Bẫy-22 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Thiếu Tá Major Major Major
ừ thuở lọt lòng đời thiếu tá Major Major Major(27) đã gặp lắm khó khăn.
Giống như Minniver Cheevy, gã đã ra đời quá trễ - chính xác là trễ ba mươi sáu giờ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ gã, một phụ nữ hiền lành, ốm yếu, sau khi đau đẻ vật vã mất một ngày rưỡi đã không còn chút sức lực nào để tranh cãi về tên của đứa bé mới sinh. Ở trong hành lang bệnh viện, chồng của bà thẳng tiến với vẻ mặt nghiêm trang đầy quyết tâm của người biết mình sắp làm gì. Cha của thiếu tá Major cao lêu khêu, gầy hốc hác, đi đôi giày nặng trịch và vận com lê vải len màu đen. Ông điền vào giấy chứng sinh không chút ngập ngừng, không biểu lộ chút cảm xúc nào khi chuyển tờ giấy đã điền cho y tá. Cô y tá cầm lấy mà không nhận xét gì, rồi lẹp kẹp đi mất. Ông nhìn theo, tự hỏi không biết cô đang mặc đồ lót gì.
Trở lại buồng sản khoa, ông thấy vợ mình đang nằm xụi lơ dưới chăn như một cọng rau già bị sấy khô, nhăn nheo, khô héo và trắng bệch, các cơ bắp yếu ớt hoàn toàn bất động. Giường của bà nằm ở cuối buồng, gần một ô cửa bị nứt bám đầy bụi bẩn. Nước mưa rơi xuống tung tóe, trời đất ảm đạm và lạnh lẽo. Ở những chỗ khác trong bệnh viện, những người nhợt nhạt với cặp môi tím ngắt đang chết dần chết mòn. Người đàn ông đứng thẳng ở bên cạnh giường và chằm chằm nhìn xuống người đàn bà một lúc lâu.
“Tôi đã đặt tên thằng bé là Caleb,” cuối cùng ông nhẹ nhàng thông báo cho bà. “Đúng như nguyện vọng của bà.” người đàn bà không trả lời, và người đàn ông từ từ mỉm cười. Ông đã lên kế hoạch hoàn hảo, vì vợ ông đã ngủ và không thể biết được rằng ông đã nói dối bà trong lúc bà đang nằm trên giường bệnh ở buồng sản khoa tồi tàn của bệnh viện hạt.
Sự khởi đầu đơn sơ này đã nảy sinh ra tay phi đoàn trưởng bất lực giờ đang dành hầu hết thời gian làm việc trong ngày ở Pianosa để ký mạo tên Washington Irving vào các công văn. Thiếu tá Major cần cù ký bằng tay trái để tránh bị nhận dạng, dùng chính thẩm quyền của gã để ngăn ngừa mọi chuyến thăm đường đột và ngụy trang bằng bộ ria giả và cặp kính râm để thêm phần đảm bảo không bị bất cứ ai phát hiện ra dù có tình cờ nhìn qua lớp cửa sổ nhựa tồi tàn từng bị trộm xẻo mất một miếng. Giữa hai thấp điểm của đời gã - sự ra đời và sự thăng tiến trong binh nghiệp - là ba mươi mốt năm buồn thảm của cô đơn và tuyệt vọng.
Thiếu tá Major đã được sinh ra quá trễ và quá tầm thường. Một số người được sinh ra tầm thường, một số người giành được tầm thường, và một số người bị tầm thường dộng vào đầu. Thiếu tá Major rơi vào cả ba trường hợp đó. Thậm chí giữa những người kém nổi bật đủ đường thì gã vẫn không tránh khỏi nổi bật lên là người kém nổi bật nhất so với tất cả những người còn lại, và những người gặp gã luôn ấn tượng trước sự kém ấn tượng của gã.
Thiếu tá Major dính phải ba đòn ngay từ khi mới chào đời - mẹ gã, cha gã và Henry Fonda, người có vẻ ngoài giống hệt gã từ khi mới sinh. Từ rất lâu trước khi biết thắc mắc xem Henry Fonda là ai, gã đã thấy bản thân mình trở thành đề tài của những sự so sánh không chút thiện cảm ở bất cứ nơi nào gã đến. Những kẻ xa lạ hoàn toàn cũng tự cho phép họ phản đối gã, và kết quả là gã đã sớm rơi vào nỗi sợ đầy tội lỗi là sợ con người và thôi thúc quỵ lụy muốn được xin lỗi xã hội bởi vì gã không phải là Henry Fonda. Không dễ gì khi phải sống mà lại giống một thứ như Henry Fonda, nhưng gã chưa từng, dù chỉ một lần, nghĩ đến việc bỏ cuộc, vì gã đã kế thừa gien kiên cường của người cha, một người đàn ông gầy lêu nghêu rất có khiếu hài hước.
Cha của thiếu tá Major là một người nghiêm túc kính Chúa luôn tưởng nói dối về tuổi của mình là một trò đùa thông minh. Ông là một nông dân tay chân dài ngoằng, một người theo chủ nghĩa cá nhân khắc khổ luôn tuân thủ luật pháp, kính Chúa, yêu tự do, quan niệm rằng việc liên bang trợ cấp cho bất cứ ai ngoài nông dân cũng chính là mầm mống của chủ nghĩa xã hội. Ông ủng hộ sự tiết kiệm, chăm chỉ lao động và chê trách đám phụ nữ phóng đãng luôn từ chối ông. Đặc sản của ông là cỏ linh lăng, và ông kiếm được bộn tiền từ việc không trồng một bụi nào. Chính phủ trả ông khá tiền cho mỗi bụi cỏ linh lăng mà ông không trồng. Ông càng không trồng nhiều bụi cỏ linh lăng thì chính phủ càng cho ông nhiều tiền, và ông đã tiêu hết từng xu tiền chính đáng mà ông kiếm được vào những mảnh đất mới để tăng số lượng cỏ linh lăng mà ông không trồng. Cha của thiếu tá Major làm việc không ngơi nghỉ để không trồng cỏ linh lăng. Vào những tối đông dài, ông ở trong nhà và không sửa chữa nông cụ, và đến chính ngọ ông mới nhảy khỏi giường chỉ để đảm bảo rằng việc đồng áng không được thực hiện. Ông đã khôn ngoan đầu tư vào đất và chẳng mấy chốc đã thành người không trồng cỏ linh lăng nhiều nhất trong quận. Hàng xóm tìm đến ông để xin lời khuyên về mọi việc, vì ông kiếm được rất nhiều tiền và do vậy hắn phải là người thông thái. “Gieo nhân nào, gặt quả nấy,” ông đưa ra lời khuyên cho trăm người như một, và tất cả đều nói, “Amen.”
Cha của thiếu tá Major là một người ủng hộ công khai và nhiệt thành việc chính phủ tiết kiệm chi tiêu, miễn là nó không ảnh hưởng đến nghĩa vụ thiêng liêng của chính phủ là trả cho nông dân càng nhiều tiền càng tốt, cho tất cả cỏ linh lăng họ đã sản xuất mà không ai cần đến hoặc cho việc không sản xuất tí cỏ linh lăng nào. Ông là một người kiêu hãnh và tự lập, luôn phản đối chế độ bảo hiểm thất nghiệp và không ngần ngại than vãn, rên rỉ, vòi vĩnh và bóp nặn bất cứ ai hết mức có thể. Ông là một người mộ đạo sẵn sàng thuyết giáo ở bất cứ đâu.
“Chúa ban cho nông dân chúng ta đôi tay khỏe mạnh để ta vơ vét được càng nhiều càng tốt bằng cả hai tay,” ông hăng say thuyết pháp trên thềm tòa thị chính hoặc trước cửa siêu thị A&P khi ông đợi cô thu ngân trẻ cáu kỉnh miệng nhai kẹo cao su đang bị ông theo đuổi bước ra ngoài và ném cho ông một cái nhìn chán ghét. “Nếu Chúa không muốn chúng ta lấy thả cửa,” ông rao giảng, “Người đã chẳng cho chúng ta đôi tay ngon lành để làm điều đó.” Và mọi người sẽ rì rầm, “Amen.”
Cha của thiếu tá Major có niềm tin của một tín đồ Calvin vào định mệnh và nhận thức một cách rành mạch rằng bất hạnh của tất cả mọi người trừ ông đều là ý Chúa. Ông hút thuốc và uống whisky, ông rất hóm hỉnh và rất giỏi khơi gợi những cuộc nói chuyện trí thức, đặc biệt là những cuộc nói chuyện của chính ông khi ông nói dối tuổi của mình hoặc kể cái câu chuyện hay ho đó về Chúa và sự khó khăn của vợ ông khi sinh ra thiếu tá Major. Cái câu chuyện về Chúa và về vụ sinh khó của vợ ông hay ho là ở chỗ Chúa chỉ mất có sáu ngày để tạo ra thế giới, trong khi vợ ông phải đau đẻ đến một ngày rưỡi mới tạo ra thiếu tá Major. Một người kém bản lĩnh hơn có lẽ đã dao động vào ngày hôm đó ở hành lang bệnh viện, một người yếu đuối hơn có lẽ đã thỏa hiệp với những lựa chọn tên tuyệt vời khác như Drum Major, Minor Major, Sergeant Major, hoặc C. Sharp Major(28), nhưng cha của thiếu tá Major đã đợi cơ hội này mười bốn năm, và ông ta không phải là người lãng phí cơ hội. Cha của thiếu tá Major có một câu nói đùa hóm hỉnh về cơ hội. “Cơ hội chỉ gõ cửa một lần trong đời,” ông bảo. Cha của thiếu tá Major luôn lặp đi lặp lại câu đùa hóm hỉnh này mỗi khi có cơ hội.
Sinh ra với một nét tương đồng bệnh hoạn với Henry Fonda là điều đầu tiên trong một chuỗi dài những trò chơi khăm của số phận đã biến thiếu tá Major thành một nạn nhân khốn khổ trong suốt cuộc đời thiếu niềm vui của gã. Sinh ra với cái tên Major Major Major là điều thứ hai. Việc gã mang cái tên Major Major Major là một bí mật chỉ có cha gã biết. Chỉ đến khi thiếu tá Major đăng ký vào mẫu giáo thì tên thật của gã mới bị phát hiện, và hệ quả của việc này thật là thảm họa. Tin này đã giết chết mẹ gã, bà đã không còn muốn sống nữa, cứ thế yếu dần rồi chết. Cha gã chẳng hề lấy thế làm buồn, ông đã quyết định cưới cô gái cáu kỉnh ở A&P nếu cần thiết, đằng nào thì trước đó ông cũng đã chẳng mấy lạc quan về cơ hội tống khứ được bà đi mà không phải trả tiền cho bà hoặc đánh đập bà.
Bản thân thiếu tá Major chỉ chịu hậu quả bớt khắc nghiệt hơn tí chút. Thật là tàn nhẫn và choáng váng khi gã, ở độ tuổi non nớt ấy, phải nhận ra rằng gã không phải, như gã vẫn luôn tưởng, là Caleb Major, mà thay vào đó là một thằng cha lạ hoắc với cái tên Major Major Major mà gã không chút quen biết và cũng chưa có ai nghe đến bao giờ. Những đứa bạn chơi cùng đều đã tránh xa gã và không bao giờ trở lại, chúng có thiên hướng không tin người lạ, đặc biệt là kẻ đã lừa chúng bằng cách giả làm một người khác mà chúng đã biết từ lâu. Chẳng ai muốn dính dáng gì đến gã cả. Gã đâm ra hay đánh rơi đồ và vấp ngã. Gã luôn rất xấu hổ và luôn tràn đầy hy vọng trong lần đầu gặp gỡ ai đó, và rồi gã luôn phải thất vọng. Bởi vì gã luôn quá cần có bạn nên gã không bao giờ kiếm được bạn cho mình. Thời niên thiếu, thiếu tá Major là một cậu bé cao lớn, kỳ lạ và mơ màng với cặp mắt mong manh và miệng rất thanh nhã với nụ cười ngập ngừng, dò dẫm chưa kịp nở hết ra đã ngay lập tức sụp xuống thành nỗi đau mỗi khi bị cự tuyệt.
Gã rất lễ phép với bậc cha chú, những kẻ luôn ghét gã. Bậc cha chú bảo sao gã làm vậy. Họ bảo gã phải nhìn rồi mới nhảy, và gã luôn nhìn rồi mới nhảy. Họ bảo gã việc hôm nay chớ để ngày mai, và gã không bao giờ để điều đó xảy ra. Họ bảo gã thờ cha kính mẹ, và gã luôn thờ cha kính mẹ. Họ bảo gã không được giết người, và gã không giết người, cho đến khi nhập ngũ. Tại đó họ bảo gã giết, và gã giết. Gã luôn chìa má bên kia cho mọi người tát trong mọi trường hợp, và gã luôn đối xử với mọi người đúng như những gì gã muốn mọi người đối xử với mình. Khi gã làm từ thiện thì tay trái của gã không bao giờ biết tay phải đang làm gì. Gã chưa từng báng bổ Chúa, phạm tội ngoại tình hoặc thèm muốn mông của gã hàng xóm. Thực ra, gã rất yêu quý hàng xóm của mình và thậm chí còn chưa bao giờ đứng ra làm chứng gian chống lại gã. Những bậc cha chú của thiếu tá Major ghét gã bởi vì gã là một kẻ rõ rành rành không giống họ.
Bởi vì chẳng có gì khác tốt hơn để làm cho tốt nên gã học hành rất tốt. Tại trường đại học của bang, gã học hành nghiêm túc tới mức những kẻ đồng tính nghi gã là Cộng sản còn lũ Cộng sản lại nghi gã là đồng tính. Gã theo học ngành lịch sử Anh, điều này là một sai lầm.
“Lịch sử Anh” viên thượng nghị đức cao vọng trọng của bang rống lên đầy phẫn nộ. “Lịch sử Mỹ thì làm sao hả? Lịch sử Mỹ cũng hay chẳng kém lịch sử nước nào trên thế giới.”
Thiếu tá Major lập tức chuyển sang học văn học Mỹ, nhưng ngay trước đó FBI đã có hồ sơ về gã. Có sáu người và một con chó sục Scotland sống trong một nông trại hẻo lánh mà thiếu tá Major gọi là nhà, và hóa ra năm người trong số đó và con chó sục Scotland là nhân viên FBI. Họ đã sớm có đủ thông tin vi phạm của thiếu tá Major tới mức họ có thể muốn làm gì với gã tùy thích. Tuy nhiên, điều duy nhất họ có thể nghĩ ra là đưa gã nhập ngũ làm lính trơn và thăng gã lên Thiếu tá bốn ngày sau đó, sự kiện này đã khiến cho các dân biểu rỗi việc chạy tới chạy lui trên đường phố Washington D.C. và hô khẩu hiệu, “Ai đã thăng cấp cho thiếu tá Major? Ai đã thăng cấp cho thiếu tá Major?”
Thực ra thì thiếu tá Major được thăng cấp bởi một cái máy IBM có khiếu hài hước sắc sảo gần bằng cha gã. Khi chiến tranh nổ ra, gã vẫn còn ngoan ngoãn và dễ bảo. Họ bảo gã nhập ngũ, thế là gã nhập ngũ. Họ bảo gã đăng ký khóa đào tạo sĩ quan không quân, thế là gã đăng ký khóa đào tạo sĩ quan không quân, và ngay đêm hôm sau, gã đã thấy mình đang đứng chân trần ở trên lớp bùn lạnh như băng vào ba giờ sáng trước một viên trung sĩ khắc nghiệt và hiếu chiến đến từ miền Tây Nam nước Mỹ, người tuyên bố rằng anh ta có thể đánh vãi cứt bất cứ ai trong đơn vị và sẵn sàng chứng tỏ điều đó. Trước đó mấy phút tất cả lính mới trong phi đoàn vừa mới bị đám lính gác của viên trung sĩ ấy đánh thức để tập trung ở trước lều điều hành. Mưa vẫn rơi như trút xuống thiếu tá Major. Họ xếp thành hàng trong những bộ thường phục mà họ đem theo mình khi nhập ngũ ba ngày trước. Những người nấn ná lại để đi giày và tất đều bị đuổi về dãy lều lạnh lẽo, ẩm ướt và tối tăm của họ để bỏ chúng ra, và tất cả bọn họ đều đứng chân trần ở trong bùn khi viên trung sĩ đưa cặp mắt sắt đá nhìn lên mặt họ và bảo với họ rằng anh ta có thể đánh cho bất cứ ai trong đơn vị của mình phọt phân. Không ai dám phản đối.
Vụ thăng cấp lên thiếu tá đầy bất ngờ của thiếu tá Major vào ngày hôm sau đã đẩy viên trung sĩ hiếu chiến xuống vực thẳm không đáy, bởi vì anh ta không thể khoác lác rằng mình có thể đánh bất cứ ai trong đơn vị phọt phân được nữa. Anh ta ủ rũ như vua Saul trong lều của mình hàng giờ liền, không tiếp bất cứ ai, trong khi đội lính gác ưu tú toàn các hạ sĩ của anh ta đứng đó nhìn đầy chán nản. Đến ba giờ sáng thì anh ta đã tìm được giải pháp, và thiếu tá Major cùng tất cả những lính mới khác lại bị đánh thức thô bạo và phải tập trung với chân trần trong mưa phùn ở trước lều điều hành, tại đó viên trung sĩ đã đợi sẵn, hai tay siết lại thành nắm đấm vênh váo chống nạnh, hăm hở muốn nói đến mức gần như chẳng thể chờ nổi họ tập hợp đông đủ.
“Tôi và thiếu tá Major,” anh ta huênh hoang, vẫn với giọng khắc nghiệt, cộc cằn đêm trước, “có thể đánh phọt phân bất cứ ai trong đơn vị này.”
Các sĩ quan trong căn cứ sau đó cũng đã có hành động trước vấn đề thiếu tá Major vào cùng ngày hôm đó. Họ phải ứng xử ra sao với một thiếu tá như thiếu tá Major? Bất kính với cá nhân gã tức là bất kính với tất cả sĩ quan có cùng cấp bậc hoặc thấp hơn. Mặt khác, việc phải đối xử lịch sự với gã lại là điều không thể tưởng tượng nổi. Thật may là thiếu tá Major đã đăng ký tham gia khóa đào tạo sĩ quan không quân. Lệnh thuyên chuyển gã đi đã được gửi đến phòng in ấn vào buổi chiều muộn, và tới ba giờ sáng thiếu tá Major lại bị đánh thức thô bạo, bị chúc tụng thuận buồm xuôi gió bởi viên trung sĩ rồi bị đặt lên một chiếc máy bay để bay thẳng về phía Tây.
Mặt trung úy Scheisskopf trắng bệch như một tờ giấy khi thiếu tá Major trình diện ở California với đôi chân trần dính đầy bùn ở ngón. Thiếu tá Major tưởng gã lại bị đánh thức thô bạo là để đứng trên chân trần trong bùn nên đã bỏ giày và tất ở lại lều. Bộ thường phục gã mặc khi trình diện để nhận nhiệm vụ với trung úy Scheisskopf đã trở nên nhàu nát và bẩn thỉu. Trung úy Scheisskopf, lúc ấy vẫn chưa nổi tiếng trong món diễu binh, đã run bắn người lên khi mường tượng ra cảnh thiếu tá Major chân đất diễu hành trong phi đoàn của gã vào Chủ nhật tới.
“Hãy nhanh chóng nhập viện,” gã lúng búng nói khi đã bình tĩnh trở lại, “và bảo họ rằng anh bị ốm. Ở đó cho tới khi trợ cấp, quân phục được chuyển đến và anh có tiền mua quần áo. Và vài đôi giày. Mua lấy vài đôi giày.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Tôi không nghĩ là anh phải gọi tôi là ‘sếp’, thưa sếp,” trung úy Scheisskopf chỉ ra vấn đề. “Anh có quân hàm cao hơn tôi.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi có thể có quân hàm cao hơn sếp, thưa sếp, nhưng sếp vẫn là sĩ quan chỉ huy của tôi.”
“Vâng, thưa sếp, đúng thế,” trung úy Scheisskopf đồng ý. “Anh có thể có quân hàm cao hơn tôi, thưa sếp, nhưng tôi vẫn là sĩ quan chỉ huy của anh. Vậy thì anh nên làm những gì mà tôi đã bảo, thưa sếp, nếu không thì anh sẽ gặp rắc rối. Hãy ở lại đó cho đến khi có tiền trợ cấp mua quân phục và đủ tiền để mua vài bộ quân phục.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Và vài đôi giày, thưa sếp. Hãy mua giày ngay khi có thể, thưa sếp.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi sẽ mua, thưa sếp.”
“Cảm ơn anh, thưa sếp.”
Cuộc đời ở trường sĩ quan của thiếu tá Major cũng không khác gì cuộc đời của gã từ trước đến giờ. Bất cứ ai ở cùng gã đều muốn gã ở cùng với người khác. Các ông thầy ưu ái gã trong mọi môn học để có thể nhanh chóng đẩy gã đi và thoát khỏi gã. Vèo một cái gã đã được đeo phù hiệu phi công và đã được ra nước ngoài, tại đó mọi thứ đột ngột được cải thiện. Trong suốt đời mình, thiếu tá Major chỉ mong muốn một điều duy nhất, đó là được chấp nhận, và ở Pianosa, gã cuối cùng cũng đã được chấp nhận, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Quân hàm không có ý nghĩa nhiều ngoài mặt trận, tại đó, mối quan hệ giữa sĩ quan và lính thoải mái và thân mật hơn nhiều. Những người gã thậm chí không biết tên cũng chào hỏi và còn rủ gã đi bơi hoặc chơi bóng rổ. Những giờ viên mãn nhất của gã là ở những trận bóng rổ kéo dài cả ngày mà với họ thắng thua chả có ý nghĩa mẹ gì. Chẳng ai tính điểm, và số người chơi có thể dao động từ một cho tới ba mươi lăm. Thiếu tá Major chưa từng chơi bóng rổ hay bất cứ trò chơi nào, nhưng chiều cao khủng long của gã cùng với lòng nhiệt tình vô bờ bến đã bù đắp được sự vụng về bẩm sinh và sự thiếu kinh nghiệm của gã. Thiếu tá Major đã tìm được hạnh phúc đích thực tại đó, trên sân bóng rổ nghiêng với đám sĩ quan và lính suýt đã là bạn gã. Không có người thắng đồng nghĩa với việc không có kẻ thua, và thiếu tá Major tận hưởng từng khoảnh khắc nô đùa nhảy nhót cho tới ngày đại tá Cathcart rú xe Jeep phóng đến sau khi thiếu tá Duluth vừa thiệt mạng và khiến gã không bao giờ được tận hưởng thú chơi bóng rổ ở đó nữa.
“Anh là phi đoàn trưởng mới,” đại tá Cathcart thô lỗ gào lên từ bên kia đường ray. “Nhưng đừng nghĩ rằng điều đó có nghĩa lý gì, bởi vì nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Nó chỉ có nghĩa là anh là phi đoàn trưởng mới.”
Đại tá Cathcart đã từ lâu nung nấu lòng căm ghét khôn nguôi với thiếu tá Major. Một viên thiếu tá dư thừa dưới trướng gã cũng có nghĩa là một sơ đồ nhân sự bừa bộn và sẽ là kho đạn cho bọn ở Sở Chỉ huy Không lực Hai mươi bảy, những kẻ mà đại tá Cathcart tin chắc là kẻ thù và đối thủ của gã, tha hồ bắn phá gã. Đại tá Cathcart đã luôn cầu mong một điều may mắn kiểu như cái chết của thiếu tá Duluth. Gã cực kỳ khó chịu khi có thừa một thiếu tá; và giờ thì gã đã có chỗ cho một thiếu tá. Gã bổ nhiệm thiếu tá Major làm phi đoàn trưởng rồi rồ máy phóng đi cũng đột ngột như khi đến.
Với thiếu tá Major, việc đó đã kết thúc cuộc chơi của gã. Mặt gã đỏ lên vì bối rối, và gã đứng chết trân trong cơn ngỡ ngàng khi mây đen lại quần tụ trên đầu gã lần nữa. Khi quay sang các đồng đội, gã gặp phải một bức tường những gương mặt tò mò, nghi ngờ đang soi mói nhìn gã với vẻ thù địch ai oán và khó hiểu. Gã run rẩy vì xấu hổ. Khi mọi người tiếp tục chơi thì đã chẳng còn vui vẻ gì nữa. Mỗi khi gã rê bóng, chẳng có ai cản phá gã; mỗi khi gã gọi bóng, bất cứ ai đang cầm bóng đều chuyền cho gã; mỗi khi gã ném trượt rổ, không một ai xông vào cướp bóng. Tiếng nói duy nhất trên sân là tiếng của gã. Hôm sau cũng vậy, và sang ngày tiếp theo, gã không đến nữa.
Như đã ngầm ám hiệu cho nhau, mọi người ở phi đoàn đều không nói chuyện với gã nữa, và bắt đầu soi gã. Gã ngượng ngập bước đi giữa đời, mặt cúi gằm và đôi má đỏ bừng, đến đâu gã cũng trở thành đối tượng của sự khinh miệt, đố kỵ, nghi ngờ, oán giận và những lời ám chỉ hiểm ác. Những người trước đây không để ý đến sự giống nhau giữa gã và Henry Fonda thì bây giờ lại không ngớt mồm bàn tán về điều đó, thậm chí có những người đã ám chỉ độc địa rằng thiếu tá Major được thăng chức lên phi đoàn trưởng vì gã giống Henry Fonda. Đại úy Black, người vẫn thèm khát vị trí này, khăng khăng cho rằng thiếu tá Major thực ra chính là Henry Fonda, nhưng nhát chết không dám thừa nhận.
Thiếu tá Major loạng choạng bước đi trong hoang mang từ thảm họa này tới thảm họa khác. Không thèm hỏi ý kiến gã, trung sĩ Towser đã cho chuyển đồ của gã sang toa xe rộng rãi mà thiếu tá Duluth đã từng ở một mình, và khi thiếu tá Major hổn hển chạy xồng xộc vào phòng cần vụ để thông báo mất trộm thì cậu hạ sĩ trẻ ở đó đã làm gã sợ vãi linh hồn khi đứng bật dậy và hét “Nghiêm!” ngay khi gã xuất hiện. Thiếu tá Major cũng rập gót đứng nghiêm như mọi người trong phòng, tự hỏi không biết có thượng cấp nào vừa đi vào sau gã. Vài phút trôi đi trong im lặng tuyệt đối, và có lẽ tất cả bọn họ sẽ cứ đứng nghiêm ở đó cho đến ngày tận thế nếu thiếu tá Danby không từ liên đoàn ghé qua chúc mừng thiếu tá Major hai mươi phút sau đó, và cho mọi người được nghỉ.
Tình hình thậm chí còn thảm thương hơn ở nhà ăn, nơi Milo, cơ mặt rung rung vì mỉm cười, đang đợi để hãnh diện đưa gã tới một bàn nhỏ được thu xếp ở phía trước, trên phủ một tấm khăn ren và trang trí một bó hoa nhỏ thơm ngát cắm trong chiếc lọ thủy tinh mài màu hồng. Thiếu tá Major kinh hoàng chùn bước, nhưng gã không đủ táo tợn để cưỡng lại khi tất cả mọi người đều đang nhìn. Ngay cả Havermeyer cũng ngẩng đầu lên khỏi đĩa thức ăn, và há hốc quai hàm nặng nề, thiếu quyết đoán ra để nhìn gã. Thiếu tá Major ngoan ngoãn phục tùng sự níu kéo của Milo và ngồi rúm ró trong hổ thẹn ở chiếc bàn dành riêng cho gã trong suốt bữa ăn. Thức ăn hóa thành rơm trong miệng gã, nhưng gã thà nuốt hết từng miếng một đầy mồm còn hơn làm phật lòng bất cứ ai tham gia chuẩn bị bữa ăn. Khi ngồi một mình với Milo sau đó, thiếu tá Major lần đầu tiên thấy ý chí phản kháng sục sôi trong mình và nói rằng gã thích được tiếp tục ngồi ăn cùng các sĩ quan khác. Milo bảo gã rằng như vậy không được.
“Tôi chẳng thấy có gì là không được cả,” thiếu tá Major tranh luận. “Trước đây có làm sao đâu.”
“Trước đây sếp đâu có là phi đoàn trưởng.”
“Thiếu tá Duluth cũng là phi đoàn trưởng và anh ấy luôn ăn cùng bàn với tất cả mọi người.”
“Với thiếu tá Duluth thì khác, thưa sếp.”
“Với thiếu tá Duluth thì khác như thế nào?”
“Giá mà sếp đừng hỏi tôi điều này, thưa sếp,” Milo nói.
“Có phải vì trông tôi giống Henry Fonda?” thiếu tá Major lấy hết can đảm chất vấn.
“Một số người bảo sếp chính là Henry Fonda,” Milo trả lời.
“Hừ, tôi không phải là Henry Fonda,” thiếu tá Major kêu lên, giọng run lên vì cáu kỉnh. “Và tôi chả giống gã tí nào sất. Mà cho dù tôi có giống Henry Fonda đi nữa, thì có khác gì?”
“Chẳng có gì khác cả. Đó chính là điều mà tôi đang cố giải thích với sếp đấy, thưa sếp. Chỉ đơn giản là với sếp thì không giống như với thiếu tá Duluth.”
Và đúng là không giống, bởi vì khi thiếu tá Major, vào bữa ăn tiếp theo, từ quầy thức ăn bước đến ngồi với mọi người ở dãy bàn thông thường, gã bị đông cứng giữa đường khi gặp phải một bức tường thù địch không thể xuyên thủng do những gương mặt dựng lên, và gã chết điếng ở đó, khay thức ăn rung bần bật trên tay cho đến khi Milo lẳng lặng lướt tới giải cứu và đưa gã ngoan ngoãn quay về bàn riêng. Sau vụ đó, thiếu tá Major đã bỏ cuộc và luôn ăn một mình tại bàn riêng, quay lưng lại mọi người. Gã tin chắc rằng họ căm ghét mình vì giờ đây ở cương vị phi đoàn trưởng gã dường như đã trở nên quá tôn quý để ngồi ăn cùng họ. Không ai nói một câu nào trong nhà ăn khi có mặt thiếu tá Major. Gã ý thức được rằng các sĩ quan khác cố tránh ăn cùng giờ với gã, và tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi gã không đến ăn nữa và chuyển sang dùng bữa trong phòng.
Thiếu tá Major bắt đầu ký mạo tên Washington Irving vào các công văn một ngày sau khi gã C.I.D. đầu tiên xuất hiện để tra khảo gã về ai đó ở bệnh viện đang làm điều đó, và gã đã vay mượn luôn ý tưởng này. Gã đang chán và bất mãn với vị trí mới của mình. Gã bị đưa lên làm phi đoàn trưởng nhưng không biết phải làm gì ở cương vị phi đoàn trưởng, trừ phi tất cả những gì gã cần làm là giả mạo tên Washington Irving lên các công văn và lắng nghe âm thanh hết keng lại bịch nhát gừng khi những chiếc móng ngựa của thiếu tá …de Coverley rơi xuống đất bên ngoài cửa sổ văn phòng nhỏ của gã, phía sau lều cần vụ. Gã không ngừng bị dằn vặt bởi cảm giác rằng có những nhiệm vụ quan trọng gã chưa hoàn thành, và gã chờ đợi trong vô vọng cái ngày những nhiệm vụ đó xuất hiện. Gã hiếm khi ra ngoài trừ phi thực sự cần thiết, vì gã không thể quen với việc bị mọi người nhìn chòng chọc. Thỉnh thoảng sự đơn điệu bị phá vỡ bởi một vài sĩ quan hoặc lính được trung sĩ Towser điều tới xin ý kiến gã về một số vấn đề mà gã không giải quyết được và lại điều về gặp trung sĩ Towser để thu xếp sao cho hợp lý. Bất cứ điều gì gã lẽ ra phải hoàn thành trên cương vị phi đoàn trưởng lại được hoàn thành mà không có chút đóng góp nào từ gã. Gã trở nên ngày càng ủ rũ và chán nản. Đôi khi gã nghiêm túc nghĩ đến việc giãi bày tất cả những phiền muộn của mình với cha tuyên úy, nhưng dường như cha tuyên úy cũng đang gánh chịu quá nhiều đau khổ của bản thân tới mức thiếu tá Major phải rút lui để khỏi làm cha cố quân đội này khổ thêm. Ngoài ra, gã cũng không biết chắc cha tuyên úy có phải là để dành cho các phi đoàn trưởng hay không nữa.
Gã cũng chưa bao giờ biết chắc về thiếu tá …de Coverley, người, khi không phải ra ngoài thuê nhà hay bắt cóc lao động nước ngoài, chẳng có gì cấp bách hơn để làm ngoài việc ném móng ngựa. Thiếu tá Major thường lắng nghe rất chăm chú tiếng móng ngựa nhẹ nhàng rơi xuống đất hoặc mắc vào những cọc thép nhỏ cắm trên mặt đất. Gã nhìn trộm thiếu tá …de Coverley hàng giờ và lấy làm kinh ngạc khi một người oai phong đến vậy lại chẳng có việc gì quan trọng hơn để làm. Nhiều khi gã cũng thèm ra chơi cùng thiếu tá …de Coverley, nhưng ném móng ngựa cả ngày xem ra cũng chán như việc ký tên “Major Major Major” vào công văn, và diện mạo của thiếu tá …de Coverley lại đáng sợ đến nỗi thiếu tá Major chỉ dám kính nhi viễn chi.
Thiếu tá Major băn khoăn không hiểu gã là gì của thiếu tá …de Coverley và thiếu tá …de Coverley là gì của gã. Gã biết thiếu tá …de Coverley là sĩ quan điều hành của mình, nhưng gã không biết như vậy nghĩa là gì, và gã không thể xác định được mình đã may mắn có được một cấp trên nhân hậu hay đen đủi gặp phải một cấp dưới chểnh mảng. Gã không muốn hỏi trung sĩ Towser, người mà gã thầm sợ, và cũng chẳng có ai khác để hỏi, thiếu tá …de Coverley thì lại càng không. Rất ít người dám tiếp cận thiếu tá …de Coverley vì bất cứ chuyện gì và sĩ quan duy nhất dại dột tới mức ném một chiếc móng ngựa của gã ngay hôm sau đã mắc chứng phát ban Pianosa nghiêm trọng tới mức Gus hay Wes hay thậm chí bác sĩ Daneeka cũng chưa từng gặp hay nghe thấy bao giờ. Mọi người đều quả quyết rằng bệnh tật mà viên sĩ quan đáng thương đó mắc phải là sự trừng phạt của thiếu tá …de Coverley, dù không ai biết điều đó xảy ra như thế nào.
Hầu hết công văn gửi tới bàn làm việc của thiếu tá Major đều chẳng liên quan gì tới gã. Đại đa số đề cập đến những nội dung trao đổi từ trước đó mà thiếu tá Major chưa từng nhìn thấy hoặc nghe đến. Không cần phải tra cứu lại chúng làm gì, vì các chỉ thị bao giờ cũng là đừng để ý tới chúng nữa. Do vậy, chỉ trong một phút đầy năng suất, gã có thể ký duyệt hai mươi công văn riêng rẽ, cái nào cũng yêu cầu gã tuyệt đối không cần quan tâm đến tất cả những cái còn lại. Văn phòng của tướng Peckem từ đất liền gửi ra những bản tin hằng ngày dài dòng văn tự với tiêu đề là những câu châm ngôn vui vẻ kiểu như “Đời người có một gang tay. Ai hay ngủ ngày thì được nửa gang” và “Nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”.
Những bản tin của tướng Peckem về thói lười biếng và sự sạch sẽ khiến thiếu tá Major cảm thấy mình như một kẻ đại lười đáng kinh tởm, và gã luôn vứt chúng đi càng nhanh càng tốt. Thứ duy nhất khiến gã quan tâm là những công văn thỉnh thoảng mới xuất hiện, đề cập tới một viên thiếu úy đen đủi bị giết trong trận Orvieto chỉ chưa đầy hai giờ sau khi tới Pianosa, chủ nhân của những gói đồ chưa kịp mở hết vẫn đang nằm trong lều của Yossarian. Vì viên thiếu úy đen đủi ấy đã tới lều điều hành báo cáo nhận nhiệm vụ thay vì tới lều cần vụ, trung sĩ Towser đã quyết định cách an toàn nhất là báo cáo với cấp trên rằng anh ta chưa từng đến báo cáo nhận nhiệm vụ ở phi đoàn này, và những công văn hiếm hoi liên quan tới anh ta là để giải quyết vấn đề anh ta đã tan biến giữa không trung, mà đó, xét theo một cách nào đấy, đúng là điều đã xảy ra. Về lâu về dài, thiếu tá Major rất biết ơn mớ công văn đã đến bàn làm việc của gã, bởi vì ngồi cả ngày trong phòng để ký công văn còn sướng hơn nhiều ngồi cả ngày trong phòng mà chả có gì để ký. Chúng mang đến cho gã công ăn việc làm.
Kết cục tất yếu là, tất cả công văn mà gã ký, sau từ hai đến mười ngày, đều quay trở lại với thêm một trang mới để gã ký vào. Chúng luôn dày hơn trước nhiều, vì giữa trang gã đã ký lần trước và trang để ký lần này là những trang có chữ ký mới nhất của tất cả các sĩ quan khác ở rải rác nhiều nơi cùng có nhiệm vụ ký vào công văn đó. Thiếu tá Major phát chán khi thấy một nội dung trao đổi đơn giản đã phình ra thành một tập văn bản khổng lồ. Dù gã có ký bao nhiêu lần thì nó luôn trở lại đòi thêm một chữ ký nữa, và gã bắt đầu thấy tuyệt vọng vì không bao giờ thoát được những công văn đó. Một ngày kia - sau cái ngày gã C.I.D. đến - thiếu tá Major đã ký tên Washington Irving vào một trong những công văn đó thay vì tên gã, chỉ để xem cảm giác thế nào. Gã thấy thích. Gã thích tới mức, cả chiều hôm đó, gã đã làm vậy với tất cả những công văn còn lại. Đó là hành động bột phát của một cơn bốc đồng và nổi loạn mà sau đó gã biết mình có thể bị trừng phạt nặng nề. Sáng hôm sau gã đến văn phòng trong nỗi thấp thỏm và đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Không có gì xảy ra hết.
Gã đã phạm tội, và điều đó thật tuyệt, bởi vì không có công văn nào được ký tên Washington Irving quay về hết! Tình hình, cuối cùng, cũng đã cải thiện, và thiếu tá Major đắm chìm trong sự nghiệp mới với niềm khoái trá vô hạn. Có lẽ ký tên Washington Irving vào công văn chẳng có gì đáng để gọi là một sự nghiệp, nhưng nó còn ít đơn điệu hơn việc ký tên “Major Major Major”. Khi Washington Irving trở nên đơn điệu thì gã đảo thứ tự và ký Irving Washington cho đến khi nó cũng trở nên đơn điệu. Và gã đã làm được một việc gì đó, vì không có tài liệu nào được ký một trong những cái tên đó quay trở lại.
Thứ quay trở lại hóa ra lại là gã C.I.D. thứ hai, giả dạng một phi công. Mọi người đều biết gã là C.I.D. vì chính gã đã thổ lộ với họ và yêu cầu họ không được tiết lộ thân phận của gã với bất kỳ ai trong số những người mà gã đã tiết lộ rằng gã là C.I.D.
“Anh là người duy nhất trong phi đoàn này biết tôi là C.I.D.,” gã tiết lộ với thiếu tá Major, “và nhất thiết phải giữ bí mật để công việc của tôi đảm bảo hiệu quả. Anh hiểu chứ?”
“Trung sĩ Towser cũng biết.”
“Phải, tôi biết. Tôi phải cho anh ta biết để được vào đây gặp anh. Nhưng tôi biết rằng, anh ta sẽ không hé răng trong bất kỳ tình huống nào.”
“Anh ta đã nói với tôi,” thiếu tá Major nói. “Anh ta bảo rằng có một C.I.D. ở ngoài đang chờ gặp tôi.”
“Thằng con hoang! Tôi sẽ cho kiểm tra an ninh với nó. Nếu là anh tôi sẽ không để bất kỳ tài liệu tối mật nào ở đây. Ít nhất là cho đến khi tôi hoàn thành báo cáo.”
“Tôi không nhận được tài liệu tối mật nào cả,” thiếu tá Major nói.
“Đó chính là thứ tôi muốn nói. Hãy khóa chúng trong tủ để trung sĩ Towser không thể động đến chúng.”
“Trung sĩ Towser là người duy nhất giữ chìa khóa tủ.”
“Tôi e rằng ta đang lãng phí thời gian,” gã C.I.D. thứ hai gay gắt nói. Gã là một người mau mắn, mập lùn, luôn căng thẳng, động tác nhanh nhẹn và dứt khoát. Gã lấy ra một số tài liệu photo từ chiếc phong bì khổ lớn màu đỏ mà gã giấu một cách lộ liễu dưới bộ jacket phi công bằng da vẽ lòe loẹt hình những chiếc phi cơ đang bay xuyên làn đạn phòng không màu cam và những dãy bom nhỏ xíu tượng trưng cho năm mươi lăm lượt bay. “Anh đã thấy thứ này bao giờ chưa?”
Thiếu tá Major hờ hững nhìn bản sao những bức thư cá nhân gửi đi từ bệnh viện mà trên đó sĩ quan kiểm duyệt đã viết “Washington Irving” hoặc “Irving Washington”.
“Không.”
“Thế còn cái này?”
Thiếu tá Major nhìn đến bản sao những công văn đề gửi cho gã mà gã đã ký cũng bằng những cái tên ấy.
“Không.”
“Có phải người ký những cái tên này ở phi đoàn của anh?”
“Tên nào? Ở đây có hai tên.”
“Cả hai. Chúng tôi cho rằng Washington Irving và Irving Washington chỉ là một người và gã đã sử dụng tên giả nhằm đánh lạc hướng chúng tôi. Điều này thường xuyên xảy ra, anh biết đấy.”
“Tôi không nghĩ là ở phi đoàn của tôi có ai có tên như thế.”
Vẻ thất vọng lướt qua trên mặt gã C.I.D. thứ hai. “Kẻ này thông minh hơn chúng tôi tưởng nhiều,” gã nhận định. “Gã dùng cái tên thứ ba và giả làm một người khác. Và tôi nghĩ… phải, tôi nghĩ tôi đã biết cái tên thứ ba là gì. Với vẻ kích động và phấn khích, gã giơ ra một bản sao khác cho thiếu tá Major xem. “Cái này thì sao hả?”
Thiếu tá Major cúi người ra trước và thấy một bản sao của bức thư mà Yossarian đã bôi đen sạch sẽ trừ cái tên Mary và viết lên đó, “Anh khát khao em đến nát tan. R.O. Shipman, Cha tuyên úy, Quân đội Mỹ.” Thiếu tá Major lắc đầu.
“Tôi chưa từng thấy nó.”
“Anh có biết R.O. Shipman là ai không?”
“Đó là cha tuyên úy của liên đoàn.”
“Vậy là hai năm rõ mười,” gã C.I.D. thứ hai nói. “Washington Irving là cha tuyên úy của liên đoàn.”
Thiếu tá Major giật mình cảnh giác. “R.O. Shipman mới là cha tuyên úy của liên đoàn,” gã sửa lại.
“Anh chắc không?”
“Chắc.”
“Tại sao cha tuyên úy của liên đoàn lại viết cái này vào đây?”
“Có thể ai khác đã viết và mạo danh anh ta.”
“Sao lại có người muốn mạo danh anh ta làm gì?”
“Để tránh không bị phát hiện.”
“Có thể anh đúng,” gã C.I.D. thứ hai kết luận sau một thoáng ngần ngừ, và môi mím chặt lại. “Có lẽ ta đã đụng phải một băng nhóm, có hai tên đồng lõa với nhau và tình cờ có tên ngược nhau. Phải, nhất định là như vậy. Một kẻ ở phi đoàn này, một kẻ ở bệnh viện và một kẻ ở chỗ cha tuyên úy. Như vậy tổng cộng có ba tên, phải không? Anh chắc một trăm phần trăm rằng anh chưa từng thấy bất cứ công văn nào như này chứ?”
“Nếu thấy thì tôi đã ký rồi.”
“Ký tên ai?” gã C.I.D. thứ hai xảo quyệt hỏi. “Tên anh hay Washington Irving?”
“Tên tôi chứ,” thiếu tá Major bảo gã. “Tôi thậm chí còn không biết đến cái tên Washington Irving.”
Gã C.I.D. thứ hai nở nụ cười.
“Thiếu tá này, tôi mừng là anh vô tội. Như vậy nghĩa là ta sẽ có thể cộng tác cùng nhau, và tôi sẽ cần càng nhiều trợ thủ càng tốt. Đâu đó trên chiến trường châu Âu này có một kẻ nhúng tay vào thư túi gửi cho anh. Đó có thể là ai được nhỉ, anh có chút manh mối gì không?”
“Không.”
“À, tôi đoán ra rồi,” gã C.I.D. nói, rướn người ra trước và thì thầm. “Thằng con hoang Towser đó. Không thì vì sao gã lại rêu rao về tôi? Giờ anh hãy đề cao cảnh giác và báo tôi biết ngay khi thấy bất cứ ai nhắc tới Washington Irving. Tôi sẽ cho kiểm tra an ninh cha tuyên úy và tất cả mọi người quanh đây.”
Ngay khi gã vừa biến mất, gã C.I.D. đầu tiên nhảy vào văn phòng của thiếu tá Major qua cửa sổ và hỏi gã C.I.D. thứ hai là ai. Thiếu tá Major gần như không nhận ra gã.
“Gã là C.I.D.,” thiếu tá Major bảo gã.
“C.I.D. cái đếch gì,” gã C.I.D. đầu tiên nói. “Ở đây tôi mới là C.I.D.”
Thiếu tá Major gần như không nhận ra gã vì gã khoác áo choàng tắm bằng nhung đỏ bạc phếch thủng cả hai nách, pyjama vải flannel mềm, và đi đôi dép trong nhà một bên bị há mõm. Thiếu tá Major nhớ ra đây là trang phục trong bệnh viện. Gã đã lên khoảng mười ký và có vẻ rất khỏe khoắn.
“Tôi đang ốm quá,” gã than vãn. “Tôi bị nhiễm cảm ở bệnh viện từ một gã phi công lái máy bay chiến đấu và sau đó lại đổ bệnh viêm phổi nặng.”
“Tôi rất tiếc,” thiếu tá Major nói.
“Đúng là chó cắn áo rách,” gã C.I.D. sụt sùi. “Tôi không cần anh thông cảm. Tôi chỉ muốn anh biết tôi đã trải qua những gì. Tôi xuống đây để cảnh báo anh rằng dường như gã Washington Irving ấy đã chuyển địa bàn hoạt động từ bệnh viện đến phi đoàn của anh. Anh chưa từng nghe ai ở đây nói đến Washington Irving chứ hả?”
“Thực ra là có,” thiếu tá Major trả lời. “Chính là cái tay vừa ở đây. Gã ta nói về Washington Irving.”
“Là gã à?” gã C.I.D. đầu tiên mừng rỡ reo lên. “Đây có thể chính là điều ta cần để phá toang vụ án này! Anh hãy giám sát chặt chẽ gã hai mươi bốn giờ một ngày trong khi tôi phi về bệnh viện viết thư xin ý kiến thượng cấp.” Gã C.I.D. nhảy qua cửa sổ phòng làm việc của thiếu tá Major và biến mất.
Một phút sau, tấm rèm ngăn phòng làm việc của thiếu tá Major và phòng cần vụ mở toang, và gã C.I.D. thứ hai quay lại, thở hồng hộc vì vội. Gã vừa hổn hển vừa thét, “Tôi vừa thấy một kẻ mặc pyjama đỏ nhảy khỏi cửa sổ phòng anh rồi chạy lên đường cái! Anh không thấy gã à?”
“Gã vừa ở đây nói chuyện với tôi,” thiếu tá Major trả lời.
“Tôi nghĩ vụ này hết sức đáng ngờ, một kẻ nhảy khỏi cửa sổ trong bộ pyjama màu đỏ.” Gã hăm hở rảo bước quanh căn phòng nhỏ. “Lúc đầu tôi cứ nghĩ là anh, ba chân bốn cẳng chạy tới Mexico. Nhưng giờ tôi biết là không phải. Gã không nói gì về Washington Irving à?”
“Thực ra thì,” thiếu tá Major đáp, “gã có nói.”
“Có à?” gã C.I.D. thứ hai reo lên. “Vậy thì tốt rồi! Đây có thể chính là điều ta cần để phá toang vụ án này! Anh có biết ta có thể tìm được gã ở đâu không?”
“Ở bệnh viện. Gã đang ốm nặng lắm.”
“Quá tuyệt!” gã C.I.D. thứ hai reo lên. “Tôi sẽ bám theo gã đến đó ngay. Nếu có thể giấu kín được thân phận là tốt nhất. Tôi sẽ giải thích tình hình với lều quân y để họ gửi tôi đến đó trong vai bệnh nhân.”
“Họ sẽ không cho tôi nhập viện trừ phi tôi bị ốm,” gã báo lại cho thiếu tá Major biết. “Thực ra, tôi cũng khá là bệnh rồi. Tôi đã định đi kiểm tra y tế và đây là một cơ hội tốt. Tôi sẽ quay lại lều quân y và bảo họ rằng tôi bị ốm, và thế là tôi sẽ được nhập viện.”
“Nhìn xem họ đã làm gì tôi này,” gã quay về chỗ thiếu tá Major với nướu răng màu tím. Gã rơi vào một cơn bi phẫn khôn nguôi. Tay gã cầm giày và tất, các ngón chân của gã cũng bị bôi thuốc tím Gentian. “Đã ai nghe nói đến C.I.D. có nướu răng màu tím chưa?” gã rền rĩ.
Gã rời phòng cần vụ với mái đầu cúi gằm, lộn cổ xuống một cái hào và ngã gãy mũi. Thân nhiệt gã vẫn bình thường nhưng Gus và Wes đã đặc cách cho gã nhập viện và cho xe cứu thương chở gã đi.
Thiếu tá Major đã nói dối, và kết quả rất tốt. Gã không thật sự ngạc nhiên khi thấy kết quả rất tốt, bởi vì gã để ý thấy những người nói dối, xét trên tổng thể, tháo vát hơn, tham vọng hơn và thành công hơn những người không nói dối. Nếu gã mà nói sự thật cho gã C.I.D. thứ hai thì có lẽ gã đã gặp rắc rối rồi. Thay vì vậy gã đã nói dối và được thoải mái tiếp tục công việc của mình.
Gã trở nên thận trọng hơn sau chuyến thăm của gã C.I.D. thứ hai. Gã ký tất cả bằng tay trái và chỉ ký khi nào đeo cặp kính râm và bộ ria giả gã từng mong sẽ giúp mình được chơi bóng rổ trở lại mà không thành. Để cho thêm phần an toàn, gã đã vui vẻ chuyển từ Washington Irving sang John Milton. John Milton rất ngắn gọn và dễ dùng. Giống như Washington Irving, cái tên này có thể đảo ngược với hiệu ứng tốt khi gã cảm thấy đơn điệu. hơn nữa, nó giúp thiếu tá Major tăng gấp đôi năng suất, bởi vì John Milton ngắn hơn nhiều so với tên gã hoặc tên Washington Irving, do đó tốn rất ít thời gian để ký. John Milton còn phát huy hiệu quả ở một khía cạnh khác. Đó là John Milton rất linh hoạt, và thiếu tá Major nhanh chóng thấy mình chèn chữ ký này vào những mẩu hội thoại mà gã tưởng tượng ra. Thành thử, những lời phê duyệt điển hình trên các công văn sẽ là, “John Milton là kẻ bạo dâm” hoặc “Anh có thấy Milton không, John?” Một chữ ký mà gã đặc biệt tự hào là: “Có ai ở trong John không, Milton?” John Milton mở ra những viễn cảnh mới tràn ngập những câu chữ ý nhị, không bao giờ cạn, hứa hẹn vĩnh viễn đẩy lui sự đơn điệu. Thiếu tá Major trở lại với Washington Irving khi John Milton trở nên đơn điệu.
Thiếu tá Major đã mua cặp kính râm và bộ ria giả ở Rome trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng để cứu vớt bản thân khỏi vũng lầy của sự suy sụp tinh thần mà gã đang từ từ lún sâu vào. Đầu tiên là nỗi sỉ nhục khủng khiếp của Cuộc Đại Vận Động Tuyên Thệ Trung Thành, khi chẳng ai trong số ba bốn mươi người đang tranh nhau phân phát những lời thề trung thành chịu cho gã ký tên. Sau đó, ngay khi vụ này qua đi thì xảy ra chuyện máy bay của Clevinger biến mất đầy bí hiểm trong không trung cùng toàn bộ phi hành đoàn, và mọi tội lỗi về tai họa kỳ quái ấy lại trút cả lên đầu gã vì gã chưa từng ký một lời thề trung thành nào cả.
Cặp kính râm có gọng rất to màu đỏ tía. Bộ ria giả là của một tay chơi đàn dạo ăn mặc lòe loẹt, và một hôm, gã đã đeo cả hai tới sân bóng rổ khi thấy không thể chịu đựng nỗi cô đơn thêm nữa. Gã làm ra vẻ tự nhiên hoạt bát khi thong dong bước vào sân và thầm cầu nguyện không có ai nhận ra gã. Những người khác giả vờ không nhận ra gã, và gã bắt đầu tận hưởng cuộc vui. Vừa tự chúc mừng bản thân về mưu mẹo ngây ngô của mình xong thì một đối thủ xô rất mạnh làm gã khuỵu xuống. Ngay sau đó, lại một cú huých mạnh khác, và gã chợt hiểu kỳ thực họ đã nhận ra mình và đang lợi dụng sự cải trang của gã để cho phép mình huých cùi chỏ, ngáng và giã gã. Họ không hề muốn gã tham gia. Và khi gã vừa nhận ra điều đó, các đồng đội của gã đã kết hợp một cách đầy bản năng với đội bạn thành một đám đông hú hét và khát máu từ bốn phía xông vào gã với những lời chửi rủa thô tục và nắm đấm vung lên. Họ đánh gã ngã xuống, đá vào gã khi gã nằm dưới đất, lại tấn công khi gã mù quáng gắng gượng đứng lên. Gã lấy tay che mặt và không thấy gì hết. Tất cả điên cuồng đổ xô vào quật gã, đá gã, móc mắt gã, giày xéo gã. Gã bị đánh túi bụi lăn lóc ra mép hào đường sắt và bị đẩy trượt cắm đầu xuống hào. Dưới đáy hào, gã đứng dậy được, lập cập trèo lên bờ bên kia và loạng choạng bước đi dưới cơn mưa la ó và sỏi đá mà họ ném theo gã cho đến khi gã lảo đảo nấp vào sau lều cần vụ. Mối quan tâm tột bậc của gã trong suốt cuộc tấn công là làm sao giữ được kính râm và bộ ria giả để còn tiếp tục giả vờ là một người khác và tránh được tình huống đáng sợ là buộc phải đối mặt với họ trong vai trò thượng cấp.
Quay lại phòng làm việc, gã òa khóc; và khi khóc xong, gã đi rửa sạch máu khỏi miệng và mũi, kỳ hết đất cát ở những vết trầy xước trên má và trán, rồi gọi trung sĩ Towser vào.
“Từ giờ trở đi,” gã nói, “tôi không muốn bất cứ ai đến gặp tôi khi tôi đang ở đây. Rõ chưa?”
“Vâng, thưa sếp,” trung sĩ Towser nói. “Có tính cả tôi không ạ?”
“Có.”
“Tôi hiểu. Còn gì nữa không ạ?”
“Không.”
“Vậy tôi phải nói gì với những người tới gặp sếp khi sếp đang ở đây?”
“Nói rằng tôi đang ở đây và bảo họ chờ.”
“Vâng, thưa sếp. Chờ bao lâu ạ?”
“Đến khi tôi đi khỏi.”
“Và sau đó tôi phải làm gì với họ?”
“Tôi không quan tâm.”
“Tôi có được cho họ vào gặp sếp sau khi sếp đi khỏi không?”
“Được.”
“Nhưng khi đó sếp sẽ không còn ở đây nữa, phải không ạ?”
“Phải.”
“Vâng, thưa sếp. Còn gì nữa không ạ?”
“Không.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Từ giờ trở đi,” thiếu tá Major nói với người lính đứng tuổi có nhiệm vụ chăm nom toa xe của gã. “Tôi không muốn anh vào đây khi tôi có mặt để hỏi xem tôi có gì cần anh làm không. Rõ chưa?”
“Vâng, thưa sếp,” bác cần vụ nói. “Khi nào tôi nên vào để xem có việc gì sếp cần tôi làm không?”
“Khi tôi vắng mặt.”
“Vâng thưa sếp. Và tôi phải làm gì ạ?”
“Bất cứ gì tôi bảo.”
“Nhưng sếp sẽ không có mặt để bảo tôi, phải không ạ?”
“Phải.”
“Thế thì tôi phải làm gì?”
“Bất cứ việc gì cần làm.”
“Vâng thưa sếp.”
“Chỉ có vậy thôi,” thiếu tá Major nói.
“Vâng, thưa sếp,” bác cần vụ nói. “Có vậy thôi ạ?”
“Không,” thiếu tá Major nói. “Cũng đừng vào dọn dẹp. Đừng vào làm bất cứ việc gì trừ phi anh chắc chắn rằng tôi không có mặt.”
“Vâng thưa sếp. Nhưng làm sao tôi chắc được?”
“Nếu không chắc, anh cứ coi như tôi đang ở đây và đi chỗ khác đến khi nào chắc. Rõ chưa?”
“Vâng, thưa sếp.”
“Tôi rất tiếc phải nói với anh như này, nhưng việc này là cần thiết. Tạm biệt.”
“Tạm biệt sếp.”
“Và cảm ơn anh. Vì tất cả.”
“Vâng, thưa sếp.”
“Từ giờ trở đi,” thiếu tá Major bảo Milo Minderbinder, “tôi sẽ không đến nhà ăn nữa. Anh hãy cho người mang thức ăn đến toa xe cho tôi.”
“Tôi nghĩ đó là một ý hay, thưa sếp,” Milo trả lời. “Như vậy tôi sẽ có thể phục vụ sếp những món đặc biệt mà người khác không thể nào biết được. Tôi tin chắc sếp sẽ thích. Đại tá Cathcart lần nào cũng thích.”
“Tôi không cần món đặc biệt gì sất. Tôi muốn đúng những món anh nấu cho các sĩ quan khác. Chỉ cần dặn người đem đồ ăn đến gõ cửa một lần rồi để khay thức ăn trên bậc cửa. Rõ chưa?”
“Vâng, thưa sếp,” Milo nói. “Rõ lắm rồi ạ. Tôi có giấu vài con tôm hùm Maine để chiêu đãi sếp tối nay với salad Roquefort hảo hạng và hai bánh éclair đông lạnh vừa từ Paris tuồn đến hôm qua cùng với một nhân vật quan trọng của phong trào du kích Pháp. Mở đầu như vậy có được không ạ?”
“Không.”
“Vâng, thưa sếp. Tôi hiểu.”
Tối hôm đó Milo chiêu đãi gã tôm hùm Maine nướng với salad Roquefort hảo hạng và hai chiếc bánh éclair đông lạnh. Thiếu tá Major lấy làm khó chịu. Tuy nhiên, nếu gã trả lại thì nó sẽ vào thùng rác hoặc mồm ai đó, mà tôm hùm nướng vốn là điểm yếu của thiếu tá Major. Gã ăn trong cảm giác tội lỗi. Hôm sau bữa trưa có rùa Maryland và nguyên một chai Dom Pérignon 1937, và thiếu tá Major nốc hết chẳng nghĩ ngợi gì.
Sau Milo, chỉ còn lại những người ở phòng cần vụ, và thiếu tá Major tránh họ bằng cách ra vào qua ô cửa sổ nhựa ố bẩn ở văn phòng của gã. Ô cửa sổ không có chốt, thấp, rộng, và dễ nhảy qua từ cả hai phía. Gã giải quyết đoạn đường giữa lều cần vụ với toa xe của mình bằng cách phóng vọt qua góc lều khi không ai để ý, nhảy xuống đường ray rồi thấp đầu chạy thẳng đến khi có sự che chở của khu rừng. Đến ngang chỗ toa xe, gã leo lên khỏi hào và ngoằn ngoèo phóng về nhà xuyên qua những bụi cây rậm rạp. Người duy nhất từng đụng đầu gã ở đây là đại úy Flume. Tay này, hốc hác như hồn ma, đã làm gã chết khiếp vào một buổi chiều tối khi đột ngột xuất hiện từ một bụi mâm xôi để tố cáo rằng thượng sĩ White Halfoat dọa rạch toang cổ họng Flume đến tận mang tai.
“Anh mà còn làm tôi hết hồn lần nữa,” thiếu tá Major bảo gã, “thì chính tôi sẽ rạch toang cổ họng anh đến tận mang tai.”
Đại úy Flume há hốc miệng và biến ngay vào bụi mâm xôi, và thiếu tá Major không bao giờ bắt gặp gã ta nữa.
Khi nhìn lại những thành quả đạt được, thiếu tá Major rất hài lòng. Giữa vài héc ta trên đất khách, với hơn hai trăm con người chen chúc, gã đã thành công trong việc trở thành một kẻ ẩn dật. Với một chút sáng tạo và tầm nhìn, gã đã biến việc nói chuyện với gã trở thành bất khả đối với bất kỳ ai trong phi đoàn. Gã nhận ra rằng với mọi người như thế thực ra lại rất ổn, vì cũng chẳng có ai muốn nói chuyện với gã. Và hóa ra là chẳng có ai thật, ngoài gã điên Yossarian, kẻ đã phi thân quật ngã gã khi gã lẩn mình dưới hào đường tàu chạy về để ăn trưa.
Kẻ trong phi đoàn mà thiếu tá Major không muốn bị phi thân quật ngã nhất là Yossarian. Ở Yossarian có gì đó bất hảo thuộc về bản chất, y suốt ngày lèm bèm một cách trơ trẽn về cái xác thậm chí không tồn tại trong lều của y, lại còn cởi hết quần áo sau trận Avignon và cứ thế tồng ngồng đi lại cho đến hôm tướng Dreedle bước xuống gắn huân chương cho y vì hành động anh hùng trong trận Ferrara và phát hiện ra y đứng trần truồng trong hàng. Không ai trên đời có quyền dọn đống đồ đạc bừa bộn của người chết khỏi lều của Yossarian. Thiếu tá Major đã đánh mất thẩm quyền ấy khi cho phép trung sĩ Towser báo cáo lên trên rằng viên trung úy bị giết trong trận Orvieto chưa đầy hai giờ sau khi tới phi đoàn chưa từng đặt chân tới phi đoàn. Người duy nhất có quyền dọn đồ của anh ta ra khỏi lều của Yossarian, theo thiếu tá Major, chính là Yossarian, mà Yossarian, theo thiếu tá Major, không có quyền làm vậy.
Thiếu tá Major gầm gừ sau khi Yossarian phi thân quật ngã gã, và cố giãy giụa để đứng lên. Yossarian không để gã làm vậy.
“Đại úy Yossarian,” Yossarian nói, “xin phép được báo cáo thiếu tá ngay lập tức về một việc mang tính sống còn.”
“Cho tôi dậy đã,” thiếu tá Major cáu kỉnh ra lệnh. “Tôi không thể chào lại anh khi đang nằm đè lên tay mình.”
Yossarian buông gã ra. Họ từ từ đứng dậy. Yossarian chào lần nữa và nhắc lại lời thỉnh cầu.
“Vào phòng làm việc của tôi đi,” thiếu tá Major nói. “Tôi không nghĩ đây là chỗ phù hợp nhất để nói chuyện.”
“Vâng, thưa sếp,” Yossarian trả lời.
Họ giũ đá dăm khỏi quần áo và căng thẳng im lặng bước đi về cửa phòng cần vụ.
“Cho tôi một hai phút để bôi thuốc đỏ vào những vết xước này. Rồi anh bảo trung sĩ Towser cho anh vào.”
“Vâng, thưa sếp.”
Thiếu tá Major đường hoàng sải bước tới cuối phòng cần vụ mà không hề liếc nhìn bất kỳ thư ký hay nhân viên đánh máy nào đang làm việc tại bàn hoặc tủ tài liệu. Gã để cho tấm rèm dẫn vào phòng làm việc của mình buông xuống sau lưng. Ngay khi còn một mình trong phòng, gã lao thẳng đến cửa sổ để nhảy ra ngoài phóng đi. Gã gặp Yossarian chắn đường. Yossarian đang đứng đợi ở tư thế nghiêm và lại giơ tay chào.
“Đại úy Yossarian xin phép được báo cáo thiếu tá ngay lập tức về một việc mang tính sống còn,” gã nhắc lại đầy quả quyết.
“Yêu cầu bị từ chối,” thiếu tá Major bật lại.
“Tôi không chấp nhận.”
Thiếu tá Major nhượng bộ. “Được rồi,” gã yếu ớt đầu hàng.
“Tôi sẽ nói chuyện với anh. Tạt vào văn phòng tôi đi.”
“Mời sếp đi trước.”
Họ tạt vào phòng. Thiếu tá Major ngồi xuống, còn Yossarian đi lại trước bàn làm việc của gã và bảo rằng y không muốn thực hiện cuộc oanh kích nào nữa. Mình làm được gì đây? Thiếu tá Major tự hỏi bản thân. Tất cả những gì gã có thể làm là phục tùng chỉ đạo của trung tá Korn và hy vọng ở điều tốt đẹp nhất.
“Sao lại không?” gã hỏi.
“Tôi sợ.”
“Không có gì đáng xấu hổ cả,” thiếu tá Major ân cần khuyên bảo. “Tất cả chúng ta đều sợ.”
“Tôi không xấu hổ,” Yossarian nói. “Tôi chỉ sợ.”
“Chỉ có người không bình thường mới không bao giờ thấy sợ. Ngay cả những người can đảm nhất cũng từng trải qua cảm giác sợ hãi. Một trong những nhiệm vụ lớn lao nhất chúng ta phải đối mặt khi ra trận là vượt qua nỗi sợ.”
“Ồ, thôi nào, thiếu tá. Ta có thể bỏ qua mấy thứ rởm đời ấy được không?”
Thiếu tá Major bẽn lẽn nhìn xuống và vặn vẹo ngón tay. “Anh muốn tôi nói gì với anh bây giờ?”
“Rằng tôi đã làm đủ số nhiệm vụ và có thể về nhà.”
“Anh đã bay bao nhiêu lượt rồi?”
“Năm mươi mốt.”
“Anh chỉ cần bay bốn lượt nữa là đủ.”
“Ông ta sẽ tăng lên. Mỗi lần tôi sắp đủ ông ta lại tăng lên.”
“Biết đâu lần này thì không.”
“Đã bao giờ ông ta cho ai về đâu. Ông ta cứ giữ họ lại chờ lệnh luân chuyển, đến khi các phi hành đoàn thiếu người, ông ta liền tăng số lượt bay lên và quẳng tất cả trở lại chiến trường. Ông ta đã luôn làm vậy từ khi tới đây.”
“Anh không được đổ lỗi cho đại tá Cathcart vì lệnh luân chuyển đến chậm,” thiếu tá Major khuyên. “Trách nhiệm của Không lực Hai mươi bảy là phải giải quyết các lệnh điều động ngay khi nhận được.”
“Đại tá vẫn có thể đòi người thay thế và cho chúng tôi về nhà khi lệnh luân chuyển được phê chuẩn. Mà theo tôi biết Không lực Hai mươi bảy chỉ yêu cầu bốn mươi nhiệm vụ và vụ năm mươi lăm lượt này chỉ là ý riêng của đại tá.”
“Tôi không biết gì về chuyện đó cả,” thiếu tá Major trả lời. “Đại tá Cathcart là sĩ quan chỉ huy của ta và ta phải tuân lệnh đại tá. Tại sao anh không bay thêm nốt bốn lượt nữa xem thế nào?”
“Tôi không muốn.”
Ta có thể làm gì đây? Thiếu tá Major tự hỏi mình lần nữa. Ta có thể làm gì với một kẻ dám nhìn thẳng vào mắt ta và nói rằng y thà chết còn hơn bỏ mạng trên chiến trường, một kẻ chín chắn và thông minh ít nhất cũng bằng ta mà ta phải giả vờ là không bằng? Ta có thể nói gì với y?
“Giả sử cho anh chọn và anh sẽ chỉ phải đi đưa sữa,” thiếu tá Major nói. “Như vậy anh có thể bay bốn lượt mà không phải mạo hiểm chút nào.”
“Tôi không muốn đi đưa sữa. Tôi không muốn tham chiến nữa.”
“Anh muốn thấy tổ quốc mình thua trận sao?” thiếu tá Major hỏi.
“Chúng ta sẽ không thua. Chúng ta có nhiều quân hơn, nhiều tiền hơn, nhiều của cải hơn. Có mười triệu người lính có thể thay thế tôi. Có những kẻ đang thí mạng trong khi rất nhiều kẻ khác đang hái ra tiền và chơi bời thỏa thích. Cứ mặc cho thằng khác đi chết.”
“Nhưng nếu phe ta ai cũng nghĩ vậy thì sao?”
“Thì tôi chắc chắn sẽ là thằng đại ngu khi nghĩ khác đi, phải không?”
Ta có thể nói gì với gã này được đây? Thiếu tá Major day dứt. Một điều gã không thể nói là gã chẳng thể làm được gì cả. Nói rằng gã chẳng thể làm được gì cả tức là ngụ ý rằng gã sẽ làm một điều gì đó nếu có thể và ám chỉ rằng chính sách của trung tá Korn có sự bất công. Trung tá Korn đã hết sức rạch rời về điều đó. Gã không bao giờ được phép nói rằng gã chẳng thể làm được gì cả.
“Tôi rất tiếc,” gã nói. “Nhưng tôi chẳng thể làm được gì cả.”
27. Major cũng có nghĩa là Thiếu tá.
28. Drum Major: người dẫn đầu đoàn quân nhạc. Minor Major tức là Thiểu số Đa số, Sergeant Major là Thượng sĩ, C. Sharp Major là cung Đô thăng trưởng.
Bẫy-22 Bẫy-22 - Joseph Heller Bẫy-22