Tuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7: "Tín Đồ Hồi Giáo Chính Trị" Chỉ Là Cái Tên Do Phương Tây Và Đám Thế Tục Đặt Cho Chúng Tôi
Ở Văn phòng đảng bộ, Sở cảnh sát và lại
lần nữa ra đường.
Cảnh hai người ngồi im phăng phắc trong bóng tối cạnh nhau hơi ma mị, nhưng Ka thấy không khí căng thẳng ấy còn tốt hơn khi Muhtar và ông trò chuyện với nhau như hai người bạn cũ trong ánh sáng. Giờ đây, sợi dây duy nhất cột ông với Muhtar chỉ còn là Ipek. Và Ka một mặt tha thiết muốn tìm cớ gì để nói về cô, song đồng thời ông cũng ngại hé lộ ra rằng ông đã si mê cô. Thêm một điều ông thấy ngại là biết đâu Muhtar còn kể thêm lắm chuyện nữa, khiến ông nhận ra là hắn còn ngu hơn ông đã biết, làm cho sự ngưỡng mộ mà ông muốn dành cho Ipek sẽ giảm đi khi nghĩ đến chuyện cô chịu làm vợ của một kẻ như thế bao năm liền.
Vì vậy Ka thấy thoải mái hơn khi Muhtar, do không biết nói chuyện gì cho phải, chuyển sang hỏi thăm các bạn bè cánh tả ngày xưa cũng như những người đã trốn sang Đức sống lưu vong. Nghe Muhtar hỏi, ông mỉm cười kể mình có nghe nói về tay Tufan tóc xoăn, ngày xưa hay viết bài về thế giới thứ ba cho tạp chí của họ, giờ đâm ra dở hơi. Lần cuối ông có gặp gã ở ga trung tâm Stuttgart, tay cầm cái sào dài ngoẵng có giẻ ướt ở đầu, mồm huýt sáo chạy đi chạy lại lau sàn. Muhtar còn hỏi về Mahmut ngày xưa hay bị chỉ trích vì luôn bộc trực nói ra ý kiến của mình.
Ka kể Mahmut hiện nay gia nhập vào nhóm theo trào lưu toàn thống của Hayrullah Efendi, ngày xưa bảo vệ phái tả hăng hái ra sao thì bây giờ cũng hăng hái như thế khi can thiệp vào các cuộc tranh luận xem nhóm nào làm chủ nhà nguyện nào ở Đức.Süleyman, một người bạn dễ thương khác làm Ka mỉm cười khi nhớ đến, sống ở thành phố nhỏ Traunstein của bang Bayern bằng tiền của một hội nhà thờ quyên cho người tị nạn chính trị đến từ thế giới thứ ba. Nhưng cuộc sống ở đây khiến anh ta chán nản đến nỗi quay về Thổ, mặc dù biết rõ rằng sẽ bị tống vào tù. Họ còn cùng nhau nhớ đến Hikmet đã qua đời một cách bí hiểm khi làm nghề lái xe ở Berlin, đến Fadil đã lấy bà vợ góa già của một sĩ quan phát xít ngày xưa và cùng bà ta mở một nhà trọ. Họ cũng nhắc đến Tarik Lý Luận nhờ bắt tay cộng tác với mafia Thổ ở Hamburg mà trở nên giàu có, Sadik ngày xưa hay cùng Muhtar, Ka, Taner và Ipek gấp báo mới lấy từ nhà in ra, hiện cầm đầu một băng đưa người nhập cư lậu qua dãy Alps vào Đức. Nghe nói Muharrem, người hay dỗi vì đủ mọi lý do đang sống hạnh phúc với gia đình mình ở một ga tàu điện ngầm dưới lòng đất Berlin, đã bỏ hoang không sử dụng từ thời chiến tranh lạnh và bức tường Berlin. Như bọn kẻ cướp ngày xưa ở Istanbul bất cứ lúc nào qua Amavutköy đều nhìn xuống dòng chảy và chào những tên cướp huyền thoại đã lao ôtô xuống đó và biến mất, những chiến sĩ xã hội chủ nghĩa Thổ hết thời cũng dành một phút đứng lên tưởng niệm khi chuyến tàu lao nhanh trên đoạn giữa ga Kreuzberg và ga Quảng trường Alexander. Ngay cả khi không quen biết nhau, trong khoảnh khắc tưởng niệm đó những đồng chí tị nạn chính trị trong toa tàu cũng ném cho nhau một tia nhìn từ khóe mắt trong khi họ chào những người hùng đã ra đi của một sự nghiệp đã tàn. Cũng trong một toa tàu như thế, Ka đã gặp Ruhi, người ngày xưa từng chỉ trích các bạn phái tả của mình không chịu quan tâm đến tâm lý học. Như ông được biết, Ruhi nay đang tham gia một thí nghiệm để đánh giá hiệu quả quảng cáo bánh pizza thịt bò khô của Thổ dành cho dân di trú với mức thu nhập kém nhất xã hội.Trong những người tị nạn chính trị ở Đức mà Ka quen, Ferhat là người may mắn nhất. Anh ta đã gia nhập đảng Công nhân Kurd, tấn công các văn phòng khác nhau của hãng hàng không Thổ với một tình cảm dân tộc chủ nghĩa cuồng bạo, lộ diện trên kênh CNN khi đang ném bom xăng vào lãnh sự quán Thổ, chưa kể còn học tiếng Kurd và mơ có ngày sẽ sáng tác thơ bằng thứ tiếng này.Một số người khác mà Muhtar tò mò hỏi đến một cách thái quá thì Ka đã quên từ lâu, hoặc chỉ nghe nói họ đã theo chân nhiều kẻ khác, tham gia vào các nhóm tội phạm nhỏ, đi làm cho các tổ chức mật vụ hay hoạt động chợ đen, hoặc lặn mất, hoặc mất tích, một số khác rất có thể đã bị hạ sát đâu đó trong đêm tối và xác bị vứt xuống cống ngầm.
Trong ánh sáng que diêm mà người bạn cũ vừa đánh lên, Ka nhìn thấy những vật dụng ma quái trong văn phòng đảng bộ - một chiếc bàn nhỏ cũ kỹ, một lò chạy gas. Ông đứng dậy ra cửa sổ ngắm tuyết rơi, lòng đầy cảm khái.
Những bông tuyết dày lâng lâng hạ xuống, êm ái vuốt ve ánh mắt. Trong vẻ chậm chạp, đầy đặn của chúng, trong sắc trắng tôn lên bởi ánh sáng xanh dương - không rõ từ cửa hiệu nào trong thành phố bừng sáng ấy - ẩn chứa một quyền lực tạo ra ấm áp và tin tưởng, cùng vẻ trang nhã làm Ka ngất ngây. Ông nhớ đến những buổi tối ngập tuyết hồi còn nhỏ. Cả ở Istanbul ngày xưa cũng bị mất điện mỗi khi tuyết rơi, trong nhà chỉ nghe tiếng thì thầm sợ hãi "Cầu Trời phù hộ!" khiến tim đứa trẻ là Ka đập rộn lên, và vui mừng có được gia đình xung quanh mình. Ông buồn bã quan sát mấy con ngựa thắng vào một cỗ xe đang phải gồng mình trong tuyết để tiến lên. Trong bóng tối ông chỉ nhận ra thân hình những con vật ấy mệt nhọc đung đưa sang phải sang trái.
"Muhtar này, cậu vẫn đến chỗ sư phụ chứ?"
"Ý cậu là trưởng lão Saadettin Efendi?" Muhtar đáp. "Thỉnh thoảng. Nhưng sao cậu hỏi?"
"Ông ấy đem lại gì cho cậu?"
"Một chút tình bạn, một chút cảm thông, dù không nhiều nhặn gì. Ông ấy biết nhiều."
Nhưng Ka không nghe thấy niềm vui trong giọng Muhtar mà chỉ thấy sự thất vọng. "Ở Đức tôi sống một cuộc sống rất cô độc" ông bên nhẫn tiếp. "Mỗi lần lữa đêm nhìn ra các mái nhà Frankfurt, tôi có cảm giác là cả thế giới và cuộc đời tôi không phải là vô ích. Tôi nghe đủ thứ giọng nói bên trong mình."
"Giọng gì?"
"Có thể chỉ vì tôi đã già và sợ chết chăng?" Ka ngượng ngùng nói. "Nếu tôi là nhà văn thì tôi sẽ tự viết về nhân vật Ka như thế này: Tuyết làm Ka nghĩ về Thượng đế. Nhưng tôi không rõ như thế đã đúng chưa. Đúng ra là sự im lặng của tuyết đưa tôi tới gần Thượng đế."
"Những người ngoan đạo phái hữu và phe Hồi giáo bảo thủ ở đất này..." Muhtar vội nói như thể muốn bập ngay vào một hy vọng hão huyền đã làm tôi khuây khỏa sau những năm tháng vô thần cánh tả. Cậu cũng nên đến tìm họ. Tôi tin chắc là họ sẽ làm cậu khuây khỏa."
"Cậu nghĩ thế à?"
"Trước tiên, người mộ đạo là người giản dị, hiền hậu và cảm thông. Họ không đứng tít trên cao mà nhìn xuống nhân dân như những kẻ Tây hóa; họ là người nồng hậu và đã quen khổ đau.Nếu làm quen cậu, họ sẽ mến cậu và không làm gì tổn hại đến cậu."
Ka đã biết từ lâu, ở Thổ Nhĩ Kỳ này tin vào Thượng đế không có nghĩa là bản thân mỗi cá nhân được đến với ý tưởng cao cả nhất và Đấng sáng thế vĩ đại nhất, mà chủ yếu là người ta gia nhập một cộng đồng, tới cầu nguyện ở một nhà nguyện cụ thể.
Mặc dù vậy ông thấy thất vọng khi nghe Muhtar nói về lợi thế của cộng đồng mà không một lời nhắc đến Thượng đế và xác tín cá nhân. Không những thế ông còn cảm thấy khinh thường Muhtar, nhưng ông nói ra những lời khác hẳn trong khi tì trán vào cửa kính và nhìn ra ngoài.
"Muhtar, theo tôi đoán trước thì cậu sẽ thất vọng và thậm chí khinh thường nếu tôi bắt đầu tin vào Thượng đế."
"Tại sao?"
"Một người Tây hóa, cô độc và tin vào Thượng đế một cách riêng lẻ làm cậu sợ. Khi một người không tin vào Thượng đế nhưng là thành viên trong cộng đồng cậu vẫn tín nhiệm họ hơn là một cá nhân riêng lẻ có đức tin. Đối với cậu, người cô độc còn thảm hại hơn và tội lỗi hơn cả người không có đức tin."
"Chính tôi rất cô độc,"Muhtar đáp.
Ka vừa giận vừa thương Muhtar, vì ông ta nói ra lời ấy một cách chân thành và đáng tin làm sao. Ông có ấn tượng là bóng tối trong phòng đã tạo ra ở mình và cả ở Muhtar sự tin cẩn như giữa những kẻ say rượu với nhau. "Tôi sẽ không trở thành kẻ mộ đạo và cầu kinh năm lần mỗi ngày đâu, nhưng nếu có thì cậu có biết tại sao cậu sợ chuyện đó không? Vì cậu chỉ có thể trao thân gửi phận cho tôn giáo và cộng đồng khi những phần tử thế tục vô thần như tôi đảm nhận công việc nhà nước và thương mại. Ở đất này người ta không thể thanh thản phụng sự Thượng đế nếu không phải có lũ ngoại đạo chăm chỉ hoàn thành tử tế các nhiệm vụ trần tục như thương mại với phương Tây và chính trị."
"Nhưng cậu không phải con người của thương mại và chính trị. Tôi sẽ đưa cậu đến gặp trưởng lão, sư phụ Saadettin, bất cứ khi nào cậu muốn."
"Hình như mấy anh chàng cảnh sát đến rồi thì phải."
Hai người cùng im lặng nhìn qua cửa kính phủ băng chỉ chừa một khoảng trống nhỏ. Chiếc xe cảnh sát đỗ trước cổng trung tâm thương mại mở cửa cho hai người vận thường phục xuống xe.
"Bây giờ tôi đề nghị với cậu một điều," Muhtar nói. "Hai người kia sẽ lên đây ngay và đưa hai ta về Sở cảnh sát. Họ sẽ không bắt cậu, chỉ lập biên bản lời khai của cậu rồi cho về. Cậu về khách sạn. Tối nay Turgut Bey mời cậu ăn, và cậu cứ đến đó. Tất nhiên mấy cô con gái sùng đạo của ông ta cũng có mặt. Tôi muốn cậu nói với Ipek câu này. Cậu có chú ý nghe không đấy? Nói với Ipek là tôi muốn làm lại từ đầu với cô! Lỗi của tôi ngày ấy là muốn bắt cô ấy trùm khăn và ăn mặc theo quy định Hồi giáo. Nói với cô ấy rằng tôi sẽ không đối xử với cô như một thằng chồng tỉnh lẻ thiển cận và ghen tuông nữa. Tôi hối hận đã đè nén cô hồi còn là vợ chồng, và tôi xấu hổ!"
"Ngày xưa cậu chưa nói với Ipek hay sao?"
"Có nhưng không ích gì. Có thể cô ấy cũng chẳng tin tôi vì tôi là chủ tịch chi bộ đảng Phồn vinh ở Kars mà. Cậu thì lại là một dạng đàn ông khác, cậu từ Istanbul, thậm chí từ Đức về. Nếu cậu nói thì cô ấy sẽ tin."
"Vợ cậu không trùm khăn thì có hậu quả xấu cho cậu trên cương vị chủ tịch tỉnh bộ của đảng Phồn vinh không?"
"Bốn hôm nữa Thượng đế sẽ giúp tôi thắng cử và lên ghế thị trường Muhtar nói. "Nhưng không quan trọng bằng Ipek nghe cậu kể là tôi hối lỗi. Có thể lúc đó tôi vẫn còn đang bị giam. Cậu có giúp tôi không, người anh em?"
Ka thoáng lưỡng lự. Rồi ông nói: "Tôi sẽ làm."
Muhtar ôm Ka hôn lên má. Ka vừa thương hại vừa kinh tởm, và tự khinh mình vì đã không chân thực và thắng thắn được như Muhtar.
"Và tôi khẩn thiết nhờ cậu đưa bài thơ này của tôi trực tiếp cho Fahir ở Istanbul,"Muhtar nói. "Bài mà tôi nói đến lúc nãy ấy, tên là Cầu thang."
Đúng lúc Ka đút bài thơ vào túi trong phòng tối, ba người mặc thường phục đi vào; hai người cầm đèn pin to tướng trong tay. Ka hiểu ra đó là người của Bộ an ninh. Họ có vẻ sẵn sàng và vội vã; trông bộ dạng họ có thể đoán là họ biết rõ Ka và Muhtar làm gì ở đây. Tuy vậy, khi xem thẻ căn cước của Ka họ vẫn hỏi ông đến đây làm gì. Ka nóiông từ Istanbul về để viết bài cho báo Cộng hòa về cuộc bầu cử thị trưởng và các phụ nữ tự sát.
"Chính vì đám Istanbul các người báo báo chí chí từ đầu mà mấy cô gái của chúng tôi mới đi tự sát," một người trong bọn họ nói.
"Không, không phải vì thế," Ka bướng bỉnh cự lại.
Thế vì cái gì?"
"Họ tự sát vì bất hạnh."
"Chúng tôi cũng bất hạnhnhưng có vì thế mà tự sát đâu."
Rồi họ mở tủ trong ánh đèn pin, lôi các ngăn kéo ra, đổ mọi thứ lên bàn và lục trong các cặp giấy. Họ lật bàn của Muhtar tìm vũ khí dưới gầm bàn, dịch tủ khỏi tường để nhìn đằng sau. Ka được đối xử tử tế hơn Muhtar nhiều.
"Tại sao ông lại đến đây mà không tới chỗ cảnh sát, sau khi chứng kiến ông hiệu trưởng bị bắn?"
"Tôi có hẹn ở đây."
"Hẹn làm gì?"
"Chúng tôi là bạn đại học." Muhtar nói vẻ xin lỗi. "Con gái ông chủ khách sạn Lâu Đài Tuyết, nơi ông ấy trọ, là vợ cũ của tôi.Ngay trước vụ ám sát, hai người đã gọi điện tho tôi hẹn ngày hôm nay đến. Điện thoại của đảng chúng tôi bị theo dõi thường xuyên, các ông có thể dễ dàng kiểm tra lại."
"Anh lấy cớ gì mà bảo chứng tôi nghe lén điện thoại của anh?"
"Tôi xin lỗi," giọng Muhtar không chút khó chịu. "Tôi không biết. Tôi chỉ đoán thôi. Cũng có thể tôi nhầm."
Ka cảm thấy ở Muhtar sự bàng quan và chán nản của một người quen bị cảnh sát xử tệ, không coi mấy câu lăng mạ của họ là một vấn đề danh dự, chấp nhận sự hạch sách của cảnh sát và nhà nước là chuyện đương nhiên như cắt điện và đường phố lầy lội suốt đời. Vì tự mình đã mất đi tính mềm dẻo lợi hại và những khả năng ấy, Ka thấy khá nể Muhtar.
Sau khi lục soát kỹ văn phòng tỉnh bộ, xới tung tủ và cặp giấy, gói lại một số giấy tờ cho vào bao tải và lập xong biên bản khám nhà, họ đưa Ka và Muhtar lên chiếc xe cảnh sát. Hai người ngồi im như những đứa trẻ vừa nghịch dại. Ka nhận ra sự chán nản của Muhtar qua đôi bàn tay trắng và cực to của ông buông hờ hững trên đầu gối như hai con chó già cục mịch. Trong khi xe cảnh sát lần mò đi trên đường phố tối tăm tuyết phủ, họ buồn bã ngắm ánh sáng lờ mờ vàng vọt trong cửa sổ he hé rèm của những tòa nhà Armenia cổ, những ông bà già xách túi nylon chậm chạp đi trên vỉa hè đóng băng, mặt tiền những ngôi nhà cô đơn, trống trải và cũ kỹ như những bóng ma. Trên biển thông báo của Nhà hát nhân dân có áp phích quảng cáo chương trình buổi tối. Các công nhân đặt cáp ngang đường cho buổi truyền hình trực tiếp vẫn mải miết làm việc. Vì các đường liên tỉnh bị tắc, ở bến xe buýt đường dài chỉ thấy không khí chờ đợi căng thẳng.
Họ lần đi trong màn tuyết đượm màu cổ tích, trong mắt Ka các bông tuyếtkhổng lồ như trong những cục chẵn giấy gọi là "Bão tuyết" mà ông hay chơi hồi nhỏ, và ông tưởng mình đang ở trong một vòm trời bằng nhựa lớn. Trong chuyến đi kéo dài gần mười phút mặc dù quãng đường khá ngắn vì lái xe đi rất cẩn thận và chậm, có lần ánh mắt Ka giao nhau với Muhtar ngồi cạnh mình. Vừa ngượng ngùng vừa yên tâm, ông hiểu được qua ánh mắt buồn bã và an ủi của người bạn cũ, Muhtar biết rằng ở Sở cảnh sát người ta sẽ đánh Muhtar, nhưng không hề chạm vào ông.
Ánh mắt của người bạn còn nói lên một điều khác sẽ đeo đuổi ông nhiều năm về sau: nó cho ông cảm giác Muhtar tin rằng mình xứng đáng nhận trận đòn sắp diễn ra ấy. Mặc dù tin chắc là bốn hôm nữa sẽ thắng cử thị trưởng, ánh mắt ông ta vẫn ẩn chứa sự nhẫn nhục sâu sắc và tựa như muốn xin lỗi trước cho sự kiện sắp xảy ra. Ka hiểu Muhtar nghĩ gì: Tôi biết là mình đáng bị đòn, vì tôi vẫn nhất quyết bám trụ ở góc trời này, thậm chí còn muốn làm thỏa mãn con đói quyền lực, và dù tôi sẽ cố ráng chịu chứ không đánh mất lòng tự hào, tôi vẫn cho là tôi thua kém cậu. Xin cậu thôi đừng nhìn vào mắt tôi nữa, để tôi khỏi phải xấu hổ thêm!
Sau khi xe đậu vào sân Sở cảnh sát phủ đầy tuyết, người ta không tách rời Ka và Muhtar nhưng xử sự với hai người rất khác nhau. Ka được đối đãi như một nhà báo có hạng từ Istanbul về, ở vào vị thế có thể gây khó khăn qua một bài báo bất lợi cho hội đồng thời cũng như một nhân chứng sẵn lòng cộng tác. Ngược lại họ tỏ thái độ với Muhtar: "Lại cái mặt nhà anh!" và ngầm tỏ cho biết là họ ngạc nhiên, tại sao Ka lại quan hệ với một phần tử như thế này. Ka ngây ngô tin rằng cảnh sát đối xử như vậy với Muhtar cũng vì cho ông ta là đồ ngốc nghếch ("Anh tưởng nhà nước sẽ được trao vào tay anh đấy hả?") hay bất ổn ("Lo chỉnh đốn cuộc sống của mình cho tử tế đi đã!"). Sau này ông sẽ biết là trong những lời ấy ẩn những ý nghiêm trọng hơn nhiều.
Họ đưa Ka sang phòng bên và chỉ cho ông xem ngót mộttrăm tấm ảnh đen trắng lấy từ bộ phận lưu trữ để ông nhận mặt thủ phạm đã bắn ông hiệu trưởng trường đại học sư phạm. Đó là tập ảnh của tất cả các tín đồ Hồi giáo chính trị ở Kars và vùng lân cận từng bị lực lượng an ninh bắt ít nhất một lần. Phần lớn còn trẻ, là người Kurd, nông dân hoặc thất nghiệp. Nhưng có cả những người buôn bán vặt, học sinh trường tôn giáo và thậm chí sinh viên đại học, giáo viên và người Thổ Sunni.Trên bức hình các thanh niên căm giận hay buồn rầu nhìn vào ống kính của cảnh sát, Ka nhận ra hai người trẻ tuổi mà ông từng gặp ngoài phố ở Kars, nhưng ông không thể nhận mặt được kẻ ám sát. Trong trí nhớ của ông, dù chỉ nhìn thấy từ sau lưng, hắn già hơn, gầy hơn nhiều.
Quay về phòng cũ, Ka thấy Muhtar vẫn còng lưng ngồi trên chiếc ghế lúc nãy, mũi chảy máu và một mắt tím bầm. Ông ta ngượng ngùng quay phắt đi và giấu mặt sau một tấm khăn tay.
Cả hai im lặng, và Ka tưởng tượng ra Muhtar đã được trận đòn vừa rồi tẩy rửa cho sạch những mặc cảm tội lỗi và đè nén tâm lý mà ông ta vẫn gánh chịu bởi cái nghèo và dốt của nước mình. Hai hôm nữa, ngay trước khi biết cái tin bất hạnh nhất trong cuộc đời mình, vào lúc bản thân cũng đã rơi vào trạng thái như Muhtar hiện tại, Ka sẽ nhớ lại tưởng tượng ngốc nghếch này.
Một lát sau họ lại đón ông sang phòng bên lấy lời khai. Một cảnh sát trẻ sử dụng chiếc máy chữ Remington đời cũ như cái của bố Ka, một luật sư, buổi tối vẫn lách cách gõ khi ông đem việc về nhà làm. Ka kể lại cho anh ta nghe ông hiệu trưởng bị bắn ra sao, trong lúc kể, ông thình lình nghĩ ra họ cho ông thấy Muhtar trong tình trạng ấy để dọa ông, bắt nói đúng sự thực.
Một lát sau ông được thả ra, nhưng Muhtar vẫn ở lại Sở cảnh sát. Hình ảnh khuôn mặt Muhtar máu me rất lâu sau không rời khỏi đầu ông. Ngày xưa cảnh sát tỉnh lẻ không vô cớ hành hạ phe bảo thủ như vậy bao giờ. Nhưng Muhtar không theo đảng trung dung thiên hữu như đảng Tổ quốc, mà theo hướng Hồi giáo chính trị cực đoan. Tuy nhiên Ka vẫn có ấn tượng là tình cảnh Muhtar ít nhiều liên quan đến nhân cách ông ta. Cứ thế Ka đi mãi ngoài tuyết, rồi ngồi lên bờ tường ở cuối phố Quân Đội, hút thuốc và ngắm lũ trẻ nghịch xe trượt tuyết trong ánh đèn đường. Cái nghèo và cảnh bạo lực mà ông chứng kiến ban ngày làm ông mệt mỏi, nhưng trong Ka trỗi dậy một hy vọng sẽ bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới với sự trợ giúp của Ipek.
Cuối buổi đi dạo trong tuyết ông chợt dừng bước trên vỉa hè đối diện tiệm bánh ngọt Đời Mới. Cửa kính đã vỡ. Đèn xanh trên xe cảnh sát đậu trước cửa hiệu nhấp nhoáng rọi một ánh sáng gần như huyền hoặc vào đám đông già trẻ đang bu lại nhìn các nhân viên cảnh sát trong tiệm, chiếu cả vào tuyết đang phủ xuống toàn bộ thành phố một cách kiên nhẫn thần thánh. Ka đứng lẫn vào đám đông và thấy cảnh sát trong tiệm vẫn đang hỏi cung người bồi bàn.
Một người rụt rè chạm vào vai Ka: "Ông đúng là thi sĩ Ka phải không ạ?"
Một cậu thanh niên còn rất trẻ, mắt to xanh lá cây, khuôn mặt ngây thơ hiền lành. "Tôi tên là Necip. Tôi biết ông đến Kars để viết cho tờ Cộng hòa về cuộc bầu cử địa phương và các thiếu nữ tự sát, và ông đã nói chuyện với nhiều người rồi. Nhưng ở Kars còn có một nhân vật quan trọng mà ông nên đến nói chuyện."
"Ai cơ?"
"Ta đi tránh ra kia một chút được không ạ?"
Ka ưa phong cách bí hiểm của cậu ta. Họ đi ra trước quán "Điểm Tâm Hiện Đại - nổi tiếng khắp thế giới về nước quả và nước Salep".
"Tôi chỉ được phép báo cho ông biết nhân vật mà ông phải tiếp chuyện là ai, nếu ông đồng ý gặp người ta."
"Tôi đồng ý sao được khi chưa biết người ấy?"
"Ông nói đúng," Necip nói. "Nhưng người ấy đang trốn tránh. Tôi không thể cho ông biết người ấy trốn tránh ai và tại sao, chừng nào ông chưa nói đồng ý."
"Thôi được. tôi đồng ý," Ka nói. Với một cử chỉ như trong truyện tranh trẻ con, ông nói thêm: "Hy vọng đây không phải là bẫy."
"Không tin vào con người thì không làm được gì trong đời cả," Necip đáp cũng với một cử chỉ lấy từ truyện tranh ra.
"Tôi tin cậu," Ka nói. "Tôi phải tiếp chuyện ai?"
"Ông sẽ được nói chuyện với người ấy sau khi biết tên.Nhưng nơi ẩn trốn của người ấy thì ông phải giữ bí mật, ông nghĩ kỹ đi! Tôi có nên tiết lộ danh tính người ấy không?"
"Nên." Ka nói,"và cậu cứ tin tôi!"
Necip trang trọng nói như nhắc đến nhân vật trong một bản anh hùng ca: "Tên người ấy là Lam."
Không thấy Ka phản ứng gì, cậu ta thất vọng. "Chẳng lẽ bên Đức ông không nghe gì về Lam? Ở Thổ ông ấy rất nổi tiếng."
"Tôi biết," Ka nói giọng lặng lẽ. "Tôi sẵn sàng gặp người ấy.
"Nhưng tôi không biết ông ta ở đâu,"Necip trình bày. "Tôi chưa thấy ông ấy lần nào trong đời cả."
Họ chăm chú nhìn nhau với nụ cười ngờ vực.
"Một người khác sẽ dẫn ông đến chỗ Lam," Necip nói.
"Nhiệm vụ của tôi là đưa ông đến chỗ người dẫn đường đó."
Họ cùng nhau đi xuống phố Kâzimbey Nhỏ, dưới các biểu ngữ bầu cử và cờ quạt. Ka thấy có cảm tình với chàng trai này; có gì đó trong điệu bộ lúng túng và ngây thơ, cũng như trong dáng người thanh mảnh của cậu ta làm ông nhớ đến mình hồi trẻ. Ông chợt bắt gặp mình đang thử nhìn thế giới bằng cặp mắt của cậu ta.
"Ở Đức ông đã nghe nói gì về Lam?" Necip hỏi.
"Trong báo chí Thổ tôi đọc thấy anh ta là phần tử hiếu chiến nhất trong đám Hồi giáo chính trị," Ka trả lời. "Và vài chuyện tồi tệ khác nữa."
Necip vội cắt lời ông. "Tín đồ Hồi giáo chính trị chỉ là cái tên do phương Tây và đám thế tục đặt cho chúng tôi, những người Hồi giáo sẵn sàng đấu tranh cho tôn giáo của mình. Ông là một người thế tục, nhưng ông chớ tin những lời dối trá mà báo chí thế tục đăng tải! Ông ấy không giết người. Ngay cả ở Bosnia nơi ông ấy đến bảo vệ những người Hồi giáo anh em, hay ở Grosny nơi ông bị thương vì bom Nga cũng vậy."
Cậu chặn ông lại ở góc đường. "Ông thấy cửa hàng bên kia đường đấy, đó là hiệu sách Truyền Bá thuộc nhóm theo thuyết Nhất nguyên. Nhưng tất cả các tín đồ Hồi giáo ở Kars đều tụ hội ở đó. Ai cũng biết thế, kể cả cảnh sát, họ có chỉ điểm trong đám bán hàng. Tôi học ở trường tôn giáo. Chúng tôi không được phép vào hiệu sách này, nếu vào sẽ bị kỷ luật, nhưng tôi sẽ chuyển thông tin cho một người. Ba phút nữa sẽ có một người cao lớn, có râu và đội mũ đỏ đi ra. Hãy đi theo anh ta. Sau hai phố anh ta sẽ quay lại cùng đi với ông nếu không thấy gã cảnh sát thường phục nào bám đuôi, và đưa ông đến nơi cần đến. Hiểu chưa ạ? Cầu Allah phù hộ cho ông!"
Nói rồi, Necip biến mất ngay trong làn tuyết mù ướt. Ka nhìn theo cậu ta trìu mến.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết