Thuở Hồng Hoang epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8
uối mùa mưa năm ấy, có nhiều đoàn người từ đồng bằng sông Hồng, từ Huế, Ngũ Quảng tiếp tục đi đường biển, đường bộ kéo đến vùng lưu vực sông Đồng Nai, ngã ba sông Nhỏ-sông Đồng Nai, giáp làng Tri Ân, sóc Po và cái làng Suman và Lâm Kỳ bị lạc năm nào.
Lang thang, phiêu bạt, đói rách, bệnh hoạn lâu ngày, hàng trăm con người tha hương ấy tấp vào bìa rừng rậm, cho là yên ổn nhất.
Có chỗ đặt lưng cái đã, sẽ tính sau. Trai tráng, trẻ con còn mạnh khoẻ lập tức tản ra khắp cánh rừng đại ngàn, tìm trái cây, bẻ măng rừng, các loại rau tập tàng, xuống sông câu cá, đâm cá theo kẹt đá hàn. Có người còn mang theo được cả cánh buồm rách, những mảnh lưới đi biển. Những người ngũ Quảng có vẻ rành nghề sông nước, đi biển, kiếm cá. Học chặt tre nứa, lồ ô đóng bè theo sông. Ban đêm, họ còn đốt đèn lồng câu tôm, câu treo các loại cá lăng, cá dãnh, cá cườm.
Trai trẻ thì lên rừng sâu tìm chỗ phát rừng, làm rẫy trỉa lúa, trồng các loại khoai củ…
Vài tháng sau, cả cánh rừng hoang, đại ngàn dọc lưu vực sông Đồng Nai đã thấy nhiều mái nhà trệt chen lẫn nhà sàn. Sáng sớm khi dòng sông Đồng Nai còn mờ hơi sương, nhiều cô gái quảy đôi thùng xuống đầu cầu múc nước sông, lần từng bước lên bờ. Chiều chiều, trẻ con, trai gái nhảy xuống sông tắm táp, giặt giữ, nô đùa.
Họ đến làng Tri Ân hỏi mua trâu, bò, lưỡi cuốc, dao, rựa.
Anh em buôn vải lại có dịp đổ hàng từ chợ Tân về bán hoặc đổi chác cùng người mới đến.
Bây giờ, dọc lưu vực sông Đồng Nai từ ngã ba sông Nhỏ và sông Đồng Nai đến làng Tri Ân, đến sóc Po và cái làng mới lập, đã nối liền nhau, ít còn chỗ hoang vu.
Ông Kỳ Ngoại, ông già Bách và ông Sáu Đồng Nai đã cất công đến tìm thăm hỏi các làng mới lập, bày vẽ cách làm ăn, phong tục quen thuộc xứ Đàng trong Đồng Nai. Hàng trăm con người tha hương, xa xứ, sau nhiều năm tháng lưu lạc, gặp lại nhau, lập tức coi nhau như người cùng làng, cùng quê, cùng cảnh.
Nhiều thứ tiếng thường dùng. Nhiều cách phát âm khác nhau. Nhiều phong tục cúng bái, lễ lạc, ma chay, tang tế, tết nhất.
Ông già Sáu Đồng Nai bao giờ cũng gợi cái ý:
- Mình là dân khắp nơi gặp nhau, tìm con đường sống yên ổn. Xứ này còn hoang vu, đất rộng người thưa. Nhưng rừng núi, trời đất, lòng người bao giờ cũng bí hiểm, bất ngờ. Phải sống chết có nhau, lấy câu “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly” mà ăn ở với nhau. Vùng đất này đến nay đã có năm cái làng, hai cái sóc. Có người gốc từ sông Hồng xa xôi, cách trở. Có người từ xứ Quảng, Huế….vô đây lập nghiệp. Có số người là người bản địa, miền ngược như người sóc Po, sóc Pom, người Chàm, người Kờho, người Êđê, người Hoa Mường…Vậy đó, năm bè bảy mối phải coi như một nhà, một gia đình, mới sống yên lành được.
Các ông già các làng mới đến, người ngược bản địa…, tỏ ý chọn một người già am hiểu, có tình thương, coi như già làng chung các làng, các sóc.
Họ nhằm vào ông già Sáu Đồng Nai. Ông già Sáu Đồng Nai từ chối mãi, đành phải nhận nhưng nói thêm:
- Phải có lớp trai trẻ cùng làm, cùng chăm lo chung như Tứ Hải, Suman, Lâm Kỳ và ba người trẻ của năm làng mới đến.
Tất cả đều đồng ý ý kiến của ông già Sáu Đồng Nai.
Sau vài tháng lao vào phát rẫy, trỉa lúa rẫy, gieo giống, cày cuốc chuẩn bị mùa cấy hái khi mưa xuống. Một hôm ông già Sáu Đồng Nai nói giữa đám đông:
- Luyện võ thì có ông Bách, Suman, Lâm Kỳ và Tứ Hải. nhưng dạy học cho trẻ con phải tính, để chúng dốt nát mãi, đau lòng lắm. Tôi định mời ông bạn già Kỳ Ngoại vốn là nhà nho học có tiếng của đồng bằng sông Hồng đứng ra lo giùm, dạy giúp các cháu. Trường lớp thì tất cả chúng ta cùng lo.
- Còn bệnh hoạn thì làm sao?- Ông già mới đến hỏi- Mấy tháng nay dân mới đến cư ngụ chúng tôi đau ốm liên mien, chẳng biết đi đâu. Ở chợ búa, thành thị thì có nhà thương thí, có thày thuốc, còn mình ở đây, làm sao?
Ông già xứ Quảng nói:
- Cái đó để tôi lo. Tứ Hải và các bạn buôn vải vóc có thể mua thuốc ở chợ.
Lâm Kỳ bạo miệng nói:
- Giao cho chị Lâm Huỳnh, mẹ cháu lo chuyện trị bệnh. Mỗi làng chọn một bạn gái tới đây cùng học với chị Lâm Huỳnh và mẹ cháu. Anh Tứ Hải sẽ mời một thầy thuốc ở chợ Tân lên đây dạy sơ sơ vài tháng là tạm được.
Ông già Sáu Đồng Nai nhìn Lâm Kỳ ngạc nhiên, gật gù.
Từ đó, vẫn nhà ai nấy ở, làng nào nấy lo việc làng nhưng hình như có sự liên kết, ràng buộc rất tự nhiên: làng nào cấy lúc nước, làng nào phát triển nghề đánh bắt cá dưới sông Đồng Nai. Sóc nào chuyện săn lùng mật gấu, da thú, nhung nai, măng rừng phơi khô. Nhóm nào chuyên xuống chợ buôn bán, mua các đồ dùng, dụng cụ nương rẫy, mùa máng, muối, dầu hôi, vải vóc. Nhóm các bạn của Tứ Hải lo việc giao lưu buôn bán giữa các làng với nhau, giữa làng sóc với chợ thị.
Vài tháng sau thấy nhu cầu hàng hoá của các làng, các sóc Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ tăng nhanh, dân phố thị dưới hạ lưu sông Đồng Nai mở nhiều luồng làm ăn, buôn bán. Trên sông Đồng Nai, trên đường bộ, đường rừng xuyên nhiều cánh đồng trĩu lúa vàng, xuất hiện nhiều ghe cộ, xe bò, xe trâu, xe ngựa. Nhiều nhóm người buôn bán phố thị ở luôn trên các làng, có khi cả mùa mưa, mùa nắng. Cách sống phóng túng, thiếu thành thực của họ cũng ảnh hưởng nhiều đến cách sống rộng rãi, chân thực của người dân ở đây. Ông già Sáu Đồng Nai lại bàn cùng nhóm trẻ như Suman, Lâm Kỳ cùng các ông già các làng mới lập:
- Hay ta lập một cái chợ tại làng Tri Ân, tiện trao đổi hàng hoá, buôn bán hơn. Ban đầu chẳng cần cất nhà cửa làm chợ, chỉ là bãi đất trống sát bờ sông Đồng Nai. Hẹn nhau tới đó trao đổi sản phẩm xứ rừng, lúa gạo, thuốc men, vải vóc, trái cây..Dần dần sẽ thành chợ thôi. Lúc đó ai muốn cất nhà cũng được.
Ông già Sáu Đồng Nai vốn rất sợ nếp sống của dân chợ búa. Ông hứa để suy nghĩ thêm, sẽ tính.
Một hôm, Tứ Hải từ bến nước lên, người đầy bụi, mồ hôi.
Ông già Đồng Nai đem ý kiến lập chợ hỏi Tứ Hải. Không cần suy nghĩ lâu, Tứ Hải nói ngay:
- Sợ cũng không được. Lập chợ, mới phát triển cuộc sống xứ này được. Sẵn có đường sông, đường bộ lập chợ được rồi. Mình không lập người dân buôn phố thị sẽ kéo lên lập chợ thôi, càng không hay.
Thế là chợ bên sông được lập. Chẳng có gì bất ngờ cả, chỉ là nơi quy định ai có gì cần mua, cần bán, trao đổi thì tới đó vào ngày quy định trong tháng, thế là thành chợ.
Tuy đơn sơ thế nhưng nếu đến phiên chợ người dân các làng, các sóc cũng náo nức gồng gánh, đội, thả bè xuôi đến. Nào mật gấu, măng rừng, nhung nai, gạc nai, da báo, da chồn, thú rừng, gạo, lúa, cây thuốc trị bệnh. Họ mang về những thứ đang thiếu: vải, nồi đất, cuốc, dao, rực, búa, muối, dầu hôi, thuốc trị bệnh đơn giản như sốt rét, cảm, cầm máu khi bị trầy tay chân, bị dao chặt phải, đạp đinh, sắt gỉ… Dần dà, người dân phố thị còn mang bán các loại bánh trái ở chợ. Trai gái, người mạn ngược ngồi ăn quà bánh tại chỗ, nhất là trẻ em. Ngày phiên chợ, trẻ em trốn các lớp học của ông Kỳ Ngoại đến chợ thả rong, ăn quà. Ngày chợ, ngày mùa, cái trường của ông Kỳ Ngoại trống trơn. Nóng ruột, ông đến thăm trường, chỉ thấy hàng chục khỉ chạy nhảy trên chái nhà, trên bàn ghế. Chúng cũng đứng lên làm thầy, khoọc khẹc. Bên dưới, năm bảy khỉ nhỏ ngồi, cào nách, khoọc khẹc làm trò. Nhìn bầy khỉ làm trò một lúc, ông Kỳ Ngoại mỉm cười, cảm thấy phải đôn đốc trẻ nhỏ các làng chăm lo học hành.
Cuối cùng ông đành bảo ông già Sáu Đồng Nai:
- Mở trường học chữ gần chợ, mới có học trò.
Đường đến trường mới của các làng, sóc có xa hơn, cách trở hơn nhưng vốn thích cái chợ mới lập, trẻ con đến trường nhiều hơn, đều hơn. Chúng dắt nhau băng rừng, vượt sông bằng bè tre, thuyền con tự chèo lái lấy, ríu rít cả một cánh rừng, một khúc sông. Trên vách đất, vách gỗ, trên sạp thuyền, thấy xuất hiện những chữ A, chữ B, chữ C, thêm nhiều hình vẽ ngây ngô, hình con cá, con nai, con khỉ, cả hình người đội nón lá, đầu to tướng, tay chân bé tí, khẳng khiu như cà kheo..
Rồi cuối mùa nắng năm sau, cả các làng, các sóc kéo nhau đi ăn cưới cô gái đồng bằng sông Hồng cùng chàng trai Đồng Nai cố cựu. Nhiều người đã ăn mặc đẹp kiểu dân phố thị, dân buôn bán ở chợ mới. Trẻ em là hăng hái nhất, như ngày hội, ngày tết.
Tuy nghèo, thiếu thốn nhưng đám cưới được gia đình cô gái vẫn giữ đúng lễ nghĩa của người dân sông Hồng lâu đời. Cũng rước dâu, nhóm họ, tiệc tùng đơn giản. Cũng rượu chè, mâ quả trầu, cau, bánh trái. Các chàng trai phường buôn vải của Tứ Hải mang về vài chục phong pháo. Pháo đón dâu nổ ran cả một khúc sông. Người dân Đồng Nai cố cựu, người dân các sóc trố mắt xem các nghi lễ kỳ lạ, cười nghiên ngả. Và trong thâm tâm các chàng trai, cô gái đều cảm thấy thích thú các nghi lễ sang trọng ấy nếu đến phiên đám cưới của họ. Phần nào rườm rà, hình thức, họ không thích vì tính phóng túng, ngang tàng đã quen nhiều đời.
Ngồi cạnh mẹ quanh chiếc bàn vuông bằng gỗ mộc sù sì, có nhiều món ăn nấu đúng cách của người sông Hồng, Lâm Huỳnh nhìn say đắm cảnh cô dâu, chú rể cúi lạy bàn thờ tổ tiên, quên cả gắp thức ăn. Bà mẹ nhìn con thở dài thườn thượt, bảo nhỏ:
- Ăn đi con. Người ta nhìn con kìa…
Lâm Huỳnh đỏ mặt, đảo mắt nhìn quan khách đầy nhà, mường tượng cảnh đám cưới của cô và Suman, mặt cô càng đỏ rựng.
- Con sao thế?- Mẹ hỏi.
- Mẹ…Suman đã nhiều lần muốn xin cưới…
Mẹ lại thở dài. Mẹ liếc nhìn con gái, rồi đảo mắt tìm Suman hôm nay mặc áo bà ba, quần vải đen kiểu người xuôi xứ Đồng Nai trông chẳng khác chàng trai đồng bằng sông Hồng năm xưa. Mẹ cũng mơ ước được trông thấy, được đứng ra làm các món ăn quen thuộc của quê hương, được chải tóc cho con gái về nhà chồng. Mẹ nghẹn ngào, gạt nước mắt rưng rưng quanh khoé. Tiếc thật, tiếc là không được làm đám gả cho con tại quê nhà, được đốt nén nhang dâng lê bàn thờ cha mẹ, ông bà..bên bờ sông Hồng đỏ màu phù sa quanh năm.
- Để mẹ bàn với bố xem sao, con nhé. Chuyện hệ trọng cả đời người con chớ vội vàng.
Lâm Huỳnh đưa bàn tay thon thon nắm gọn bàn tay đã đầy gân xanh của mẹ. Trời, mẹ đã già rồi, tóc mẹ xưa là đen thế, giờ đã trắng cả hai bên thái dương. Mắt mẹ đã hiện nhiều vết chân chim ở đuôi, tụ nhiều túi bùng nhùng bên dưới. Lâm Huỳnh tự hứa: “mình không nên làm điều gì để mẹ buồn, lo”.
Sau đám cưới vui vẻ, đám bạn của Tứ Hải ở phường chợ đưa về một người già và hai trai tráng, xin lập lò rèn bên sông Đồng Nai, gần trường học của ông Kỳ Ngoại.
Từ đó, ngày nào lò lửa từ cái lò rèn ấy cũng phì phò, vang rền tiếng búa chan chát, lửa bắn chung quanh. Trẻ con, học trò cứ giờ ra chơi thì chạy đến lò rèn, trầm trồ khi một lưỡi cuốc đỏ như đu đủ chín lao xuống bể nước, khói bốc cao cùng tiếng “xèo” rợn gáy.
Ông già thợ cả và hai anh thợ phụ vui tính, chuyện trò râm ran nhại cách đọc bài ê a của lũ trẻ.
Lúc này, trên dòng sông Đồng Nai trong veo, lúc nào cũng tấp nập thuyền bè, tiếng hát nghêu ngao, tiếng chèo khua nước. Nhiều cô gái chèo mũi, mặc áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, tóc buông xoã kín bờ vai. Trên thuyền, trẻ con bò lổm ngổm, rà tay xuống nước nghịch ngợm, hoặc đưa mắt nhìn đàn cò trắng quạt cánh lướt dòng sông.
Chiều xuống, các thuyền cặp dọc bến sông. Các cô gái bạo dạn, hát thi cùng các chàng trai Đồng Nai, các chàng trai xứ Quảng, đồng bằng sông Hồng cười như nắc nẻ. Họ hát nhiều bài buồn, hình như gửi gấm trong đấy nhiều nỗi niềm thầm kín. Các chàng trai Đồng Nai cố cựu chỉ biết hát các bài lý lắc, tinh nghịch, khi như ngựa phi, khi như thuyền đua lướt sóng, khi như cánh chim phiêu lãng trên bầu trời xanh vô định. Các cô gái xứ Quảng thường thách các chàng trai đồng bằng sông Hồng nhiều câu đố tinh nghịch, lắt léo…Dần dà, họ bắt buộc phải học lẫn nhau các bài hát, các câu ca dao cổ của các miền: điệu quan họ cổ xưa, điều hò kéo lưới của miền biển Ngũ Quảng, các bài như “lý con sáo”, “lý ngựac ô”, “lý cây canh”. “lý xàng xê”, “lý qua cầu”….. và thật buồn cười họ lại tranh nhau nhiều bài lý, nhiều câu ca dao cổ là của xứ họ…Bất phân thắng bại, họ mời ông giáo Kỳ Ngoại ra phân giải tận ngọn nguồn nhiều bài hát, câu hò tại sao lại giống nhau đến thế, nó bắt nguồn từ đâu?
Khi bị bí, ông giáo chỉ lấy cái ý “chúng ta dù ở đồng bằng sông Hồng hay ở tận cuối đất nước dưới Hà Tiên, cũng đều là con dân tộc một nước, cũng một bọc trăm trứng con Hồng cháu Lạc mà ra cả. Từ ngàn xưa, những chuyến ngược xuôi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam bằng đường biển, đường rừng, đường cái quan, cha ông ta đã hát hò, thách đố nhau cho qua ngày dài tháng rộng bềnh bồng, lang thang, rồi thuộc, rồi thêm bớt cho thuận miệng, thích ứng với sinh hoạt vùng mình”.
Ông lại kể thêm cho cả học trò của ông và trai gái tụ tập nghe nhiều chuyện cổ tích, dân gian mà cả người đồng bằng sông Hồng, người Đồng Nai, người Hà Tiên mút mũi Cà Mau dưới kia đều thuộc, thường kể cho con cháu nghe từ đời này qua đời khác như: chuyện Tấm Cám, chuyện Thạch Sanh chém chằn, chuyện tếu lâm đả kích kẻ giant ha, áp bực, kẻ ngoại xâm….
o O o
Xóm làng vùng Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ đã dần dần hình thành, sầm uất, trù phú. Đêm nằm, người già thường cám ơn trời phật đã cho họ cuộc sống này, mảnh đất này. Nhiều người già đã qua đời, ngoài rìa mỗi làng đều mọc lên một nghĩa địa, khói hương nghi ngút khi năm hết tết đến, tiết thanh minh. Nhiều thế hệ trẻ đã lớn lên, dựng vợ gả chồng, con cái đùm đề.
Bỗng dưng vào cuối mùa mưa năm ấy, một cơn bão lụt lớn chưa từng có bất thần ập đến. Chỉ hai ngày hai đêm trời đất mịt mù, âm u, nước từ con sông Đồng Nai tràn bờ. Trên các sóc cao, nước từ lòng đất phun lên như có bàn tay thần thánh bóp bẹp quả đất. Những cơn giông bão khủng khiếp quật đổ cây rừng, nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi cũng lung lay, bật rễ và ngã gục. Các rẫy khoai mì, khoai lang bị ngập sâu, thúi rữa. Người dân sóc Po và các sóc bên cạnh trèo lên ngọn cây cao, kêu hú, quờ tay túm từng bè tre, từng cây gỗ trôi ngang. Trên nhiều bè tre, nhiều cây gỗ cổ thụ, nhiều người già, trẻ con bám chặt, lâm râm khấn vái các loại thần.
Suman và các chàng trai khoẻ mạnh suốt ngày đêm chống, bơi các bè, mảng tre xông vào giông bão cứu người bị nạn. Không còn thứ gì có thể ăn được. Suman và các chàng trai đành lặn xuống sâu quờ tay nhổ các loại củ, loại rễ non cho họ nhai đỡ.
Các làng dọc sông Đồng Nai chìm nghỉm dưới nước. Mênh mông bể sở. Suman, Lâm Kỳ và Lâm Huỳnh phải lóp ngóp dưới nước, kéo thuyền đến từng ngọn cây quanh các làng, hô hào các thanh niên đi cứu người bị nạn. Nhiều trâu bò bị chết trôi lềnh bềnh.
Ông già Đồng Nai và các thanh niên trong làng chỉ còn có mỗi cái gò cao để trú tạm. Số gạo, khoai chạy lụt được đều tập trung ở đấy. Ông già Đồng Nai, ông già Quảng phân phát từng củ khoai, từng lon gạo cho các làng, các sóc sống tạm bợ chờ nước rút.
Đến ngày thứ tứ một đoàn người mở đường bộ từ đường cái quan phía phố chợ kéo lên, mang theo nhiều gạo muối, vải vóc, khoai củ.
Họ còn khoẻ mạnh, xông xáo trên những con thuyền, bè mảng đến từng cánh rừng cao, từng làng bị ngập.
Người bị nạn khóc than, rên rỉ. Trẻ em vẫn cười nói, trèo tít lên ngọn cây cao bắt chim choc, đập chết rắn, rùa. Nhiều đứa khoái trá được sống chung với lũ khỉ không kịp chạy trốn trên rừng cao. Khỉ chia cho chúng vài trái rừng, chúng chia cho khỉ vài củ khoai sống, vài hạt cơm hẩm. Trên vài chiếc bè trôi ngang, lũ trẻ trông thấy nhiều chú khỉ bồng con nhỏ trước bụng, ngồi chò hỏ, đưa tay tóm gọn từng con rắn ném ra biển nước mênh mông. Trên một cây gỗ to dập dềnh, hai chú khỉ đang ngồi cạnh một em bé. Cây gỗ chồng chềnh, hai chú khỉ ôm chầm lấy em bé cho khỏi rơi xuống nước.
Một con thuyền ba lá như mũi tên từ bờ sông lao vọt đến cây gỗ chú bé và hai con khỉ. Trên mũi thuyền, Suman ướt đẫm, đỏ rần, cúi khom, xán mạnh từng mai đầm, toé nước, bạt gió. Người cầm lái là Lâm Huỳnh cũng ướt lóp ngóp, mái tóc bay suốt trong gió dữ.
Mũi thuyền cắm vào thân cây gỗ quá mạnh, chú bé lăn tròn xuống nước. Suman lao theo nhưng vẫn sau hai chú khí. Hai chú khỉ cố sức nâng cao đứa bé về phía Suman đang bơi đến. Lâm Huỳnh đánh mạnh chèo lái, cúi người bế chú bé và hai chú khỉ từ tay Suman lên thuyền. Chú bé tái mét, không khóc nổi vì đói, vì mấy ngày đêm khiếp đảm. Nó không chịu ngồi trong lòng Lâm Huỳnh, chỉ lết lại gần hai chú khỉ bị ướt lóp ngóp, luôn nhe răng kêu khoọc khẹc hình như để ru chú bé. Lát sau hai mắt của chú bé ríu lại.
Lâm Huỳnh vẫn cố sức giằng chú bé trong bốn cánh tay bám chặt của hai chú khỉ, luồn tay vào lớp áo ướt, cồm cộm của chú bé. Chợt Lâm Huỳnh kêu rú: một con rắn nước dài ba gang tay nằm khoanh trong làn áo ước của chú bé. Suman định quẳng con rắn nước, bỗng chú bé khóc thét không chịu, đưa bàn tay móp méo trơ xương giữ con rắn lại. Hai chú khỉ nhe răng cười.
Con thuyền của Suman và Lâm Huỳnh lại lao đi về cánh rừng ló khỏi mặt nước, bập bềnh nhiều đống đen đen, trồi hụp. Không nghe tiếng kêu cứu nữa. Họ đã quá mệt mỏi, kinh hãi hoặc đã bất tỉnh, thiêm thiếp, phó mặc cho Trời Phật và các thứ Thần mà ngày ngày họ cúng bái hái sức thành khẩn.
Lâm Kỳ và ba chàng trai sóc Po đang bơi thuyền quần đảo khắp khu làng Tri Ân, vớt đám học trò của ông Kỳ Ngoại. Vớt được gần hai chục em, em nào cũng run bần bật, khiếp đảm, lạnh cóng. Không ông nào biết ông giáo Kỳ Ngoại đâu?
Lâm Kỳ càng mất bình tĩnh, càng thúc hối các chàng trai mạnh tay chèo. Chỗ nào nghi ngờ, Lâm Kỳ cho thuyền lao đến, vẫn tuyệt vọng.
Đến gần tối, có tiếng khó của một em bé trên ngọn cây dầu cổ thụ nơi trứơc đây là khu chợ, trường học, chỗ cho thuốc men trị bệnh của Lâm Huỳnh và mẹ. Không thấy còn một mái nhà. Men đến gần tiếng khóc, một em bé đúng là học trò của ông Kỳ Ngoại, đang lơ lửng trên ngọn cây dầu cổ thụ.
Lâm Kỳ ôm xốc em bé đặt xuống thuyền nhưng em bé giãy nãy kêu cứu:
- Cứu thầy, cứu thầy Kỳ Ngoại…
- Chỗ nào? Thầy đang ở đâu? – Lâm Kỳ quát hỏi run sợ đến líu cả lưỡi.
Theo tay chỉ của bé gái học trò, chiếc thuyền lập tức quay mũi dong ra hướng khu nghĩa địa làng Tri Ân. Mênh mông bể sở, không sao phân biệt được đâu là khu nghĩa địa, đâu là khu chợ, đâu là làng Tri Ân, dòng sông Đồng Nai. Sóng vỗ ầm ầm như biển cả. Có tiếng kêu xa xa. Con thuyền quay mũi về chòm cây lú ngọn trên mặt nước, sóng đang vỗ mạnh, dập dềnh. Trên ngọn cây cổ thụ già lão, một đám học trò bám đen các cành, kêu khóc như mưa.
- Thầy đâu? – Lâm Kỳ lại quát hỏi.
Cả đám học trò nhao nhao khóc ré, đưa tay chỉ xuống mặt nước ì ầm sóng vỗ.
Lâm Kỳ và ba chàng trai sóc Po lao xuống dòng nước cuốn xiết.
Lâm Kỳ và các chàng trai chỉ mò được nhiều xác học trò đã chết, miệng đầy bùn đất, bụng đầy nước.
Gần tàn điếu thuốc, chàng trai sóc Po nổi lên, kêu hoán, hai tay nâng ông giáo Kỳ Ngoại khỏi mặt nước. Lâm Kỳ nhào đến ôm choàng lấy thi thể cha, khóc rống. Chàng trai sóc Po cố sức giằng thi thể ông giáo Kỳ Ngoại, quát Lâm Kỳ:
- Con không cứu được cha bị chết trôi đâu, hộc máu đấy.
Và ba chàng trait hay phiên nhau dùng miệng hút hơi từ miệng ông giáo. Một anh quàng hai chân ông giáo lên vai, đầu chúi ngược xuống đáy thuyền, nhảy lung tung. Nước từ bụng ông giáo òng ọc bắn ra miệng…Vẫn im lặng. Chỉ có tiếng khóc nấc của Lâm Kỳ và hàng chục học trò đang đánh treo trên ngọn cây cổ thụ….
Ông già Đồng Nai quát tháo mọi người, hầm hầm dữ tợn:
- Tại sao lại để ông ấy chết? Trời đất ơi, tại sao trời phật xứ này không để tôi chết thay ông ấy hả? Bất công, bất công như vậy thì làm Trời làm Phật để làm gì hả?
Suman và Lâm Huỳnh lao thuyền vào bờ nghĩa địa, nhào đến thi thể ông giáo. Lâm Huỳnh ôm chầm lấy cha, kêu gào thảm thiết:
- Cha ơi, từ ngoài kia trôi giạt vô đây, bao nhiêu nguy hiểm mà cha đã vượt qua được cho mẹ, cho các con, tại sao giờ cha lại chết tức chết tối thế này hở cha?
Lâm Huỳnh lết đến ôm chầm lấy em trai là Lâm Kỳ nức nở. Suman cũng ràn rụa nước mắt, chẳng biết phải làm gì để an ủi hai chị em Lâm Huỳnh.
Lập tức Suman bảo vài chàng trai sóc Po cùng anh lôi mấy bè tre bập bềnh gần đó, kết thành cái bè to, rộng bằng cái sân nhà, đặt thi thể ông giáo Kỳ Ngoại lên đó, đợi nước rút, đợi tìm được mẹ của hai chị em Lâm Huỳnh về. Cũng chưa biết bà bị trội giạt nơi đâu? Các chàng trai trong phường buôn vải của Tứ Hải đã sục tìm bà hai hôm nay khắp cánh rừng, khắp nhánh sông, cả dưới hạ lưu sông Đồng Nai.
Ông già Đồng Nai bảo, cũng bán tín bán nghi thôi:
- Nghe nói bà ấy bị trôi giạt tận cuối con sống này, nơi có cái tên là Nhà Bè gì đó.- Ông sai ba chàng trai Đồng Nai thông thạo mọi nơi, xuống đấy tìm kỳ được bà giáo.
Ông lại bảo một chàng trai trong phường buôn vải:
- Cháu xuống đó tìm cách móc nối với cháu Tứ Hải, no sẽ có cách kiếm tìm tung tích bà giáo…Nó đang ở gần biên giới xứ Cao Miên, nhưng ta tin là nó đã mò về gần đó khi nghe tin cơn bão chó chết này.
Chàng thanh niên vâng gạ, nhưng loay hoay mãi chưa chịu đi. Ông già Đồng Nai gần như nổi khùng:
- Sao chưa chịu đi? Cứu người hơn cứu bão. Muốn gì hả? Tôi nuôi các anh, cái xứ Đồng Nai khoai củ này cưu mang các anh bao năm nay, sao lại chần chừ hả?
Chàng trai ngập ngừng:
- Thưa bác, cháu có quên ơn cưu mang của bác với người Đồng Nai đâu. Nhưng mà cái anh Phúc của bọn cháu, anh Phúc mà anh Tứ Hải rất tin tưởng đó, đã bỏ đi mấy ngày nay rồi, lại còn dẫn theo cô Hồng ngoài chợ mới nữa. Cháu ngại…
- Thằng Phúc? Phải cái thằng trước đây tỉ thí so tài với Suman không?
- Dạ đúng. Chính anh ấy.
- Tại sao nó lại phản dân Đồng Nai chúng ta?
- Dạ mấy hôm bão lụt khủng khiếp quá anh ấy sợ bị Thần rừng xứ này trừng phạt. Với lại cái cô Hồng đó lại có chửa cái bụng thè lè, ớn thấy mồ.
- Có chửa với thằng nào?
- Dạ với anh Phúc.
- Phúc, hừ. Phản phúc. Quận bội bạc. Vậy mà cũng thề “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly”. Mới có bão lụt vậy mà đã bỏ nhau. Phản, trời tru đất diệt nó.
- Dạ cháu còn sợ….
- Sợ gì?
- Dạ, trong mấy đứa bọn cháu được anh Tứ Hải tin cậy chỉ có anh Phúc là biết được nhiều công việc mật của anh Tứ Hải thôi. Đường đi nước bước của anh Tứ Hải anh Phúc đều biết hết.
Ông già Đồng Nai rút con dao phay sáng dới trên vách hầm hầm bước sấn tới chàng trai. Chàng trai sợ quá, ú ớ điều gì không ai nghe được. Ông già nói như thét:
- Phải tìm kỳ được cái thằng phản phúc đó. Đây con dao của người dân Đồng Nai khoai củ đây. Con dao của sông Đồng Nai nó từng uống đến tràn họng đây. Nó tự xử lấy….
Chàng trai nhận con dao trong tay ông già Đồng Nai run bần bật, bước ra bãi bùn ngập ống chân.
Nước vừa rút xuống, đám ma ông Kỳ Ngoại được cử hành hết sức trọng thể, đúng theo phong tục người đồng bằng sông Hồng cổ xưa. Người dân cả các làng, các sóc vùng Đồng Nai thương, Đồng Nai hạ xếp hàng đốt hương, cúng vái ông giáo. Lâm Kỳ, Lâm Huỳnh bịt khăn tang trắng, đứng hai bên linh cữu cha, lạy đáp lễ. Suman lo toan mọi việc, đầu cũng được phép ông già Đồng Nai, bịt khăn tang trắng.
Hằng trăm học trò các làng, các sóc còn sống sót, được ông giáo liều mình cứu thoát chết, khóc như mưa. Chúng cúi lạy, vừa khóc, kể lể thê thảm. Chúng gọi ông giáo là cha, là bố, là tí, là thầy…Chúng đứng hai bên linh cữu kể lể: nào cơn bão ập đến quá đột ngột, ngôi trường cột tre, mái lá bốc bay trên bầu trời. Nước sông Đồng Nai dâng cao, ngập bàn ghế, ngập mái nhà. Ông giáo liều chết bơi lội từ mái trường đến chòm cây dầu cổ thụ khi vớt một lúc ba đứa, khi bốn đứa…Đến lần cuối cùng, có năm đứa gái kêu la, ông giáo lao xuống nước, bơi đến túm năm đứa trò gái, lặn ngụp đến gần cây dầu cổ thụ..Rồi, không còn được nhìn thấy mái tóc bạc của thầy nữa…Thầy đã liều mình cứu mấy chục đứa chúng con. Còn thân thầy thì…
Nghe thế, Lâm Kỳ và Lâm Huỳnh càng khóc to, tiếng khóc tràn vỡ như tiếng con chim quốc quanh năm gọi người thân..Suman phải thay thế hai chị em Lâm Huỳnh lạy đáp lễ người cúng bái.
Ông già Đồng Nai, ông già Bách, ông già Quảng cũng túc trực mấy ngày đêm quanh linh cữu. Nghe các học trò kể lể, ông già Đồng Nai khoát tay gầm to:
- Sau khi chôn cất ông giáo, dân các làng, các sóc sẽ xây một cái đền thờ cúng vong linh ông giáo Kỳ Ngoại, lấy ngày hy sinh cứu học trò của ông làm ngày cúng bái hằng năm.
Ông già Bách, ông già Quảng, Suman, Lâm Kỳ, Lâm Huỳnh quỳ sụp tỏ lòng biết ơn đối với ông già Đồng Nai, người dân Đồng Nai. Phía sau là hàng chục em học trò, nước mắt như mưa, đầu em nào cũng bịt khăn trắng.
Lâm Kỳ bặm môi, tự hứa xây xong đền thờ cha, Lâm Kỳ sẽ đi tìm mẹ. Bằng giá nào, cũng phải tìm mẹ, để mẹ ở chung đền cha, thờ cúng cha.
Biết ý ấy, Suman đồng tình, nhưng lại lo sợ cái tên Phúc đã phản bội xứ Đồng Nai, Suman tỏ ý muốn được theo Lâm Kỳ tìm mẹ….
o O o
Nước vừa rút. Bãi bồi ven sông Đồng Nai, sông Nhỏ đã hiện rõ màu mỡ, nhưng tang thương.
Người dân các làng, các sóc ngoài tự lo thu xếp lại chỗ ở, nhà cửa, mùa màng, còn tập trung nhiều đợt cất lại trường học, nhà chợ, nhà thuốc trị bệnh, vẫn chỗ cũ đã bị cơn bão lụt tàn phá. Bây giờ, Lâm Huỳnh ngoài việc cho thuốc trị bệnh, còn phải dạy học thay cha. Những ngày đầu đến trường, Lâm Huỳnh dạy bằng nước mắt khóc cha. Từ cái bàn bằng gỗ tạp, cái bảng đen bôi bằng dầu hôi pha muội đèn, đến mái nhà lợp bằng lá buông, lá mật cật, chỗ nào Lâm Huỳnh cũng trông thấy cha. Cha ơi…Lâm Huỳn đã nhiều lần ngất xỉu trên bảng đen..Đám trẻ được cha cô hy sinh để cứu sống ôm chầm lấy cô, xoa bóp, kêu gào…
Bắt đầu xây cất ngôi đền thờ ông giáo Kỳ Ngoại, ngôi đền đã mọc lên uy nghi trên ngọn đồi cao, giữa chòm bảy cây dầu cổ thụ, cây cẩm lai xứ rừng Đồng Nai, cây bằng lăng bốn mùa hoa tím rực rỡ. Hai con chim hồng hoàng từ cánh rừng già bay về xây chỗ ở trên chòm cây cổ thụ xứ Đồng Nai.
Nhiều lần, người dân các làng, các sóc, cả Lâm Kỳ và Lâm Huỳnh bắt gặp hai mẹ con voi được Lâm Kỳ, Suman cứu lúc trước, nhổ cỏ quanh ngôi đền. Thỉnh thoảng vài nai con nhởn nhơ trước sân đền.
Và lạ thay đến ông già Đồng Nai, ông già Bách cũng kinh ngạc: những ngày rằm, ngày lễ ông giáo Kỳ Ngoại, sáng sớm đã thấy một con thú được đặt ngay bệ thờ ông. Hai mẹ con voi con xưa kia đã dọn cỏ, hút nước dưới sông Đồng Nai phun tưới hoa trước đền thờ. Trên chòm cây cao, đàn khỉ trước đây Suman và Lâm Huỳnh cứu cùng chú bé cũng thường về đúng ngày giỗ, lễ ông giáo, mang về nào trái gùi, trái trường, trái cám, hột cầy, trái bứa, cả mật ong còn nguyên tổ ong….
Ông già Đồng Nai cảm động nói:
- Người Đồng Nai “ hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly. Ơn đền nghĩa trả. Với kẻ xấu, bội bạc, áp bức, thì thù hận chang chang”.
Lâm Kỳ khóc cha, đốt hương dâng cha, bái biệt cha lên đường để đi tìm mẹ: “mẹ sẽ về với cha, cơm nước, hương khói cha cha”.
Lâm Huỳnh và Suman đùm gạo, cơm vắt đi đường, ống lồ ô đựng nước uống, dặn dò em trai cẩn thận, sớm trở về cùng mẹ.
Đêm trăng trước lúc chia tay, Suman và Lâm Kỳ còn lên đồi cao ôn luyện nhiều tuyệt kỹ võ công mà Lâm Kỳ đã dày công học tập mấy năm qua. Suman nói lại lời khuyên của ông già Bách: “võ công thượng thặng là biết ẩn mình, bất ngờ. Ẩn mình, ẩn mình như chúa sơn lâm, như heo rừng lăn chai độc chiếc, như báo vằn trên cành cây..”
Suman và Lâm Huỳnh chọn cho Lâm Kỳ hai bộ quần áo bà ba đen, một bộ mốc trắng, có nhiều mảnh vá, do chính tay mẹ vá năm xưa. Một bộ do chính tay Lâm Huỳnh cắt may. Suman đem nhuộm bằng lá cây trâm bầu pha bùn non lấy ở bến sông Đồng Nai.
Thuở Hồng Hoang Thuở Hồng Hoang - Hoàng Văn Bổn