Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Xứ Con Người
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương 8 - Những Con Người
M
ột lần nữa, tôi đi ngay cạnh một sự thật mà tôi đã không hiểu. Tôi tưởng mình đã vô phương rồi, tôi tưởng mình đã chạm đến tận đáy của tuyệt vọng rồi, thế nhưng, một khi chấp nhận từ bỏ mọi sự, tôi đã có sự yên tĩnh. Vào những giờ khắc như thế, dưòng như ta tự phát hiện ra ta, ta trở nên bạn thân của chính ta. Không gì có thể tốt đẹp hơn cái cảm tưởng thỏa thuê nó đáp ứng nơi ta như là một nhu cầu cơ bản mà ta không biết là ta có. Tôi hình dung ra Bonnafous, người hẳn đã quá mệt mỏi với việc chạy đua cùng gió đã biết đến cảm giác thanh thản này. Cũng như Guillaumet, người hẳn đã kiệt sức trong tuyết băng. Bản thân tôi làm sao quên được khi bị cát chôn vùi đến tận gáy, cổ họng dần dà nghẹt đi vì khát, tôi lại cảm thấy trong lòng nóng ấm đến thế, dưới vạt áo choàng đầy tinh tú?
Làm sao nảy nở được trong ta thứ giải thoát đó? Ở con người, mọi cái đều là nghịch lý, điều ấy ai cũng biết rõ. Ta lo liệu bánh ăn cho kẻ kia để anh ta sáng tạo thế mà anh ta lại ngủ, kẻ chinh phục chiến thắng thì ỉu xìu đi, còn khách hào hoa, nếu được giàu có thì lại trở nên ti tiện. Các thứ học thuyết chính trị mưu toan làm rạng rỡ con người, nếu mà ta không được biết ngay chúng làm rạng rỡ kiểu người nào thì ta kể gì các học thuyết đó? Ai sắp sinh ra? Chúng ta không phải một bầy gia cầm nuôi để lấy phân, nên một ông Pascal nghèo khổ xuất hiện đối với ta nặng cân hơn sự chào đời của nhiều gã tiểu tốt giàu có.
Điều chủ yếu là gì, ta chưa đoán định được trước, mỗi chúng ta đã từng nếm những niềm vui ấm cúng nhất ở những nơi chẳng có vẻ gì vui. Những niềm vui đó để lại cho ta một niềm tưởng nhớ sâu sắc đến nỗi, cả khi lâm vào cảnh bần cùng, ta cũng vẫn còn tiếc, nếụ cảnh bần cùng của ta vẫn cho phép thế. Khi gặp lại những người bạn cũ, chúng ta đều nếm lại niềm vui thích của những kỷ niệm ngặt nghèo.
Ta biết được gì, ngoài cái điều rằng nuôi dưỡng chúng ta vốn có những điều kiện không hiểu được? Sự thật của con người, nó náu ở đâu?
Sự thật, tuyệt không phải là điều tự nó chứng minh. Nếu trên mảnh đất này, chứ không phải trên mảnh khác, loài cam sinh được rễ chắc và trĩu quả, mảnh đất ấy, nó là sự thật của loài cam. Nếu cái đạo giáo này, nền văn hóa này, biểu giá trị này, hình thái động này chứ không phải là những cái khác, làm nảy nở trong con người sự trọn vẹn ấy, thoát từ trong con người một vị chúa tể không biết mình là chúa tể, thì cái biểu giá trị ấy, nền văn hóa ấy, hình thái hoạt động ấy, chúng là sự thật của con người. Logic ư? Nó làm sao thì làm, nó phải chú tâm đối cuộc sống.
Suốt dọc dài cuốn sách, tôi có kể ra một vài trong số những người đã tuân theo, hình như vậy, một thiên hướng cao cả, đã chọn sa mạc hay đường bay, giống như những kẻ khác đã chọn nhà tu; nhưng tôi sẽ phản lại mục đích của tôi nếu tôi có vẻ đưa các bạn đến chỗ kính phục những con người trước hết. Cái đáng kính phục trước hết, đó là mảnh đất đã sinh thành họ.
Các thiên hướng hẳn cũng có đóng một vai trò nào đó. Những người này thì yên vị trong các hàng quán của họ, những người khác lại đi con đường của mình một cách bức thiết theo một phương hướng cần thiết: trong câu chuyện về tuổi nhỏ của họ, chúng ta đã gặp thấy mầm mống của những hăm hở sẽ lý giải số phận họ. Nhưng Lịch sử, đọc lại khi sự việc đã diễn ra, dễ lầm. Những hăm hở ấy, ta gặp ở hầu hết mọi người. Tất cả chúng ta đều biết có những anh bán quán, chỉ qua một đêm đắm thuyền hay cháy nhà nào đó, hôm sau tỏ ra lớn hơn bản thân mình. Họ đâu có nhầm lẫn chút nào về tính chất sự viên mãn của mình: cuộc cháy nhà kia mãi mãi là cái đêm của đời họ. Nhưng vì không có cơ hội mới, không có đất thuận lợi, không có tôn giáo bó buộc, họ ngủ lại mà không kịp tin ở sự lớn lên của bản thân mình. Các thiên hướng, hẳn chúng giúp con người giải thoát nhưng cũng cần phải giải thoát các thiên hướng.
Những đêm sống trên không, những đêm sống trong sa mạc… ấy là những cơ hội hiếm có, không phải người nào cũng gặp. Vậy nhưng khi gặp, mọi người đều biểu lộ những nhu cầu giống nhau. Tôi sẽ không đi xa chủ đề nếu kể lại một đêm ở Tây Ban Nha, nó đã dạy tôi nhiều về việc đó. Tôi đã nói quá nhiều về một vài người, đáng lẽ tôi muốn nói về tất cả mọi người.
Ngày ấy, ở mặt trận Madrid, mà tôi đến thăm với tư cách phóng viên. Tối đó, tôi ăn cơm ở trong một hầm ngầm, là khách mời của một viên đại úy trẻ.
o O o
Chúng tôi đang nói chuyện thì có chuông điện thoại. Nói qua nói lại dài: về một cuộc tiến công địa phương do Bộ chỉ huy chuyển lệnh, một cuộc tiến công kỳ quặc và vô vọng, mục đích chiếm lấy, nơi xóm thợ ngoại ô này, vài ngôi nhà biến thành pháo đài bằng xi măng. Viên đại úy so vai và trở lại chỗ chúng tôi: “Những người ra trước trong bọn ta…” anh ta vừa nói vừa đẩy hai ly cô nhắc về phía một viên trung sĩ, đang có mặt ở đây và về phía tôi.
“Cậu ra đầu tiên, với mình,” anh ta nói với viên trung sĩ. “Uống rồi đi ngủ đi.”
Viên thượng sĩ đi ngủ. Quanh chiếc bàn này, kẻ thức là chúng tôi, có đến một chục người. Trong căn buồng can bồi rất kỹ này, không một ánh sáng nào có thể lọt được ra ngoài, ánh đèn chói chang đến nỗi tôi phải chớp mắt. Đã năm phút rồi, tôi đã lướt mắt nhìn qua một lỗ lô cốt. Moi miếng giẻ che ra, tôi chợt thấy, chìm đắm trong một cảnh sáng trăng, trăng rải một ánh sáng của vực thẳm, những mái nhà ma, bị tàn phá. Đặt miếng giẻ lại chỗ cũ, tôi có cảm giác như ánh trăng là một vệt dầu loang và mình vừa lau đi. Đến bây giờ tôi vẫn giữ trong mắt hình ảnh của pháo đài sầu thảm ấy.
Những người lính ấy có lẽ sẽ chẳng trở về đâu, nhưng họ nín thinh, vì e lệ. Cuộc tiến công đó là theo trình tự. Người ta vốc lấy trong một kho dự trữ người. Người ta vốc lấy trong một kho thóc. Người ta ném một nắm thóc cho vụ gieo.
Và chúng tôi uống chai cô nhắc. Bên phải tôi, người ta đang tranh hơn thua một ván cờ. Bên trái tôi, người ta đùa giỡn. Tôi đang ở đâu đây? Một người đàn ông, chếnh choáng hơi men bước vào. Anh ta vuốt chòm râu bờm xờm, đưa mắt dịu dàng nhìn chúng tôi. Con ngươi anh lướt trên chai rượu, nhìn đi chỗ khác, trở lại chai rượu, và đảo lại, van nài, nhìn viên đại úy. Viên đại úy cười khẽ. Người đàn ông, lóe lên hy vọng, cười theo. Những người ngồi đó cũng bật cười. Viên đại úy nhè nhẹ kéo cái chai lại phía mình, mắt người đàn ông liền chuyển sang thất vọng, và một trò chơi có tính chất trẻ con hình thành như vậy, một thứ ba lê câm lặng, qua làn khói thuốc dày, sự hao mòn của đêm trắng, với hình ảnh của cuộc tiến công sắp sửa, nó thuộc phạm trù của thơ mộng.
Và chúng tôi chơi trò chơi đó, thật ấm áp trong khoang hầm con tàu của chúng tôi, trong lúc bên ngoài dồn lên những tiếng nổ giống như tiếng sóng vỗ.
Chốc nữa, những con người này sẽ rũ sạch mồ hôi, rũ sạch rượu, rũ sạch lớp cáu ghét của đợi chờ trong lớp lớp cường thủy của đêm chiến tranh. Tôi cảm thấy họ sắp được tẩy uế đến nơi. Nhưng họ vẫn còn cố múa càng xa càng hay cái vở ba lê người say rượu và chai rượu. Cái ván cờ này họ đeo đuổi dai dẳng hết mức có thể đeo đuổi. Họ cố kéo dài sự sống hết sức họ. Nhưng họ đã lên giờ chuông cho chiếc đồng hồ báo thức đặt trên kệ. Vậy thì hồi chuông sẽ vang lên. Đến lúc đó, những con người này sẽ đứng lên, vươn vai, cài thắt lưng lại. Viên đại úy sẽ rút súng ngắn ra. Người say tỉnh rượu liền. Rồi tất cả mọi người sẽ men theo, chẳng lấy gì làm quá vội vã, cái hành lang dâng lên dốc thoải đến tận một hình chữ nhật xanh đầy ánh trăng. Họ nói một câu gì thật giản dị, như: “Cuộc tấn công chó chết…” hoặc “Rét thế!” Rồi họ lao vào bóng đêm.
Giờ ấy đến, tôi mục kích người tiểu đội trưởng thức dậy. Anh ta ngủ duỗi dài trên một chiếc giưòng sắt giữa những đống đổ nát của một hầm rượu. Còn tôi thì nhìn anh ngủ. Tôi tưởng nhận ra vị của giấc ngủ không phiền uất, mà sung sướng biết bao đó. Giấc ngủ ấy gợi tôi nhớ lại ngày đầu mới đến Libya, hôm ấy Prévot và tôi, rơi vào một chỗ không nước và tình thế tuyệt vọng, chúng tôi, trước khi thấy khát, khát quá, đã ngủ được một giấc, chỉ giấc ấy thôi, liền hai tiếng. Vừa thiếp ngủ, tôi vừa có cảm giác mình đang sử dụng một quyền tuyệt diệu: đó là quyền chối từ thế giới hiện tại. Sở hữu một cơ thể vẫn còn để cho tôi được yên bình, và một khi tôi úp mặt vào trong hai cánh tay mình, không gì còn có thể phân biệt được cái đêm này của tôi với một đêm hạnh phúc.
Như vậy đó, viên trung sĩ đã cuộn tròn nằm nghỉ, mới nhìn chẳng nhận ra đó là người đang nằm, và khi những người đến đánh thức anh ta thắp lên một ngọn nến, gắn nến lên đầu một chiếc cổ chai, thoạt tiên tôi chẳng phân biệt được gì trồi ra ở cái hình thù kỳ quặc ấy cả, ngoài đôi giày ủng ra, một đôi giày khổng lồ, đóng đanh, có cá sắt, giày của người làm công nhật, hay của phu khuân vác.
Người đó mang trên mình những dụng cụ làm việc, và trên thân thể anh ta, cái gì cũng là dụng cụ: băng đạn, súng ngắn, đai da, thắt lưng to bản. Anh ta thắng cái yên, đeo dây cương, mang tất cả bộ yên cương của một con ngựa cày. Ở Maroc, dưới những cái hầm, ta có thể bắt gặp những con ngựa mù kéo những cái tớt cối xay. Ở đây thì trong ánh nến run rẩy hoe đỏ, ta lại đánh thức thật chậm rãi cái khuôn mặt anh ta cũng như con ngựa mù dậy, để nó kéo cái tớt cối xay của mình.
“Dậy đi! Trung sĩ!”
Anh ta cựa mình chậm chạp, ló khuôn mặt còn ngái ngủ ra và càu nhàu không rõ câu gì. Nhưng anh ta xoay người ngay vào vách, không muốn dậy, ngụp sâu hơn nữa trong giấc ngủ như trong cái bụng yên ả của mẹ, như trong lớp lớp nước sâu, hai bàn tay hết mở lại nắm, không rõ anh víu vào những cành san hô đen nào. Cần phải gỡ anh ra. Chúng tôi ngồi xuống giường anh, một người trong chúng tôi khẽ luồn cánh tay dưới cổ anh ta, và vừa mỉm cười vừa nhấc cái đầu nặng nề ấy lên. Và cảm giác dịu dàng hệt như là, trong chuồng ngựa ấm áp, lũ ngựa mơn cổ nhau “Này, cậu!” Trong đời tôi, tôi chưa thấy có gì dịu dàng hơn. Người tiểu đội trưởng cố một lần sau chót rụt vào trong những giấc mơ sung sướng của mình, để chối bỏ cái thế giới đầy thuốc súng, đầy mệt mỏi, đầy đêm tối giá buốt của chúng ta, nhưng đã quá chậm rồi. Có một cái gì bó buộc và cái đó từ ngoài tới. Cũng những tiếng chuông trường trung học chậm rãi đánh thức cậu học sinh bị phạt vào ngày Chủ nhật. Cậu bé đang quên bẵng cái bàn học, chiếc bảng đen và việc mình bị phạt. Cậu đang mơ những trò chơi trong cánh đồng, nhưng mà vô ích. Chuông vẫn đổ và khắc nghiệt, nó đưa em trở lại với sự bất công của loài người. Cũng như cậu học trò ấy, viên trung sĩ dần dần thu hồi lại cái thân thể đã mòn mỏi vì mệt nhọc, cái thân thể này mà anh muốn có đâu, trong giá rét của lúc tỉnh thức, nó tức thì cảm thấy nhức buốt ngay ở các khớp xương, rồi nào là yên cương, gánh vác nặng nề, rồi nào là cuộc đua chạy khó nhọc và rồi là cái chết. Cái chết cũng không ghê bằng cái dính nhớp của máu, máu mà ta phải nhúng tay vào mới đứng lên được, thở hít mệt nhọc, băng giá chung quanh, cái chết khổng ghê bằng cái thiếu tiện nghi để chết. Rồi tôi nhìn anh ta mà tư lự mãi, đến nỗi sầu não khi tự tôi tỉnh thức, đến việc lại gánh lên vai cái khát, cái nắng, lại gánh lên vai cuộc đời, giấc mơ mà người ta đâu có chọn lựa.
Nhưng anh ta đã đứng lên, đang nhìn vào mắt chúng tôi.
“Đến giờ rồi à?”
Chính chỗ này xuất hiện con người. Chính chỗ này mà con người tuột khỏi mọi sự dự kiến của logic: viên trung sĩ mỉm cười! Vậy thì cái ám ảnh đó là gì? Tôi còn nhớ một buổi tối Paris mà Mermoz và tôi với vài người bạn nữa bày một bữa tiệc mừng, không nhớ là để kỷ niệm cái gì, mờ sáng chúng tôi gặp lại nhau ở cửa một quán bar, hơi hối vì mình đã nói quá nhiều, uống quá nhiều, nhọc mệt một cách vô ích thế. Song da trời đã chuyển sang tái nhợt rồi, Mermoz bỗng siết chặt cánh tay tôi, siết mạnh đến, nỗi nghe móng tay anh bấm vào da thịt tôi. “Cậu thấy không, giờ này ở Dakar…” Là giờ mà các công nhân sửa máy dụi mắt và rút các vải bọc chong chóng, giờ mà phi công hỏi tin khí tượng, giờ mà Trái đất chỉ còn gồm toàn bầu bạn. Da trời đã ửng, và người ta lại sắp bữa tiệc, nhưng cho những người khác, người ta đã căng chiếc khăn bàn của các bàn tiệc mà khách mời tuyệt đối không phải là chúng ta. Những kẻ khác nữa sẽ thử vận may vận rủi của mình…
“Thật bẩn thỉu, ở đây…” Mermoz sau cùng nói.
Còn anh, anh tiểu đội trưởng, anh được mời dự bữa tiệc nào mà thật đáng cho anh hy sinh?
Lúc ấy, tôi đã ghi nhận được những lời tâm sự của anh. Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện của anh: là một người kế toán nhỏ bé đâu đó ở Barcelona, 1 ngày xưa anh xếp chữ số thành những hàng dài mà không lưu ý nhiều lắm đến những việc chia năm xẻ bảy của đất nước anh. Nhưng một người bạn tòng quân, rồi một người thứ hai, rồi một người thứ ba, và bỗng nhiên anh kinh ngạc nhận thấy một thay đổi lạ kỳ: những điều anh lo toan, dần dần anh thấy chúng viển vông. Những điều anh vui thích, những điều anh lo âu, cái tiện nghi bé nhỏ của anh, tất cả cái đó là thuộc một niên đại khác. Ở đó, tuyệt không có điều gì quan thiết. Sau, bỗng nhiên có tin một người trong nhóm các anh chết, bị giết ở mạn Malaga. Đây không phải là một người bạn thân đến mức anh muốn vì anh ta mà trả thù. Còn về chính trị, chính trị chưa hề làm anh xao xuyến. Thế nhưng cái tin này thổi qua các anh, thổi qua số phận chật hẹp của các anh, như một ngọn gió ở biển. Một anh bạn sáng hôm ấy nhìn anh:
“Ta đi đến đó chứ?”
“Ta đi đến đó.”
Và các anh “đi” đến đó.
Tôi nảy ý viện một vài hình ảnh để tự giảng giải cho mình cái sự thật mà anh không thể diễn tả bằng lời, nhưng mà tính tất nhiên của sự thật đó đã chế ngự anh.
Vào mùa di trú, khi những con vịt trời bay qua, chúng gây nên những sóng triều rất lạ trên các vùng đất phía dưới. Các con vịt nhà, mà cuộc bay lớn hình tam giác dường như cuốn hút, cũng thử nhảy lên một cái vụng về. Tiếng gọi man dã không rõ đã tỉnh thức ở chúng một di tích nào của loài vịt hoang. Và thế là những con vịt trong sân chuồng bỗng trong một phút biến đổi làm chim di cư. Thế là trong chiếc đầu rắn nhỏ này vốn chỉ có những hình ảnh tầm thường của cái ao, con sâu, chuồng gà, đang triển khai lên những vùng lục địa mênh mông, vị gió ngoài khơi và địa lý các vùng biển. Con vật quên bẵng rằng cái óc của mình không đủ rộng để chứa đựng hết bao kỳ quan đó, vậy mà kia kìa, ngài đã đập cánh, chê thóc, chê sâu và muốn trở nên vịt trời.
Nhưng tôi nhớ nhất là lũ linh dương của tôi: ở Juby, tôi có nuôi mấy con linh dương. Ở đấy, bọn tôi đều nuôi linh dương. Chúng tôi nhốt nó trong một cái chuồng có phên đan, ở giữa trời, vì đối với 1 loài linh dương, gió phải chuyển lưu luôn như nước chảy là cần nhất, vì không có loài nào mỏng manh hơn chúng. Bị bắt từ lúc còn non, chúng vẫn sống và nhấm nhấm trên bàn tay anh. Chúng để cho vuốt ve và dúi cái mõm ướt vào trong lòng bàn tay.
Và người ta tưởng là đã luyện được chúng rồi. Người ta tưởng triệu được cho chúng cái bệnh buồn tủi không rõ nguyên do, cái bệnh nó lặng lẽ làm tắt thỉu bọn linh dương, nó làm chúng chết một cách thật dịu dàng… Nhưng đến một ngày anh chợt bắt gặp chúng, đang đọ hai cái sừng nhỏ của mình với cái hàng rào, đúng về hướng sa mạc. Như là chúng bị sức hút của nam châm. Chúng không biết là chúng trốn anh đâu. Bát sữa mà anh bưng tới, chúng vẫn đến uống. Chúng vẫn để cho vuốt ve, dúi mõm càng sâu và mơn trớn hơn nữa vào lòng bàn tay anh… Nhưng chỉ vừa buông chúng ra một tẹo, anh liền phát hiện rằng, sau cử chỉ như là phi lên một cách rất vui thích, chúng lại hút về sát vách phên đan. Và nếu anh không làm gì để ngăn nữa, chúng nó cứ đứng đấy, cũng không thử đẩy cái hàng rào nữa đâu, chỉ áp sát nó vào hai cái sừng, đầu thõng xuống, cho đến chết. Có phải mùa này là mùa chúng động hớn chăng, hay chỉ là cái nhu cầu giản dị được phi một cuộc lớn cho thỏa sức? Chúng không biết. Mắt chúng chưa mở khi anh bắt chúng. Vị tự do trên vùng cát, hay mùi con đực, chúng đâu có biết. Nhưng các anh, các anh thông minh hơn chúng rất nhiều. Các anh biết thứ chúng kiếm tìm, khoảng không trải rộng kia sẽ thỏa nguyện chúng. Chúng muốn lớn lên làm con linh dương và múa điệu múa của linh dương. Một trăm ba mươi cây số một giờ, chúng nó muốn biết thế nào là trốn chạy bằng đường thẳng, chốc chốc nhảy vút lên như là đó đây có lửa phụt ra từ mặt cát. Chó rừng nào có quan trọng gì, khi chân lý của linh dương là được nếm sự sợ hãi, chỉ chân lý đó buộc con linh dương mình phải vượt lên trên mình, và từ bọn linh dương, chân lý đó rút ra những cuộc bay cao nhất! Sư tử nào có quan trọng gì, nếu chân lý của linh dương là bằng một đường móng, được phơi bụng ra dưới ánh mặt trời! Anh nhìn bọn linh dương và anh tư lự: Kia, chúng đã tương tư rồi. Tương tư, nó là một sự thèm khát không biết thèm khát cái gì… Có tồn tại chứ, cái mình thèm khát, nhưng không có lời để chỉ nó.
Còn với chúng ta, chúng ta thấy thiếu cái gì. Anh trung sĩ, anh tìm thấy ở đây cái gì mang được đến cho anh cảm giác không phũ phàng với số phận anh? Phải chăng là cái cánh tay huynh đệ này nó nhấc đầu anh dậy, phải chăng là nụ cười dịu dàng này, nó không phàn nàn mà chia sẻ? “Dậy! Cậu!…” Phàn nàn, vẫn là hai. Vẫn là chia đôi. Nhưng có một tầng cao của các quan hệ trong đó lòng nhớ ơn hay tình thương không còn nghĩa lý. Chính ở chỗ ấy là nơi người ta thở như một người tù được phóng thích.
Chúng tôi đã từng biết sự hòa hợp này. Ngày ấy chúng tôi từng tốp, hai chiếc một, bay vượt, qua một vùng Rio de Oro còn chưa khuất phục. Tôi tuyệt chưa hề nghe thấy một người bị lâm nạn cảm ơn người cứu mình. Thường khi chúng tôi đến mức chửi nhau trong cuộc chuyển những bịch thư từ rất mệt nhọc từ chiếc máy bay này sang máy bay kia: “Chó chết! Tao mà hỏng máy là tại mày! Ai bảo gió ngược thế này, máy bay chở nặng thế này mà lên tận độ cao hai nghìn? Giá mày theo tao xuống thấp hơn, giờ ta đã đến Port-Étienne rồi!” Thế là người liều cái mạng mình cho người kia bỗng nhiên xấu hổ vì bị cho là chó chết. Nhưng mà chúng ta cảm ơn anh ta vì cái nỗi gì? Anh ta cũng có quyền lợi trên cuộc đời của chúng ta. Chúng ta vốn là những cành nhánh cùng một cây. Mà anh là người cứu tôi, tôi cũng tự hào về anh biết mấy!
Tại sao cái người chuẩn bị cho anh chết, anh ta lại phải than thở cho anh, anh trung sĩ? Cái rủi ro này chỉ là những người này nhận trả cho những người kia. Vào cái giây phút ấy, người ta khám phá ra sự hòa hợp không cần ngôn ngữ gì nữa. Tôi đã hiểu việc anh ra đi. Nếu anh là một dân nghèo ở Barcelona, có lẽ trơ trọi sau giờ lao động, nếu đến cái tấm thân anh cũng chẳng có nơi nào cư trú, thì ở đây anh đón nhận cái cảm giác mình đã làm tròn, anh đi tới cái đại đồng: giờ đây anh, người cùng khổ, anh được tình yêu đón nhận.
Tôi cần gì biết chúng chân thành hay không, logic hay không, những lời đao to búa lớn của các nhà chính trị, những lời đố có lẽ đã gieo mầm trong anh. Nếu những lời ấy mọc trong anh, như hạt giống có thể đâm chồi, ấy là chúng đáp được các nhu cầu của anh. Chỉ có những vùng đất mới nhận dạng được cây lúa.
o O o
Ta gắn chặt với anh em ta bởi một mục đích chung, mục đích ấy là ở ngoài ta, vậy nên ta thấm nhuần lẽ ấy, và kinh nghiệm chỉ cho ta rõ rằng yêu thương tuyệt nhiên không phải là người này nhìn người kia, mà là cùng nhau nhìn về một hướng. Thật là bạn hữu chỉ khi người ta chung một sợi dây leo lên cùng một đỉnh và ở đấy tụ họp cùng nhau. Nếu phải là thế thì tại sao, giữa thời đại của tiện nghi này, ta lại cảm thấy vui tràn trề như thế khi chia cho nhau trong sa mạc chút thức ăn sau chót của mình? Cái đó khác biệt biết bao với những dự kiến của các nhà xã hội học? Đối với tất cả những ai trong chúng ta đã từng biết tới niềm vui lại chữa được máy bay trong sa mạc, thì mọi điều vui thú khác đều có vẻ phù phiếm cả.
Có lẽ vì thế mà thế giới ngày nay bắt đầu rạn vỡ quanh ta. Mỗi người hứng thú với những tôn giáo hứa hẹn cho mình sự viên mãn đó. Tất cả chúng ta, dưới những từ ngữ trái ngược nhau đều nói lên cùng những mong muốn đó. Chúng ta khác biệt nhau trên các cách làm, vốn là kết quả của cách luận lý của chúng ta, không phải khác nhau trên mục đích: mục đích vẫn là thế.
Từ nay trở đi, ta đừng lạ nữa. Người nào không hề ngờ trong mình vẫn có một người lạ đang im ngủ, nhưng chỉ một lần cảm thấy anh ta thức dậy, trong hầm rượu đầy quân khởi nghĩa ở Barcelona, vì sự hy sinh, sự tương trợ, vì một hình ảnh khắc khổ của công lý, người ấy từ nay trở đi sẽ chỉ biết có một chân lý: đó là chân lý của quân khởi nghĩa. Và kẻ nào một lần đứng canh cốt bảo vệ cho một quần thể những nữ tu sĩ nhỏ bé đang quỳ, đang hoảng hốt, trong các tu viện ở Tây Ban Nha, kẻ ấy sẽ vì Nhà thờ xả thân.
Nếu anh góp ý với Mermoz, khi anh ta lao về phía sườn núi Andes ở Chile mà tâm tâm niệm niệm mình quyết thắng, rằng anh ta đã nhầm rồi đấy, bởi có lẽ, một phong thư của lái buôn không đáng cho anh liều thân. Nếu anh góp ý như vậy, chắc Mermoz sẽ cười anh. Chân lý, ấy là con người nảy sinh trong anh ta khi anh ta vượt qua dãy Andes.
Nếu anh muốn thuyết phục cho người chấp phận chiến tranh rằng chiến tranh là khủng khiếp thì chớ bảo anh ta là dã man: hãy tìm hiểu anh ta trước khi phán xét.
Xem trường hợp người sĩ quan miền Nam, hồi cuộc chiến Rif8, chỉ huy một đồn tiền tiêu nằm lọt giữa hai quả núi toàn quân phiến loạn. Một đêm, những nhà thương thuyết núi phía Tây xuống thăm đồn. Lễ nghi là phải có tiệc trà, giữa lúc đó nổ ra cuộc bắn nhau. Các bộ lạc núi phía Đông tấn công đồn. Khi viên đại úy mời các nhà thương thuyết ra ngoài để tổ chức chiến đấu, thì các nhà thương thuyết đối địch này nói: “Hôm nay chúng tôi là khách của anh. Thượng Đế không cho phép chúng tôi bỏ anh…” Thế là họ ở lại với lính đồn, cứu được đồn, xong trèo lại lên cái tổ phượng hoàng của mình.
(8) Phong trào giải phóng dân tộc của các bộ lạc Rif ở Đông Bắc Maroc.
Nhưng hôm trước khi đến lượt họ chuẩn bị chiếm chính cái đồn ấy, họ đã phái sứ giả tới nói với viên quan ba:
“Đêm hôm ấy, bọn ta đã giúp anh…”
“Vâng…”
“Bọn ta đã vì anh bắn mất ba trăm viên đạn…”
“Vâng.”
“Thế thì, phải trả lại cho ta ba trăm viên đạn ấy, đó là lẽ công bằng.”
Và thế là, Chúa tôi, viên quan ba không thể khai thác được một lợi thế đáng lẽ anh ta khai thác được với sự hào hoa phong nhã của các nhà thương thuyết. Anh ta trả lại những viên đạn, với những viên đạn ấy người ta dùng để chống lại anh.
Chân lý đối với con người, ấy là cái làm cho anh thành một con người. Khi một người nào đã hiểu điều đáng tôn trọng đó trong các mối giao hảo, đã hiểu điều trung thực đó trong cuộc chơi, người này dành cho người kia một trọng thị khích lệ sự sống, khi anh so sánh với cái cao quý anh có thể đạt tới đó với cái bộ điệu vui vẻ giả vờ của kẻ mị dân vỗ bùm bụp lên vai người Ả Rập bảo thương yêu người Ả Rập, làm cho người ta sướng lắm nhưng đồng thời lại làm nhục người ta, thì người đó, nếu ta lý sự phản bác lại anh ta, sẽ chỉ nhìn lại ta, thương hại, có hơi khinh bỉ ta. Nhưng chính người đó mới đúng là có lý.
Nhưng mà anh cũng có lý để thù ghét chiến tranh.
Để hiểu con người và các nhu cầu của nó, muốn hiểu con người trong cái thiết yếu nhất của con người, chớ nên lấy sự hiển nhiên của chân lý này đối lập với sự hiển nhiên của chân lý kia của anh. Phải, anh có lý. Tất cả các anh đều có lý. Logic chứng minh được hết. Thậm chí cả cái anh đổ mọi tai ương của thế giới lên vai người gù cũng có lý. Nếu chúng ta tuyên chiến với người gù, chúng ta rồi cũng tự phấn khích được nhanh chóng. Chúng ta trả thù những tội ác của người gù. Và hẳn là cả những người gù nữa, họ cũng có phạm tội ác.
Để thử rút ra điều chủ yếu ấy, ta cần có một lát quên mọi sự chia rẽ, những chia rẽ ấy một khi được chấp nhận, sẽ kéo theo những chân lý bất di bất dịch đầy một cuốn kinh Coran và từ đấy mà ra sự cuồng tín. Người ta có thể xếp loài người thành người bên hữu và người bên tả, thành gù và không gù, thành phát xít và dân chủ, và các sự phân biệt ấy không cãi vào đâu được. Nhưng mà chân lý, anh biết đấy, là cái làm cho thế giới trở nên đơn giản chứ không phải tạo ra cái rối tinh. Chân lý ấy là tiếng nói toát ra từ cái đại đồng. Newton tuyệt không hề “phát hiện” một quy luật bị ẩn khuất lâu dài kiểu lời giải một bài đố. Newton đã làm một công việc sáng tạo. Ông đã xây dựng được một tiếng nói của con người có thể phô diễn đồng thời việc quả táo rơi xuống một cánh đồng cỏ, và việc mặt trời lên bầu trời. Chân lý, tuyệt không phải là cái chứng minh, nó là cái làm cho đơn giản.
Thảo luận về các ý thức hệ thì có ích gì, nếu tất cả đều tự chứng minh thì tất cả đều cũng đương đầu với nhau, và những cuộc thảo luận như vậy làm cho ta thất vọng về sự giải phóng của con người. Thế nhưng mà con người đâu đâu cũng vậy, quanh ta, cũng đều nói ra những nhu cầu giống nhau.
Chúng ta muốn được giải thoát. Người bổ một nhát cuốc muốn biết rõ một ý nghĩa nào về nhát cuốc của mình. Và nhát cuốc của người tù, nó làm nhục người tù, nó tuyệt không giống với nhát cuốc người đi tìm mỏ, nhát cuốc làm cho người tìm mỏ lớn lên. Không phải ở đâu có nhát cuốc là có nhà tù. Nhà tù không thuộc sự khủng khiếp về vật chất. Ở đâu có những nhát cuốc mà tuyệt không có ý nghĩa nào, những nhát cuốc không nói được người bổ cuốc và tập thể loài người, ở đó có nhà tù.
Nên chúng ta muốn thoát ra ngoài nhà tù.
Ở châu Âu có hai trăm triệu con người tuyệt chẳng ai thèm lưu ý tới, muốn nảy sinh. Nền công nghiệp đã rứt họ ra khỏi cái tiếng nói của những giống dòng nông dân, nhốt họ vào trong những trại tập trung khổng lồ kia, chúng giống hệt các nhà ga trung chuyển đầy những dãy toa đen. Hai trăm triệu người ấy, từ trong tận cùng các xóm thợ, muốn được thức tỉnh.
Những người khác, bị mắc kẹt giữa các bánh xe của đủ thứ ngành nghề, bị cấm cửa đối với mọi thú vui, thú vui của người mở đường, của đạo giáo, của nhà bác học. Để làm cho họ lớn, người ta tưởng chỉ cần cho họ ăn, cho họ mặc, đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Và người ta dần dần đã dựng xây nơi họ cái anh tiểu tư sản của Courteline, nhà chính trị cấp xã, nhà kỹ thuật không biết tới đời sống bên trong. Nếu họ được học tốt, họ lại không được vun trồng về văn hóa nữa. Có một quan niệm rất tồi về văn hóa, ấy là cho rằng văn hóa dựa trên sức nhớ nhiều công thức. Một anh học trò xoàng của trường “Chuyên khoa” còn biết nhiều về thiên nhiên và quy luật của nó hơn là Descartes và Pascal. Nhưng anh ta có khả năng vận động trí óc tuyệt như Descartes và Pascal hay không?
Tất cả chúng ta, người rõ hơn, người ít rõ hơn, đều cảm thấy nhu cầu muốn nảy sinh. Nhưng có những cách giả dối. Đương nhiên, người ta có thể làm cho những con người phấn khởi bằng cách mặc cho họ những bộ đồng phục. Và như thế, họ sẽ hát những bài thánh ca chiến tranh và chia nhau chiếc bánh mì. Họ sẽ bắt gặp cái họ tìm, vị của đại đồng. Nhưng từ miếng bánh mà họ được cấp cho ăn, họ sẽ chết.
Người ta có thể đào các thần tượng bằng gỗ lên và làm sống lại những chuyện truyền kỳ cổ xưa ít nhiều đều chứng tỏ rằng người ta có thể làm sống lại những thuyết thần bí của chủ nghĩa liên Đức hay của đế quốc La Mã. Người ta có thể làm say người Đức với cái say được làm người Đức, đồng hương của Beethoven. Có thể vì cái đó mà say tít cung thang. Hẳn từ cái tít cung thang đó, rút ra được một ông Beethoven sẽ dễ dàng hơn.
Nhưng những thần tượng như vậy là những thần tượng ăn thịt người. Người nào chết vì sự tiến bộ của trí thức hoặc vì điều trị các bệnh tật, người đó phục vụ cho cuộc đời cùng lúc chết vì nó. Có lẽ đẹp đấy, việc chết để mở mang một bờ cõi, nhưng chiến tranh ngày nay lại phá cái mà trước kia nó dành ưu tiên. Vấn đề ngày nay không phải là hy sinh một ít máu để làm cho xanh tươi hơn một dòng giống. Một cuộc chiến tranh, từ lúc nó làm bằng máy bay và chất I pê rít, chỉ còn là một khoa giải phẫu đẫm máu. Mỗi người nấp duới một bức tường xi măng, mỗi người vì không thể làm gì hơn, đêm này sang đêm phóng những phi đội ném bom ngầm người, làm nổ các trung tâm sinh lực của người đó, làm tê liệt sản xuất và trao đổi của người đó. Kẻ nào ruỗng nát sau, kẻ đó thắng. Và thế là cả hai đối thủ cùng ruỗng nát.
Trong một thế giới trở nên là sa mạc, chúng ta khát khao mong gặp lại bạn bè: vị bánh mì chia nhau giữa bạn bè đã làm cho ta chấp nhận các giá trị của chiến tranh. Nhưng chúng ta không cần có chiến tranh mới bắt gặp được làn hơi ấm của những bờ vai kề cận trong cuộc cùng chạy đến chung một mục đích. Chiến tranh lừa dối chúng ta. Hờn thù nào có thêm được chút phấn khởi trong cuộc chạy?
Tại sao ta ghét bỏ nhau? Chúng ta đều gắn chặt vào nhau, đều cùng một hành tinh cuốn hút đi, đều là hành khách của một con tàu. Và nếu việc các nền văn minh cần đối đầu nhau để giúp nảy ra những tổng thể mới, đó là điều tốt, thì việc chúng vồ cắn nhau là một điều phi lý.
Bởi vì, để tự giải thoát, ta chỉ cần giúp đỡ nhau ý thức về một mục đích gắn liền ta với nhau, và tìm nó ở chỗ nó đoàn kết tất cả chúng ta. Nhà phẫu thuật khám bệnh không chịu nghe những lời thở than của người mình chẩn đoán: qua người bệnh đó, chính là con người mà ông ta phải điều trị. Nhà phẫu thuật nói một tiếng nói đại đồng. Cũng như thế, nhà vật lý khi ông ta suy ngẫm các phương trình hầu như linh thiêng, với các phương trình đó ông nắm bắt được vừa nguyên tử vừa hành tinh. Và có thể kể đến anh chăn cừu bình thường. Bởi vì anh chăn cừu chăn một cách tầm thường mấy con cừu dưới trời sao, nếu anh ta có ý thức về vai trò của mình, anh ta thấy mình có cái gì lớn hơn một đứa ở. Anh là một người lính gác. Và mỗi người lính gác chịu trách nhiệm cho cả vương quốc.
Anh cho là anh chăn cừu ấy không mong muốn có ý thức về mình ư? Ở mặt trận Madrid, tôi có đến thăm một lớp học nằm cách chiến hào năm trăm mét, sau một tường đá nhỏ, trên một sườn đồi. Một tiểu đội trưởng đang giờ dạy thực vật. Lấy tay bóc rời những bộ phận mỏng mảnh của chiếc hoa mồng gà, anh ta cuốn hút những tín đồ râu ria rũ bùn đất khắp nơi để leo tới chỗ anh ta giảng mà hành hương, mặc các viên đạn đại bác. Khi đã vòng trong vòng ngoài quanh viên hạ sĩ, họ ngồi xếp bằng, tay chống cằm, lặng yên nghe. Họ nhíu mày, nghiến răng, họ không hiểu gì lắm về bài học, nhưng người ta có nói với họ “Các ông là những người ngu si, các ông chỉ là những người mới bước ra khỏi hang đá, phải đuổi cho kịp nhân loại!” và họ vội vã thình thịch chạy theo loài người.
Khi chúng ta có ý thức về vai trò của nành, cho dẫu là vai trò nhỏ nhoi nhất, chỉ khi ấy ta mới sung sướng. Chỉ khi đó ta mới sống yên tĩnh và chết yên bởi cái gì làm cho sự sống có ý nghĩa thì cũng làm cho cái chết có một ý nghĩa.
Cái chết dịu dàng biết bao nếu nó nằm trong trình tự của mọi việc, khi người nông dân già xứ Provence, vào ngày cuối cuộc ngự trị của mình, giao lại cho các con trai mình phần cừu, phần cây ô liu của mình để chúng lưu trữ, và đến lượt chúng giao lại cho con cái chúng. Trong dòng dõi nông dân, người ta chỉ chết có một nửa thôi. Mỗi cuộc đời đến lượt mình nứt vỡ như là một trái đậu, ném gieo các hạt đỗ của mình.
Có lần tôi tiếp cận với ba nông dân đứng trước giường chết của mẹ. Hẳn nhiên là đau khổ. Lần này là lần thứ hai mà người ta cắt rốn. Lần thứ hai tháo ra một cái nút: ấy là cái nút nối liền thế hệ này với thế hệ khác. Ba anh con trai tự thấy mình cô đơn, sau khi đã học hỏi hết mọi điều, thấy mình bị tước mất một cái bàn gia đình, nơi có thể quần tụ cùng nhau ngày lễ tết, thấy mình bị tước mất cái cực giao điểm ở đó họ tìm thấy nhau. Nhưng, tôi cũng khám phá thấy, trong cuộc chia lìa này, rằng cuộc đời có thể ban phát cho một lần thứ hai. Các anh con trai này, cả họ nữa, đến lượt họ, sẽ lại là người đầu đàn, là điểm tập hợp, là tộc trưởng, cho đến thời điểm khi, đến lượt họ, họ giao quyền chỉ huy lại cho cái nhóm trẻ con đang chơi ngoài sân kia.
Tôi nhìn bà mẹ, bà lão nông dân vẻ mặt nghiêm trang và bình lặng, môi mím chặt, khuôn mặt tựa hồ như đã thành đá. Trên khuôn mặt đá ấy của bà, tôi bỗng nhận ra nét mặt của những người con. Cái khuôn này đã dùng để in ra những cái mặt kia. Cái thân thể này đã dùng để xuất bản các thân thể kia, các tập sách con người rất đẹp kia. Và giờ đây, nếu mẹ đã yên nghỉ kiệt quệ nhưng cũng như cái cùi vỏ mà người ta đá rút phần thịt quả ra rồi. Đến lượt mình, con trai và con gái, bằng chính da thịt mình, sẽ in ra những con cái của những con người. Ở trong thôn ấp người ta không chết hẳn. Bà mẹ đã qua đời, sống muôn năm!
Đau đớn, vâng, nhưng giản dị biết bao cái hình dòng họ ấy, trên đường đi, nó bỏ lại từng thân xác đẹp đẽ tóc bạc trắng để qua những hóa thân của mình, đạt tới cái chân lý nào tôi còn chưa biết.
Chính vì vậy, cũng chiều hôm ấy, tiếng chuông cầu hồn của khu làng quê nhỏ đối với tôi không trĩu nặng thất vọng, mà là một niềm vui kín đáo và dịu dàng. Cũng với cái giọng ấy, tiếng chuông ấy đã chứng lễ cho những đám ma và những cuộc rửa tội, chiều nay một lần nữa nó báo tin cuộc chuyển tiếp từ một thế hệ này sang một thế hệ khác. Và người ta chỉ cảm thấy một niềm yên tĩnh lớn lao khi nghe hát hồi chuông hôn lễ của một bà già tội nghiệp đó với đất.
Cái chuyển tiếp như vậy từ thế hệ này sang thế hệ kia, tiến lên chầm chậm như là cây mọc, ấy là cuộc sống mà ấy cũng là ý thức. Một cuộc tiến lên huyền bí biết bao! Chúng ta vốn sinh ra từ một phún thạch đang sôi, từ một chùm sao, từ một tinh bào sống kỳ diệu mà gieo được mầm, thế mà dần dần chúng ta nâng mình lên đến mức có thể viết những bài thơ phổ nhạc và chúng ta cân đong được các thiên hà.
Mẹ không chỉ trao cho các con mình cuộc sống: còn dạy cho các con một ngôn ngữ, mẹ còn trao các con giữ món hành lý nhặt nhạnh lần hồi suốt bao thế kỷ, cái gia sản tinh thần chính mẹ được nhận để lưu trữ, cái gói nhỏ nhắn những truyền thống, khái niệm và huyền thoại nó chính là cái khác nhau phân biệt một Newton, một Shakespeare với con người ngu si thời ở hang hốc.
Cái mà ta cảm thấy khi ta đói, đói cái đói đã thúc những người lính Tây Ban Nha dưới tầm đạn đi tới bài học sinh vật, thúc Mermoz tới Nam Đại Tây Dương, thúc người kia tới bài thơ của mình, ấy là vì cái thuyết về nguồn gốc con người vẫn chưa làm xong, và bản thân ta phải có ý thức về mình và về vũ trụ. Trong bóng tối, phải ném ra những cây cầu. Chỉ có những kẻ biến sự bàng quan mà họ tưởng là ích kỷ của mình thành một thứ đạo lý mới không biết điều đó, nhưng cái đạo lý đó, cái gì cũng phủ nhận được! Các bạn ơi, các bạn của tôi ơi, tôi lấy các bạn làm chứng: bao giờ thì ta cảm thấy hạnh phúc?
o O o
Và bây giờ đây, ở trang cuối cuốn sách này, tôi nhớ lại những người thơ lại đã ngả về già, hộ tống chúng tôi, vào lúc rạng đông của chuyến thư đầu, khi chúng tôi chuẩn bị hóa thân để làm người, vì vừa may mắn được chỉ định. Họ vốn cũng giống như chúng tôi thôi, nhưng họ tuyệt không biết rằng họ đói.
Nhiều quá những con người như vậy, mà người ta để cho ngủ kỹ.
Cách đây mấy năm. Trong một chuyến đi dài bằng xe lửa, vì muốn đi xem khắp lượt cái Tổ quốc đang chuyển động mà tôi tự nhốt mình trong ba ngày, ba ngày làm tù nhân của cái tiếng sỏi cuội biến lớn nhào lăn, và tôi đứng lên. Vào lúc một giờ sáng, tôi đi dọc suốt con tàu.
Các toa ngủ đều trống. Các toa hạng nhất không có người. Nhưng các toa hạng ba có hàng trăm công nhân người Ba Lan, bị nước Pháp đuổi đi và trở về Ba Lan. Tôi đi ngược lên các hành lang bằng cách bước qua người họ. Tôi dừng lại để nhìn. Đứng dưới những ngọn đèn ngủ, tôi thấy trong cái toa không ngăn không ô này, nó giống như một căn buồng tỏa mùi, trại lính hay là đồn cảnh sát, tất cả một đám quần chúng hỗn độn và bị lay đẩy bởi con tàu tốc hành chuyển động. Tất cả một đám quần chúng lún sâu trong những cơn ác mộng và giờ trở về với nỗi nghèo khổ của mình. Những mái đầu cạo trọc, to tướng, lăn trên mặt gỗ các ghế dài. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, tất cả xoay từ phải sang trái, như bị tất cả các tiếng động ấy, tất cả các xao động ấy tấn công, dọa nạt tận trong giấc quên lãng của mình. Họ tuyệt không tìm thấy được một nơi để ghé một giấc ngủ ngon.
Giờ đây tôi thấy họ như mất đi một nửa tư cách người, bị xô đẩy bởi các trào lưu kinh tế từ đầu này đến đầu kia châu Âu, bị rứt ra khỏi cái mái nhà phương Bắc nhỏ nhắn, khu vườn con tí xíu, ba chậu hoa phong lữ mà ngày trước tôi thường nhận thấy ở cửa sổ nhà những người thợ mỏ Ba Lan. Họ chỉ nhặt nhạnh những dụng cụ nhà bếp, chăn rèm, trong các gói xách lôi thôi lòng thòng vì buộc vội. Mà tất cả những cái gì họ đã vuốt ve và làm cho dẹp đẽ, tất cả những cái gì họ đã sắm được trong bốn năm năm ngụ cư ở nước Pháp, con chó, con mèo, chậu hoa phong lữ, họ phải hy sinh, và chỉ đem theo có những xoong nồi bếp núc này thôi.
Một đứa bé mút vú mẹ, chị ta nhọc đến nỗi tưởng chị ngủ. Sự sống chuyển dịch trong cái vô lý và vô trật tự của cuộc đi này. Tôi nhìn người cha. Một vầng trán nặng nề và trần trụi như một tảng đá. Một thân thể co quắp trong một giấc ngủ chật và xóc, tù túng trong bộ quần áo đi làm, chỗ lồi, chỗ lõm. Người đàn ông giống như một tảng đất sét. Như vậy đó, ban đêm, những bèo bọt không còn hình dáng gì, đè lên trên các ghế dài toa tàu. Và tôi suy nghĩ: vấn đề không phải nằm trong sự nghèo nàn này, bẩn thỉu này, xấu xí này. Mà cũng người đàn ông này với người đàn bà này, một ngày xưa đã gặp nhau và hẳn là người đàn ông đã mỉm cười với người đàn bà: hẳn là, sau buổi làm, anh ta đã tặng cho chị ta một bó hoa. Rụt rè và vụng về, có lẽ anh run vì sợ bị khước từ. Nhưng người đàn bà, vốn bẩm sinh hay điệu, người đàn bà tự tin ở nhan sắc của mình, có lẽ thích làm cho anh ta lo âu. Và người kia, nay chỉ còn là một cái máy để cuốc hay để quai búa, ngày đó như thế đó, đã nếm trong lòng mình một sự nghẹn ngào tuyệt diệu. Cái bí mật là vì sao mà họ trở nên những tảng đất sét như thế. Trong cái khuôn ghê gớm nào mà họ đã qua, đã bị cái khuôn ấy đóng dấu như là một cái máy rập? Một con thú có già cũng vẫn giữ được nguyên dáng của mình.
Tại sao thứ đất sét loài người tốt đẹp lại méo mó đi như thế?
Và tôi đi tiếp cuộc đi của tôi ở giữa đám người mà giấc ngủ bị xáo động như là một nơi quỷ ám. Lảng vảng một thứ tiếng động mơ hồ vừa là tiếng thở phì phò, vừa là tiếng thở than cố nén, lách cách tiếng giày lính của những người nằm mỏi bên này đang trở mình sang bên kia. Và bao giờ cũng âm thầm cái tiếng đệm không bao giờ cạn như là sỏi cuội lăn trong sóng bể.
Tôi ngồi trước mặt một đôi vợ chồng. Giữa người đàn ông và người đàn bà, đứa con đã cố moi được một cái ổ và nó đang ngủ. Nhưng trong giấc ngủ, chợt nó xoay mình, để lộ khuôn mặt dưới ánh đèn đêm. Ôi! Thật là một khuôn mặt tuyệt đẹp! Nó như là một cái trái vàng chín sinh ra từ đôi vợ chồng này. Từ hai đống giẻ nặng nề này, đã đẻ ra cái kỳ công xinh đẹp và nhan sắc ấy. Tôi cúi mặt xuống vầng trán phẳng lì ấy, xuống đôi môi chẩu ra một cách dịu dàng ấy và nhủ thầm: đấy là một khuôn mặt nhạc sĩ, đây là Mozart khi còn là trẻ con, đây là một lời hứa hẹn tốt đẹp của cuộc đời. Các hoàng tử nhỏ của truyện thần thoại cũng chẳng có gì khác em: được chăm chút, bảo vệ, vun xới. Có cái gì mà không mong mỏi được cho em! Khi bằng phép đột biến, cho nảy được một đóa hoa hồng mới trong các khu vườn, tất cả những người làm vườn đều xúc động. Người ta che chở nó, vun xới nó, nuông chiều nó. Nhưng đối với những con người, nào có người làm vườn nào! Mozart trẻ thơ cũng sẽ bị cái máy rập đánh dấu như mọi người khác. Mozart sẽ làm ra những cái vui sang nhất của mình từ một thứ âm nhạc thiu ôi trong mùi hôi hám của các quán nhạc giải khát. Mozart bị phế bỏ!
Rồi tôi trở về toa tôi. Tôi tự nhủ: những con người này tuyệt không đau khổ vì cái số phận của họ. Tuyệt không phải là lòng bố thí giày vò tôi ở đây. Vấn đề không phải là xót thương trên một vết đau vĩnh viễn không liền miệng. Những người mang vết đau đó, không cảm thấy có nó. Ở đây, một cái gì như là loài người chứ không phải là cá nhân ai bị thương, bị xúc phạm. Tôi tuyệt chẳng tin ở sự xót thương. Cái giày vò tôi, là quan điểm của người làm vườn. Cái giày vò tôi, tuyệt không phải là sự nghèo quẫn này, trong sự nghèo quẫn này, sau hết, người ta cũng tìm được một chỗ nằm yên như nằm yên trong sự nhác lười. Hàng thế hệ người phương Đông sống trong cáu bẩn và quen đi. Cái giày vò tôi, những điểm phát đồ ăn miễn phí cho người nghèo cũng không sao chữa được. Cái giày vò tôi, không phải những chỗ lồi kia, những chỗ lõm kia, cũng không phải vẻ xấu xí kia. Ấy là trong mỗi con người đó, có một phần Mozart bị ám hại.
Chỉ có Trí Tuệ, nếu nó thổi qua đất sét, mới tạo được CON NGƯỜI.
Chương trước
Mục lục
Xứ Con Người
Antoine de Saint Exupéry
Xứ Con Người - Antoine de Saint Exupéry
https://isach.info/story.php?story=xu_con_nguoi__antoine_de_saint_exupery