Tái Sanh Duyên epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8
hắc lại Thiếu Hoa cùng hai tên gia tướng xin phép qua bên Côn Minh trì chơi thuyền cùng Lưu Khuê Bích, vợ chồng Hoàng Phủ Kính đợi mãi đến chiều tối vẫn không thấy con mình về. Doãn Phu nhơn lấy làm lo lắng hỏi chồng.
- Lạ thật. Không biết Thiếu Hoa có đi chơi thế nào đến bây giờ vẫn không thấy tăm dạng?
Hoàng Phủ Kính vẫn bình tĩnh nói:
- Phu nhơn khéo lo, tôi biết chắc thế nào Thiếu Hoa qua bên ấy cũng bị Lưu Khuê Bích cầm giữ lại không cho về, vì không mấy khi Thiếu Hoa nó qua bên ấy mà cuộc giao du của hai trẻ quá thân thiết làm sao cáo từ được?
Suốt đêm ấy Doãn Phu nhơn lo ngại nên thao thức mãi không ngủ được. Trời vừa rựng sáng, trông thấy Trưởng Hoa Tiểu thơ bước vào phòng. Doãn Phu nhơn vội hỏi:
- Bây giờ trời đã sáng rồi sao không thấy em con về?
Trưởng Hoa Tiểu thơ nói:
- Không biết chừng Lưu Khuê Bích cầm lại dùng cơm sớm mai rồi mới cho về chăng?
Tiểu thơn nói vừa dứt lời bỗng thấy Tào Tín và Ngô Tường từ ngoài ngõ hơ hải chạy vào quì mọp xuống đất vừa lạy vừa khóc đồng thanh bẩm:
- Nguy tai rồi lão gia ôi! Tánh mạng của Hoàng Phủ Công tử thật khó bảo toàn.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính nghe nói thất kinh quát hỏi:
- Tại sao tánh mạng công tử lại khó bảo toàn? Hãy nói mau!
Tào Tín và Ngô Tường gạt nước mắt đem hết sự việc kể lại đầu đuôi cho vợ chồng Hoàng Phủ Kính nghe. Doãn Phu nhơn nghe nói vùng khóc rống lên rồi lớn tiếng mắng hai tên gia tướng:
- Tại sao công tử bay chết thiêu mà chúng bay lại còn sống chạy về đây được? Thế thì cái chết của công tử nếu chúng bay không nhúng tay cũng biết trước nên mới thoát thân được.
Tào Tín và Ngô Tường nghe phu nhơn buộc tội, chúng sợ hãi run rẩy đáp:
- Bẩm phu nhơn, khi Tiểu Xuân đình bị phát hỏa thì hai tôi đang uống rượu ở ngoài nên không hề chi.
Hoàng Phủ Kính nghe nói nổi giận lôi đình vỗ ghế nạt lớn:
- Công tử ở trong phòng sao chúng bay không ở trong đó hầu hạ lại ra ngoài uống rượu, vậy thì đem hai đứa bay theo làm gì?
Hai tên gia tướng sợ hãi khép nép thưa:
- Bẩm Nguyên soái, chỉ vì công tử dạy chúng tôi mới dám. Lúc ấy, có một tên gia nhơn của Lưu gia tên Giang Tấn Hỉ đến mời chúng tôi ra ngoài uống rượu, chúng tôi cố ý từ chối, nhưng công tử thấy hắn có lòng tử tế nên công tử bảo chúng tôi cứ việc đi, chẳng dè khi ra ngoài được một lát thì thấy Tiểu Xuân đình phát hỏa. Không biết tai họa tự đâu đem đến chứ chẳng phải do chúng tôi ham ăn uống mà ra, xin Nguyên soái lượng xét cho.
Trưởng Hoa Tiểu thơ xen vào hỏi:
- Lưu Công tử đã có việc đi vắng, sao em ta lại không về còn ở lại làm gì?
- Thưa tiểu thơ, lúc Lưu Công tử ra đi, công tử tôi cũng tỏ ý muốn cáo từ nhưng Lưu Công tử cầm lại chẳng cho về.
Trưởng Hoa Tiểu thơ hừ một tiếng tỏ vẻ hằn học:
- Thế thì quả nhiên Lưu Khuê Bích đã đem lòng oán hận về việc thi bắn lúc trước cho nên lập mưu ám hại em ta đặng tranh cướp Mạnh thị. Nếu không phải vậy thì phàm chủ nhà đã đi vắng còn cầm khách ở lại làm gì?
Trưởng Hoa Tiểu thơ luận lẽ ấy, cả nhà ai cũng cho là phải. Trưởng Hoa lại lên tiếng hỏi tiếp hai tên gia tướng:
- Chúng bay có biết ai là người coi giữ cái huê viên ấy không? Và lúc ngọn lửa cất cháy có ai cứu chữa không?
Tào Tín và Ngô Tuờng đồng thưa:
- Người giữ vườn là Giang Tấn Hỉ và cũng chính tên ấy vào mời chúng tôi đi uống rượu, hắn trạc độ mười sáu mười bảy tuổi, còn trong khi phát hỏa thì có Tấn Phòng Quan đem binh đến cứu chữa…
Trưởng Hoa lại hỏi:
- Trong lúc quan đến cứu chữa có tìm thấy thi hài không?
- Dạ thưa tiểu thơ lúc ấy chúng tôi có bảo Tấn Phòng Quan đốc quân tìm kiếm nhưng không tìm thấy thi hài nào cả.
Trưởng Hoa ra chiều suy nghĩ rồi quay lại nói với song thân:
- Thế thì con tin chắc em con chưa chết, vì cứ như dung mạo của em con không phải là kẻ yểu tướng, hơn nữa không tìm thấy thi hài tất nhiên em con trốn thoát được rồi.
Tiểu thơ lại gạn hỏi hai tên gia tướng xem lúc Tấn Hỉ đến mời đi uống rượu với thái độ ra sao. Hai tên gia tướng kể lại sự việc Tấn Hỉ mời chúng ra ngoài rồi kêu hai người nữa cùng bắt chén, đoạn hắn bỏ ra huê viên lấy cớ đi tuần phòng, rồi trong lúc phát hỏa hắn lại tri hô lên trước nhất.
Trưởng Hoa cau mày nói:
- Nếu vậy thì thế nào tên Giang Tấn Hỉ ấy cũng có nhúng tay vào vụ này. Chắc là Lưu Khuê Bích bảo Tấn Hỉ rủ hai đứa này ra ngoài chờ cho Thiếu Hoa ngủ say rồi ám hại.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Lời con đoán có lý lắm. Vậy bây giờ ta phải lập tức bắt Giang Tấn Hỉ về đây tra vấn trước đã rồi sau sẽ hỏi Lưu Khuê Bích.
Dứt lời, Hoàng Phủ Kính tung mình lên ngựa tuốt sang Lưu phủ.
Lúc ấy Lưu Khuê Bích đang ngồi trong phòng, bỗng nghe gia đinh chạy vào báo:
- Có Hoàng Phủ Nguyên soái đến.
Khuê Bích lật đậy chạy ra nghinh tiếp, chàng trông thấy Nguyên soái hầm hầm sắc giận, một cái nhìn Nguyên soái cũng đủ làm cho Khuê Bích khiếp đảm lo âu.
Hoàng Phủ Kính gằn giọng hỏi:
- Đêm hôm qua vì cớ gì bên này phát hỏa? Còn con tôi bây giờ hiện ở đâu?
Lưu Khuê Bích đáp:
- Thưa, việc ấy tôi không được rõ, vì đêm hôm qua tôi mắc đi sang nhà cậu tôi hộ tang cho bà ngoại. Lúc ấy lịnh lang ngủ tại Tiểu Xuân đình không biết lý do gì bị hỏa tai. Mãi đến khi gia nhơn tin cho tôi chạy về thì tòa nhà ấy đã biến thành đống tro. Vả lại trong lúc ấy có Tấn Phòng Quan đem binh đến cứu chữa, nhưng tìm bới không thấy thi hài, chắc có lẽ lịnh lang chạy khỏi rồi cũng nên.
Hoàng Phủ Kính xoe tròn đôi mắt nhìn thẳng vào mặt Khuê Bích nói:
- Nếu bảo rằng con ta thoát khỏi, sao đến bây giờ không thấy nó về? Hãy dắt ta vào đó khám xét xem nào.
Lưu Khuê Bích vội vàng đưa Hoàng Phủ Kính ra Tiểu Xuân đình.
Đến nơi, Hoàng Phủ Kính truyền quân bới tìm thật kỹ, nhưng không tìm thấy chi hết. Lúc ấy gia tướng nhà họ Lưu cũng ra đứng vây xem thật đông. Tào Tín và Ngô Tường chỉ Giang Tấn Hỉ nói với Hoàng Phủ Kính:
- Thưa Nguyên soái, đêm hôm qua chính tên này ép mời chúng tôi uống rượu đây.
Hoàng Phủ Kính liền kêu Tấn Hỉ đến. Tấn Hỉ nhận thấy mình là ân nhân của Thiếu Hoa nên không chút ngại ngùng, chàng ung dung bước tới quì xuống.
Hoàng Phủ Kính quát hỏi:
- Ngươi tên họ gì? Có phải ngươi là kẻ coi giữ cái huê viên này không?
Giang Tấn Hỉ bình tĩnh bẩm:
- Bẩm Nguyên soái, tôi tên Giang Tấn Hỉ và chính tôi có nhiệm vụ trông coi cái huê viên này.
Hoàng Phủ Kính gằn từng tiếng:
- Đêm hôm qua ngươi ép hai tên gia tướng của ta uống rượu rồi ngươi lại bỏ đi đâu?
Giang Tấn Hỉ đáp:
- Vì đêm qua Cố Phu nhơn và Lưu Công tử đi vắng nên tôi phải đi tuần huê viên.
- Hừ! Nếu ngươi tuần phòng cẩn mật như vậy tất nhiên việc phát hỏa này vì duyên cớ gì ngươi phải biết rõ chứ?
Giang Tấn Hỉ đáp:
- Lúc ấy tôi đang đi tuần bên ngoài, thình lình thấy lửa dậy vội tri hô lên chứ vì duyên cớ gì thật tình tôi không biết.
Hoàng Phủ Kính nghe hắn chối quanh giận quá nạt lớn:
- Ngươi bảo ngươi mắc việc không thể uống rượu được thì việc gì lại ép người ta uống? Có phải là ngươi dùng kế điệu hổ ly sơn để ám hại con ta không? Chắc chắn việc phóng hỏa do tay ngươi rồi chứ còn chối cãi gì nữa.
Dứt lời, Hoàng Phủ Kính hô quân áp lại bắt Giang Tấn Hỉ đem tra vấn. Tấn Hỉ liền quì mọp xuống lạy thưa:
- Việc mời uống rượu ấy cũng vì tôi có lòng quí trọng hai người, còn việc xảy ra hỏa tai thật tình tôi không biết xin Nguyên soái lượng xét cho.
Lưu Khuê Bích thấy thế sợ Hoàng Phủ Kính đem Tấn Hỉ về tra khảo lậu sự nên bước ra nói:
- Xưa nay Giang Tấn Hỉ vốn kẻ lương thiện, tôi chắc hắn không bao giờ làm chuyện ác nhơn vậy đâu. Nếu Nguyên soái làm vậy oan cho nó tội nghiệp.
Hoàng Phủ Kính nhìn Khuê Bích nghiêm sắc mặt nói:
- Còn công tử mắc đi hộ tang sao cầm con tôi lại làm gì? Tôi chắc việc này do công tử chủ mưu ám hại con tôi.
Lưu Khuê Bích thản nhiên đáp:
- Việc cầm bạn ở lại chơi cũng là việc thường tình. Vả lại, tôi có ngờ đâu lịnh lang lại say rượu đạp đổ đèn làm cháy mất một tòa nhà của tôi. Phải chi tôi biết trước như thế thì tôi cầm cọng làm gì. Nay Nguyên soái bắt gia nhơn của tôi đem về tra vấn, tôi e trái đạo lý chăng?
Hoàng Phủ Kính nghe Khuê Bích nói lý lại càng nghi ngờ hơn nữa, lớn tiếng nói:
- Công tử nói rằng công tử có lòng tử tế mời con tôi ở lại, nhưng nghiệm theo lẽ thì không thể tin được.
Dứt lời Hoàng Phủ Kính ra lệnh áp giải Giang Tấn Hỉ về phủ.
Quân sĩ được lệnh áp tới trói Giang Tấn Hĩ dẫn đi lập tức. Lúc ấy, Giang Tấn Hỉ tưởng Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã về đến nhà rồi, còn việc Hoàng Phủ Kính làm như vậy lả để cho Lưu Khuê Bích khỏi nghi ngờ mình nên không sợ sệt gì cả, lại giả vờ kêu lên:
- Lưu Công tử ôi! Hãy cứu tôi với.
Lúc ấy Lưu Khuê Bích cũng muốn cứu nhưng không biết làm sao, đành đứng trơ trơ như tượng gỗ.
Về đến phủ, Hoàng Phủ Kính thuật lại cho Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ nghe. Trưởng Hoa bấm trán suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Nếu không tìm thấy thi hài, thì chắc chắn là em con thoát thân rồi, xin phụ thân hãy an tâm.
Hoàng Phủ Kính thở dài nói:
- Nếu nó thoát được thân sao mãi đến bây giờ không thấy về? Thật ta lo ngại quá! Thôi, để ta đem Giang Tấn Hỉ tra hỏi xem sao.
Dứt lời, Hoàng Phủ Kính truyền quân bày đồ hình cụ ra rồi cho giải Giang Tấn Hỉ vào. Giang Tấn Hỉ đến nơi thấy vậy tưởng Nguyên soái giả vờ để che mắt Lưu Khuê Bích nên chàng vẫn bình tĩnh. Hoàng Phủ Kính lên tiếng hỏi:
- Ta thấy ngươi còn nhỏ tuổi nên chắc việc này chẳng phải do tay ngươi, vậy kẻ nào chủ mưu hãy khai mau.
Giang Tấn Hỉ tưởng Nguyên soái giả cách hỏi vậy thôi, nên chàng đáp ngay không cần nghĩ:
- Bẩm Nguyên soái, việc này do công tử say rượu đạp đổ đèn nên lửa bắt cháy chứ không ai âm mưu ám hại cả, xin Nguyên soái xét lại.
Nguyên soái nghe nói nổi giận nạt lớn:
- Ta thấy ngươi còn nhỏ nên không nỡ gia hình, sao ngươi dám đem lời xảo trá dối ta. Hừ, nếu ngươi không thú thật chớ trách ta sao độc ác!
Bấy giờ Giang Tấn Hỉ có ý giận thầm, hắn nghĩ:
“Tại sao công tử đã thoát thân về được rồi lại còn muốn làm khổ ta như vậy?”
Nghĩ đoạn, Giang Tấn Hỉ vội thưa:
- Bẩm Nguyên soái hãy cho tôi nói một đôi lời.
Hoàng Phủ Kính nghe Tấn Hỉ nói như vậy liều truyền quân sĩ bước ra ngoài hết và bảo:
- Ngươi có điều chi hãy nói đi.
Giang Tấn Hỉ nhìn bốn bên thấy vắng người liền bước đến gần Hoàng Phủ Kính nói nhỏ:
- Bẩm Nguyên soái, cho tôi xin hỏi Nguyên soái một lời. Chẳng hay Nguyên soái giả vờ làm như vậy hay Hoàng Phủ Công tử chưa về?
Hoàng Phủ Kính lấy làm ngạc nhiên:
- Nào! Ta có thấy con ta về bao giờ đâu!
Giang Tấn Hỉ thất kinh nói:
- Trời ơi! Té ra công tử chưa về sao? Thế thì lạ lùng thật!
- Ngươi nói gì vậy, ta không hiểu gì cả. Hãy nói thật ra cho ta biết, chớ nên giấu giếm.
Giang Tấn Hỉ liều quì xuống thuật đầu đuôi mọi việc cho Hoàng Phủ Kính nghe, Hoàng Phủ Kính nghe xong nửa mừng, nửa sợ, nói:
- Nếu vậy thì ngươi là ân nhân của con ta rồi, ta cần phải hậu tạ ngươi mới được, song không biết tại sao mãi đến bây giờ không thấy con ta về?
Giang Tấn Hỉ ra chiều suy nghĩ rồi nói:
- Không biết chừng công tử bị việc chi cản trở dọc đường chăng, nhưng tôi tin chắc sớm tối gì công tử cũng về, xin Nguyên soái chớ lo.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Thôi được, bây giờ ngươi hãy ở lại đây uống rượu chơi, chờ con ta về sẽ nói chuyện.
Giang Tấn Hỉ nói:
- Xin đa tạ tấm lòng đoái thương của Nguyên soái, song bây giờ nếu tôi uống rượu ở đây tất nhiên Lưu Công tử sẽ đem lòng nghi kỵ và làm khó dễ tôi.
Giang Tấn Hỉ vừa nói dứt lời bỗng có quân chạy vào báo:
- Bẩm Nguyên soái, công tử đã về!
Hoàng Phủ Kính nghe nói mừng rỡ vô cùng.
Xin nhắc lại việc Thiếu Hoa ghé vào chùa với Thanh Tu Trưởng lão đánh cờ đặng chờ xem lửa cháy trong vườn họ Lưu. Quả nhiên vào lối canh ba bỗng thấy trong huê viên lửa dậy hừng hực trời. Bấy giờ chàng mới tin Lưu Khuê Bích có lòng hại mình. Sáng hôm sau Thanh Tu cầm Thiếu Hoa ở lại dùng cơm mai rồi mới cho về, nên mới trễ nải như vậy.
Khi Hoàng Phủ Thiếu Hoa bước vô nhà, Giang Tấn Hie liền chạy tới vái lạy và hỏi:
- Tại sao mãi đến bây giờ công tử mới về?
Thiếu Hoa lật đật giơ tay đỡ Giang Tấn Hỉ dậy và nói:
- Người là ân nhân cứu mạng của tôi, xin chớ thủ lễ quá vậy, xin mời người ngồi đây tôi sẽ nói chuyện.
Nói rồi Hoàng Phủ Thiếu Hoa đi thẳng ra sau hậu đường, ai nấy đều mừng rỡ xúm lại hỏi lăng xăng.
Thiếu Hoa thuật lại đầu đuôi mọi việc cho cả nhà nghe, duy có việc Thanh Tu Trưởng lão mách cho biết gia đình họ Hoàng Phủ phải chịu tai họa trong ba năm nhà tan cửa nát, cốt nhục phân ly, chàng không nói ra vì sợ song thân phiền muộn.
Thiếu Hoa còn kể lại việc đính hôn với Lưu Yến Ngọc cho song thân nghe, nhưng chàng căn dặn không nên tiết lậu, sợ Lưu Khuê Bích biết được có hại cho em gái, và Mạnh Lệ Quân hay được cũng sanh lòng ghen tương.
Hoàng Phủ Kính gật đầu khen:
- Con nói phải lắm.
Rồi ông lấy ra mười lượng vàng trao cho Giang Tấn Hỉ, và nói:
- Ta thưởng cho ngươi mười lượng vàng này để đáp lại tấm lòng tốt của ngươi, nếu mai sau ngươi có cần gì cứ việc qua đây ta sẽ giúp đỡ cho.
Giang Tấn Hỉ tỏ lời từ chối:
- Tôi xin đội ơn Nguyên soái, nhưng việc ấy có chi lâm trọng, tôi không dám nhận lấy số tiền thưởng quá to tát như vậy đâu.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Ngươi đã là kẻ cứu mạng của con ta, đáng lẽ ta phải thâu dùng mới phải, chứ mười lượng vàng này có thấm vào đâu. Nhưng ngặt vì ngươi hiện đang ở với họ Lưu, nếu họ Lưu đối đãi tử tế với ngươi thì thôi, bằng không thì hãy qua đây ta sẽ trọng đãi.
Giang Tấn Hỉ nghe nói, mừng rỡ tiếp lãnh số vàng rồi thưa:
- Mẹ con tôi ở nhà họ Lưu từ lúc tôi mới lên chín tuổi, được cả nhà thừa nhận mẹ con tôi là người tâm phúc, nay vì Lưu Công tử lập tâm độc ác tôi phải làm như thế cũng đã bất nghĩa lắm rồi, lẽ nào lại bỏ đó sang đây sao phải. Nhưng tôi chỉ xin công tử một điều là nếu ai có hỏi hãy nói rằng trong khi đang ngủ xay thấy lửa dậy rồi có một thần nhân hiện ra cứu đem bỏ giữa đồng, sáng ngày hôm sau mới hỏi thăm đường về nhà. Nếu công tử thố lộ chơn tình thì chẳng những liên lụy đến tiểu thơ mà thôi, tánh mạng của mẹ con tôi cũng khó bảo toàn.
Cha con Hoàng Phủ Kính nhận lời rồi sai người đưa Tấn Hỉ ra về.
Khi Giang Tấn Hỉ về rồi, Hoàng Phủ Kính kêu Tào Tín và Ngô Tường chỉ vào mặt mắng:
- Hai đứa bay toàn là kẻ tham ăn tham uống rủi chút nữa là con ta chết mất rồi! Thế thì ta còn dùng hai đứa bay sao được.
Tào Tín và Ngô Tường thất kinh quì lại cầu van. Thiếu Hoa thấy vậy thương tình bước tới thưa:
- Xin phụ thân hãy dung cho nó, vì việc này do con bảo chứ chúng nó không dám tự tiện bỏ ra ngoài.
Hoàng Phủ Kính bằng lòng tha thứ nhưng lại nói:
- Chúng bay mới lầm lỡ lần đầu ta cũng thương tình tha cho, nếu lần sau có vậy nữa ta sẽ trị tội nặng.
Hai tên gia tướng mừng rỡ lạy tạ lui ra.
Nói về Lưu Yến Ngọc và Giang Tam Tẩu khi hay tin Hoàng Phủ Kính bắt Giang Tấn Hỉ về, trong lòng lo ngại không yên. Hai người không biết Hoàng Phủ Thiếu Hoa có về đến nhà hay không, nếu có về nhà tại sao Hoàng Phủ Nguyên soái lại bắt Giang Tấn Hỉ?
Ngày sau, Giang Tam Tẩu giả vờ đến khóc lóc với Lưu Khuê Bích:
- Hôm qua Hoàng Phủ Nguyên soái bắt con tôi sang bên đó tra vấn, tôi sợ con tôi bị đòn bọng chịu không nổi khai bậy ra thì biết làm sao?
Trong lúc hai người đang bàn luận, bỗng thấy Giang Tấn Hỉ về; dọc đường Tấn Hỉ đã lấy đất và lọ bôi mặt cho lem luốc trông như người bị khảo tra nhừ tử vậy. Hắn vừa bước vào nhà vừa đi cà nhắc trông bộ thảm thương, Giang Tam Tẩu vừa thấy con, giả vờ kinh hãi chạy ra hỏi:
- Con ôi! Hình như con bị tra khảo nhiều lắm phải không?
Giang Tấn Hỉ thổn thức thưa:
- Khổ lắm mẹ ôi! Hoàng Phủ Nguyên soái bắt con về cột chặt cứng rồi lấy kềm kẹp đau đứt ruột. Nguyên soái buộc con phải khai việc do Lưu Công tử thù hằn về vấn đề lương duyên của Mạnh thị nên phóng hỏa ám hại Hoàng Phủ Công tử. Con nhất định chối từ thì bọn gia tướng lại ra tay kềm kẹp dữ dội, may thay lúc đó có Hoàng Phủ Công tử về, con mới thoát nạn.
Lưu Khuê Bích nghe nói, thất kinh hỏi:
- Ngươi bảo Hoàng Phủ Thiếu Hoa thoát khỏi về đặng được rồi à?
- Vâng, sự thật là như vậy. Tôi nghe Hoàng Phủ Công tử thuật lại rằng: trong cơn lửa dậy mười phần nguy cấp bỗng đâu có một vị thần hiện ra cứu người rồi bay vụt lên không trung, đem bỏ giữa đồng. Vì trời tối mà ở đó đường sá lại lạ lùng nên người đợi đến sáng mới hỏi thăm đường về. Trên đường về, Hoàng Công tử đi quanh lộn mãi đến trưa mới đến nơi.
Lưu Khuê Bích nghe qua, thở dài căm tức vì đã hại người tình địch không được, lại thiếu mất một tòa nhà xinh đẹp trong huê viên.
Lời Bình:
Trong thời gian phong kiến, bọn cường hào luôn có tư tưởng và hành động hà hiếp kẻ khác, chúng muốn gì được nấy, không ai có thể ngăn cản được, nếu ai cả gan nghịch lại, tất nhiên sẽ bị chúng dùng quyền lực làm cho điêu đứng, ta nhà nát cửa. Nhân vật Hoàng Phủ Kính này cũng đường đường là một vị Nguyên soái có quyền tiền trảm hậu tấy, nhưng so với Lưu Tiệp làm chức Quốc trượng trong triều, tất nhiên phải bị lép vế. Vì vậy phải bị nạn cá lớn ăn hiếp cá bé. Vì lẽ ấy Lưu Khuê Bích mới dám nói lý trong khi Hoàng Phủ Kính đến bắt Giang Tấn Hỉ.
Nhân vật Thanh Tu Trưởng lão trong hồi này quả không phải là người phàm tục mà là người trên thượng giới sai xuống cầm chân Thiếu Hoa trong một buổi để cho chàng về chậm mới sanh ra việc Hoàng Phủ Kính đến Lưu phủ và gây thêm sự mâu thuẫn về sau.
Chữ “trung” trong thời phong kiến thật quả máy móc và hẹp hòi, làm tôi phải trung với chủ vô điều kiện; không cần biết chủ ấy là vị hôn quân hay minh quân, chủ bảo chết thì phải chết, có thể nói là triệt để trung thành. Ở đây Giang Tấn Hỉ làm tôi cho họ Lưu thì dù cho họ Lưu có gian ác đến đâu cũng vẫn phải trung thành, cho nên tuy hành động cứu người của Tấn Hỉ là nhân đạo, song như thế là trái với lòng trung với Lưu gia nên chàng phải giấu nhẹm. Nhưng ở đời đã làm việc thiện mà phải lén lút thì thật là khổ tâm.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên