Đồng Thanh Tương Ứng
óm Tà Lốc nằm trơ vơ gần khu rừng tràm, trên khoảng đất hoang dài gần năm chục cây số ngàn, giữa chợ Rạch Giá và Hà Tiên, theo vịnh Xiêm La.
Thời Pháp thuộc, dân chúng xóm ấy sống biệt lập: bắt cá, đốn củi đủ ăn ngày nào hay ngày ấy. Nếu cần mua sắm vài vật dụng cần thiết, họ ngồi tại nhà mà chờ đợi một chú Huê kiều. Chú ta quảy gánh gióng, bán nào kim chỉ, lưỡi búa, đường thẻ, thuốc rê. Đặc biệt nhứt là loại kéo tàu, rèn tại chợ Rạch Giá. Ai không tin thì cứ mua thử một cây kéo đó, để dành trong rổ may. Kéo sống dai hơn kiếp người, và từ thưở cô gái mới về nhà chồng, cho tới khi có con có cháu, chết vô hòm mà kéo vẫn chưa lụt - nếu cây kéo đó không bị đánh mất.
Cách vài ngày, chú Huê kiều đi qua xóm một lần. Tuy chú ta bán hàng với giá đập đổ, dân trong xóm Tà Lốc chẳng ai than phiền. Thưở ấy, đường giao thông dường như không có. Chú ta đi bộ suốt hai mươi cây số, qua vùng đất phèn đầy muỗi mòng rắn rít và đầy kẻ lương thiện - những kẻ lương thiện nhưng nổi máu bất lương từng chập. Lắm khi, chú Huê kiều bị gãy gánh giữa đường thương mãi: hàng hóa và tài sản bị tịch thâu, thân xác chú ta còn chịu thêm trận đòn nhừ tử, kêu trời thì không thấu, kêu làng lính ở tận đâu đâu. Thà là nhịn nhục để ngày mai tiếp tục hành nghề. Dân trong xóm lần hồi thương mến chú Huê kiều. Khi đi qua xóm, chú ta rao hàng nghe lơ lớ, não ruột:
- Kéo tàu! Ké....éo tàu!
Trẻ con bu lại, cười giỡn. Chú Huê kiều sẵn sàng cho mỗi đứa một cục kẹo nhỏ rồi rảo bước, để lại giọng rao:
- Kéo tàu! Ké....éo tàu!
Nhưng ánh sáng văn minh lần lần soi rọi bên hè xóm Tà Lốc. Vào những năm kinh tế khủng hoảng, chính phủ thuộc địa đã cố gắng biểu dương uy thế bằng cách cho xáng múc, đào con kinh thẳng tắp dọc theo duyên hải vịnh Xiêm La, nối liền chợ Rạch Giá lên chợ Hà Tiên, phía bắc. Lần hồi, khi đào xong xuôi, lịnh của quan chánh tham biện chủ tỉnh truyền ra, quan chủ quận liền chạy tờ về làng, làng chạy trát xuống ấp Tà Lốc.
Đại ý như sau:
Trát cho hương ấp Tà Lốc tuân cứ: Tới ngày.... tháng.... năm.... nhà nước làm lễ ăn khánh thành con kinh quản hạt Rạch Giá - Hà Tiên. Quan Toàn Quyền Đông Pháp đích thân đi trên tàu, theo con kinh này. lần đầu tiên, con dân ấp Tà Lộc được ddón rước trọng thể quan Toàn Quyền Đông Pháp đại thần. Vậy đúng hừng đông nói trên, dân đinh trong ấp phải tề tựu ngay bờ kinh xáng, tại chợ, gần chỗ bàn hương án của hương chư'c hội tề đặt ra. Hương ấp phải truyền rao cho dân trong xóm được rõ rồi phúc bẩm cho làng biết. Nếu bất tuân sẽ bị khiển trách.
Nhận được trát nọ, hương ấp Thum đi tới lui thăm viếng từng nhà để vừa uống rượu, vừa làm công tác. Chú ta mở đầu câu chuyện:
- Ngày mốt, mình nên đón rước quan Toàn Quyền đại thần. Bà con thấy làm sao?
Ai nấy nhao nhao phản đối, trình ra nhiều bằng cớ xác đáng:
- Tụi tôi quần áo lem luốc, tay lấm chơn bùn. Vả lại, chưa đóng giấy thuế thân. Rủi có bề gì thì... phải làm sao?
Hương ấp Thum cười khì:
- Hỏi thử cho biết vậy thôi. Một mình tôi thay mặt tất cả bà con, đủ rồi. Nói chí tình, nếu bà con kéo nhau ra bờ kinh xáng, đứng khoanh tay gần bàn hương án để đón rước thì chắc thiên hạ cũng đuổi bà con trở về xóm, trước khi quan đại thần đến.
Nhưng dường như bà con trong xóm Tà Lốc hơi buồn phiền điều gì mơ hồ:
- Tụi tôi chưa được thấy mặt "tây u" và tàu bè tối tân của nước Pháp. Ai cũng muốn đi cho vui ngặt còn món nợ... quần áo và thuế thân. Chẳng hay quan Toàn Quyền đại thần có ghé lại xóm mình để uống nước trà.... lấy thảo hay không?
Hương ấp Thum đáp:
- Ghé làm gì?
- Bộ thầy rảnh lắm sao? Mục đích của ông là tới chợ Hà Tiên cho mau. Nếu mỗi xóm mỗi ghé thì chừng nào mới tới nơi tới chốn?
Thế là đêm đó xong xuôi, ai về nhà nấy. Dân chúng nói một câu thòng:
- Thầy hương ấp cứ vui đi. Tụi tôi leo lên nóc nhà, hoặc trèo lên ngọn cây để coi tàu của Tây chơi, cho biết....
Hương ấp Thum quày quả trở lại:
- Tôi không dám bảo đảm à. Đừng thậm thò thậm thụt như vậy. Ở dưới tàu, có ống dòm. Họ thấy xa lắm.
Một người trả lời:
- Thầy đừng lo. Từ đây ra tới kinh xáng, xa hơn hai chục công đất. Vả lại, tụi tôi núp sát mái nhà, hoặc đeo dính trên ngọn cây. Ở dưới tàu dòm lên quan Toàn Quyền đại thần cho rằng tụi tôi là rùa bò trên mồ mả, hay là con dơi, con quạ đeo nhánh cây.
Đến nhà việc làng Sóc Sơn, hương ấp Thum nhờ chú biện thảo tờ phúc bẩm. Đại ý, hương ấp cho rằng dân xóm Tà Lộc bận việc đốn cây, mò cua...v..v.. Hương chức làng chẳng mảy may phiền hà.
Trong thâm tâm, họ chẳng bao giờ muốn cho dân trong xóm Tà Lốc đi nghinh đón quan trên. Đó là hạng người không kỷ luật trật tự gì ráo. Dân chúng xóm chợ gần công sở cũng khá đông rồi. Thêm vào đó, mỗi tiệm phố đều sẽ treo cờ tam sắc.
Ai cần gì mời số người ở xóm Tà Lốc, không mợ chợ cũng đông. Trời vừa rực sáng.
o O o
Dân chúng xóm Tà Lốc đã kêu réo nhau inh ỏi:
- Thức dậy, anh em ơi!
- Tàu chưa tới mà. Thức thì thức.
- Tụi mình là "phó thường dân" xứ Nam kỳ, lâu lâu chào mừng quan trên: Chắc còn lâu lắm. Chừng này mặt trời mới ló dạng. Chắc quan Toàn Quyền đại thần đang ăn uống tại chợ Rạch Giá. Cỡ bốn giờ, mới tới.
Một ông lão khôi hài:
- Thiệt là dị hợm, kinh xáng đào rồi thì... là rồi. Còn bày đặt ăn khánh thành giống như nhà vua làm lễ hạ điền. Làm như không có ông Toàn Quyền đi thử thì nước không chảy.
Có người hô to:
- Phía chợ vui quá hé?
- Nóc nhà của tôi mới lợp, cột kèo bằng cây danh mộc... lậu thuế. Ai muốn dưỡng già thì trèo qua nóc nhà tôi cho vui.
- Bậy nè! Lớn đầu mà còn dại. Ngồi trên nóc nhà, rồi hút thuốc, nguy hiểm lắm. Tại sao mình không ngồi trên cháng ba của cây xoài, cao hơn nóc nhà!
Chờ lâu quá nhiều người đâm ra nản chí. Họ tuột xuống đất, vô nhà uống nước cho thấm giọng rồi lại trèo lên. Đám trẻ càng xông xáo hơn. Chúng nó ở truồng, lén ra ruộng, cỡi trâu, đánh thẳng tay cho trâu sãi tới sãi lui. Rồi mòn mỏi, chúng nó nằm ngửa, phơi nắng trên lưng trâu để chờ đợi, sát kinh xáng trở về xóm.
Chuyện gì đến là đến! Vào khoảng tám giờ rưỡi sáng, đoàn tàu ăn lễ từ từ tiến tới. Dân xóm Tà Lốc hò reo, chỉ trỏ. Họ hối tiếc vì đã ngồi nhà. Tàu quá nhiều, chạy giăng hàng dài treo bông treo tụi đủ màu sắc. Đếm kỹ thì thấy hơn mười cái ống khói đen ngòm, tức là mười chiếc tàu.
Pháo đại, pháo tre, pháo trống... nổ vang rền tại chợ. Nổ suốt năm mười phút mà chưa dứt... Sau một hồi lẹt đẹt thì pháo lại rộ lên như con thú sắp đứt hơi cố gắng rống lên những tiếng cuối cùng vừa to, vừa dài....
Một người nghĩ ra sáng kiến:
- Mấy đứa chăn trâu ơi! Tụi bay thử cỡi trâu, cho trâu sãi thật lẹ, coi họ làm gì ở ngoài chợ.
Vài đứa trẻ le lưỡi:
- Ngán lắm. Họ bắt tụi tôi không?
- Tụi bây là... con chó gì mà bắt. Thứ con nít ở truồng mà tưởng mình như người lớn.
Bọn trẻ bàn bạc:
- Mấy ông Tây ưa bận quần áo trắng, đội nón trắng. Tụi mình sợ trâu nó ghét màu trắng. Nhè trâu chém ông Chánh soái thì nguy.
Một người lớn quát to:
- Nói tầm phào hoài. Làm như tụi bây quan trọng lắm. Chưa ra tới đó là thiên hạ đuổi tụi bây rồi. Cứ ở gần lấp ló, coi lén vậy mà. Hơn nữa, chưa chắc Ông Toàn Quyền Chánh Soái chịu lên bờ uống rượu đế với ông đại hương cả. Tàu chạy qua rồi chạy luôn... Không lẽ tàu chạy ngã khác.
Thế là bọn trẻ mục đồng được yên tâm: "Tụi tôi ham lắm". Mấy người lớn nhìn theo, căn dặn:
- Về cho gấp, nói đầu đuôi cuộc lễ cho mấy thằng già này nghe chơi.
Hơn năm bảy con trâu xóm Tà Lốc sãi nhanh ra công sở, mang trên lưng những sứ giả bé bỏng.
Đột nhiên, tiếng "súp lê" nổi lên inh ỏi:
- Tu... tu... Tu!.... uuu....
Dân xóm Tà Lốc khoái chí, vỗ tay:
- Đó là quan Toàn Quyền Chánh Soái chào mừng bà con xóm Tà Lốc? Hay quá! Trời ơi! Khói lên từng cuộn đen thui.... Coi mê quá.
Tiếng tu tu... cứ vọng rền.
Một anh chàng có vẻ thông thạo:
- Luật quốc tế mà! Họ chào mình theo luật quốc tế là cứ súp lê hoài...
Chiếc tàu dẫn đầu ngừng lại. Mấy chiếc sau cũng ngừng, dường như chẳng dám qua mặt.
- Đúng rồi! Tàu của quan Toàn Quyền Chánh Soái. Ổng ghé lại chợ....
Một ông lão thở dài:
- Các cha ơi. Quan Chánh Soái chào mấy ông hương chức hội tề chớ nào chú ý tới bọn mình. Đừng hí hởn mà buông tay, té gãy giò nghe các cha. Con nít quá vậy.
Nhưng bọn người háo thắng vẫn bàn bạc. Họ nghĩ mơ màng đến mấy ông hương chức hội tề. Nào ông cả Bon, ông chủ Xìa, Ông Xã Mực, ông thầy giáo Kiết, ông ban trưởng Huê kiều - Ông ban Xinh. Tất cả đang cúi đầu, lưng hơi khom, hột tay đưa ra để đón bàn tay ông Tây. Còn tay kia thì sờ lên ngực, ngay quả tim già, như để tỏ tình... Pháp - Việt đề huề!
Vài phút sau, tàu "súp lê" vang dội như để tạm biệt. Từng chiếc một từ từ di chuyển. Mặt kinh xáng lấp lánh... Mỗi chiếc tàu là một ống khói đen, phun làn khói mỗi lúc một mỏng mịn. Khói vương vít, bay chập chờn trên nền mây trắng, che khuất từng chập vài bóng diều quạ.
Bỗng nhiên một người quát to:
- Thấy mẹ rồi! Còn một chiếc Ở lại. Neo luôn tại chợ. Hay mấy ổng dòm thấy tụi mình trong này làm điều vô lễ! Vô lý quá. Kìa....
Từ phía chợ, bầy trâu phóng nước sãi, trở về xóm Tà Lốc.... Ai nấy phập phồng chờ đợi. Tin mừng hay tin buồn! Chẳng lẽ quan Toàn Quyền nghe ngóng được tiếng nói xa xôi của bọn người vô danh núp trên nóc nhà, trên ngọn cây, như rùa bò, như quạ đậu. Lạ thật. Trên con trâu dẫn đầu, có tới hai người. Một thằng bé và một người lớn.
Kìa! Trâu đã tới. Người lớn ấy ngồi vênh váo, như quen như lạ, chưa ai nhìn được hắn là ai!
Đúng rồi! Hương ấp Thum. Thầy ta trở về xóm để làm gì mà hấp tấp như vậy. Giống như mấy ông tướng Tây cỡi ngựa phi báo, cấp báo!
Mồ hôi tuôn ra nhễ nhãi đầy mặt hương ấp. Vừa nhảy xuống lưng trâu, thầy ta la lớn:
- Đánh mõ lên cho dân chúng tụ họp. Chuyện sanh tử lắm. Đợi cho đủ mặt, tôi mới nói, đâu phải chuyện giỡn. Tài sản của nhà nước!
Ai nấy đều ngơ ngác, tuột xuống đất, ngồi chồm hổm, sắp hàng hai để chờ lệnh. Gương mặt hương ấp Thum trông vừa đáng ghét vừa tội nghiệp. Bỗng dưng mà thầy ta lên giọng đàn anh.
Có người hỏi:
- Có gì vậy?....
Hương ấp Thum im lặng, thở hổn hển. Một ông kỳ lão với giọng đàn anh kẻ cả:
- Cái gì vậy mầy Thum?
- Dạ... Dân xóm Tà Lốc chưa làm phận sự.
Ông kỳ lão quát:
- Phận sự gì? Hay là ông Chánh Soái giận tụi tao, chỉ tụi tao vô lễ, ngồi trên ngọn cây....
Hương ấp Thum nói:
- Dạ, dân xóm Tà Lốc phải ra sức... kéo tàu.
- Tàu gì mà kéo? Ai nấy giương mắt tròn xoe.
- Để người ta nói hết cho mà nghe. Số là đoàn tàu của quan Toàn Quyền đại thần bị trục trặc. Một chiếc bị tắt máy dọc đường, nhờ chiếc khác quăng đổi giòng tới đây rồi bỏ lại. Chẳng lẽ họ dòng chiếc tàu bịnh hoạn đó lên tới Hà Tiên thì mất thể diện cho "máy móc" của quan lớn quá, thiên hạ sẽ dòm hành chê bai. Bởi vậy, chiếc tàu họan nạn đó nằm tại chợ. Thầy hương quản giao cho tôi nhiệm vụ kéo chiếc tàu đó....
- Ủa! Sao lại dân xóm Tà Lốc!
Hương ấp Thum đáp:
- Dân xóm chợ đã góp tiền, đốt pháo và đóng thuế đầy đủ. Mấy chục năm nay dân xóm Tà Lốc chưa làm gí ích lợi cho nhà nước. Vậy thì...
- Kéo lên bờ hay kéo đi đâu? Chiếc tàu đó bao lớn?
- Dạ... Kéo về chợ Rạch Giá. Bà con nghĩ dùm. Sức một mình tôi làm sao kéo nổi chiếc tàu sắt về chợ Rạch Giá, xa hơn mười lăm cây số.
- Bậy nè! Ai hơi đâu mà làm chuyện bá láp. Tại sao mình không kéo chiếc tàu đó vô bờ mời mấy ông bác vật tới sửa máy. Hoặc chuyến về, mấy ổng dòng tàu về...
- Dạ, nghe đâu quan Toàn Quyền đại thần đi tuốt lên Nam Vang, về theo nẻo khác. Bà con nghĩ dùm.
Ai nấy suy nghĩ: Kéo thì cứ kéo, ngại gì! Nhưng còn cái tội trốn thuế thân, từ nhiều năm. Nhiều tay tiều đốn củi quá lâu, nhiều chàng thanh niên một vợ ba con... chưa được hân hạnh ghi tên vô bộ sổ của nhà làng.
- Dễ quá. Tôi bảo lãnh dùm! - Hương ấp Thum nói.
o O o
Thế là bọn trai tráng sắp hàng, ra bờ kinh xáng để kéo tàu, trước là xem tàu của quan trên cho biết nó nặng nề đến mức nào, sau là để làm phận sự con dân thuộc địa.
Chiếc tàu quá nặng. Mấy sợi dây đỏi sắt cũng không nhẹ. Nước chảy ngược. Gió thổi ngược.
Hơn năm chục người nai lưng "hố bụi", đưa chiếc tàu liệt máy nọ về chợ Rạch Giá. Mệt và đói quá chừng. Kéo tàu sắt khác hẳn chèo ghe. Làm sao thảnh thơi mà ca vọng cổ. Đến canh một, canh hai đêm ấy, chiếc tàu mới xê dịch được hai phần ba lộ trình. Cũng may, hương chức hội tề đã chú ý.... ban cho dân ấp Tà Lốc năm đồng bạc để mua bánh tét, bánh lá dừa. Ăn tạm no. Nhưng làm sao tìm nước uống? Nước dưới kinh xáng mặn đắng, chua chát quá chừng. Hễ ghé vô là chủ nhà hoảng sợ. Năm chục người uống hết nửa lu nước!
Nhứt là chuyến đi bộ trở về.
Dưới ánh trăng thanh, họ ca hát lai rai. Ai đủ sức thì cứ đi cho nhanh, về nhà cho vợ con mừng. Ai yếu đuối thì ngủ bờ ngủ bụi. Vài người mang bịnh cảm mạo, bắt gió vần công. Khổ thay! Mười lăm cây số bận về là cả một điều khổ nhục. Muỗi cắn quá chừng. Hồi ra đi, họ quên mang theo cái nóp.
Rốt cuộc, chẳng ai ngủ mê hoặc chết dọc đường. Suốt đêm, họ đi lang thang nhắm hướng Tà Lốc. Chốn quê hương đẹp hơn cả! Đúng vậy. Vài người chửi rủa hương ấp Thum, cho rằng thầy ta muốn lập công đầu với nhà nước Pháp. Khi tàu tới chợ Rạch Giá, hương ấp Thum cút mất, vô quán ăn hủ tíêu một mình. Và lúc kéo tàu, thầy ta ngồi trên tàu, hò hét, ngồi bên cạnh coi người lái. Khoẻ quá.
Đêm ấy, vì mình mẩy rêm nhức, dân kéo tàu đánh một giấc ngon lành trên giường thê nhi.
Nhưng lúc bình minh vừa ló dạng, từ đầu xóm vang lên tiếng mơ hồ:
- Kéo tàu! Ké...éo tà...àu!
Ai nấy nhẩy nhổm, mở cửa sau mà chạy, sau khi... trăn trối với vợ con:
- Trời! Mới kéo một chuyến mà mệt đuối. Kéo thêm chuyến nữa chắc chết luôn. Má bầy trẻ nhớ nói rằng tôi đi đốn củi rồi nghe. Tổ cha... thằng hương ấp Thum!
Tiếng gọi mơ hồ cứ lan xa, rõ rệt trong sương sớm:
- Kéo tàu.... Kéo tà...àu!
Ngồi sau khe cửa, các bà hiền phụ nín thở, quan sát, chờ bóng dáng của hương ấp Thum. Tại sao hắn không đánh mõ?
Nhưng hỡi ôi! Các bà cười vang. Tiếng "kéo tàu" nọ xuất phát từ cổ họng của anh Huê kiều quen thuộc, bán kéo tàu, kim chỉ và tặng kẹo ngọt cho trẻ con. Hắn ngơ ngác, thấy các thân chủ đều đóng cửa, ngủ trưa. Tại sao các thân chủ "tẩy chay" đột ngột như vậy? Nhứt là các thân chủ ấy còn thiếu chịu của hắn một số tiền ngày càng to. Hắn bực dọc khi nghe tiếng cười, tiếng chửi thề. Nhưng hắn trung thành với nghề tổ, hắn cứ rao to, rao cho hả giận để đánh thức lương tâm dân chúng xóm Tà Lốc!
- Kéo tàu! Kéo tàu....àu!.....
26 Truyện Ngắn Sơn Nam 26 Truyện Ngắn Sơn Nam - Sơn Nam 26 Truyện Ngắn Sơn Nam