Khách... Quý
ôi không chống thú vật chút nào, ngược lại: tôi yêu chúng, và mỗi tối, tôi thích cào nhẹ lông con chó trong khi con mèo ngồi trong lòng tôi. Tôi thích xem các con cho rùa ăn ở một góc phòng khách. Cả đến anh hà mã nhỏ chúng tôi nuôi trong buồng tắm, tôi cũng thấy quyến luyến, và việc lâu nay các chú thỏ chạy nhảy tự do giữa nhà không còn làm tôi bực mình nữa. Ngoài ra, tôi cũng quen gặp khách bất ngờ vào buổi tối: cậu gà con kêu chiu chít hay chú chó vô chủ được vợ tôi cho trú ngụ. Bởi vì vợ tôi là người đàn bà tốt bụng, vợ tôi không xua đuổi ai, người hay thú cũng vậy. Đã từ lâu, bài kinh con chúng tôi đọc trước khi ngủ kết thúc bằng câu: Lạy Chúa, xin cho kẻ ăn xin và thú vật đến cùng chúng con.
Hơn thế nữa, vợ tôi cũng chẳng biết cách chống lại bọn chào hàng và bán rong nên nhà chúng tôi ngày càng tích tụ nhiều đồ vật tôi cho là thừa thãi: xà phòng, dao cạo, bàn chải, len mạng, còn hộc tủ thì ngổn ngang những giấy tờ khiến tôi phải lo ngại: hợp đồng bảo hiểm và mua bán đủ loại. Mấy đứa con trai được bảo hiểm học nghề, mấy đứa gái thì bảo hiểm của hồi môn, nhưng cho tới ngày làm lễ cưới hay đậu kỳ thi quốc gia phần nhì, con chúng tôi không thể sống bằng len mạng hay xà phòng được, và cả dao cạo cũng chỉ thích hợp với cơ thể con người trong những trường hợp đặc biệt thôi.
Vì vậy, người ta có thể hiểu tại sao tôi thỉnh thoảng lại tỏ ra mất kiên nhẫn, mặc dù thông thường tôi có tiếng trầm tĩnh. Nhiều khi tôi bắt quả tang mình đang ganh tị nhìn những chú thỏ gặm cà rốt dưới bàn một cách thoải mái. Và cái nhìn ngớ ngẩn của anh hà mã - anh ta đã làm tăng độ hóa bùn trong bồn tắm - khiến tôi thỉnh thoảng phải lè lưỡi chọc. Cả thím rùa đang thanh thản nhấm xà lách kia cũng không ước đoán được chút nào nỗi bứt rứt trong lòng tôi: tôi thèm mùi cà phê thơm phức, thuốc lá, bánh mì trứng và cái ấm áp của rượu mạnh trong cuống họng những người đầy lo âu. Niềm an ủi duy nhất của tôi là chó Bello nó cũng ngáp dài vì đói như chủ nó. Nếu lại có khách đến bất ngờ: những người đồng thời râu ria không cạo như tôi, hay những bà mẹ có em bé được uống sữa nóng, ăn bích quy ngâm mềm thì tôi phải kìm chế lắm mới giữ được bình tĩnh. Tôi phải giữ bình tĩnh vì đó gần như là sở hữu duy nhất của tôi còn sót lại.
Có những ngày vừa thấy mấy củ khoai tây vàng mới nấu, tôi đã thèm chảy nước miếng; vì lâu rồi - tôi do dự và thẹn đỏ mặt khi chịu nhận điều này - lâu lắm rồi, nghệ thuật nấu ăn ở nhà tôi không còn đáng gọi là có nề nếp nữa. Giữa đám khách gồm cả người lẫn thú, thỉnh thoảng chúng tôi mới được một bữa ăn tạm bợ, và lại phải đứng nữa chớ.
May thay, vợ tôi không thể tiếp tục mua những đồ vô dụng nữa vì chúng tôi đã hết tiền mặt mà tôi lại không được lĩnh lương trong thời gian vô hạn định. Chính tôi cũng buộc phải cải trang giấu mặt, đêm đêm tới các vùng ngoại thành xa xôi để bán dao cạo, xà phòng và nút áo với giá rẻ mạt; bởi vì tình trạng gia đình tôi đã tới lúc đáng lo ngại. Dù sao chúng tôi cũng có đến mấy trăm cân xà phòng, hàng ngàn dao cạo, đủ các loại nút áo. Và gần nửa đêm, tôi thất thểu về nhà, gom tiền trong các túi lại: con tôi, bầy thú của tôi, vợ tôi vây quanh tôi với đôi mắt sáng rực, vì tôi thường mua dọc đường: bánh mì, táo, mỡ, cà phê và khoai tây, món sau cùng này, phải nói là bọn trẻ thèm dữ tợn. Rồi giữa khuya, chúng tôi vui vẻ họp mặt trong bữa ăn: bầy thú vui sướng bao quanh tôi, vợ tôi mỉm cười với tôi, chúng tôi không quên mở cửa phòng tắm để anh hà mã không cảm thấy trơ trọi, và tiếng vui vẻ ồ ề của anh ta vang dội ra ngoài. Thường thường vợ tôi lại thú nhận có giấu ở buồng dự trữ thực phẩm những người khách tôi chỉ được thấy sau bữa ăn bồi bổ thần kinh: rồi mấy ông nhút nhát xoa tay xáp vào bàn, mấy bà ngồi xen giữa các con tôi trên chiếc ghế dài, mấy chị đun sữa cho trẻ nhỏ đang la khóc. Cũng nhờ vậy mà tôi được biết những con thú khá xa lạ đối với tôi: hải âu, chồn, heo và có lần cả con lạc đà nhỏ nữa.
- Nó thật dề thương, phải không?
Vợ tôi hỏi, và tôi miễn cưỡng trả lời:
- Phải, nó thật dễ thương.
Bụng bồn chồn, tôi quan sát con vật không ngừng ngốn ngấu và nhìn chúng tôi bằng đôi mắt xám tro. May thay, nó chỉ ở một tuần, và việc buôn bán của tôi cũng chạy: chất lượng hàng tốt, giá hạ nên người ta truyền miệng cho nhau. Thỉnh thoảng tôi bán được cả dây giày và bàn chải, những mặt hàng ít khi được hỏi đến. Như vậy, chúng tôi cũng được hưởng một sự phồn vinh giả tạo nào đó, và vợ tôi - hoàn toàn hiểu sai những dữ kiện kinh tế - đã nói một câu khiến tôi phải lo ngại:
- Chúng ta đang trên đà đi lên.
Trong khi đó, tôi thấy lượng xà phòng dự trữ giảm dần, số dao cạo ít đi và cả trữ lượng bàn chải cũng không còn dồi dào nữa.
Đúng vào thời điểm ấy, lúc tôi đang cần sự bồi dưỡng tinh thần thì một chiều nọ, chúng tôi đang ngồi yên bên nhau, bỗng cả nhà rung chuyển như gặp phải một cơn động đất cấp trung bình: mấy tấm ảnh lắc lư, cái bàn rung rinh và một vòng dồi tiết chiên lăn khỏi dĩa của tôi. Tôi định đứng dậy tìm nguyên nhân sự kiện ấy thì thấy mấy đứa con có vẻ nén cười.
- Chuyện gì xảy ra vậy?
Tôi hét lên, và trong cuộc đời đầy thăng trầm của tôi, lần đầu tiên tôi mất tự chủ.
- Đó chỉ là Wollo thôi, Walter ạ.
Vợ tôi nói nhỏ nhẹ vừa để nĩa xuống. Nàng bật khóc, và tôi mềm lòng trước những giọt nước mắt của nàng vì nàng đã tặng tôi bảy đứa con.
- Wollo là ai?
Tôi hỏi một cách mệt mỏi, và trong khoảnh khắc đó, một chấn động làm nhà chúng tôi rung chuyển lần nữa. Con gái út của tôi trả lời:
- Wollo là con voi đang ở dưới hầm nhà chúng ta.
Tôi thú thật đã bối rối, và người ta có thể hiểu sự bối rối ấy. Đến nay, con vật lớn nhất chúng tôi cho trú ngụ là lạc đà, chớ voi thì quá lớn đối với căn hộ của chúng tôi, vì gia đình tôi chưa được hưởng thành quả của chương trình xây cất nhà xã hội.
Chẳng chút bối rối, vợ con tôi cho biết: chủ một gánh xiếc vỡ nợ đã gởi con vật ở nhà chúng tôi để khỏi phải mất nó. Nó xuống hầm một cách dễ dàng trên chiếc cầu trượt bình thường chúng tôi dùng để chuyển than. Thằng cả của tôi nói:
- Nó thu mình lại như quả cầu, con vật thật thông minh.
Tôi không nghi ngờ gì về điều đó và đành phải chấp nhận sự có mặt của Wollo. Rồi tôi được dần xuống hầm trong tiếng hò reo thắng lợi. Con vật không đến nỗi quá lớn, nó vây vẩy đôi tai và có vẻ thấy dễ chịu ở nhà chúng tôi, huống chi nó còn được một đống rơm nữa.
- Nó thật dễ thương phải không?
Vợ tôi hỏi, nhưng tôi nhất định không tán thành. Dễ thương có lẽ không phải là từ thích hợp. Nói chung, gia đình tôi tỏ vẻ thất vọng vì thấy tôi ít phấn khởi, và khi chúng tôi ra khỏi hầm, vợ tôi bảo:
- Mình xấu quá, mình muốn nó bị đấu giá hay sao?
- Đấu giá cái gì, và xấu cái gì chớ? Vả lại, giấu những gì thuộc tài sản vỡ nợ cũng có thể bị phạt đó.
Vợ tôi nói:
- Điều ấy em bất kể, nhưng không được để con thú gặp phải việc gì.
Giữa đêm khuya, chủ gánh xiếc, một người tóc đen nhút nhát, đánh thức chúng tôi dậy và hỏi có còn chỗ cho một con vật nữa không.
- Đó là tất cả những gì tôi có, sở hữu cuối cùng của tôi. Chỉ một đêm thôi. A, còn con voi thế nào?
Vợ tôi trả lời:
- Tốt, chỉ có sự tiêu hóa của nó làm tôi lo ngại.
- Cái đó rồi sẽ hết, nó chỉ lạ chỗ thôi. Thú vật nhạy cảm lắm. Thế nào - ông bà có nhận thêm con mèo - một đêm không?
Chủ gánh xiếc nhìn tôi, và vợ tôi thúc hông tôi, bảo:
- Mình đừng quá cứng rắn.
- Cứng rắn à, tôi không cứng rắn đâu. Thôi được, cho con mèo vào bếp đi.
Tôi giao cho vợ tôi việc sắp xếp chỗ ở cho con mèo rồi bò vô giường trở lại. Mặt vợ tôi hơi xanh khi vào giường, và tôi có cảm tưởng nàng hơi run rẩy.
- Mình lạnh à?
- Không, em chỉ ớn lạnh một cách buồn cười.
- Chắc tại mệt thôi.
- Có lẽ thế.
Vợ tôi nói nhưng lại nhìn tôi với vẻ thật lạ. Chúng tôi ngủ yên, có điều tôi luôn mơ thấy cái nhìn lạ lùng của vợ tôi, và có điều gì đó buộc tôi phải dậy sớm hơn thường lệ. Tôi quyết định lần này sẽ cạo râu.
Ở nhà bếp, một con sư tử cỡ trung bình đang nằm dưới bàn. Nó ngủ yên, chỉ cái đuôi hơi cựa quậy, gây tiếng động như tiếng dần một trái banh thật nhẹ.
Tôi cẩn thận xát xà phòng, cố không gây tiếng động, nhưng khi quay mặt qua bên phải để cạo má trái, tôi thấy con sư tử mở mắt nhìn tôi. “Nó giống con mèo thật!” Tôi nghĩ thế, còn con sư tử nghĩ gì thì tôi không rõ: nó tiếp tục quan sát tôi, và tôi vẫn cạo râu, nhưng phải nói là cảm giác thật lạ lùng khi cạo râu trước con sư tử. Kinh nghiệm của tôi về cách đối xử với thú dữ quá ít ỏi nên tôi tự hạn chế trong việc chăm chú nhìn con sư tử, và tôi lau mặt rồi trở lại phòng ngủ. Vợ tôi đã thức. Nàng định nói gì đó nhưng tôi lớn tiếng ngắt ngang:
- Đâu cần nói gì nữa.
Vợ tôi bật khóc, và tôi để tay lên đầu nàng, bảo:
- Dù sao cái đó cũng không bình thường, mình phải nhìn nhận như vậy.
- Vậy chớ cái gì mới bình thường?
Vợ tôi hỏi lại, và tôi không biết trả lời ra sao.
Trong khi đó, mấy chú thỏ đã tỉnh dậy, lũ trẻ làm ồn trong nhà tắm, anh hà mã - tên anh là Gottlieb - cũng ré lên, Bello duỗi mình, chỉ có thím rùa còn ngủ - tuy nhiên, phải nói là gần như lúc nào thím ta cũng ngủ.
Tôi cho mấy chú thỏ vào bếp, nơi để sẵn mấy thùng đồ ăn cho các chú: thỏ hít hơi sư tử, sư tử hít hơi thỏ. Các con tôi - hồn nhiên và quen tiếp xúc với thú vật - cũng vào bếp tự lúc nào. Tôi có cảm tưởng như sư tử đang mỉm cười; thằng cu sinh trước đứa áp út nghĩ ra ngay một tên cho nó: Bombilus. Rồi mọi người đều gọi nó như thế.
Vài ngày sau, voi và sư tử được đón về. Thú thật, tôi không hề quyến luyến con voi lúc nó ra đi; tôi thấy nó ngốc nghếch thế nào ấy, trong khi con sư tử với vẻ trầm tĩnh dễ chịu của nó đã được lòng tôi. Vì thế, sự ra đi của Bombilus khiến tôi buồn rầu; nó là con thú đầu tiên đã thật sự chiếm trọn cảm tình của tôi.
Đêm Thánh Vô Cùng Đêm Thánh Vô Cùng - Heinrich Böll Đêm Thánh Vô Cùng