Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Tuyển Tập Truyện Ngắn
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Người Đàn Bà Của Đêm - Nguyễn Mỹ Nữ
Đ
ã gần hai tuần nay, tôi ở đây. Tôi lang thang dọc bờ sông nhìn những cái ghe chở dừa, ngắm rặng bần trên nước, trú mưa nơi vòm cổng một khách sạn rất hiện đại... và tự hỏi, chị giờ nơi đâu? Người phụ nữ mà do thời cuộc đã dạt xô tới phố biển ngoài kia của tôi. Người đàn bà Nam Bộ hiếm hoi mà tôi có thiện cảm trong muôn vàn những người đàn bà con gái nói tiếng miền trong. Vì sao ư? Vì hầu hết trong số họ, nhởn nhơ làm thứ công việc mà tôi không thể nào chấp nhận được. Đó là khoảng thời gian Mỹ quân sự, dân sự rồi là lính đại Hàn tràn ngập thành phố của chúng tôi kéo theo sự hỗn tạp, xô bồ và quá nhiều tệ nạn.
Nhà tôi ngày ấy bán tạp hóa ở phía trước và có dãy phòng cho thuê ở phía sau, cả dưới tầng trệt lẫn trên lầu. Chồng chị thuê một phòng của nhà. Hôm đến anh đã chẳng trả treo giá cả gì hết mà còn xuề xòa tâm sự ngay, dù mới gặp lần đầu: “Má biết hôn? có cái này đỡ lắm! đặng hồi rảnh về thành phố có chỗ ăn nghỉ với lại... Con sắp có vợ rồi. Lo mướn nhà trước đặng dẫn ra ở nữa chứ!”. Và, cái người anh dẫn ra sau đúng bốn tháng mướn phòng của nhà tôi không ai khác, chính là chị. Chỉ có bốn tháng, lại đi về không thường xuyên, nhưng anh Phước đã khiến cho mọi người trong gia đình tôi quý mến bởi tính anh quá hiền và rất tội. Anh là sĩ quan thám báo thuộc Trung đoàn 41, Sư đoàn 22 bộ binh. Anh có trồng một cái răng vàng ở hàm dưới và chị em tôi hay hát mấy câu này để ghẹo: “Cười lên đi cho răng vàng sáng chói. Hát lên đi để cho đời le lói...”.
Bữa chị ra, anh lấy chiếc Jeep lên phi trường đón. Tới nhà, vừa mở cửa xe đã rống giọng kêu inh ỏi: “Mấy em ơi! Ra mà đón chị bay nè. Má ơi! Vợ con nè!...”. Mọi người đổ ra, dòm ngó săm soi khiến chị lúng túng. Thấy thương sao! chị chẳng có gì nổi bật. Không cao không thấp không đẹp không xấu, da không trắng cũng chẳng đen. Người không quê nhưng cũng chẳng đô thị chút nào. Vậy mà vừa thấy là tôi mến ngay. Một tình cảm hết sức mơ hồ mà mạnh mẽ xâm chiếm toàn vẹn con người tôi. Thứ tình cảm ấy như chỉ rõ cho tôi, là tôi sẽ còn thương quý quyến luyến mãi với người phụ nữ này. Mãi mãi.
Người đàn bà ở xứ đạo An Hiệp. Người đàn bà có quê quán ở châu Thành, Bến Tre.
* * *
Chị không dám ngủ một mình mà anh thì có tuần ghé về được một hai bữa, có tuần không. Anh cười, giơ cả răng vàng, giơ cả lợi, nói: “Má coi cho em nào lên ngủ với vợ con giùm”. Mẹ tôi chẳng chỉ định rõ ai, mặc cho hai chị em tôi giành qua giành lại. Giành bắt chán chê vẫn bất phân thắng bại nên sau rốt phải giải quyết bằng cách đánh tù tì vì cả hai đều rất thích được lên ngủ với chị chỉ bởi một lý do duy nhất, là được coi ti-vi cho nó đã đời. Chỉ có vậy! chẳng là ngày ấy đâu phải nhà nào cũng sắm được cái vô tuyến truyền hình. Cả xóm đâu có chừng hai cái và từ đàn ông cho tới đàn bà, người lớn cho tới con nít đều ngồi xếp hàng xếp lớp ở nhà người ta để theo dõi kịch Kim cương, Túy Hồng...; để coi chương trình ca nhạc “Tiếng tơ đồng”, “Jomarcel”... Bà chị kề tôi có vẻ quyết tâm dữ lắm! Quyết ăn thua đủ khi lao vô trò đánh tù tì với tôi, một cách thô bạo. Vậy mà sau hai lần huề, xui rủi sao lần thứ ba chị ra “tờ giấy” tôi lại ra “cái kéo”. Nhìn mặt chị méo xệch, tôi chọc: Vậy nghe! Kéo này sắc dữ lắm! cắt roẹt, roẹt... Chị tôi nhỏ nhen để bụng, tối tối hành hạ em bằng cách bắt làm đủ thứ việc linh tinh lại còn xúi ông anh kiểm tra bài vở hết sức gắt gao rồi mới cho tôi được đi... ngủ lang.
Vợ anh Phước ban ngày thấy tươi tỉnh, mau mắn, nhưng ngó bộ rất buồn vào ban đêm. Có khi tôi còn thấy chị khóc. Căn phòng có lúc không bật đèn, ti-vi có khi không chịu mở. Chị đứng trước cửa im sững, mái tóc rũ qua một bên. Bóng người nhỏ bé và chênh chao trong thứ ánh sáng nhợt vàng lắt lay từ phòng kề bên hắt lên khoảnh tường đối diện. Nhiều năm sau, chiếc bóng lẻ loi và thứ ánh sáng chập chờn nhiều ma mị giấc khuya ấy còn ám ảnh tôi. Năm đó tôi mười bảy và chị hai ba. Tôi tên một loại hoa hết sức thông thường - cúc. Chắc không phải cúc trắng vì da tôi đâu có được vậy. Vàng, càng không. Và chẳng lẽ có một loại cúc đen cho phù hợp với tôi. “đứa con gái miền biển da nâu giòn, săn chắc”, chị hay gọi tôi bông lơn vậy cho vui chứ đâu có mấy hồi kêu cúc. Trong giao tiếp hàng ngày chị một điều cưng hai điều cưng, giọng nũng nịu mè nheo. Đáng yêu và êm tai hết sức. Còn tên chị? Không thuộc về ngày. Không ánh mặt trời, không sáng lóa, không bừng tỏa. Là đêm. Tôi cau mặt: “Tên gì kỳ cục! Tên nghe núp lén, bí mật quá chừng”. Chị thêm: “Bí ẩn và trắc ẩn nữa chứ”. Tôi hiểu loáng thoáng hai từ đầu và rất lâu về sau này mới hiểu hết được hai từ sau. Hiểu và buồn lặng.
Cứ nghĩ được đi ngủ lang, được lên phòng chị để coi ti vi ai dè, toàn là chóc mỏ nghe chị kể chuyện. Chẳng chuyện của ai. Chỉ chuyện của chị. Chuyện về cái xứ đạo có tên An Hiệp. Về châu Thành. Về quê nhà mênh mang dạt dào sông nước của chị. Lần đầu tôi biết đến cái tên Kiến Hòa và qua chị thấy gần chứ hồi giờ cứ nghĩ, ở đâu đó xa lăng lắc. Một cái tỉnh nằm tút tận miền tây mà mình không cách gì hình dung ra được. Chị đêm nói, chị ưng anh Phước vì ba chị ép. Ba chị với ba anh Phước là bạn. Nhà ở khác huyện nhưng cùng đi học trên tỉnh. Ở trọ chung một nhà học chung một lớp. Thân thiết lắm! Hai người hứa làm sui với nhau từ hồi chị mới qua cấp hai chứ mấy. Ba anh Phước làm vườn, trồng cây cảnh để sinh sống và hiền khô. Còn ba chị là sĩ quan thuộc chi khu Kiến Hòa, dữ hết biết! Trước khi có chồng, chị đã thương một người học trên Sài Gòn, học trường bảnh dữ lắm! Học bên Phú Thọ ra làm tới kỹ sư đó cưng, nhưng ảnh có tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh. Ba chị biết, đùng đùng nổi giận. Xách súng ra phía trước bắn chỉ thiên đúng ba phát rồi xách súng vô nhà kê ngay màng tang, (chị nói thêm: màng tang chị chứ không phải màng tang ổng) gằn giọng: “Mày bỏ nghen con. Không, tao làm một phát khỏi ân hận vì lỡ sinh ra đứa con gái mê Việt cộng”.
Chị chưa kịp bỏ, người đó đã bị bắt và bị đày ra côn đảo.
Người đó đi ở tù và chị đi lấy chồng. Chị kể chuyện tình mình bằng giọng rười rượi buồn. Và chỉ vậy. Không chút ghét bỏ, phẫn nộ... dẫu là một câu chuyện có tiếng súng, sự nổi giận và nhà tù. Phải là tôi, một cô gái miền Trung nhiều cá tính luôn biểu lộ mình, hết sức mãnh liệt, thì không bao giờ là vậy. Không những nói, khi kể chị còn cười được mới thật tài! Mới thật ngộ! Những câu chuyện chị cuốn hút tôi từng đêm, từng đêm. Giọng Nam Bộ đẽo đợt kéo dài, như phỉnh dụ tôi theo chị miết miết. Theo chị về một giáo đường, vào đêm Giáng sinh vào mùa chay. Chị nói chị ở xứ đạo An Hiệp bên châu Thành nhưng hai dịp lễ lớn trong năm của người Ki tô giáo, luôn theo gia đình qua bên chợ Lách để tham dự thánh lễ và các nghi thức ở nhà thờ cái Mơn. Đó cũng là quê anh Phước. Giọng chị rập rình kể về con nước xuống lên sớm chiều, về cây bình bát, về cụm dừa nước. Ghe thong thả lướt tràn mặt sông và con rạch nhỏ um xanh những rặng bần. Tôi nhắm mắt, nằm im, thiu thiu giấc ngủ chưa kịp tới và vui thích theo chị trong mùa thu hoạch cây trái vườn nhà. Chiếc võng, tiếng ve rộ mùa hè và sắc đỏ nơi từng chùm chôm chôm...
Sát bên phòng chị là phòng của một thằng Mỹ lai đen. Làm việc ở hãng R.M.K(1). Đó là thằng Mỹ dễ thương nhất mà tôi được biết. Thằng này rất khôn. Chỉ đen sơ sơ ở màu da còn hết thảy mọi thứ trên khuôn mặt nó đều nhỏ nhắn, xinh xắn lạ lùng. Nó cũng không cao. Mỹ mà chỉ chừng một thước sáu lăm, sáu bảy. Nó cười có duyên chết được và tuổi chắc chưa tới ba mươi. Cái thằng này cà lác bắt sợ. Ai đời có mỗi cái tuổi cái tên mà hỏi, hồi khai tuổi này, hồi nói tên khác. Tuổi không cần nhưng tên phải có để mà kêu chứ! Thế là chị đặt tên nó là Babyson. Chị nói, nhìn nó tự nhiên nghĩ tới một bản nhạc Pháp. Bản “Tous les garçon et les filles”(2). Thằng Babyson có vẻ khoái chí với cái tên này lắm. Cứ câng câng cái bộ mặt dễ thương của nó lên, trả lời khi nghe ai đó hỏi: “What is your name?”. Có điều rất ngộ, nói theo cách của chị là dù đã đặt tên cho Babyson nhưng mọi người mặc sức kêu còn chị cứ Nhỏ mà réo. Như đã luôn réo tôi là cưng vậy. Càng ngộ thêm là mỗi lần nghe chị kêu mình, Babyson luôn hỏi lại bằng tiếng Việt đớ đớ là: “đêm kêu Nhỏ hả?”. Từ ngày có thằng Mỹ lai mướn sát bên, những buổi tối tôi thấy chị ít đứng một mình. Khoảnh tường đối diện chập choạng lắt lay bỗng nhiên rỡ ràng hằn soi hai bóng người đứng cận kề nhau, im sững.
(1) Công ty chuyên xây dựng cầu đường và các công trình quân sự cho quân sự cho quân đội Mỹ.
(2) Một bản nhạc Pháp được nữ ca sĩ Francoise Hardy hát, rất thịnh hành vào thập niên 60 ở miền Nam Việt Nam.
Có khuya tôi nín thở lặng ngắm họ. Cảm nhận trong nỗi hoang mang hãi sợ hết sức vô cớ của mình là vô vàn những ngọt ngào, ấm áp.
Những câu chuyện kể đêm đêm của chị, ngay sau đó, vẫn bảng lảng sông nước quê nhà. Vẫn mênh mang, vẫn rười rượi điệu sầu muôn thuở đất phương Nam nhưng đã thêm vào rất nhiều chuyện của Babyson. Về cộng đồng da đen nhiều hẩm hiu của nó bên kia đại dương, về khu Harlem cùng khổ ở New York, về cái thằng chủ da trắng với cái tính phân biệt chủng tộc chết người ở hãng R.M.K và về âm nhạc. Chị nói chị và Babyson đều rất thích nhạc đồng quê và Thánh ca. Đó là những đêm cuối năm và rất lạnh. Giáng sinh cận kề, chị lo mua bánh trái, quà cáp để cùng anh Phước về quê. Anh Phước, gần như vắng nhà thường xuyên nhưng nghe nói hai người có hẹn là chừng Giáng sinh sẽ đưa nhau về Kiến Hòa ăn mừng chúa ra đời. Tưởng chị vui, nhưng nghe ra trong những chuẩn bị của chị là bao nấn ná rất nhiều đắn đo. Khuya, thường thấy chị trở dậy ngồi sát mép giường, dáng bất động và khuya, tiếng harmonica của Babyson thổi từ phòng bên vọng sang, buồn hiu hắt. Anh Phước báo về là phải tham dự một cuộc hành quân lớn và nói chị ráng vui trong một mùa Giáng sinh xa quê. Tin đưa về vào chiều 22 và rất lạ, thấy chị không một mảy may buồn. Rồi liền hai ngày sau đó thấy chị và Babyson lăng xăng túi bụi với những thứ gì đâu đâu. Hỏi, chị ra dấu bí mật. Cả hai muốn dành cho tôi những bất ngờ. Mà thật vậy, tôi đã trố mắt to, ngạc nhiên hết cỡ khi đứng giữa căn phòng thường ngày, vốn rất lộn xộn và vắng ngắt của Babyson. Không thể nào tin nổi căn phòng đó có thể đẹp sáng và ấm cúng đến dường ấy! Nhạc Giáng sinh đổ tràn. Ở góc phòng là một cái hang đá rất nhỏ và thật đơn sơ. Điều này khiến tôi thấy thích. Có vẻ, người làm ra hang đá này đã nắm rõ được tinh thần khó nghèo của chúa và sự ra đời hết sức đặc biệt của Người. Đối nghịch với hang đá, ở góc phòng đối diện là một cây thông giăng đầy bóng điện đủ các sắc màu và liên hồi nhấp nháy. Trên những nhánh thông treo mấy gói quà và những cái thiệp xinh xinh. Giữa phòng là một bàn tiệc nhỏ dành cho đúng ba người đã cắm sẵn nến và bày sẵn ly uống rượu.
Đó là một Giáng sinh nhiều xúc động nhất mà tôi được biết. Một Giáng sinh có chị, có thằng bạn được gọi là Nhỏ của đêm rồi còn có cả cưng của chị nữa. Trước khi ăn Réveillon, cả chị và Babyson đều có quà cho tôi. Và sau đó, cả hai người cùng hát “Silent night” bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Giọng Babyson ngô nghê mà cảm động lạ lùng: “Đêm Thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng. Đất với trời se chữ đồng. Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ...”. Khi tôi hát “Jinger Bell” thì Babyson thổi harmonica và chị nhảy. Mắt khép, tóc xõa bời bời, khuôn mặt đầy đam mê... Là chị đêm của tôi, trong một Giáng sinh đầy huyền ảo.
Mấy ly rượu vang khiến tôi buồn ngủ và trong cơn chập chờn, thấy có một ai đó bế chị lên, quay vòng và tung lên, bay bổng. Ở trạng thái thức ngủ nhập nhoàng tôi nhận ra đêm đang vút bay. Đêm níu cả chị đêm cùng bay, rồi một ai đó nữa bay, hang đá bay, những ngọn nến bay và âm nhạc bay bay. Bay rất nhẹ và xa. Thật xa. Ngay trong đêm đó, lúc gần sáng tôi chợt thức dậy và giật mình khi sờ bên cạnh mình không thấy chị đâu. Rồi thêm mấy đêm sau nữa cũng vậy. Vài tuần sau nữa thì chuyện của chị và Babyson vỡ lở. Trong mấy phòng trọ ở dãy nhà cho thuê của gia đình tôi, mọi người xúm lại xì xầm. Những cái liếc xéo đầy ghét bỏ, những cái nguýnh nguẩy nhiều rẻ khinh, những câu nói hằn xóc... bay vèo vèo. Cũng là bay đó thôi nhưng không phải bay rất nhẹ và thật đẹp như âm nhạc và những giấc mơ mà bay bạo liệt về phía chị. Mẹ tôi không cho tôi lên ngủ với chị nữa và một bữa, anh Phước về thình lình bắt gặp chị với Babyson đang đứng ở khoảng cuối của dãy hành lang, ôm nhau. Sau này nghe chị kể lại tôi mới hay còn giữa khi đó, tôi có giáp mặt với anh Phước ở đường luôn và thấy anh rất bình thường. Anh Phước vẫn cười với cái miệng mở rộng hết cỡ. Chiếc răng vàng lấp lánh khiến tôi đã muốn vọt miệng hát lên mấy câu trêu ghẹo nhưng anh lao ra đường, leo vội lên chiếc Jeep và phóng đi.
Suốt khoảng thời gian đó chị điềm tĩnh đến kinh ngạc! Tôi lén mẹ lên ngủ với chị được vài đêm. Lòng xao xác bởi rõ đó là những đêm cuối với nhau. Chị cười mà nước mắt ứa kể về tình yêu của chị với chàng trai Mỹ lai đen Babyson. Về Nhỏ. Chị nói cưng biết không, bọn chị tìm tới nhau vì đều đau đáu nỗi tha hương. Đều yêu quê, đều rất nhớ nhà dẫu đó có là một khu phố nhộn nhạo bất ổn của dân da đen ở New York hay là sự thanh bình yên ả ở xứ đạo An Hiệp, Kiến Hoà. Rồi là âm nhạc. Những bài Thánh ca du dương, thứ nhạc đồng quê đằm sâu mà mộc mạc... Rồi là sự lẻ loi nơi mỗi người, những ngơ ngác trong cuộc sống, nỗi mệt mỏi trong tình ái. Với Babyson là sự chung đụng đến nhàm chán với mấy cô gái điếm. Với chị là cuộc hôn nhân gượng gạo với anh Phước. Bọn chị khát khao những sẻ chia nhỏ nhặt mỗi ngày. Cần thiết những hỏi han, chăm chút cho nhau khi mưa khi nắng, lúc khỏe hồi đau. Cứ ngỡ chỉ vậy. Chỉ nghĩ đó là một tình bạn trong trẻo mà cả hai đã bắt gặp được ở đây trong chuỗi ngày sống côi cút. Đâu ngờ... Thôi thì! đã vậy, chị phó mặc... Tôi ngập ngừng:
- Rủi anh Phước...?
- Chĩa súng ngay màng tang chị và bắn một phát chứ gì?
-.... Anh Phước đã không làm vậy. Một lần, về thành phố anh không thèm ghé về nhà với chị đêm. Anh rủ cả đám bạn vô một quán rượu, uống say mèm rồi một hai đòi về đơn vị dù mọi người cản ngăn. Anh đón một chiếc xe nhà binh chở lính đi ra Quảng Ngãi. Xe quá chật nên anh và hai người bạn phải đứng. Bạn anh đứng hai bên còn có chỗ vịn tay. Anh ở giữa đâu biết bấu víu nơi nào ngoài vai bạn. Tựa giữ lỏng lẻo kiểu đó nên khi xe thắng tay anh rớt ra liền. Tay rớt và anh rớt. Rớt xuống lòng đường gặp ngay lúc một chiếc Jeep phía sau trờ tới, cả người anh nát nhừ. Chị nhận hung tin, đờ người ra rất lâu rồi quỵ xuống, sóng soài. Không riêng chị, cả gia đình tôi và mọi người ở trọ đều chết điếng cả hồn lẫn vía. Cái chết tức tưởi và thảm thiết của anh trùm lên ngôi nhà của chúng tôi một không gian u xám và ảm đạm. Có cảm giác luồng ám khí từ nơi anh nằm xuống đang bốc lên nghi ngút và theo gió, dạt bay về phía chị và Babyson khiến khuôn mặt chị dại ngây như không còn sự sống và đôi mắt Babyson đỏ quành quạch một màu chết chóc dị thường.
Chị bỏ chúng tôi mà đi, từ ngày hôm đó. Babyson đóng chặt cửa phòng và ngập ngụa mình trong rượu, từ ngày hôm đó.
Thi thoảng, đêm, trong những giấc ngủ đầy mộng mị của mình, tôi thấy chị đêm về. Tôi thấy chị xõa tóc dài ngồi nơi bến nước quê mình trong châu Thành, một mình. Bóng chị khi ẩn lúc hiện nơi những rặng bần, cụm dừa nước... Rồi tôi thấy chị áo dài trắng, voan trắng đứng chơ vơ một mình, nơi tháp chuông nhà thờ cái Mơn trong lễ cưới... Lạ, trong những giấc mơ tôi không hề thấy anh Phước. Cũng không có Babyson. Chỉ có tiếng harmonica da diết và bi thiết. Chỉ có chiếc răng vàng trên khuôn mặt nhòa nhệch của ai đó bật sáng rồi tắt lịm. Chỉ có giọng nói của ai đó, thắt thẻo và rập rình: “đêm kêu Nhỏ hả?” rồi bặt im.
* * *
Đã gần hai tuần nay, tôi ở đây. Bữa về châu Thành, thót lòng... Sao tôi có thể quên đây là quê nhà của một người phụ nữ có tên là đêm. Một cái tên kỳ cục. Một cái tên nhiều bí ẩn và nhiều trắc ẩn. Sông mưa và con phà lướt tới. Sông đẫm buồn trong cái màu bạc đục lênh lang mấy cụm lục bình trôi. Sông trôi và đêm trôi. Dạt xô tận đâu đâu, hỡi người đàn bà của tuổi mười bảy tôi, ngời ngợi... Tôi đã bần thần suốt một ngày, ở chính cái nơi chị đã sinh ra, đã lớn lên, đã ra đi và không biết còn có thể trở về? Sáng đó, khi lững thững đi dạo quanh mấy cái nhà vườn, tôi đã đứng chôn chân phía trước một ngôi nhà mà dường như ký ức cho tôi hay đó là ngôi nhà chị. Phải không? cái cổng này sao rất quen. Phải không? Bức tường rào sơ sài? Phải không? Khung cảnh này sao quá lắm gần gụi? Không đừng được, tôi bước vô. Và cứ thế một mình ngẩn người nơi hàng hiên, nơi gian nhà ngoài với những chiếc ghế làm bằng thân dừa thật khéo. Vắt ngang chiếc tủ thờ rất xưa là câu này: “Học, học nữa, học mãi...” viết bằng nét chữ nguệch ngoạc. Một câu của ai đó, chị đêm ưa đem ra trích dẫn mỗi khi hai chị em nói chuyện với nhau về đề tài học. Giờ, ong ong bên tai mình bằng một giọng Nam Bộ đẽo đợt uể oải khiến tôi phải giật mình. Là câu chị dùng, là giọng chị nói. Không trật. Vậy chị phải ở ngay đây. Ở trong chính cái ngôi nhà này. Không thể trật được.
Vừa nghĩ tới đó, tôi bỗng thấy mình nghẹt thở và phải lấy hơi hít sâu mấy ngụm khí trời để bớt hồi hộp trước khi hăm hở đi thẳng xuống nhà sau. Chị sẽ như thế nào đây, sau ngần ấy năm xa cách? chị đang ở với ai? cũng có thể chị lập gia đình với người tình thuở học trò, cái ông rất bảnh học trường Phú Thọ chừng tốt nghiệp làm kỹ sư đó! Phải rồi, sau giải phóng anh sẽ ở côn đảo về. Sẽ gặp lại, sẽ sum họp và sao không thể cùng về chung sống với nhau, sau ngần ấy trắc trở gập ghềnh?
Tiếp tôi không phải chị, mà cũng không phải một cô gái một chàng trai nào đó hơi hơi giống chị. Là một bà già Nam Bộ rất hiếu khách, hỏi thăm tôi đủ thứ và mời tôi ăn quá trời là trái cây. Ăn đã đời còn cho thêm một bịch chôm chôm và một trái mít tố nữ. Bà già cũng cho tôi biết thêm là nhà không có con cháu, em út gì tên đêm hết! Nói rồi cười xuề xòa: “Trời ơi! Khùng ha! đặt tên gì kỳ! đặt tên vậy cho đời tối thui sao!”. Ngồi lại thêm buồn, tôi chào tạm biệt. Đã đứng ở cổng vẫn còn chưa chịu đi. Tôi cố tình nấn ná chỉ để hỏi một câu:
- Vậy, ai viết cái câu dán trên tủ thờ vậy, bác? Mà sao viết vậy?
- Thằng chồng tui viết chứ ai. Tự ổng đĩ ngựa ổng viết vậy đó!
Bước chân lâng châng tôi quay lại với đám bạn, uống liền mấy ly Phú Lễ ngâm chuối hột. Rượu xộc cay và nỗi nhớ xộc cay. Nhớ chị, nhớ thứ ánh sáng nhợt vàng từ phòng trong hắt ra khoảng tường đối diện. Là đêm của chị đêm tôi. Đêm, chiếc bóng chị đứng lẻ loi. Đêm, sát mép giường chị ngồi lẻ loi. Chập chờn và bất động...
Tôi còn thêm mấy lần lầm tưởng là đã được gặp lại chị ở cái nơi này. Là buổi sáng đi lễ ở một giáo đường gần bờ sông và lòng bật vui khi thấy lại một dáng quen đứng trước hang đá đức Mẹ. Để rồi khi sáp lại gần, hụt hẫng. Là giữa phố với người đàn bà bán sinh tố mình ghé lại uống trái dừa lạnh. Trời ơi! Sao mà giống... Cũng đôi mắt ấy, cũng sống mũi ấy khi tôi nghiêng người nhìn lén rất lâu. Là khi dạo chợ và giật mình bởi tiếng Nhỏ, rất trìu mến được nghe cùng với cả chuỗi cười. Chuỗi cười nào giống chuỗi cười từ đôi môi đỏ mọng chúm chím của chị và tiếng gọi “Nhỏ ơi! Nhỏ ơi!” sao có thể nguôi quên? Tiếng gọi tiếng cười ngỡ đã lẫn chìm tận đâu sao khiến tôi ngơ ngác quá giữa chốn này. Nhiều năm tháng đã đi qua. Vẫn như ngày xưa, tôi không một lần hé môi phán xét chị. Tôi không một câu lên án dẫu không hề quên những lỡ lầm, những sai phạm tột cùng của chị... Tôi, không thể dẫu một tích tắc đời mình, chối bỏ chị, ngừng yêu thương chị.
Mấy ngày cuối ở nơi này, lòng tôi đã bớt thấp thỏm. Tôi nhận ra người đàn bà tên đêm đó đã thuộc về đêm. Là đêm. Đêm, cho chị lút sâu mình ẩn náu.
Đêm giang tay chở che chị. Tôi thôi háo hức săn tìm bởi nhận ra người đàn bà tên đêm đó là của đêm. Chị rộng lòng như đêm, mông muội như đêm, ẩn trắc như đêm.
Khuya, tôi một mình đi bộ ra con sông gần chỗ ở. Sông lênh láng và sông yên ả. Tôi một mình giữa đêm. Đêm hoang hoải và đêm hung hiểm. Tôi một mình và tôi nhớ chị. Những nỗi nhớ trườn mình trên mặt sông loang loáng...
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Tuyển Tập Truyện Ngắn
Nhiều Tác Giả
Tuyển Tập Truyện Ngắn - Nhiều Tác Giả
https://isach.info/story.php?story=tuyen_tap_truyen_ngan__nhieu_tac_gia