Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Người Bạn Kiên Nghị
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Phần Hai - Bão Táp - Chương 7 - Tháng Mười
V
ùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian,
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi,
Quyết phen này sống chết mà thôi!
1
Không có gì khổ hơn nghèo nàn!
Cứ phải ngồi trong căn nhà đất chật chội như con chim trong lồng, buồn rầu rĩ và hà hơi vào tấm kính cửa sổ phủ đầy băng để có được một cái lỗ nhỏ nhìn ra ngoài đường. Còn trong thành phố từ sáng sớm tinh mơ đã có cuộc bắn nhau dữ dội đến mức không sao ngồi yên được.
Cuộc xung đột với bọn tư sản đã bắt đầu. Nghe đồn rằng người ta đã tịch thu nhà máy của lão Hughes. Thằng Abdulka chạy đến thét lớn vào cửa sổ là lão Tsybulya, ủy viên Chính phủ lâm thời đã bị bắt. Bây giờ đúng là lúc phải tóm cổ thằng Senka và trả thù vì tội nó đã cưỡi nhong nhong trên lưng tôi. Nếu thế thì tốt quá… Nhưng tôi thậm chí ra khỏi nhà cũng không được, vì chẳng có gì để mà đi, giày đã rách nát hết.
Giá mẹ tôi đi vắng, tôi sẽ đi ngay giày của mẹ, nhưng mẹ tôi lại ngồi nhà và lo lắng ngóng nhìn ra cửa – mẹ chờ bố tôi.
Cả đêm qua mẹ tôi không ngủ, mẹ khâu một lá cờ đỏ. Giờ đây lá cờ đó đang bay phấp phới ở một nơi nào đó, thế mà tôi cũng không được biết là ở đâu. Mọi vật trong nhà đã làm tôi chán ngấy: mắt không thể nào nhìn mãi được chiếc bàn ăn gãy chân và kêu cọt cà cọt kẹt. Có lẽ không thể tìm được ở nhà ai một chiếc ấm cụt vòi quái gở như của nhà tôi – đem đập quách nó vào tường cho rảnh…
Đã bao lần tôi buồn bã nhìn ra cửa sổ: ngoài phố vẫn vắng lặng. Cơn gió tốc cuốn những mảnh giấy lẫn bụi bặm xoáy tròn như chiếc đu quay, lồng lộn rít lên ở ngoài phố, lay bật các hàng rào, đập rầm rầm vào những cánh cổng.
Bạn Vaska của tôi ở đâu? Chẳng có ai đến cả.
Bỗng bên cửa sổ vang lên tiếng vó ngựa. Tôi ép sát người vào cửa kính và tim tôi ngừng đập: tôi trông thấy bố tôi ngồi trên ngựa.
Kể từ khi các chú công nhân giải phóng bố tôi khỏi nhà tù, bố tôi hầu như không ở nhà. Mẹ thường mang cơm đi đâu ấy cho bố tôi.
Tôi lao vọt ra cửa.
Bố tôi bước vào, người cao và gầy, mặc bộ quần áo da. Thậm chí quần cũng bằng da. Chiếc súng lục chính cống treo trên dây da vòng qua vai.
Cùng đi với bố tôi còn có hai chú công nhân nữa. Một chú chưa có râu, đôi mắt tinh nghịch, người thứ hai nhiều tuổi hơn. Sau đó một người nữa bước vào, anh mặc áo bành-tô đen và đi ủng, tay cầm chiếc xà-beng.
- Nhanh lên, các cậu! – bố tôi vừa đi vừa nói. – Chào mẹ nó, cho ăn tí gì chứ.
Bố tôi bỏ chiếc mũ da lưỡi trai ra và treo lên cái đinh. Bố tôi cùng những chú công nhân đi khuất vào sau vách.
- Fedya, đưa xà-beng đây!
Bố tôi kéo chiếc giường ra khỏi tường, cầm lấy chiếc xà-beng của chú Fedya, rồi lấy đầu nhọn đục vào tường.
Tôi không hiểu bố tôi phá nhà để làm gì. Nhưng ông vẫn đục tường, ngoáy ngoáy và chẳng bao lâu bẩy ra một hòn gạch. Các chú công nhân quỳ xuống, yên lặng, vội vã dỡ bức tường.
- Thôi được rồi, – bố tôi nói xong thọc tay vào lỗ hổng sâu đến tận nách, sờ soạng và lôi ra khẩu súng trường.
- Cầm lấy, – bố tôi nói với chú đứng bên cạnh, rồi lại thọc tay vào lỗ hổng.
“Thật quái lạ! Tại sao tôi lại không biết là ở nhà tôi có giấu súng?”
Bố tôi moi thêm hai khẩu súng trường, sau đó lôi ra một chiếc hòm kẽm thon thon, liền đó thêm hai chiếc nữa. Chú Fedya hé mở nắp một chiếc và tôi trông thấy đạn, những viên đạn thật bằng đồng thau đã lắp sẵn vào băng.
- Hết rồi các cậu ạ, mang đi nhanh lên! Nửa giờ nữa tôi sẽ tới.
Sau khi các chú công nhân đã đi khỏi, bố tôi mới ngồi vào bàn. Tôi tự hào nhìn bố tôi. Bố tôi trông vẫn như xưa và cũng không hẳn như xưa. Người bố tôi phảng phất một mùi gì đặc biệt – mùi thuốc súng và mùi da.
Bố tôi liếc nhìn tôi và nhếch bộ ria mép mỉm cười. Tôi cảm thấy lòng bàn tay ấm áp của bố tôi ở trên đầu.
- Ở nhà thế nào hả con?
- Giày rách hết cả rồi…
- Cái đó không đáng ngại. Tại sao con không đính chiếc khuy vào?
- Mẹ bận lắm.
- Con phải tự đính lấy chứ. Phải tự làm lấy tất cả. Đừng có ỷ lại vào mẹ – nhỡ bỗng nhiên phải sống xa mẹ thì sao?… Thôi này, đừng sờ vào súng… Tốt hơn hãy nói xem con đã được nghe về Lenin chưa? Lenin gửi cho con bức thư đấy. – Bố tôi lục trong cái túi áo da, moi ra một cuộn giấy màu xanh và chìa cho tôi: – Cầm lấy!
Còn bố tôi cầm chiếc thìa gỗ, bắt đầu ăn cơm. Tôi giở tờ giấy ra và đọc:
Đài phát thanh của Hội đồng Dân ủy
Ngày 30 tháng 10 (ngày 12 tháng 11) năm 1917
Gửi tất cả. Gửi tất cả.
Đại hội Xô-viết toàn Nga đã thành lập Chính phủ Xô-viết mới. Chính phủ của Kerensky đã bị lật đổ và bị bắt giam. Kerensky đã bỏ chạy. Tất cả các cơ quan hiện trong tay Chính phủ Xô-viết.
Chủ tịch Chính phủ Xô-viết
VLADIMIR ULYANOV (LENIN).
Trên một tờ khác vẽ anh công nhân toàn một màu đỏ, đến cả mũ lưỡi trai cũng đỏ. Anh công nhân tay trái cầm khẩu súng trường, còn tay phải chỉ thẳng vào tôi:
ĐỨNG LẠI! BẠN ĐÃ GHI TÊN VÀO ĐỘI CẬN VỆ ĐỎ CHƯA?
Ghi chứ, hai lần rồi! Bọn bạn hẳn sẽ nghĩ là tôi không ghi tên vì hèn nhát, chứ không một ai tin là tôi không có giày đi.
Bố tôi ăn vội vàng, xong đẩy lùi cái đĩa ra và đứng dậy.
- Grunya, cất dọn thức ăn đi em, anh sẽ đi lâu đấy.
Mẹ tôi òa khóc, mẹ bắt đầu cầu xin bố tôi đừng đi, kể lể là bố tôi cả đời đi phiêu bạt, khi thì bị bắt vào sở cảnh sát, khi thì lẩn trốn dưới hầm nhà hàng xóm, còn mẹ tôi luôn lo lắng âu sầu. Bao giờ mới hết những cực hình đó? Mẹ tôi nhìn bố tôi, hai hàng lệ long lanh lăn trên má.
- Thôi, thế là hỏng rồi, – bố tôi bối rối nói. – Bây giờ không phải lúc nghĩ đến mình. Vận mệnh đang được quyết định: công nhân sẽ đời đời là những người nô lệ hay là sẽ chiến thắng và bắt đầu một cuộc sống mới, khi mà những từ “thợ mỏ”, “thợ đúc”, “thợ rèn”… sẽ trở thành những từ vinh dự nhất. Ôi, Grunya, cuộc sống tốt đẹp sẽ đến! Thế mà em lại khóc. Nào! Em là một người thông minh, có phải không? Em không khóc đấy chứ? – Bố tôi lau những giọt lệ trên mắt mẹ tôi và hỏi vậy.
Mẹ tôi mỉm cười buồn rầu.
- Em không khóc nữa… Anh đi đi… Cầu Chúa phù hộ cho tất cả các anh…
2
Không còn đủ sức chịu đựng được nữa. Bố tôi vừa đi khỏi và mẹ tôi vừa gục mặt xuống gối, tôi liền đi trộm giày của mẹ tôi để chạy đến nhà Vaska.
Gió lạnh thấu xương thổi ngoài phố. Mặt trời bám đầy bụi mờ đục treo thấp lè tè như vào dịp mùa thu trên thảo nguyên. Tưởng chừng như hơi lạnh đã toát ra từ đấy…
Vaska không có nhà. Tôi đứng giữa sân, suy nghĩ xem cậu ta có thể ở đâu.
Từ phía nhà kho chứa than vọng tới chỗ tôi những giọng nói rì rầm. Tôi lắng tai nghe. Có tiếng thằng Ilyukha tóc hung nói bên kia bức tường gỗ:
- Lenka không đi đâu. Hắn sẽ chuồn.
- Ai? Lenka à? – tiếng Vaska vọng ra. – Phụ tá của tớ mà chuồn à?
- Dĩ nhiên rồi, hắn sợ và rõ là một tên hèn nhát, – Ilyukha khăng khăng khẳng định.
Tôi chưa biết có việc gì xảy ra ở trong nhà kho, nhưng lòng đầy tức giận, tôi giật mạnh cánh cửa. Cánh cửa bật rung hé mở và kéo lê trên mặt đất những thanh gỗ mục. Mùi giày cũ xông lên. Tôi khó khăn lắm mới nhận ra mặt các bạn trong bóng tối mờ mờ: Ilyukha ngồi trên đống than và lấy chiếc lưỡi lê gỉ khều đất. Bên cạnh là thằng Ucha, nó duỗi dài chiếc chân độc nhất và đang đẽo chiếc kiếm bằng gỗ. Vaska, chắp tay sau lưng, hối hả đi đi lại lại trong nhà kho, từ góc này sang góc kia. Abdulka ngồi ngay bên cửa và không hiểu nó xé chiếc áo đỏ của nó ra thành từng dải để làm gì. Chiếc áo vét cũ kỹ phủ lên mình trần của nó. Tôi siết chặt nắm đấm xông tới thằng Ilyukha.
- Mày vu khống gì tao ở đây đấy hả? Ai sợ?
Ilyukha giật nảy người, nhưng trấn tĩnh lại và nhẹ nhàng nói:
- A, Lenka cũng đến đây rồi, ngồi xuống đây, chỗ này êm hơn.
- Mày đừng đánh trống lảng nữa, ai hèn nhát?
Ilyukha đưa tay che mặt tự vệ:
- Mình nói đùa, thế mà cậu tưởng thật.
- Coi chừng không tao cho một quả nổ đom đóm mắt ra đấy.
- Thôi đủ rồi. – Vaska nghiêm nghị nói và gật đầu với tôi tiếp: – Cậu ngồi xuống dự hội nghị đi.
Tôi ngồi xuống chuồng chim bồ câu tham dự hội nghị.
- Các cậu nghe đây, mình sẽ kể…
Vaska chậm rãi đi quanh trong nhà kho và bắt đầu kể rằng Kerensky đã bỏ chạy khỏi Petrograd như thế nào. Người ta đến bắt hắn, nhưng hắn đã nhảy qua cửa sổ, thay áo phụ nữ ở ngoài vườn rau, nhưng vẫn chưa kịp mặc váy. và như vậy vẫn còn mặc quần… Làm thế nào bây giờ? Lúc đó hắn lấy chiếc khăn san dài phủ kín, cắp chiếc làn và tháo thân. Các chiến sĩ Hồng quân cho hắn ra vì nghĩ đó là một người đàn bà đi chợ. Còn Kerensky đã thoát ra ngoại thành, vứt chiếc làn đi và cút thẳng. Khi công nhân phát hiện ra thì đã muộn. Như thế là Kerensky đã chạy xa, chạy sang tận bên Mỹ gì đó.
- Hiện nay công nhân sống trong lâu đài của nhà vua ở Petrograd, – Vaska tự hào kể, – họ ăn bằng bát đĩa vàng của vua, soi cả vào gương của vua…
- Có lẽ còn ngủ cả ở trên giường của vua nữa, – thằng Ucha nói.
- Chỉ bịa, – Ilyukha phản đối. – Làm sao mà có thể trèo lên giường vua được? Chỉ riêng đệm mềm đã có tới trăm chiếc chất cao đến tận trần nhà.
- Thế thì đã sao, bắc thang mà trèo lên chứ, – Ucha cãi lại, – nhưng ngủ đã êm.
- Vaska, Lenin cũng ở đấy chứ? – Abdulka hỏi.
- Không, Lenin không muốn ở trong lâu đài của vua.
- Tại sao?
- Sao… sao… tởm chứ sao nữa. Lenin sống trong một ngôi nhà nhỏ. Nhỏ như thế này này và đằng trước có mảnh vườn.
- Sao cậu biết?
- Lại sao với trăng – tại sao, để làm gì, vì sao. Người ta bảo với cậu thế, thì cứ biết nghe vậy.
Những gì Vaska kể đều rất vui. Nhưng thực ra không phải mọi việc của chúng tôi đều tốt lành cả như ý muốn. Một viên tướng Kaledin nào đó, phụ tá cho Kerensky, không công nhận Chính quyền Xô-viết và đã phái lính Cozak đến thành phố của chúng tôi. Bọn chúng dưới quyền chỉ huy của von Graff. Không phải von Graff mà suýt nữa bị công nhân quẳng xuống hầm lò đâu, mà là con trai lão cơ – Kolka von Graff. Quân của Kaledin đã tiến tới gần và muốn chiếm lấy thành phố. Cần phải cứu vãn tình thế.
Vấn đề được giải quyết nhanh: tất cả sẽ ghi tên vào đội cận vệ đỏ. Tạm thời ai dùng vũ khí của người ấy.
Công việc bắt đầu rộn rịp. Chúng tôi buộc những băng đỏ của Abdulka, đứa lên cánh tay, đứa lên mũ.
- Như thế này nhé, – Vaska kết luận. – Lenka sẽ là phụ tá chính của tớ, còn cậu, Ucha… Chà!… – Vaska gãi tai tỏ vẻ chán nản. – Cậu có một chân không cưỡi ngựa được. Thôi, cậu sẽ chiến đấu dưới bộ. Chúng ta đi đi! Các cậu hãy coi chừng, ai mà sợ tốt nhất hãy tự nhận trước. – Bỗng cậu ta chỉ tay thẳng vào tôi: – Cậu thề là không chuồn đi!
- Quả có Chúa… – tôi buột miệng nói vội.
- Không phải thề. Cậu thề gì mà như ở trong Nhà thờ vậy? Phải thề độc địa vào chứ!
Tôi bước ra giữa nhà kho và giơ nắm đấm lên:
- Tôi mà… Không, không phải thề, gượm đã. Tôi mà… bọn quỷ Sa tăng dưới âm ty địa ngục sẽ quăng tôi vào vạc dầu…
- Thôi đủ rồi, – Vaska nói. – Ucha thề đi!
Các bạn khác đều thề không kém phần hăng hái. Abdulka thậm chí còn văng tục vì quá sốt sắng. Chỉ có thằng Ilyukha là rụt rè, khẽ nói được một chữ “xin thề” và vội vàng làm dấu thánh.
- Bây giờ ta đi thôi! – Vaska ra lệnh. – Nhưng chớ quên là lúc nào tụi chúng nó bắn đại bác 75 ly, các cậu nhớ phải há miệng ra kẻo có thể bị điếc đấy.
Tôi chạy lên tầng trần nhà lấy xuống thanh gươm của tên tướng mà chúng tôi đã tước được của tên ca-đê dạo nọ. Tôi quấn nó bằng giẻ rách và giấu vào trong áo. Các bạn cũng tự vũ trang lấy. Abdulka đeo ở thắt lưng một quả bom làm bằng vỏ chai bia tọng đầy vôi sống. Nếu ném cái chai như vậy sẽ nổ và xì hơi như quả bom thật. Chỉ có mình Ilyukha không có vũ khí – chắc hẳn là hắn sợ.
Gió thổi mạnh, khi chúng tôi từ trong nhà kho bước ra. Đến gần quảng trường “Chữa cháy” một lá sắt trên chòi canh bật ra, lật ngược lại trên không, rồi rơi đánh sầm xuống cạnh Vaska. Chúng tôi đi hàng hai. Vaska đi trước và nhanh đến nỗi chúng tôi vất vả mới theo kịp. Thằng Ilyukha gặp ai cũng hỏi: “Chú ơi, người ta phát súng ở đâu thế?” – “Để cháu làm gì?” – “Chúng cháu cũng đi chiến đấu ạ!”
Đi qua gần nhà bưu điện thật nguy hiểm, ở đó đang có bắn nhau: bọn cựu cảnh sát chiếm lĩnh tòa nhà và không chịu đầu hàng.
Những đống lửa bập bùng trên đường phố, ở đó những chú cận vệ đỏ đang ngồi sưởi và làm nhiệm vụ kiểm soát giấy tờ những người qua đường khả nghi.
Cửa sổ nhà bọn tư sản đóng kín mít, cổng rào khóa chặt. Sau dãy hàng rào cao ngất cuộc sống dường như đã chết, bọn nhà giàu im hơi lặng tiếng vì hồn bay phách lạc.
Đến đường số Bảy chúng tôi gặp các chú công nhân mang những chiếc ghế chân mạ vàng. Thằng Ilyukha sờ nắn đệm ghế bọc lụa xanh mềm mại và hỏi: “Gì đây thế các chú?”. Chú công nhân trả lời: “Tịch thu cháu ạ”. Thằng Ilyukha cứ cam đoan là theo tiếng Mỹ thì ghế gọi như vậy. Nhưng Vaska cãi lại và sau chúng tôi được biết những chiếc ghế mềm đó tịch thu của lão cảnh sát trưởng đã bỏ chạy theo tướng Kaledin. Người ta mang ghế đến ủy ban cách mạng: bây giờ công nhân và nông dân sẽ ngồi trên những chiếc ghế đó và chúng tôi cũng có thể ngồi được!
Ủy ban cách mạng đặt ở nhà tên tướng Shatokhin trên quảng trường “Chữa cháy”.
Quang cảnh chung quanh nhộn nhịp chưa từng thấy. Các đội cận vệ đỏ mang súng săn, súng ngắn, những thanh gươm tự làm lấy và búa rìu từ mọi ngả kéo về ủy ban cách mạng. Nhiều người thắt những băng súng máy bắt chéo qua hai vai. Công nhân học bắn ngay cạnh Nhà thờ. Cò súng nổ lách tách ở chỗ này chỗ kia. Những đội viên cận vệ đỏ quỳ ngắm, chạy luồn từ cây này sang cây khác trong vườn hoa tưởng như đuổi bắt ai.
Chúng tôi nhìn thấy chú thợ máy Sirotka ở trên bậc thang cao của trụ sở Ủy ban cách mạng. Chú đang ra chỉ thị cho các chú công nhân. Chú cử một số đến canh giữ cửa hiệu của lão Tsybulya đã bị tịch thu, ra lệnh cho số khác bảo vệ hầm mỏ, báo cho một số nữa đi phân phát bánh mỳ và thực phẩm cho dân nghèo. Chú tỳ lên đầu gối ký lệnh bằng bút chì ngay tại chỗ.
Hai đội viên cận vệ đỏ cầm súng lục trong tay dẫn tên ủy viên Chính phủ lâm thời bị bắt – lão chủ hiệu Tsybulya đi lấy cung. Người ta nói là lão ta đã tưới dầu hỏa vào lúa mạch trong các kho của lão để nhân dân không lấy dùng được. Còn vàng thì lão ta ném xuống ao.
“Tốt hơn hết, – lão nói, – là quăng bỏ hết tiền bạc của cải còn hơn để nó lọt vào tay bọn công nhân, nông dân dơ bẩn”. Y như con chó trước đám cỏ khô – không nhằn được, nhưng cũng không để cho ai.
Thật vui sướng khi gặp đội nông dân dưới sự chỉ huy của cụ Karpo. Chú Sirotka cử họ đi bảo vệ nhà cửa và tất cả tài sản của tên tư bản Hughes.
- Các đồng chí hãy nhớ, – chú Sirotka nói với họ, – kỷ luật cách mạng là nghiêm minh. Chỉ có những người trung thực mới làm được cách mạng. Người lính cách mạng không thể bị quyến rũ, mua chuộc. Tôi tin là không một ai trong các đồng chí sẽ bôi nhọ mình bằng nỗi nhục không rửa được và sẽ không bị xiêu lòng trước những đồ chơi đê tiện của bọn tư sản.
Vaska mạnh dạn bước lên những bậc thang lát đá hoa rộng rãi với tay vịn bọc nhung đỏ. Chúng tôi bước lên theo. Tôi nhận ra cửa chính của nhà lão Shatokhin: chính ở đây ngày xưa em gái thằng ca-đê đã cho tôi mẩu bánh mì…
- Ủy ban cách mạng ở đâu hả chú? – Vaska hỏi chú công nhân cầm súng đứng bên lối ra vào.
- Cháu hỏi làm gì?
- Cháu cần gặp.
- Thế để làm gì chứ?
- Cháu xin ghi tên vào đội cận vệ đỏ.
Người gác cười phá lên rồi quay về các chú công nhân ra lệnh:
- Này, các cậu ơi, nghiê-i-êm! Đội cận vệ đỏ đã tới!
Tiếng cười rộ lên.
- Nhìn kìa, họ mang cả gươm nữa kìa!
Một chú công nhân túm lấy quần tôi, kéo lên. Tất cả nhìn thấy rõ đôi giày của mẹ tôi.
- Coi kìa, chú này đi cả giày phụ nữ!
Vaska cau mặt.
- Thôi đừng nhe răng ra mà cười nữa.
Một chú cận vệ đỏ kéo áo thằng Ilyukha hỏi:
- Còn chú, chú bé, bao nhiêu tuổi rồi?
- Hai mươi nhăm, – Ilyukha nói một hơi. – Chú không tin hả? Cháu có thể thề trước Nhà thờ.
Các đội viên cận vệ đỏ lại phá lên cười to hơn.
- Thôi tống chúng nó đi!
- Thôi, mặc cho chúng vào…
Chú cận vệ đỏ trẻ ngăn Ucha lại.
- Còn chú mày, chú què này đi đâu?
- Ê-hê, – Ucha đáp, – tôi què mà chiến đấu giỏi hơn anh đấy.
Trong lúc lộn xộn tôi lẻn qua người gác vào trong nhà và dừng lại trước cửa có tấm biển con “Chủ tịch ủy ban quân sự cách mạng”.
Tôi quyết định sẽ ghi tên đầu tiên trong khi bọn bạn còn đang tranh luận.
Tôi rút thanh gươm ra khỏi bọc giẻ rách, định bỏ một mớ tóc xòa ra khỏi mũ như của lính Cozak, nhưng nạm tóc đã không còn. Mẹ tôi vừa lấy kéo cắt tóc cho tôi hôm qua. Tôi vừa đẩy cửa, bước qua bậc, chân tay đã bủn rủn hết cả: bố tôi ngồi ngay sau bàn.
Công nhân tụ tập đông đúc quanh đó nghe bố tôi mừng rỡ hét vào ống điện thoại đen sì:
- Mosya, anh về khi nào thế? Mang gì về đấy? Hai trăm súng trường à? Cừ lắm! – Chợt thấy tôi, bố tôi sửng sốt nhướn mày, nhưng vẫn tiếp tục nói chuyện với người vô hình. – Sao, sao? Hai súng máy à? Hơi ít, giá mà xin thêm nữa. Lên đường gấp lên, làm sao mà lại mắc nghẽn ở đấy thế? Sao người ta lại không cho đi? Hãy hành động theo những quy chế cách mạng nghiêm ngặt nhất. Phải đòi họ cho tàu đi. Chở vũ khí về thẳng nhà máy, mà mau lên: bọn lính Kaledin đang tới gần!
Bố tôi treo ống nghe lên cái móc gắn bên chiếc hòm vàng giống như chuồng chim sáo sậu, nhìn tôi định hỏi cái gì đó, nhưng vừa đúng lúc ấy chú thợ mỏ Petya ở Pastukhovska vào. Chú buông thẳng tay đứng nghiêm, báo cáo:
- Theo lệnh Cách mạng đội công nhân mỏ than “Italia” đã tới. Chúng tôi có mười súng trường và ba súng lục.
Bố tôi nghe xong liền quay lại phía tường có treo tấm bản đồ:
- Petya, cậu hãy đến Smolyanka, đây chỗ này này, – bố tôi chỉ tay vào tấm bản đồ. – Bọn Kaledin đã chiếm mỏ, đập phá các Xô-viết ở đây… Hãy hành động đi, chú em Petya ạ!
Cánh cửa chưa kịp đóng thì một người mặc quần áo lính thủy đã bước vào:
- Báo cáo đồng chí chủ tịch ủy ban cách mạng.
- Đồng chí từ đâu tới? – bố tôi hỏi.
- Từ mỏ “Vetka”, năm mươi bảy đội viên cận vệ đỏ. Vũ khí có hai mươi ba súng trường, mười bảy kiếm, hai lựu đạn. Chúng tôi chờ lệnh.
- Đồng chí là lính thủy?
- Thưa đồng chí chủ tịch, tôi là thủy thủ hạm đội Hắc Hải, nguyên là thợ mỏ, họ tôi là Chernovol.
- Tốt lắm, đồng chí Chernovol ạ. Các đồng chí hãy sáp nhập với công nhân nhà máy.
- Xin tuân lệnh, đồng chí chủ tịch! – Chú lính thủy quay ngoắt một cái đến nỗi va cả vào một người béo phệ ở cửa, đúng vào tên men-sê-vích đã phát biểu ở ngày lễ kỷ niệm Mồng Một tháng Năm.
Hắn hoa hoa hai nắm đấm mũm mĩm hét lên:
- Công dân Ustinov, chúng tôi phản đối, không nên để đổ máu!
- “Chúng tôi” là những ai thế? – bố tôi cau mày hỏi.
- Là Xô-viết đại biểu công nhân.
- Không đúng. Xô-viết không phản đối, chỉ có bọn men-sê-vích thôi.
- Men-sê-vích là thế nào? Chẳng phải chúng ta đã cùng làm cách mạng sao?
- Không, các anh chỉ cản trở. Tại sao các anh giữ toa vũ khí lại?
- Công dân Ustinov, anh bao biện quá lắm đấy. Lịch sử sẽ không tha thứ cho anh về sự đổ máu vô tội đâu.
Bố tôi đấm mạnh tay xuống bàn:
- Không lắm lời nữa! Các anh phải để cho tàu chở vũ khí đi, nếu không thì sẽ được nếm lưỡi lê của công nhân đấy.
- Chúng tôi sẽ phá lệnh của các anh! – Tên men-sê-vích vừa chạy ra vừa nguyền rủa.
Bố tôi lấy khăn tay lau trán, rồi nhìn tôi hỏi:
- Con làm gì ở đây?
- Kh-không làm gì ạ, – tôi ấp úng không biết trả lời ra sao. Sau nhớ ra thanh gươm, tôi liền chìa ra cho bố. – Con… mang gươm đến cho bố.
Bố tôi hầm hầm đứng dậy khỏi bàn.
- Mày lấy ở đâu ra?
- Chúng con tước của tên ca-đê.
Vẫn giận dữ nhìn tôi chằm chằm, bố tôi cầm thanh gươm đặt lên bàn. Cái hòm màu vàng kêu ran lên.
- Bước về nhà! – bố tôi chỉ kịp nói vậy rồi với chiếc ống nghe trên móc xuống. – Ustinov cầm máy đây.
Tôi đỏ rừ mặt bước ra hành lang. Bọn trẻ đứng xếp hàng trước cửa có tấm biển: “Ghi tên vào đội cận vệ đỏ ở đây”. Thằng Ucha xếp đầu tiên, sau nó là Abdulka rồi đến Ilyukha. Nó níu lấy thằng Abdulka, đá đá chân vì sốt ruột. Không thấy Vaska ngoài hành lang. Chắc cậu ta đã ghi tên rồi.
Chợt thấy tôi, bọn bạn ùa ra đón.
- Ghi tên chưa? – Ucha hỏi với vẻ thèm muốn.
- Rồi, tôi ngao ngán trả lời.
Thế là bọn chúng xô đẩy nhau, xông vào phòng bố tôi, nhưng cũng phải nhảy lùi ngay lại.
- Giá mà cho mày một quả, – Abdulka càu nhàu, rồi bước ra phía cửa. Theo sau nó là thằng Ilyukha và Ucha.
Vaska ở đâu nhỉ? Tôi lang thang khắp các hành lang, nhưng không tìm đâu thấy cậu ta cả.
Ngoài hành lang sát tường vũ khí chất thành đống: lưỡi lê và dao đủ loại, súng trường cỡ nhỏ, cuốc chim thợ mỏ, băng súng máy có và không có đạn. Ngay trên đống vũ khí đó còn có cả một chiếc bánh mì, một quả lựu đạn và đồ hộp nữa.
Trong một gian phòng tôi thấy cả lá cờ đỏ mẹ tôi khâu. Một ông cụ thợ mộc đang lồng nó vào cán. Anh thanh niên cầm hộp màu đẩy ông già ra và bảo:
- Cụ chờ một lát, còn phải viết khẩu hiệu đã.
- Thế lúc nãy cậu ở đâu? Người ta đang đòi mang cờ đi chiến đấu. Viết đi mau lên.
Anh thanh niên lấy bút lông quấy hộp màu và hỏi:
- Chúng ta sẽ viết gì lên cờ đây?
- Tất nhiên là chữ “Cách mạng muôn năm!”
- Cách mạng từ hồi tháng Hai kia mà, – anh thanh niên đáp.
- Tháng Hai là cách mạng tư sản, còn bây giờ là của chúng ta, cách mạng vô sản.
Họ tranh cãi nhau. Bố Abdulka, chú Hussein bước vào.
Từ khi trốn khỏi nhà tù, chú ốm rất lâu và ho suốt. Người ta bảo là ở trong tù chú đã bị đánh giập phổi.
Ông cụ thợ mộc và anh thanh niên hỏi chú Hussein xem nên viết gì lên lá cờ.
- Viết sao cho lòng thấy rung động, – chú Hussein đáp. – Viết là: “Đây sẽ là trận chiến đấu cuối cùng và quyết liệt!”
Tôi trông thấy Vaska ngoài hành lang. Cậu giận dỗi không thèm nhìn ai bước thẳng ra cửa. Tôi đuổi kịp cậu ấy ở ngoài sân.
- Thế nào hả, Vaska?
- Còn nhỏ tuổi, – cậu cười khẩy, nhăn nhó. – Mà tớ đã mười ba tuổi rồi. Thôi được, đằng nào thì mình cũng sẽ làm theo ý mình.
Vaska ngoái lại nhìn rồi bí mật thì thầm:
- Chúng mình vào nhà máy làm súng hỏa mai đi. Kiếm một cái ống sắt, bẻ gập một đầu rồi khoan một lỗ cho thuốc ở bên cạnh, sau đó lấy dây thép buộc ống sắt vào báng gỗ là xong!
- Đi!
Chúng tôi quàng vai nhau rảo bước về phía nhà máy.
3
Chúng tôi gặp thằng con lão hàng giò Senka trên quảng trường tại khu bọn tư sản ở. Thấy chúng tôi, nó liền thụt vào trong sân, rồi thò đầu ra ngoài cổng rào hát:
Bôn-sê-vích, bôn-sê-vích
Bốn khẩu súng trường
Lính Cozak tới
Lột quần bọn bay
Vaska ném đá vào nó, nhưng thằng Senka đã kịp đóng sập cổng rào lại. Hòn đá văng vào hàng rào làm chó sủa ran lên. Chúng tôi đi tiếp, thế là thằng Senka lại ra cổng hát:
Vaska, Vaska
Con lợn gầy còm,
Chân run lẩy bẩy.
Dây ruột lòng thòng.
Đáng giá bao nhiêu?
Ba tiền một khúc.
Chúng tôi rẽ ngoặt vào ngõ dẫn tới nhà máy.
Trên núi than hình chóp của hầm mỏ, tít tận đỉnh của nó, hiện rõ bóng hình một người cầm súng.
Chúng tôi bắt đầu leo lên sườn dốc xôm xốp, chân đạp phải những tảng than quặng, chúng thi nhau lăn xuống kéo theo cả một trận đá lở.
Khói bốc lên ở một vài nơi trên núi than hình chóp. Biết là ở đây than đang cháy và ở những chỗ đó có thể bị sụt, chúng tôi đã đi tránh những ổ bốc khói.
Vất vả lắm mới lên được tới đỉnh. Ở trên này gió thổi lồng lộng. Lá cờ đỏ bay phần phật trên chiếc cán như vẫy gọi và hồi hộp hết tung lên quấn vào cán lại căng phồng như cánh buồm.
Chú thợ rèn quai búa Fedya đứng bên lá cờ.
- Chú đứng canh giữ ai ở đây thế? – Vaska bắt tay chú Fedya và hỏi.
- Chú theo dõi kẻ thù của cách mạng! – Chú Fedya kéo cổ áo lên, thu người lại vì lạnh.
Từ núi than hình chóp trải dài ra khoảng xa mênh mông. Từng căn nhà trông rõ như trong lòng bàn tay vậy. Nhà thờ với những nóc tròn đen sẫm vì muội than nhà máy nổi bật lên hùng vĩ giữa những căn nhà hầm ọp ẹp. Xa xa đây đó hiện lên mờ mờ những xí nghiệp khai thác mỏ. Cánh đồng cỏ vàng nhạt với những khe sâu, những con đường màu xám, nhỏ như sợi chỉ bao quanh thành phố ngút khói.
Nắm tay nhau để gió khỏi thổi bạt, chúng tôi đứng ngắm nhìn phong cảnh vùng quê thân yêu.
- Nào, chúng mình tìm nhà của mình đi, – tôi đề nghị.
- Việc quái gì phải tìm hả? – Vaska giơ tay chỉ về phía xa. – Kia kìa, nhà chúng mình kia kìa.
- Đâu?
- Kia kìa. Cậu có nhìn thấy Nhà thờ không?
- Thấy.
- Bên cạnh là nhà mái sắt của Vitka Bác sĩ, cậu thấy chưa?
- Ờ, ờ.
- Được, thế giờ cậu nhìn sang bên một chút. Nhà lão Murat dưới cây bạch dương ấy, thấy không?
- Đâu?
- Thôi, mặc cậu!
- À, thấy rồi… – tôi trả lời, mặc dù chả nhìn thấy gì ngoài nhà thờ và nhà thằng Vitka.
- Có thế chứ, – Vaska bình tĩnh lại. – Kia là nhà tớ, còn bên đối diện với cây keo cao cao ấy là nhà cậu.
Trong khi chúng tôi nói chuyện, chú Fedya khum khum lòng bàn tay trên trán lo lắng nhìn về phía xa.
- Hình như… bọn Kaledin, bọn chúng… – chú nói vẻ ngờ ngợ.
Xa xa ngoài cánh đồng cỏ xuất hiện một đám bụi đang từ từ di chuyển về phía thành phố. Tới gần cầu qua sông Kalmius, chỗ đường rẽ ngoặt, từ trong đám bụi phi ra một bọn kỵ binh. Phía sau chúng kéo theo một khẩu đại bác.
Vaska nhìn về phía cánh đồng cỏ, thốt lên:
- Bọn chúng! Cả thằng von Graff đi ở đằng trước kìa! Lenka, theo tớ! – Và cậu lướt qua những đất đá quặng lăn dưới chân, nhảy ào xuống.
Chú Fedya vội vã lắp một viên đạn vào nòng súng và một tiếng súng nổ inh tai sát ngay trên đầu tôi. Tôi hoảng sợ ngồi thụp xuống, lấy tay bịt chặt tai. Lần đầu tiên người ta bắn súng trường gần tôi như vậy. Còn chú Fedya lại nạp đạn và lại bắn, rồi lặp lại lần nữa. Chuông Nhà thờ nổi lên. Còi trong nhà máy rú vang. Thật khủng khiếp.
Tôi lao xuống theo Vaska. Những tảng đá quặng quất vào chân và lăn vút qua ầm ầm.
Tôi đuổi kịp Vaska ở bên cổng nhà máy. Cậu máy tôi đến chỗ khe hở ở hàng rào mà chỉ chúng tôi biết và chúng tôi bí mật lọt vào nhà máy. Chúng tôi chui vào một nồi hơi có lỗ thủng xuyên từ bên nọ sang bên kia rồi bắt đầu theo dõi xem các chú công nhân làm những gì trước khi chiến đấu.
Các chú công nhân vội vã đào công sự bên cổng ra vào, đẩy những toa goòng lại, nghiêng xuống và chồng lên nhau thành ụ chiến đấu. Họ còn dỡ súng từ một toa xe đỗ cách đấy không xa, rồi mang từng ôm lại. Chú Mosya phân phát súng.
Vaska sung sướng lẩm bẩm:
- Ôi, sắp bắt đầu rồi!
Bỗng bố tôi từ dưới ụ chiến đấu nhô lên. Thanh gươm của viên tướng mà tôi đã tước được lủng lẳng bên sườn bố tôi. Vaska nói đúng thật, thanh gươm đã có ích!…
Chú thợ máy Sirotka kéo theo sau khẩu súng máy đặt trên hai bánh.
- Đưa súng máy lại đây! – Bố tôi chỉ vào một rãnh không sâu lắm ở trên gò. – Đại đội một bảo vệ phân xưởng nồi hơi. Còn Chernovol rút về phía sau, đến lò nghiêng số 7.
Người cầm cờ xuất hiện. Lá cờ đỏ mẹ tôi may phần phật trong tay chú: tôi nhận ra nó ngay. Từ xa khó lòng đọc được dòng chữ trắng: “Đây sẽ là trận chiến đấu cuối cùng và quyết liệt!” – nhưng tôi biết rõ là trên lá cờ có dòng chữ đó, hơn nữa tôi đã được thấy nó.
Chú Hussein cầm lá cờ trên đỉnh chiến lũy để tất cả đều nhìn thấy rõ. Còn chính chú thì lại nằm xuống cạnh lá cờ và chĩa súng về phía núi than hình chóp.
Tôi tưởng tượng là đang chơi đánh trận giả, bố tôi đùa, bố tôi sẽ cười phá lên ngay bây giờ rồi gõ gõ thanh gươm vào nồi hơi mà quát lên: “Các chú thỏ con, làm gì mà hoảng hốt thế? Chui ra đi, chả có đánh nhau gì đâu!”
Nhưng bố tôi đi đi lại lại dọc chiến lũy, vẻ mặt nghiêm nghị và căng thẳng. Còn còi vẫn rú lên, gieo rắc nỗi khiếp đảm.
- Nhìn kìa! – Vaska giật tay áo tôi.
Bọn kỵ binh Cozak lao ra từ phía sau núi than hình chóp. Đến gần xóm “Thượng Hải” chúng vội vã xuống ngựa và ba thằng tiến sát gần tới cổng ra vào.
Tên thượng sĩ mặt đỏ gay với mớ tóc đen lòa xòa dưới mũ có chỏm đỏ, rút từ trong ngực áo ra một tờ giấy, mở ra và đọc to cố át tiếng còi:
- “Hỡi các anh em thợ thuyền, hãy trói tay và nộp cho chính phủ Nga hợp pháp tên tội phạm và phiến loạn – chủ tịch của các anh là Egor Ustinov”.
Tôi lạnh cả sống lưng: thằng Cozak vừa gọi đích danh tên bố tôi. Để đáp lại, bố tôi hét:
- Hỡi binh lính Cozak, hãy rút đi đừng để đổ máu! Công nhân không trả chính quyền đâu!
Tên thượng sĩ đọc tiếp:
- “…hay là các anh giết chết hắn tại chỗ và nộp xác cho chúng tôi. Đừng sợ bị trừng phạt. Quân đội chúng tôi sẽ không động đến những anh em thợ thuyền yên phận làm ăn. Quân đội chỉ thẳng tay với kẻ thù và bọn kẻ cướp bôn-sê-vích đang giày xéo lên những đạo luật của Chúa…”
- Công nhân sẽ đánh đến người cuối cùng! – chú Sirotka quát trả lời bọn chúng.
- “…Hãy thanh trừ khỏi hàng ngũ của các anh tên làm loạn phản Chúa và nộp lại cho chúng tôi”. Đã ký tên: trung tá von Graff, – tên Cozak vội vàng đọc nốt rồi quay ngựa và cả ba tên cùng phi ngựa rẽ sang xóm thợ. Sau một lát bọn Cozak đánh bộ từ xóm thợ chạy ùa ra và dàn thành hàng ngang.
Những tiếng súng đầu tiên nổ vang. Một viên đạn réo sạt qua nồi hơi của chúng tôi.
Bố tôi ra lệnh:
- Nhằm thẳng kẻ thù cách mạng… bắn!
Một loạt đạn nổ rền. Chú Sirotka tay giữ chặt một bên càng súng máy, bên kia tỳ vào vai và khẩu súng rung lên khạc ra một trận mưa đạn.
Tiếng súng rền vang tưởng như đã từ trên trời đổ ập cả xuống nồi hơi của chúng tôi.
Kẻ thù đã tiến lại gần. Vaska kéo sụp mũ xuống.
- Đi thôi!
Tôi lùi lại.
- Đi chiến đấu đi, đừng sợ. Người ta sẽ phát súng cho chúng mình nữa.
Đôi mắt xanh của cậu bừng sáng.
- Cậu sợ hả?
Cậu nhìn tôi với vẻ trách móc, rồi nhảy ra khỏi nồi hơi, chạy lại chỗ chiến lũy.
Vừa lúc đó súng máy im bặt và chú Sirotka quát:
- Tiếp đạn! Mau!
Chú Fedya cúi lom khom chạy dích dắc về phía phân xưởng đúc. Vaska lao theo chú.
Tôi khiếp sợ dán sát người xuống thành sắt lạnh giá của nồi hơi, lắng nghe tiếng súng nổ giòn.
Chẳng bao lâu chú Fedya và Vaska đã quay lại. Họ đưa cho chú Sirotka bốn hộp dèn dẹt màu xanh lá cây, rồi bò quay trở lại.
Chú Sirotka lấy trong hộp ra một băng vải bạt dài đầy đạn, đút một đầu của băng vào bên sườn súng máy, rồi lại tì vào tay cầm. Nhưng bỗng chú gục đầu vào khẩu súng máy. Tôi thấy một dòng máu chảy dài hai bên thái dương chú. Một người đàn bà khoác súng trên vai chạy tới chỗ Sirotka. Bà ta kéo chú sang một bên và vội vã băng đầu cho chú.
Bố tôi nằm xuống bên khẩu súng máy.
Vaska lôi đến thêm hai hộp nữa, rồi trên đường quay trở lại, nhảy vào chỗ tôi.
- Lenka, bên mình đã có hai người bị chết rồi. Đi thôi, đừng sợ. Chúng mình sẽ mang đạn đến cho bố cậu. – Nói rồi cậu ta lại chạy đi.
Đại bác gầm lên từ phía quân Cozak. Một cột đất tung lên trên ụ chiến đấu. Một đoạn hàng rào nhà máy lẫn đất đá và gỗ vụn bay tung lên không khí. Từ xa thấy hiện ra bọn Cozak ngồi trên mình ngựa giáo mác sẵn sàng lao về phía nhà máy.
Tôi nhảy ra khỏi nồi hơi. Một viên đạn rít ngay bên tai, viên khác trúng ngay vào chỗ tôi vừa ẩn. Tôi cúi thấp xuống để nấp trong đám cỏ và thấy cả áo tôi đã đẫm máu. Tôi không thấy đau. Máu chảy dọc cánh tay, rỏ giọt trên năm đầu ngón tay. Tôi luồn sâu vào trong nhà máy. Vấp phải những tấm thép có góc, tôi ngã nhào, rồi lại bật dậy, tiếp tục chạy. Tiếng súng nổ ran ở phía sau.
Chiến lũy đã ở tít đằng xa, nhưng tôi vẫn không thể nào dừng lại được.
Tôi cảm thấy như có một tên Cozak đang cầm giáo phi đuổi theo tôi và định đâm xuyên người tôi.
Tiếng còi rít lên rầu rĩ.
Bỗng từ sau cổng phân xưởng đúc ùa ra một đám công nhân mang súng. Họ vội vã xông tới chiến lũy.
Tôi ngã vào một cái hố mọc đầy ngải cứu.
4
Tôi tỉnh dậy vì có tiếng nói chuyện rì rầm. Quang cảnh tĩnh mịch. Đầu đau. Tôi muốn mở mắt mà không được, mí mắt dường như bị dán lại.
- Khi bọn Cozak nhảy đến chỗ chúng cháu, – tôi nghe thấy tiếng rì rầm của Vaska, – chúng cháu bắt đầu rút về phòng làm lạnh, còn bác ấy và hai người nữa – gồm một anh thanh niên và một cụ già – bị bọn Cozak bắt làm tù binh.
- Thế rồi sao nữa? – một giọng trầm khản đặc hỏi.
- Sau đó chúng bắn chết cụ già, còn bác ấy bị bọn chúng đẩy đến lò than cốc và nhét vào cửa giành để tiếp than. Bọn chúng cứ ấn vào mặc dù trong đó lửa bốc lên thành cột. Bác ấy lấy chân đẩy ra, bọn lính dùng báng súng thúc vào bác, sau chúng túm chặt lấy bác ấy và quăng vào lửa. Cháu thấy vết máu cạnh lò và chiếc mũ lăn lóc một bên…
Cuối cùng tôi mở được một mắt ra. Mắt kia bị băng. Tôi nhìn quanh và nhận ra nhà chú Anisim Ivanovich. Vaska đứng bên bếp lò đội chiếc mũ Cozak đằng sau quay ra đằng trước và đang nói chuyện với một người lạ đội mũ lông cừu xám. Bác ấy có cặp mắt xanh và bộ râu đen. Tôi không nhớ nổi là đã gặp bác ta ở đâu.
- Chúng đã giết mất một con người như thế đó! – bác đau xót lẩm bẩm.
Chú Anisim Ivanovich ngồi trên chiếc ghế đẩu cúi đầu buồn bã.
Vaska cúi xuống gần tôi, mỉm cười rồi mừng rỡ, hồi hộp nói với một người nào đó:
- Sống rồi, đã mở được một mắt, đúng thế!
- Vaska, cậu lấy đâu ra chiếc mũ ấy thế? – tôi hỏi.
- Đó là mũ Cozak. Bố cậu chém chết thằng Cozak, còn tớ lột lấy mũ.
Giọng Vaska có vẻ thương hại thế nào ấy, cậu ta lúc nhìn xuống, lúc lại nhìn sang bên, dường như không biết nói chuyện gì với tôi nữa.
- Mà cậu biết không, – Vaska nói. – Phố chúng mình không phải là Nakhalovka nữa đâu, giờ là phố Cách mạng!
- Cách mạng…
Tôi nhớ lại trận chiến đấu ở nhà máy và tất cả những gì đã xảy ra với tôi.
- Vaska, thế còn bố tớ đâu? – tôi hỏi.
Vaska quay lưng lại.
- Bố cậu còn đuổi theo thằng von Graff, – Vaska đáp, rồi bối rối bỏ đi.
Tôi nhìn thấy khuôn mặt âu yếm, chưa ráo nước mắt của thím Matrena cúi xuống nhìn tôi.
- Ngủ đi, con trai bé bỏng, ngủ đi. Mẹ cháu sẽ tới, – thím nói rồi cũng bỏ đi nốt.
Suốt ngày tôi nằm dài trên giường mà mẹ tôi vẫn chưa tới. Mỗi khi hỏi đến bố mẹ, mọi người đều trả lời tôi: bố tôi đi đuổi bắt von Graff, còn mẹ tôi sắp tới.
Tôi bỗng tỉnh dậy lúc nửa đêm, dường như có ai gọi, nhưng xung quanh yên ắng. Có lẽ tôi đã tỉnh dậy vì sự yên lặng đó. Thoạt tiên tôi nghĩ ngay đến bố tôi. Một sự lo lắng không hiểu nổi dâng lên trong lòng.
Tôi ngồi dậy, lén tới cửa và đi ra cố không va chạm gì ở ngoài hiên.
Phương đông trời hơi mờ sáng. Tôi chạy qua phố về nhà mình và sửng sốt đứng sững lại. Cửa bị phá bật ván và được đóng chẹn bằng hai thanh gỗ bắt chéo.
- Mẹ ơi-ơ-i! – tôi hét qua khe cửa.
Từ trong chỉ vọng lại tiếng “ơ…ơ…ơ…”
Tôi gõ cửa, nhưng không ai trả lời.
Bấy giờ tôi mới nhớ đến câu chuyện của Vaska với người đội mũ xám, nhớ lại đôi mắt ướt lệ của thím Matrena, sự chăm sóc của thím đối với tôi và chợt hiểu: bọn lính Cozak đã thiêu chết chính bố tôi trong lò than cốc.
Tôi đi lang thang mãi trong sân, nghẹn ngào nức nở khẽ gọi:
- Bố ơi… Mẹ…
Khoảng sân vắng lặng vẫn yên ắng buồn thảm.
Bỗng có ai bước vào cổng rào, tiến lại gần tôi. Tôi nhận ra Vaska.
- Lenka, cậu đừng khóc… Cậu sẽ sống ở nhà mình. – Vaska run run nói.
Chúng tôi trở lại căn nhà hầm. Thím Matrena ôm tôi vào lòng:
- Cháu bé mồ côi của thím… Bọn Cozak đã bắt mẹ cháu đi theo rồi… Đừng khóc nữa. Cháu sẽ ở đây với chú thím, với Vaska.
Thím trải đệm xuống sàn phía dưới bức ảnh thánh và đắp cho chúng tôi chiếc áo vét. Tôi thấy khoan khoái, ấm áp, nằm nức nở rồi thiếp đi.
Từ ngày đó tôi và con Polkan chuyển sang ở hẳn với chú Anisim Ivanovich.
Phải khó khăn lắm, tôi mới quen được với cuộc sống mới. Thời gian đầu con Polkan hay về sân nhà tôi, nằm ở đó, dường như chờ đợi người chủ quay về.
Chẳng bao lâu vết thương của tôi đã thành sẹo. Chú Anisim Ivanovich đóng cho tôi đôi giày mới và tôi đã có thể ra phố. Cánh tay bị băng vẫn còn phải treo, nhưng không còn đau nữa.
Bọn trẻ thông cảm với nỗi đau khổ của tôi và kính nể tôi vì trong trận chiến đấu tôi đã bị thương bởi những viên đạn thực sự. Ucha tặng luôn tôi con chim bồ câu lốm đốm đỏ đẹp nhất của nó, Abdulka cho tôi mẩu bánh rưới dầu hướng dương. Chỉ mỗi thằng Ilyukha là chế nhạo tôi.
Một hôm chúng tôi đang ngồi chơi trên chiếc ghế dài bên nhà hầm. Người ta khiêng quan tài người chết đi qua phố. Thằng Ilyukha đang đẽo chiếc gậy, liếc nhìn quan tài và bỗng cười khì khì.
- Cậu cười gì thế? – Ucha hỏi.
- Kỳ thật! Bố thằng Lenka chết mà chẳng còn xác để mà chôn.
Vaska hung lên, đứng bật dậy.
- Mày chế nhạo ai đấy, – cậu hỏi, cánh mũi trắng nhợt ra, – mày chế nhạo ai đấy hả, đồ rắn độc?– và đấm vào mặt thằng Ilyukha. Thằng này ngồi xuống và rên ư ử. Bọn trẻ khinh bỉ tránh xa thằng Ilyukha.
Vaska khoác vai tôi và dẫn vào thành phố. Tôi muốn khóc, nhưng cố chịu.
Trong thành phố đang có mít-tinh truy điệu những người đã hy sinh vì cách mạng. Bác Mityai (chính bác đã đến nhà hôm trước) nói về bố tôi, rằng cái chết của bố tôi thật đẹp vì bố tôi đã hiến dâng cả đời mình cho nhân dân. Công nhân hát bài ca truy điệu và đặt lên mồ liệt sĩ một bia đá lớn, trên đó có tên bố tôi.
Buổi tối khi chúng tôi nằm ngủ, Vaska xích lại gần tôi thì thầm:
- Bây giờ chúng mình là đội viên cận vệ đỏ thực sự. Mai chúng mình phải đến ủy ban cách mạng và họ sẽ ghi tên chúng mình vào đội kỵ binh. Cậu sẽ chọn con ngựa màu gì, hồng chứ?
- Ờ.
- Tớ cũng chọn con hồng.
Vaska âu yếm vuốt vai tôi.
- Bây giờ sẽ bắt đầu một cuộc sống tươi đẹp. Lão Hughes sẽ không bao giờ còn nữa, cả vua cũng vậy. Còn chúng ta sẽ đi học, học đọc và học viết. Và khi nào lớn chúng mình sẽ đến chỗ đồng chí Lenin. Cậu có đi không?
- Đi chứ. – Tôi thở phào trả lời.
- Hay rồi, – Vaska cũng thở phào.
Chúng tôi nằm xích lại cho ấm và ôm chặt lấy nhau.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Người Bạn Kiên Nghị
Leonid Zharikov
Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov
https://isach.info/story.php?story=nguoi_ban_kien_nghi__leonid_zharikov