Chương 9 - Thương Em Út - Cậu Ba Làm Mối Lái
gười Pháp quan niệm cái đẹp có khác dân mình không anh Ba? Cậu Ba nhìn Tám Bò cười thích thú:
- Một câu hỏi thú vị. Bàn về cái đẹp là cái thú tao nhã nhất cổ kim đông tây. Đọc truyện Tàu, chú đã thấy tả bao nhiêu người đẹp đến chim sa cá lặn như Điêu Thuyền, đã khiến cha con Đổng Trác, Lữ Bố ghen ghét, thù hằn nhau, như Tây Thi đã làm ngai vàng vua Ngô sụp đổ, như Dương Quý Phi... Quan niêm cái đẹp của người Tàu thời xưa là gót sen ba tấc, càng nhỏ càng đẹp. Các nhà văn thi nhau ca ngợi những bàn chân bó với những mỹ từ như búp măng, như gót sen cánh hoa, gót sen chiếc lá, gót sen củ ấu, gót sen đài biếc...
Tám Bò kêu lên:
- Thôi thôi, anh đừng kể nữa! Em biết mấy thứ gót sen đó rồi. Anh hãy nói cái đẹp của người Pháp đi.
Ba Huy gật:
- Trước khi nói cái đẹp của Tây, mình đá qua cái đẹp của Tàu. Nhưng gót sen ba tấc là quan niệm thời xưa, thời Từ Hi thái hậu, đến nay cũng cả hai trăm năm rồi. Còn bây giờ thì xẩm Hồng Kông đẹp còn hơn đầm nữa đó. Để lên Sài Gòn anh sẽ cho chú biết gái Hồng Kông như thế nào. Nói về cái đẹp của người Pháp thì chú cứ giở tự điển ra xem. Nữ thần sắc đẹp Vénus là khuôn vàng thước ngọc cho cái đẹp ngày xưa chí đến nay. Tức là mắt to, mũi thẳng, môi trái tim, thân thon, chân dài. Đặc biệt ngày nay người ta rất mê vóc người, do vậy mới đặt ra tiêu chuẩn ba đường cong thẩm mỹ: vòng ngực, vòng bụng va vòng mông. Với người phương Tây, ba vòng ấy thường là 90-60-90. Ngực và mông phải nở còn bụng phải eo. Dân mình gọi đó là "corps cà ràng". Chữ ba rọi nầy là của các cậu công tử vườn. Còn dân thị thành thì gọi là "corps guitare".
Tám Bò khoái chí cười lớn:
- Em thích cưới vợ có co ghi-ta hay co cà ràng. Vậy thì Đông Tây, Pháp Nam gì cũng giống nhau về cái đẹp của nữ giới. Có khác nhau cái gì đâu anh?
Cậu Ba:
- Có khác chớ! Người Pháp thì tốt khoe, xấu che, còn mình thì ngược lại tốt che, xấu khoe. Thật là trái ngoe như hun lén trong tối, đái tưới ngoài đường. Bộ ngực vun là vốn quý trời ban, con gái Việt Nam nịt chặt cho nhỏ lại còn mấy cô đầm thì phô ra trước mặt thiên hạ như khiêu khích. Nếu cô nào vô phước ngực lép thì phải dùng nịt vú có vải độn, người ta gọi là vú giả.
Tám Bò cười lăn lộn:
- Chuyện này em biết rành rẽ lắm. Có mấy cô gái trong điền có bộ ngực vung lại bịt cứng vì sợ thiên hạ quở là "vớn lú", chừng tháo bỏ miếng vải thì cặp vú bung lên như lò so.
Cậu Ba dứ dứ nắm tay vô mặt cậu em:
- Đồ quỷ sứ! Thiên hạ đặt cho mầy cái tên Tám Bò không oan đâu! Người mình có câu "nam tu nữ nhũ", ngực vung là cái đẹp, tại sao không khoe mà lại giấu? Về điểm này mình thua xa người thượng. Tây gọi là Mọi. Lên B lao thăm các sở trà, chú sẽ thấy các cô gái miền núi để ngực trần đi hái trà, Họ không che giấu vì cho rằng cái đẹp là của chung cho mọi người ngắm. Chỉ khi nào lấy chồng, họ mới mặc áo vì lúc đó cặp vú là của riêng chồng họ. Họ phải giữ kỹ cho chồng.
- Thiệt vậy hả anh, hay là anh bịa ra?
- Sẵn xe mình sẽ lên Đà Lạt chơi. Chú sẽ thấy các cô sơn nữ khoe bộ ngực khoẻ đẹp tràn đầy nhựa sống trong các sở trà dọc đường đèo núi từ B lao lên Đà Lạt. Tha hồ mà rửa mắt. Mải mê chuyện tào lao mà xe tới Sài Gòn lúc nào không hay. Cậu Ba cho xe ghé lại khách sạn Nam Kỳ trên đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão), ngó ngang chợ Bến Thành. Ba người, lấy ba phòng.
Tám Bò vốn ăn tiêu kim chỉ nói:
- Lấy hai phòng thôi anh Ba. Anh em mình ở chung dễ nói chuyện...
Cậu Ba lắc đầu:
- Đây cũng là cái khác giữa người mình với Tây. Đã nói Tây trọng tự do. Cho nên mỗi người ở một phòng. Nói chuyện thì thiếu gì lúc. Chú biết không, qua Pháp mà hai tay đàn ông ở chung một phòng, thiên hạ sẽ cười, cho rằng hai tay này là Pédé (nguyên chữ là pédéraste) tức là đồng tính luyến ái.
Tám Bò kinh ngạc:
- Vậy sao? Lạ quá!
- Văn minh mỗi nơi mỗi khác. Thậm chí hai đực rựa nắm tay nhau đi dạo trong vườn hay ngoài phố thiên hạ cũng cho là pédé. Anh biết chú sợ tốn tiền, nhưng phải biết sống theo phép lịch thiệp, dù có tốn kém thêm chút ít...
- Đúng là đi một tấc đường học một sàng khôn. Học với anh nhiều điều mới, lạ và hay...
Công việc đầu tiên của Cậu Ba là mướn một căn nhà để làm văn phòng liên lạc của gia tộc Trần Trinh tại Sài Gòn. Căn nhà đó cũng là nơi hoạt động của Cậu. Mua một bản đồ Région SàiGòn-Cholon (Địa phương Sài Gòn-Chợ Lớn), Cậu Ba nghiên cứu cả ngày. Chợ Lớn là nơi tập trung chợ bán sỉ nông sản như lúa gạo, đậu bắp, heo gà vịt. Các chàng lúa và nhà máy xay cũng tập trung ở đây. Người Tàu chiếm khoảng bảy phần mười dân số. Tất nhiên ăn chơi cũng tập trung ở đây với các nhà hàng Đại La Thiên, Soái Kình Lâm... Nhưng một người nhiễn văm minh Tây phương như cậu không thích sống trong quartier chinois (khu người Tàu) được. Vì nó ồn ào, dơ bẩn qúa. Cậu thích không khí yên tịnh, sạch sẽ của Sài Gòn hơn. Tây chia Sài Gòn làm hai khu vực rõ nét: quartier commercial (khu thương mại) và khu quartier résidentiel (khu cư ngụ). Khu thương mại ồn ào náo nhiệt bao nhiêu thì khu cư ngụ êm ả, thanh tịnh bấy nhiêu. Lúc còn học ở Sài Gòn cậu thích đi bánh bộ trên đường Barbé (Lê Quý Đôn) vào giữa trưa hè. Đây là khu nhà Tây toàn biệt thự với vườn hoa có tường và cổng sắt bao chung quanh. Trời torng xanh, gió rì rào qua hàng cây cao su trồng hai bên đường. Không khí êm ả đến cậu nghe cả tiếng ve kêu trên cành cao. Mà con đường nầy chỉ cách chợ Bến Thành có mấy trăm thước. Do thích nơi yên tịnh nên Cậu Ba mướn một căn phố trên đường Chasseloup (Minh Khai), tuy cách Ngã Sáu Sài Gòn có vài trăm thước mà cũng êm ả dễ chịu. Mỗi sáng cậu thích thức sớm đi bách bộ trong Parc Maurice Long (công viên Tao Đàn) để nhớ những năm ở Paris thường dạo mát trong Bois de Boulogne (vườn danh tiếng của Kinh thành Ánh Sáng).
Chỗ ở đã ổn, Cậu Ba xúc tiến việc mua máy bay. Đúng như ông Hội đồng Trạch nghĩ, ở trong xứ chỉ có hai người dám sắm máy bay: Vua BẢo Đại và cậu Ba Huy. Tất nhiên là báo chí làm lớn chuyện vụ mua sắm nầy. Nhanh mắt thính tai hơn ai hết, báo Le Courrier Saigonaise loan tin công tử Bạc Liêu sắm máy bay và làm sân đáp trong điền của ông tại Cà Mau. Cậu Ba cầm tờ báo lên đọc: "M. Trần Trinh Huy, propriétaire à Bacliêu possède un avion et il a fait aménager une piste d atterrisage sur sa propriéte à Camau". Cậu mỉm cười:
- Máy bay chưa gởi tới mà báo đã loan tin rồi! Lạ thật! Có ai phỏng vấn mình đâu! Ạ, thì ra văn phòng đại diện hãng máy bay loan tin cho các thông tấn xã, báo chí...
Báo đăng tin bữa trước thì bữa sau máy bay tới. Cậu Ba đánh dây thép mời ông Hội đồng lên Sài Gòn để Cậu Ba đưa đi thăm ruộng bằng máy bay cất cánh từ Sài Gòn. Đây là một ngày đáng ghi nhớ của gia đình Trần Trinh.
Lần đầu tiên được hưởng lạc thú "tuôn mây lướt gió", ông Hội đồng xúc động lắm. Ông ăn mặc áo dài khăn đóng đàng hoàng, trịnh trọng như đi dự đại lễ. Chuyện buồn cười là trước giờ lên máy bay, ông cứ "đi mót" hoài. Cậu Ba cười bảo cha:
- Đó là hiện tượng của sự náo nức, không an tâm. Ai cũng vậy. Nhưng ba cứ bình tĩnh. Vì chính tay con lái. Con sẽ bay thật từ từ, chầm chậm cho ba ngồi ngắm phong cảnh phía dưới.
Khi máy bay cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cậu Ba đánh một vòng thành phố Sài Gòn Chợ Lớn chỉ rõ từng nơi giải thích cho ông Hội đồng:
- Phía dưới mình là Gò Vấp đó ba Đường làng đất đỏ xỏ rế như bàn cờ. Còn con sông lớn uốn khúc quanh co là con sông Sài Gòn chảy ra biển Đông tít đằng xa.
Ông Hội đồng thích thú nhìn xuống dưới:
- Trên mây nhìn xuống thấy phía dưới mờ bụi đỏ. Bụi đỏ chữ Nho là hồng trần. Vậy là ông bà mình nói chí lý: cuộc đời là hồng trấn. Đây là điều tao lấy làm thú vị trong chuyến bay nầy. Cuộc đời là hồng trần.
Cậu Ba cười:
- Không đúng hẳn như vậy đâu ba. Tại Gò Vấp là đất đỏ nên gió cuốn bụi đỏ là chuyện tất nhiên. Nếu ở vùng đất xám hay đất đen thì bụi sẽ xám hay đen.
Ông HỘi đồng cụt hứng, không nói gì thêm. bay tới sông Tiền, Cậu Ba giải thích:
- Con sông Mekong chia làm chính nhánh đổ ra biển Đông, Đây là sông Tiền, Tây gọi là Mékong, còn chút nữa là sông Hậu, Tây gọi là Bassac. ba thấy nó lớn không?
Ông HỘi đồng nhìn xuống con sông:
- Tao có lạ gì hai con sông cái này. Mỗi lần đi Sài Gòn là phải qua hai bắc (phà) Cần Thơ và Mỹ Thuận... nhưng trên máy bay nhìn xuống thấy cũng hay hay.
Bay qua hai con sông cái, Cậu Ba xỉa về phía Sóc Trăng:
- Bây giờ con bay chậm lại cho ba kinh lý mấy sở ruộng muối của ba ở Vĩnh Châu. Châu Thành Sóc Trăng đang ở dưới chân ba đó... Cách năm cây số là Bãi Xào.
Ông Hội đồng nhìn xuống:
- Bãi Xào có HỘi đồng Mười cũng là Phủ hàm, nhà giàu lớn, ba có gặp một lần... Sẵn dịp Cậu Ba nói vô cho cậu em:
- Chú Tám nó đã lớn rồi, ba má có tính nơi nào cho nó chưa?
- Nó cứ la cà trong nhà mấy đứa con gái trong điền.
- Ba mà có thấy đám đó chưa?
- Thấy rồi! Coi cũng được, nhưng mình không nỡ để nó chôn chân trong chốn đồng sâu.
Ba Huy gật đầu:
- Ba má nghĩ đúng. Chú Tám ăn chưa no, lo chưa tới. Mình phải tạo điều kiên cho chú phất lên với đời. Ba nên cho người tình nơi danh giá vì cưới vợ cho con cũng là tìm đồng minh để liên hệ làm ăn với nhau nữa chớ.
Ông Hội đồng gật lia:
- Ý mầy thật là hay! vậy thì mày bát tay tìm nơi xứng đáng cho em mầy. Còn tao với má mầy cũng tính dùm cho nó.
Ba Huy chỉ xuống dưới:
- Vĩnh Châu đây rồi. Ba thấy vườn nhãn xanh tươi chạy dài mút mắt không? Mùa nầy nhãn đang trổ bông, trắng xóa. Đẹp quá hén ba?
ông Hội đồng trầm trồ:
- Nhãn Vĩnh Châu nổi tiếng cả Nam Kỳ lục tỉnh, trái bự, hột nhỏ, dày cơm mà ngọt.
Ba Huy chỉ xuống mấy cái nhà tô sơn trắmg:
- Chủ vườn nhãn phần lớn là người Tiều. Họ giàu nhờ biết mần ăn. Còn dân mình với người Miên thì nghèo rớt mồng tơi vì không biết làm ăn. Mà tại sao ba không lập vườn nhãn?
Ông hội đồng cười:
- Mầy tham quá! Lo ba cái ruộng lúa với ruộng muối mết thở không ra hơi, còn sức lực đâu mà nghĩ chuyện trồng nhãn!
- Bây giờ con bay nhít ra biển để ba thất ruộng muối của ba nghe. Mùa hạ nầy, chắc là muối trúng vì nóng dữ quá.
- Mầy đoán đúng, nhưng làm muối không khá bằng trồng nhãn. Dân làm muối nghèo túng, sống cơ cực...
Ba Huy góp ý:
- Biết vậy, ba phải giúp họ nhâng sức sống lên, chẳng hạn như mùa tựu truờng, cho con em tá điền tập vở, bút mực, khăn lông, nón lá... Không bao nhiêu đâu mà lại được lòng người. Thôi được để rồi con bàn với anh Hai.
Tới Bạc Liêu, Cậu Ba cho máy bay rà theo con sông khiến phía dưới dân chúng dừng lại nhìn lên. Ở tỉnh lẻ mà có máy bay rà sát ngọn cây là chuyện lạ. bay qua cầu Quay, Cậu Ba đảo một vòng mà Nhà Lớn là trung tâm. Vòng tròn xoay theo hình khu ốc, tiếng động cơ nổ giòn, bà HỘi đồng và đám gia nhân đã được báo trước nên đứng trên balcon nhà đưa tay vẫy chào Cậu Ba và ông Hội đồng. Cả khu phố xôn xao về việc Cậu Ba lái máy bay chở ông HỘi đồng từ Sài Gòn xuống Bạc Liêu rồi đi thăm ruộng tận Cà Mau.
Công Tử Bạc Liêu Công Tử Bạc Liêu - Nguyên Hùng Công Tử Bạc Liêu