Chương 9
.
Bấy giờ cả khu phố bàn tán về con đường lớn sắp mở, từ Viện ca kịch mới đến sở chúng khoán, được gọi tên là phố Mười tháng Chạp. Quyết định trưng thu đã được công bố, hai nhóm thợ phá hủy đã tấn công ở hai đầu con đường khai thông, một nhóm hạ những tòa nhà cũ ở phố Louis le Grand, nhóm kia lật đổ những bức tường mỏng của nhà hát Vaudeville cũ; và người ta nghe tiếng cuốc sát tới gần, dân các phố La Michodière và Choiseul quan tâm đến những ngôi nhà của họ bị đụng tới. Không quá mười lăm ngày, đã phải phá chỗ đó thành một khoảng trống rộng, ồn ào và tràn ngập ánh nắng.
Nhưng cái gây chấn động hơn nữa trong khu phố là những công trình tiến hành ở hiệu Hạnh phúc các bà. Người ta nói đến những việc mở rộng lớn, những cửa hàng đồ sộ choán ba bề mặt ở các phố La Michodière, Neuve Saint Augustin và Monsigny. Người ta đồn Mouret đã điều đình với nam tước Hartmann, chủ tịch ngân hàng bất động sản, và anh sẽ chiếm toàn bộ cụm nhà, trừ bề mặt tương lai nhìn ra phố Mười tháng Chạp, ở đó nam tước định xây một cơ ngơi cạnh tranh với Khách sạn lớn. Khắp nơi, hiệu Hạnh phúc mua lại những hợp đồng thuê, những cửa hàng đóng cửa, những người thuê nhà dọn đi; và trong những ngôi nhà trống rỗng, một đội quân thợ thuyền bắt đầu những công trình tu sửa mới, dưới đám vôi vữa bụi mù. Giữa cuộc đảo lộn đó, duy ngôi nhà nát chật hẹp của lão Bourras vẫn đứng yên, nguyên vẹn, ngoan cố bám giữa những bức tường cao đầy thợ nề.
Hôm sau, khi Denise đi cùng với Pépé đến nhà ông chú Baudu, thì đúng lúc phố bị chắn ngang bởi một dãy xe bò đến đổ gạch trước khách sạn Duvillard cũ. Đứng ở ngưỡng cửa hiệu mình, ông chú đang nhìn với con mắt rầu rĩ. Hiệu Hạnh phúc các bà càng mở rộng thì hình như hiệu Vieil Elbeuf càng bé đi. Cô gái thấy những tủ kính càng tối đen, càng bị o bế hơn dưới tầng trần thấp, với những lỗ cửa tròn như trại giam; ẩm thấp càng làm bợt màu chiếc biển hiệu xanh ve cũ, toàn bề mặt, xám màu chì, và như còm cõi, trông thật bi thảm.
- Các cháu đã đến, - Baudu nói - cẩn thận đấy, không mà xe nó đè lên người.
Trong cửa hàng, Denise cũng cảm thấy thắt ruột như thế. Bây giờ cô thấy nó tối đi, càng lâm vào tình trạng mỏi mòn lụn bại; những góc nhà trống không như những hố tối om, bụi bám các quầy hàng và ô ngăn; còn những kiện dạ không ai đụng tới nữa thì bốc lên một mùi diêm tiêu của hầm tối. Ở két, bà Baudu và Geneviève ngồi câm lặng và bất động như trong một xó hiu quạnh, chẳng ai đến làm rầy họ. Bà mẹ viền những khăn lau. Cô con gái, hai bàn tay buông trên đầu gối, nhìn khoảng trống phía trước.
- Cháu chào thím - Denise nói - Cháu thật sung sướng lại được gặp thím. Nếu cháu đã có điều gì phiền thím, xin thím tha lỗi cho cháu.
Bà Baudu, rất xúc động, ôm hôn cô.
- Cháu tội nghiệp, - Bà ta đáp - nếu thím chẳng có những phiền muộn khác thì cháu sẽ thấy thím vui hơn.
- Chào chị. - Denise lại vừa nói vừa hôn trước vào má Geneviève.
Cô này như chợt tỉnh dậy. Cô hôn trả lại mà chẳng nói được điều gì. Rồi hai người đàn bà bế Pépé, nó giơ hai cánh tay nhỏ xíu ra. Thế là cuộc làm lành hoàn tất.
- Thôi, sáu giờ rồi, ta vào bàn - Baudu nói - Sao cháu không cho thằng Jean đến?
- Thì nó phải đến chứ ạ - Denise bối rối nói khẽ -Ngay sáng nay, cháu đến gặp nó, nó đã hứa hẳn hoi... Chà! Chẳng đợi nó làm gì, có lẽ ông chủ giữ nó.
Cô ngỡ có chuyện gì bất thường, nên cô xin lỗi trước cho nó.
- Thế thì ta vào bàn thôi. - Ông chú nhắc lại.
Rồi, quay về phía cuối cửa hàng tối om:
- Colomban, anh có thể đến ăn cùng với chúng tôi. Chẳng ai đến nữa đâu.
Denise đã không nhìn thấy anh ta. Bà thím cho cô biết đã phải để viên thư ký kia và cô bán hàng thôi việc.
Hàng họ ế ẩm đến mức chỉ một mình Colomban là đủ; Thế mà anh ta cũng qua những giờ ngồi rỗi, nặng đầu, buồn ngủ, mắt giương ra.
Trong buồng ăn, đèn hơi thắp sáng, tuy bấy giờ đang những ngày dài mùa hè. Denise rờn rợn khi bước vào, hai vai lạnh vì hơi tường. Cô lại thấy chiếc bàn tròn, bát đĩa bầy trên một tấm vải sơn, cửa sổ để lọt vào ánh sáng và không khí từ cuối lối đi hôi hám của cái sân nhỏ. Và cô thấy những vật đó, cũng như cửa hàng, càng tối tăm, hình như rỏ nước mắt.
- Bố ơi, - Geneviève, khó chịu thay Denise, nói - con đóng cửa sổ nhé? Mùi hôi lắm.
Ông ta chẳng ngửi thấy gì, lấy làm lạ.
- Con thích thì cứ đóng lại - Cuối cùng ông đáp -Nhưng mà mình sẽ thiếu không khí.
Quả thật, họ ngột ngạt. Đây là một bữa ăn gia đình, rất đơn giản. Sau món canh, người hầu vừa đưa món hầm ra là ông chú nhất thiết nói tới bọn trước cửa. Lúc đầu ông tỏ ra rất rộng lượng, ông cho phép cháu gái được có ý kiến khác.
- Trời! Cháu hoàn toàn được tự do bênh vực những cửa hàng lớn bát nháo ấy... Mỗi người nghĩ một cách, cháu ạ... Cháu đã không thấy ghê tởm vì bị tống ra khỏi cửa một cách đê tiện đến thế thì chắc cháu có đủ lý do để ưa chúng; và giả thiết cháu lại trở về đó, thì cháu cũng biết chú hoàn toàn chẳng giận gì cháu... Chàng ai ở đây giận nó, phải không?
- Ồ! Không. - Bà Baudu lẩm bẩm.
Denise khoan thai trình bày lý lẽ của mình, như cô đã nói ở nhà Robineau: sự tiến hóa lôgích của thương nghiệp, những tất yếu của thời hiện đại, cái lớn lao của những sáng tạo mới đó, sau hết hạnh phúc càng ngày càng tăng của công chúng. Baudu mắt tròn xoe, môi bậm lại, lắng tai nghe, đầu óc căng thẳng rõ ràng. Rồi, khi cô nói xong, ông ta lắc đầu.
- Tất cả cái đó chỉ là ảo tưởng. Thương nghiệp là thương nghiệp, không ai ra khỏi vòng đó được... Ồ! Chú thừa nhận là họ thắng, nhưng chỉ thế thôi. Đã lâu, chú tưởng rằng chúng sẽ om xương; thật đấy, chú trông đợi cái đó, chú kiên trì, cháu nhớ không? Thế mà, không, hình như bây giờ bọn ăn cắp phất lên còn những người lương thiện thì chết lụn bại... Đấy chúng ta đến tình trạng như thế đấy, chú bắt buộc phải cúi đầu trước sự kiện. Và tôi cúi đầu, trời ạ! Tôi cúi đầu...
Cơn giận âm thầm của ông mỗi lúc mỗi bừng bừng. Đột nhiên ông vung chiếc nĩa lên.
- Nhưng không bao giờ hiệu Vieil Elbeuf nhân nhượng điều gì... Cháu nghe không, chú đã bảo lão Bourras: “Ông hàng xóm ơi, ông cấu kết với bọn làm trò quỷ thuật, những trò sơn vẽ của ông là điều sỉ nhục”.
- Thì nhà ăn đi đã. - Bà Baudu ngắt lời, lo sợ khi thấy ông ta hăng lên như vậy.
- Khoan, tôi muốn cho cháu gái tôi biết châm ngôn của tôi... Cháu ạ, hãy nghe đây chú như bình nước này, chú không nhúc nhích. Chúng nó thắng, mặc xác chúng! Chú, chú phản kháng có thế thôi!
Cô hầu bưng ra một miếng thịt bê quay. Ông tự tay run run thái thịt, ông không còn con mắt nhìn chính xác, cái uy lực để ước lượng các khẩu phần nữa. Ý thức về sự thất bại làm ông mất lòng tự tin xưa của ông chủ được tôn trọng. Pépé tưởng ông chú giận: người ta phải dỗ nó bằng cách cho ngay nó đồ tráng miệng, những bánh quy đặt trước đĩa của nó. Bây giờ ông chú, hạ giọng, cố nói chuyện khác. Một lúc, ông nói về những việc phá nhà, ông tán thành mở phố Mười tháng Chạp, con đường được khai thông đó chắc chắn sẽ làm cho việc buôn bán ở khu phố tăng lên. Nhưng đến đó, ông lại quay trở lại hiệu Hạnh phúc các bà; Tất cả đều dẫn ông trở lại đó; Đây là sự ám ảnh bệnh hoạn. Người ta rữa ra vì vôi vữa, người ta không còn bán được gì, từ khi xe vật liệu chắn ngay phố. Mà, càng to lớn lên lại càng nực cười; khách hàng sẽ lạc lối, tại sao chẳng làm hẳn như Chợ lớn? Và, mặc dầu bà vợ nhìn khẩn khoản, mặc dầu cố gắng của ông, ông vẫn nói, hết nói những công trình lại nói sang doanh số của cửa hàng. Thật chẳng tưởng tượng được, chưa đầy bốn năm con số đã tăng lên gấp năm lần: theo kiểm kê cuối cùng, thu nhập hàng năm của chúng trước kia là tám triệu nay lên tới bốn mươi triệu. Tựu trung một sự điên rồ, một điều chưa thấy bao giờ, mà chẳng còn có thể chống lại được nữa. Luôn luôn chúng phình ra, bây giờ chúng đã có nghìn nhân viên, chúng rao có hai mươi tám gian hàng. Nhất là con số hai mươi tám gian hàng đó làm ông như điên như dại. Chắc hắn người ta đã phải chia hai một số gian, nhưng có những gian khác hoàn toàn mới: như một gian đồ đạc và một gian đặc phẩm Paris. Ai mà hiểu được, đặc phẩm Paris? Quả thật, bọn chúng thiếu tự trọng, rồi chúng sẽ bán cả cá cho mà xem. Ông chú làm ra vẻ tôn trọng ý kiến của Denise, lại xoay ra thuyết giáo cô.
- Thật thà, cháu không thể bênh vục chúng được. Cháu có thấy chú mở thêm gian bán xoong chảo ghép vào hàng len dạ của chú không? Cháu sẽ bảo chú là điên hả?... Thì ít ra cháu cũng phải nhận là cháu không ưa gì họ.
Cô gái đành chỉ mỉm cười, lúng túng, cô hiểu rằng nói lẽ phải cũng vô ích. Ông ta lại nói.
- Thế là cháu đứng về phía họ. Ta không bàn đến chuyện đó nữa, vì họ mà ta giận nhau thì chẳng có ích gì. Đến thế là cùng cực, ví bằng họ xen được vào giữa họ hàng và tôi!... Cháu cứ trở lại với họ, nếu cháu muốn, nhưng chú ngăn cháu chớ đem chuyện họ mà làm nhức tai chú!
Mọi người im lặng. Ông không hăng như trước mà chỉ còn nhẫn nhục bồn chồn. Trong gian buồng chật chội mọi người ngột ngạt, cô hầu lại phải mở cửa sổ, và mùi hôi ẩm ngoài sân xông vào tận bàn. Món khoai tây rán được dọn ra. Ai nấy thủng thẳng lấy ăn, không nói một lời.
- Đây kia! Cháu nhìn người kia - Baudu lại vừa nói vừa lấy dao chỉ về phía Geneviève và Colomban - Cháu hỏi họ xem họ có ưa cái hiệu Hạnh phúc các bà của cháu không!
Ngồi bên cạnh nhau, ở chỗ quen thuộc mà họ gặp nhau mỗi ngày hai lần từ mười hai năm nay. Colomban và Geneviève ăn cầm chừng. Họ chưa nói một lời. Anh ta thì nặn ra bộ mặt hiền lành phúc hậu, hình như che giấu, đằng sau những mí mắt chảy xuống, ngọn lửa bên trong thiêu đốt anh; Còn cô ta thì càng cúi đầu dưới làn tóc quá nặng, cô phó mặc, người như hao mòn bởi một nỗi đau khổ âm thầm.
- Năm ngoái thật là tai hại, - Ông chú giảng giải -việc cưới xin của họ phải hoãn lại... Không phải vì muốn thế, cháu thử hỏi xem họ nghĩ về những người bạn của cháu như thế nào.
Để làm vừa lòng ông ta, Denise hỏi đôi trai gái.
- Tôi chẳng thể nào mà ưa họ được, chị ạ - Geneviève đáp - Nhưng chị cứ yên tâm, chẳng phải là ai cũng đều ghét họ.
Cô nhìn sang Colomban, anh này đang vân vê ruột bánh, vẻ mê mải. Khi anh ta cảm thấy đôi mắt cô gái nhìn mình thì anh ta văng ra những lời hung hăng.
- Một cửa hàng nhơ bẩn... Đứa nào cũng đểu cáng như đứa nào!... Nghĩa là, một ôn dịch thật sự cho khu phố!
- Cháu nghe thấy chưa, nghe thấy chưa! - Baudu la lên, hớn hở - Tay này là không bao giờ chúng mua chuộc được!... Hay lắm, anh là ngừời cuối cùng, không ai còn đào tạo ra nữa!
Nhưng Geneviève, nét mặt nghiêm nghị và đau đớn không rời mắt khỏi Colomban. Cô thấu đến tận gan ruột anh ta, và anh ta bối rối, lại càng chửi rủa. Bà Baudu ngồi trước mặt họ, hết nhìn người nọ lại nhìn người kia, lo lắng và lặng lẽ, như bà đoán ra ở đó một tai họa mới.
Từ ít lâu nay, bà lo sợ vì thấy con gái rầu rĩ, bà cảm thấy cô ta đến chết mất.
- Cửa hàng không có ai - Cuối cùng bà nói và rời bàn - ý muốn chấm dứt cảnh đó - Kìa, anh Colomban, nghe hình như có ai hỏi.
Họ kết thúc và đứng lên. Baudu và Colomban ra nói chuyện với một tay môi giới đến nhận lệnh. Bà Baudu dẫn Pépé ra cho nó xem ảnh. Người hầu hấp tấp dọn bàn, và Denise, thơ thẫn bên cửa sổ, chăm chú nhìn cái sân nhỏ; bỗng quay lại, cô thấy Geneviève vẫn ngồi nguyên chỗ, mắt đăm đăm nhìn tấm vải sơn vừa lau còn ướt.
- Chị đau à, chị? - Cô hỏi cô ta.
Cô gái không trả lời, mắt vẫn đằm đăm nhìn không rời một vệt nứt của tấm vải, cô như hoàn toàn bị xâm chiếm bởi những suy nghĩ liên miên trong đầu. Rồi cô nặng nhọc ngẩng lên nhìn bộ mặt thương cảm đang ngả vào mặt mình. Những người khác, đi rồi ư? Cô ngồi làm gì ở chiếc ghế này? Và, đột nhiên, cô nghẹn ngào nức nở, đầu ngả gục xuống bên bàn. Cô khóc, tay áo cô dẫm nước mắt.
- Trời ơi! Chị làm sao thế? - Denise bàng hoàng kêu lên - Để tôi gọi người nhé?
Geneviève hốt hoảng nắm lấy cánh tay Denise, giữ cô lại; ấp úng:
- Đừng, đừng, ở đây... Chao! Đừng để cho mẹ biết! Với chị thì chẳng sao; nhưng không một ai khác, không một ai khác!... Thật là ngoài ý muốn của tôi, tôi cam đoan với chị. Chẳng là thấy mình cô đơn quá... Khoan đã, tôi đỡ rồi, tôi không khóc nữa. - Và cô ta lại lên cơn, thân hình mảnh dẻ giật thon thót. Dường như đám tóc đen nặng chĩu trên gáy. Đầu cô đang lăn lộn trên hai cánh tay gập lại thì một chiếc ghim bật ra, tóc xổ đầy cổ, trùm kín cô trong bóng tối. Trong khi đó, Denise, lặng lẽ, sợ người ta chú ý, cô khuyên giải chị. Cô tháo móc áo cho chị và não lòng thấy chị gầy gò vì ốm đau: cô gái tội nghiệp ngực lép như đứa trẻ, tấm thân trinh nữ không còn gì vì thiếu máu. Denise vơ tóc chị đầy tay, làn tóc tuyệt vời như hút hết sinh lực; rồi cô búi chặt để cho chị được thoáng và dễ thở.
- Cảm ơn, chị thật là tốt - Geneviève nói - Chà tôi không được béo phải không? Trước kia tôi khỏe hơn, nhưng bây giờ thì hết rồi... Cài hộ tôi cái áo lại, không có mẹ trông thấy hai vai. Tôi cố giấu được chừng nào hay chừng nấy... Trời ơi! Tôi mệt quá tôi mệt quá.
Tuy nhiên, cơn bệnh nguôi đi. Cô ta ngồi rũ ra trên ghế, nhìn chòng chọc cô chị họ. Và, sau một lát im lặng, cô hỏi:
- Chị nói thật đi, anh ấy yêu cái cô kia phải không?
Denise cảm thấy má mình đỏ lên. Cô hiểu rõ đó là Colomban và Clara. Nhưng cô làm vẻ ngạc nhiên:
- Ai thế, hở chị?
Geneviève lắc đầu ra vẻ không tin:
- Đừng nói dối, tôi van chị. Hãy giúp tôi để cho tôi biết đích xác ra thế nào... Chị thì phải biết, tôi cảm thấy thế. Phải, chị là bạn gái cô ấy, mà tôi đã trông thấy Colomban chạy theo chị, nói nhỏ với chị. Anh ấy nhờ chị hỏi cô kia, phải không?... Chà, chị làm ơn cho tôi biết sự thật, tôi cam đoan với chị tôi sẽ khỏe ra.
Chưa bao giờ Denise thấy bối rối như thế. Cô hạ mắt xuống, trước cô em lúc nào cũng câm lặng mà đoán ra hết. Tuy nhiên cô vẫn có gan đánh lừa cô ta.
- Nhưng anh ấy thương chị đấy chứ!
Bây giờ Geneviève có cử chỉ thất vọng.
- Thôi được, chị chẳng muốn nói gì... Vả lại, cũng thế thôi, tôi đã nhìn thấy họ. Anh ấy luôn luôn ra bờ hè nhìn cô ta. Cô ta thì đứng ở trên, cười như đồ khốn nạn, chắc chắn là họ lại gặp nhau ở bên ngoài.
- Cái đó thì không, tôi cam đoan với chị! - Denise la lên, quên bẵng cả lời mình, vì cô chỉ muốn ít ra yên ủi được chị ở điều đó.
Cô gái thở phào. Cô hơi mỉm cười. Rồi với giọng yếu ớt của người hồi sức:
- Tôi thèm một cốc nước... Chị tha lỗi, tôi làm phiền chị. Kia, ở trong tủ ăn.
Và, khi cô cầm bình nước, cô rót thẳng một cốc nước to tướng. Tay cô gạt Denise, cô này sợ có hại cho chị.
- Không, không, cứ để, tôi bao giờ cũng khát... Đêm tôi phải dậy để uống nước.
Hai người lại im lặng, Geneviève tiếp tục nói dịu dàng:
- Nếu chị biết, từ mười năm nay tôi đã quen nghĩ đến cuộc cưới xin này. Khi tôi còn mặc áo ngắn, thì Colomban đã thuộc về tôi... Bấy giờ, tôi cũng chẳng còn nhớ sự tình xoay ra thế nào. Cứ sống cùng nhau mãi, cứ bị nhốt chặt bên nhau ở đây, chẳng bao giờ có sự chểnh mảng giữa chúng tôi, rốt cuộc tôi phải tin anh là chồng tôi, trước khi cưới. Tôi cũng không biết tôi có yêu anh không, tôi là vợ anh, có thế thôi... Thế mà bây giờ anh ấy định bỏ đi với một kẻ khác. Ôi! Trời ơi! Lòng tôi tan vỡ. Chị thấy không, đây là một đau khổ mà trước đây tôi không biết. Nó thít lấy ngực tôi, đầu tôi, rồi nó lan khắp cả, nó giết tôi.
Nước mắt cô lại tràn ra. Denise, cũng rớm nước mắt vì thương chị, hỏi:
- Thế thím có hay gì không?
- Có, mẹ có biết, hình như thế... Còn bố thì đau khổ quá, bố không biết tôi đau đớn thế nào khi hoãn cuộc cưới xin lại... Nhiều lần mẹ hỏi tôi. Mẹ thấy tôi ủ rũ thì lo lắng. Chính mẹ cũng chẳng khỏe bao giờ nên thường bảo tôi: “Con gái tội nghiệp của mẹ, mẹ sinh ra con chẳng khỏe khoắn gì”. Mà rồi, ở những cửa hàng thế này, không lớn lên được. Nhưng cuối cùng mẹ thấy tôi gầy đi quá... Chị xem tay tôi đây này, lẽ nào lại như thế?
Bàn tay run rẩy của cô lại với chiếc bình nước. Denise định ngăn không cho cô uống.
- Không, cứ để tôi, tôi khát lắm.
Có tiếng Baudu nói. Thế là Denise, theo tiếng lòng thúc giục, quỳ xuống, lấy hai cánh tay trìu mến ôm Geneviève. Cô hôn chị, cam đoan với chị rằng mọi sự sẽ ổn thỏa, chị sẽ lấy Colomban, chị sẽ khỏi bệnh và sung sướng. Cô vùng đứng lên. Ông chú gọi.
- Jean nó đến kia, lại đây.
Đúng là Jean, hắn ngơ ngác, đến để ăn cơm. Khi người ta bảo đã tám giờ rồi, thì hắn đờ ra. Không có lẽ, hắn ở nhà chủ tới. Người ta đùa bảo chắc hắn đi lối rừng Vincennes. Nhưng khi đến được gần chị, hắn nói thật nhỏ vào tai chị:
- Có một cô thợ giặt xinh phải mang quần áo về... Em có chiếc xe thuê giờ đợi kia. Chị cho em trăm xu.
Hắn chạy ra một phút rồi trở lại ăn cơm, vì bà Baudu nhất định không để cho hắn về mà không ăn ít ra một bát xúp. Geneviève trở ra; im lặng và nép mình như mọi khi. Colomban nửa thức nửa ngủ sau một quầy hàng. Buổi tối trôi đi, buồn rầu và chầm chậm, chỉ vang lên tiếng ông chú bước dạo từ đầu nọ đến đầu kia trong cửa hàng vắng tanh. Một ngọn đèn hơi duy nhất thắp sáng, bóng trần nhà thấp đổ xuống khắp như đất đen của một lỗ huyệt.
Nhiều tháng trôi qua. Hầu như ngày nào Denise cũng tới làm vui Geneviève một lúc. Nhưng ở cửa hàng Baudu nỗi buồn phiền cứ tăng lên. Những công trình phía trước mặt là một sự dày vò làm cho vận rủi của họ thêm nặng nề. Ngay cả lúc họ có một khoảnh khắc hy vọng, một niềm vui bất chợt, chỉ cần nghe tiếng đổ ầm của một xe gạch, tiếng cưa đá hay chỉ tiếng gọi của một anh thợ nề, là lập tức họ ỉu xìu. Vả lại, cả khu phố bị chấn động. Từ sau khoảng đất quây vẫn chạy dài và ôm cả ba phố, rung chuyển của hoạt động náo nhiệt lan ra. Tuy kiến trúc sư lợi dụng những công trình sẵn có, nhưng họ mở ra từ phía để tu sửa; và ở chính giữa, khoảng trống của những sân, họ xây một gian trung tâm, rộng như một nhà thờ, nó sẽ thông ra một cửa chính, nhìn ra phố Neuve Saint Augustin, ngay giữa bề mặt cửa hàng. Ban đầu có khó khăn lớn để xây tầng hầm, vì vướng phải những chỗ ngấm nước cống và những mảnh đất ghép đầy những cột. Rồi đến việc khoan giếng đã làm cho các nhà lân cận rất bận tâm, một giếng sâu trăm thước, lượng nước cung ứng tới năm trăm lít mỗi phút. Bây giờ thì tường xây cao đến gác một; những giàn giáo, những vách sườn nhà vây kín cả như một hòn đảo; không ngớt nghe tiếng tời rít đưa những phiến đá lên cao, những rấm sắt đột ngột trút xuống, tiếng la hét của cả đám dân thợ thuyền kèm tiếng cuốc tiếng búa. Nhưng, trên hết, cái làm chói tai mọi người là tiếng máy rung chuyển; mọi thứ đều chạy bằng hơi nước, những tiếng còi rít xé không khí; trong khi đó, hơi có gió là một đám bụi mù vôi vữa bay lên và phủ những mái nhà lân cận, y như một trận tuyết rơi. Gia đình Baudu thất vọng nhìn đám bụi ác hại đó thâm nhập khắp nơi, lọt qua cả những ván gỗ lát kín nhất, làm nhớp vải vóc của cửa hàng, thậm chí vào cả giường nằm; và ý nghĩ họ phải cam chịu hít thở nó cho đến chết vì nó đầu độc cuộc sống của họ.
Thế mà, tình hình trở nên tệ hại hơn nữa. Vào tháng Chín, kiến trúc sư sợ không kịp, quyết định làm cả ban dêm. Họ mắc đèn điện cỡ mạnh, và cơn lay chuyển không bao giờ ngừng nữa; những ca thợ nối tiếp nhau, búa không ngừng nện, máy rít liên tục, tiếng la thét lúc nào cũng inh ỏi như bốc lên và gieo rắc bụi bậm. Thế là cả nhà Baudu, phẫn uất, phải nhịn cả ngủ; họ bị lay động ngay trong chỗ nằm của họ, tiếng động trở thành ác mộng khi mỏi mệt làm họ tê dại. Rồi, nếu họ chán không trở dậy, cho nguôi cơn sốt, và nếu họ ra mở một tấm màn cửa, thì họ đứng hãi hùng trước cảnh tượng hiệu Hạnh phúc các bà rực sáng trong đêm tối, như một lò rèn khổng lồ, ở đó đang rèn cảnh phá sản của họ. Giữa những bức tường xây nửa chừng, với những lỗ hỏng, đèn điện tỏa ánh xanh lơ, sáng chói lòa. Hai giờ sáng điểm, rồi ba giờ, rồi bốn giờ. Và trong giấc ngủ mê mệt của khu phố, công trường nom lớn ra trong thứ ánh trăng đó, trở thành đồ sộ và quái dị, ở đó lúc nhúc những bóng đen, những người thợ la hét inh ỏi, hình ảnh múa may trên nền trắng bệch của những bức tường mới.
Đúng như ông chú Baudu đã nói, thương nghiệp nhỏ ở những phố lân cận lại bị một đòn giáng ghê gớm. Mỗi lần hiệu Hạnh phúc các bà lập những gian hàng mới là xảy ra những suy sụp mới ở các cửa hiệu xung quanh. Tai họa lan rộng, người ta nghe rạn nứt cả những nhà kỳ cựu nhất. Cô Tatin bán quần áo lót ở đường Choiseul vừa bị tuyên bố vỡ nợ; Quinette bán găng không đứng vững được tới sáu tháng; những tay bán lông thú Vanpouille bốt buộc phải cho thuê lại một phần cửa hàng, nếu Bédoré và em gái, bán mũ áo đan, phố Gaillon vẫn đứng được thì rõ ràng họ ăn vào thực lợi đã thu nhặt được từ xưa. Và bây giờ, lại những đám phá sản khác thêm vào những đám kia đã dự đoán từ lâu; gian hàng đặc phẩm Paris đe dọa một người bán đồ bày biện ở phố Saint Roch, Deslignières, một người to lớn sung huyết; Trong khi đó gian hàng đồ đạc đánh vào Piot và Rivoire có cửa hiệu nằm im lìm trong bóng đường hành lang Sainte Anne. Người ta thậm chí sợ cho tay bán đồ bầy biện không khéo bị trúng phong vì anh ta không ngớt tức giận khi thấy hiệu Hạnh phúc quảng cáo hạ giá ví ba mươi phần trăm. Cánh bán đồ đạc, bình tĩnh hơn, làm bộ nhạo cái quân bán chúc bâu ấy ngứa nghề bán cả bàn và tủ; nhưng khách hàng của họ đã rời bỏ họ, gian hàng kia có chiều được hoan nghênh dữ. Thế là hết, phải gập lưng thôi: sau những người đó đến những người khác sẽ bị quét, và không còn lý do để mọi ngành buôn bán không lần lượt bị loại bỏ quầy hàng. Duy hiệu Hạnh phúc, một ngày kia, sẽ trùm mái lên cả khu phố.
Bây giờ, sáng và chiều khi hàng nghìn nhân viên ra vào, họ nối đuôi nhau trên quảng trường Gaillon đến nỗi thiên hạ dừng lại để nhìn họ, y như người ta nhìn một trung đoàn diễu qua. Trong mười phút, hai bờ hè tắc nghẽn người; và các chủ hiệu, đứng trước của liên hệ đến viên thư ký độc nhất của họ mà họ đã không biết cách nào nuôi nổi... Cuộc kiểm kê cuối cùng của ngôi hàng lớn, với doanh số bốn mươi triệu cũng đã làm chấn động cả xung quanh. Con số chuyển đi từng nhà, giữa những tiếng la kinh dị và căm hờn. Bốn mươi triệu! Có ai ngờ đến thế? Chắc hẳn thực lãi nhiều lắm là bốn phần trăm, với tổng phí rất lớn, và phương thức bán rẻ. Nhưng một trăm sáu mươi vạn frăng tiền lời vẫn là một con số thú vị, người ta có thể bằng lòng bốn phần trăm ấy khi hoạt động với cái vốn thế kia. Người ta kể rằng vốn cũ của Mouret, năm trăm nghìn frăng đầu tiên tăng thêm mỗi năm toàn bộ lãi, cái vốn đó bây giờ phải đến bốn triệu, như vậy là đã chuyển mười lần thành hàng hóa, qua các quầy hàng. Robineau, sau bữa ăn, khi làm con tính với Denise như vậy, ngồi ủ rũ một lúc, mắt đăm đăm nhìn chiếc đĩa không; cô gái nói có lý, chính sự luân chuyển vốn không ngừng đó là sức mạnh vô địch của thương nghiệp mới. Chỉ có Bourras là phủ nhận sự kiện, không chịu hiểu tự mãn và ngu xuẩn như con lừa [1]. Một lũ ăn cắp, có thế thôi. Những kẻ dối trá! Những tên làm ảo thuật nhặt ở rãnh lên, một buổi sáng nào đó!
Nhà Baudu tuy không có ý định thay đổi cung cách làm ăn cũ của hiệu Vieil Elbeuf, vẫn cố gắng theo đuổi sự cạnh tranh. Khách hàng không đến cửa hiệu nữa thì họ cố gắng dùng môi giới để đến với khách hàng. Bấy giờ, trên thị trường Paris, có một tay mại bản, quan hệ với các nhà thợ may lớn, cứu vãn các cửa hiệu nhỏ bán dạ và flanelle, khi anh ta nhận làm đại lý cho họ. Cố nhiên họ tranh giành anh ta, anh ta trở thành nhân vật quan trọng; và Baudu đang mặc cả với hắn thì chẳng may hắn lại đi ăn hàng với nhà Matignon, phố Croix des Petits Champs. Liên tiếp hai tay môi giới khác ăn cắp của ông ta, đến tay thứ ba người lương thiện, thì lại chẳng làm gì cả. Thế là chết dần chết mòn, kinh doanh liên tục chậm lại, khách hàng mất từng người một. Rồi đến kỳ hạn gay go. Cho tới lúc đó, họ sống bằng tiền tiết kiệm từ trước; bây giờ bắt đầu nợ. Tháng Chạp, Baudu kinh hoàng vì số tiền ghi trên các phiếu ký nhận, cam chịu một hy sinh đau đớn nhất; ông bán ngôi nhà nông thôn ở Rambouillet, một ngôi nhà đã bắt ông bỏ ra bao nhiêu tiền để sửa chữa liên tục, và người thuê nhà thậm chí chẳng trả tiền nhà khi biết ông quyết định bán. Cuộc bán nhà đó giết chết mơ ước duy nhất của đời ông, ông đứt ruột như thể mất một người thân. Và ông phải nhượng lại với số tiền bảy mươi nghìn frăng ngôi nhà đã tốn cho ông hơn hai trăm nghìn. Thế mà còn là may vì có gia đình Lhomme, hàng xóm của ông, muốn mua để mở rộng đất của họ. Số tiền bảy mươi nghìn frăng sẽ có thể nâng đỡ cửa hàng trong ít lâu nữa. Mặc dầu mọi thất bại, ý nghĩa đấu tranh nảy sinh trở lại: có lẽ bây giờ làm ăn trật tự thì có thể thắng được.
Hôm Chủ nhật mà nhà Lhomme trả tiền, họ vui lòng đến ăn chiều ở hiệu Vieil Elbeuf. Bà Aurélie đến trước tiên; phải đợi tay thủ quỹ, lão đến chậm vì cả buổi chiều tíu tít về âm nhạc, còn anh chàng Albert tuy đã nhận lời mời mà không đến. Vả chăng, buổi tiếp đón cũng nặng nề. Nhà Baudu, sống thiếu không khí trong cái xó buồng ăn chật chội, bực mình vì ngọn gió mà nhà Lhomme đưa tới, với cảnh gia đình phân tán và sở thích sống phóng túng của họ. Geneviève, mếch lòng vì phong thái bà hoàng của bà Aurélie không hé miệng; còn Colomban thì rợn mình khâm phục bà khi nghĩ rằng bà ta cai quản Clara.
Buổi tối, trước khi ngủ, khi bà Baudu đã vào giường, ông Baudu dạo quanh trong buồng rất lâu. Trời êm dịu, thời tiết ẩm vào mùa tuyết tan. Ở bên ngoài, mặc dầu cửa sổ đóng kín và màn buông, nghe tiếng máy gầm gừ ở những công trình đằng trước.
- Élisabeth, mình biết tôi nghĩ gì không? - Cuối cùng ông nói - Thế này nhé, vợ chồng Lhomme cho dầu kiếm được nhiều tiền, tôi vẫn ưng địa vị của tôi hơn là địa vị của họ. Họ phát tài thật đấy. Chị vợ đã kể, phải không? Chị ta năm nay kiếm ngót hai mươi nghìn frăng, và vì thế chị ta đã có thể mua ngôi nhà khốn khổ của tôi. Chẳng sao! Tôi không còn nhà, nhưng ít ra tôi không đi đàn sáo một phía, mà mình thì chạy ròng một nẻo... Không, mình thấy đó, họ không thể sung sướng được.
Ông ta cay đắng vì sự hy sinh của ông, ông vẫn còn căm những kẻ đã mua mất vật ước mơ của ông. Khi ông tới gần giường, ông cúi về phía vợ, múa máy; rồi, khi trở ra cửa sổ, ông im lặng một lúc, ông lắng nghe tiếng huyên náo của công trường. Và ông trở lại với những lời phỉ báng cũ, những lời kêu ca thất vọng về thời buổi mới: chưa bao giờ thấy thế này, những viên thư ký, bây giờ kiếm nhiều hơn người buôn bán, bây giờ là những gã giữ két tậu lại cơ nghiệp của ông chủ. Vì vậy mọi cái đều suy sụp, gia đình không còn nữa; người ta sống ở khách sạn, chứ không ăn cơm tử tế ở nhà mình. Cuối cùng, ông kết thúc bằng lời tiên đoán rằng anh chàng Albert rồi ra sẽ ngốn mảnh đất ở Rambouillet với đào hát.
Bà Baudu lắng nghe ông, đầu ngay ngắn trên gối, mặt bà tái nhợt như màu vải.
- Họ đã trả tiền ông rồi à. - Cuối cùng bà dịu dàng nói.
Lập tức, Baudu câm lặng, ông đi đi lại lại một tí, mắt nhìn xuống đất. Rồi ông lại nói:
- Phải họ trả lời rồi; Dẫu sao tiền nào cũng tốt như tiền nào. Kể cũng kỳ, lấy tiền này để chấn chỉnh cửa hàng. Chà! Ví thử tôi không già quá, mệt quá thế này!
Một lúc lầu im lặng. Lão bán dạ mải mê với những dự kiến, mơ hồ. Đột nhiên, bà vợ nói, mắt vẫn nhìn lên trần, đầu không cựa quậy:
- Ít lâu nay, ông có để ý đến con gái ông không?
- Không. - Ông đáp.
- Thế thì, tôi đang có phần lo về nó... Nó xanh lắm, hình như nó thất vọng.
Đứng trước gương, ông ta hết sức ngạc nhiên.
- Thì, tại sao vậy?... Nếu nó ốm thì phải nói. Mai phải mời thầy thuốc.
Bà Baudu vẫn nằm yên. Sau một lúc lâu, bà mới tuyên bố với vẻ suy nghĩ.
- Đám cưới của nó với Colomban, tôi nghĩ rằng tốt hơn cả là phải làm cho xong.
Ông ta nhìn bà, rồi tiếp tục đi lại. Ông nhớ lại một số việc. Có thể là con gái ông ốm vì anh thư ký chăng? Nó yêu hắn đến thế nào mà không chờ đợi được như vậy? Lại thêm một nỗi khổ nữa! Điều này khiến ông bàng hoàng, nhất là vì bản thân ông đã có những ý kiến dứt khoát về cuộc cưới xin đó. Không bao giờ ông muốn cho cưới trong những điều kiện hiện giờ. Tuy nhiên, nỗi lo khiến ông đâm ái ngại:
- Thôi được, - Cuối cùng ông nói - tôi sẽ nói chuyện với Colomban.
Và, không nói thêm nữa, ông lại đi dạo. Chẳng bao lâu, bà vợ nhắm mắt ngủ, trắng bệch như chết. Ông thì vẫn cứ đi lại. Trước khi vào ngủ, ông vạch màn cửa ra nhìn: bên kia phố, những cửa sổ toang hoác của khách sạn Duvillard cũ làm thành những lỗ trống nhìn sang công trường, ở đó thợ thuyền hoạt động tấp nập trong ánh đèn điện chói lòa.
Ngay sáng hôm sau, Baudu dẫn Colomban vào xó một gian kho chật chội ở tầng trên. Hôm trước ông đã dự định sẽ nói những gì.
- Con ạ, - Ông bắt đầu nói - con biết rằng bố đã bán cái cơ sở ở Rambouillet của bố. Điều đó cho phép chúng ta đẩy mạnh công việc làm ăn. Nhưng trước hết, bố muốn nói chuyện một chút với con.
Chàng trai có vẻ sợ cuộc chuyện trò, vụng về chờ đợi. Hai mắt ti hí của hắn nhắp nháy trên bộ mặt nở nang, và hắn ngồi há hốc miệng, dấu hiệu của một sự rối loạn tâm thần sâu sắc ở hắn.
- Con hãy nghe rõ, - Lão bán dạ lại nói - khi cụ Hauchecorne để lại cho bố hiệu Vieil Elbeuf, cửa hiệu đang thịnh vượng chính cụ xưa kia nhận nó từ tay cô Finet, thì nó cũng đang phát đạt... Con biết rõ ý kiến của bố: bố cho rằng nếu bố để lại cái di sản của gia đình này cho các con ở tình trạng tồi tệ thì bố mang tội; chính vì thế mà bố cứ hoãn mãi cuộc cưới xin của con với Geneviève. Phải, bố bướng bỉnh, bố hy vọng đưa nó trở lại sự thịnh vượng xưa, bố muốn đặt sổ sách trước mặt con mà bảo rằng: “Đây! Năm bố nhận cửa hiệu này đã bán được bao nhiêu dạ, và năm nay, năm bố chuyển nó, đã bán được mười, hai mươi nghìn frăng hơn thế...” Nghĩa là, con hiểu không, bố đã tự thề với mình, điều rất tự nhiên là bố muốn chứng tỏ rằng cửa hiệu đã không sa sút trong tay bố. Nếu không bố sẽ xem mình như đã ăn cắp của con.
Một niềm xúc động khiến ông nghẹn ngào, ông hỉ mũi để được bình tĩnh, ông hỏi:
- Con không nói gì à?
Nhưng Colomban chẳng có điều gì để nói cả. Anh ta lắc đầu, anh ta chờ đợi, mỗi lúc thêm bối rối, tưởng như đoán được rằng ông chủ sẽ đi tới đâu. Đó là cưới cho mau. Làm thế nào mà từ chối? Anh ta chẳng bao giờ có đủ can đảm. Nhưng còn cô kia, cái cô mà anh hằng mơ thấy ban đêm, xác thịt anh bị thiêu đốt bởi ngọn lửa, đến mức anh sẽ trần truồng lao mình xuống nền gạch, sợ chết vì nó!
- Hôm nay - Baudu tiếp tục nói - số tiền này có thể cứu vãn chúng ta. Mỗi ngày tình hình càng thêm xấu, nhưng có lẽ nếu cố gắng đến tột cùng... Nghĩa là bố muốn báo cho con biết. Chúng ta liều một sống một chết. Nếu chúng ta thất bại thì, thôi, cái đó chôn vùi chúng ta... Song, con ạ, cuộc cưới xin của con vì thế lại phải hoãn lại, vì bố chẳng muốn ném hai con trơ trọi vào cuộc tranh chấp. Như thế thì hèn quá, phải không?
Colomban, nhẹ hẳn lòng, ngồi xuống những tấm len. Chân hắn vẫn còn hơi run. Hắn sợ để lộ ra sự vui mừng của hắn, hắn cúi đầu, lăn ngón tay trên đầu gối.
- Con không nói gì à? - Baudu nhắc lại.
Không, anh ta chẳng nói gì, anh ta không thấy có điều gì để nói. Lúc đó, lão lái dạ mới chậm rãi nói:
- Bố chắc điều đó làm con phiền lòng... Con phải can đảm. Rắn rỏi lên, đừng ủ rũ như vậy... Nhất là con nên hiểu vị trí của bố. Bố có thể buộc vào cổ con gánh nặng như thế được không? Không để lại cho con một công việc thuận lợi mà để cho con có lẽ là cuộc vỡ nợ. Không, chỉ có những đồ súc sinh mới chơi những trò ấy... Chắc chắn là bố chỉ mong cho con có hạnh phúc, nhưng không bao giờ người ta có thể buộc bố làm trái với lương tâm.
Và ông ta cứ nói mãi một cách như thế, rối rắm giữa những lời trái ngược, kiểu như kẻ muốn được người ta đoán hiểu mình qua lời nói nửa chừng và được người ta cưỡng bức mình phải là. Vì ông ta đã hứa cho con gái và cửa hàng, lòng chân thành tuyệt đối buộc ông phải trao cả hai nguyên lành, không hư hỏng cũng như không nợ nần... Tuy nhiên, ông đã mệt mỏi, gánh quá nặng, qua giọng nói ấp úng của ông lộ rõ những van nài, lời lẽ càng nói càng rối rắm, ông chờ đợi ở Colomban một sự vồ vập, một tiếng kêu của trái tim, nhưng nó chẳng đến.
- Bố biết rõ, - Ông lẩm bẩm - người già ít nhiệt tình... Với người trẻ mọi điều như cháy lên. Trong người họ như lửa đốt, đó là lẽ tự nhiên... Nhưng mà không, không, tôi không thể thế được, lời danh dự! Nếu bố nhân nhượng với con, sau này con sẽ trách bố.
Ông ta thôi nói, run rẩy; và, vì chàng trai vẫn cúi gầm đầu, ông lại hỏi lần thứ ba, sau một lúc im lặng nặng trĩu:
- Con không nói gì à?
Cuối cùng, Colomban, không nhìn ông ta, trả lời:
- Không có gì phải nói... Bố là chủ, bố khôn ngoan hơn cả bọn chúng con. Bố đã yêu cầu như thế, chúng con xin chờ đợi, chúng con sẽ cố gắng giữ cho phải lẽ.
Thế là hết, Baudu còn hy vọng anh ta sẽ lao vào tay ông mà kêu lên: “Bố, bố hãy nghỉ đi, đến lượt chúng con sẽ đấu tranh, cứ trao cho chúng con cửa hàng như nó ở tình trạng hiện nay, để chúng con lập kỳ công cứu vãn nó!” Rồi ông nhìn hắn, và ông thấy xấu hổ, ông thầm trách mình đã muốn đánh lừa con cái. Cái tính chân thành kỳ cục xưa của người chủ hiệu thức dậy ở ông; chính là chàng trai khôn ngoan kia có lý, vì làm gì có tình cảm trong buôn bán, chỉ có những con số.
- Hôn bố đi, con - Ông nói để kết thúc - Thế là quyết định nhé, một năm nữa chúng ta sẽ lại nói đến chuyện cưới xin. Trước hết phải nghĩ đến điều nghiêm trọng.
Buổi tối, trong buồng họ, khi bà Baudu hỏi chồng và kết quả cuộc chuyện trò, ông này đã trở lại ngang ngạnh đích thân chiến đâu đến cùng của ông. Ông ra sức khen Colomban: một anh con trai vững vàng, kiên trì về tư tưởng, vả lại được dạy dỗ theo những nguyên lý đúng đắn, hắn không dám cười với các bà khách hàng, như bọn tán gái ở hiệu Hạnh phúc các bà. Không, đây là hạng người tử tế, con nhà, hắn không giỡn với việc bán hàng như với chứng khoán thị trường.
- Thế bao giờ thì cưới? - Bà Baudu hỏi.
- Sau này, - Ông đáp - khi nào tôi có thể giữ lời hứa.
Bà không nhúc nhích, bà chỉ nói:
- Con gái nó sẽ chết mất thôi.
Baudu cố nhịn, lòng ông giận bừng bừng. Chính ông sẽ chết, nếu người ta cứ luôn luôn làm ông điên đầu như thế. Có phải lỗi tại ông không? Ông yêu con gái, ông nói có thể hiến máu vì nó, nhưng ông không thể làm cho cửa hàng chạy khi nó không muốn chạy nữa. Geneviève phải biết điều một tí và kiên tâm tới ngày cửa hàng khá lên. Khốn nạn! Colomban vẫn còn đó, ai cuỗm mất hắn của nó.
- Không thể tin được! - Ông nhắc lại - Một đứa con gái có giáo dục đến thế.
Bà Baudu không nói gì thêm. Chắc hẳn bà đã đoán được Geneviève đau khổ vì ghen; nhưng bà không dám ngỏ với chồng. Một nỗi bẽn lẽn đặc biệt của phụ nữ vẫn ngăn cản bà đề cập với chồng về một số chuyện thương yêu tế nhị. Khi ông thấy bà câm lặng, ông xoay cơn giận về phía những kẻ đàng trước, ông giơ quả đấm trong không khí, chĩa về phía công trường, ở đây đêm hôm đó, người ta nện búa ầm ầm để đặt sườn nhà bằng sắt.
Denise sắp trở lại hiệu Hạnh phúc các bà. Cô đã hiểu nhà Robineau bắt buộc phải bớt nhân viên mà không biết thải cô cách nào. Để còn đứng được, họ phải tự làm lấy một việc. Gaujean thù hắn đến mức ương ngạnh, kéo dài thời gian trả nợ cho họ, thậm chí còn hứa tìm vốn thêm cho họ; nhưng họ đâm hoảng, họ thử thi hành tiết kiệm và trật tự. Trong nửa tháng Denise cảm thấy họ lúng túng vì cô; thế là cô phải nói trước, cô bảo cô đã có chỗ làm ở nơi khác. Họ nhẹ cả người, bà Robineau rất xúc động, ôm hôn cô, cam đoan rằng bà mãi mãi tiếc cô. Rồi, khi trả lời một câu hỏi, cô ngỏ ý quay trở lại nhà Mouret, thì Robineau tái mặt đi.
- Cô làm như thế là phải! - Anh ta hăm hở kêu lên.
Nhưng báo tin đó cho Bourras thì khó khăn hơn. Dù sao, Denise vẫn phải từ biệt ông cụ, và cô run lên vì cô rất biết ơn lão. Đúng vào lúc Bourras không còn người giận được, giữa cảnh ồn ào của công trường bên cạnh. Những xe vật liệu chắn trước cửa hàng lão; cuốc bổ vào tường nhà lão; hết thảy, trong nhà lão, nào ô, nào can, nẩy lên theo tiếng búa. Ngôi nhà nát, bướng bỉnh giữa những phá hủy đó, dường như sắp nứt ra. Nhưng điều tệ hại hơn là kiến trúc sư, để nối liền những gian hàng đã có của cửa hàng, với những gian sắp thiết lập ở khách sạn Duvillard cũ, đã nghĩ cách đào một đường hầm dưới ngôi nhà nhỏ ngăn hai bên. Ngôi nhà này bây giờ thuộc về hội Mouret và công ty, và hợp đồng cho thuê ghi rằng người thuê phải chịu để tiến hành những công trình tu sửa, cho nên một buổi sáng, công nhân đến gặp lão. Lập tức, xuýt nữa thì Bourras bị đá. Bóp nghẹt lão ở khắp mọi phía, tay phải, tay trái, sau lưng, thế chưa đủ sao? Đến nước lại tấn công lão cả ở dưới chân, hốt đất ở bên dưới lão! Thế là lão đuổi đám thợ nề đi, lão kiện. Công trình tu sửa, được! Nhưng là những công trình trang hoàng kia. Khu phố cho rằng lão sẽ được kiện, nhưng cũng chẳng ai dám cam đoan gì. Dù sao vụ kiện có cơ kéo dài, người ta thích thú với cuộc đấu bất tận đó.
Bữa Denise cuối cùng quyết định xin từ biệt lão, chính là lúc lão vừa ở nhà luật sư về.
- Cô có tin được không! - Lão la lên - Bây giờ chúng bảo ngôi nhà không vững, chúng định chứng minh rằng phải sửa lại móng nhà... Mẹ kiếp! Chúng nó đã xả hơi lay chuyển ngôi nhà, với những chiếc máy phải gió. Chẳng lấy gì làm lạ nếu nó sụp đổ!
Rồi, khi cô gái báo cho lão biết cô ra đi, cô trở lại hiệu Hạnh phúc các bà với lương một ngàn phrăng, thì lão bàng hoàng, đến mức lão chỉ biết giơ hai bàn tay nhăn nhúm run run lên trời. Lão xúc động quá ngồi phịch xuống một chiếc ghế.
- Cô! Cô! - Lão ấp úng - Rốt cuộc, chỉ có tôi, chỉ còn một mình tôi.
Im lặng một lúc, lão hỏi:
- Thế thằng bé?
- Cháu sẽ trở lại nhà bà Gras - Denise đáp - Bà ấy yêu cháu lắm.
Họ lại im lặng. Cô ưng lão nổi giận, chửi bới, đấm bàn; ông già ấy nghẹn ngào, ủ rũ khiến cô thắt ruột. Nhưng rồi lão dần dần bình tĩnh trở lại, lão lại bắt đầu la.
- Nghìn phrăng, cái đó thì chẳng từ chối được... Bọn cô đi tất. Thì cứ đi, để lão ở lại một mình. Phải, một mình, cô nghe không! Chỉ có một thằng sẽ không bao giờ cúi đầu... Mà cô bảo với chúng lão sẽ được kiện, dù lão phải bán vào đó đến chiếc sơ-mi cuối cùng!
Mãi cuối tháng Denise mới thôi việc ở nhà Robineau. Cô đã gặp lại Mouret, mọi việc đều được thu xếp. Một buổi tối, cô đang về buồng của cô thì Deloche, đã đứng rình cô ở dưới một cổng xe ra vào, giữ cô lại. Hắn rất mừng, hắn vừa được tin lớn, cả cửa hàng bàn chuyện, hắn nói. Và hắn vui vẻ kể những lời bàn tán ở các quầy hàng.
- Cô biết không, các bà ở quầy may sẵn ấy xịu mặt!
Rồi, chuyển sang chuyện khác:
- A, chắc cô nhờ Clara Prunaire. Thế đấy, hình như ông chủ đã... Cô hiểu không?
Hắn đỏ mặt lên. Cô thì tái mặt, la lên:
- Ông Mouret!
- Thị hiếu kể cũng kỳ, phải không? - Hắn lại nói -Đàn bà mà cứ như con ngựa... Chẳng thà cái cô bán đồ lót bé nhỏ ấy, năm ngoái bị ông ta hai lần, ít ra thì cô ta cũng xinh. Nhưng thôi, đó là chuyện của ông ấy.
Denise lên đến buồng cảm thấy mệt nhoài. Chắc hẳn là vì leo thang gác nhanh quá. Ngồi tựa cửa sổ, cô đột nhiên nhớ tới hình ảnh Valognes, đường phố vắng vẻ, mặt đường mọc rêu, mà cô nhìn thấy từ cái buồng ngày bé của cô, và cô cảm thấy cần trở lại sống ở đó, ẩn náu trong quên lãng và yên tĩnh của tỉnh nhỏ. Paris làm cô bực tức, cô căm giận hiệu Hạnh phúc các bà, cô không còn hiểu tại sao cô đã bằng lòng trở lại đấy. Cô đã từng đau khổ vì một nỗi khó chịu lạ lẫm, chắc chắn ở đây cô sẽ đau khổ nữa, từ lúc nghe chuyện Deloche, thế là, vô cớ, nước mắt cô trào ra khiến cô phải rời cửa sổ. Cô khóc rất lâu, cô lại thấy chút can đảm để sống.
Hôm sau, lúc ăn sáng, nhân Robineau phái cô đi công việc và qua trước hiệu Vieil Elbeuf, cô đẩy cửa vào khi thấy có một mình Colomban trong cửa hàng. Nhà Baudu đang ăn sáng, nghe có tiếng nĩa ở cuối buồng nhỏ.
- Cô cứ vào - Viên thư ký nói - Họ đang ăn.
Nhưng cô bảo hắn im và kéo hắn vào một góc. Và, nói nhỏ:
- Tôi muốn nói chuyện với anh... Sao anh vô tình đến thế? Anh không thấy là Geneviève yêu anh và cô ấy có thể chết vì anh sao?
Toàn thân cô run rẩy, cơn xúc động hôm trước trở lại. Anh ta thì bàng hoàng, kinh ngạc vì bị tấn công bất ngờ.
- Anh có nghe không! - Cô tiếp tục - Geneviève biết rằng anh yêu một kẻ khác. Cô ấy đã nói với tôi, cô ấy khóc nức nở đến thảm hại... Chà! Cô em tội nghiệp! Người sút hẳn đi, thế đây! Nếu anh thấy tay cô ấy gầy guộc! Phát khóc được... Này, anh không thể để cô ấy chết như thế được!
Cuối cùng, hoàn toàn hốt hoảng, anh ta nói:
- Nhưng cô ấy có ốm đâu, cô nói quá lên đấy... Tôi, tôi không biết... Mà rồi, chính ông cụ hoãn việc cưới.
Denise vạch trần việc anh nói dối. Cô đã cảm thấy anh chàng chỉ nài một chút là ông chủ nghe theo. Còn anh ta ngạc nhiên thì không phải anh ta giả vờ: thật sự anh ta không bao giờ nhận thấy Geneviève chết dần chết mòn. Đây là một điều phát hiện rất khó chịu đối với anh ta. Chừng nào anh ta không biết thì anh ta chẳng tự trách mình gì lắm.
- Mà vì ai? - Denise lại nói - Vì một đứa chẳng ra gì... Thế anh không biết anh yêu một kẻ như thế nào à? Cho đến nay tôi không muốn để cho anh phiền, tôi đã đánh lảng không trả lời những câu hỏi liên tục của anh... Thì đây, cô ta đi với tất cả mọi người, thật đấy, cô ta bất cần anh, không bao giờ anh chiếm được cô đâu, hoặc giả, cũng như những kẻ khác, anh chiếm được cô ấy một lần, trong chốc lát.
Mặt tái nhợt, anh ta lắng nghe; và cứ mỗi lần cô nghiến răng ném vào mặt hắn một lời thì môi hắn khẽ run lên. Cô gái, trở thành tàn nhẫn, ngả theo một mối bất bình mà cô không ý thức được.
- Sau hết, - Cô thét lên một lời cuối cùng - cô ta đi với ông Mouret, nếu anh muốn biết!
Giọng cô nghẹn ngào, mặt cô tái đi hơn cả hắn. Cả hai người nhìn nhau.
Rồi, hắn ấp úng:
- Tôi yêu cô ấy.
Bấy giờ Denise đâm xấu hổ. Tại sao cô nói với anh chàng đó như vậy. Và có cái gì cô hăng đến thế? Cô đứng câm lặng, lời nói giản dị vừa rồi của anh ta vang dội trong lòng cô như một tiếng chuông xa làm nhức tai cô “Tôi yêu cô ấy, tôi yêu cô ấy” và tiếng đó lan rộng. Hắn có lý, hắn không thể lấy một người khác.
Vừa lúc đó cô quay lại thì thấy Geneviève đứng ở ngưỡng cửa buồng ăn.
- Anh hãy im đi. - Cô hấp tấp nói.
Nhưng muộn mất rồi, chắc hẳn Geneviève đã nghe tiếng. Cô ta không còn giọt máu trên mặt. Đúng lúc, một bà khách hàng đẩy cửa vào, bà Bourdelais, một trong những người cuối cùng trung thành với hiệu Vieil Elbeuf, là nơi mà bà ta kiếm được những hàng bền chắc; đã từ lâu, bà De Boves, theo thời thượng chuyển sang hiệu Hạnh phúc, cả bà Marty cũng không đến nữa, và hoàn toàn bị cám dỗ bởi hàng trưng bày phía trước. Thế là Geneviève bắt buộc phải ra đón, và hỏi bằng giọng nhợt nhạt.
- Thưa, bà muốn gì?
Bà Bourdelais muốn xem flanelle. Colomban lấy từ ngăn xuống một tấm, Geneviève đưa vải ra: và cả hai người đứng sát bên cạnh nhau phía sau quầy, bàn tay lạnh ngắt. Lúc đó Baudu người cuối cùng từ buồng nhỏ bước ra, phía sau vợ, bà ta ngồi trên chiếc ghế nhỏ ở két. Nhưng ông ta lúc đầu không xen vào việc hắn, ông chỉ mỉm cười với Denise, và đứng nhìn bà Bourdelais.
- Thứ này không được đẹp - Bà này nói - Cho xem hàng nào là bền nhất của cô.
Colomban lấy xuống tấm khác. Mọi người im lặng. Bà Bourdelais ngắm nghía vải.
- Thế bao nhiêu?
- Thưa bà, sáu phrăng. - Geneviève đáp.
Bà khách làm một cử động đột ngột.
- Sáu phrăng! Vậy mà phía trước cũng thứ này họ bán năm phrăng.
Mặt Baudu hơi co lai. Ông không nhịn được can thiệp, một cách rất lịch sự.
- Chắc hẳn bà lầm, chứ hạng này đáng phải bán sáu phrăng năm mươi, không thể có ai bán năm phrăng được. Chắc đó là thứ khác.
- Không, không - Bà khách nhắc lại, với cái bướng bỉnh của một bà tư sản hợm hĩnh là sành sỏi - Cũng thứ vải này. Mà có lẽ nó còn dày hơn.
Thế là cuộc tranh cãi đâm ra gay gắt. Baudu, mặt tím bầm, cố gắng để tươi cười. Nỗi cay đắng với hiệu Hạnh phúc sặc lên tận họng.
- Thật ra, - Cuối cùng bà Bourdelais nói - phải đối xử tốt hơn với tôi, không có thì tôi sang hiệu trước cửa như mọi người.
Thế là, ông ta mất bình tĩnh, lòng tức giận bị nén bùng ra, ông thét:
- Thì bà cứ sang trước cửa.
Bị phật ý, lập tức bà ta đứng lên và, không quay đầu lại, vừa bỏ đi vừa đáp:
- Thì tôi sang, thưa ông.
Mọi người đớ ra. Họ bàng hoàng vì ông chủ hăng quá. Bản thân ông ta cũng sững sờ và run lên vì điều ông ta vừa nói. Lời nói văng ra mặc dù ông không muốn, vì mối căm hồn chứa chất lâu ngày bùng lên. Và bây giờ, Baudu, ngây người, hai tay buông thõng, nhìn theo bà Bourdelais đang đi qua phố. Dường như bà mang theo đi cả tài sản của họ. Khi bà ta ung dung bước vào cửa hiệu Hạnh phúc, khi họ thấy lưng bà ta lấn vào đám đông, thì họ như bị xé ruột.
- Thế là chúng lại cướp mất một người của mình! -Lão buôn dạ lẩm bẩm.
Rồi, quay về phía Denise, mà ông biết cô vừa đổi chỗ làm:
- Cả cháu nữa, chúng cũng cướp lại... Cháu cứ đi, chú chẳng giận gì. Họ có tiền thì họ là những kẻ mạnh nhất.
Bấy giờ, Denise, còn hy vọng rằng Geneviève không nghe thấy Colomban nói, rỉ vào tai cô ta:
- Anh ấy yêu chị, chị hãy vui lên.
Nhưng cô gái trả lời rất khẽ, với giọng thảm thiết:
- Sao chị lại nói dối tôi?... Kia kìa, anh ấy không cưỡng được, anh ấy đang nhìn lên trên kia... Tôi biết rõ họ đã cướp mất anh ấy, cũng như họ cướp hết cả của bọn chúng tôi.
Và cô ta ngồi xuống ghế ở két, bên cạnh mẹ. Bà này chắc đã đoán được chuyện khổ tâm mới xảy ra với con gái, con mắt đau đớn hết nhìn cô ta lại nhìn Colomban, rồi lại chuyển về phía hiệu Hạnh phúc. Đúng thế, cái hiệu đó đã cướp hết của họ: tài sản của ông bố, cô con gái sắp chết của bà mẹ, một người chồng đợi từ mười năm trời của cô con gái. Denise, lòng đầy mối thương cảm, có một lúc sợ rằng mình ăn ở tệ. Phải chăng cô lại sắp hùn tay vào cỗ máy nó chà đạp đám dân tội nghiệp? Nhưng cô như bị lôi cuốn bởi một sức mạnh, cô cảm thấy cô không làm điều gì xấu.
- Chà - Baudu lại nói để tự khích lệ mình - ta chẳng vì thế mà chết. Mất một khách hàng, thì sẽ có hai trở lại... Denise, cháu nghe không, chú có đây sáu mươi nghìn phrăng sẽ làm cho cái thằng Mouret của cháu mất ăn mất ngủ. Thôi, cả nhà! Hãy bỏ cái bộ mặt đám ma kia đi!
Ông ta không thể làm vui họ được, chính bản thân ông bị thu hút, ám ảnh, rồi cũng được trở lại với nỗi kinh hoàng tê tái; và mọi người không rời mắt khỏi con quái vật, nó thỏa thuê với nỗi bất hạnh của họ. Công trình đang hoàn thành, người ta đã dỡ bỏ giàn giáo phía trước mặt, cả một mảng của tòa nhà đồ sộ hiện ra, với những bức tượng trắng xen vào những mặt tủ kính rộng và sáng. Vừa lúc, dọc theo bờ hè đã dọn quang, tám chiếc xe nối đuôi nhau để những nhân viên phục dịch lần lượt chất hàng, trước phòng hàng đi. Dưới ánh mặt trời, một tia nắng xuyên qua phố, những tấm biển xanh ve tô chỉ vàng và đỏ, loang loáng như những tấm gương rọi ánh chói lòa đến tận trong cùng hiệu Vieil Elbeuf. Những người đánh xe ngựa dáng vẻ chỉnh tề cầm ngắn dây cương ngựa; những con ngựa tuyệt vời rung hàm thiếc trắng như bạc. Và mỗi lần một xe được chất đầy thì trên đường, tiếng bánh xe chuyển ầm ầm làm rung cả những cửa hàng nhỏ xung quanh.
Bấy giờ, trước cuộc diễu hành đắc thắng mà họ phải chứng kiến mỗi ngày hai lần, nhà Baudu thật nát lòng. Ông bố tuyệt vọng tự hỏi không biết cả lô hàng chuyển liên tục đó đi tận đâu; trong khi đó bà mẹ, phát ốm vì nỗi đau khổ của con gái, con mắt đẫm lệ, tiếp tục nhìn ra mà chẳng trông thấy gì.
--------------------------------------------
[1] Nguyên văn: như cái cột mốc.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà