Chương 7 - Việt Nam Quốc Dân Đảng
rong kỳ “Toàn kỳ đại biểu hội nghị” ấy, mỗi đại biểu đều đem tỏ bầy một bản dự thảo riêng của nhóm mình về chương trình, điều lệ của Đảng.
Chúng tôi đã phải làm việc suốt hai đêm ròng rã. Kết quả những ý kiến riêng đã hun đúc lại thành một kỷ cương chung. Trước kia, Đảng mỗi chỉ là một ý định mơ hồ. Đến bây giờ, mới có đủ một hình thức, một tinh thần rõ rệt.
Đảng lấy tên là “Việt Nam Quốc Dân Đảng” theo đề nghị của anh em Hà Nội. Người vào đảng phải làm lễ phát thệ, theo đề nghị của anh em Thanh Hóa…
Mục đích là liên lạc tất cả các anh em đồng chí, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dùng võ lực để lấy lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.
Cách tổ chức thì mỗi chi bộ gồm nhiều nhất là mười chín người. Vì theo pháp luật hiện hành, sự hội họp quá mười chín người phải xin phép trước. Mỗi chi bộ chia làm bốn ban: Tài chính, tuyên truyển, trinh thám và tổ chức. Rồi bầu lấy một người chi bộ trưởng và một người đại biểu lên tỉnh bộ.
Người trong tỉnh bộ gồm có các đại biểu của chi bộ. Cũng chia bốn ban. Cũng bầu hộ trưởng. Và cũng một người thay mặt cho anh em để dự vào đảng bộ cấp trên.
Cấp trên là kỳ bộ, nguyên tắc tổ chức cũng như ở dưới. Rồi mỗi kỳ bộ sẽ cử lên một số đại biểu để họp thành Tổng bộ. Tổng bộ, cơ quan tối cao của Đảng, so với các đảng bộ dưới, có thêm ra bốn ban: Ban binh vụ, ban ngoại giao, ban giám sát, và ban ám sát.
Suốt trong thời kỳ anh Học còn, vì sự tuyên truyền chưa lan được khắp Trung, Nam, nên Tổng bộ chỉ là Kỳ bộ miền Bắc tạm quyền công việc. Đã một hồi, từ Sài gòn và mấy tỉnh đường trong, có lập được ít nhiều chi bộ. Nhưng kỳ bộ miền Nam chưa hề có cử người về Tổng bộ. Hai nơi chỉ là cùng nhau liên lạc mà thôi.
Tổ chức thì thế, còn chương trình hoạt động, thì chia làm ba thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất là phôi thai, làm trong vòng bí mật.
Thời kỳ thứ hai là dự bị, làm trong vòng bí mật.
Thời kỳ thứ ba là phá hoại, tức là đánh đổ đối phương.
Xét ra thì cách tổ chức của Đảng lúc ban đầu hoàn toàn theo lối dân chủ đại nghị. Nó rất giống với cách tổ chức của đảng Tân Việt Cách mệnh. Kỳ trực thì cả điều lệ lẫn chương trình, phần nhiều là châm chước theo đề nghị của anh Hoàng Văn Tùng (anh bị bắt năm 1929 và chết ở Hoả Lò), đại biểu Thanh Hoá. Anh Tùng vốn là bạn thân của anh Tôn Quang Phiệt, người bên Tân Việt… Hoặc giả đề nghị của anh đã dựa theo đảng cương bên Tân Việt cũng chưa biết chừng!
Cho cả đến lời phát thệ, anh em “đường ngoài” lúc trước cũng chưa hề nghĩ đến bao giờ:
“Trước giang sơn, Tổ quốc, trước mặt anh em đồng chí, tên tôi là mỗ, bao nhiêu tuổi, thề xin hy sinh cho Đảng, xin giữ bí mật của Đảng, xin phục tùng mệnh lệnh của đảng, không được tự do ly Đảng. Nếu sai lời, xin chịu tử hình!”
Lời thề ấy, đã làm tim tôi bao nhiêu lần hồi hộp, mỗi khi đi chứng kiến sự thành lập một chi bộ gồm có các đồng chi sáu, bẩy chục tuổi, đầu tóc bạc phơ, hay một chi bộ nhà binh, thường là các hạ sĩ quan, trên vai bông ngù vàng lấp lánh!
Bởi vì là một đảng bí mật, nên chúng tôi hết sức tránh việc giấy tờ. Đảng viên không có danh sách. Các kỳ họp cũng không có lập biên bản. Chương trình nghị sự, xong buổi họp rồi liền đốt đi. Có ai ngờ kín đáo như vậy, mà ngay từ khi Đảng chưa thành hình, ty Mật thám đã mong manh biết. Kẻ tố cáo đầu tiên, than ôi, lại là một trong những thanh niên trí thức: Nguyễn Quốc Tuý tiên sinh!
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)