Chương 8 Bùi Tung Và Đào Tường
uy thắc mắc hỏi mẹ:
- Anh cả Hoành có nói vì sao chú Bùi bị bắt bỏ ngục không hả đẻ?
- Có. Việc không hay xẩy ra chỉ vì chú ấy quá giầu và tên quan huyện quá tham lam.
- Thưa đẻ, nghĩa là sao ạ?
- Tên huyện quan này có thần thế lớn ở Kẻ Chợ nên hống hách và ngang ngược lắm. Y cũng gian xảo nữa nên đánh lừa chú Hương Cựu một cách thật dễ dàng.
Y cho trát đòi chú tới công đường hỏi:
- Phải chú có tài đào ngạch nổi tiếng ở xứ này không?
Bùi Tung ngang tàng đáp:
- Dạ phải.
- Bây giờ ta nhốt chú vào một chỗ, liệu chú có cách nào thoát được không?
- Cho tôi một cái thuổng thật sắc, tôi sẽ thoát như chơi!
Tên huyện quan cười nham hiểm:
- Được lắm! Nói lời thì nhớ lời nhé. Ta sẽ cho chú một cái thuổng thật tốt. Nếu không ra thoát cũng đừng oán ta nhé.
Y sai người nhốt chú Hương vào một nơi chẳng lấy gì làm ghê gớm lắm, đặt bên mình chú một cái thuổng mới tinh thật bén. Ác cái là y lại xiềng tay xiềng chân chú bằng dây xích sắt thật to. Thế thì còn làm ăn gì được nữa! Chú Hương tức đến hộc máu vì thấp cơ thua trí, không nói cho rành. Đáng lẽ chú phải giao hẹn với y:
- Cho tôi một cái thuổng thật bén và phải để tay chân tôi được tự do…
Bà nói thêm:
- Nếu không có thằng con là cả Hoành ở ngoài chạy vạy thì chú phải chết rục xương trong căn nhà ẩm thấp.
Một ngày một đêm không thấy cha về, nó cuống lên. Phải vãi tiền ra mua chuộc bọn nha lại, nó mới biết chỗ giam. Rồi nó âm thầm đào ngạch vào thăm cha mới hay chú ấy bị xiềng quá chắc. Nếu không có thanh kiếm của nhà ta, chắc không tài nào chặt được xích.
- Anh cả Hoành có dò hỏi được ý định của tên huyện quan không hả đẻ?
- Có. Đẻ đã bảo tai vạ của chú Hương do cái giầu của chú ấy mà ra.
Tên ăn cướp ngày kia thấy tài sản của chú nhiều vô kể nên động lòng tham muốn vơ vét một chuyến cho thật bẫm. Y gian ngoan lập kế lừa cho chú lọt vào tròng. Chú có gan cách mấy cũng chỉ chịu đựng được vài hôm nữa thôi. Rồi phải xin chuộc mạng, không thì chết. Và muốn khỏi chết, chỉ có mỗi một cách là có bao nhiêu của cải phải dâng cho kỳ hết!
Huy tắc lưỡi, lẩm bẩm một mình:
- Quá lắm! Phải trừng trị tên tham quan này một vố mới xong!
° ° °
Hai anh em cùng mặc đồ đen trườn mình trong những ngách hang nhỏ hẹp. Họ lách lên phòng giam không mấy khó khăn. Quân lính canh phòng lấy lệ dĩ nhiên không hay biết.
Thanh gươm báu được tuốt ra. Ánh thép xanh dờn và lạnh lẽo xắn vào xiềng sắt ngọt như xắn vào những củ khoai.
Bùi Tung chân tay được tự do nhưng toàn thân y lả ra chẳng khác chi người sắp chết. Y bị bệnh kiết lỵ hành hạ suốt một ngày trời, không thuốc thang, không cơm nước.
Hoành nghiến răng căm tức muốn liều mạng xông ra tìm tên huyện quan gian ác, thí cho y một nhát.
Huy nắm tay cản lại, thì thào:
- Hãy đưa chú Hương về nhà phục thuốc đã. Việc ấy tính sau, vội gì!
Sau khi ra khỏi vùng hắc ám, Huy bàn:
- Bệnh chú Hương đang cơn nguy kịch, chắc chú không ra trận được với thầy tôi đâu. Ở nhà, tên chó má kia dĩ nhiên chả chịu để cho chú yên thân. Ta phải nghĩ cách đối phó trước.
Giết nó bây giờ thì dễ, nhưng sợ liên lụy đến chú và toàn gia. Chi bằng hãy dọa cho nó sợ một mẻ đã. Thấy có người ở ngoài phù trợ, nó khôn ngoan ắt không dám lôi thôi nữa.
Hoành chịu là phải, ứa nước mắt cõng cha về trong khi Huy nhẩy thót qua tường, vượt một khu vườn rộng và lẻn vào công đường mà không một ai hay biết. Sau khi lục lọi một hồi, chàng lách mình ra khỏi nơi làm việc của huyện quan để phi thân vào trong tư thất của y. Tên này đang ngủ say như chết.
Thật khéo léo, chàng đặt ngay trên đầu giường tên tham quan mấy khúc xiềng xích đã cắt đứt, cái thuổng bén ngót và chiếc ấn huyện quan của y.
Thoát ra khỏi cửa chàng mỉm cười tự nhủ:
- Thức dậy, thế nào tên này cũng sợ hết vía! Nó sẽ hiểu: Tương lai cũng như tính mạng của nó, người ta đã cầm ở trong tay, muốn lấy lúc nào cũng được. Khôn hồn thì đừng có sinh sự nữa… Phải rồi, đây không phải là một chuyện thách đố. Răn đe thì đúng hơn… Hừ! Vía bảo cũng không dám kiếm chuyện lôi thôi nữa!
° ° °
Mới tờ mờ sáng Bùi Tung đã giục hai người trai trẻ lên đường:
- Tôi đã đỡ, không có gì phải lo ngại cả. Chỉ tiếc có một điều là không đủ sức đi giúp bác Đoàn trong lúc này. Đành để cho thằng Hoành đi thay vậy. Việc dẹp giặc là trọng, cậu phải đi ngay kẻo bác Đoàn mong.
Hai ngựa ruổi rong mang trên yên hai người với hai tâm trạng.
Hoành mặt mũi đăm chiêu, nửa lo chuyện nhà, nửa lo ngại tài của mình còn non không giúp được bác Đoàn như ý muốn.
Huy, trái lại, lòng vui phơi phới. Ánh mặt trời và gió mát đã rửa hết những nét mệt nhọc trên gương mặt khôi ngô sau một đêm thiếu ngủ. Chàng sắp gặp lại cha, người mà cách đây vài ba hôm chàng tưởng phải chia lìa mãi mãi.
Chàng sắp gặp mặt Tường Vân mà chàng nhớ thầm từng nét, từ đôi mắt, cặp môi cho đến cái mũi, hai gò má. Cả tiếng sáo vi vu, cả tiếng cười như gieo ngọc. Cả lối vung tay thảy đáo, cả nét tung mình bay nhẹ lên yên, mỗi mỗi đều là một ray rứt dịu dàng, một nhớ nhung thấm thía.
Đến Bắc Giang, hai người bắt kịp đoàn quân.
Người thứ nhất Huy gặp là người chàng mong nhớ nhất. Tường Vân đang cho ngựa đi bước một ở hàng sau chót để mắt vào những xe lương và những xe chứa đồ dẫn hỏa. Huy sung sướng nghĩ đây là một điềm thật lành. Chàng reo lên:
- Cậu Tường Vân!
- A! Anh Huy!
Hai người mừng rỡ, hỏi thăm nhau vồn vã.
- Thầy tôi vẫn mạnh chứ, cậu?
- Vâng, chú đang ở trung quân.
- À, hai chú ở làng Gióng đã đến chưa?
- Rồi. Phải đi tới nơi triệu ngay ngày hôm ấy. Hai chú đang đốc thúc lính tráng ở tiền quân. Lát nữa, ăn cơm anh sẽ gặp. Còn ở làng Phù Ủng bao giờ mới tới?
- Chú mắc bệnh không đi được. Cho con trai là anh cả Hoành đây đi thay.
Chàng giới thiệu luôn:
- Còn đây là cậu Tường Vân, con út của bác đồ làng Nhị Khê.
Hai người nghiêng mình thi lễ. Trong thoáng giây, Hoành cảm thấy bao nhiêu cái kém cỏi của mình. Ối chao! Người đâu mà tuấn tú, hiên ngang đến thế! Tưởng cậu Đoàn Huy đã là nhất rồi, ai ngờ còn thua xa cậu này. Ờ, con nhà tông có khác, mới tí tuổi đầu mà xem chừng đã tinh thông cả văn lẫn võ. Rồi y tự an ủi: Trong thiên hạ, đâu phải ai cũng là dòng dõi của ông Nguyễn Trãi!
° ° °
Hai hôm sau đến địa đầu xứ Lạng, trời mưa suốt ngày như trút nước.
Đoàn Phong phải cho tạm đóng quân lại đợi cho mưa ngớt hột.
Mấy vị bô lão địa phương cố mời kỳ được vị chủ tướng vào tạm trú trong đình làng. Và họ thành tâm dọn rượu thết đãi, từ chối thế nào họ cũng không nghe.
Rượu được vài tuần, một cụ già nhất đám vuốt chòm râu bạc hỏi:
- Tướng quân trị binh rất nghiêm. Bọn dân hèn chúng tôi quý mến và kính phục lắm. Nhưng lão hỏi thế này khí không phải, xin tướng quân thứ lỗi. Sao quân ta ít thế? Lão thấy lèo tèo có chừng vài nghìn. Trong khi đó, lão nghe như quân Tầu sắp xua sang nước ta những mười vạn…
Đoàn Phong ngấm ngầm phục ông lão có đường dây tin tức thật chính xác.
- Vâng. Quân ta quả có ít. Và giặc quả thật đông. Nhưng, thưa cụ, quân quý hồ tinh thôi ạ. Đông mà không tinh, chưa chắc đã thắng.
- Đành vậy rồi. Nhưng ít quá coi sao được. Lão sợ không đủ dùng. Hay tướng quân có cần mộ thêm lính, để lão giúp cho.
Đoàn Phong chắp tay cảm tạ:
- Cám ơn cụ có lòng giúp đỡ. Nhưng tôi không dám nhận lời vì không muốn phí phạm xương máu của anh em.
Ông cụ cười ha hả:
- Lão hiểu rồi. Tướng quân binh ít mà lòng vẫn vững, chắc đã định sẵn trong bụng một kế sách vẹn toàn. Theo lão trộm nghĩ…
Cụ đặt chén rượu xuống thành mâm, ghé tai nói nhỏ:
- Không gì bằng đánh hỏa công!
Đoàn Phong giật nẩy mình. Không thể đây là người của giặc sai đến dò la hư thực. Nhưng không lẽ một người dân tầm thường ở xó rừng núi cũng thạo phép dùng binh. À, có lẽ ông cụ già sống lâu năm ở cõi biên thùy nên từng trải.
Không say rượu, vị hổ tướng họ Đoàn nghe nóng bừng cả mặt. Ông cảm thấy hổ thẹn. Thì ra từ con người có tài quán thế là ông đồ làng Nhị Khê, đến một ông lão vô danh ở xứ Lạng này cũng biết trận này phải dùng phép hỏa công. Thế mà thân ta làm tướng lại như người mù đi trong đêm tối, một hai lấy cái chết vô bổ ra để trốn trách nhiệm.
Cũng may là có bác Long Vũ mở mắt cho ta, không thì chết phen này thật uổng!
Ông ậm ự trước khi hỏi lại ông lão:
- Ai bầy cho cụ mưu ấy thế?
- Có ai bầy bảo gì đâu! Lão đã tám mươi tuổi đầu, già đời sống ở đây trải qua biết bao nhiêu cuộc quấy nhiễu của quân Tầu nên lão biết. Quân ít muốn đánh được quân nhiều thì phải nhờ vào sức lửa giúp đỡ.
Ông cụ kết luận:
- Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Lão có nhiều đồ dẫn hỏa. Con cháu lão buôn thứ đó mà, tướng quân cần để lão giúp cho.
Đoàn Phong trả lời bằng một lời nói chân tình:
- Tôi cũng nghĩ như cụ và đã dự bị đầy đủ. Cụ cho, thật quả tôi không dám nhận.
- Biết thế nào là đủ! Tướng quân cứ nhận cho lão vui lòng. Vui vì đã được góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến thắng.
Sực nhớ đến một việc, đoàn Phong bỗng thấy kém vui. Bên địa lôi đủ rồi, nhưng bên địa đạo yếu quá. Cả Hoành chưa có kinh nghiệm không biết có đóng nổi vai trò dành cho cha y không?
Chợt có quân vào báo:
- Bẩm, có người muốn gặp mặt chủ tướng mà không chịu xưng tên. Hiện đang chờ ở chòi canh bên sườn núi.
- Ở đâu tới? Mặt mũi ra sao?
- Thưa, ông ta tuổi ngoài năm mươi, ăn mặc quê mùa nhưng cưỡi con ngựa thật khỏe. Ngựa phóng như bay trên quan lộ từ phía Bắc Giang lên. Vừa đến chòi canh thì con ngựa mệt quá lăn ra chết. Quần áo mặt mũi ông ta lấm be lấm bét.
Chưa kịp chạy ra xem ai đã thấy cả Hoành hớn hở dẫn người lạ mặt vào.
Đoàn Phong đứng bật dậy, reo to khiến các cụ ngồi quanh mâm rượu giật nẩy mình:
- A ha! Chú Tường! Trời giúp ta thành công chuyến này đây!
Ông vỗ vai người mới tới:
- Cám ơn chú đã đến giúp anh. À, sao chú biết anh ở đây mà tới?
Bưng chén rượu cạn một hơi, Tường khà một tiếng khoan khoái, bao nhiêu nỗi vất vả dọc đường bay biến hết:
Em nghe tin anh Bùi Tung bị tên huyện quan làm khó dễ nên đến Phù Ủng định giúp anh ấy một tay. Tới nơi mới hay bác đang cần đến bọn em. Thằng Hoành đã lên đường với cậu Huy được mấy ngày rồi. Anh Bùi giục em phải đi gấp ngày đêm kẻo không kịp.
Trước khi tiễn đoàn quân lên đường, cụ già xứ Lạng còn ân cần dặn:
- Bây giờ đang mùa gió nồm. Tướng quân phải tính làm sao đánh cho sớm. Đừng để nấn ná đến mùa Đông có gió bấc mới ra quân mà chết thiêu cả đám đấy!
Thôi, lão chúc tướng quân thành công lớn. Ở nhà, lão nấu sẵn rượu khao quân đây.
Ông Đồ Làng Nhị Khê Ông Đồ Làng Nhị Khê - Chân Phương Ông Đồ Làng Nhị Khê