Một Tòa Tháp Cao Bằng Sắt Ở Trung Tâm Thế Giới
hế nhưng các bài giảng lại thu được thành công lớn. Yersin chỉ nói vài từ nhất thiết phải có. Phần còn lại nằm ở khả năng quan sát. Trước mỗi sinh viên, một trợ giảng mang dáng dấp của một nhà ảo thuật hay quản lý quán ăn, đặt một khay nhôm rồi nhấc nắp tròn bằng thủy tinh lên. Họ đeo găng tay và thao tác trên một con vật thuộc loài gặm nhấm nào đó chết vì một trong số bệnh nhiễm trùng có trong chương trình học. Bơm kim tiêm xuyên qua lớp lông. Họ cho những giọt máu bị nhiễm độc chảy trên các tấm kính rồi đặt xuống dưới kính hiển vi.
Roux nhận giảng hai bài đầu tiên về vi trùng học còn Yersin đảm nhiệm hai bài sau đó, về vi khuẩn. Tin này đã được thông báo trong suốt nhiều tháng trên các tạp chí y học và các báo toàn thế giới. Đó là thời đại mới của dây cáp ngầm dưới biển. Các bác sĩ nhảy lên những con tàu biển rồi đổ bộ xuống các bến cảng Bordeaux, Saint-Nazaire và Cherbourg, chuyên đón tàu xuyên Đại Tây Dương. Tại các nhà ga ven biển họ lên tàu hỏa đi vể Paris. Những khóa học hè này trùng với kỳ Triển lãm toàn cầu và dịp kỷ niệm một trăm năm Cách mạng Pháp, đỉnh cao của thời kỳ Ánh Sáng.
Paris trở thành thủ đô thế giới về y học, và ở trung tâm của nó Viện Pasteur mới toanh xây bằng gạch đỏ chính là ngọn hải đăng của Tiến Bộ. Mọi thứ đều mới, sàn nhà đánh xi bóng và các bàn thí nghiệm tráng men sáng loáng. Đá rửa và mặt tiền theo lối Louis XIII. Hình thành ý tưởng là sẽ xây dựng các Viện Pasteur ở nước ngoài và tiến hành các chiến dịch tiêm vắcxin phòng ngừa và chữa bệnh. Trước mặt Yersin, trong căn phòng lớn chiếu sáng nhờ những cửa sổ cao gồm nhiều ô vuông nhỏ, là nhiều bác sĩ người Pháp làm tại bệnh viện, nhưng cũng có cả một người Bỉ, một người Thụy Điển, một người Cuba, ba người Nga, ba người Mêhicô, một người Hà Lan, ba người Ý, một người Anh, một người Rumani, một người Ai Cập và một người Mỹ. Đếm kỹ nhé: mười hai quốc tịch nhưng không có lấy một người Đức. Điềm báo chẳng lành chút nào.
Đôi khi người ta nhìn thấy, trên cái sân rải sỏi trồng cây dẻ non, ông già mắc chứng bán thân bất toại vận rơđanhgốt màu đen và đeo nơ bướm, đã là một huyền thoại sống, ngồi sưởi nắng trên một ghế dài. Người ta tìm cách được chụp ảnh cùng ông. Người ta sẽ trưng ảnh trong phòng chờ, cạnh tấm bằng chứng nhận mình là người theo phương pháp Pasteur. Với Yersin chuyện này thật nản. “Thật buồn chán, mất thời gian kinh lên được. Ở bài giảng đầu tiên của con có ông Pasteur, ông Chamberland và nhiều người oai vệ nữa. Hình như ông Pasteur rất vui lòng.”
Sau bài giảng, chàng thanh niên ra kè sông Seine đi dạo một mình. Chòm râu đen và cặp mắt xanh. Vào mùa xuân, bài báo thứ ba của anh đã được đăng, về bệnh bạch hầu. Thiên tài của Yersin không suy giảm và ánh sáng còn chưa lụi tắt. Là cư dân đầu tiên của Viện, anh chọn căn phòng đẹp nhất ở trong góc, tràn ngập ánh sáng, anh thích sự tiện nghi khi nào có thể. Anh đã lắp đặt các nồi đun và nồi chưng, nhận về các lô hàng toàn đồ thủy tinh. Mùa hè năm ấy người ta dựng tượng Danton ở ngã sáu Odéon nhân dịp kỷ niệm một trăm năm Cách mạng Pháp. Ở Champ-de-Mars và suốt dọc bờ kè Orsay, người ta trưng bày những thành quả của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của cả nền văn minh, mà nói thẳng là của Pháp luôn cũng được, xòe lên thế giới đôi cánh trắng vĩ đại thiên tài của nó. Trên lối đi dạo trước điện Invalides, Bộ Chiến tranh và Bộ Thuộc địa đã chi tiền để dựng các ngôi làng Senegal hay Tahiti, Tunisia hay Campuchia, mang cả các cư dân về đây, để trưng bày tại thủ đô những vùng đất biên giới xa lắc của Đế chế. Tất tật những việc ấy muốn mang tính chất toàn cầu song lại là bằng chứng cho một thứ chủ nghĩa dân tộc to lớn. Đối với một người Thụy Sĩ, đó vẫn cứ là nghịch lý của tính toàn cầu Pháp, nằm ngay trong Tuyên ngôn của họ: ý thức hệ Pháp này với người nước ngoài luôn luôn có vẻ kỳ cục đến mức nó chứng tỏ, chính tại điểm đó, là không tuyệt đối toàn cầu.
Trong Gian bày máy móc, Yersin mở quyển sổ ghi chép của mình ra, tất cả những thứ này hấp dẫn anh ngang với y học: những hầm mỏ và ngành luyện kim, các thứ máy công cụ, việc đóng chai nước khoáng, xây dựng dân dụng và công trình công cộng. Anh hình dung việc nghiên cứu như thế này: chỉ cần quan sát là đủ, và Yersin quan sát rất nhiều. Sau này anh sẽ quan tâm đến các thứ máy móc giống như từng quan tâm đến những con diều, tháo chúng ra, lắp chúng lại, cải tiến chúng, làm vậy luôn luôn chắc chắn hơn là đọc bản hướng dẫn sử dụng. Thời đại này thuộc về chủ nghĩa lạc quan kiên quyết. Gustave Eiffel và Jules Verne. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Jules Verne, Paris thế kỷ 20, là một sự tố cáo Tiến Bộ, một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đầy chất bi quan tận thế, nghệ thuật và văn chương bị phá hủy và làm nhục bởi khoa học kỹ thuật. Thất bại hoàn toàn. Phải tích cực hơn, Hetzel (Pierre-Jules Hetzel (1814-1886), chủ nhà xuất bản, người in rất nhiều tác phẩm của nhà văn Jules Verne) tinh ranh khuyên nhủ nhà văn, hết thời chủ nghĩa lãng mạn đen rồi. Hãy ca ngợi khoa học và máy móc. Jules Ferry (Jules Ferry (1832-1893): Thủ tướng Pháp). Giáo dục dân chúng. Ngụ ngôn về thuyết Descartes. Và đã tới ngày Mười Bốn tháng Bảy, dịp kỷ niệm trăm năm. Một thế kỷ sau khi chiếm ngục Bastille, và đốt các kho thuốc súng để chiếu sáng bầu trời Paris, người Pháp trở nên hiền hòa, đi thang máy, leo lên tòa tháp lớn bằng sắt đang được khánh thành để ngắm Paris từ trên cao, và hoan hô chuỗi pháo hoa hòa bình.
Các bác sĩ trên thế giới lại lên đường quay về đồng cỏ Nam Mỹ hay cánh rừng taiga của mình, mang theo một tháp Eiffel nhỏ bằng đồng và bức ảnh có lời ghi tặng của Pasteur, có lẽ thêm cả một nịt tất nữa, kỷ niệm cảm động từ các vũ trường Moulin-Rouge và Folies-Bergères. Yersin khép quyển sổ lại: “Hôm qua con đã thở phào nhẹ nhõm kết thúc bài giảng của mình. Học viên còn có thể đến để sắp xếp lại đống dụng cụ, rồi phòng thí nghiệm sẽ được yên tĩnh hoàn toàn.” Nhờ Pasteur, anh được nhận cành cọ hàn lâm. Vốn thờ ơ với mấy thứ hoa lá cành, anh nhét nó vào túi áo để mang về tặng cho Fanny.
Trên toàn thế giới sẽ không có các Viện Koch, ở Berlin không có tháp lớn bằng sắt cũng như Triển lãm toàn cầu. Bismarck đang sa lầy trong những thất vọng ở châu Phi. Áp suất lại tăng dưới những mũ cát chóp nhọn không lắp bộ phận van xả. Ở đó người ta tự hỏi liệu việc đã chiến thắng, và bắt được hoàng đế của đám dân quái đản kia ở trận Sedan, những thứ ấy có ý nghĩa gì không. Bởi giữa Paris và Berlin, đâu đó giữa Pasteur và Koch nữa, có Sedan.
Về tới Morges, cuối mùa hè, Yersin đã trở thành một vị anh hùng địa phương, không hẳn vì các công trình về ho lao và bạch hầu của anh – những chủ đề mà người ta không đề cập trên bàn ăn, Fanny nói rõ như thế cho các cô gái trẻ – mà vì tại Paris anh đã dự hai buổi lễ khánh thành được bình luận nhiều nhất ở xứ Thụy Sĩ nổi tiếng Pháp, khánh thành Viện Pasteur và khai mạc Triển lãm toàn cầu. Fanny mời cánh nhà báo chuyên viết tin tới Nhà Cây Sung bên bờ Hồ. Họ dùng trà trong phòng khách nhỏ đầy hoa. Trên tường treo tấm huy chương đồng và cành cọ. Bà lợi dụng dịp này để tổ chức một bài giảng vể cung cách cư xử và chuyện gẫu cho đám khỉ cái. Yersin nói về những ngôi làng khắp nơi trên thế giới, các thứ máy móc, bốn quán ăn treo trên trời, mỗi cái ở một chân tháp hình phên mắt cáo chốt bằng bù loong, và anh đã trả năm quan để lên được đến tầng thứ ba của tòa tháp lớn bằng sắt. Còn thời trang thì sao? Anh có mang về những quyển sách mẫu không? Yersin đặt tách trà của mình xuống tấm khăn trải bàn thêu, bằng giọng dịu dàng và bí ẩn, nói thêm:
–Và nhất là, con đã thấy biển.
Fanny nhún vai.
Biển.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả