Chương 8 -
ã hai tuần trôi qua, kể từ ngày tôi từ Quy Nhơn trở về. Hai tuần lễ của những trận mưa liên miên kéo dài không dứt. Những buổi sáng thức dậy, tôi đều nghe thấy tiếng mưa rơi. Những đêm nằm đợi chờ giấc ngủ, sự đợi chờ nào của tôi cũng kéo dài trong tiếng mưa đổ. Như đêm tối không có tiếng mưa làm nền, đêm tối không phải là đêm tối Pleiku.
Tôi đang nằm trên giường, với một tấm chăn dầy phủ lên ngang ngực. Lúc này là buổi chiều. Dưới chăn, thân thể tôi lạnh buốt. Tôi đã nằm từ sáng, bây giờ vẫn chưa dậy được. Chỗ nằm, đáng lẽ phải ở một nơi khác. Trong một bệnh viện Tôi đã không chịu đến một bệnh viện. Nằm nhà, ưng thuận cho cơn bệnh kéo dài, ru hồn mình buồn phiền và ngổn ngang trăm nỗi bằng tiếng mưa rơi.
Tôi đau ngay từ hôm về tới Pleiku. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi chia tay với Đạo, chàng đưa tôi ra bến xe. Bà chủ khách sạn đứng đón tôi dưới quầy hàng. Bà trao mấy món đồ, nhờ chuyển cho con trai bà. Phút chia tay với bà chủ khá lưu luyến.
Bà ta nắm lấy tay tôi:
- Bao giờ ông bà trở xuống?
Bao giờ? Tôi nhìn Đạo. Chàng ở lại Quy Nhơn hay chàng trở về Sàigòn, tôi còn chẳng biết. Chúng tôi mỗi người một ngả, và Quy Nhơn rồi cũng chỉ còn là một kỷ niệm phai mờ bỏ lại sau lưng.
- Tháng sau, không chừng.
Bà chủ nghiêm trang:
- Câu chuyện tôi nói hôm qua là chuyện đứng đắn. Bà đã mở tiệm cà phê thì trông coi khách sạn cũng được. Nếu bà xuống trước khi tôi phải vào Sàigòn thì hay lắm.
- Tôi sẽ cố gắng.
Bà chủ khách sạn nhìn tôi, nhìn nước da còn hồng hồng rám nắng của tôi.
- Xem chừng Quy Nhơn hợp với bà lắm rồi đó.
- Sao vậy ạ?
- Chỉ mới vài ngày, bà khỏe mạnh tươi tắn hơn hôm mới tới nhiều. Thế là khí hậu miền biển thích hợp với bà.
Quay sang Đạo, bà ta nói tiếp:
- Ông khuyên bà một câu đi. Tiếng là khó khăn hơn trước, nhưng ở Quy Nhơn làm ăn vẫn còn dễ dàng lắm.
Tôi hứa sẽ viết thư trả lời bà chủ rồi hai chúng tôi rời khỏi khách sạn. Phút chia tay với Đạo mau chóng. Chúng tôi cùng tránh kéo dài nó. Tới bến xe cho đến lúc xe sắp chuyển bánh chàng không nói với tôi một lời nào. Những cặp tình nhân lúc chia tay không hẹn ngày gặp lại đều im lặng như thế sao? Tôi có hàng nghìn lời muốn nói. Đồng thời cũng lại cảm thấy lời nói nào cũng thừa. Thừa và vô ích lắm.
Tài xế dục mọi người lên xe. Máy nổ Đạo đứng sát cửa xe nhìn lên. Tôi cố giữ cho khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng trái tim thì chảy máu. Chúng tôi chỉ còn nhìn thấy nhau trong cái thời gian ngắn ngủi của một khoảng khắc.
- Em đi, anh.
- Ừ, em đi.
- Anh còn ở lại đây?
- Anh chưa định.
Tôi gượng cười, thò bàn tay ra ngoài cửa xe cho Đạo nắm lấy. Chúng tôi cùng muốn tỏ ra cứng rắn. Thật tội nghiệp cho hai đứa.
- Em nhớ giữ gìn sức khỏe.
Tôi gật:
- Còn anh.
Đạo thình lình buông tay tôi ra. Chàng ngắt ngang, gần như tức giận:
- Đừng nói gì nữa. Quên anh đi.
Chiếc xe hàng từ từ chuyển bánh cùng một lúc với Đạo quay lưng, bước nhanh ra khỏi bến xe. Tôi nhìn theo, xúc động. Vì biết Đạo vội vã quay gót, là vì chàng đã bất chợt xúc động mãnh liệt. Đạo mất đi mau chóng. Xe lìa bến sau đó. Nắng gió Quy Nhơn trên đường về, đuổi theo ở sau lưng. Biển xa dần. Những con sóng. Những ánh trăng xa dần. Chuyến đi náo nức, mới lạ. Cảm tưởng đổi thay hai bên bờ đường hút lấy tầm mắt. Chuyến về cảnh vật ở ngoài. Chiếm đoạt thần trí tôi chỉ còn là một giòng suy nghĩ miên man. Ánh mắt tôi nhìn lại Đạo trong tưởng tượng. Tôi muốn nghĩ chàng cũng buồn như tôi đang đau, chàng cũng hoang mang như tôi đang tan nát. Từ bến xe, chàng mang thẳng hình ảnh tôi ra bãi biển. Xe đang đưa tôi trở về cùng núi rừng Pleiku và Đạo thì đang đi một mình trên bãi cát vắng lặng. Chàng nhìn xuống những dấu chân chàng, những con dã tràng, chàng nhìn ra khơi, biển xanh lơ và mầu biển với chàng là mầu của một thương nhớ mênh mông.
Mãi nghĩ xe tới đèo An Khê lúc nào không hay. Lại những khúc quanh. Lại những con dốc. Một vài đồn binh đứng trơ vơ trên những ngọn đồi biệt lập. Hàng rào thép gai trên những thước đất đã cháy xém. Lô cốt phòng sự in lên nền trời. Thung lũng sâu hút với những con lạch khô cạn. Mộ người chiến sĩ vô danh trên đỉnh đèo gặp lại. Anh Kiện thấp thoáng trong đầu óc bồng bềnh choáng váng.
Qua khỏi đèo, bỗng nhiên tôi bị xâm chiếm bởi một mỏi mệt rã rời. Ba ngày ở Quy nhơn, tôi đã sống bằng ba tháng, ba năm, một đời. Mà nhịp sống quay cuồng, chóng mặt. Quy Nhơn có tất cả làm tôi vui, tôi quên. Nhưng đồng thời, tất cả của Quy Nhơn cũng làm tôi mệt lả. Cái gió. Cái nắng chói chang. Cái gió lồng lộng. Trời Quy Nhơn quá xanh, nhìn mãi, màu xanh trôi cũng làm cho cái nhìn ngây ngất. Tôi biết tôi đau rồi. Đau từ phút xe qua đèo An Khê.
Những ngọn đồi, những ngọn đồi thấp, thoai thoải, nối tiếp hết ngọn này đến ngọn khác. Những vách núi và những cánh rừng ở xa, mầu núi và mầu rừng lẫn lộn. Một nền trời xám ngắt, nặng chĩu hơi nước, vương đầy sương mù. Một vẻ buồn bã vô hình phủ lên hết thảy. Đó là Pleiku. Pleiku tôi vừa gặp lại. Một Pleiku không thay đổi, như rừng và núi im sững, không bao giờ đổi thay.
Cơn sốt trong tôi đã dấy. Người tôi gây gây lạnh. Xuống xe, tôi phải lấy trong va ly ra chiếc áo len và khoác vội nó lên người.
Một chiếc xe lam lăn tới.
- Cô về phố?
Tôi hỏi, mệt nhọc:
- Biết quán Nhớ không?
Người phu xe gật, giọng ăn chắc:
- Quán Nhớ ở đây ai mà không biết.
Đang buồn, đang đau tôi cũng bật cười. Pleiku, thêm một lần nữa, lại hiện rõ cái tinh thần xóm làng nhỏ chật. Lời bài hát càng nghĩ càng thấy đúng. Những con phố tình thân. Đi dăm bước đã về chốn cũ. Nhưng Đạo xa rồi, tôi còn gì để nhớ để quên?
Tôi hỏi:
- Quán Nhớ danh tiếng lẫy lừng đến thế sao?
- Cả tỉnh Pleiku này đều biết mà.
- Tại sao mới đựơc chứ?
- Cà phê đã ngon. Cô chủ quán lại đẹp.
Chẳng biết ai nói đến tai anh phu xe này rằng nữ chủ nhân quán Nhớ là một bông hoa kiều diễm. Phút này, cái bông hoa ấy chẳng kiều diễm chút nào hết. Tâm thể của nó héo hon. Dung nhan nó tiều tụy. Sau cuộc phiêu lưu thần tiên, bông hoa trở về cùng khu vườn cũ chỉ còn là cánh bèo thảm hại trôi dạt. Tôi bước lên xe. Đường về quán Nhớ bắt buộc phải đi qua cửa tiệm tơ lụa của Hồng Hạnh. Qua cả tiệm thuốc tây của Khoa nữa. Tôi thầm mong đừng phải đụng đầu với ai. Sự mong ước của tôi không được thực hiện. Tôi chạm mặt với cả Thư và Hồng Hạnh. Hai vị thiên kim tiểu thư này đứng nói chuyện với nhau trước nhà Hồng Hạnh. Khi chiếc xe chở tôi đi qua. Cả hai cùng nhìn thấy tôi và chiếc valy đầy bụi bặm đường trường đặt dưới chân tôi.
Lần trước gặp Hồng Hạnh đã vênh mặt không thèm chào hỏi. Lần này, thêm Thư. Họ mở lớn cặp mắt nhìn tôi, cái nhìn tuy ném tới từ xa, nhưng rõ rệt cái ánh lửa vui mừng đắc thắng.
Tôi không cần phải suy đoán làm gì nữa. Những cái bất lợi đã dồn dập xẩy đến cho tôi trong mấy ngày xuống Quy Nhơn. Mọi người đã biết tôi đi đâu. Không chừng họ còn biết tôi gặp Đạo ở Quy Nhơn nữa. Những con phố tình thân thôi chẳng còn là những con phố tình. Một hố thẳm đã được khơi đào, thật sâu rộng giữa tôi và mọi người. Phía bên kia là tất cả. Khoa nữa. Khoa cũng đã đứng ở cái phía đối diện, cái phía thù nghịch.
Xe thả tôi xuống trước cửa quán Nhớ.
Huyền từ trong quán chạy ra. Nó vui mừng:
- Chị đã về.
Tôi mệt nhọc xuống xe.
- Nhà có chuyện gì không?
Huyền xách lấy cái val y. Nó đáp gọn:
- Nhiều.
- Những chuyện gì?
- Toàn là những chuyện không hay cho chị.
Tôi vịn vào vai Huyền, bước vào quán. Sự bực tức đẩy tôi tới một phản ứng đương đầu, thách thức. Mọi người hãy đứng hết về phía bên kia. Tôi không cần đồng minh. Cho tôi đứng một mình với tôi ở phía bên này. Tôi không cần ai nữa và tôi chấp hết.
- Tao không cần.
Quán không có một người khách nào. Những dãy ghế trống trơn. Khách quen, khách lạ đều vắng mặt.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao vắng vẻ thế này?
Huyền sịu mặt:
- Chùa bà đanh từ hai hôm nay.
- Anh Thập, anh Nhạc cũng không tới?
- Các anh ấy nói các anh không tới đây nữa.
- Không tới thì thôi. Chị bị đau ở dọc đường. Kiếm mau cho chị mấy viên thuốc. Và đóng cửa lại.
Huyền lặng lẽ làm theo lời tôi. Nó di động lủi thủi, như một cái bóng. Quán Nhớ đóng cửa, nằm bệnh thêm một buổi nữa. Cửa quán đóng chặt, nhạc không trổi lên, đèn không thắp sáng, quán vừa im lìm vừa tối thui. Huyền buông mùng cho tôi, cùng với cơn sốt vùng lên, dữ dội. Tôi sốt - Sốt mê man, đến tận hôm sau mới tỉnh. Ở Quy Nhơn về được hai ngày thì Khoa tới. Chẳng hiểu tại sao, Khoa biết tôi đau. Khoa tới với một gói thuốc lớn. Khoa nói, tôi phải đến bác sĩ. Tôi trả lời Khoa rằng tôi khỏi rồi, chẳng cần đến một phòng mạch nào hết.
Câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi miễn cưỡng và tẻ nhạt. Một lúc nào đó, Khoa ngập ngừng mãi rồi mới hỏi:
- Em xuống Quy Nhơn có vui không?
- Thường vậy.
- Có gặp gia đình anh Thụy không?
Tôi đáp có gặp.
Lại ngập ngừng một hồi lâu. Tôi nằm trên giường, Khoa kéo ghế ngồi cạnh đầu giường. Giữa hai chúng tôi là sự có mặt vô hình rõ rệt của người thứ ba, một người thứ ba đã tan nhòa vào hư vô. Rồi Khoa hỏi giọng buồn thảm.
- Người đàn ông đó là ai?
Tôi đáp, nhìn lên trần nhà:
- Một người anh không quen.
- Y là thế nào với em?
- Thế nào? Em không thể nói được.
Khoa thở dài, không hỏi gì thêm về Đạo nữa. Có những chuyện không cần phải hỏi, nhưng càng nín thinh, càng né tránh, sự thật càng phơi bầy, ngột ngạt. Chuyện tôi với Đạo, đối với Pleiku, với Khoa nằm trong trường hợp này. Khoa ngồi thêm một lát nữa, rồi buồn rầu bỏ về. Trước khi ra khỏi phòng, Khoa hỏi:
- Em muốn nói gì với anh không?
Tôi lắc:
- Em đang mệt. Nếu anh muốn, lúc khác chúng mình nói chuyện.
Ra đến thềm cửa Khoa đứng lại. Tôi nằm im, mắt nhìn thẳng lên trần nhà, nên không nhìn thấy Khoa nữa. Chỉ nghe thấy tiếng, qua một câu hỏi làm cho cả hai người cùng đớn đau:
- Tại sao em dấu anh?
- Em không biết tại sao.
Tiếng thở dài:
- Đáng tiếc cho chúng mình.
Tôi nói với Khoa, câu Đạo đã nói với tôi ở bến xe đò Quy Nhơn.
- Anh về đi. Quên em đi.
Tôi tưởng khỏi, lại đau lại. Cơn bệnh lúc thuyên giảm, lúc gia tăng kéo dài gần mười ngày. Cuối cùng đám bạn bè ở Pleiku hiểu về tôi như thế này. Tôi có một người tình ở Sàigòn. Tuy ngoài mặt, tôi ưng thuận lấy Khoa, nhưng tôi vẫn không chịu đoạn tuyệt với người tình cũ.
Người tình của tôi ở Sàigòn. Tôi vẫn thư từ, liên lạc với hắn. Trong một lá thư, tôi rủ người tình của tôi lên Pleiku. Tôi mướn phòng khách sạn cho y ở, lui tới khách sạn với y mấy đêm liền. Như thế chưa đủ, tôi còn theo người đàn ông xuống Quy Nhơn, ngoài mặt nói dối là xuống thăm gia đình Dã Thụy để báo tin Thụy chết. Như thế, nghĩa là Khoa yêu tôi thành thật; Khoa tin tôi hết lòng, nhưng tôi đã lừa dối Khoa, lừa dối tàn nhẫn, lừa dối từ đầu đến cuối.
Thảo nào mà bạn bè cũng xa lánh. Thảo nào mà đến những người bạn trai thân nhất như Thập và Nhạc cũng có thái độ đoạn giao quyết liệt, không thèm lui tới quán Nhớ nữa.
Chung thủy không đổi thay, chỉ có Vận. Vận là hiện thân của một tình bằng hữu tràn đầy, vô điều kiện. Hàng ngày Vận vẫn lui tớí quán Nhớ thân mật và thắm thiết như cũ. Vận rất buồn về sự tan vỡ giữa tôi và Khoa, nhưng cho đó là chuyện riêng của hai chúng tôi nên né tránh không đả động tới. Mỗi lần tới, Vận ở lại lâu hơn. Tôi tự tay pha cà phê cho người bạn quý này. Một tối, trời mưa lớn, quán vắng ngắt, Vận bước vào với đôi giầy bê bết bùn đất đỏ khè. Hai chị em đang nghe nhạc. Vẫn bản nhạc Huyền thích. Bản nhạc về Pleiku. Những người con gái má đỏ môi hồng. Những buổi chiều mù sương. Những con phố tình thân. Còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để quên.
Tôi nhìn đôi giầy Vận:
- Đi đâu về vậy?
- Từ Khôngntum về.
Tôi hỏi đùa:
- Các cô ở Khôngntum vẫn chưa lấy chồng?
Vận nhún vai làm vẻ thê thảm:
- Chưa. Nhưng thương thằng khác rồi. Cho rơi thằng này rồi.
Tôi cười:
- Anh đáng bị bỏ rơi lắm.
- Ô hay, sao nói vậy?
- Anh yêu thật nhiều người một lúc, không chịu sống chết với ai, thì tất cả mọi người sẽ lần lượt bỏ rơi anh.
- Nghĩa là đáng đời, phải không?
- Đáng. Đáng kiếp.
- Đàn bà bây giờ thay đổi chóng mặt.
- Chúng tôi không muốn thế. Chỉ là cái chung quanh đẩy đàn bà tới những thay đổi bắt buộc.
Vận ngẫm nghĩ rồi gật gù:
- Cũng đúng.
Thấy Vận là tôi nhớ đến Khoa. Đã ba ngày, Khoa không trở lại. Vì đã quên tôi hay vì tự ái? Mỗi lần nghĩ đến Khoa, trong tôi lại ngậm ngùi vô tận. Dù sao, chúng tôi cũng đã có với nhau rất nhìeu kỷ niệm. Những buổi ngồi với nhau trên bờ Biển Hồ, nhìn xuống làn nước xanh đặc, với một hạnh phúc êm ả lâu bền tưởng như đã thành hình chung quanh chỗ ngồi. Những đêm Khoa ở lại quán tới giờ đóng cửa, mọi chuyện tưởng như sẽ xuôi chảy tốt đẹp giữa hai chúng tôi, với cuộc chung sống dần dần rồi sẽ tới. Khoa bỏ đi, chững chạc như lúc nào Khoa cũng chững chạc, nghiêm chỉnh. Thái độ ấy càng làm tôi ngậm ngùi hơn. Tôi hỏi Vận:
- Mấy hôm nay anh có gặp Khoa không?
- Có. Nó nín thinh, không nói chuyện gì hết.
Thấy tôi nhắc đến Khoa, Vận mới hỏi:
- Tan vỡ?
Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Chắc không bao giờ Khoa tới đây nữa. Anh nữa, anh cũng chẳng nên tới đây làm gì.
- Sao vậy?
- Tôi là sự xa lánh của mọi người. Anh xem đó, đến anh Thập, anh Nhạc..
Vận xua tay ngắt ngang:
- Chúng nó có thái độ với Ngọc vì đứng về phía Khoa. Thằng này đứng giữa.
Vận nhìn tôi:
- Chỉ đáng buồn là Ngọc đang bị nói xấu dữ quá.
Những ai đang mạt sát tôi không tiếc lời, tôi đã đoán được. Cũng cứ hỏi Vận:
- Ai vậy?
- Thư. Thư và con nhỏ Hồng Hạnh.
Tôi cười buồn. Một người con gái tỉnh nhỏ muốn yên lành, không bao giờ được phép vượt khỏi cái giới hạn của tỉnh nhỏ ở đó nó đã lớn lên và đã sống. Chuyến đi Quy nHơn, cuộc tình thầm kín với người đàn ông xa lạ, với đứa con gái tỉnh nhỏ ở tôi là bấy nhiêu tội lỗi lớn lao tầy đình không thể bỏ qua, không thể tha thứ. Điều không ai biết và hỏi, vì vậy không ai chấp nhận được, là chỉ cần một chuyến đi, một tình cờ cũng đủ thay đổi cả một giòng đời. Hiện tượng này không xẩy đến cho ai. Nhưng nó đã xẩy đến cho tôi. Tôi đã thay đổi. Với chính tôi trước nhất.
Và, bằng những trận mưa đêm rì rào, bằng những trận mưa chiều thả giọt, đã hai tuần lễ trôi qua. Sáng nay là sáng chủ nhật. Tôi thức dậy để thấy mình tỉnh táo hơn ngày hôm trước. Quán vẫn phải mở cửa. Tiếng chân Huyền đi lại ở phòng ngoài. Tôi nằm im, nhớ đến giấc mộng đêm qua. Giấc mộng có cả Khoa và Đạo. Lúc có Khoa, lúc có Đạo. Qua một số hình ảnh què cụt, lổng chổng, rời đứt vô nghĩa, mưa đều đều trên mái. Huyền mở nhạc. Tiếng nhạc nhỏ, lẫn trong tiếng mưa.
Huyền vào:
- Có khách tới.
- Ai vậy?
- Anh chàng thiếu úy.
- Mời anh ta ngồi chơi nói chị ra ngay.
Con trai của bà chủ khách sạn ở Quy Nhơn, theo đúng bà mẹ dặn trong thư đã đến quán Nhớ. Nhận đồ và giới thiệu. Anh ta tên là Chấn. Hiền lành. Dễ thương. Trong bộ quân phục thẳng nếp. Chấn mỗi lần đến quán, đều mang theo cái vẻ lạc lõng thừơng thấy ở những người trẻ tuổi bây giờ. Chấn tỏ ý rất vui mừng đã có một nơi chốn quen thuộc để lui tới. Nói không có bạn thân trong đơn vị. Nói buổi sáng chủ nhật, ra phố lang thang không biết đi đâu, không biết làm gì. Anh cứ đến đây, tôi nói với Chấn. Anh cần tiền cứ cho biết tự nhiên, tôi nói thêm, bà nhà sẽ trả lại tôi sau. Chấn đến lần đầu, tôi giữ anh ta ở lại ăn cơm. Sự thân mật tới mau chóng. Chấn làm tôi nhớ đến anh Kiện. Ăn cơm xong, tôi bỏ vào trong nhà, để cho chàng trẻ tuổi được tự do trò chuyện với Huyền. Xem chừng, hai đứa mới quen đã hợp nhau. Huyền tìm mở cho Chấn nghe những bản nhạc Chấn ưa thích. Hai đứa nói chuyện tay đôi cho đến giờ Chấn phải vào trại. Một cuộc tình có những triệu chứng khởi đầu. Tôi thấy ở Chấn và đứa em gái tôi những triệu chứng ấy. Vận thì không xong rồi. Không chừng, em gái tôi may mắn với Chấn hơn. Tôi thầm cầu mong Huyền may mắn hơn tôi. Trong lần yêu thứ nhất. Tôi chải qua mái tóc rồi đi ra. Nhìn vào gương, dung nhan tôi tiều tụy hơn bao giờ. Một thứ dung nhan của những ngày mưa phùn, những hoàng hôn buồn. Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai? Câu thơ này của ai thế? Câu thơ và lời nói của tôi, gói tròn cái tâm trạng não nùng tôi đang sống. Mắt tôi sâu trũng. Vành môi phiền muộn. Cái nhìn chán chường. Thêm một lần nữa, tôi lại thấy mình đứng ngỡ ngàng giữa một ngã ba đường, với bước chân hoang mang, phân vân, không biết về đâu.
Chấn đứng lên khi tôi từ nhà trong đi ra. Huyền và Chấn đều hơi mất tự nhiên. Quán Nhớ không phải là nơi chốn trò chuyện lý tưởng của họ. Sao họ không đưa nhau tới bên bờ Biển Hồ? Sao họ không đi dạo với nhau ngoài bãi biển Quy Nhơn? Để có riêng nhau với nhau. Để sống tận cùng thứ hạnh phúc chốc lát là thứ hạnh phúc duy nhất.
Chấn lễ phép:
- Chị khỏe hẳn chưa?
- Cám ơn. Tôi vẫn còn hơi mệt một chút.
Tôi nhận thấy lần đến này, Chấn chải chuốt hơn lần trước nhiều. Vẫn chỉ là bộ quân phục. Nhưng cái áo phẳng phiu, cái quần thẳng nếp và đôi giầy đánh bóng.
- Quán vắng quá hả chị?
Tôi nhún vai:
- Đã thế từ mấy tuần nay.
- Sao vậy?
Tôi cười:
- Những khách hàng quen nhất cũng không thèm đến đây nữa. Họ đã đoạn tuyệt với quán Nhớ.
Tôi nhìn Huyền khiến con nhỏ hơi ngượng. Sáng nay, chủ nhật, biết anh chàng Chấn sẽ tới, nó đã làm dáng để được đẹp trước mặt người tình. Ngày trước, Huyền đâu có thế. Những tấm gương trong nhà, chỉ có tôi soi ngắm. Huyền không soi gương, không chải đầu. Nó mặc thừa của tôi những chiếc áo cũ. Sáng nay mái tóc cô ả óng mượt. Cô ả mặc chiếc áo dài mới nhất. Không có gì đẹp bằng sự thay đổi khác thường này. Đó là sự thay đổi đầy đặc những cái vụng về, những cái lúng túng rất đáng yêu của tình yêu thứ nhất. Chấn và Huyền vừa cùng nhau nhắp vào một ly rượu. Ly rượu cùng làm cho chàng và cho nàng ngây ngất.
Tôi bảo Chấn ngồi xuống ghế:
- Chiều mới phải vào trại chứ?
- Vâng.
- Trưa nay ở lại đây ăn cơm với chúng tôi. Được nghỉ ngày chủ nhật, sao không về Quy Nhơn thăm bà?
- Em cũng định thế, tuần sau. Muốn mời chị và Huyền cùng đi cho vui.
Tôi hỏi Huyền:
- Thế nào?
Con nhỏ ấp úng:
- Em chưa biết biển bao giờ.
- Thế thì phải biết. Biển Quy Nhơn khác với núi rừng Pleiku. Tôi vừa xuống đó rồi. Nhưng nếu Huyền muốn đi chơi, thì cứ đi, không có tôi cũng được.
Chấn mừng rỡ:
- Chị cho phép Huyền?
Tôi nghiêm trang gật đầu:
- Huyền tới tuổi trưởng thành rồi. Cũng nên đi đây đi đó luôn luôn cho biết.
Tôi nói tiếp, như một nhắn nhủ gởi gấm về phía Chấn:
- Người con gái chỉ được quyền tự do một thời kỳ. Khi còn là con gái. Lấy chồng rồi, không phải là muốn làm gì cũng được, đi đâu cũng được.
Để cho hai trẻ được tự do với nhau, tôi kiếm cớ ra khỏi nhà. Tôi nói tôi đi chợ, mua đồ ăn về làm bữa ăn trưa đãi Chấn. Trời mưa lất phất. Tôi cài hết hàng khuy chiếc áo tơi, cổ áo trùm kín gáy. Pleiku của một ngày mưa phùn phơi bầy cái bộ mặt muôn thuở của một thị trấn miền núi. Xám ngắt. Nhợt nhạt. Rét mướt. Ngôi đình cổ trống trơn, không còn những tấm áp phích, những hình vẽ lòe loẹt của gánh hát cải lương tuần trước. Đoàn hát lưu diễn đã bỏ đi, đâu như lên diễn ở Khôngntum. Vẫn những người dân thiểu số từ những nhà sàn trong núi ra, ngồi thu lu cạnh những gốc cây, thản nhiên hứng chịu những giọt nước trên cành thả xuống. Vẫn những bụi cỏ phố lan tràn trên những mặt đường đỏ khé. Vẫn những đám mây nặng chĩu hơi nước trôi về từ phía phi trường Cù Hanh. Chủ nhật của Pleiku là một chủ nhật buồn. Nó thiếu những tà áo mầu, những quán nước sáng choang, nhộn nhịp như ở Sàigòn. Và Pleiku cúi đầu dưới mưa, chỉ có những quán cà phê tối thui như quán Nhớ. Gần tới chợ, tôi đụng đầu với Nhạc. Nhạc chào tôi ngượng ngập:
- Đi đâu vậy Ngọc.
- Đi chợ.
Nhạc lúng túng:
- Có gì lạ không?
Tôi ung dung:
- Nhiều chuyện lạ lắm. Chẳng hạn như chuyện anh không thèm lui tới quán Nhớ nữa. Chẳng sao. Quán Nhớ sẽ có những khách hàng mới.
Nhạc giọng trách móc:
- Tôi đã biết khách hàng mới của Ngọc bây giờ là ai!
Tôi lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt Nhạc, giọng khiêu khích:
- Làm sao các anh biết được.
Nhạc không trả lời, cũng không kéo dài phút gặp gỡ mà bỏ đi luôn. Sự thay đổi đã hoàn toàn giữa tôi và đám bạn trai. Những lần trước, gặp tôi ở ngoài đường, họ mừng rỡ biết bao nhiêu. Bây giờ là sự xa lánh rõ rệt.
Tôi vào chợ. Nền chợ nhớp nhúa. Những người bán hàng co ro trong những mạnh áo không đủ ấm. Gió thổi lùa trên những hình thể gầy guộc, những mầu sắc nhợt nhạt. Pleiku thiếu những đường máu đỏ, thừa những đường gân xanh. Thiếu thật nhiều, thừa cũng thật nhiều. Tôi lại nhớ tới Quy Nhơn, tới cái giải nắng chói lòa và những trận gió Lào thốc tháo, mù mịt bên kia chân đèo An Khê. Thêm nhiều lượng nắng gió khỏe mạnh, chắc con người và đời sống Pleiku sẽ đổi khác, đổi khác ghê gớm.
Nghĩ xa, nghĩ gần, tôi đi lang thang từ đầu chợ đến cuối chợ. Và đụng đầu với Mỹ Dung. Mỹ Dung đã nhìn thấy tôi từ xa, hẳn thế. Người đàn bà đứng giữa lối đi, buông thõng hai tay chờ tôi đi tới. Tuy là buổi sáng sớm, và cũng đi chợ mua đồ ăn như tôi, nhưng Mỹ Dung trang điểm rất lộng lẫy. Tôi chưa tới gần, mùi phấn sáp từ người Mỹ Dung đã tỏa ra thơm lừng. Một đứa nhỏ đứng sau lưng người đàn bà, nó xách một cái lẳn mây đầy ắp thực phẩm. Tôi muốn né tránh cũng không đựơc. Quay trở lại thì thấy mình vừa thua kém vừa vô lý. Nét mặt Mỹ Dung tươi cười, không thù nghịch. Người đàn bà gật đầu:
- Chào cô Ngọc.
Tôi gật đầu đáp lại. Mấy ngày đau liên miên, quán Nhớ không có ai lui tới, tôi đã gần như đứt rời hẳn với đời sống chung quanh.
Tôi vẫn tưởng Mỹ Dung không còn ở Pleiku nữa. Người đàn bà gió bão kia làm sao có thể ở mãi một nơi chốn khuất lánh và hiu hắt như nơi này? Hay nàng cũng như tôi, đang đứng phân vân giữa một ngã ba đường, không biết về đâu?
- Cô đi chợ?
Tôi đáp, thận trọng:
- Vâng.
Nghe nói cô đau. Khỏi chưa?
Giọng Mỹ Dung thân mật, giọng nói dành cho một người bạn, không phải cho một tình địch.
- Tôi đã khỏi.
Mỹ Dung cười:
- Tôi định đến quán Nhớ nhiều lần. Nghĩ thế nào lại thôi.
- Sao vậy?
- Sợ cô hiểu lầm.
- Sao bà biết tôi đau?
- Xin gọi tôi bằng tên, bằng chị. Tôi muốn nói chuyện với Ngọc, làm quen, kết bạn. Bằng lòng không?
Tôi nín thinh không biết trả lời thế nào. Nhớ lại cái đêm đứng dưới đường nhìn lên cửa sổ phòng ngủ Mỹ Dung, mặt mũi tôi muốn nóng bừng vì hổ thẹn. Đạo xa rồi. Tôi không còn lý do coi Mỹ Dung là tình địch nữa. Chúng tôi chỉ còn là hai người đàn bà cùng cô đơn như nhau.
Mỹ Dung tiến tới thân mật nắm lấy tay tôi.
- Xuống Quy Nhơn mấy ngày, vui vẻ không?
Tôi giật mình. Tôi đi Quy Nhơn tưởng không ai biết, tôi về cũng chẳng ai hay. Mỹ Dung không đến quán Nhớ, làm sao cũng biết. Tôi lại nín thinh. Vì không biết trả lời như thế nào. Sau đó, Mỹ Dung mời tôi về nhà nàng. Đáng lẽ tôi phải từ chối. Đi với người đàn bà chơi bời này, dù chỉ một đoạn đường ngắn là chuyện không nên. Sẽ mang tiếng. Sẽ bị hiểu lầm. Vậy mà chẳng hiểu tại sao, tôi đã đi theo Mỹ Dung ra cửa chợ. Và mười lăm phút sau, tôi đã ở trong nhà Mỹ Dung. Tầng dưới ngôi nhà khá rộng, ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ. Những căn phòng nhỏ xíu ấy đối diện nhau, cửa phòng nào cũng có tấm rèm che kín. Một lối đi chạy giữa hai dãy phòng. Trên lối đi, những cái ghế dài bọc da đỏ thẫm kê cách nhau trong những khoảng cách đều đặn. Không có một tiếng động nào phát ra từ những căn phòng. Tiệm tắm hơi của Mỹ Dung đã đóng cửa.
Mỹ Dung chỉ tay vào cái lối đi vắng ngắt.
- Không có ai đâu, cô đừng ngại.
Tôi lắc đầu:
- Tôi không ngại, chỉ hơi ngạc nhiên thôi. Không còn ai đến đây nữa sao?
- Một vài người. Nhưng tôi nói đã dẹp tiệm nên họ không đến nữa.
Mỹ Dung đưa tôi lên lầu, vào phòng ngủ của nàng. Căn phòng thật đẹp thật ấm cúng, bài trí khá mỹ thuật. Một tấm thảm dầy phủ kín mặt sàn. Giường ngủ thấp kiểu mới nhất. Tủ áo lồng kính. Phấn sáp, nước hoa và những đồ trang điểm khác của đàn bà xếp hàng trên mặt cái bàn phấn ở đầu giường. Một mùi thơm nhẹ phảng phất trong không khí. Căn phòng của Mỹ Dung không chỉ là một nơi chốn để ngủ. Thứ phòng ngủ diễm lệ vừa đón tôi vào là một nơi chốn để tình tự. Đêm nào, Đạo đã ở đây. Chàng đã nằm trên mặt đệm kia, với Mỹ Dung trong tay.
Mỹ Dung cởi bỏ chiếc áo mưa, ném cái áo lên thành giường. Chiếc áo dài màu rượu chát bó sát lấy thân hình nẩy nở của nàng.
Mỹ Dung kéo tôi ngồi xuống mặt đệm, hỏi tự nhiên, đột ngột:
- Đạo đâu?
Tôi không muốn che dấu nữa. Chuyến đi Quy Nhơn của tôi, cả Pleiku đã biết.
- Anh ấy không trở về đây.
- Anh ấy vẫn ở Quy Nhơn?
- Tôi không rõ.
- Ngọc đang là đầu đề cho dư luận bàn tán đấy nhé!
Tôi gật:
- Tôi biết.
- Kể chuyện cho tôi nghe về Đạo được không?
- Tôi không muốn.
Mỹ Dung nhìn tôi:
- Ai gặp Đạo rồi cũng vậy. Muốn quên, không muốn nhắc tới. Nhưng càng muốn quên, càng nghĩ, càng nhớ tới Đạo. Đạo không ở với một người đàn bà nào. Đàn bà với anh ta chỉ là một trò đùa. Nhưng lần này...
Ngừng một giây, Mỹ Dung nói tiếp:
- Tôi tưởng lần này không giống với những lần trước. Tôi ngạc nhiên khi thấy Ngọc trở về Pleiku một mình.
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
- Chị tưởng tôi đi hẳn?
Mỹ Dung gật:
- Phải. Đi hẳn với Đạo. Trở về đây làm gì nữa?
- Chị vừa nói Đạo coi đàn bà là một trò đùa mà.
- Nhưng Ngọc khác. Ngọc không phải là một trò đùa. Có một đêm, Đạo đã ở đây, đến sáng. Đạo có nói chuyện không?
- Không.
Tôi ở lại trong căn phòng ngủ diêm dúa của Mỹ Dung, hai tiếng đồng hồ. Tới gần mười hai giờ. Quên cả cái việc chưa đi chợ xong phải về, vì Chấn đang đợi ở nhà. Tôi từ chối không chịu để cho Mỹ Dung nói chuyện với mình về Đạo, nhưng rồi tôi đã ngồi đó, nghe Mỹ Dung nói về Đạo. Về con người chàng. Về quá khứ chàng. Về những điều đã khiến tôi thao thức, thắc mắc, nhưng không tìm hiểu được nguyên nhân. Về những điều tôi chỉ cảm thấy rất mơ hồ vì không có bằng chứng rõ rệt. Tại sao Đạo tàn nhẫn với đàn bà? Tại sao chàng coi tình yêu, đàn bà như một trò đùa, khiến từ chàng tôi cũng chỉ thấy được hạnh phúc như một hạnh phúc chốc lát? Câu trả lời đến từ một buổi sáng chủ nhật, của một quá khứ xa thẳm.
Năm đó, Đạo mới hai mươi bảy tuổi. Điều khó ngờ ở một người như Đạo, là còn trẻ như vậy, Đạo đã có vợ từ năm năm. Vợ Đạo tên Diễm, là một vũ nữ. Đạo mới chớm chơi bời, nhưng lấy Diễm, chàng yêu người vũ nữ đằm thắm và đoạn tuyệt ngay với cuộc sống về đêm. Cặp vợ chồng sống với nhau trong một căn nhà nhỏ, cạnh chỗ ở của Mỹ Dung, vì thế mà Mỹ Dung biết chuyện. Cuộc chung sống êm đềm được một năm thì Đạo có con. Đứa con trai giống cha như đúc. Đạo yêu con vô chừng ngày hai buổi đi làm, ở sở về thẳng nhà, không có một đời sống nào khác ngoài đời sống gia đình, không biết đến một người đàn bà nào khác ngoài Diễm mà Đạo tin cũng đã đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ.
Cặp vợ chồng có một xe hơi nhỏ. Buổi sáng chủ nhật, họ thường cùng với đứa con trai kháu khỉnh lái xe ra khỏi thành phố. Đi xa thì ra Vũng Tàu, chiều về. Đi gần thì lên Biên Hò, Thủ Dầu Một, ăn cơm trưa ngoài trời, thả cho đứa nhỏ chạy nhảy, đùa nghịch giữa những thước không khí trong lành và thoáng mát. Đạo chăm sóc thằng nhỏ cực kỳ cẩn thận. Không cho con chơi với con cái nhà hàng xóm, sợ con hư. Không cho con ra phố ra đường một mình sợ tai nạn xe cộ.
Chủ nhật hôm đó là một chủ nhật rất đẹp trời. Hai vợ chồng sửa soạn đưa con trai đi Thủ Đức. Phút chót, sở có công việc khẩn, sai tùy phái đến tìm. Đạo đành phải để cho Diễm lái xe hơi đưa con đi một mình.
Xe rời nhà khoảng tám giờ sáng. Chín giờ tai nạn thảm thương đã xảy ra. Diễm đưa đứa nhỏ lên hồ tắm Thủ Đức, sơ ý thế nào để đứa nhỏ xẩy chân rớt xuống hồ tắm. Giờ đó chưa có một người nào. Đến lúc hay biết. Diễm la thét, cầu cứu, người ta vớt được thằng nhỏ từ đáy nước lên thì nó đã tắt thở. Xác đứa nhỏ được chở về nhà. Hàng xóm đến sở báo tin sét đánh. Đạo hoảng hốt chạy về, nhưng tất cả đều đã muộn. Diễm khóc lóc, nhận lỗi về sự sơ xuất không thể tha thứ của mình. Đạo nín thinh, không nói với vợ một lời, lẳng lặng đi chôn con ở một nghĩa địa vùng ngoại ô Chợ Lớn. Cặp vợ chồng tiếp tục sống với nhau như cũ. Nhưng mất đứa con, ngôi nhà không còn tiếng trẻ thơ bi bô đùa nghịch, không thể còn là cái tổ uyên ương sáng hồng như trước. Và tình yêu giữa cặp vợ chồng cũng tan vỡ theo cái chết thảm khốc của đứa nhỏ.
Nghe đến đây, tôi cau mày, ngắt lời Mỹ Dung:
- Không thể như thế.
Mỹ Dung ngừng kể, hỏi:
- Không thể như thế là thế nào?
- Đứa con chết chỉ là một sơ ý.
- Và Diễm phải được tha thứ?
- Chính vậy.
Mỹ Dung kể tiếp, nói thêm cho tôi biết nguyên nhân tại sao Đạo không tha thứ cho sự sơ ý chốc lát của Diễm. Thực ra, Đạo đã muốn quên, để sống mãi với Diễm. Ít lâu sau ngày đứa con trai chết. Đạo buồn phiền, lái xe lên Thủ Đức một mình. Chàng tới hồ tắm, nơi xảy ra tai nạn. Ở đây, Đạo được biết thêm những điều mà Diễm đã che dấu về cái buổi sáng chủ nhật đẹp trời kia. Tới hồ tắm, Diễm đã gặp lại một trong những người tình cũ của nàng. Bỏ mặc đứa con tha thẩn một mình bên hồ tắm vắng vẻ. Diễm đã đi chơi với người tình vào một cánh rừng cao su gần đó. Nàng ở trong cánh rừng cao su với người tình gặp lại không chỉ mười lăm phút, mà cả nửa tiếng đồng hồ. Đứa con chết đuối trong khoảng thời gian này.
Sự tha thứ, muốn có, ở Đạo, thế là tan biến. Diễm không chỉ là một người mẹ sơ suất. Diễm còn là một người vợ không chung thủy. Cái chết của đứa con tố giác thêm sự phản bội của người đàn bà. Đạo buồn bã và thất vọng. Đạo trở lại với cuộc sống hoang tàn ngày trước. Chàng đi chơi đêm, uống rượu, bỏ việc, hàng tuần lễ miệt mài ở những nơi chốn nhầy nhụa không về tới nhà.
Không ai có thể kéo dài với nhau một chung sống đã trở thành địa ngục. Năm tháng sau ngày đứa con chết, Diễm bỏ đi. Một tháng sau khi rời Đạo, người ta đã thấy Diễm tươi cười khoát tay những người đàn ông khác. Đạo nhìn đàn bà, cũng bằng một cái nhìn mới từ đó. Đàn bà chỉ còn là một giải trí, một trò đùa. Đạo ăn nằm hết người này đến người khác để bỏ rơi họ, tàn nhẫn, không thương tiếc.
Qúa khứ Đạo được Mỹ Dung kể tới đó là hết. Đến chuyện tôi. Mỹ Dung nói tiếp:
- Cho tới khi Đạo gặp cô.
Tôi nhớ lại hai tuần lễ ở Sàigòn. Nhớ lại không thiếu sót một chi tiết nào. Nhớ lại và rùng mình. Tôi là người đàn bà thứ bao nhiêu đây trong cuộc đời của Đạo?
Tôi cười nhạt:
- Sự gặp gỡ ấy cũng chẳng có gì đáng nói.
- Rất đáng nói là đằng khác. Vì trường hợp cô không phải là trừơng hợp của mọi người.
Tôi ném cho Mỹ Dung cái nhìn nghi ngờ:
- Làm sao chị biết được.
- Tôi biết. Vì Đạo nói.
Tôi nhíu mày:
- Anh Đạo đã đem chuyện tôi ra nói hết với chị.
- Không hẳn. Anh ấy không nhắc đến tên cô, khiến đêm hôm đó, tôi không đoán được là ai. Bây giờ, tôi mới biết.
Hình ảnh Đạo đứng sánh vai với Mỹ Dung giữa khung cửa sổ mở rộng trở về trong trí nhớ tôi. Cánh cửa chỉ mở rộng trong khoảnh khắc rồi được đóng chặt lại. Đêm hôm đó, tôi đã sống như một con vật bị hất hủi. Mỹ Dung có Đạo trong một căn phòng ấm cúng. Tôi đứng một mình dưới mặt đường tối đen, với đêm lạnh buốt vây quanh. Sự uất ức đã làm tôi chảy nước mắt. Rồi lủi thủi trở về, tôi đã hình dung ra những giờ phút gần gũi thân mật của người đàn ông và người đàn bà. Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được, bởi cái cảnh tượng Đạo nằm trên mặt đệm chiếc giường tôi đang ngồi, với Mỹ Dung trong tay, vẫn rành rành trước mắt.
Bây giờ. Mỹ Dung thuật lại và sự thật lại không phải như vậy:
- Cô đừng hiểu lầm. Không có chuyện gì xảy ra đêm hôm đó đâu. Anh Đạo chỉ uống rượu, uống liên miên. Chúng tôi nói chuyện đã, ngồi như thế với nhau tới sáng. Anh nói chuyện gì cô biết không? Chuyện một người con gái anh gặp ở Sàigòn. Anh bỏ rơi tàn nhẫn, dễ dàng như anh đã có một thái độ tương tự với những người con gái khác. Nhưng điều lạ lùng là người con gái ấy khi xa rồi, vẫn ám ảnh thần trí anh bằng một ám ảnh không thôi? Tôi hỏi Đạo: "Vậy thì không phải là một trò đùa? " Đạo nín thinh, cúi đầu, không nói. Chưa từng bao giờ, tôi thấy Đạo như thế. Xa vắng. Buồn bã. Chìm đắm trong một bận tâm thầm kín. Suốt đêm, Đạo ở cạnh tôi, mà cũng là suốt đêm Đạo nghĩ đến người con gái ấy. Rồi Đạo cho biết anh tình cờ gặp lại người con gái ấy ở đây. Tôi hỏi ai, Đạo lắc đầu không chịu nói tên. Mấy ngày sau, anh ấy bỏ đi và người thất vọng là tôi.
Tôi hỏi Mỹ Dung:
- Tại sao chị thất vọng?
- Gặp Đạo tôi mừng như bắt được của. Tôi đang sống một mình. Rất buồn. Đang cần một người tình như Đạo. Tôi muốn giữ Đạo ở lại với tôi. Không có cô, chắc Đạo đã ở lại.
Mỹ Dung đưa tôi xuống đường. Nàng hỏi tôi, rất nghiêm trang:
- Tại sao cô trở về một mình?
- Không có gì giữa chúng tôi hết.
- Vô lý. Đạo không nói yêu cô sao?
Không. Tôi chưa từng nghe Đạo nói với tôi như vậy, dù chỉ một lần. Ở đây. Cũng như hai tuần lễ ở Sàigòn. Cũng như ba ngày ở Quy Nhơn. Tôi trả lời Mỹ Dung rằng Đạo không bao giờ nói chàng yêu tôi.
Mỹ Dung cau mày:
- Không nói cô cũng phải biết.
- Làm sao tôi biết được.
Mỹ Dung chép miệng:
- Tôi còn biết, tại sao cô không biết? Chỉ là cô không muốn biết mà thôi.
Chia tay với Mỹ Dung tôi nghĩ ngợi miên man suốt dọc đường trở về. Bỏ dở buổi chợ, bữa cơm không có, hai chị em phải mời Chấn đi ăn cơm tiệm. Thấy tôi có vẻ bằng lòng, Chấn không giữ gìn ý tứ như lần đầu nữa. Huyền cũng bạo dạn, tự nhiên hơn. Suốt bữa, cặp tình nhân không ăn, chỉ ngồi nhìn nhau. Không ngờ tình yêu tới với anh chàng trẻ tuổi và đứa em gái trầm lặng của tôi một cách mau chóng như thế. Chỉ một tuần lễ, tình yêu chớm nụ, mãn khai và thơm hương. Nó đang đi tới bằng những bước dài bảy dậm. Nghĩ cho cùng, chẳng có gì ngạc nhiên. Tình yêu đầu mà. Nhịp đập của trái tìm tuổi trẻ mà. Tiếng sét long trời lở đất mà. Và tại sao lại không như thế. Như thế mới là yêu. Chỉ có tôi là hoang mang bởi không biết mình muốn gì. Chỉ có tôi đang đứng giữa ngã ba, ở giữa sương mù.
Ăn xong, hai chị em và Chấn lại trở về quán. Tôi kêu mệt, lấy cớ vào nhà trong nằm nghỉ. Đầu óc váng vất, bồng bềnh, tôi nghe thoáng thấy những tiếng trò chuyện thì thầm ở phòng ngoài. Tiếng mưa nữa. Tiếng gió. Còn gì giữ tôi ở lại với cái thị trấn miền núi này không? Tôi không tìm được câu trả lời, và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Giấc ngủ kéo dài. Như một lãng quên đời. Thức giấc, trời đã tối. Ánh đèn ngoài quán hàng đã le lói. Nhạc nổi. Vẫn bài hát cũ. Về một Pleiku vừa gắn bó, vừa đứt rời, vừa lưu luyến, vừa cách biệt. Tôi mặc áo ấm, đi ra. Vận tới lúc nào. Trái với mọi lần, Huyền để mặc Vận ngồi một mình. Còn nó, nó ngồi sau quầy, đắm chìm trong mơ mộng.
Tôi hỏi Huyền:
- Chấn đâu?
- Anh ấy vào trại rồi.
- Sao không gọi chị dậy.
- Anh ấy bảo để yên cho chị ngủ.
Tôi nhìn Huyền, âu yếm:
- Đã nhất định tuần sau xuống Quy Nhơn chưa?
- Tùy chị.
Tôi gật đầu:
- Để tính lại coi sao. Có lẽ quán Nhớ này đã đến lúc phải đóng cửa thật rồi. Cho nó thành quán quên. Cứ coi là chị em mình sẽ đi Quy nhơn.
Bỏ Huyền với sự mơ mộng tuyệt vời đang tràn chiếm tâm hồn nó, một tâm hồn vừa mở cửa trước tình yêu đầu, bàng hoàng ngây ngất, tôi đến ngồi nói chuyện với Vận.
Vận nhìn những cái ghế trống, chép miệng:
- Sao vắng thế này?
Tôi cười:
- Còn anh mà!
- Tôi là người khách cuối cùng?
- Một người khách là đủ.
Nói vậy, mà cái giọng muốn làm ra đùa cợt của tôi cũng không thể đùa cợt được nữa. Một ngày kia, tấm biển hàng trước cửa quán sẽ hạ xuống. Bên trong quán, những ánh đèn sẽ tắt đi. Bản nhạc về Pleiku sẽ không còn bổng trầm thánh thót trong căn phòng này. Và quán Nhớ sẽ sống những giờ phút cuối cùng của nó.
Ngày khai trương quán trở lại, thình lình trong trí nhớ tôi. Thấm thoát mà cũng năm năm. Hôm đó, mọi người có mặt đông đủ. Anh Kiện cũng về, có mặt. Dã Thụy tới, mừng quán bằng một bức tranh. Bức tranh được treo ngay lên tường. Khoa đến với một bó hoa lớn, mọi người đều ăn mặc đẹp, những khuôn mặt rạng rỡ. Nhạc kéo theo mấy người bạn nhạc sĩ của Nhạc nữa. Những cây đàn cồng kềnh. Mọi người bắt tôi phải nói một vài câu rồi mới chịu vào tiệc.
Tôi đã lên đứng trước micro, trước ban nhạc. Thấy tôi bước lên bục, mọi người vỗ tay như sấm động. Chiều khai trương, quán Nhớ đèn lửa sáng choang chứ không tối thui như bây giờ. Có cả hoa và rượu nữa. Tôi mặc chiếc áo màu lộng lẫy nhất. Tươi cười dưới ánh đèn và trước những cặp mắt nhìn ngắm, tôi đã chào mừng bạn hữu, nói quán Nhớ muốn đựơc là nơi họp mặt thường xuyên của mọi người, nó sẽ sống mãi với Pleiku, không bao giờ hạ bảng, không bao giờ đóng cửa.
Nhớ hôm đó, Vận đã nâng ly rựơu hỏi lớn:
- Không bao giờ đóng cửa chứ, chắc không?
Tôi đã gật đầu, dõng dạc:
- Chắc.
- Thế nhỡ cô chủ không ở Pleiku nữa thì sao?
Tôi đưa tay:
- Tôi sống chết với Pleiku, không bao giờ đi nơi khác.
Lại một tràng pháo tay như sấm động, tán thưởng câu nói chung thủy gắn bó với một nơi chốn không rời đổi. Buổi tối hôm đó thật vui. Bạn hữu đến nhà đông chật. Không có chỗ đứng, không có chỗ ngồi mà khách hàng vẫn cứ kéo vào ùn ùn. Phải mở cửa phòng ngủ cho đám bạn thân sang ngồi ở đó. Chúng tôi thức với nhau tới khuya. Mọi người thi nhau lên dàn nhạc, hát, kể chuyện tiếu lâm, đùa nghịch trong một không khí buông thả đến tận cùng. Quán Nhớ có mặt trong sinh hoạt Pleiku từ đó. Với những lúc vui, với những lúc buồn. Qua những chiều mưa, qua những mùa nắng. Tôi đã có với quán thật nhiều kỷ niệm. Đám bàn ghế đồ đạc lâu dần rồi cũng như có một linh hồn. Góc kia là chỗ ngồi của Dã Thụy, cái góc mù mịt khói thuốc. Đầu quầy này là chỗ Vận thường đứng, dưới, chiếc đồng hồ là quà tặng của Khoa. Buổi sáng, quán mở cửa, sương ban mai ùa vào xanh biếc. Đêm khuya, cửa quán đóng lại, nhạc tắt, quán rơi chìm êm ái vào một vắng lặng buồn rầu. Bao nhiêu năm rồi, tôi đã ở đây, ngôi nhà nhỏ có bóng dáng hàng ngày của bạn hữu có thể gọi được là một mái nhà ấm. Vậy mà tôi sắp bỏ đi? Hạnh phúc nào cũng chỉ là một hạnh phúc chốc lát? Tôi còn tìm đựơc cho tôi một nơi trú ẩn nào mới? Không rõ, không biết. Nhìn lên từ một hướng biển, nhìn xuống từ một hướng núi, nhìn từ đâu cũng chỉ là một tương lai mịt mùng. Và những người đàn ông thì đều đã mất đã xa. Khoa bây giờ cũng đã đứng ở chỗ đứng của Đạo. Một chỗ đứng tôi không nhìn thấy nữa.
Ôm Đàn Tới Giữa Đời Ôm Đàn Tới Giữa Đời - Mai Thảo Ôm Đàn Tới Giữa Đời