Chương 8
ợ chồng Khải dọn vào ở ngôi nhà mua lại của ông Cả Tú thấm thoắt đã được một năm trời.
Thoạt đầu, chàng chỉ lấy sự chăn nuôi trồng cấy làm cách để đi tới một tình trạng vật chất dễ chịu hơn. Cái mục đích ấy, chẳng bao lâu đã được nâng cao lên nhiều lắm: Khải dùng việc canh nông để gần gũi và hiểu biết người dân quê, mà số đông chiếm đến chín mươi phần trăm số dân nước Việt Nam.
Hồi mười năm về trước, Khải, nhân khai phá khu đất xã Linh Sơn, đã có dịp đụng chạm tới đám bình dân. Tiếc rằng Khải đã nhìn họ theo một quan điểm khác. Chàng không làm vậy nữa: nông phu thế nào chàng cứ thế mà nhận xét, không chủ quan đã đành nhưng cũng không lạc quan đến tự dối mình bằng những ảo tưởng về tâm tình họ, hoặc đến quên lãng những trở lực không sao tránh khỏi, khi ta mưu toan cải thiện một sự vật hay cải thiện con người.
Khải bắt đầu đến với họ bằng cách tự đặt mình xuống cái trình độ trí thức của họ. Các tin tưởng, các thói tục, cách làm ăn, cách chiêm nghiệm thời tiết, cả các vật dùng của họ, như cái cày, cái bừa, Khải đều để yên, không hề gợi ra một vấn đề cải lương nào. Thảng hoặc có ai tò mò hỏi chàng về sự chọn hạt giống, sự dùng phân hóa học, các phép nuôi gà nuôi thỏ theo Thái - Tây, Khải chỉ mỉm cười. Thái độ này được các ông già bằng lòng lắm. Họ như bảo chàng: "Hãy yêu quý cái gì mà bọn ta đã tin lương hảo, hãy tôn thờ cái gì mà bọn ta đã tôn thờ, rồi thì anh sẽ được coi là cùng bọn với chúng ta, mặc dầu anh đội mũ và mặc quần áo tây, mặc dầu anh không nói đúng cái thứ tiếng mà chúng ta đương nói". Chàng không từ một bữa rượu, dù là do khao cử, sự xin cưới, sự ma chay, sự bái thần cầu phúc. Chàng lại cũng thiết đãi họ luôn: còn lúc nào người ta dễ thân nhau và dễ cởi mở tâm tình với nhau bằng lúc men rượu đã ngà ngà! Khải cho rằng tất cả cái tai hại đều do chỗ bọn thượng lưu trí thức đã tự xa dân chúng một cách quá ư đột ngột. Thực tế, chàng đã có dịp quen biết bao nhiêu người tâm trí rộng rãi, học vấn uyên thâm, những người rất cao quý và rất nhiều khả năng làm việc cho công ích, mà sự hành động, rút lại, chẳng nên được kết quả gì, chỉ bởi họ đều là những người đã mất gốc, những người ngoại quốc nói tiếng Việt Nam, đối với quần chúng. Đã xa lạ nhau, đã chẳng đồng cảm đồng tình, bọn trí thức dù hiểu rõ các nhu cầu và các đau khổ của bình dân chăng nữa, bất quá là do sự lý luận nhạt nhẽo và lạnh lẽo. Và, như thế chưa gọi là đủ được. Phải cần đến cái sinh lực mà ta gọi là trái tim, phải cần đến cái nguyện vọng nó khiến ta chọn một trong ngàn vạn con đường và nhất định sẽ không đi chệch sang con đường khác nữa.
Tâm hồn kẻ nông phu, hiện giờ, đã thôi là một bí mật cho chàng. Và tấm cảm tình đối với họ càng tăng gấp bội. Chàng nhận thấy rằng, nếu thường được ngẩng đầu trông ánh sáng, người nông phu sẽ tỏ ra biết xúc động một cách sâu xa. Cái khả năng tình cảm ấy, hằng ngày, vẫn phát hiện bằng sự kiên quyết, sự nhẫn nại, sự hăng hái nhờ đó họ dù sao vẫn cứ tha thiết sự sống và cứ vui vẻ tươi cười được. Gặp những cơ hội lớn lao của lịch sử, khả năng kia lại chính là lòng yêu đất nước, sự can đảm, sự trung thành và sự coi thường cái chết. Tiếc thay, những đức tính hồn nhiên ấy đã bị cùn nhụt mất cả, bởi sự dốt nát thế truyền, sự cực khổ quá độ, sự bạc đãi, sự khinh nhờn cam chịu. Tâm trí bình dân, như chàng đã nói, quả đã là một bãi đất hoang đầy cỏ xấu.
Bãi hoang ấy cần được sửa sang ngay tức khắc và việc này chính là cái phận sự của trí thức, của chàng.
Kẻ bình dân hiện đau ốm về tinh thần nhiều quá, tuy chưa đến nỗi chết mà thực là trầm trọng:
Trước hết, ấy là sự mê tín, di tích của những thời xưa. Lý trí loài người, về những thời xa xôi ấy, còn yếu ớt quá bởi thiếu kinh nghiệm, nên người ta mới tin rằng, ngoài mình ra, còn có những sức mạnh thiêng liêng khả dĩ tác họa tác phúc cho mình được. Chẳng hạn như dịch tả, đáng lẽ chỉ được kể là một bệnh do thiếu vệ sinh hoặc do sự kham khổ thái quá, nó, trái lại, đã thành ra sự nhiễu hại của quan Ôn. Người ta không tiêm thuốc đề phòng, người ta cứ ăn quả xanh, rau sống và uống nước bẩn, và sắm lễ vật cùng đón thầy bùa! Dân quê lúc nào cũng sợ vơ sợ vẩn các tà ma tưởng tượng, không hiểu rằng tà ma chỉ là con đẻ của sự dốt nát. Và, bởi thế, cần phải giảng ngay cho họ rõ: Chỉ có lý trí của loài người; cái thế giới ta ở đây, và cả cái quan niệm của ta về vũ trụ nữa đều do lý trí ta gây dựng, xếp đặt nên mà phát sinh ra. Ngoài sự động tác của lý trí ấy, vũ trụ chỉ là một mớ các sức mạnh mù lòa như bão táp, lụt lội, cháy rừng, động đất, đồi hoang, bụi rậm, ác thú, rắn rết, mà người đương tìm cách trừ khử hoặc sai khiến để mưu lợi cho mình.
Rồi đến sự ham hư danh. Người ta, kể cả dân quê, sở dĩ phải bám riết lấy những cái hão huyền, ấy chính bởi không nhận rõ cái giá trị đích thực của mình. Nếu bình dân hiểu cái phẩm giá và giá trị của họ, họ sẽ không cần đến hư danh nữa. Và, một khi đã biết hư danh là một cái gì nực cười, họ sẽ vứt bỏ được sự tranh ngôi thứ, sự kiện tụng nó xô họ vào nanh vuốt của bọn chủ nợ, bất nhân và đáng giận.
Công phu mồ hôi nước mắt của bình dân không bị mất vào tay kẻ đầu cơ, sẽ dùng để nuôi bình dân. Phú quý sinh lễ nghĩa: cái bụng đã no rồi, cái thân đã ấm rồi, bình dân sẽ bắt đầu học quen suy nghĩ để biết rằng quốc gia chính là cái công chuyện của họ, rằng cuộc đời chỉ thuộc về kẻ nào làm lụng vất vả, rằng sự cần lao không phải chỉ tạo nên cơm áo, còn tạo nên một cái gì lớn lao quý báu hơn: lòng tin mà người có thể có được óc khôn, ở lẽ phải, ở sứ mệnh của mình là xếp đặt cuộc sống sao cho xứng đáng với mình, và trang hoàng cho trái đất bằng cái vẻ đẹp của lẽ công bình và lòng bác ái.
Ngoài những lúc giao du thân mật với dân quê, ngoài những lúc bận về công việc với hoa màu và nuôi con giống, Khải đem hết thời giờ vào sự đọc sách, không phải để quên hiện tại, để lừa dối những băn khoăn vơ vẩn của lòng chàng như khi trước.
Chàng chuyên chú về lịch sử: Lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, về xã hội học, về kinh tế học v.v... Tiểu thuyết, chàng chỉ tìm tác phẩm của Léon Tolstoi của Féodor Dostoiewski, của Honoré de Balzac. Tháng nào, chàng cũng bỏ ra một món tiền gửi mua sách, và quyển nào đã mua về là chàng đọc suốt từ đầu chí cuối một cách kỹ càng.
Trong cái xã hội gọi là thượng lưu của tỉnh nhà, Khải không được yêu, mặc dầu vẫn có một số người quý trọng chàng. Khải nghịch với họ, với quyền lợi của họ nên họ lảng xa chàng, kẻ này cho chàng là kiêu ngạo trong khi kẻ kia cho chàng là gàn dở.
Và Kim nữa, chính nàng cũng nhiều khi bực mình với Khải. Nàng lấy làm lạ thấy chàng lăn lóc với bọn nhà quê. Nàng không thể hiểu được những cái vui buồn mà chàng nhận được của cái nhân loại đối với nàng, thực hoàn toàn xa lạ. Nàng không rõ tại sao, dậy từ sáng sớm và sau khi đã la cà suốt buổi ở ngoài ruộng trên nương, từ nhà này qua nhà khác, chàng bao giờ cũng trở về với một vẻ suy nghĩ. Nàng coi như là một vô lý cái băn khoăn đến chểnh mảng cả ăn ngủ của chàng; khi có một người thợ cày bỗng ngã lăn ra trên mặt ruộng vì say nắng, hoặc khi một đám mây đằng chân trời tan mất. Lại còn cái thói cứ dính mũi xuống trang sách nữa! Một khi sự học đã không mang đến cho chồng nàng một địa vị xã hội và những vẻ vang, những quyền lợi hiển nhiên do địa vị ấy, Khải còn cứ học để làm gì? Đói, có đem sách ra mà luộc ăn trừ bữa được không! Còn văn chương? Ôi chào! Ấy chẳng qua là một thứ trò chơi vô ích, bởi nếu không thế, chồng nàng đã được người ta trọng vọng, ít ra cũng như đối với thầy phán tòa Sứ. Nhưng mà, nói trắng ra, cái nó làm cho Kim bực mình ấy, chính là sự nàng ngờ Khải hững hờ với con, với vợ. Về phần nàng, đã đành Kim nói ra không tiện, song nàng không thể không nhắc chồng nàng về cái bổn phận một người cha được.
- Cậu lạ quá! - Kim nói bằng một giọng dằn dỗi - Ai lại quanh năm suốt tháng cậu chẳng sờ mó chi đến sách vở của chúng nó xem chúng nó học hành ra làm sao. Tôi tưởng những cái hơi lo việc người, những thời giờ chạy nhăng nhít hoặc chúi đầu vào quyển sách thà để dạy bảo, kèm cặp cho đàn con lại hóa hơn. Cậu không biết chứ thằng nhớn dạo này học hành đụt quá, ông đốc đã phải kêu ra miệng rồi đấy!...
Khải nhìn vợ, và mỉm một nụ cười ranh mãnh.
Kim hơi đỏ mặt, cố vùng vằng để tỏ rõ cái tính nghiêm trọng của câu chuyện:
- Vợ chồng hễ động nói với nhau câu gì là y như cậu gắt gỏng nếu không thì lại chớt nhả. Tôi chỉ câm hầu tắc cổ ngay đi thì xong!
- Chà, nói dại dột nào!
- Thật đấy, ai ở vào địa vị tôi cũng phải tức!
- Tôi hỏi thực nhé: mợ muốn tức hay muốn nghe tôi nói?
Kim nín lặng.
- Nếu mợ ngờ rằng, tôi bỏ liều các con thì mợ lầm to! Lưu tâm lắm chứ! Có điều, tôi quan niệm về sự học hành và về sự giáo dục khác hẳn mọi người...
Chàng nhắc cái điếu làm một hơi thuốc lào; đoạn, vừa thở khói chàng vừa ung dung tự đáp:
- Sự dốt nát của người dân quê không có nghĩa là thiếu cái học. Sự dốt nát ấy chính là cái sức sống ở họ bị đè nén, bị cám dỗ bởi các ý tưởng trá ngụy, các mê tín, các hư vinh hợp với thói quen ghen ghét, tham lam, thù oán nó là kết quả của cái quan niệm sống: một là ăn người hai là người ăn, mợ đã hiểu chưa?...
Kim bật cười vì cái giọng hỏi cố làm ra ông tướng của Khải.
Bây giờ, Khải nạp điếu thuốc lào khác, tôi lại quay về câu chuyện đóng cửa các trường học...
- Hút đi đã!
- Tại sao - Chàng hơi choáng váng bởi khói thuốc - ta lại cứ muốn sai khiến kẻ khác bằng những ý tưởng nó đã sai khiến ta, mà ta đã bắt đầu nhận thấy là sai lầm? Tại sao chúng ta cứ nhất định nhồi bằng được vào óc trẻ những cái không phù hợp, không dính líu chút nào với cái thực tại quanh ta? Cái ý tưởng đóng hộp sẵn chính là thứ vi trùng nguy hiểm nhất cho nhân loại. Ý tưởng chính hiệu phải nảy ra, mơn mởn và luôn luôn biến hóa như cái lá cây chẳng hạn. Mục đích của sự học không phải để biết mà để sống. Đứa trẻ không phải chỉ có một việc làm là cắp sách đến trường để nhận lấy một mớ các điều biết sẵn về cuộc đời và về vũ trụ. Nó phải tự lo kinh nghiệm về cuộc đời, về vũ trụ. Cách nhìn của nó không là cái nhìn của ta. Không có một cách nhìn nào là độc nhất và nhất định cả. Tóm lại, ta chỉ nên dạy cho trẻ biết cử động, biết làm lụng. Và, ngay các cái ấy, ta cũng chỉ nên dạy chúng qua loa, còn mặc chúng tự dạy lấy. Người lớn không thể biết được cái thông minh của đứa trẻ là cái gì. Người lớn, vì vậy, mới hay can thiệp và bắt ép con trẻ nhận cái cách nhìn và hiểu của mình. Ấy thực là điều tối kỵ. Tôi luôn luôn tỏ ra như quên chúng nó, vì tôi không muốn lúc nào cũng là một ám ảnh khó chịu cho chúng nó. Tôi không muốn chúng nó thụ động như những cái máy. Cuộc đời không phải là một cái gì dùng cho những cái máy. Cuộc đời là gồm các vật sống hiển nhiên và đầy đủ. Tôi không có quyền lấn sang cái phạm vi sống của chúng nó, mặc dầu chúng nó là con tôi. Một sự di truyền đã nặng nề cho chúng nó nhiều rồi!...
Tiếng con chó lài sủa bỗng ngắt đứt cái mạch giảng thuyết của Khải. Chàng ngẩng đầu: một người phu trạm, chàng đứng phắt dậy, xuống thềm, nhận một phong thư và chăm chú đọc những chữ đề trên phong bì...
Kim hỏi:
- Thư nào thế, cậu?
- À, của mấy ông bạn làng văn... lâu lắm mình mới được tin của họ!...
Mực Mài Nước Mắt Mực Mài Nước Mắt - Lan Khai Mực Mài Nước Mắt