Chương 8
ôi run cầm cập, ướt từ đầu xuống chân và lạnh, lạnh lắm. Tôi có cảm giác như toàn bộ nhiệt trong người đã bị lấy cắp hết rồi. Áo quần ướt dính bết vào da thịt và nhỏ nước lạnh xuống sàn. Đôi xăng đan tạo những tiếng lép bép buồn cười theo mỗi bước đi, còn mấy lỗ nhỏ hình viên kim cương ở mặt trên xăng đan thì rịn nước ra.
Tôi cởi hết áo quần ra, vứt thành một đống ướt sũng trên nền gạch cạnh lò sưởi, rồi đống quần áo bắt đầu nhỏ nước và đọng thành vũng. Tôi lấy hộp diêm trên bệ lò sưởi, bật vòi khóa khí và châm lửa lò sưởi khí ga.
(Tôi đang nhìn chằm chằm cái ao, nhớ lại những thứ khó tin. Khi hồi tưởng lại, tại sao chuyện khiến tôi thấy khó tin nhất lại là có một cái lò sưởi khí ga trong phòng ngủ của một con bé lên năm với một thằng nhóc lên bảy nhỉ?)
Trong phòng không có khăn tắm nên tôi đứng đó, ướt mèm, băn khoăn không biết làm sao để người khô được. Tôi lấy tấm trải mỏng phủ giường mình để lau khô người rồi mặc đồ ngủ vào. Bộ đồ bằng chất vải ni lông đỏ, bóng láng và có sọc, trên cánh tay bên trái có vết cháy sém thành nhựa đen thui do có lần tôi cúi tới quá gần lò ga nên cánh tay áo bắt lửa, dù nhờ một phép lạ nào đó mà tôi đã không bị bỏng cánh tay.
Sau cửa phòng ngủ có treo chiếc áo choàng ngủ hầu như tôi chẳng bao giờ mặc, bóng của nó đổ xuống thật hoàn hảo để khi đèn hành lang bật và cửa mở thì nó hắt những cái bóng đầy ác mộng lên tường. Tôi mặc áo choàng vào.
Cửa phòng ngủ mở ra, nhỏ em tôi vào để lấy chiếc váy ngủ dưới gối. Con bé nói, “Anh hư đến mức em còn không được ở trong phòng với anh nữa. Tối nay, em được ngủ trong phòng của bố mẹ. Bố còn nói em được xem tivi nữa.”
Trong góc phòng ngủ của bố mẹ tôi có cái tivi cũ gần như không bao giờ bật để trên cái giá gỗ nâu. Cái nút chỉnh sọc màn hình ọp ẹp, hình ảnh đen trắng nhòe nhoẹt thường kéo sọc thành từng dải chậm chạp: đầu người biến mất ở dưới đáy màn hình, còn bàn chân lại bệ vệ đặt xuống từ trên đầu.
“Anh chả quan tâm,” tôi bảo nó.
“Bố nói anh làm hỏng mất cà vạt của bố rồi. Bố cũng ướt hết nữa,” em tôi nói, giọng hả hê.
Ursula Monkton đứng bên cửa phòng ngủ. “Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó,” cô ta bảo em tôi. “Đến khi nào nó được phép trở lại làm thành viên của gia đình thì chúng ta mới trò chuyện lại với nó.”
Em tôi lẻn ra, đi về phòng bên cạnh, phòng của bố mẹ tôi. “Bà không phải người trong gia đình tôi,” tôi nói với Ursula Monkton. “Khi nào mẹ về, tôi sẽ mách mẹ chuyện bố làm.”
“Hai giờ nữa bà ta mới về,” Ursula Monkton nói. “Mà mi nói với bà ta thì làm được gì? Bà ta bênh bố mi trong mọi chuyện, phải không nào?”
Đúng vậy. Họ luôn cho thấy một mặt trận hết sức đoàn kết.
“Đừng có cản trở ta,” Ursula Monkton nói. “Ta có chuyện cần làm ở đây, mà mi lại đang cản đường ta. Lần tới sẽ thê thảm hơn nhiều đấy. Lần tới, ta sẽ nhốt mi lại trên gác mái.”
“Tôi không sợ bà đâu,” tôi nói với cô ta. Tôi sợ cô ta, sợ hơn tôi từng sợ bất cứ thứ gì.
“Trong đây nóng quá,” cô ta nói với tôi rồi nhoẻn miệng cười. Cô ta bước tới chỗ lò ga, thò tay xuống tắt lò, lấy đi hộp diêm trên mặt lò sưởi.
Tôi nói, “Bà cũng chỉ là một con bọ chét mà thôi.”
Cô ta không cười nữa. Cô ta với tay lên rầm đỡ bên trên cửa, nó cao hơn tầm với của bất kỳ đứa trẻ nào, rồi cô ta rút chiếc chìa khóa để trên đó xuống. Cô ta bước ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Tôi nghe tiếng chìa khóa xoay, nghe khóa khớp vào và kêu cái cách.
Tôi còn nghe được giọng nói trong tivi từ phòng bên. Tôi nghe cửa hành lang đóng lại, tách lìa hai phòng ngủ với toàn bộ ngôi nhà, và tôi biết Ursula Monkton đang đi xuống nhà dưới. Tôi bước tới chỗ khóa cửa, nheo mắt nhìn qua. Tôi đã học được trong sách là ta có thể dùng cây bút chì đẩy chìa khóa qua lỗ khóa xuống một tờ giấy lót bên dưới và tôi có thể thoát ra bằng cách đó... nhưng lỗ khóa trống không.
Trong phòng ngủ, tôi bật khóc, người lạnh toát và vẫn còn ẩm ướt, khóc vì đau, giận và kinh hoàng, tha hồ mà khóc vì biết sẽ không ai vào và thấy tôi, sẽ không ai trêu tôi khóc như ở trường bọn chúng trêu những đứa con trai nào thiếu khôn ngoan đến mức không nhịn được mà khóc.
Tôi nghe mưa vỗ tí tách lên kính cửa sổ phòng ngủ, và ngay cả điều đó cũng không làm tôi thấy vui.
Tôi khóc cho đến khi cạn cả nước mắt. Rồi tôi thở hổn hển để hớp không khí và nghĩ Ursula Monkton, con yêu quái vải bố phành phạch, thứ sâu mọt và bọ chét, sẽ tóm được tôi nếu tôi tìm cách ra khỏi nhà. Tôi biết điều đó.
Nhưng Ursula Monkton đã nhốt tôi lại trong phòng. Giờ cô ta sẽ không ngờ được là tôi bỏ trốn.
Và nếu tôi may mắn, biết đâu cô ta lại lơ đễnh.
Tôi mở cửa sổ phòng ngủ, nghe ngóng màn đêm. Cơn mưa nhẹ gần như tiếng xào xạc. Đêm đó lạnh, mà tôi thì vốn dĩ đã lạnh cóng rồi. Em tôi đang ở phòng bên xem gì đó trên tivi. Nó sẽ không nghe thấy tôi.
Tôi đi lại phía cửa và tắt đèn.
Tôi bước dọc căn phòng ngủ tối om rồi lại trèo lên giường.
Mình đang nằm trên giường, tôi nghĩ. Mình đang nằm trên giường nghĩ về chuyện mình buồn bực. Chẳng mấy chốc, mình sẽ ngủ thiếp đi. Mình đang nằm trên giường, mình biết mụ ta đã thắng, và nếu mụ ta đi kiểm tra thì mình đang nằm ngủ trên giường rồi.
Mình đang nằm trên giường, và giờ thì đã đến lúc mình ngủ... Mình còn chẳng mở mắt thêm được nữa là. Mình ngủ thiếp đi thật say. Ngủ say trên giường...
Tôi đứng lên giường rồi trèo ra cửa sổ. Tôi đánh đu một lát rồi hết sức khẽ khàng buông mình xuống ban công. Chuyện đó thì dễ rồi.
Khi khôn lớn, tôi học lỏm được rất nhiều từ sách. Từ trong sách mà tôi học được hầu hết những cái người ta làm, học được cách người ta cư xử. Sách là những người thầy và cố vấn của tôi. Trong sách, con trai trèo cây, vậy là tôi trèo cây, nhiều khi trèo lên thật cao, và bao giờ cũng sợ ngã. Trong sách, người ta trèo lên trèo xuống ống thoát nước để ra vào nhà nên tôi cũng trèo lên trèo xuống ống thoát nước. Đó là loại ống bằng sắt nặng trịch thời xưa, gắn chặt vào gạch, không giống mấy thứ bằng nhựa nhẹ tênh thời nay.
Tôi chưa từng trèo xuống ống thoát nước vào buổi tối hay trong mưa, nhưng tôi biết phải đặt chân ở đâu. Tôi còn biết thách thức lớn nhất không phải là ngã lộn cổ từ độ cao sáu mét xuống luống hoa ướt mèm; mà là việc ống thoát nước tôi đang trèo xuống đi qua phòng để tivi dưới lầu, mà tôi chắc chắn là Ursula Monkton và bố đang xem truyền hình ở đó.
Tôi cố không nghĩ ngợi gì.
Tôi trèo qua lan can gạch chạy quanh ban công, với tay ra cho đến khi sờ thấy ống thoát nước bằng sắt lạnh ngắt và trơn láng cả nước mưa. Tôi bám vào rồi xoạc chân bước một bước tới chỗ nó, tì hai bàn chân trần lên cái miếng sắt bao quanh ống thoát nước để gắn chắc ống vào tường.
Tôi tụt xuống từng tí một, tưởng tượng mình là Người Dơi, là cả trăm nam nữ anh hùng trong truyện hư cấu viết về trường học, thế rồi khi nhớ ra, tôi bèn hình dung mình là một giọt mưa trên tường, một viên gạch, một cái cây. Mình đang nằm trên giường, tôi nghĩ. Tôi không đứng đây, nơi ánh đèn từ phòng để tivi chưa buông màn đang tràn ra bên dưới, biến mưa rơi qua cửa sổ thành một chuỗi đường thẳng lấp lánh.
Đừng nhìn tôi, tôi nghĩ. Đừng nhìn ra cửa sổ.
Tôi tụt dần, tụt dần xuống. Lúc bình thường thì tôi đã bước từ ống thoát nước sang bậu cửa sổ ngoài phòng tivi, nhưng chuyện đó bây giờ không được rồi. Tôi thận trọng hạ mình xuống độ một tấc nữa, lùi sâu vào khoảng tối, tránh xa ánh sáng ra rồi khiếp đảm len lén nhìn vào phòng, nghĩ sẽ thấy bố và Ursula Monkton đang nhìn chằm chằm lại tôi.
Trong phòng không có ai.
Đèn sáng, tivi cũng đang bật, nhưng không có ai ngồi trên sofa, còn cửa ra hành lang dưới nhà thì để mở.
Tôi bước một bước ngon ơ xuống bậu cửa sổ, cứ cầu sao không ai trong hai người họ quay vào phòng và thấy tôi, rồi buông mình từ bậu cửa xuống luống hoa. Đất ẩm mềm dưới bàn chân tôi.
Tôi định chạy, cứ chạy thôi, nhưng có ngọn đèn bật sáng trong phòng khách, đây là chỗ trẻ con chúng tôi không bao giờ đặt chân tới, là căn phòng lát ván gỗ sồi chỉ để dành cho khách và cho những dịp đặc biệt.
Tấm màn cửa sổ đang thả xuống. Màn nhung xanh lá, lót vải trắng và ánh sáng vàng óng dịu dàng lọt ra khe màn để hở.
Tôi bước tới cửa sổ. Màn che không kín. Tôi có thể nhìn vào trong phòng và thấy chuyện đang xảy ra ở ngay trước mặt.
Tôi không rõ lắm mình đang nhìn gì. Bố tôi ghì Ursula Monkton vào thành lò sưởi lớn ở bức tường đằng xa. Lưng bố xoay về phía tôi. Cô ta cũng vậy, hai bàn tay ghì lên bệ lò sưởi vừa cao vừa rộng. Bố đang ôm cô ta từ đằng sau. Chiếc váy lửng của cô ta xốc cao lên quanh eo.
Tôi không biết đích xác họ đang làm gì, lúc đó tôi cũng không thật sự quan tâm. Điều quan trọng là Ursula Monkton đang để tâm vào việc khác chứ không phải tôi nên tôi quay người khỏi khe màn cùng ánh sáng và khỏi cả ngôi nhà, để chân trần mà cắm đầu cắm cổ chạy vào đêm mưa.
Trời không tối như mực. Đó là kiểu đêm âm u mà dường như mây gom ánh sáng từ đèn đường và nhà cửa xa xa bên dưới rồi ném trả lại cho trái đất. Khi mắt đã quen thì tôi cũng nhìn thấy được. Tôi tới cuối vườn, qua đống phân trộn và cỏ cắt rồi xuống đồi và ra đường làng. Bụi mâm xôi và gai vừa đâm vào bàn chân vừa chích hai giò tôi, nhưng tôi cứ chạy.
Tôi tới được hàng rào thấp tè làm bằng kim loại rồi bước vào đường làng. Tôi đã ra khỏi khuôn viên nhà chúng tôi và cảm thấy như bỗng đâu tiêu tan cơn nhức đầu nãy giờ tôi không biết đến. Tôi thì thầm, giọng cấp bách, “Chị Lettie? Chị Lettie Hempstock ơi?” và tôi nghĩ, Mình đang nằm trên giường. Mình đang nằm mơ thấy tất cả những chuyện này. Những giấc mơ sống động làm sao. Mình đang nằm trên giường, nhưng tôi không tin là ngay lúc đó Ursula Monkton đang nghĩ đến tôi.
Tôi vừa chạy vừa nghĩ về bố, hai cánh tay bố ôm quanh người-không-phải-quản-gia, hôn lên cổ cô ta, rồi tôi thấy mặt bố qua làn nước lạnh cóng trong bồn tắm khi bố ghì tôi dưới nước, và giờ đây, tôi không còn sợ chuyện xảy ra trong phòng tắm nữa; giờ thì tôi sợ ý nghĩa của chuyện bố hôn cổ Ursula Monkton, hai bàn tay bố kéo cái váy lửng của cô ta lên trên eo.
Bố mẹ tôi là một khối vẹn toàn, bất khả xâm phạm. Tương lai bỗng đâu trở nên bất định: chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lúc ấy, con tàu đời tôi đã trật đường ray mà tiến về hướng khác, băng qua những cánh đồng và đang cùng tôi chạy xuống đường làng.
Khi tôi chạy, đá dăm trên đường làng làm chân tôi đau, nhưng tôi chẳng để tâm. Tôi tin chắc rằng chẳng mấy chốc, cái thứ gọi là Ursula Monkton sẽ xong việc với bố tôi. Có lẽ họ sẽ cùng lên tầng trên xem tôi thế nào. Cô ta sẽ phát hiện ra tôi đã bỏ đi và sẽ đuổi theo tôi.
Tôi nghĩ, nếu họ đuổi theo mình, họ sẽ chạy xe. Tôi tìm một khoảng hở nơi bờ giậu ở cả hai bên đường làng. Tôi phát hiện ra một bục bằng gỗ nên trèo qua rồi cứ thế chạy băng qua đồng cỏ, tim đập thình thịch như cái trống to nhất, ồn nhất đang hay đã từng tồn tại, chân thì để trần, đồ ngủ cùng áo choàng ngủ ướt nhẹp bên dưới đầu gối và dính bết vào người. Tôi chạy mà chẳng để ý gì đến mấy bãi phân bò. Đồng cỏ khiến bàn chân tôi dễ chịu hơn là đường làng đầy đá dăm lúc nãy. Tôi tươi tỉnh lên và cảm thấy mình có thực hơn khi chạy trên cỏ.
Sấm ầm ầm đằng sau dù tôi không thấy có ánh chớp.
Tôi trèo qua một hàng rào, rồi hai bàn chân lún xuống nền đất mềm của cánh đồng mới cày. Tôi loạng choạng băng qua đồng, thỉnh thoảng té oạch, nhưng vẫn cứ đi. Tôi trèo qua một bục gỗ vào cánh đồng kế tiếp, nơi này thì chưa được cày, rồi băng qua đó mà vẫn đi sát theo hàng giậu, sợ mình chạy quá xa ra giữa đồng.
Có ánh đèn xe lia xuống đường làng, bất thần và chói lòa. Tôi đứng chết trân tại chỗ, nhắm mắt lại, tưởng tượng mình đang ngủ trên giường. Chiếc xe chạy qua mà không chậm lại, khi nó chạy đi rồi, tôi còn thoáng thấy đèn chiếu hậu đỏ: một xe tải trắng mà tôi nghĩ là của nhà Anders.
Tuy vậy, chuyện đó làm cho đường làng có vẻ bớt an toàn nên giờ tôi đi tắt qua đồng cỏ. Tôi tới được cánh đồng kế tiếp, thấy nó chỉ ngăn cách với cánh đồng tôi vừa băng qua bằng những đoạn dây mỏng manh, dễ dàng luồn qua bên dưới, thậm chí còn chẳng phải dây thép gai, nên tôi với tay ra nhấc sợi dây trơ trụi lên để có chỗ mà chui bên dưới, thế rồi...
Cứ như thể tôi vừa bị thoi, thoi thật mạnh vào ngực. Cánh tay vừa nắm sợi dây giăng hàng rào bị co giật, lòng bàn tay tê điếng chẳng khác nào tôi vừa nện xương cùi chỏ vào tường.
Tôi buông hàng rào điện và loạng choạng ngã ngửa ra sau. Tôi không chạy nổi nữa mà hối hả đi trong gió mưa và bóng tối, men hàng rào, giờ thì cẩn thận không chạm vào nó, cho đến khi tới một cánh cổng có năm thanh ngang. Tôi trèo qua cổng rồi băng qua cánh đồng, tiến về phía vùng bóng tối ở đằng xa - tôi nghĩ là ở đó có cây cối và có rừng - tôi cũng không đi quá gần rìa cánh đồng vì sợ một hàng rào điện nữa lại đang chờ mình.
Tôi ngập ngừng, không chắc phải đi đâu tiếp. Như để trả lời, ánh chớp bừng lên soi sáng vạn vật trong một chớp mắt, nhưng tôi chỉ cần một chớp mắt đó thôi. Tôi nhìn thấy một bục gỗ và chạy tới đó.
Tôi trèo qua bục gỗ. Tôi biết mình vừa bước xuống trúng một lùm cây tầm ma khi cảm giác ran rát nóng lạnh như kim đâm ập xuống hai mắt cá chân để trần và mu bàn chân tôi, nhưng giờ tôi lại tiếp tục chạy, ba chân bốn cẳng chạy. Tôi hy vọng mình vẫn đang tiến về phía trang trại Hempstock. Tôi cần phải tiến về nơi ấy. Tôi băng qua một cánh đồng nữa rồi mới nhận ra mình không còn biết đường làng ở đâu hay thậm chí cả việc tôi đang ở đâu nữa. Tôi chỉ biết là trang trại Hempstock ở cuối đường làng, nhưng tôi đang lạc giữa một cánh đồng tối tăm, mây dông đã sà xuống thấp, đêm lại mịt mùng, trời thì vẫn đang mưa dù chưa phải mưa lớn, nên lúc này, trí tưởng tượng của tôi lấp đầy bóng tối bằng toàn sói với ma. Tôi muốn mình đừng tưởng tượng nữa, đừng nghĩ ngợi nữa nhưng không được.
Rồi đằng sau sói với ma cùng những cái cây biết đi, Ursula Monkton đang nói với tôi rằng lần sau tôi mà không nghe lời mụ ta thì sẽ phải chịu đựng thê thảm hơn bội phần, rằng mụ ta sẽ nhốt tôi lại trên gác mái.
Tôi không có can đảm. Tôi đang trốn chạy tất cả, tôi lạnh, ướt mèm và lạc đường.
Tôi gào lên, lạc cả giọng. “Chị Lettie? chị Lettie Hempstock! Chị ơi!” nhưng không có tiếng đáp, mà tôi cũng không nghĩ sẽ có tiếng trả lời.
Sấm vừa nãy ầm ầm và đì đùng giờ chỉ còn là tiếng gầm gừ xa xa không dứt như một con sư tử bị dồn chân đến độ nổi giận, còn ánh chớp lập lòe như một chiếc đèn huỳnh quang bị hỏng. Trong lập lòe chớp sáng, tôi thấy quãng đồng tôi đang đứng chạy tới một điểm, hai bên có hàng giậu nhưng không có lối đi qua. Tôi không thấy có cổng hay bục trèo nào trừ cái tôi đã đi vào ở đầu kia cánh đồng.
Có gì đó nổ lách tách.
Tôi ngước nhìn lên bầu trời. Tôi đã từng thấy chớp trong phim trên tivi, chúng là những chạc ánh sáng dài ngoằng nổ đen đét cắt qua mây. Nhưng những ánh chớp mà tôi từng tận mắt thấy cho đến giờ chỉ là ánh chớp trắng lòa từ trên trời, như ánh đèn nháy của máy chụp hình, đốt sáng vạn vật để ta nhìn được trong một khoảnh khắc. Cái tôi thấy trên bầu trời lúc ấy thì không như vậy.
Nó cũng chẳng phải là ánh chớp có hình thù như chạc cây.
Nó chớp tắt, một màu trắng nhuốm ánh xanh lam ngoằn ngoèo cháy rực trên bầu trời. Nó tắt ngấm rối lại cháy bùng lên, chớp nháy và lập lòe soi sáng nên tôi nhìn ra được đồng cỏ. Mưa rơi lộp độp rồi quất vào mặt tôi, và trong chớp mắt, cơn mưa phùn đã thành trận mưa ào ào xối xả. Loáng một cái, chiếc áo choàng ngủ tôi đang mặc đã ướt đầm đìa từ trên xuống dưới. Nhưng trong ánh sáng, tôi thấy - hay nghĩ là mình thấy - một khoảng hở trên bờ giậu bên tay phải, thế là tôi bước đến, vì không còn chạy nổi nữa, cố rảo bước thật nhanh, hy vọng nó là thứ có thật. Cái áo choàng ngủ ướt nhẹp của tôi đánh lạch phạch trong cơn gió giật, và cái tiếng ấy làm tôi kinh hãi.
Tôi không nhìn lên bầu trời. Tôi không nhìn ra sau lưng.
Nhưng tôi thấy được đầu kia cánh đồng và quả thực là có một khoảng trống giữa mấy bờ giậu. Tôi gần tới được đó thì một giọng nói vang lên,
“Ta tưởng ta đã bảo mi ở yên trong phòng rồi cơ mà. Vậy mà giờ ta thấy mi lén lén lút lút như một tên thủy thủ bị đắm tàu.”
Tôi quay lại, nhìn ra sau nhưng không thấy gì cả. Không có ai ở đó cả.
Thế rồi, tôi nhìn lên.
Cái thứ tự xưng là Ursula Monkton đang lơ lửng trên không, cách tôi độ năm sáu mét, ánh chớp nhì nhằng chớp tắt trên không sau lưng mụ ta. Mụ ta không bay. Mụ ta đang trôi, nhẹ tênh như khinh khí cầu, mặc dù những luồng gió giật lạnh như cắt không hề xô đẩy mụ ta.
Gió gào rú và quất vào mặt tôi. Sấm dội đì đoành ở xa rồi nổ lẹt dẹt nhỏ dần, còn mụ ta nói rất khẽ nhưng tôi vẫn nghe được rành rọt từng chữ như thể mụ ta đang thì thào bên tai tôi.
“Ồ, cún con ơi, mi gặp rắc rối to rồi đấy.”
Mụ ta mỉm cười, nụ cười rộng ngoác khoe cả răng khủng khiếp nhất tôi từng thấy nơi mặt người, nhưng trông mụ ta không có vẻ gì là vui thú cả.
Tôi đã xuyên bóng tối chạy trốn mụ ta khoảng bao lâu rồi, nửa giờ chăng? Hay một giờ? Tôi ước gì lúc nãy mình cứ đi trên đường làng mà không cố băng qua đồng. Nếu vậy thì giờ này tôi đã ở trang trại Hempstock rồi. Thay vì vậy, tôi bị lạc và sa bẫy.
Ursula Monkton hạ xuống thấp hơn. Chiếc áo hồng mụ ta mặc không cài nút. Mụ ta mặc áo ngực trắng. Chiếc váy lửng phần phật trong gió, để lộ hai bắp chân. Xem ra mụ ta không bị ướt dù trời đang có bão. Áo quần mụ ta, mặt mũi mụ ta, tóc tai mụ ta khô rang như ngói.
Lúc này, mụ ta đang lơ lửng phía trên tôi, rồi mụ ta chìa hai bàn tay ra.
Những tia chớp ngoằn ngoèo dường như bị thuần hóa, lóe sáng theo từng cử động của mụ ta. Mấy ngón tay mụ ta xòe ra như cánh hoa trong một bộ phim tua nhanh, tôi biết mụ ta đang vờn tôi, tôi biết mụ ta muốn tôi làm gì, và tôi giận mình đã không vững dạ mà lại làm điều mụ ta muốn: tôi bỏ chạy.
Tôi là cái thứ nhỏ bé mua vui cho mụ ta. Mụ ta đang đùa giỡn, giống như tôi từng thấy Yêu Quái, con mèo đực lớn tướng có bộ lông màu cam, vờn một con chuột - thả ra để nó chạy, rồi vồ lại và lấy chân đập nó xuống. Nhưng con chuột vẫn chạy, và không còn cách nào khác, tôi cũng chạy.
Tôi ba chân bốn cẳng chạy tới khoảng trống nơi hàng giậu, loạng choạng, đau đớn và ướt mèm.
Khi chạy, tôi nghe thấy giọng mụ ta.
“Ta đã nói với mi là ta sẽ nhốt mi lại trên gác mái, đúng không nào? Vì vậy ta sẽ làm thế. Giờ thì bố mi thích ta rồi. Ông ta sẽ làm bất cứ điều gì ta bảo. Có lẽ là từ giờ trở đi, tối tối ông ta sẽ trèo lên thang và cho mi xuống. Ông ta sẽ bắt mi tự trèo từ trên gác mái. Xuống thang. Và đêm đêm, ông ta sẽ trấn nước mi trong bồn tắm, nhấn chìm mi xuống nước lạnh, rất lạnh. Ta sẽ để ông ta làm vậy hằng đêm, cho đến khi nào ta chán chuyện đó rồi ta sẽ bảo ông ta đừng kéo mi lên nữa, cứ nhấn mi xuống dưới nước cho đến khi mi không còn cử động, cho đến khi trong phổi mi chỉ còn lại nước và bóng tối. Ta sẽ khiến ông ta bỏ mi lại trong bồn tắm lạnh lẽo và mi sẽ không bao giờ động đậy lại nữa. Và mỗi đêm, ta sẽ hôn ông ta rồi lại hôn...”
Tôi chui qua khoảng hở trong bờ giậu rồi chạy trên lớp cỏ mềm.
Tiếng chớp nổ lách tách và một mùi tanh, hăng hắc kỳ lạ đang tới gần đến mức làm tôi nổi da gà. Mọi thứ quanh tôi trở nên mỗi lúc một sáng hơn do được ánh sáng trắng xanh lập lòe soi rọi.
“Và cuối cùng, khi bố mi bỏ mi lại luôn trong bồn tắm, mi sẽ được hạnh phúc,” Ursula Monkton thì thào, và tôi tưởng rằng mình còn cảm nhận được cặp môi mụ ta quét qua tai nữa. “Vì mi sẽ không thích ở trên gác mái đâu. Không chỉ vì trên đó tối hù, đầy mạng nhện và ma. Mà vì ta sẽ rủ rê bọn lâu la của ta đến. Mi không nhìn thấy chúng trong ánh sáng ban ngày, nhưng chúng sẽ ngụ trên gác mái với mi, và mi sẽ không thích chúng chút nào đâu. Chúng không ưa mấy thằng nhóc. Chúng sẽ hóa thành lũ nhện to bằng con chó. Áo quần cũ rỗng ruột túm lấy mi và không bao giờ buông ra. Phần bên trong đầu mi. Rồi thì không sách, không truyện, không bao giờ nữa.”
Thế rồi, tôi nhận ra không phải mình tưởng tượng ra chuyện đó. Môi mụ ta quét qua tai tôi. Mụ ta lơ lửng trên không cạnh tôi nên đầu mụ ta nằm sát bên đầu tôi, và khi bắt gặp tôi đang nhìn, mụ ta nhoẻn miệng cười vờ vĩnh, thế là tôi bủn rủn chân tay. Tôi gần như không cử động được. Tôi đau xóc cả hông và không thể nào thở được, tôi tiêu rồi.
Hai chân tôi bủn rủn, tôi loạng choạng rồi ngã oạch ra, lần này thì tôi không đứng dậy nữa.
Tôi cảm thấy hai giò nóng ran nên nhìn xuống và thấy một dòng nước vàng vàng từ phía trước quần ngủ chảy xuống. Tôi bảy tuổi rồi, không còn là bé con nữa, vậy mà tôi đang sợ đến tè ướt cả quần như em bé, và tôi chẳng làm gì được cả, trong khi Ursula Monkton la đà giữa không trung bên trên tôi và dửng dưng nhìn.
Cuộc săn đuổi đã kết thúc.
Mụ ta đứng thẳng người lên ở trên không, cách mặt đất cả thước. Tôi lồm cồm bên dưới mụ ta, nằm ngửa người trên cỏ ướt. Mụ ta bắt đầu hạ xuống từ từ, không nao núng, như người trên màn hình tivi bị hỏng.
Có gì đó chạm vào bên tay trái tôi. Cái gì đó mềm mềm. Nó ngửi ngửi bàn tay tôi nên tôi nhìn sang, chỉ sợ đó là một con nhện to bằng con chó. Trong ánh chớp ngoằn ngoèo quanh Ursula Monkton, tôi thấy một mảng tối bên tay mình. Một mảng tối có đốm trắng trên một bên tai. Tôi bế mèo con lên, ôm nó vào ngực rồi vuốt ve nó.
Tôi nói, “Tôi sẽ không theo bà đâu. Bà không sai khiến tôi được đâu.” Tôi ngồi dậy vì cảm thấy ngồi thì đỡ yếu thế hơn, mèo con bèn cuộn tròn lại thoải mái trên tay tôi.
“Cún con ơi,” Ursula Monkton nói. Hai bàn chân mụ ta chạm đất, sáng rực trong chính ánh chớp của mình, như bức tranh vẽ người đàn bà tuyệt nhiên không phải người thật bằng những gam màu xám, lam và lục. “Mi chỉ là thằng nhóc. Ta là người lớn. Ta đã là người lớn từ khi thế giới của mi hãy còn là một quả cầu đất đá nóng chảy. Ta muốn làm gì mi mà chẳng được. Nào, đứng lên đi. Ta sẽ đưa mi về nhà.”
Mèo con, lúc này đang rúc mặt vào ngực tôi, kêu lên một tiếng the thé, không phải tiếng meo meo. Tôi quay lại, rời mắt khỏi Ursula Monkton, nhìn ra sau lưng.
Cô bé đang bước về phía chúng tôi, băng qua cánh đồng, mặc áo mưa đỏ bóng lộn có mũ trùm, mang đôi ủng cao su đen dường như quá to so với mình. Từ bóng tối, cô bé bước ra, không hề e sợ. Cô bé ngước nhìn lên Ursula Monkton.
“Cút khỏi vùng đất của ta,” Lettie Hempstock nói.
Ursula Monkton vừa lùi lại một bước vừa bay lên nên mụ ta lơ lửng giữa không trung bên trên chúng tôi. Lettie Hempstock không liếc nhìn xuống chỗ tôi đang ngồi mà chìa tay ra, nắm lấy tay tôi, đan mấy ngón tay vào mấy ngón tay tôi.
“Ta đâu có chạm vào đất của mi,” Ursula Monkton nói. “Đi đi, con bé.”
“Bà đang ở trên đất của ta,” Lettie Hempstock nói.
Ursula Monkton nhoẻn miệng cười, vậy là ánh chớp ngoằn ngoèo vần vũ quanh mụ ta. Mụ ta là hiện thân của quyền lực, mụ ta đứng trên không trung nổ tanh tách. Mụ ta là bão, là chớp, là thế giới người lớn cùng mọi quyền năng, mọi bí mật và mọi sự tàn nhẫn vô tình ngu xuẩn của nó. Mụ ta nháy mắt với tôi.
Tôi là thằng bé mới bảy tuổi đầu, hai bàn chân tôi trầy trụa và rớm máu. Tôi vừa mới tè ra quần. Còn cái thứ lơ lửng bên trên tôi thì khổng lồ và tham lam, nó muốn đem tôi về gác mái, và khi đã chán tôi rồi, nó sẽ khiến bố giết chết tôi.
Bàn tay Lettie Hempstock đặt trong tay tôi khiến tôi thêm can đảm. Nhưng Lettie chỉ là một đứa con gái, cho dù cô bé là đứa con gái lớn, dù là cô bé đã mười một tuổi, dù là cô bé đã mười một tuổi từ đời xửa đời xưa rồi. Ursula Monkton là người lớn. Trong giây phút ấy, dẫu mụ ta có là tất cả mọi yêu quái, mọi phù thủy, mọi ác mộng hiện hình thì cũng chẳng quan trọng. Mụ ta còn là người lớn, và khi người lớn đấu với trẻ con, người lớn luôn thắng.
Lettie nói, “Bà nên trở về nơi ban đầu của bà đi. Bà ở đây không tốt lành gì cho bà đâu. Vì lợi ích của bà, hãy quay về đi.”
Giữa không trung có một tiếng động, một tiếng ken két, vặn xoắn, ghê hồn, đầy nỗi đau và sự sai trái, một tiếng động làm tôi khó chịu và làm mèo con bám rịt hai chân trước vào ngực tôi, gồng người lại và xù cả lông lên. Cái thứ bé bỏng đó co quắp và cào lên vai tôi, rồi nó tru rít và phun phì phì. Tôi nhìn lên Ursula Monkton. Chỉ khi nhìn thấy mặt mụ ta, tôi mới biết tiếng động đó là gì.
Ursula Monkton đang cười.
“Về đi hả? Khi người của mi xé toạc cái lỗ trong Cõi Bất Tận, ta đã chộp lấy thời cơ. Ta đã có thể thống trị các cõi rồi, nhưng ta đi theo mi và chờ đợi, mà ta thì có lòng kiên nhẫn. Ta biết rằng sớm muộn gì rồi những ranh giới cũng sẽ lỏng lẻo, rồi ta sẽ được bước trên Trái Đất thật, dưới Mặt Trời Thiên Đường.” Giờ thì mụ ta không cười nữa. “Mọi thứ ở đây mới yếu ớt làm sao, bé con ạ. Mọi thứ đều rất dễ đổ vỡ. Chúng muốn những thứ rất ư là giản dị. Ta sẽ lấy hết mọi thứ ta muốn từ thế gian này, như đứa trẻ ních cho đầy quả mâm xôi trên bụi cây vào cái miệng nhỏ xíu béo phị của nó.”
Lần này, tôi không buông tay Lettie ra. Tôi vuốt ve con mèo đang bấu mấy móng vuốt nhọn hoắt vào vai tôi và bị nó cắn cho, nhưng phát cắn của nó không mạnh mà chỉ đầy hoảng sợ.
Giọng mụ ta vọng lại từ bốn bề quanh chúng tôi, gió bão cứ giật từng cơn. “Các người đã ngăn ta bén mảng đến nơi này một thời gian dài. Nhưng rồi mi đem cho ta một cánh cửa nên ta dùng nó để đưa mình ra khỏi ngục thất. Và giờ ta đã ra rồi thì mi làm gì được?”
Lettie không có vẻ giận dữ. Cô bé ngẫm nghĩ rồi nói, “Ta có thể làm cho bà một cánh cửa mới. Hoặc, hay hơn nữa, ta sẽ nói bà của ta cho bà qua Đại dương, thẳng một mạch về nơi chốn ban đầu của bà, dù đó có là bất cứ đâu.”
Ursula Monkton nhổ toẹt xuống cỏ và một quả cầu lửa bé xíu nổ lách tách xèo xèo trên mặt đất ở chỗ nước bọt rơi xuống.
“Trao thằng bé cho ta,” mụ ta chỉ nói có thế. “Nó thuộc về ta. Ta đến đây bên trong nó. Ta sở hữu nó.”
“Không đâu, bà chẳng sở hữu cái gì cả,” Lettie Hempstock nói, vẻ giận dữ. “Nhất là cậu bé.” Lettie đỡ tôi đứng lên, rồi cô bé đứng sau lưng tôi và đưa hai tay ôm choàng lấy tôi. Chúng tôi là hai đứa trẻ ngoài đồng giữa đêm. Cô bé ôm tôi, còn tôi ôm mèo con, trong khi bên trên và khắp xung quanh chúng tôi vang vọng một giọng nói,
“Mi sẽ làm gì? Dẫn nó về nhà với mi ư? Thế giới này là một thế giới có luật lệ, bé con ạ. Suy cho cùng, nó thuộc về bố mẹ nó. Dẫn nó đi rồi thì bố mẹ nó sẽ đến đem nó về nhà, mà bố mẹ nó thì thuộc về ta.”
“Giờ ta chán bà lắm rồi,” Lettie Hempstock nói. “Ta đã cho bà một cơ hội. Bà đang ở trên đất của ta. Đi đi.”
Khi cô bé nói vậy, da tôi có cảm giác như khi tôi chà quả bóng bay lên áo len rồi chạm nó vào mặt và tóc. Mọi thứ rờn rợn và nhồn nhột. Tóc tôi ướt đẫm, nhưng ngay cả như thế, tôi vẫn có cảm giác như nó đang chuẩn bị dựng cả lên.
Lettie Hempstock ôm chặt lấy tôi. “Đừng lo,” cô bé thì thầm, và khi tôi vừa định nói gì đó, hỏi tại sao tôi không phải lo, và rằng tôi phải sợ cái gì, thì cánh đồng chúng tôi đang đứng sáng rực lên.
Nó vàng rực. Từng phiến cỏ, từng chiếc lá trên mọi ngọn cây đều rực rỡ lung linh. Ngay cả những bờ giậu cũng bừng sáng. Đó là thứ ánh sáng ấm áp. Trong mắt tôi, đất dưới lớp cỏ dường như cũng đã chuyển hóa từ chất cơ bản sang ánh sáng thuần khiết, và trong ánh sáng vàng rực từ đồng cỏ, những ánh chớp xanh trắng nãy giờ lách tách quanh Ursula Monkton dường như đã kém phần ấn tượng đi nhiều.
Ursula Monkton lảo đảo bay thẳng lên, như thể không khí vừa nóng lên và nâng mụ ta lên cao. Thế rồi, Lettie Hempstock lầm rầm lấp đầy thế giới bằng những câu chữ cổ xưa, và vậy là đồng cỏ bừng lên thành ánh sáng vàng rực. Tôi thấy Ursula Monkton bị cuốn đi, dù tôi không cảm thấy gió nhưng hẳn là đã có ngọn gió thổi qua vì mụ ta đang quẫy cựa và chao nghiêng như chiếc lá khô trong cơn gió mạnh. Tôi nhìn mụ ta chới với vào màn đêm, và rồi Ursula Monkton cùng những ánh chớp của mụ ta biến mất tăm.
“Đi nào,” Lettie Hempstock nói. “Phải cho em ngồi hơ người trước lửa bếp mới được. Và ngâm mình trong bồn tắm nóng nữa. Em cảm nặng mất thôi.” Cô bé buông tay tôi, không ôm chặt tôi nữa và bước lùi lại. Ánh sáng vàng từ từ mờ đi rồi lịm tắt, chỉ còn lại những tia lung linh và đốm lấp lánh cũng đang tàn dần trong bụi rậm như những giây phút cuối cùng của màn pháo hoa trong đêm lửa trại.
“Mụ ta đã chết chưa?” tôi hỏi.
“Chưa.”
“Vậy thì mụ ta sẽ quay lại. Và chị sẽ gặp rắc rối.”
“Điều đó cũng có thể,” Lettie nói. “Em đói chưa?”
Cô bé hỏi thì tôi mới biết là mình đói. Không hiểu sao tôi lại quên khuấy đi mất, nhưng giờ tôi nhớ ra rồi. Tôi đói đến đau quặn cả bụng.
“Xem nào...” Lettie nói khi dẫn tôi qua các cánh đồng. “Em ướt từ đầu đến chân rồi. Bọn mình sẽ phải kiếm cho em cái gì mà mặc. Để chị tìm trong tủ kéo ở phòng ngủ xanh lá thử xem. Chị nghĩ anh họ Japeth có để lại ít áo quần ngày anh lên đường tham gia Trận chiến chuột. Anh ấy không lớn hơn em nhiều đâu.”
Mèo con đang liếm mấy ngón tay tôi bằng cái lưỡi nhỏ và nhám.
“Em tìm được một con mèo con,” tôi nói.
“Chị thấy rồi. Chắc là nó theo em từ ngoài đồng, từ chỗ em đã nhổ nó lên.”
“Đây là con mèo con đó sao? Chính là con em đã nhổ lên sao?”
“Phải. Nó đã xưng tên với em chưa?”
“Chưa. Chúng làm vậy hả?”
“Thỉnh thoảng. Nếu ta lắng nghe.”
Tôi thấy ánh đèn trang trại Hempstock đang chào đón trước mặt chúng tôi nên tôi tươi tỉnh lên, dù tôi không hiểu nổi làm sao mà từ ngoài đồng chúng tôi về đến trang trại nhanh như vậy.
“Em may đấy,” Lettie nói. “Thêm năm mét nữa là tới đất nhà Colin Anders rồi.”
“Dù có thế nào thì chị cũng sẽ đến,” tôi nói với cô bé. “Chị cũng sẽ cứu em.”
Cô bé siết chặt cánh tay tôi nhưng không nói gì.
Tôi nói, “Chị Lettie. Em không muốn về nhà.” Điều đó không đúng. Tôi muốn về nhà hơn bất cứ việc gì khác, chỉ là không phải về nơi tôi đã trốn khỏi đêm đó. Tôi muốn về lại mái nhà tôi đã sống trước khi ông thợ mỏ đá mắt mèo tự sát trong chiếc Mini nhỏ màu trắng của chúng tôi, hay trước khi ông ta cán chết mèo con của tôi.
Cuộn lông sẫm màu nép vào ngực tôi, tôi ước nó là con mèo con của mình, nhưng tôi biết là không phải. Trời lại tiếp tục mưa phùn.
Chúng tôi lội bì bõm qua mấy vũng nước sâu, Lettie mang đôi ủng cao su, tôi đi chân trần. Không khí có mùi phân bón nồng nặc khi chúng tôi về tới sân trang trại, thế rồi chúng tôi đi qua cửa hông vào căn bếp rộng thênh thang.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng