Người Mẫu Về Hưu
ai đứa đều đến từ một thành phố cao nguyên quanh năm bụi đỏ, cùng học chung phổ thông và cùng mang nặng mặc cảm nghèo hèn với những người bạn chung lớp vốn phần đông là dân thành phố. Nhưng có một điều cơ bản làm chúng tôi khác nhau và dần xa lánh nhau khi xuống Sài Gòn học. Đi chung với Hoài, tôi hay bị tụi con gái chỉ trỏ cười ngất: "Chim cánh cụt dạo chơi cùng hươu cao cổ!". Năm thứ hai, Hoài tìm được một việc làm thêm rất đặc biệt, kết thúc chuỗi ngày nằm co ôm bụng đói và vác đồ chạy hết chỗ này đến chỗ khác xin tạm trú. Nó làm người mẫu thời trang, vừa chuyên nghiệp nhưng cũng rất nghiệp dư. Sinh viên, trong khi bạn bè đứa làm gia sư, đứa hướng dẫn du lịch, đứa lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để đi tiếp thị thì Hoài lại mặc đồ đẹp bước tới bước lui cùng những cô gái trước bao nhiêu là khán giả. Thì cũng là làm thêm ngoài giờ học, nhưng công việc của Hoài vừa sang trọng khác người vừa bình dân học vụ vì không vận dụng gì đến kiến thức có được.
Thầy cô chẳng ai nói năng gì tỏ vẻ ủng hộ, nhưng cũng không thấy ai chê bai. Đám con trai không biết có ganh tị không nhưng tụi con gái trong lớp cứ hay thắc mắc hỏi Hoài những chuyện bên trong cánh gà rất ư là "trời ơi". Nào là con hoa hậu báo X. sao ốm nhom mà vòng một lại bự quá khổ, nó có "độn" gì không? Nào là con người mẫu A nghe nói cặp bồ với thằng diễn viên B nhưng dạo này không nghe báo chí nhắc đến nữa, tụi nó còn chơi với nhau không? Nào là ông nhạc sĩ Y thấy hết "xí quách" rồi mà con người mẫu Z xinh như mộng mới nứt mắt chưa tới hai mươi ưng làm chồng, có phải là tình yêu đích thực không?... Thường thì Hoài luôn làm hài lòng mấy đứa con gái bằng những câu trả lời rất cụ thể và đầy tính thuyết phục: cô hoa hậu đó ốm như cây sậy thì làm sao có vòng một lý tưởng được, nó phải mặc đến... hai cái áo mà cái nào cũng độn mút... dày cỡ 3 phân. Con A và thằng B hết chơi với nhau rồi vì thật ra thằng B là dân "xăng pha nhớt", bây giờ con A cặp với ông Hàn Quốc nào đó là chủ một công ty đang ăn nên làm ra. Có trời mà biết giữa ông nhạc sĩ Y và con Z có tình yêu hay không nhưng đừng vội chê ông ta hết "xí quách" vì dạo hai người mới cưới nhau, thấy con Z cứ ngáp hoài trong lúc tập, chắc đêm qua không ngủ đủ giấc... Mỗi lần Hoài ngồi lọt thỏm giữa một bầy con gái và giải đáp thắc mắc như thế, lớp tôi như cái chợ với những tràng cười theo ra dáng trung tâm của sự chú ý. Tôi có cảm tưởng nó cười như thế nhưng trong lòng ẩn chứa điều gì không vui, miệng cứ toét ra phô hàm răng trắng bóc nhưng mắt không ánh lên tia sáng nào. Hoài là người mẫu nam nên chỉ làm phông cho các người mẫu nữ biểu diễn. Ở cái thế bất lợi đó nhiều khi lại may. Tôi tưởng tượng nếu Hoài là người nổi tiếng, được nhiều người biết đến thì chắc ở trong một lớp học nào đó, người ta sẽ tò mò hỏi nhau: "Thằng Vũ Hoài cao bao nhiêu? Nó có hin không? Thằng cha đó có bỗ chưa?...".
Mọi người trong khoa chắc mẩm nó "hành nghề" chỉ trong thời gian còn là sinh viên để có thêm thu nhập, chứ ai lại đi học đại học để trở thành người mẫu.
Thế rồi ra trường, Hoài không những đổi nghề mà còn "thăng chức" từ người mẫu của nhóm nghiệp dư ở một Nhà Văn hóa sang người mẫu chuyên nghiệp của một công ty thời trang có máu mặt. Bạn bè trong lớp, đứa học tiếp lên cao học, đứa học thêm một đại học nữa, đứa may mắn kiếm được việc và dĩ nhiên cũng có đứa đang thất nghiệp vô thời hạn. Tôi đi học tiếp, mỗi tháng lãnh vài trăm ngàn tiền học bổng vì trường tôi hợp tác với nước ngoài. Thỉnh thoảng, tôi đi phiên dịch thêm cho mấy ông Tây sang Việt Nam tìm kiếm thị trường. Đôi khi, tôi tình cờ thấy Hoài trên mấy tờ tạp chí, nó minh họa những cảnh yêu đương, giận hờn rất buồn cười. Cũng có khi tôi trông thấy Hoài trên TV, nó bây giờ nhìn đàn ông hẳn ra trong những bộ đồ thời trang sang trọng. Ngoài thời gian làm người mẫu, Hoài còn làm công việc chính ở một vũ trường sang trọng: nó đứng trước cửa tươi cười duyên dáng, đẹp như một pho tượng La Mã để thu hút khách hàng. Tôi không liên lạc với Hoài vì mang mặc cảm mình bị bạn bè gọi là Lê Quốc Tùng (Lùng Quốc Tế) trong khi nó cao ráo. Và còn vì tôi vẫn đeo nghiệp đèn sách nên thường "viêm màng túi", còn nó thì đã rủng rỉnh phủ phê. Bạn bè lại còn nói chính Hoài mới có mặc cảm với tôi, tôi học lên cao, rồi tiền đồ sẽ khả quan hơn, trong khi nó vẫn lông bông làm cái nghề không có tương lai. Rốt cuộc, cả hai không thằng nào chủ động tìm đến nhau.
Tuy xa cách nhưng bản thân tôi luôn quý Hoài vì hai đứa không mâu thuẫn gì ngoài những trò mặc cảm tự ti giữa những thằng con trai. Tết nào về quê, tôi cũng ghé sang nhà nó chúc Tết. Hoài từ khi vào nghề người mẫu, Tết nhiều sô diễn nên năm năm rồi nó không về quê. Ảnh của nó đang diễn treo đầy nhà. Mẹ Hoài hãnh diện về thằng con bảnh trai lắm. Chị Hai nó đôi khi nhìn tôi chép miệng: "Chỉ sợ thằng Hoài vô môi trường đó dễ sa ngã, phải chi nó chịu học cho giỏi rồi tìm một nghề ăn chắc mặc bền như em". Một lần tôi đi phiên dịch, dẫn khách nước ngoài vào vũ trường chỗ Hoài làm. Trong tiếng nhạc dập muốn rách màng nhĩ, nó hét vào lỗ tai tôi: "Chờ tao xong việc tìm chỗ ngồi chơi!". Bình thường, tôi hay về sớm, để khách ở lại về sau, nhưng lần này, tôi cố chờ Hoài xong việc. Ba giờ sáng, hai thằng về nhà trọ chỗ Hoài. Nó có được nơi tươm tất và tự do. Tôi biết, hằng tháng Hoài vẫn gởi tiền về gia đình, nó còn giúp chị Hai vốn mở một sạp hàng bán quần áo, vậy mà căn hộ nó ở cũng khá khang trang. Hoài lấy rượu ngoại ra, cười hồn nhiên:
- Của khách uống dư, rồi của chủ cho, không tốn tiền mua! - Nó rủ tiếp - Ngủ lại với tao, lâu lắm tao với mày mới có dịp.
Nhìn Hoài loay hoay thay khăn giường, tôi nhớ thời sinh viên hai thằng lâm vào cảnh không nơi cư trú, có khi nằm chung chiếc giường đơn ọp ẹp, nửa đêm nó đá tôi lọt sàn. Hoài cởi đồ, nằm lăn kềnh ra, vô tư chỉ lỗ thủng vì sứt đường chỉ trên chỗ hiểm cái quần xà lỏn, cười.
- Đồ đạc, quần áo của tao người ta cho hết.
Tôi tưởng tượng mấy em hâm mộ nó mà thấy cảnh này. Hoài hỏi tôi Tết rồi về quê có gì vui, giá cà phê ngày càng hạ nên ai cũng buồn. Hai thằng nhắc đến những đứa bạn học cũ và cô Mai chưa chồng. Đang thao thao kể tới đoạn có ông người dân tộc phải lòng cô thì đột nhiên tôi nghe một âm thanh lạ cất lên. Nó ngủ rồi.
Sau lần đó, tôi tiếp tục lao vào học thi chuẩn bị tốt nghiệp cao học. Tôi khuyên Hoài nên tích cực tìm một việc làm đàng hoàng và cố gắng học thêm chuyên môn. Nó cười nhăn nhó:
- Ai cũng nói vậy, nhưng ngán quá. Đang làm ở đây, lương khá - Thấy tôi tỏ vẻ không bằng lòng nó tiếp - Nói thiệt, tổng thu nhập của tao, từ việc ở vũ trường, rồi quay phim quảng cáo, chụp hình... trung bình sáu triệu một tháng. Tự nhiên bỏ, uổng!
o O o
Tôi vừa ra trường liền có việc làm ngay nhưng phải đi xa, mỗi sáng ngồi xe đưa rước ra khu công nghiệp Biên Hòa. Lương khởi điểm của thạc sĩ trẻ chỉ bằng hai phần ba thằng bạn người mẫu, nhưng tôi thấy thật hài lòng. Hai năm học tiếp của tôi không uổng công. Tôi về đến nhà mệt đừ nhưng phải cố gắng tự học thêm ngoại ngữ phụ. Sáu tháng sau, lương tiếp tục tăng nhưng tôi đã thấy công việc chưa đủ cho tôi thỏa sức cống hiến. Một vài chỗ khác lôi kéo tôi với chức vụ có triển vọng hơn, thu nhập hấp dẫn hơn. Tôi đang do dự. Một buổi chiều, xe công ty đang chạy hướng Sài Gòn, tôi bất ngờ thấy Hoài trong chiếc xe đưa rước nhân viên của một siêu thị nước ngoài. Nó cũng thấy tôi. Thì ra Hoài đã chuyển việc làm. Xe dừng ở Hàng Xanh, tôi chạy đi tìm Hoài. Hai thằng kéo nhau vào quán. Nó có vẻ ốm và buồn, bộ đồ nhân viên văn phòng làm nó trông ngây thơ hơn lúc tôi gặp ở vũ trường.
- Tao mừng mày dứt bỏ được nghề người mẫu - Tôi hồ hởi - Làm bên siêu thị X. lương được không?
- Bộ khùng hay sao tự nhiên bỏ làm người mẫu! -Hoài trả lời làm tôi cụt hứng - Vũ trường đó bị đóng cửa rồi vì quậy quá, tao thất nghiệp nên sẵn tụi thằng Minh lớp mình rủ, tao nộp đơn vô siêu thị. Lúc đầu tưởng khả quan, lương ba triệu rưỡi. Tao tưởng phen này giã từ dĩ vãng, bỏ hết ba cái vụ chụp hình, đóng phim. Nhưng, khó nuốt quá mày. Làm trưởng quầy, tao quên lấy hóa đơn đỏ khi nhập hàng một lần liền bị trừ lương, áo rớt chút đỉnh ra ngoài quần bị phạt phải bốc vác chung với tụi trong kho. Rồi tao bị giáng chức, xuống làm tổ trưởng thu ngân. Mấy con nhỏ thu ngân cứ bu lấy tao kể tội tụi Tây. Bị sếp bắt gặp lần đầu, nó cảnh cáo, bắt vô lò nướng bánh mì làm việc với thợ lúc bốn giờ sáng. Lần thứ hai, nó nhất định trả tao về phòng nhân sự. Tao đổi qua làm nhân viên lo về giá tiền, giờ lương có một triệu tám.
Hoài nói một hơi, hình như nó đang bị stress lâu ngày không người trút. Nó tiếp, giọng hồ nghi:
- Tướng tao làm "trưởng" không được phải không? Tao không có uy hả mày?
Làm việc lâu ngày trong môi trường văn nghệ, Hoài không có tác phong công nghiệp. Không tự tin như nó, đúng là thọ không lâu. Tôi khuyên nó cố gắng chịu đựng, biết đâu thấy có tiến bộ người ta chuyển qua vị trí khác. Nhưng Hoài nói nó nản lắm rồi. Tôi giới thiệu Hoài chỗ khác nhưng nó không đủ chuyên môn. Bây giờ, nó mới thấy mình hổng kiến thức ghê gớm. Vi tính lèng èng, ngoại ngữ sơ sơ, không biết kế toán, chẳng rành quản trị. Tôi chỉ còn biết khuyên:
- Tối về học thêm đi, chừng nào đủ lực rồi xin làm chỗ khác!
- Chắc tao quay về nghề cũ, dù thời vụ, thu nhập cũng khá hơn.
Hoài quay lại làm người mẫu thật, nó còn xin thêm chân bán quần áo thời trang. Tôi buồn trách nó không cố gắng nhưng nó viện lý do nặng gánh gia đình. Thôi thì thân ai nấy lo. Phận xấu trai thiếu thước tấc như tôi mới phải cố mà học. Chẳng được bao lâu, lần đầu tiên từ khi ra trường, Hoài chủ động gọi cho tôi:
- Mày có chỡ nào giới thiệu cho tao. Nghề người mẫu giờ khó có show, tao thuộc loại già tới lúc về hưu rồi. Chỗ quán quần áo cũng dẹp. Mấy việc đó khó bền.
- Từ hôm đó tới giờ mày có học thêm được gì chưa?
- Đâu có thời giờ...
Hai thằng giận nhau. Nó trách tôi công thành danh toại bỏ quên bạn bè, tôi hét thẳng: "Không đầu tư học hành, tao không giúp được gì hết!".
Tôi ghé về quê nhân một chuyến công tác. Thành phố buồn vì giá cà phê tiếp tục giảm thê thảm. Mấy đứa hàng xóm hồi đó ỷ vào rẫy cà phê chê học hành, giờ năn nỉ tôi tìm giùm một công việc ở Sài Gòn. Tôi qua nhà thăm mẹ Hoài, chị Hai nó than như trách:
- Ngày xưa học chung lớp mà nay hai đứa khác xa! Thằng Hoài lúc này làm nhân viên văn phòng lương chưa tới một triệu, nó không còn phụ giúp gia đình nữa mà tánh tình cũng cáu bẩn. Em coi có cách gì giúp nó. Hai đứa tụi bây dù gì cũng đồng hương...
Những tấm ảnh phóng lớn hình Hoài đang đứng vặn vẹo nhiều tư thế trên bốn vách nhà nhìn tôi đăm đăm. Tự nhiên tôi nhớ tấm ảnh hai thằng chụp chung hồi mới xuống Sài Gòn. Vô chơi Sở thú lần đầu, mặt đứa nào cũng ngáo, tụi con gái trong lớp ghi vào phía sau tấm ảnh: "Chim cánh cụt dạo chơi cùng hươu cao cổ".
Về Sài Gòn lần này tôi sẽ liên lạc với Hươu Cao Cổ, sẽ lại khuyên chịu khó học thêm và sẵn sàng "đầu tư" cho nó đậm hơn...
Hè Của Cô Bé Mất Gốc Hè Của Cô Bé Mất Gốc - Dương Thụy Hè Của Cô Bé Mất Gốc