Chương 9: Bé Thu
ới hơn bẩy giờ sáng, đã có tiếng Lộc gọi ơi ới ở cửa sau trong khi Thuận đang tập thể dục trong vườn cạnh đó.
- Thuận ơi Thuận! Mở cho tao vào đi. Chú Hiệp có nhà không mày?
- Vào đi – Thuận kéo then cửa, nói – Chú Hiệp vừa đi làm tức thì đó.
- Tao tưởng chú còn nghỉ chớ. Thế là lỡ cả việc rồi. Tao định lại từ nẫy, nhưng ba tao sợ tới sớm quá, làm mất giấc ngủ của chú không tiện.
Thấy Lộc có vẻ lo buồn, Thuận hỏi săn đón:
- Có việc gì quan trọng mà mày buồn thỉu buồn thiu vậy?
Lộc thở dài đáp:
- Ba tao bảo tao lại gấp nhờ chú gỡ giùm cho ba tao một vụ rắc rối.
Nghe có tiếng người lạ nói chuyện léo xéo trong vườn, bà Hòa ngạc nhiên bước ra, hỏi:
- Ủa! Cháu Lộc, có việc gì mà rắc rối cho ba cháu?
Lộc chắp tay cúi đầu chào và thưa:
- Thưa bác, tối qua ăn cơm ở đây xong về nhà, cháu thấy ba má cháu ngồi nói chuyện nho nhỏ, thở vắn than dài và buồn rười rượi. Cháu hỏi mãi ba cháu mới bảo là bị tình nghi trong vụ mở tủ sắt ở biệt thự ông kỹ nghệ gia Vân. Ba cháu bảo: trong báo người ta nói bóng gió rằng quân gian để chữ ký lại sau khi ăn hàng với dụng ý thách thức cơ quan cảnh sát. Chữ ký đó chính là hộp quẹt máy và phong thuốc lá hút dở dang mà ba cháu để mất từ mấy hôm trước.
Bà Hòa nói:
- Vậy là có người cố ý đánh cắp mấy vật ấy của ba cháu, rồi đưa cho kẻ gian bỏ lại nhà ông Vân để đổ riệt tội cho ba cháu chứ gì. Nếu biết được người ấy là ai, truy ra là bắt được thủ phạm tức thì…
Bà an ủi tiếp:
- Cháu đừng lo. Trời không hại kẻ hiền lành, lương thiện đâu, thế nào người ta cũng tìm ra manh mối. Chú Hiệp hẹn bác chỉ đi một lát lại sở rồi về ngay chứ không ở đó hết buổi đâu vì chú còn đang nghỉ phép… Cứ yên trí ở đây chơi với em Thuận.
Chợt thấy bé Thu đứng lấp ló sau lưng anh nó, hai con mắt tròn và đen như hai hột nhãn trông thật dễ thương, bà quàng tay ôm con nhỏ vào lòng nựng nịu:
- Tội chưa! Cháu Thu đứng đây nãy giờ mà bác không trông thấy chớ! Nào để bác vào lấy xôi cho mấy anh em ăn nghe. Ăn sáng nhẩn nha, chú Hiệp về thì vừa đó, cháu Lộc.
- Dạ.
Rồi ba đứa nói chuyện bi bô, mải quá đến nỗi không nghe thấy tiếng xe Hiệp về.
- Mấy cháu còn xôi để phần chú không đó?
Nghe tiếng Hiệp từ nhà trên bước xuống nói giỡn, chúng giật mình ngửng nhìn, cùng reo:
- A, chú Hiệp đã về!
Hiệp lại vuốt tóc Lộc và bồng bé Thu lên thơm vào đôi má phính hồng.
- Thưa chú – Lộc nói – ba cháu sai cháu sang thưa chuyện với chú về cái vụ ở nhà ông Vân hôm qua.
- Ờ – Hiệp đáp – hôm qua đọc báo chú cháu mình vô tình đâu có biết là dính dáng cả đến ba cháu nữa. Sáng nay lại sở chú mới hay.
- Vậy ba cháu có sao không chú?
Hiệp gạt đi:
- Ăn nhằm gì đến ba cháu nữa đâu mà lo cho mệt!
Lộc rụt rè thưa:
- Chiều qua, ông Quận trưởng có lại sở ba cháu gặp ông Tổng giám đốc để điều tra. Xong rồi còn mời ba cháu qua Ty làm tờ cung khai rành rọt nữa.
- Thể lệ phải như vậy đó cháu – Hiệp nói – Nhưng ba cháu đâu có bị đe dọa. và đâu có bị bắt giữ hay làm khó dễ điều gì. Cháu về thưa với ba cháu thế này nhé: Nước ta có Hiến Pháp đàng hoàng. Và Hiến Pháp tôn trọng quyền tự do của mọi công dân. Cảnh sát bây giờ không phải là một công cụ của bọn thống trị dùng để đàn áp dân bị trị. Trái lại, nó là một cái bánh xe trong guồng máy nhà nước có phận sự lo an ninh cho đồng bào. Cán bộ cảnh sát bây giờ đâu có phải là bọn vũ phu chỉ biết lấy đấm đá làm đầu, mà trái lại họ là những người có học, biết tôn trọng luật pháp hơn ai hết… Cháu nghe kịp không?
- Dạ kịp – Lộc thưa – cháu hiểu và cháu nhớ.
- Ngay như việc rắc rối của ba cháu – Hiệp tiếp – Có thể nói là có chứng cớ rành rành, ấy thế mà ông Cò Thành thấy ngay là ba cháu oan. Ông ấy mời ba cháu qua Ty nhưng dặn kỹ đừng ra khỏi sở cùng một lúc với ông Cò sợ có người độc miệng phao lên rằng ba cháu bị bắt. Bao nhiêu đó đủ thấy những tự do cá nhân của ba cháu không bị đe dọa mà thanh danh của ba cháu cũng chẳng hề bị thương tổn chút nào…
Thôi, bây giờ cháu Lộc lấy xe của Thuận, đạp tới sở nói cho ba cháu yên tâm đi. Nội nhật ngày hôm nay câu chuyện sẽ ngã ngũ và ba cháu sẽ không còn bị dính líu vào vụ rắc rối ấy bất cứ về phương diện nào…
- Vâng, cám ơn chú – Lộc vui vẻ thưa – lại ba cháu xong, cháu tạt về qua nhà nói cho má cháu mừng. Xong rồi, cháu lại đây chơi với anh Thuận.
Chạy tìm bé Thu đang tha thẩn chơi một mình ở góc nhà, Lộc hỏi:
- Bé có muốn về nhà bây giờ với anh không? Về anh chở về…
Bé Thu lắc đầu phụng phịu:
- Bé hổng về đâu. Chưa chơi được tí nào đã bắt về!... Anh tư về trước đi, em chơi ở đây với anh Thuận chị Thuần đến tối cơ…
Bà bác sĩ Hòa tươi cười reo lên:
- Phải rồi, bé Thu ở đây chơi với anh Thuận chị Thuần đến tối. Anh Lộc đi cho xong việc đi rồi về đây ăn cơm với hai bác nhé.
- Dạ. Thưa bác cháu đi, thưa chú cháu đi…
Lộc đi khỏi, bé Thu không sợ bị ai quát mắng nữa, sà ngay vào lòng Thuận nũng nịu:
- Anh Thuận chơi trò bịt mắt với bé Thu đi!
Thuận không có em nên cưng chiều bé Thu hơn anh ruột nó. Cũng có lẽ vì không có em nên mặc dầu lớn xác, thuận vẫn giữ được tính “con nít” hơn những đứa cùng tuổi có nhiều em thường tỏ ra vẻ “ông cụ”.
Nó thường sà vào lòng mẹ bắt đền mẹ phải cho nó một thằng em trai để chơi đánh lộn cho thỏa thích. Có lúc mẹ nó cười chẳng nói gì, nhưng cũng có lúc bà buồn bã xoa lưng nó và bảo: “Tại con học hành tệ quá, ba con sợ có thêm một đứa tối dạ như vậy nữa thì làm sao? Rồi ba than thở với má: Đối với một người cha, sự trừng phạt nặng nề nhất là có một đứa con dốt nát.”
Hai giọt nước mắt nhỏ xíu như hai hạt minh châu từ đôi mắt bồ câu của bà rơi xuống vỡ tan trên má thằng Thuận vừa ngửa mặt lên. Nó cũng rưng rưng nước mắt:
“Con xin lỗi má! Nào con có muốn thế đâu! Tại con học không vô. Hay là nó có vô nhưng mà nó không chịu ở lại… Ba còn nói gì nữa không má?”
Bà vỗ vỗ vào lưng con an ủi: “Ba giận thì ba nói thế, nhưng ba nguôi ngay và ba lại thương con. Ba thường khen: thằng Thuận thế mà ngoan. Anh cũng mừng. Vì học hành giỏi giang mà hư thân mất nết mới thật là vô phước. Vậy xét cho cùng, phải nói: Đối với một người cha, sự trừng phạt nặng nề nhất là có một đứa con hư hỏng.”
Thằng Thuận ôm chầm lấy mẹ, xúc động, thổn thức: “Con cố gắng, một ngày kia con sẽ sáng dạ, nhưng con vẫn cứ ngoan hoài…”
Rồi nó lại phụng phịu: “Con không thích em trai nữa đâu má! Nhỏ quá làm sao chơi đánh lộn ngang sức với con được! Má cho con một em bé gái xinh xinh như bé Thu nghe, má!...”
Có tiếng bé Thu giục nó bầy trò chơi mới. Nó lên lầu rủ chị Thuần. Chị bận học không chịu xuống, nó phải chạy đi kêu mấy đứa nhỏ trong xóm vào cùng chơi cho vui.
- Mấy đứa chơi không được làm ồn nghe – nó dặn – Ra sau vườn, xa nhà, chơi cho rộng rãi…
Chơi đang vui, bỗng có tiếng chị Thuần trên lầu kêu chõ xuống:
- Thuận! Còn mấy bài toán ông nội ra, làm chưa?
- Chưa.
- Thì lo làm đi chứ. Chơi mãi. Ông nội bảo không được, ông nội buồn à!
Thuận tiu nghỉu lấy sách ra lúi húi làm bài, bỏ mặc mấy đứa nhỏ nô đùa quanh mấy gốc cây ăn trái ở cuối vườn.
Bé Thu nhỏ nhất trong bọn nhưng cũng tinh ranh nhất, lại thông thuộc nhất những chỗ khuất trong khoảnh vườn rộng thênh thang.
Nhưng những chỗ trốn kín nhất, chơi mãi chúng nó cũng biết hết. Phải kiếm xó xỉnh nào chưa đứa nào biết mới hay. Bé Thu lần lần mò ra được lối lách qua hàng rào sang vườn nhà bên cạnh.
Ở đó, vườn rộng mênh mông. Có nhiều thân cây lớn, tha hồ mà nấp. Xa xa, lại còn một căn nhà gỗ vuông vức, trốn ở mé sau có trời mới tìm thấy. Chạy ở chung quanh đó, đố đứa nào bắt được!
Nó hí hửng nấp hết nơi nầy đến nơi khác trong khi các bạn nhỏ của nó nhớn nhác không tìm thấy con bé xí xọn đâu.
Ánh Nắng Nhiệm Màu Ánh Nắng Nhiệm Màu - Chân Phương Ánh Nắng Nhiệm Màu