Tàu Ngựa Cũ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Đông Sương Ký
ốn người đàn bà ngồi tì tay bên cửa sổ nhìn nhau, tuy chẳng có gì đáng nhìn cả. Họ không ghét nhau mà nhìn với ánh mắt hằn học, cũng không có nhiều cảm tình để nhìn trìu mến, âu yếm như muốn ghi nhận lấy hình ảnh thân yêu. Họ nhìn nhau lơ đãng dửng dưng, nhìn mà không thấy. Bốn người đàn bà độc thân thuê bốn căn gác đối diện này lặng lẽ sống như những bóng ma. Ngõ hẻm đưa vào đến đây là bế tắc. Giữa sân đủ rộng để xe có thể quay đầu ra dễ dàng. Mỗi cô có một số bạn đếm được trên đầu ngón tay và ít đi chơi đâu, nên nhìn cánh cửa sổ đóng mở thất thường, cũng khó biết họ có nhà hay đi vắng. Vân ở căn gác số 1, Trân căn số 3, Lài căn số 2, và Lý số 4.
Chiều ba mươi, ai cũng lo sửa soạn ăn Tết, lo tô điểm trang hoàng nhà cửa hay săn sóc con cái và chuẩn bị đón ông bà. Các cô ngồi tì tay bên cửa, mơ mộng những thứ mọi người có mà các cô không có. Họ tránh bước sang nhà nhau, chỉ muốn đứng xa xa " chiêm ngưỡng dung nhan" một cách thoải mái. Còn gì khó chịu hơn phải nhìn thấy từng vết nhăn sắp thành hình của người bạn gái cùng trang lứa. Nhìn họ giống như soi gương: trên mặt mình cũng đang có những đường nét mơ hồ sắp thành hình sâu đậm như thế. Còn nói chuyện với nhau thì chán lắm. Trời không nắng không mưa, không nóng cũng không lạnh. Chuyện thế giới, họ không thiết tha. Nói một lúc, động đến chuyện lòng thêm phiền, vì không có gì để mà "Tốt khoe ra..." cả. Ai cũng muốn giấu cái vẻ mùa thu của cuộc đời. Họ nhìn nhau xa xa, thấy mầu sắc và dáng điệu vẫn còn phong độ, thì yên tâm hơn một chút. Nhưng cuộc sống như thế, cuối năm tính sổ, vẫn không hề hiện ra một điểm son nào. Nhìn đâu cũng vẫn thấy trống rỗng vô nghĩa, và mọi vật đều như thiếu linh hồn.
Nhà cô nào cũng có bánh mứt, hoa quả, nhưng những thức ấy cũng không thể tạo cho họ cái Tết. Hay có chăng, chỉ để dối mình. Cái mùi vị Tết ở ngoài không thấm nhuần đến bề sâu làm họ bâng khuâng. Họ gặp mắt nhau, khẽ nhếch một nụ cười xã giao rất gượng, rồi lại nhìn lên trời. Cái sân xe đúc xi măng không có một gốc cây để vươn cành lá lên không trung, thì bên dưới làm gì có bóng mát. Trời chỉ là một mảnh con con lọt vào giữa sân xe, và mây không hề lảng vảng đến gần khung trời này. Họ đành lại phải nhìn ngay mặt nhau. Vân thấy cô Lài, nhà đối diện số 2 hôm nay hình như già thêm một chút. Nàng nghĩ thầm:
- Quái lạ,không lẽ biên giới của năm này sang năm kia đúng là chiều ba mươi sao chứ! Không lẽ người ta chuẩn bị để sau giao thừa là già một cái rụp? Khổ đến thế thì thôi!
Nàng chú ý nhìn Lài, thấy giá cô đừng buộc tóc đuôi ngựa theo kiểu
bé con kia, trông còn thuận mắt hơn. Thân hình Lài thon nhỏ nhưng nhiều xương ít thịt. Cô làm ra vẻ ngây thơ nhí nhảnh như mới mười hai. Lối ăn mặc của cô giống bọn trẻ lên mười Âu Mỹ, nhưng trong ánh mắt cô, người ta đọc thấy cái mơ mộng bâng khuâng của cô gái hai mươi. Nếu muốn biết tuổi thật của cô, có lẽ phải cộng tất cả những thứ ấy lại thì vừa đúng.
Lài sống một mình với con chó bông Nhật Bản nhỏ lông ngắn. Đi chơi đâu nàng cũng bế nó đi theo. Vân không biết Lài làm gì, vì không thấy cô bận rộn hay quan tâm đến việc gì hết. Mỗi ngày, cô gởi tiền nhờ chị Tư bếp của cô Trân mua giùm thức ăn. Cô tự nấu lấy xong cùng ăn với con chó. Thầy một cỗ, tớ một cỗ. Hai bóng đen in lên tường mỗi tối, như một bức tranh linh động và cũng không bao giờ thay đổi. Có lúc Vân tò mò muốn biết Lài làm gì để sống nhưng không dám hỏi. Nàng sợ phiền lòng cô bạn gái ở bên Mái Tây.
Nhưng tình cờ Vân bỗng tìm ra sự thực. Hôm ấy, nàng ngồi bên cửa sổ ngắm " cảnh" và đang buồn vì không có gì để ngắm. Hai cửa sổ nhà Mái Tây vẫn đóng im ỉm. Cô Lý đi vắng từ trưa chưa về. Lài, chắc cũng không có nhà. Vân lơ đãng nhìn vào khoảng không. Ai trông thấy vẻ mặt Vân lúc đó chắc tưởng Vân suy nghĩ chuyện gì quan trọng lắm, kỳ thực đầu óc nàng trống rỗng, lâng lâng như đã xuất hồn chu du một non Tiên nào.
Vân đang mơ màng, bỗng thấy một người đàn ông từ trên cầu thang chung của Lài và Lý bước xuống. Người ông ta trông rất bệ vệ, mồm ngậm một điếu xì gà to tướng, mặt mày có vẻ phè phỡn. Oâng lên chiếc xe màu nâu và lái ra khỏi sân. Chiếc xe nâu ấy, cách vài hôm lại ghé đây một lần. Thì ra cô bạn Mái Tây là món " quốc cấm" của chủ nhân chiếc xe nâu.
Cửa sổ nhà cô Lài hé mở, cô nhìn xuống đường định mở rộng, nhưng chợt thấy Vân đang nhìn sang, cô vội khép lại.
Vân tự bảo thầm:
- À, người ta lắm lúc chỉ nên " thông cảm" mà thôi! Hiểu nhau vừa vừa là đủ rồi, một vài bí mật cần phải được tôn trọng.
Chiều hôm nay, ba mươi Tết, chiếc xe nâu ấy cũng đã đến một
lúc. Bức rèm trúc buông xuống cửa sổ, rung rinh theo làn gió nhẹ. nhưng nó được vén lên rất chóng vì chủ nhân chiếc xe nâu đã phải vội vàng ra đi. Bộ mặt ông vẫn giữ vẻ phè phỡn, môi vẫn dính chặt điếu xì gà như thường lệ.
Vân đoán chắc Người phải về vội, vì sợ "Sư tử" rống. Người còn bao nhiêu là công việc phải làm ở nhà. Nào là tiếp khách, trang hoàng nhà cửa, hay đi phố mua sắm vào giờ phút cuối cùng. Người có thể quên hết những gì đã xảy ra ở cái ngõ hẽm này, không nhớ đến cô Lài bên cửa sổ bịn rịn nhìn theo..., mà Người cũng có thể làm tất cả những công việc nhà, nhưng tâm hồn để cả nơi đây. Tội nghiệp cô Lài, tối nay lại cũng như mọi tối, chỉ có con chó Nhật cúng giao thừa và ăn Tết với cô thôi.
Bên cạnh gác cô Lài là giang sơn của cô Lý. Cô đóng cửa ban ngày để ngủ và đi chơi, đóng cửa ban đêm để đi làm. Vì thế, nếu người nào đến tìm cô cũng chỉ tần ngần trước cửa một lúc, mân mê cái khóa cửa, nhìn quanh nhìn quẩn rồi ra về. Cô Lý là ca sĩ. Ban đầu cô hát với tất cả đam mê, lòng cô rung cảm say sưa với tình ý của bài hát. Nhưng lần lần, cô thấy không thể khá được bèn theo làn sóng mới, đổi lối hát cho thích hợp. Từ đó, cô nổi tiếng mau chóng, lợi tức cao hơn; tuy cô chỉ nhún nhẩy, hò hét nhiều hơn hát. Lắm lúc chính cô cũng không biết là mình đang làm trò gì, bài không thuộc cô cứ cầm đại tờ giấy lên máy vi âm. Thính giả không cần cô phải diễn xuất, phải trình bày với tất cả tâm hồn, thì cần gì phải thuộc cơ chứ! Cô thấy ưỡn ẹo nhiều được nhiều tiền hơn, đỡ vất vả hơn, nhưng tâm hồn cũng trống rỗng hơn bao giờ hết!
Liền bên cạnh Vân là gác cô Trân, số 3. Cô này trẻ tuổi và xinh đẹp nhất. Nhà cô, ngoài con chó bông Nhật ra, còn có một chị bếp. Trước kia, cô là một vũ nữ danh tiếng, bạn bè rất đông. Nhưng từ ngày ông chủ một hãng tàu đem cô về đây " kim ốc tàng kiều", cô chịu sống cô đơn một cách rất ngoan ngoãn. Có lẽ con gái nhà lành nào cũng không ngoan bằng. Mỗi sáng cô dậy tập hát và học thêm tiếng Anh một mình. Trưa, cơm nước xong, cô ngủ cho đến chiều, thức dậy tắm, trang điểm xong thì chiếc xe màu da trời đến. Chủ nhân cao lớn, to béo, từ trên xe bước xuống, đóng cửa xe đánh sầm một tiếng, tay nắm xâu chìa khóa, lắc kêu reng rẻng, bước lên cầu thang. Hai phút sau, chị bếp cầm cái bát ra cửa, con chó Nhật lẽo đẽo theo sau. Chị Tư đi mua phở đem về nhà để lên bàn ăn, xong chị lại dẫn con chó ra đi: người ngẩng mặt nhìn trời, chó cúi đầu xuống đất tìm một mùi hơi quen thuộc.
Một giờ sau, Trân ra đứng tựa cửa sổ, lấy mắt tiễn chiếc xe mầu xanh da trời ra khỏi sân.
Vân đoán: chắc anh chàng này giấu cô bé ở đây, mỗi ngày ở sở ra sớm nửa giờ, về nhà " báo danh" muộn nửa giờ. Hai phương diện công tư đều không có gì trở ngại. Thế là anh chàng lợi được một giờ để đến đây thăm Trân, ăn một tô phở, hàn huyên mấy câu,trong khi mắt lấm lét nhìn đồng hồ. Lỡ hôm nào " câu chuyện" dài dòng một tí trễ giờ là anh chàng hốt hoảng chạy ra xe nhấn hết ga, phi một mạch về nhà " trình diện".
Chị Tư đi dạo xong, dắt chó về thì trời cũng vừa tối. Cơm nước xong, nếu buồn, Trân đem cả chị Tư đi xem xi nê, nhốt con chó trong phòng khóa cửa lại, mặc nó cào cửa tru tréo.
Trong đêm ba mươi Tết, hình như người ta dễ biến thành những kẻ mộng du. Bốn cô gái ngồi đối diện mà vẫn như không thấy nhau. Họ đang suy nghĩ gì nhiều, hay trí óc đã phiêu diêu nhập thiền.
Có tiếng người cười nói dưới sân, bốn cô cùng giật mình nhìn xuống, mong đấy là bạn mình, nhưng chỉ là bọn người nào đó đi lầm nhà, nhìn ngóng một lúc rồi trở ra ngay.
Cô Lý đã ăn mặc chỉnh tề đóng cửa đi làm. Còn lại Vân, Lài và Trân, lúc này cùng cúi xuống sân như muốn tìm một vết chân, hay đợi một kỳ tích hiện ra.
Trời đã hơi tối, ai cũng quay vào nhà lên đèn. Vân vặn bóng đèn nhỏ màu xanh nhạt cho căn phòng có vẻ huyền ảo, mở tập bài luận ra chấm. Sinh viên bất cứ tuổi nào cũng đúng với câu ví: "Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò". Toàn là các em nhỏ choai choai mà làm bài như phỏng vấn cô giáo. Bọn trẻ lắm lúc có những ý tưởng kỳ lạ, vài em săn sóc hỏi thăm cô "... Đã có chồng chưa được mấy con?". Ngay cả các bạn đồng nghiệp cũng có lắm người muốn vạch lá tìm sâu..., chuyện càng riêng tư, người ta càng muốn moi móc đem lên bàn mổ.
Đời sống" ngoại cảnh" của Vân thanh bạch không có gì bí ẩn. Vân là một cô giáo mới ở trong cái ngõ hẽm chỉ có 4 căn gác có 4 phụ nữ thuê này. Gần đây một số bạn bè muốn mở nhà giữ trẻ, rủ Vân chung vốn, chung sức. Chỉ làm việc mà không phải chấm bài. Nghe thực hấp dẫn dễ xiêu lòng lắm..
Đấy là " ngoại cảnh", còn phần " nội tâm" thì sao? Giả vờ mơ hồ nhưng thực ra Vân biết rõ ai đã làm cho Vân hoang mang! Cái hình ảnh ấy đến lần đầu, tràn ngập trong tim nàng, rồi xây dựng " thủ đô" ngay tại đấy, không chịu dời đi đâu nữa. Con người ấy, phong độ, học vấn, tư tưởng, dáng người, cách ăn nói, tất cả đều đúng điệu. Phần chàng cũng thế. Chàng biết chắc chắn Vân là người mình ao ước. Chàng tìm lại được mình thời trẻ trung, ngạc nhiên thấy có thể yêu say sưa mơ mộng như mối tình đầu của thuở ban đầu. Rõ ràng họ đã hẹn nhau từ kiếp trước. Chỉ không may là Nguyệt lão ngồi làm việc duới trăng mà không có cà phê, mệt mõi quá nên đã xe nhầm tơ! Tình chàng dù có thắm thiết đến thế nào, " minh châu" của người yêu cũng đến "Hệ tại Hồng la nhu" là cùng! Họ dừng lại ở một " vĩ tuyến" và lặng lẽ nhìn nhau. Chàng nghĩ:
- Mình không nên " vượt tuyến" xâm lấn vào cuộc đời nàng. Mình có đem lại được cho nàng chút hào quang nào đâu! Đời mình như tem đã đóng dấu, không xài được nữa, may còn trái tim, nhưng chỉ có trái tim như thế đủ không? Đi đến đâu, mà để làm gì? Mình sẽ mỗi ngày đến ăn một " tô phở 5 giờ" như ông nhân tình cô láng giềng của nàng, rồi về nhà chăng? Nếu quả thực như thế thì.. Chao ơi!. địa ngục là đây chứ còn phải tìm đâu xa...
- Tình yêu của nàng phải được sưởi ấm dưới ánh mặt trời, không thể nào âm thầm như thế. Nàng đáng được sung sướng hãnh diện đi bên cạnh người đàn ông của mình! Không, không thể được! Chàng không thể đem hạnh phúc đến cho ai cả. Đạp đổ hết lắm khi chỉ làm bần tiện con người! Nhưng.....biết tìm đâu ra "chước thứ 37"?
Còn Vân, nàng cũng nghĩ thầm:
- Người ta có bổn phận rồi, rắc rối vô ích. Dù yêu nhau đến thế nào đi nữa, cũng chỉ để lụy cho nhau mà thôi. Gây ra gánh nặng mà không ai gánh nổi cả, thì tốt hơn nên de ra. Vã lại, xâm phạm đến "sở hữu" của người khác là một việc không tốt. Phạm tội thất đức. Chết xuống địa ngục A Tỳ.
- Nhưng ơ hay! Vân định sống lơ mơ trên đường đời như người say rượu không tìm thấy lối về như thế này suốt đời sao à? Có một căn nhà ấm cúng quá, nhưng của người khác! Chỉ có kẻ hành khất, trộm đạo, mới bồi hồi trước ngõ nhà người ta. Người say rượu nghĩ thế, nên dù khát, cũng không dừng lại xin một hớp nước.
Bây giờ Vân mới thấy sợ cô đơn. Vân tưởng tượng, nếu yêu nhau, lúc chàng ra về, Vân sẽ thấy trống trải sầu tủi đến như thế nào. Aáy là chàng không hề ăn " tô phở 5 giờ ", nếu không, còn ai oán cho người đứng bên cửa sổ nhìn theo nhiều hơn nữa!
Vân bất giác thấy thèm một tiếng động, một giọng nói. Ừ, nếu không ngọt ngào âu yếm thì cứ hát lên bài Con cà Con kê gì cũng đuợc. Ít nhất cũng làm cho gian phòng vắng lạnh, không gian và tâm hồn có một âm thanh xao động.
Nhưng sự thực chỉ có một mình Vân hay mấy cô láng giềng của nàng cần xao động thôi. Còn ngoài ra, thiên hạ ai cũng thích bình yên, êm đềm, xin hai chữ bình an. Vậy hãy cứ để cho họ yên. Vân chợt nghĩ ra như thế... và trong chốc lát, nàng quyết định rời bỏ căn gác Mái Đông, rời bỏ cái hẽm nhỏ và vùng Trời không mây này.
Pháo giao thừa bắt đầu nổ vài nơi xa xa vang lại. Vân đứng dậy nhìn sang. Hai cô láng giềng cũng đã ngồi bên cửa sổ từ lúc nào. Họ đang mơ một tiếng giầy hay một tiếng chìa khóa đụng nhau lẻng kẻng, mắt họ nhìn vào khoảng không, thất thần.
Vân nghĩ đến mai đây, khi nàng dọn đi rồi, không biết một tâm hồn như thế nào sẽ đến ẩn dưới cửa sổ Mái Đông này!
Vân bỏ căn phòng để trốn chạy ai đó mà nàng cảm thấy hình như mình đã mong chờ, mơ ước suốt nửa đời người.
Sự thật, Vân đã quá lo xa. Nàng không cần phải bỏ đi đâu, trốn chạy ai hết. Đêm giao thừa, mọi người đều say sưa trong khói hương trầm ấm cúng đoàn tụ. Dù họ có " ăn phở" giờ nào, đâu đâu đi nữa, phút giây thiêng liêng ấy, lá rụng về cội, họ vẫn là người của gia đình. Vân không hề làm khổ ai, nàng chỉ u mê tự làm khổ mình.
Tàu Ngựa Cũ Tàu Ngựa Cũ - Linh Bảo Tàu Ngựa Cũ