Diễm Phượng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Tiếng Thời Gian
ừ cầu Cổ Cò vào chợ Mỹ Lương, đi đường thủy, mất ít lắm là ba tiếng đồng hồ chèo xuồng.
Gặp mùa nước đổ, nước trong Đồng Tháp Mười tuông mạnh ra, khiến cho việc chèo ngược dòng là cả một kỳ công.
Thế mà Thạnh đã ba lần đòi quay trở lại khi xuồng tiến mau trên rạch Ông Mẻ được hai phần đường rồi. Nếu không có bạn chàng khuyên dứt thì trong cuộc hành hương hôm đó, họ đã chẳng đến nơi.
Phải, đây là một cuộc hành hương thật sự. Chợ Mỹ Lương là nơi đã nghỉ yên một đoạn dĩ vãng của họ, nghỉ yên một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy lại nữa. Họ đã yêu ở đó, đã đau buồn vì vận nước ở đó, và đã phấn khởi làm phận sự ở đó.
Hàng trăm đám lục bình xanh đang chạy đua xuôi dòng rạch Ông Mẻ vàng khè phù sa khiến họ nhớ đến những đêm năm nào mà họ vượt đồn Cổ Cò bằng cách lội úp theo những đám lục bình cứu tinh đó.
Sao Thạnh đã gần đến nơi rồi lại còn muốn quay về? Sự thật thì chàng đã định bỏ cuộc ngay từ lúc mới xuống xuồng, và càng đi gần tới đích chàng càng lo sợ và càng muốn thôi không đi nữa.
Cả hai người bạn đều phấn khởi lúc rủ nhau về đây. Mười năm lăn lóc trong cuộc vật lộn để giành chén cơm, họ thường nghĩ đến cái nơi cất giữ rất nhiều kỷ niệm của họ.
Và hôm qua đây, nhơn thấy cũng đỡ bê bối tiền bạc phần nào, họ đồng tình về chốn quê cũ một chuyến, để thăm lại cảnh cũ người xưa, và nhứt là để xem hòn giả sơn của chú Dầu Ía có còn hay không.
Ở chợ Mỹ Lương chỉ có độc một gia đình Trung Hoa. Chú Dầu Ía, người chủ gia đình, thích chơi cây cảnh, non bộ. Sau nhà chú, chú có đắp một hòn giả sơn rất khéo mà Thạnh chưa thấy hòn giả sơn nào đẹp bằng.
Hôm qua đây, cả hai người đều có ý về Mỹ Lương một lượt, và Thạnh hăng hái nhứt, nói là rất nhớ hòn giả sơn đó.
Nhưng thật ra, chàng chỉ bồn chồn gặp lại người kia. Cái háo hức buổi đầu lại nguôi lần lần trên đường thôn du nầy, vì một lẽ làm chàng băn khoăn mãi từ lúc bước chơn xuống xuồng.
Khi họ thấy đằng xa sông Cái Cối chắn ngang con rạch Ông Mẻ, họ nhìn về bên trái thì chợ Mỹ Lương thoáng hiện xa xa, cheo leo trên doi đất tại ngã ba sông.
Thì ra chợ Mỹ Lương vẫn còn nguyên vẹn, đó là cái chợ thôn dã hiếm hoi không bị tàn phá lúc chiến tranh.
Nước sông đổ rất mạnh, khiến Thạnh hoảng lắm, chàng mong cho xuồng cứ tiến thật chậm để lùi lại cho lâu cái lúc đến nơi.
Ngã ba sông Cái Cối.
Chợ Mỹ Lương là kiểu mẫu cổ điển của nhiều chợ xép Tiền Giang. Chợ ngó xuống sông, và hai bên hông chợ, hai dãy nhà cũng trông xuống bến. Nhưng hai dãy nhà ấy lại bị dãy nhà sàn đối diện ngăn tầm mắt lại. Con đường mòn hẹp té, nhưng ngay bon, đi thẳng giữa hai dãy nhà vừa kể trên rồi mất hút trong rặng dừa đằng xa.
Bốn dãy nhà gồm bốn mươi căn, mỗi căn bán một thứ hàng hóa giống hệt ở mọi chợ khác. Có tiệm hớt tóc, mà những giờ vắng khách, mấy anh thợ ngồi buồn gảy ghi-ta; một tiệm may, vài tiệm chạp phô, một hiệu trữ dược phẩm Âu Mỹ kiêm bán sách báo, một hiệu ba da, một hiệu bán chén và đồ gốm v.v...
Họ lên bờ và căn nhà họ tìm trước hết là hiệu thuốc bắc "Tăng-Thọ-Đường".
"Tăng-Thọ-Đường" vẫn vững như một con người được tăng thọ. Tấm bảng hiệu dựng đứng theo lối Trung Hoa, trên viết lăng nhăng một cột chữ Tàu, đã rạn nứt vì mưa nắng gió sương, nhưng chữ mạ vàng vẫn còn đọc được.
Nhà có gác, chiếc gác thấp, mái cong cong như mái chùa, và cửa song sơn đỏ, gợi nhớ hình ảnh nước Tàu ngàn xưa mà người khách trú chủ hiệu thuốc nầy thương mến nhái lối kiến trúc ấy được phần nào hay phần ấy.
Cả hai đứng lại rất lâu nơi doi đất trước ngã ba sông, bùi ngùi nhìn những mái nhà đóng rêu, bùi ngùi nhìn chơn trời quen bên kia sông. Cảnh vật như được ướp lạnh hằng bao thế kỷ, và nay mở tủ lạnh ra, nó vẫn y nguyên như cũ. Chỉ có người là khác xưa. Anh thợ hớt tóc tiệm Nam Hưng, căn nhà bìa cheo leo trên bờ sông, trẻ hơn anh thợ ngày trước nhiều. Khách của ông ta cũng trẻ hơn. Cả bọn chơi măng-đô-lin, và ca tân nhạc, họ tìm trên vách mãi mà không thấy bóng cây đờn kìm cẩn ốc của bác thợ năm đó.
Mặc dầu lo sợ, Thạnh cũng bươn bả theo bạn sau lúc đứng chiêm nghiệm ở bờ sông. Hồi hộp lắm! Nôn nao gặp lại người xưa, mà sợ sự gặp mặt đó, sợ nhưng cứ muốn gặp gỡ ngay!
Cụp... keng... keng... cụp... keng... keng... Tiếng chày giã thuốc trong chiếc cối bằng đồng, cứ giã một cái lại nhịp hai cái trên thành cối, tiếng nhạc đều đều kéo dài từ ngàn đời rồi trong giới dao cầu Trung Hoa ấy, đã nghe rõ khi họ bước tới trước thềm Tăng-Thọ-Đường.
Người giã thuốc không phải là ông Tăng-Thọ nữa mà là một người trung Hoa còn trẻ, độ ba mươi. Ông Tăng-Thọ đầu đã bạc phơ, ngồi ngậm một chiếc điếu dài gần bốn gang tay, mắt lim dim lắng nghe tiếng nhạc chày nện trên cối.
- Ông chủ a! Mạnh giỏi chớ, ông chủ?
Tiếng chày bỗng ngưng nện, tiếng chim chắc chè ngưng gáy trong lồng và ông Tăng-Thọ nhảy nhổm lên. Ông đẩy cặp kiếng trắng lên cái trán hói và láng bóng, rồi trố mắt nhìn hai người khách lạ đang bước qua ngưỡng cửa.
- Ông thầy còn nhớ anh em tôi không?
Ông Tăng-Thọ vừa bán thuốc, vừa làm y sĩ, nên họ mới gọi thế. Ông ta cười hề hề mà rằng:
- Nhớ... Mà quên... a... nhớ ít ít thôi.
- Thằng Ba với thằng Tư, hai con sâu cam thảo đây mà!
- A, nhớ dồi! Lâu quá, anh em còn mạnh giỏi hơ. A, ngóa mừng quá mà.
Ông Tăng-Thọ mừng rối rít, hối người nhà pha trà, rồi giới thiệu với khách:
- Thằng Hinh, dể của ngóa.
Thì ra, cái người giã thuốc là rể của ông ta. Thạnh thừ người ra, không phải vì ngạc nhiên, mà vì hơi bần thần trước một chuyện phải xảy ra, đã xảy ra, nhưng khó tin vì chàng ta mơ hảo.
Phải, cô Chúi Tín (Thủy Tiên) ấy thế nào cũng phải lấy chồng và cũng phải được lấy chồng. Cô năm nay có lẽ đã gần ba mươi, đẹp người, lại con nhà khá giả thì không lý do nào cô làm gái già cho đến lúc doi đất nơi chợ nầy sụp lở.
Chàng đã yêu cô Chúi Tín ấy, một cô gái Trung Hoa đã được Việt Nam hóa một trăm phần trăm, nhưng ông Tăng-Thọ, từ khi vợ chết, cứ nghe cô đơn và muốn chọn rể người Tàu cho có bạn, thành thử hai người không lấy nhau được.
Mười năm... Không biết bao nhiêu là nước chảy dưới cầu Cổ Cò, không biết bao nhiêu là nước chảy dưới dãy nhà sàn trước chợ. Trí chàng cho biết rằng Chúi Tín thế nào cũng đã lấy chồng, nhưng lòng chàng cứ chối rằng sự ấy đã xảy ra.
Mười năm...
Bây giờ chú rể bắt đầu giã thuốc trở lại, cụp... keng... keng... cụp... keng... keng.... Ông Tăng-Thọ rót trà ra trong những cái chén nhỏ bằng ngón tay cái và mời khách. Cả ba ngồi trước một cây xi-cú mà làm thinh, để nhớ lại năm nào mà họ đã núp sau hàng dừa để xem tàu Tây rần rộ chạy qua trước chợ, bắn bậy lên mà không ghé lại bao giờ.
Thạnh nóng nảy khi nhìn thấy chủ nhà cứ uống trà từng hớp một, hỏi:
- Ông thầy à, còn hòn non bộ?
- Hà, cố lứ còn nhớ cái hòn non bộ ấy à. Hà, bây giờ tốt lắm, tốt quá!
- Cho xem được không ông thầy?
- Sao lại khôn lược.
Ông thầy đứng lên, đi ra sau, hai người khách theo ra bén gót.
Hòn giả sơn ấy nằm ở sân trong, giữa nhà trên và nhà bếp, trong một cái hồ cạn thả bèo và cá lia thia.
Năm, tháng, gió, sương đã đi qua trên đó thêm mười năm nữa nên lớp rêu xanh bây giờ xanh rậm ri, đẹp không biết chừng nào. Nước cứ theo sơn khê mà đổ xuống hồ, và lão ngư phủ cứ thả cần câu, bất kể thời gian, trông hệt như ông già ở sông Vị.
Bộ giả sơn đẹp như một câu chuyện cổ tích bị lớp bụi thời gian phủ lên, càng dầy, càng hay, càng đẹp.
Bỗng tiếng người trẻ thơ lao nhao từ ngoài trước, ông Tăng-Thọ nhìn Thạnh, cười hề hề nói:
- Con Chúi Tín về đó.
Thạnh quay lại thì một á xẩm già tay bồng tay bế những bốn đứa con vừa bước vào tới nơi.
Trời! Chàng kêu thầm lên trong bụng. Chúi Tín không còn là Chúi Tín nữa. Á xẩm nầy mới ba mươi tuổi mà răng đã bắt đầu rụng, và má hóp một cách dị kỳ. Nàng dơ không thể tưởng tượng được vì bận với lũ con.
Vừa lúc ấy thì tiếng đồng hồ con ngựa treo nơi vách nhà trên, chậm chạp gõ.
Keng... keng... keng...
Thạnh quặn thắt lòng, nghe như tiếng thời gian đang rụng, rụng từng chiếc một. Mười năm! Sinh kế đã làm chàng quên tháng ngày trôi. Nay bỗng dưng gặp lại người cũ với nhan sắc tàn phai, chàng nghe như thình lình thời gian, vốn đang ngừng chảy, vụt lướt qua một cái vù.
Keng.. keng.. keng...
Từng chiếc, từng chiếc một, thời gian rụng dần, không hối hả, nhưng chắc chắn, không một thiên tài nào chống lại nổi cả. Thạnh đã sợ cuộc gặp gỡ nầy vì chàng biết trước rằng cũng với sự rơi rụng của thời gian, sự tàn rụng của mối tình mà chàng ấp ủ tận đáy lòng, sẽ đau như ai bị tình phụ.
Kang... keng... keng...
Mỗi tiếng chuông đồng hồ, mường tượng như mỗi giọt mưa rơi trúng ngay tim chàng. Thời gian bị quên lửng, bỗng dưng nổi lên với cả chiều sâu và chiều dài của nó, minh mông như vũ trụ.
Thạnh quì bên bệ hồ, tay vuốt lên rêu xanh non mởn của bộ giả sơn: thời gian đã lướt qua đây rồi xây dựng vẻ đẹp nơi đây, nhưng sao khi lướt qua nơi kia, nó lại tàn phá nhan sắc của người đàn bà? Chúi Tín ơi, em có biết hay không lòng anh cũng vừa sụp đổ tơi bời. Mối tình mà anh ngỡ là kiên cố trong tim anh, bỗng dưng cũng vừa tan nát hết khi thấy mặt em. Anh đã sợ điều đó, vì anh sẽ xấu hổ với anh không biết bao nhiêu, nhưng sợ mà cũng không tránh được. Bấy lâu nay anh sống với một giấc mộng, ôm nó mà ngủ mỗi đêm, và mỗi sáng khi choàng thức tỉnh, anh âu yếm nó để đủ cam đảm mà vật lộn với đời.
Keng... keng...
Giờ đây giấc mộng đã rụng theo tiếng thời gian rồi!
Dưới kia, trong lòng sông Cái Cối, nước Tháp Mười tuông tràn ra, chảy mạnh như thời gian, và những đám lục bình trôi mau trên mặt nước, không đám nào giống đám nào hết, càng không giống đám lục bình của mười năm xưa.
(Tuần báo Vui Sống, 1959)
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng