Mưa Phùn
à Nội by night không rực rỡ, tráng lệ như Sài Gòn, tối nay lại càng trầm lặng, man mác. Cái lạnh của ngày giáp Tết len lỏi vào lòng tôi. Mai xa rồi...
- Em đi rồi... - Duy lên tiếng có vẻ tiếc nuối -... vắng hẳn tiếng cười.
- Không lẽ cả Hà Nội này sẽ chẳng còn ai cười?
Tôi hỏi lại và như thói quen tôi đệm vào câu nói của mình một chuỗi tiếng cười vô tư. Duy cho xe chạy chậm lại, tôi hơi sợ.
- Sao anh không chạy nhanh lên? - Tôi hối - Còn về lẹ để mấy anh chị kia chờ.
- Anh chỉ muốn thời gian chậm lại - Duy trầm giọng - Mai em đi rồi...
- Đi rồi thì đã sao? - Tôi không thích nghe cái giọng tỉ tê ấy - Thời gian vẫn cứ trôi một cách bình thường.
Duy không để ý thấy tôi có vẻ gắt, anh vẫn nói. Anh kể lể kỷ niệm mấy ngày qua. Giọng anh buồn, nghe rất chân thật. Ờ thì anh đã giúp tôi, đã nhiệt tình hướng dẫn tôi tham quan thành phố. Nhưng tất cả những điều đó không đáng để anh buồn bã quá sức khi tôi về Sài Gòn. Tôi thấy ngột ngạt khi phải nghe những lời thê lương, nặng nề.
- Có gì đâu mà anh làm em thấy... Anh đừng nói nữa có được không?
- Anh xin lỗi, nhưng...
- Anh chạy về nhà nhanh lên! Để người ta chờ - Một lần nữa tôi hối thúc - Em lạnh lắm rồi!
- Tay em đâu?
- Trong túi!
- Đưa anh nắm cho đỡ lạnh! - Duy sẽ sàng đề nghị rồi đột ngột hỏi - Ngại gì?
Cũng chẳng có gì phải ngại, từ lúc tôi gặp Duy đến giờ anh nắm tay tôi khá nhiều lần. Lần đầu trong vũ trường, khi nhảy với nhau. Mấy lần sau lúc thì anh giúp tôi leo núi vào chùa Hương, lúc để đỡ xuống đò. Tôi không quan tâm đến những cái nắm tay đó. Còn lần này...
- Em để trong túi được rồi - Tôi từ chối - Cảm ơn anh Duy!
Tôi nghe Duy thở dài. Tự nhiên tôi thấy nặng nề. Lúc nhảy đầm, tôi chủ động đưa tay cho anh nắm, lúc đó tay tôi cũng rất lạnh. Duy tán tỉnh tôi vụng về và nhảy cũng không hay. Trong điệu rumba, gần như tôi phải đẩy anh đi thay vì theo luật, anh phải dìu tôi.
- Chắc anh phải theo em vào Sài Gòn quá! - Duy thì thầm - Cho không?
Tôi mỉm cười, không đáp. Tôi thấy nhớ người đó. Giờ này, trong lúc tôi đang nhảy với một người con trai mới quen được bốn tiếng đồng hồ ở Hà Nội, người đó ở đâu? Làm gì? Tết này người đó có phải đi công tác xa như năm ngoái không? Bất giác, tôi rùng mình, nhích người ra xa Duy. Biết đâu trong đám người ngồi dưới kia, trong bóng tối, có người đó. Từ lúc ở Hà Nội đến giờ, tôi cứ ao ước có một phép lạ xảy ra: người đó đi phiên dịch ở Hà Nội và tình cờ gặp tôi, giữa thành phố lạ không có những người quen hay trêu chọc, người đó sẽ mạnh dạn hơn.
Khi Duy nắm tay tôi leo dốc vào động Hương Tích, tôi lại nhớ đến người đó. Nhưng tôi không rút tay mình ra khỏi Duy như đã từng nhích người ra xa anh hôm ở vũ trường. Tôi cần bàn tay Duy trong lúc này.
Chưa bao giờ tôi dám nghĩ sẽ có một ngày tôi và người đó tay trong tay. Duy bóp chặt tay tôi, không phải anh chỉ muốn giúp tôi leo núi. Cái cách nắm tay đó, tôi biết. Trước Duy cũng có nhiều người con trai nắm tay tôi và cũng chỉ ở trong những trường hợp đại loại như tôi và Duy bây giờ. Chưa bao giờ tôi thấy mình xúc động trước những va chạm như thế. Còn đứng trước người đó, chỉ đứng trước thôi. Cảm nhận ánh mắt dịu dàng thân thương, tôi đã gai người. Rồi tôi ngờ vực, biết người ta có gì với mình không? Còn Duy, ngay từ giây phút đầu gặp mặt tôi đã linh cảm anh thích mình. Rồi từ những câu tán tỉnh vụng về đến những lời nói đơn giản nhưng thiết tha, tôi biết mình có phần nào mến Duy. Tiếc là chẳng bao giờ anh để tôi nghĩ đến anh quá ba mươi phút. Anh vô tình làm gì đó hay nói gì đó khiến tôi lại nghĩ đến người đó.
Có lần Duy chiếu vidéo cho tôi xem dạo anh qua Paris chơi. Anh thuyết minh đâu là tháp Eiffel, đâu là đài phun nước. Tới đoạn có hình ảnh một ngôi nhà thờ, anh bảo:
- Đây là nhà thờ Maria trong truyện “Thằng cụt” của Victor Hugo đó!
- Là nhà thờ Đức Bà trong truyện “Thằng gù” - Tôi ngao ngán - Sao anh nói “cụt”?
- Anh không rõ thằng đó gù hay cụt nữa – Duy cười hiền lành - Chắc em đúng, sinh viên văn chương mà!
Người đó cũng được qua Pháp, cũng đến Paris và cũng quay phim. Chiếu cảnh nhà thờ Notre Dame de Paris, người đó còn giảng rõ nhà thờ xây dựng theo lối kiến trúc gì nữa.
Duy bận veston rất bảnh bao nhưng khi sổ mũi, anh chẳng có một cái khăn tay nào. Thấy anh lúng túng, tôi thương cho mượn khăn của mình. Vậy mà Duy phụ lòng tôi. Đang ngồi ăn miến lươn, anh hồn nhiên hỉ mũi ngay trước mặt. Lần đó, tôi bỏ dở tô miến đang ăn nửa chừng. Ngượng, quê, chán hòa lại chặn ngang cổ họng. Tôi nói dối lỡ bỏ ớt vào cay quá ăn không được. Tôi nhớ những trưa nắng gắt, đang đứng lớp, mồ hôi cứ túa ra đầm đìa, người đó nhẹ nhàng xin lỗi rồi đi ra hành lang rút khăn tay lau trán. Những buổi sáng trời lạnh, người đó khoác thêm chiếc áo gió đến trường. Mặt trời lên cao, người đó ra ngoài hay đi xuống cuối lớp. Những kỷ niệm về người đó làm thiện cảm tôi dành cho Duy không trọn vẹn. Duy hiền lành, thật thà với mọi người. Khác với những cậu ấm con ông cháu cha, Duy tuy không học lên cao nhưng rất chăm chỉ làm việc. Và tôi mến anh vì lẽ đó, chắc vì lẽ đó thôi.
- Tay em đâu rồi? - Duy lại đề nghị - Cho anh nắm đi! Anh sẽ làm nó nóng lên!
- Thôi, được rồi! - Tôi khổ sở từ chối - Anh chạy về nhanh đi!
- Mai em đi rồi, tất cả chỉ còn là kỷ niệm - Duy thì thầm - Sao chúng mình gặp nhau ít quá, rồi lại chia tay?
- Nếu muốn, anh cứ vô Sài Gòn đi! - Tôi nói to cố át cái không khí nặng nề - Anh sẽ thấy mặt em.
- Anh sẽ vào!
Duy đáp rất khẽ và chiếc xe chạy rất chậm. Tôi đâm hoảng:
- Coi như em chào tạm biệt anh tối nay luôn. Em cảm ơn anh mấy ngày qua đã giúp đỡ em rất nhiệt tình. Em rất nể anh, anh thật đàng hoàng, đứng đắn!
- Em đừng nói vậy anh còn buồn thêm - Giọng Duy rất tha thiết - Thà em vẫn nói với anh bằng cái lối đốp chát như mọi khi, anh thấy còn dễ chịu hơn.
- Ví dụ như nói: ở tuổi anh mà bày đặt để râu thì nhìn vừa già vừa đểu đó hả? - Tôi cố gắng pha trò - Anh thích em nói vậy đó phải không?
- Thật ra thì mấy ngày qua, em nhận xét anh là người thế nào?
- Thì em nói rồi, đàng hoàng và đứng đắn!
- Cảm ơn em!
Tôi nghe Duy thở dài. Có phải tại lời nhận xét của tôi đã đè nặng lên tình cảm của anh? Anh không thể làm khác đi những gì tôi đã nghĩ tốt về anh. Duy hơi tăng ga.
- Đã nhiều lần em nói với anh là em có người yêu rồi - Tôi nhắc lại - Sao anh không tin?
Tôi biết mình nói câu này hơi ác nhưng tôi không muốn Duy cứ dây dưa chuyện này mãi. Khi nhận thấy Duy có tình cảm với mình, tôi sợ nên bịa đã có người yêu và tả người yêu mình là người đó. Duy không tin vì thấy tôi không nghiêm túc lắm.
- Nếu đến giờ phút này mà em còn nói điều này thì... - Duy cố nén một tiếng thở dài (lại thở dài) - Anh đành tin vậy.
- Có gì đâu mà “đành tin” - Tôi nghe giọng mình lạnh lùng - Nói thật, anh đừng đặt nhiều tình cảm vào em. Em... em thực tế, thực dụng lắm. Em cân đo đong đếm lắm. Em sống bằng lý trí nhiều hơn bằng trái tim.
- Sao em cứ nói xấu về mình như vậy. Anh thấy không phải. Cho anh nắm tay em đi!
Giọng Duy tha thiết quá. Tôi chắc lưỡi, rút bàn tay trái lạnh cóng của mình ra.
- Nè! Nhưng em nói trước em không có cảm giác gì đâu!
Duy đón lấy bàn tay tôi nắm chặt. Tôi mỉm cười thấy quả thật mình không hề có chút cảm giác nào. Chỉ thấy tay Duy ấm hơn tay tôi một chút.
- Gần tới nơi rồi! - Duy tiếc nuối - Người ta đang đứng chờ chúng mình kìa!
- Phản xạ tự nhiên, tôi rút tay mình ra. Tay Duy giờ cũng lạnh. Anh không đủ sức làm ấm tay tôi như đã hứa.
Tàu đã chạy được một ngày một đêm. Ngày mai về đến Sài Gòn rồi. Tôi sẽ gặp lại người đó và lại nhủ thầm như bao giờ: “Aimer c’est pour aimer et ne pas être aimée” (Yêu để mà yêu chứ không phải để được yêu). Sẽ có bao giờ, trong cuộc sống náo nhiệt và hối hả của Sài Gòn, tôi nhớ đến một người con trai ở thủ đô? Sáng hôm qua, Duy lặng nhìn theo tàu dần chuyển bánh trong làn mưa phùn lất phất.
Mưa phùn chẳng đủ để thấm ướt điều gì...
Hai Người Đến Từ Phương Xa Hai Người Đến Từ Phương Xa - Dương Thụy