Hai Tờ Di Chúc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9 - Một Hòn Đá Hạ Hai Chim
huông đồng hồ vừa dứt, đôi môi cụ Sáu Riệm run run mấp máy như muốn nói cái gì đó. Sợ không nghe rõ, Ái Lan ghé sát tai. Tiếng chuông đồng hồ đột ngột quả thật đã tác động mạnh lên não bộ của bà cụ không khác một cái chốt đẩy trúng lò xo, làm bật ra những ý nghĩ thầm kín chưa nói ra được... và có thể cả những kỷ niệm xa xưa từ lâu bị vùi sâu trong quên lãng. Và Ái Lan linh cảm là bà cụ Sáu Riệm sắp sửa nhớ lại được một cái gì quan hệ lắm.
Quả nhiên, cụ Sáu giọng run rẩy, lắp bắp nói chẳng ra hơi, khiến Ái Lan phải ghé tai thật sát hơn nữa mới nghe được văng vẳng như tiếng muỗi kêu:
- Cái đồng hồ... phải, phải, đúng rồi, cái đồng hồ!
Ái Lan, nhằm gợi ý cho cụ Sáu, tiếp lời:
- Cụ Doanh đã cất giấu tờ di chúc trong cái đồng hồ?
Nhưng bà cụ bỗng lại lắc đầu chán nản:
- Không! Tôi đâu có nói thế! - Tiếp theo là một tiếng thở dài buồn bã; - Tôi mới chợt nhớ ra một cái gì, chưa kịp nói hết đã lại quên ngay! Tuổi già lẫn lộn mất hết cả, thật khổ! À, à, hình như chú Doanh có nói với tôi về một cái đồng hồ thì phải! Ô! Mà không biết có đúng thế không, có lẽ tôi nhớ sai rồi…!
Trong khi nói lung tung như vậy, đôi mắt bà cụ Sáu vẫn không rời chiếc đồng hồ treo trên vách. Ái Lan ngạc nhiên cũng đưa mắt nhìn theo, và em tự hỏi thầm:
- Quái lạ! Cái đồng hồ kia thì ăn thua gì đến lá chúc thư của cụ Doanh nhỉ?
Đột nhiên, bà cụ Sáu khẽ "a" lên một tiếng:
- Phải, phải! Tôi nhớ ra rồi! Ấy đấy, tự nhiên sực nhớ ra ngay... thật, chẳng hiểu ra làm sao cả!
Ái Lan nôn nóng:
- Nhớ gì, cụ Sáu? - Miệng hỏi mà lòng em run sợ bà cụ già chợt nhớ đấy mà cũng lại có thể quên ngay đấy được, sẽ không kịp nói rõ.
Cụ Sáu nói mau và tiếng thật to như một lời reo mừng:
- Quyển sổ con! Ừ, đúng rồi! Đúng là một quyển sổ con con, xinh lắm!
Ái Lan khẩn khoản:
- Vâng, quyển sổ con xinh lắm, rồi gì nữa hả cụ Sáu? - Vừa hỏi em vừa ráng không để lộ sự nóng ruột e làm bà già bị kinh động lại quên mất hết.
- Thôi, tôi nhớ ra rồi! Chú Doanh đã ghi tất cả mọi việc riêng của chú vào một quyển sổ con con bé tí. Và chú đã nói rõ với tôi như thế này: Chị Sáu, sau khi tôi chết, nếu chị không thấy ai đá động gì đến tờ di chúc thứ hai tôi để lại đó, thì chị phải đích thân lo việc đó nhé! Cần làm những cái gì, tôi đã ghi cả ở trong cuốn sổ con tí đó…"
- Thế bây giờ cuốn sổ đó đâu rồi, cụ Sáu biết không?
- Chịu! Tôi cũng chẳng biết nữa! Chắc chú Doanh đã cất đi một chỗ nào rồi đó chứ!
Ái Lan lại lạnh toát người và có cảm giác sự thành công đang biến thành mây khói. Đưa tia mắt ngó quanh nhà, rồi Ái Lan chăm chú nhìn cái đồng hồ treo trên vách, tự hỏi chẳng hiểu cái đồ vật đó liệu có liên hệ gì tới tờ chúc thư bí mật của cụ Doanh không? Câu trả lời chợt xuất hiện như một làn chớp trong đầu óc em: "Nếu không liên hệ thì tại sao khi nghe chuông đồng hồ đổ đột ngột, cụ Sáu lại sực nhớ ra quyển sổ con tí của ông em họ?"
Ái Lan bật đứng lên, tiến lại phía tủ com-mốt, nơi treo đồng hồ. Chiếc đồng hồ không lớn lắm nên em nhấc xuống dễ dàng, mở nắp hộp kính ngó vào bên trong. Ngoài một chiếc chìa khóa dùng để lên giây thiều và bộ máy đầy bánh xe lớn nhỏ, không thấy cái gì khác lạ nữa. Treo trả lên vách xong, Ái Lan trở lại ngồi bên cụ Sáu. Một lúc sau, em mới hỏi:
- Khi cụ Doanh nói với cụ Sáu những điều vừa rồi, thì ông cụ ở trại cam hay đã lên Đà Lạt rồi?
- Hồi đó chú ấy đã ở với gia đình Phàm rồi chớ! Nhưng cũng chưa được lâu nhiều. Thỉnh thoảng lại về trại cam ở Lạc Dương hai ba bữa. Rồi ít tháng sau đó chú không về nữa, ngoài lần sau chót để bán nhà và vườn.
- Thế còn đồ đạc? Cụ Doanh bán cả đồ đạc luôn sao?
- Đồ đạc thì gia đình Phàm đem xe về chở đi hết!
Ái Lan giữ im lặng, nghiền ngẫm mấy cái chi tiết vừa được biết. Rồi em lẩm bẩm:
- Chắc thế nào cụ Doanh cũng phải có một chiếc đồng hồ lớn, cổ xưa chứ không không được!
Cụ Sáu lẩm bẩm nhắc lại:
- Đồng hồ treo cũ, đúng rồi! Chú ấy có một cái đồng hồ kiểu cổ vẫn treo trong nhà mà!
- Cụ Sáu cho cháu biết qua hình dạng nó được không?
- Coi nào! Ừ phải, trông nó như những cái đồng hồ lớn khác đó,... mặt vuông vuông! À đây này, nó cũng giống cái đồng hồ này của tôi, nhưng lớn hơn, vẫn treo trên tường mà. À!... à, cái mặt ngoài phía trên đó, có chạm trổ cái gì đây này!... A, phải rồi có mấy ngôi sao và một mảnh trăng hình lưỡi liềm, đúng rồi!
- Cái đồng hồ đó bây giờ đâu rồi cụ Sáu?
- Già cũng chẳng biết nữa! Chắc tụi nhà Phàm lấy luôn chứ còn đâu!
Ái Lan cắn môi cố giữ cho khỏi buột miệng nói hở cho cụ Sáu biết là có thể cụ Doanh đã giấu tờ di chúc bên trong cái đồng hồ. Ý nghĩ đó chỉ là một giả thuyết. Nói ra để bà cụ hy vọng, rồi lỡ không có thì sao? Để một người già lão ốm yếu như vậy mong ngóng trông chờ rồi rốt cuộc không lại hoàn không thì thật tội nghiệp. Và Ái Lan quyết định:
"Để chắc chắn có kết quả tốt đã, mới cho bà cụ hay!"
Em hỏi bà cụ Sáu một vài câu nữa, nhưng nhận ra là bà không còn biết gì hơn, dù em có gợi cho cụ nói thêm về cái đồng hồ cũ của cụ Doanh.
Rồi cho cụ Sáu thêm một ly nước trà nữa, xong, Ái Lan đứng dậy xin phép ra về và hứa sẽ đến thăm cụ luôn. Em lại có ý sẽ ngừng lại, ghé vào cái nông lại nào ở gần nhà cụ Sáu nhất để nhờ người ở trong đó, nếu có phút nào rảnh, làm ơn đến ngó qua bà cụ đau yếu giùm.
Mấy phút sau, Ái Lan đã trên đường về Đà Lạt, tạm yên trí về số phận của bà cụ Sáu Riệm, đồng thời cương quyết khám phá bí mật trong vụ gia tài của cụ Doanh. Cuộc tiếp xúc với bà chị họ gần của cụ đã cho em nhiều tin tức có ích. Và em sẽ kín miệng không nói gì với chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên vội, trước khi đã biết được gì thêm về cái đồng hồ bí mật. Ái Lan ngấm ngầm vui vẻ kết luận:
- Như vậy thì nhất định là cụ Doanh đã có viết lá chúc thư thứ hai và cất giấu kỹ một nơi nào đó rồi. Tìm ra quyển sổ con kia là sẽ biết được hết. Bà cụ sáu cũng không còn nhớ và biết được chút gì về số phận của quyển sổ quý giá đó. Riêng mình, thì mình cho là cụ Doanh đã giấu nó ở trong cái đồng hồ cổ. Phải, nhất định là như thế rồi! Nếu không, tại sao bà cụ Sáu lại cứ lẩm cẩm mắt ngó chừng chừng vào cái đồng hồ trên vách vậy?
Ái Lan lại bâng khuâng tự hỏi làm cách nào mà tìm cho ra cái đồng hồ cổ ấy đây? Cứ cho là sự đoán của cụ Sáu đúng và chiếc cổ vật đó đã bị nhà Phàm thu nhặt đem về làm của riêng rồi, thì liệu em làm cách nào mà mó máy được? Thêm nữa, biết đâu vợ con ông Phàm lại chẳng tò mò lục bới, vô tình đã nắm được trong tay!
Nhưng Ái Lan lại bình tĩnh tự trả lời ngay:
- Nếu tụi họ vớ được tất nhiên đã phải thiêu hủy ngay rồi chứ...! Và như vậy thì sao lại còn câu chuyện băn khoăn lo lắng của chị em Bích Mai, Bích Đào bữa nọ nơi vườn bông trước cửa chợ? Không! Nhất định là gia đình Phàm chưa tìm ra được, nếu quả thực cụ Doanh có dấu cuốn sổ con trong chiếc đồng hô cổ. Và phải là mình, phải là chính mình sẽ đích tay tìm ra cuốn sổ quý giá đó.
Đường từ nhà bà cụ Sáu về Đà Lạt khá xa, trời lại nắng đẹp, Ái Lan cho xe chạy từ từ, thảnh thơi, tha hồ nghiền ngẫm kế hoạch. Vẫn chưa tìm ra phương cách nào cho đích đáng. Nhưng em phải vào nhà Phạm Văn Phàm cho kỳ được.
Ái Lan khẽ cười ra tiếng, lẩm bẩm:
- Không lẽ mình trèo qua cửa sổ nhà họ mà vào? Nếu không phải vào một cách đường hoàng bằng cổng chính! A, như vậy chắc tụi họ sẽ nghi ngay! Hai con nhỏ với mình từ trước đến nay vốn vẫn ghét nhau ra mặt, nay mình đột ngột đến nhà, tránh sao họ sẽ vô cùng ngạc nhiên? Hơn nữa, Bích Mai, Bích Đào, đã dư biết là mình chú ý săn sóc đến hai chị em Ngọc, Liên dữ lắm, nay thấy mình lù lù đến, tất nhiên họ sẽ lại càng nghi tợn... À, khó ghê! Phải tìm một lý do gì có vẻ xuôi xuôi mới được!
Mải suy nghĩ, xe về tới nhà lúc nào không hay. Ái Lan mừng rỡ tắt máy, dựng xe. Vừa đặt chân xuống đất, đột nhiên có tiếng ai gọi tên em. Ái Lan quay lại: Diễm Anh, cô bạn thân đang chạy tới, miệng nói láu táu:
- Trời! Ái Lan! Sao lâu quá không gặp? Đi đâu vắng mà biệt tăm vậy.
Em cười khanh khách:
- Ừa! Hồi này bận quá! Vào nhà đi Diễm Anh! Tụi mình nói chuyện một chầu cho đã, đi!
- Ấy! Không được đâu, Ái Lan! Mình phải đi liền bây giờ kẻo trễ đây này! Khổ ghê! Mình đang phải đi bán vé số giúp bão lụt miền Trung này, Ái Lan!
- Bán được khá chưa?
Diễm Anh thở ra một hơi dài:
- Mười lăm tấm, chạy tóe khói, bở hơi tai ra mà vẫn còn sáu cái đây này!
- Thôi được! Để mình mua giùm hai tấm!
Diễm Anh vui mừng:
- Thế thì hay quá! Bực quá đi Ái Lan! Ngày mai đây mình lại đi cắm trại ở Prenn mới kẹt chứ! Mà giờ đây còn chưa bán hết thì làm sao đi!
Ái Lan ngạc nhiên, nhìn bạn:
- Đi thác Prenn cắm trại? Ngon quá ta? Ở đâu tổ chức vậy? Và Diễm Anh đi với ai?
- Trường Thánh Tâm, con nhỏ Huyền em họ mình học đó mà. Tụi nó hiện đang đóng dinh hạ trại rồi. Huyền nó cứ nài mình đi với nó và mình hứa sẽ xuống ở chung lều với nó mười lăm ngày. Lẽ ra chiều nay đã phải có mặt ở dưới ấy rồi. Nhưng còn mấy cái này nên mới kẹt lại đấy!...
Đột nhiên đang nói, Diễm Anh ngưng bặt như chợt có một ý kiến gì hay hay:
- À, ủa! Quên khuấy đi mất! Ái Lan! Tại sao Ái Lan không đi cắm trại với tụi này luôn một thể cho vui nhỉ! Tuyệt lắm! Tụi này khám phá ra ở suối Prenn có một quãng nước sâu đến gần bụng, nước không chảy xiết, nên bơi thú lắm.
- Hừ! Người ta cũng đang thèm muốn chết luôn đây này! Nhưng khổ một nỗi mình bận ghê lắm, không dứt ra mà đi được. Xuống dưới ấy sống với Huyền và Diễm Anh, ngày ngày vào rừng lượm củi về nấu cơm ăn, xong đọc Tuổi Hoa rồi lăn ra ngủ. Đêm đốt lửa trại, nhảy múa bài "Đêm trong rừng" thì... úi chao! Tuyệt ơi là tuyệt! Hừ! Tiếc lắm! Tiếc vô cùng đó Diễm Anh!
- Vậy thì bữa nào rảnh, Ái Lan nhảy vespa xuống đó với tụi mình nghe! Ít nhất mình cũng ở trại tới nửa tháng cơ mà! Mà còn mấy tấm giấy số này, phải bán hết đã. Bực ghê! Mình có tiền thì ứng phắt ra rồi bán sau cũng được! Nhưng học trò là nghèo hết, tiền đâu?
Tiếp theo là tiếng cười ròn rã của hai cô nữ học sinh. Ái Lan vừa cố nín cười vừa bảo bạn:
- Diễm Anh bị kẹt chưa xuống với Huyền được kể cũng bực mình thật! Thôi mình mua cho hai tấm. Bao nhiêu tiền một tấm, Diễm Anh?
- Năm chục!
Ái Lan mở sắc tay lấy tiền trao cho bạn. Đột nhiên em vụt nói:
- A! Diễm Anh mình có ý kiến này hay lắm: để mình bán bốn tấm còn lại dùm cho! Diễm Anh nghĩ sao?
- Ái Lan nói giỡn hả?
- Thiệt đó chứ giỡn gì!
- Trời! Vậy thì may quá! Đây cả quyển sổ cuốn vé đây, đó, bốn cái còn lại đó! Nhưng mình cần cho Ái Lan biết trước: bán được hết không phải là chuyện dễ như ăn phở đâu, nghe!
Ái Lan mỉm cười:
- Yên trí mình sẵn sàng chiến đấu mà!
Diễm Anh kính phục bạn ra mặt:
- Ái Lan "rắn mắt" thiệt tình! Tuyệt ở chỗ là cái rắn mắt của Ái Lan lại cất được cho mình một cái gánh nặng mới hay chứ! Thôi vậy là yên trí, mình có thể "dông", được rồi! Hẹn gặp lại nghe, Ái Lan! Và chúc may mắn... đắt hàng!
Diễm Anh đã mất hút nơi đầu phố, Ái Lan còn im lặng đứng tại chỗ, mắt nhìn chăm chú mấy tấm vé số cầm trong tay. Rồi em lẩm bẩm, miệng nở nụ cười thú vị:
- "Ha! Ha! Đây là dịp may độc nhất, lý do rất chính đáng! Hà! Một hòn đá ném hai chim! Vừa giúp được Diễm Anh làm việc nghĩa, vừa không bị nghi ngờ khi đột nhập "Kiêu ngạo thành" của trang chủ họ Phạm tên Văn Phàm!"
Hai Tờ Di Chúc Hai Tờ Di Chúc - Nam Quân Hai Tờ Di Chúc