Chương 5
ề việc quản trị, ông Tài cố tìm một người thư ký có sức quán xuyến và một giáo ban cho thật đắc lực. Một vị chú họ bên vợ của ông giới thiệu ông Huỳnh văn Xu là người có cái khả năng đánh máy một ngón tay mặt - còn bốn ngón kia luôn sẵn sàng trong trình trạng trù bị, trong khi năm ngón tay trái thường xuyên bấu chặt bàn máy như sợ có kẻ bất lương giật lấy đem về bán xôn. Một người như vậy đúng là kiểu nẫu của sự cẩn thận, có thể kết hợp làm ăn lâu dài. Hơn nữa, tất cả nhân vật lý tưởng ở xã hội ta đều rất thích nghe lời vợ, dĩ nhiên là cả bà con bên vợ, nên ông giáo Tài vội mời ông Xu về làm thư ký cho trường.
Ông Xu là người rất đáng tin cậy, trừ khoản bốn vợ và tật nói dối. Với bốn người vợ, ông đã có bốn sở làm bận rộn nhất trên thế giới, nhưng cũng chính vì có bốn sở ấy nên ông phải làm thêm nhiều sở khác mới đủ ăn xài. Ông đã bỏ quê lên tỉnh, vì không chịu nổi đại bác mỗi đêm cứ bắn “chéo! chéo” ở trên nóc nhà mà không có một phát nào rơi trúng chỗ giường ông nằm. Tất nhiên, đối với một người chẳng có nhiệm vụ nào hết như Huỳnh văn Xu thì bắn không trúng làm cho lo sợ hơn là bắn trúng. Trái với nhiều người chủ ruộng, chủ đất mênh mông, khi lên Sài Gòn lánh nạn chiến tranh thường giấu nguồn gốc giàu có của mình để dễ làm các nghề nghiệp mà họ gọi là “hạ đẳng”, ông Xu hay khoe khoang cái gia tài lớn lao mà ông bắt buộc bỏ lại ở sau lưng mình. Cứ theo lời ông thì gia sản ấy có đủ mọi thứ sản vật quý giá, ít ai lường được. Khi nghe nói đến dừa Xiêm, thì ông có dịp thở than về mấy chục mẫu dừa Xiêm bỏ hoang ở tận dưới quê. Nghe nói cá lóc thì ông tiếc rẻ mấy cái ao mênh mông nuôi toàn cá lóc bây giờ phó mặc trời đất. Ăn đến thịt bò là ông chạnh lòng thương mấy đàn bò ở tại quê nhà, nếm phải thịt heo là ông đau khổ cho những heo nái to bự như voi ở nơi làng cũ. Nhà tại Sài Gòn, dầu ở lầu tư, lầu năm cũng không mát bằng mấy ngôi nhà lớn của ông dựng nơi bờ sông miệt vườn. Con gái Sài Gòn, dầu có tô son điểm phấn bao nhiêu cũng không đẹp bằng mấy cô thôn nữ làng ông, với cái màu da thiên phú và đôi môi đỏ di truyền... Những sự tiếc rẻ của ông đều được mô tả tỉ mỉ, nên có nhiều kẻ nghe xong, tỏ ra hết sức xúc động, một hai ước hẹn với Huỳnh văn Xu sẽ về quê ông nếm hết một lần cho biết các món đã kể, nếu ngày nào đây đất nước trở lại bình yên. Ông Xu chấp nhận mọi lời giao kết với một thái độ niềm nở vì ông không tin nước Việt Nam này sẽ được hòa bình. “Có họa là Tết Ma-rốc mới hết chiến tranh!” đó là ý kiến của Huỳnh văn Xu đối với thời cuộc. Nhưng những điều ông tiếc rẻ đều toàn là những sự thực, nhưng là sự thực của những người khác, những người đã phải chịu đựng bao nhiêu thiệt thòi về trận chiến này bằng một thái độ im lặng ngầm chứa chất nổ oán hờn.
Ông Xu, sau khi lựa chọn trong số bốn vợ, bèn đem bà vợ thứ tư đến ở tại trường với mình, bởi vì người vợ sau cùng bao giờ cũng là người vợ quí nhất. Vốn biết tính chất lý tưởng của ông hiệu trưởng, ông Xu thiết lập ngay một văn phòng lý tưởng, có đủ bàn ghế cho hai chục giáo sư ngồi, với một bàn nước, bàn phấn và hai tủ kính chầu chực bên một bàn giấy gồm có chín hộc, mỗi hộc có một chìa khóa chính thức và một chìa khóa dự bị. Hai tủ được chia như sau: một tủ đựng các loại sách giáo khoa nổi tiếng, có nghĩa là in rất dày và có bìa tô nhiều màu, một tủ đựng các hồ sơ học trò cùng các dụng cụ văn phòng. Trong chín hộc bàn dành riêng cho Huỳnh văn Xu, thì hộc chính giữa để sổ học phí và các biên lai, tám hộc còn lại chứa tiền, hộc thì dành cất bạc giấy năm trăm, hộc bạc hai trăm rồi đến một trăm, bạc lẻ bằng giấy, bạc lẻ bằng đồng. Nhận thấy chính phủ có lòng si mê đặc biệt đối với các loại bạc mới và đang chuẩn bị cho ra nhiều loại bạc mới khác nữa, ông Xu để dành hai hộc dự trữ đặng mà kịp thời hưởng ứng. Mỗi nơi, mỗi chỗ, đều có nhãn hiệu làm bằng bìa cứng màu trắng, viết những chữ đen hay đỏ chỉ dẫn đó là tủ sách hay là bàn nước, ghế của hiệu trưởng hay ghế thư ký, hầu để tránh mọi lầm lẫn đáng tiếc. Tất nhiên, các hộc để tiền thì không có nhãn hiệu nào, làm như trong các chỗ ấy không có chứa chấp gì hết. Ông Xu còn bày vẽ ra lắm sự bày biện khác nữa, nhưng vì ông Lê Thành Tài có nhiều lý tưởng hơn là tiền bạc, nên mọi sáng kiến đều phải hạn chế thực hiện.
Giáo ban thì ông hiệu trưởng tỏ ra khó tính đặc biệt. Ông đã theo dõi một số giáo sư tại các trường lớn và thấy họ không có đủ tư cách để dạy Chấn Hưng Học Đường. Ông bảo: “Giáo sư gì lại nói suốt cả giờ? Nói hết cả phần học trò thì chúng suy nghĩ vào đâu? Giáo sư gì lại ăn mặc sang trọng như đi dạ hội, thế là làm gương không tốt cho lũ học trò. Ông thì mặc áo quá mỏng, mặc quần quá chật có một dụng ý khiêu dâm rõ rệt đáng nên tuyển dụng làm chiêu đãi viên ở sờ-nách-ba [1] hơn là dạy học. Ông thì mặc đồ cẩu thả, lôi thôi, đáng được coi các xe phở hơn là nói chuyện mô phạm”. Có giáo sư nói mau quá, ông chê là hạng bán dầu cù là. Giáo sư nói chậm, ông bảo là loại gà chết. Cho đến hình vóc giáo sư, ông cũng có nhiều thắc mắc. Nếu họ nhỏ quá, gầy quá, thì ông cho rằng họ nên đổi nghề, nếu không học trò sẽ lầm lẫn với em của chúng, và chúng không chịu vâng lời. To quá, mập quá thì hơi thừa thãi, có vẻ phí phạm vô ích, lại dễ làm cho học trò sợ hãi mất hết ý chí tự cường. Nói chung, tìm cho ra được giáo sư đúng theo tiêu chuẩn của ông thật là khó nhọc, bởi vì ông còn coi cái dáng đi, ngó cặp mắt nhìn, xem cái miệng nói, cùng quan sát bộ tứ chi. Ông bảo: “Có những giáo sư trông chẳng khác nào là kép cải lương. Như thế, học trò chỉ ngồi chờ đợi sáu câu vọng cổ chứ có chịu nghe giảng giải gì được! Có những giáo sư vào lớp chỉ lo bán sách của mình soạn ra, vậy thì tốt hơn họ nên ra trước cổng trường mở một cửa tiệm”...
Suốt một tháng trời theo dõi, rình mò các vị giáo sư ở tại Sài Gòn, ông Lê Thành Tài không nhìn thấy ai ra vẻ sư phạm kiểu mẫu như ông quan niệm. Trong lúc khắc khoải chờ đợi những người trong mộng, ông cho in gấp một bản kỷ luật dán khắp nhà trường và in nhiều tờ truyền đơn nói rõ tôn chỉ cao đẹp ông đã vạch ra để thực hiện nền giáo dục kiểu mẫu cho thế hệ trẻ, rồi kêu gọi những bạn bè tỏ ra tích cực đối với văn hóa nước nhà nhờ họ phân phát tận tay cho các gia đình có con em đang đi học. Cuối cùng, nhờ sự khổ công tìm kiếm, ông Tài gặp được ba vị giáo sư như lòng sở cầu. Ông giáo thứ nhất là Nguyễn văn Hai, chuyên về vật lý hóa học, từng mở một hãng nước mắm ở tại Phan Thiết để thí nghiệm các kiến thức pha chế của mình và bị sụp tiệm một cách hoàn toàn, sau ba lần tổng số mắm bị thối chín chục phần trăm. Một người như vậy ít nhất cũng có thể đem lại cho học sinh đôi ba kinh nghiệm, trước hết là cái kinh nghiệm đừng nên làm mắm khi mình chỉ có mỗi một khả năng ăn mắm mà thôi. Về mặt hình vóc, ông Hai không đáp đúng các tiêu chuẩn của ông hiệu trưởng, vì ông gầy quá - gầy như con mắm - nhưng về tác phong, đó là một vị giáo sư kiểu mẫu, ăn nói chững chạc, đi đứng khoan thai. Trong cuộc nói chuyện, ông không tranh cướp lời ai để mà bày tỏ những điều mình biết, và sự im lặng điềm đạm của ông có một vẻ gì thông thái đặc biệt đến nỗi không ai ngờ rằng có nhiều vấn đề ông chẳng biết một chút gì. Dầu sao thì đặc điểm lớn của một giáo sư là phải cho học sinh thấy rằng mình học rộng hiểu nhiều, và muốn như thế, ở trong xã hội chúng ta, chỉ cần biết ngồi yên lặng một cách đúng mức. Ông giáo thứ nhì là Lý văn Lăng, vóc dáng đúng theo tiêu chuẩn, chuyên về sử địa, phục vụ trong ngành hỏa xa gần hai mươi năm và tự coi như biết hết địa lý Việt Nam dọc theo con đường xe lửa. Ông Lăng có một giọng nói khá tốt, trong trẻo hơn tiếng còi tàu, luôn luôn tỏ ra hăng hái hoạt động, có thể trình bày, giải thích về mọi vấn đề quốc tế mà không bao giờ sợ bị lầm lẫn. Ông Tài tỏ ra hơi ngán về sự hiểu biết của ông Lý này, bởi vì ông ta có thể nêu lên đủ thứ chi tiết cụ thể của một trí thức phi thường. Chẳng hạn, ông Lý kê khai Vua A-lếch-xăng đại đế bị bệnh thương hàn đầu tiên năm nào, toàn quyền Pi-e Bát-xkiê thuở nhỏ thường trộm thuốc hút của người cậu họ ra sao, Tú Xương hỏi vợ đến lần thứ mấy, và thủ tướng Nguyễn văn Tâm muốn bán cho được nhiều tôn đã sai đốt nhà dân chúng ở bên Khánh Hội với một loại xăng đặc biệt giá bao nhiêu đồng một lít... Tất cả những kiến thức này được đem trình bày cặn kẽ, chi ly, nhưng không một ai có thể đối chiếu để biết hư thực thế nào, kể cả những nhà bác học số một ở trên thế giới. Bởi vậy, một người chỉ học ở trong sách vở nhà trường như là ông Lê Thành Tài làm sao có thể kiểm tra cho nổi một thứ kiến thức kỳ quặc như thế? Giáo sư thứ ba, ông Đỗ văn Chỉ, biệt hiệu Hồng Hoa Phượng Điệp, là một thi sĩ nổi tiếng (theo như ông tự giới thiệu trên đôi tờ báo) đã cho ra đời liên tiếp ba năm ba tập thơ dày, tập nhất gọi là Ái tình nguyên tử, tập nhì gọi là Nước mắt đại dương, tập ba gọi là Khối sầu nhược tiểu. Nghe đâu ông còn dọa cho ra tập thứ tư, gọi là Cô đơn cường quốc. Các tập thơ trên trình bày khá đẹp, mỗi tập in 500 quyển, nhưng đều ghi ở sau bìa “Ấn hành lần thứ nhất đủ năm ngàn bản” đề giữ thể diện cho nền-văn-học-hôm-nay. Cứ theo như giới tiêu thụ bí mật tiết lộ, thì mỗi tập thơ của thi hào này, sau đúng một năm phát hành đã tiêu thụ được gần 80 quyển, trong đó tác giả mua độ 60 để tặng cho các bạn gái xưa nay vốn hâm mộ mình, còn 20 quyển thì nhà phát hành lỡ để thất lạc nên phải bồi thường, tính theo giá vốn là một phần năm giá bán. Ông hiệu trưởng Lê Thành Tài là nhà giáo dục thuần túy, lại là một người Việt Nam ở giữa xã hội chúng ta, nên dễ mắc bệnh tàn tật tinh thần hết sức phổ biến là chỉ biết có riêng mỗi ngành mình, còn đối với các loại sinh hoạt khác thì rất ư là mù tịt. Tương tự như nhà chính trị thì bảo chính trị mới là đầu não, còn quân sự thì dứt khoát là quân sự trên hết và văn nghệ thì văn nghệ mới là giá trị muôn đời. Tất nhiên khỏi cần nhắc đến các nhà kinh tế, bởi vì kinh tế mới là quyết định, cũng như các nhà xã hội vì xã hội là tất cả! Bởi vậy, khi họ gặp nhau đàm đạo thì dễ trở thành những người cô độc tập thể, và mỗi người thích lảm nhảm nói chuyện của mình để cho mình nghe một cách vô cùng hào hứng. Rốt cuộc, mỗi người đều thấy chỉ có ngành mình mới đáng chú ý, và cái quang cảnh mọi người tìm đủ mọi cách để tự công kênh mình lên cho thật là cao làm cho xã hội lảo đảo như người say rượu. Ông Tài, chỉ biết có mỗi giáo dục trên hết, nên không hề quan tâm đến thi ca, trong đó có sự hoạt động của Đỗ văn Chỉ. Để tự biện hộ cho mình, ông Tài thường đổ thừa rằng “không đủ thời giờ”, nhưng suy cho cùng đó là cách nói, bởi vì giáo dục thuần túy không muốn ông dành thì giờ cho những việc khác cũng rất cần thiết cho nền giáo dục của ông. Tự nhiên, giữa một xã hội gọi là chậm tiến, ông Lê Thành Tài đã tự biến mình thành nhà chuyên môn của nước kỹ nghệ tư bản, một người chỉ biết độc nhất có cái “bù lon” giáo dục, và chỉ có “bù lon” ấy mà thôi. Cho nên nghe Đỗ văn Chỉ là một nhà thơ, tác giả của quyển Khối sầu nhược tiểu thì ông lấy làm phấn khởi đặc biệt, coi ông Chỉ là thi sĩ thời đại, nói được nỗi buồn của các dân tộc bị sự chèn ép, đáng mời phụ trách văn chương ở tại Chấn Hưng học đường. Ông Đỗ văn Chỉ từ trước đến giờ chỉ có ngâm thơ chứ chưa dạy học, và thường cho rằng dạy học cũng là một cách ngâm thơ, nên sau khi nhận lời mời của ông hiệu trưởng tự thấy mình là giáo sư rất có uy tín, cần in danh thiếp rất gấp đề luôn hai chữ “Thi sĩ giáo sư” dưới một cái tên và một biệt hiệu đậm đặc, dài ngoằng như con sâu rọm.
Ba nhà giáo sư nòng cốt này hợp với ông hiệu trưởng gương mẫu đã thành lực lượng đáng kể trong buổi xây dựng ban đầu. Nhưng vào buổi họp thảo luận kế hoạch xúc tiến, ông Lý văn Lăng nhận định phải có một vị giám học cho thật cừ khôi mới đảm bảo được nội dung giảng dạy. Một người như vậy thật là khó kiếm, ngoài số bạn bè của ông. Cuối cùng, sau sự suy nghĩ cháy óc, ông liền tiến cử một người bạn thân, người này có đủ khả năng để làm giám học một lúc nhiều trường. Ông giám học này họ Trương, tên Bảng, đúng là một người sinh ra để luôn có mặt ở tại các trường. Nhận việc ngày đầu, ông Bảng đã làm phấn khởi mọi người một cách sôi nổi: vừa mới đến cổng, ông đã trợn trừng cặp mắt ốc nhồi ngước lên để chăm chú nhìn vào tấm bảng như muốn phóng làn nhãn quan xuyên thủng cả thiếc lẫn gỗ rồi bỗng kêu lên: “Hay lắm! Hay lắm!”. Đoạn ông tiến vào sân trường, nói gằn từng chữ: “Chấn Hưng học đường! Chấn Hưng học đường!” và vừa đến thềm đã chìa thẳng một tay ra, như chực nắm lấy mọi người, và cứ thế mà xốc tới theo kiểu tấn công của con tê giác. Tuy vậy, bàn tay của ông rất biết phân biệt nên nó ủi đến ngay chỗ ông hiệu trưởng ngồi, và vừa kịp lúc môi trên nở toét một nụ cười lớn theo kiểu sừng trâu kéo tới mang tai, thì mấy ngón dưới cũng ôm chặt lấy tay ông hiệu trưởng giật lấy một cách cẩn trọng, với những rung chuyển rất nhẹ kéo gập người ông xuống gần. Và khi cánh tay còn lại đưa ra bợ dưới tay kia, để nâng lấy một cái ân huệ nặng nề lớn lao cho được vững chắc, thì những lời nói nồng nhiệt ở trên cũng tuôn dồi dào: “Xin kính chào ông hiệu trưởng! Xin chào quý vị! Trường ta gọi Chấn Hưng, thật là tuyệt diệu! Chấn Hưng học đường, tên rất là hay! Đúng vậy, chấn hưng đạo đức, chấn hưng kỷ luật, chấn hưng học vấn, chấn hưng tất cả! Xã hội chúng ta đòi hỏi chấn hưng mọi mặt, nhưng quan trọng nhất là mặt giáo dục!” Vừa nói, ông bắt tay khắp mọi người một cách ân cần, vừa truyền hết sự nồng nhiệt, phấn khởi vào mỗi người ông tiếp xúc. Đến lúc họp lại giới thiệu cụ thể từng nhân vật một, phân phối công việc, ông Bảng cũng lại tiếp tục phân phát phấn khởi như vậy. Vừa nghe nói đến ông Nguyễn văn Hai, ông đã kêu lên: “Hân hạnh! Tôi đã được nghe danh ngài! Dạy môn lý hóa thì có ai bì được ngài, ngài là số một ở đây”. Nghe đến ông Đỗ văn Chỉ, ông đã hốt hoảng tuyên bố: “Một đại thi hào! Ngài làm vẻ vang cho trường chúng ta! Tôi có được đọc hầu hết thi phẩm của ngài, thật là điêu luyện, thanh tao, văn chương đặc biệt!”. Rồi ông quay sang ông Lý văn Lăng: “Còn ông giáo sư sử địa của chúng ta đây, tôi đã hân hạnh quen biết từ lâu, là người kiến thức mênh mông, nhãn quan sâu sắc”. Đoạn đưa hai tay về phía ông Lê Thành Tài ra kiểu muốn nâng ông ta lên khỏi ghế ngồi, ca ngợi: “Nhưng quan trọng nhất là ngài hiệu trưởng, người đã tiếp thu văn minh nước ngoài và làm sáng tỏ lý tưởng giáo dục, người sẽ đưa trường Chấn Hưng đi tới một chân trời mới”... Nói chung, châm ngôn ở đời của ông Trương Bảng là cứ khen tưới hột sen tất cả mọi người, vì đó là cách đối xử lợi nhất mà ít tốn nhất. Dù rằng về sau người ta không ai còn tin ở những nhận xét của ông ta nữa, nhưng có một điều mọi người cảm thấy yên lòng là ở sau lưng, ông Bảng nhất định sẽ không đề cập đến các khuyết điếm của họ.
Buổi đầu, với một giáo ban như vậy công việc coi như tạm ổn. Khai giảng đợt nhất, cho những lớp thấp, học trò lai rai kéo đến tương đối đủ với sĩ số mà trường mong chờ. Ông Tài luôn có mặt ở văn phòng với ông giám học, sốt sắng đón tiếp các bậc phụ huynh, giải thích cho họ rõ thêm tôn chỉ nhà trường, ân cần nhắc họ tìm cách liên lạc thường xuyên với văn phòng trường để cùng điều chỉnh kịp thời học vấn, đạo đức của con em họ. Một số phụ huynh tiếp nhận những lời ông nói với một thái độ hững hờ của kẻ nghe người rao dầu cù là, một số sốt sắng hứa hẹn là sẽ cố gắng đi lại với trường, nếu họ có dịp, và điều chắc chắn là họ sẽ không có dịp nào cả. Ông cũng không quên vào từng lớp học, nhấn đi nhấn lại mục đích lý tưởng của trường là coi giáo dục trên sự kinh doanh, lấy sự đào tạo con người làm mục đích chính. Ông cũng hứa hẹn là các đồng nghiệp của ông và ông quyết liều một trận sống mái ở trên chiến trường văn hóa để giương cao cờ giáo dục. Học trò giương mắt ngồi nghe không chút cảm động như nghe một mục phát thanh tuyên truyền và thái độ chúng có ý ngầm bảo người ta không thể khai mạc bất cứ điều gì mà không nói lên vài lời bậy bạ cho hợp lễ nghi.
Sau đó, công việc dạy dỗ bắt đầu và được một tuần thì những khó khăn đầu tiên lục tục xuất hiện. Khó khăn lớn nhất là giáo sư Nguyễn văn Hai không làm sao cho học sinh hiểu được bài vở. Mỗi lần ông giảng, chúng trố mắt lên một lát rồi quay sang người bên cạnh chuyện trò, để khỏi ngủ gục. Khi ông hiệu trưởng vào lớp, hỏi thăm một cách dân chủ về sự tiếp nhận môn học của chúng, thì gần như toàn thể lớp kêu lên:
- Thầy dạy không hiểu gì hết! Xin đổi! Xin đổi!
Ông Tài sau phút bối rối không biết nên nói thế nào, bèn ôn tồn giải thích rằng ông Hai là người giỏi nhất, và có lẽ vì giỏi quá nên học sinh không làm sao hiểu nổi ông ta. Cuối cùng, ông chỉ còn mỗi hy vọng là học sinh sẽ cố gắng hơn nữa, để có trình độ hiểu được thầy mình. Sau khi nói thế, ông Tài biết rằng mình đã phản bội lý tưởng giáo dục, bởi vì không thể bắt buộc học trò phải có trách nhiệm hiểu thầy, nhưng tìm cho được một người thay thế không phải dễ dàng. Rồi đến ông Đỗ văn Chỉ viết sai chính tả làm cho hoang mang học trò và cả cha mẹ của chúng. Ông Chỉ quả tình không ngờ mình phải chú ý từng chữ như vậy. Ông tuyên bố rằng thi hào không cần phải giỏi chính tả, và chỉ dạy ở tiểu học mới bận tâm đến môn hạ cấp ấy. Hơn nữa, theo ông, cứ nhìn dọc các dãy phố Sài Gòn thì rõ: biết bao nhiêu cửa hiệu ăn đều viết chữ phở với cái dấu ngã kỳ cục, người ta vẫn kéo vô ăn ào ào, đâu có cảm thấy mất ngon vì không chịu dùng dấu hỏi? Chính thuốc Tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn lại viết toàn bằng dấu ngã, ở trên tấm quảng cáo to tướng mà vẫn bán chạy suốt mấy mươi năm nay rồi, đâu có vì sai chút dấu mà không công hiệu? Tóm lại, theo giáo sự Chỉ, thì môn chính tả quả là một xa xí phẩm, trong đó phân biệt hỏi, ngã là việc buồn cười. Còn về văn phạm, thì ông cũng cho là môn bày đặt. Để cho lời nói của mình có một luận cứ vững vàng, ông bảo học sinh hãy cứ lên ngay Chợ Lớn, vào tiệm Hải Ký mì gia đường Nguyễn Tri Phương gọi ngay tô mì vịt tiềm thì rõ: ở trên mấy tấm kê các thực đơn của tiệm, người ta đọc thấy một hàng chữ lớn: “Tiệm mì nổi tiếng rất Bắc Việt”. Ấy, nổi tiếng rất mà khách ăn đông gấp trăm lần rất nổi tiếng! Văn phạm quả không can thiệp gì đến dạ dày con người, và không quyết định gì đến khả năng xào nấu... Học sinh ban đầu tưởng thầy nói đùa một cách gượng gạo nên cũng gượng gạo cười theo, để tỏ chút tình sư đệ. Nhưng một đôi đứa có lòng hiếu học về nhà sốt sắng xin tiền cha mẹ để vào các tiệm mì, phở nghiên cứu tiếng Việt, sửng sốt nhận thấy là thầy giáo Chỉ nói đúng sự thực. Hầu như tiệm nào viết sai be bét thì khách ăn đông và tiệm nào có cái vẻ ta đây nhiều tiền thì đều mang tên ngoại quốc! Sau này, để đánh tan mọi ngờ vực của đám học trò dốt nát, thi hào Đỗ văn Chỉ đưa các tờ báo có đăng tác phẩm của mình cho học trò xem, để chúng thấy rằng các tiếng đầu câu không cần viết hoa và đó mới là chính hiệu văn chương lối mới. Thầy còn bảo thêm: “Ngày nay, người ta có thể viết hoa ở giữa chừng câu, chẳng cần phải đợi chấm phết gì ráo. Hễ cao hứng là viết hoa, không cao hứng thì cứ viết thường. Viết thường là dấu hiệu sự bình đẳng, ai cũng như ai, thế mới dân chủ”. Rồi thầy chìa ra nhiều tờ báo khác cho học trò thấy có cả hàng loạt bài thơ không cần viết hoa và điều ấy không cản ngăn tác giả trở nên những “đại thi hào” đối với bạn bè của mình. Trái lại, có lẽ nhờ viết như thế mà họ được sự chú ý cũng chưa biết chừng. Lớp học trò thông sự lý, tỏ ra hết sức mừng rỡ, vì thấy từ lâu chúng đã có thể nổi tiếng mà chúng không ngờ. Ấy là, từ hồi còn học các lớp mẫu giáo, tiểu học, chúng vẫn viết theo lối ấy thường xuyên và những thầy dạy không biết văn nghệ cứ việc gõ thước lên trên khối óc có những tài năng sáng tạo sớm sủa của chúng mà không kiêng nể.
Trong lúc học sinh bắt đầu tín nhiệm ông Đỗ văn Chỉ, nhờ sự hăm hở đi vào các tiệm mì phở nghiên cứu chính tả, văn phạm, thì có một số phu huynh nhất định không chịu những thứ cải cách mới mẻ, dân chủ của nhà giáo Chỉ mà họ coi như là sự dốt nát và sự lường gạt. Rồi đến ông Lý văn Lăng phụ trách sử địa cũng bị những lời phàn nàn, chỉ vì kiến thức của ông chỉ có bề dài - theo đường xe hỏa - mà thiếu bề ngang. Mặc dầu mỗi ngày ông đã chịu khó vẽ những địa đồ rất lớn bằng giấy bìa dày, trải trên sàn nhà, và nằm phủ phục lên trên nghiên cứu địa thế năm châu bốn biển vừa hút thuốc thơm, thỉnh thoảng nốc một vài ngụm rượu thuốc, nhưng khi đến lớp, vì phải đứng thẳng để giảng, nên ông mất hẳn phương hướng, lúng túng nhiều chỗ đến nỗi có những lầm lẫn khủng khiếp.
Cứ thế ngôi trường kiểu mẫu của giáo sư Tài mỗi ngày mỗi thêm ọc ạch, đe dọa một cuộc khủng hoảng trầm trọng không sao tránh được.
Chú thích:
[1] Sờ-nách-ba (snack-bar) quán bán đồ ăn nhẹ, mọc nhiều thời Mỹ chiếm đóng ở các đô thị phía Nam.
Ngôi Trường Đi Xuống Ngôi Trường Đi Xuống - Vũ Hạnh Ngôi Trường Đi Xuống