chưa nghe nói đến lần nào.
- Nghệ sĩ là những kẻ làm ra cái đẹp, đẹp lắm.
- Nhưng đẹp để làm gì? Cái đẹp ấy có lợi ích gì chăng mà phải nuôi mi cho uổng công.
- Cái đẹp, riêng lấy nó, cũng đã có ích lắm rồi. Hoàng Hậu nấu bếp mệt, Hoàng Hậu ngồi nhìn giây lát một cái lọ sứ nước men trong, vẻ tranh đẹp, tức Hoàng Hậu hết mệt ngay, chóng hết hơn là chỉ ngồi nghỉ ngơi thường.
Nhưng ngoài vẻ đẹp suông thường ấy, nghệ phẩm cũng còn lợi ích khác, thí dụ, ngôi nhà Hoàng Hậu núp mưa, nắng, đôi giày Hoàng Hậu mang để đỡ đạp gai, đều do nghệ sĩ nghĩ ra kiểu mẫu.
- Nếu quả thế, thì ta nuôi mi đó, mà ta phải làm sao cho mi khỏi chết?
- Thưa Hoàng Hậu, tuy nói thế đó, chớ tôi cũng dễ nuôi. Mỗi ngày Hoàng Hậu cứ chịu khó hái lá dâu này, xắt nhỏ ra cho tôi ăn là được. Chỉ phải cái, tôi ăn nhiều quá. Nhỏ người mà bụng to. Tôi ăn cái khối đồ ăn to bằng mười tôi lận.
Thịt nghệ sĩ chúng tôi mềm lắm, nên con gì cũng thích xơi chúng tôi cả. Hoàng Hậu có nuôi tôi thì nên bảo vệ tôi. Kẻ thù ghê gớm nhứt của tôi là thằn lăn, rắn mối và các loại ruồi.
Tôi lại èo uột như Hoàng Hậu đã thấy. Những khi trở trời, thời tiết đổi là tôi mang bịnh ngay. Tôi sợ lạnh, lại sợ nóng. Lạnh, Hoàng Hậu nhúm lửa sưởi tôi. Nóng, Hoàng Hậu nên mở cửa cho gió quạt tôi.
Tôi lại không chịu nổi mùi gay gắt. Hoàng Hậu có hút thuốc, thì nên xa lánh tôi, không tôi lại say mà chết mất.
- Úy cha chả là con cưng: nuôi mi còn khó nhọc hơn là nuôi Thái Tử. Nhưng ta cũng chịu khó một chút, thử xem mi sẽ làm nên trò trống gì cho biết.
- Hoàng Hậu sẽ khỏi tiếc công.
- Vậy, ta đặt tên là Tằm cho dễ kêu nhé!
- Vâng, đa tạ Hoàng Hậu.
Hoàng Hậu đem Tằm vô cung vào hôm thứ ba, sau khi Tằm nở. Cả hoàng cung đều bu lại xem con vật kỳ lạ biết nói tiếng người.
Các bà Thứ Phi và cung nữ thấy nó dị hợm quá, sợ hãi không dám lại gần. Tằm cười, mà rằng:
- Nghệ sĩ chúng tôi xấu xí như thế, mà hiền lắm, tốt bụng lắm đó, thưa quí bà.
- Mầy như con sâu rọm ấy, gớm chết. Bà Tây Phi nói.
- Vâng, bề ngoài thì như vậy. Nhưng lông tôi chạm phải không ngứa đâu mà sợ.
Hoàng Đế vào xem và cười ngất:
- Nghệ sĩ là cái quái gì, mà tên lạ thế, mà thân thể xấu không thể nói.
Hoàng Hậu chỉ mỉm cười, không đáp, rồi cắt đặt công việc cho đoàn phi tần: nàng Trúc Liên hái dâu, nàng Trúc Đào xắt dâu, nàng Ngọc Khánh canh gác thằn lằn và ong, ruồi, còn nàng Cẩm Nhung thì giữ vai liên lạc báo tin cho Hoàng Hậu biết ý muốn và bịnh tật của Tằm. Thật là cả một tổ chức phục vụ như đối với một vị vương.
Các cung nữ phàn nàn nho nhỏ:
- Cưng gì mà cưng quá trứng mỏng như vầy. Bà Đông Phi còn không được săn sóc châu đáo bằng con sâu quỉ nầy.
Tằm thỏ thẻ:
- Các chị ơi, các chị đừng phiền. Hãy chịu khó với tôi một lúc, các chị sẽ được hưởng công xứng đáng.
- Mi, thì còn có quà gì để thưởng chị em chúng ta?
- Rồi các chị sẽ rõ. Cái thân thể kiều mị của chị đó, tôi mà tô điểm thêm vào thì nó đẹp như hoa. Hoàng Đế sẽ yêu các chị, rồi cất nhắc các chị lên hàng Thứ Phi cho mà coi.
- Mi tô điểm làm sao? Chị em ta không muốn mọc lông sâu rọm như mi đâu.
- Không mà, các chị sẽ đẹp như tiên nữ ấy! Rồi các chị sẽ thấy mà.
Thúy Liễu trề môi dài ba tấc, rồi uể oải nói:
- Thôi, ta đi hái dâu cho con nợ nầy.
- Hãy khoan
- Tằm kêu Thúy Liễu lại
- Còn sớm lắm. Lá dâu còn ướt sương, mà tôi thì sợ nước. Để trưa một chút cho nắng sưởi ráo lá, rồi chị hãy hái, nếu hái chiều được càng hay.
- Ý ạ! Khó tánh dữ vậy à? Con cưng dữ vậy à?
Trúc Đào ác tâm lắm. Cho bõ ghét, nàng xắt dâu rồi đổ bừa lên nong, phủ bít Tằm lại cho Tằm ngộp thở mà chết cho rồi. Nhưng lạ quá! Tằm không chết ngộp, mà trái lại, ăn rất hăng. Nó nhai lá cứ nghe rào rào như mưa rơi trên mái ngói hay nghe gió trộn lá trên cây. Nó nằm dưới đáy nong, rồi bắt từ đó mà ăn lên. Nó ăn tợn quá và ăn cả ngày lẫn đêm không nghỉ.
Tằm ăn không, ngồi rồi như vậy được ba hôm, kể cả những ngày nó ở ngoài trời, thì Tằm đã lớn được sáu ngày. Hôm thứ sáu ấy, mấy nàng cung nữ có phận sự phục dịch nó, bỗng không nghe tiếng lá cựa lào rào nữa. Họ cuối xuống sát nong, lặng nghe lâu lắm, thì quả nơi đó vắng lặng, không có lấy một tiếng động nhỏ nào.
Ngọc Khánh lật đật bươi lá dâu lên, thì thấy tằm nằm ngay đơ, không cựa quậy. Thôi Tằm đã chết rồi! Đỡ khổ nhé! Chết phức đi để người ta rảnh tay lo việc khác thú vị hơn.
Nhưng cả bọn bỗng sực nhớ lại một điều, rồi kinh sợ hết sức. Ừ, Hoàng Hậu đã giao cho họ săn sóc Tằm. Bây giờ tằm chết thình lình như thế nầy, thì biết ăn nói làm sao cho trôi.
Chưa chi mà họ đã đổ lỗi cho nhau, lộ tất cả hèn nhát của họ trong cơn nguy biến:
- Tại mầy lơ đĩnh để ong nó bay vô, nó đốt Tằm, Trúc Đào đổ thừa không căn cứ.
- Nếu ong vô thì nó đã thịt Tằm rồi.
- Ngọc Khánh cãi
- Tao chắc tại con Thúy Liễu nó hái dâu ướt. Còn con Cẩm Nhung nữa, Tằm không lẽ vô cớ mà chết. Chắc nó bịnh. Sao mầy không báo tin cho Hoàng Hậu hay.
Trúc Đào bứt tóc, bứt tai kêu:
- Khổ ơi là khổ. Cái đồ mắc dịch ở đâu é! Sống đã làm tội người ta, bây giờ chết lại gieo họa cho chị em mình. Thôi, ta hãy vào phòng Hoàng Hậu, mà tâu rõ mọi việc.
Hoàng Hậu mắng, khi họ báo tin dữ nầy:
- Chúng bây ăn no, rồi lo có mỗi một việc nhỏ mọn ấy mà cũng không xong. Nào, nó đâu rồi?
Hỏi xong, bà bước qua phòng Tằm, bươi lá lên, xem cho tận mắt.
- Tằm nằm dưới đáy nong, đen thui giữa mớ lá xanh, không cục cựa, nhưng vẫn còn tươi. Hoàng Hậu nói:
- Nó biết nói tiếng người, chắc cũng là một vì tiên mắc đọa chi đây. Thôi để nó đó, ta chôn cất, kẻo tội nghiệp.
Thế rồi ai cũng quên Tằm cả.
Qua hôm thứ tám, Hoàng Hậu đương ngồi uống trà sớm, bỗng con Cẩm Nhung hớt hơ, hớt hãi chạy vào phi báo:
- Tâu Hoảng Hậu, Tằm đã sống dậy, mà lạ quá...
- Nó sống dậy à! Tao đã bảo, nó là tiên mà, có chết được đâu! Đâu mầy kể lại đầu đuôi, ta nghe thử coi.
- Bẩm, hồi nãy con sực nhớ lại, xác Tằm chưa chôn. Con đinh ninh nó đã thúi rồi, hoặc đã bị thằn lằn xơi mất. Con vào buồng nó xem lại cho rõ, thì con kinh khủng hết sức mà nghe nó kêu: "Chị Cẩm Nhung ơi! cho miếng dâu!". Con chạy lại nong dòm kỹ, thì nó cựa quậy và lạ quá...
- Lạ làm sao?
- Nó rụng hết lông đen, và bây giờ nó vàng mướt, đẹp lắm.
- Tao đã bảo mà. Nó là tiên, nó lộn kiếp. Biết đâu nó lại sẽ không hóa ra một Hoàng Tử.
Hoàng Hậu đi theo Cẩm Nhung để qua buồng Tằm. Bấy giờ cả bốn cung nữ kia cũng vừa đến nơi.
- Đâu các chị ơi, cho tôi miếng dâu, tôi đói lắm. Tằm kêu lên, khi nghe tiếng mở cửa.
Hoàng Hậu bước tới, thì thấy Tằm vàng óng, đẹp quá.
Tằm kính cẩn chào:
- Lạy Hoàng Hậu!
- Mi không chết thật à?
- Bẩm, con có chết đâu. Con ngủ mà. Con ngủ một ngày, một đêm đúng, gọi là ngủ "ăn một" để cổi lốt, rụng bỏ lông đen đi, Hoàng Hậu à.
- Vậy à? Bây ơi, cho Tằm ăn coi nào!
Bây giờ Ngọc Khánh mới dám rớ đến Tằm. Nong cũ đầy dẫy lá dâu xắt héo queo và lông Tằm cũ, trông dơ dáy quá. Nàng nhẹ tay nâng Tằm lên, sang Tằm qua nong khác.
Dâu đã hái về, Trúc Đào xắt nhỏ rải lên nong mới. Tằm ăn còn dữ hơn hôm chưa ngủ và lớn như thổi. Nó thức mà ăn như vậy đến bốn ngày và qua chiều ngày thứ tư, nó kêu mấy nàng cung nữ mà rằng:
- Các chị yêu mến. Bữa trước, tôi quên báo tin các chị biết, làm các chị phải một phen hoảng hốt. Lần nầy, tôi sắp ngủ nữa đây. Tôi ngủ giấc nầy gọi là giấc "ăn hai", cũng một ngày, một đêm, đúng y như bận trước vậy.
- Mầy ăn, ngủ gì mà lạ đời thế? Thức suốt bốn, năm ngày liền, rồi lại ngủ cả ngày, cả đêm.
- Ấy, nghệ sĩ mà, có khi no rồi vẫn thấy cần ăn nữa. Nhiều hành động khác còn bất chấp thiên hạ nữa.
Qua sáng thứ sáu, tức là ngày thứ mười hai, Tằm thức dậy và đòi ăn như séo.
Mấy cung nữ mắng:
- Chỉ được ăn rồi ngủ, chẳng ra cái tích sự gì hết. Mi thật là đồ báo cơm.
- Ấy, nghệ sĩ mà!
- Hễ động là xưng nghệ sĩ. Nghệ sĩ hay gừng sĩ gì cũng phải làm việc chớ có đâu mà ăn no lại nằm.
- Các chị không hiểu. Tôi nằm, tức là tôi làm việc đó.
- Ừ, phải chớ, làm việc nằm...nằm...
- Tôi nằm để tiêu hóa bao nhiêu là tinh anh của trời đất, cũng như nhà luyện thuốc họ nấu thuốc cao vậy mà! Những tinh anh ấy sẽ kết đọng lại, nhờ sự làm việc âm thầm đó. Rồi một ngày kia, tôi sẽ sản xuất ra một viên ngọc, nó là kết tinh của bao nhiêu cái đẹp bên ngoài.
- Mi già mồm, nói nghe như nhà phù thủy, ai mà tin mi được.
Tằm vẫn nóng bức:
- Các chị à, làm ơn mở cửa ra, không tôi chết mất bây giờ.
- Trời chuyển mưa đầu mùa nên nó vậy.
Cửa sổ mở ra, ruồi đánh hơi bay vào.
- Bớ thiên hạ, bớ người ta cứu tôi với!
Tằm kinh sợ hét lên và mấy cung nữ phải lấy quạt mà quạt ruồi. Thật là bực mình.
Bốn ngày sau đó, Tằm lại báo tin rằng, nó sắp ngủ cái giấc gọi là "ngủ ăn ba". Cũng lại một ngày, một đêm nữa.
- Ứ hự!
Mấy cung nữ thở dài, rồi ngâm mỉa mai:
Ai ơi chớ lấy thằng tằm,
Ăn rồi nằm lại ngủ hai, ba...
Ngủ "ăn ba" rồi lại thức bốn ngày. Bốn ngày cũng chỉ ăn rồi nằm.
Hoàng Hậu tới thăm, sốt ruột hỏi:
- Chàng nghệ sĩ ơi, chàng ăn rồi nằm vạ đến bao giờ mới thôi?
- Bẩm Hoàng Hậu, nghệ thuật không hối thúc mà làm được. Nó phải hưởng một thời gian cần thiết, để mà chín mùi. Tôi dám đâu quên ơn Hoàng Hậu và mấy chị cung nữ đã khổ nhọc với tôi. Nếu bây giờ, tôi sản xuất ngay cho vừa lòng Hoàng Hậu, thì e tác phẩm sẽ non nớt, không đẹp như Hoàng Hậu trông mong.
- Thôi được, cứ thong thả, ta bền lòng đợi mi.
Lần thức nầy, trời mưa như cầm chĩnh mà đổ. Tằm kêu lạnh và đòi sưởi nữa.
- Ứ hự,
- mấy chị cung nữ lại thở dài
- y như lão già bảy mươi. Nghệ sĩ gì mà giống như mèo ướt quá.
Chị Trúc Đào nói mỉa:
- Đòi nằm lửa sao mà giống đàn bà đẻ quá vậy?
- Chị nói đúng đấy,
- Tằm đáp
- tôi sắp đẻ đây.
- Đàn ông lại đẻ à?
- Vâng, giống nghệ sĩ chúng tôi, nam, nữ gì cũng đẻ cả. Hổm nay, tôi hoài thai một tác phẩm, cố gắng đến yếu người đi, nên mới lạnh. Và sắp đẻ đây. Các chị ơi, sao mà tôi nghe bần thần trong mình, khó chịu quá.
- Hay là mi sợ trời gầm?
- Ấy, sai bét. Người đời ai cũng ngỡ giống Tằm chúng tôi sợ trời gầm. Nhưng mà như thế nầy. Đầu mùa mưa, thời tiết thay đổi bất thường, nên tôi sanh bịnh. Nhơn có trời gầm, người ta lầm nguyên nhơn. Ngỡ tôi sợ ông thiên lôi đó thôi.
Cuối ngày thứ tư, Tằm báo tin sắp ngủ, giấc ngủ cuối cùng trong đời nó. Nó bảo đó là "ngủ giấc lớn".
Mấy chị cung nữ xôn xao lên. À, lần ngủ đầu, nó bỗng dưng đẹp ra phết, Hoàng Hậu đoán nó là tiên. Biết đâu lần ngủ chót nầy nó sẽ biến ra một Hoàng Tử xinh trai! Ấy, rồi nó sẽ yêu chị cung nữ nào có công nhiều với nó.
Chị Trúc Đào cười duyên, hỏi xem nó có vừa ý những mảnh dâu xắt nhuyễn thơm phức, và quạt ruồi cho chàng Hoàng Tử tương lai.
Nhưng Tằm không để ý đến ai cả, cứ thiếp đi lần lần, lại một đêm, một ngày nữa! Trong suốt thời gian ấy, cả hoàng cung bứt rứt, nóng muốn biết cái gì sẽ xảy ra.
Hoàng Hậu thì tin rằng, vị tiên phải đọa ấy sắp hoàn hạn và lần nầy chắc hiện nguyên hình để về Bồng Lai Thượng Giới. Các cung phi lại đinh ninh, nó là một Hoàng Tử có tiên phong đạo cốt, giả ra con sâu để thử lòng họ.
Kìa, chàng tiên đã thức và mọi người thất vọng hết sức. Chàng tiên ấy vẫn cứ là con Tằm, và cho dẫu là đẹp rồi, cũng chỉ là một loại sâu thôi.
Mà thiển cận làm sao, chú ta vừa thức là đòi ăn như cưỡng đói. Lần nầy chú ăn tợn quá. Bao nhiêu cây dâu trong hoàng thành đều trụi lá, mà chú ta vẫn kêu đói.
Chú nói với các cung nữ.
- Tôi sắp đi xa, nên thức chơi với các chị cho lâu. Ngủ giấc lớn mà. Tôi thức đến bảy ngày rồi mới đi.
- Đi đâu?
Tằm, giọng buồn thảm không tả được, nói:
- Đi xa lắm, và không bao giờ trở lại nữa.
- Mi còn thiếu chị em ta món quà, mi hứa hôm nọ, đi sao được!
- Vâng, tôi nhớ món nợ ấy. Và sắp đẻ nó ra đây.
Tằm ăn no lại nằm, khiến các cung nữ đâm nghi hắn ta là một thằng xỏ lá gạt người để kiếm bữa.
Ăn không lo, của kho cũng phải hết. Dâu chỉ còn ăn độ vài ngày nữa, nếu hắn không bày trò gì hay, thì kệ xác hắn, hắn sẽ đói rã ruột.
Lần thức nầy, Tằm lớn mau lắm. Nhưng lại ít nói năng, cựa quậy gì.
- Hắn tìm mưu để trốn chăng?
- Các chị cung nữ hỏi thầm
- Quịt hai mươi ngày cơm rồi chuồn! Được, nó mà bò ra khỏi nong, ta bắt vào đánh một trận nên thân!
Qua ngày thứ sáu, lạ quá, đầu Tằm đỏ ửng lên.
- Hỉ tín, hỉ tín!
- chị Thúy Liễu reo
- Tằm sắp hóa ra Hoàng Tử đẹp trai đây!
Hoàng Hậu nghe tin, đến thăm, và ái ngại hết sức, mà thấy Tằm có vẻ đau đớn lắm. Cái màu đỏ ở đầu Tằm, xem như màu máu, và phía dưới đầu, mình Tằm cũng hơi ửng đỏ. Dường như là Tằm dồn máu lên.
- Tằm ơi, sao thế này?
- Bẩm Hoàng Hậu, con sắp "chộ" đấy!
- Chộ là làm sao?
- Nghĩa là con dồn tất cả tinh hoa đã thâu lượm được hổm nay, dồn lại để sản xuất ra tác phẩm nghệ thuật đấy.
Tằm quằn quại như một bà mẹ chuyển bụng, đau đớn cái nỗi đau của con vật sắp lột da hóa kiếp, khiến Hoàng Hậu thương khôn siết kể.
Qua ngày thứ bảy, Tằm chộ, phân nửa thân mình đỏ ối và càng quằn quại đau đớn hơn bao giờ cả.
Qua ngày thứ tám, toàn thân Tằm đỏ như trái ớt chín cây. Bây giờ Tằm như yên thân và an lòng, vì phần khó nhọc của công việc đã xong.
Hoàng Hậu, Hoàng Đế, các bà Phi, và các đạo binh cung nữ đều tựu đến xem Tằm chín đỏ. Thật là lạ lùng, từ thuở giờ, không ai thấy con sâu nào mà biến dạng mau như thế bao giờ cả.
Tằm mệt nhọc, cố nói:
- Các chị bẻ cho tôi một chà cây.
Không ai nỡ hỏi vặn Tằm nữa, vì Tằm, coi bộ, đuối sức lắm rồi.
Khi chà cây được đặt vào trong nong, Tằm thỏ thẻ:
- Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Hậu và quí bà Phi, thần xin mời tất cả ra ngoài để thần làm một việc không đẹp mắt bao nhiêu.
- Mi cứ làm đi chớ.
- Hoàng Đế nói
- ai mà chấp nhứt mà mi lo.
Tằm ráng sức leo lên chà, rồi nói:
- Tôi tẩy trần đây. Tôi phóng tất cả những thứ ô uế trong người tôi ra, cho người tôi thanh khiết. Khi chỉ còn tinh hoa trong ấy, tôi mới trình bày tác phẩm nghệ thuật được.
Suốt một tiếng đồng hồ, Tằm phóng uế đầy nong. Xong đâu đó nó nói:
- Bẩm Hoàng Hậu, nhớ ơn loài người nuôi nấng tôi, nhớ ơn tri ngộ với Hoàng Hậu, tôi sản xuất tác phẩm đầu tiên và cuối cùng của tôi đây. Tôi cố gắng cho nó hết sức mỹ lệ để đáp ơn mọi người, rồi tôi..., rồi tôi...
Tằm nghẹn ngào khóc nức nở, không nói ra lời nữa.
Cả phòng đều ái ngại, hỏi dồn:
- Rồi làm sao, hỡi Tằm ơi!
Khóc cạn nước mắt, Tằm nói:
- Rồi tôi từ giã cõi đời...
- Ồ!
- Trời!...
- Ai lại giết mi? Nhà vua có cả một đạo hùng binh để bảo vệ mi. Không, không ai làm gì mi được đâu!
Tằm tấm tức, tấm tưởi:
- Không ai giết thần, nhưng thần phải chết. Tất cả tâm lực của thần đã đổ vào tác phẩm nầy rồi, thần hóa kiếp chớ không giữ thân thể xưa nữa được. Thần hóa kiếp và tiếp tục sống. Nhưng Hoàng Hậu phải giết thần mới...
- Không, ta không khi nào giết mi.
- Hoàng Hậu phải giết thần, không thời không hưởng được tác phẩm đó. Bây giờ, thần xin trối trăn đôi lời.
- Mi có gì cứ nói ngay ra.
- Bẩm, nơi chà cây nầy, thần sẽ nhả ra một thứ sợi, mường tượng như sợi chỉ bố, mà Hoàng Hậu dệt mặc bây giờ. Sợi của thần bền chắc hơn thập bội, và đẹp hơn muôn phần. Đó là tác phẩm nghệ thuật của thần đó.
Thần đã góp khí thiêng của trời đất, un đúc lại trong ruột thần, để có sợi dây nầy. Hôm nay thần nhả sợi ra lần lần phủ lấy mình thần. Thần tự nhốt trong đó để che cái thân tàn nầy, hầu hóa kiếp khác.
Bó tơ ấy, trong hai ngày, Hoàng Hậu phải bỏ nó vào nồi nước sôi cho thần nóng mà chết đi...
Hoàng Hậu, các bà Phi và cung nữ đêu kêu rú lên khủng khiếp, nói:
- Ai lại nỡ....
- Nếu không làm thế, cái kiếp khác của thần, cái thân thể tàn dại biến ra hình thức khác, sẽ cắn rách nó mà chui ra. Thế là tác phẩm của thần sẽ hỏng. Uổng công thần khó nhọc mà không ai hưởng được cả.
Bỏ vào nước sôi luộc xong, Hoàng Hậu kéo sợi ấy ra, rồi dệt như dệt bố. Nó sẽ đẹp cho Hoàng Hậu xem.
Nói rồi, Tằm bắt đầu nhả tơ ra. Đó là một sợi nước dãi vàng, nước nhả ra thì ướt và mềm, một lát là khô cứng lại. Đầu mối tơ móc trên một cành chà, khiến cả bó tơ như được treo trên đó.
Tằm cứ nhả lần, nhả lần và cả phòng bùi ngùi rưng rưng lệ nhìn Tằm trả nợ dâu.
Bó tơ nhỏ hơn cái trứng gà, vàng óng ánh như con ngỗng con mới nở, ngửi nghe thì thơm phức một mùi mới lạ chưa từng nghe.
Hoàng Hậu hỉ mũi, lau lệ, rồi nói:
- Kệ, hỏng thì hỏng, đừng ai rờ tới bó tơ nầy hết. Tằm nó kén ăn, kén ở lắm, nên ta đặt bó tơ nầy là cái "kén" và quyết để dành làm kỷ niệm.
Nhưng hôm sau đó, chị Cẩm Nhung, tánh tò mò bất trị, lại hay tin nhảm, bèn lượm kén bỏ vào nồi nước sôi. Chị ta đinh ninh rằng, Hoàng Tử đẹp trai muốn nhờ Hoàng Hậu giúp tay để hiện nguyên hình. Hoàng Hậu không làm y theo lời trối, mà nếu không thi hành, e tội nghiệp Hoàng Tử chăng?
Vả lại cũng nên phỗng tay trên thiên hạ, để mua lòng Hoàng Tử. Vậy chị ta làm theo lời Tằm căn dặn.
Xong đâu đấy, chị ta nắm mối tơ mà kéo và quấn quanh một cây que...Khi đường tơ đã dứt, Hoàng Tử đâu không thấy, cho thấy một con bọ dị hợm lắm, chết queo vì phỏng nước sôi.
Hoảng hốt, chị ta tri hô lên, Hoàng Hậu chạy đến cầm con vật lên mà khóc ròng.
Nhưng chuyện đã lỡ rồi Hoàng Hậu nghĩ, nên y theo lời Tằm dặn. Tơ ấy ít quá, nên Hoàng Hậu nuôi thêm vài lứa tằm nữa, để đủ chỉ dệt.
Tấm lụa đầu chỉ có Hoàng Đế, Hoàng hậu và chị thợ dệt xem mà thôi.
Hoàng Hậu vuốt mãi sớ tơ mịn, nghe mát tay như là sờ vào một lọ sứ cổ. Hoàng Hậu kê sát mũi để ngửi mùi tơ thơm ngọt như mùi tàng ong, nghe bắt thèm ăn. Màu vàng óng ánh của sắp lụa đẹp hơn ngũ sắc của tường vân, đẹp hơn mống trời, đẹp hơn ráng trời, đẹp hơn cả màu sắc của trăm hoa nơi vườn Thượng Uyển.
Hoàng Hậu sai thợ khéo nhứt nước may cho mình một chiếc áo. Và lần mặc áo ấy vào nội cung, Hoàng Hậu làm cho Hoàng Đế chưng hửng:
- Trời ơi, trông khanh trẻ như một cung phi mới tuyển.
Và từ đó, bà Hoàng Hậu, bốn mươi lăm tuổi, được Hoàng Đế sủng ái và xao lãng các bà Phi.
Hoàng Đế ra lịnh cho thần dân, ai cũng phải trồng dâu để nuôi tằm cả. Và tơ của lứa tằm đầu của toàn quốc được tập trung về trào, dệt lụa, may áo cho toàn thể cung phi, mỹ nữ.
Đêm ấy có dạ hội, các vũ nữ đều mặc xiêm y bằng lụa màu.
Hoàng Đế xem họ múa mà mê, không mê vì vũ khúc hay sắc gái, mà mê những tà lụa óng ánh, dịu như cánh bướm.
Hoàng Hậu cũng có mặt nơi đó, nhưng bà cứ đăm đăm, ngậm ngùi, thương ai không biết.
Hoàng Đế trông thấy hỏi:
- Sao hậu không vui với trẫm?
- Tâu bệ hạ, thiếp nhớ chàng nghệ sĩ mà tội nghiệp hắn hoài.
Hoàng Đế cười ha hả:
- Ối, khéo dư nước mắt. Nghệ sĩ đó chết, là còn nghệ sĩ khác. Cái kiếp của chúng nó là đau khổ rồi chết đi, để lại đồ đẹp cho ta hưởng mà.
Hoàng Hậu không cãi lại, chỉ rưng rưng nước mắt thầm.
Ký Thác Ký Thác - Bình Nguyên Lộc Ký Thác