Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Mowgli - Người Sói
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương 7: Cuộc Chạy Mùa Xuân
N
gười trở lại với Người! Rừng Rậm hãy kêu lên!
Đã ra đi người anh em yêu quí.
Hỡi Rừng Rậm hãy nghe mà phán xử
Hãy nói đi, ai níu bước, ngăn đường?
Người trở lại với Người! Người khóc giữa Rừng Xanh!
Lòng nặng trĩu những ưu phiền mới lạ.
!Người trở lại với Người! Ôi ta yêu Người quá!
Dấu chân Người ta sẽ chẳng còn theo.
Hai năm sau cuộc đại chiến với loài Chó Đỏ và sau cái chết của Akela, Mowgli đã gần mười bảy tuổi. Trông chú có vẻ nhiều tuổi hơn thế, vì những thách thức dữ dội, vì thức ăn ngon bổ và những buổi tắm táp mỗi khi trời hơi nóng bức hay bụi bặm, đã đem lại cho chú một thể lực và sức lực lớn vượt quá tuổi chú nhiều. Chú có thể một tay nắm vào một cành cây cao mà lăng người suốt nửa giờ liền, mỗi khi có dịp du hành qua những con đường cây. Chú có thể chặn đầu một con hoẵng tơ đang phóng, nắm lấy sừng và lẳng nó sang một bên. Thậm chí chú có thể đẩy lộn nhào những con lợn lòi xanh to tướng sống trong vùng đầm lầy phương Bắc. Cư dân của Rừng vốn đã quen sợ hãi trí tuệ của chú, giờ thì chỉ riêng sức lực của chú cũng làm chúng khiếp vía, và mỗi khi chú lặng lẽ đi lo công chuyện của mình, tiếng thì thầm chạy trước báo tin cũng đủ để dẹp quang những lối mòn trong Rừng. Tuy thế mắt chú không mất đi cái nhìn dịu dàng. Ngay giữa cao trào của một trận đánh, đôi mắt ấy cũng không bao giờ cháy rực như mắt Bagheera, mà chỉ có một vẻ hứng thú và kích thích quá mức, và đó là một trong những điều mà ngay cả Bagheera cũng không hiểu nổi.
Nó hỏi Mowgli việc đó, và cậu con trai bật cười bảo rằng:
- Khi tôi hụt một đòn thì tôi bực mình. Khi tôi phải đi hai ngày bụng rỗng, tôi còn bực mình hơn. Những lúc ấy mắt tôi không nói lên điều gì sao?
- Bụng chú đói nhưng mắt chú không nói lên điều gì cả. Săn bắt, ăn uống, tắm rửa, tất cả đối với chú cũng như nhau – chú hệt như một hòn đá giữa nắng giữa mưa.
Mowgli uể oải nhìn nó qua hàng mi dài, và cũng như mọi khi, con Báo cúi đầu xuống. Bagheera nhận ra người chủ của nó.
Họ ngủ riêng rẽ, tít trên cao, trên sườn một quả đồi đứng vươn mình bên sông Waingunga, và dưới chân họ, sương mù buổi sớm trải dài từng dải màu trắng xanh. Mặt trời lên cao dần, những dải sương biến thành những con sóng sục sôi của một biển cả đỏ rực và vàng chói, rồi bị ánh sáng khuấy tung và làm tan biến trong khi những tia nắng chênh chếch in vằn trên bãi cỏ khô, trên đó Mowgli và Bagheera đang nằm ngủ. Lúc ấy là cuối mùa mát, cỏ cây trông già nua và phai tàn, và người ta nghe thấy một tiếng xao xác kèm theo tiếng tích tắc từng hồi mỗi khi gió thổi. Một chiếc lá nhỏ giận dữ đập vào cành cây y như một chiếc lá lẻ loi trong ngọn gió lùa. Con báo đánh hơi làn không khí ban mai bằng một cái hít thật sâu, ngả lưng xuống nằm ngửa tênh hênh và bắt đầu đạp bốn chân lên không theo hướng chiếc lá đang nhảy nhót trên cao.
- Giờ là lúc chuyển qua năm mới – Nó nói – Rừng bắt đầu lên đường. Sắp tới Mùa Thay Giọng. Cái lá này nó biết. Thật dễ chịu!
- Cỏ vẫn còn khô – Mowgli đáp, chú rứt một búi cỏ - ngay cả Mắt Mùa Xuân (đó là một thứ hoa nhỏ màu đỏ, trông như bằng sáp, đài hoa hình loa kèn, vươn lên hoặc dấu mình trong cỏ), ngay cả Mắt Mùa Xuân cũng chưa nở mà Bagheera, Con Báo Đen, thì nằm ngửa, chân đạp không khí như một con mèo rừng, hỏi có xứng đáng hay không?
- Aou! – Bagheera nói, óc nghĩ một nẻo.
- Tôi hỏi anh rằng Báo Đen mà ngáp dài, ho sù sụ, hú hét và nằm ngồi như thế thì có xứng đáng hay không? Anh nên nhớ rằng, anh và tôi, chúng ta là những Chúa Rừng!
- Phải phải, tôi nghe rõ chú nói mà, chú Người Con.
Bagheera quay rất nhanh một vòng lưng lấy lại thăng bằng và rũ bụi ở hai mạn sườn đen trụi lông (bộ áo rét của nó đang rụng).
- Chắc chắn chúng ta là những Chúa Rừng! Ai có thể tự khẳng định mạnh mẽ thế bằng Mowgli? Ai có thể tự khẳng định một cách khôn ngoan bằng?
Trong giọng nó có một sự ề à đặc biệt khiến Mowgli quay lại xem phải chăng con Báo Đen chế giễu mình? Quả thực Rừng có đầy những từ ngữ nói một đằng nghĩa một nẻo.
- Ta nói rằng chúng ta là những Chúa Rừng, khỏi bàn cãi – Bagheera nhắc lại – Thì ta có làm gì xấu đâu? Ta đâu biết rằng Chú Người Con không bao giờ nằm dưới đất nữa. Thế thì chú bay ư?
Mowgli ngồi chống khuỷu tay lên đầu gối, nhìn qua thung lũng ánh sáng ban mai đang thức dậy. Đâu đó dưới kia, trong rừng cây, một con chim đang cất giọng của một cây sáo khàn khàn thử những nốt đầu tiên của bài Xuân Ca. Đó mới là phác hoạ của tiếng gọi rộn ràng như thác đổ mà chẳng bao lâu nó sẽ cất lên vỡ họng, nhưng Bagheera đã nghe thấy tiếng gọi ấy rồi.
- Ta nói rằng sắp đến Mùa Thay Giọng – Con Báo gừ gừ, đuôi đập vào hai bên sườn.
- Tôi nghe thấy rồi – Mowgli đáp – Bagheera, tại sao người anh run lên thế? Mặt trời ấm lắm mà!
- Đó là Ferrao, con Gõ Kiến màu đỏ thắm. Nó, nó đã không quên. Bây giờ ta cũng thế, ta phải nhớ lại bài hát của ta.
Và nó bắt đầu ngân nga và rung giọng, vừa hát vừa tự lắng nghe rồi dừng lại, ngày càng có vẻ không thoả mãn.
- Đâu có con thịt nào tới gần? – Mowgli nói một cách lười nhác.
- Chú em, chú điếc cả hai tai à? Cái này không phải tiếng thét gọi săn, mà là bài hát của ta, ta chuẩn bị để có lúc cần.
- Tôi đã quên rồi. Tôi sẽ biết rõ khi nào đến Mùa Thay Giọng, vì anh và những kẻ khác sẽ chạy đi rông tận đẩu tận đâu, để tôi một mình – Mowgli nói bằng một giọng giận dữ.
- Nhưng thực ra, chú em, đâu phải lúc nào chúng ta cũng…
- Tôi nói là có – Mowgli tiếp tục, vung ngón tay trỏ lên một cách tức tối – Các người chạy đi xa tít, hoàn toàn đúng như thế! Và tôi, Chúa Rừng, tôi phải đi một mình. Điều gì đã xảy ra vào mùa năm ngoái, khi tôi muốn lượm mía trong khu ruộng của một Bầy Người? Tôi đã phái đi một sứ giả - Tôi đã phái anh đi, chính anh, đúng thế! – đến chỗ Hathi, yêu cầu lão ta đến ngay đêm ấy để dùng vòi hái cho tôi cỏ ngọt.
- Mãi hai đêm sau lão ta mới đến – Bagheera vừa nói vừa cúi đầu xuống một chút – và những cây sậy dài ngọt lịm ấy, lão đã hái quá nhiều sức một chú Người Con hay bất kỳ kẻ nào có thể ăn hết trong các đêm của mùa mưa. Ta đâu chịu trách nhiệm về lỗi của lão.
- Lão không đến ngay đêm mà tôi nhắn gọi. Không, lão còn mải thổi kèn, mải phi và rống lên qua những thung lũng dưới ánh trăng. Dấu chân lão giống như dấu chân của ba con voi, vì lúc đó lão không ẩn núp ở dưới tàn cây. Lão nhảy nhót dưới ánh trăng đằng trước những ngôi nhà của Bầy Người. Tôi trông thấy rõ ràng, thế mà lão không đến với tôi, tôi, Chúa Tể của Rừng.
- Đó là Mùa Thay Giọng – Con Báo nói, vẫn luôn luôn khiêm nhường – Có thể lần ấy chú gọi không đúng Khẩu quyết? Nghe Ferrao này.
Sự bực dọc của Mowgli gần như tan biến. Chú nằm ngả lưng, tay kê xuống dưới đầu, mắt nhắm nghiền.
- Tôi không biết, và cái đó đối với tôi cũng vậy thôi – Chú nói như trong mơ – Ta ngủ thôi, Bagheera. Tim tôi nặng nề. Hãy làm cho tôi một cái gối.
Con Báo lại nằm xuống và buột ra một tiếng thở dài vì nó nghe thấy Ferrao tập dượt và lại bắt đầu một cách hăng hái hơn cho bài hát Mùa Thay Giọng, như chúng thường gọi.
Trong Rừng già Ấn Độ, các mùa lướt theo nhau gần như không có đoạn chuyển tiếp. Dường như chỉ có hai mùa – Mùa Mưa và Mùa Khô – nhưng nếu chăm chú quan sát, các bạn sẽ nhận thấy, dưới những trận mưa như thác đổ, những đám mây bụi và những màu xanh bị rang khô, người ta có thể phát hiện ra cả bốn mùa nối tiếp nhau theo thứ tự quen thuộc của chúng. Mùa Xuân là mùa kì diệu nhất, vì phận sự của nó không phải là trải những thảm hoa mới lên những cánh đồng trơ trụi, mà là xua đuổi, gạt ra cả đống những thứ nửa xanh nửa vàng cứ quyến luyến không muốn chết, những thứ mà mùa đông dịu dàng đã để cho sống, và làm sao cho mặt đất già nua, được che phủ nửa chừng, tự cảm thấy mình một lần nữa lại mới mẻ, trẻ trung. Và bổn phận ấy, mùa xuân hoàn thành tốt đẹp đến nỗi trên đời chẳng có mùa xuân nào sánh được với mùa xuân của Rừng.
Có những ngày mọi vật hiện ra lồ lộ, ngay cả những mùi hương được không khí nặng nề đưa đi cũng lê lết già nua và không sức sống. Người ta không giải thích được, nhưng người ta cảm thấy như thế. Rồi lại đến những ngày – bề ngoài thì thấy chẳng có gì thay đổi – mọi hương thơm đều mát rượi và dịu ngọt, Cư dân của Rừng cảm thấy những sợi ria của chúng run rẩy đến tận chân, và lớp lông mùa đông tưa ra thành những chùm dài bên mạn sườn. Đôi khi có một chút mưa rơi, và những cây cối, bụi bờ, tre nứa, rêu xanh và những cây thân thảo lá mọng nước đều thức tỉnh trong cơn dâng nhựa mà người ta tưởng chừng có thể nghe tiếng, và phối với tiếng ấy, ngày đêm rì rầm giọng trầm của một con ong đất đực. Tiếng Mùa Xuân là thế đó – nhịp rung mãnh liệt không phải từ ong hay thác đổ, cũng chẳng phải từ gió chạy trên ngọn cây, mà chỉ đơn giản là tiếng thì thầm khoái lạc của thế giới hân hoan trong hơi ấm và thái dương.
Trước cái năm ấy Mowgli bao giờ cũng thích những lúc chuyển mùa. Thông thường chính chú là người phát hiện ra bông Mắt Mùa Xuân đầu tiên vùi dưới cỏ và dải mây xuân đầu tiên chẳng giống một thứ gì khác trong Rừng. Người ta có thể nghe thấy tiếng chú ở tất cả những chỗ ẩm ướt đầy hoa và ánh sao, đang tăng cường cho dàn hợp xướng của những con ếch đại hay nhại giọng lũ cú mèo rúc trong đêm.
Do bắt chước các thú vật, mùa xuân là mùa những cuộc chạy rông ưa thích của chú – vượt ba bốn mươi hay năm mươi dặm từ lúc hoàng hôn đến khi sao mọc, chỉ để tìm niềm vui trong cái việc chạy xẻ không khí ấm áp, rồi trở về, thở dốc, tươi cười, đầu đội những vòng hoa lạ. Bộ Bốn không theo chú trong những cuộc chạy chơi cuồng say băng qua Rừng ấy, mà chúng bỏ đi hát xướng với những con sói khác. Những Cư dân của Rừng rất bận rộn trong mùa xuân, và Mowgli nghe thấy tiếng chúng gầm gừ, la hét hay huýt lên tuỳ theo từng loài. Giọng chúng vào lúc này khác hẳn những lúc khác trong năm, và đó là một trong những lý do người ta gọi mùa xuân là Mùa Thay Giọng.
Nhưng mùa xuân ấy, như chú nói với Bagheera, chú cảm thấy trong ngực một trái tim mới mẻ. Ngay hôm nhìn thấy những chồi tre ngả màu nâu lốm đốm, chú đã bắt đầu đợi cái buổi sáng mà các mùi hương thay đổi. Nhưng khi buổi sáng ấy tới, lúc con công Mao chói lọi màu đồng, màu da trời và màu vàng kim cao giọng báo tin suốt dọc những khu rừng sương phủ và Mowgli mở to miệng để lặp lại tiếng kêu ấy, thì âm thanh tắc nghẽn trong cổ họng chú, và chú cảm thấy từ đầu ngón chân cho đến từng chân tóc tràn ngập một cảm giác khổ sở sâu xa, đến mức chú phải tự kiểm tra rất cẩn thận xem mình mình có đạp phải gai gì không.
Mao kêu lên báo những mùi hương mới, những con chim lặp lại tiếng gọi, và Mowgli nghe thấy giọng khàn khàn của Bagheera từ phía những tảng đá trên sông Waingunga – một thứ âm thanh nửa như tiếng đại bàng kêu, nửa như tiếng ngựa hí. Những tiếng chí choé, một đàn Bandar-log chạy, lay động những cành cây đầy lộc trên đầu Mowgli – chú đang đứng đó để đáp lời Mao, lồng ngực căng phồng đang co lại theo nhịp từng hơi không khí bị nỗi khổ sở tràn ngập kia xua đuổi thoát ra ngoài.
Chú nhìn quanh, nhưng không thấy gì ngoài những con khỉ chạy rào rào qua cây cối, và Mao, đuôi xoè tung hết vẻ huy hoàng, đang múa dưới dốc núi.
- Những mùi hương đã thay đổi. Chúc đi săn may mắn, chú em. Chúc cuộc săn tốt đẹp – Tril, con Diều hâu cùng bạn gái của nó huýt lên và sát cánh nhau trong một đường bay xéo rất dài qua không gian. Cả hai nhào xuống trước mũi Mowgli gần đến nỗi một túm lông tơ trắng bay vụt lên.
Một trận mưa xuân nhè nhẹ - mưa voi, như chúng thường gọi – bay qua Rừng trong vòng nửa dặm, để lại đằng sau nó những chiếc lá non đẫm nước vừa nhảy nhót vừa nhỏ nước, rồi tan biến trong một chiếc cầu vồng kép và một tiếng sấm rền khe khẽ. Tiếng rì rào của mùa xuân bùng lên trong một phút rồi tắt lịm, nhưng tất cả các Cư dân của Rừng hình như cất tiếng cùng một lượt – tất cả - trừ Mowgli.
- Mình có ăn phải thứ gì độc đâu – Chú tự nhủ - Nước mình uống là nước lành. Cổ họng mình không bỏng rát mà cũng chẳng thít lại như ngày mình cắn vào cái rễ cây lốm đốm xanh mà con rùa Oo bảo ăn rất ngon. Thế mà trái tim mình nặng trĩu, và chẳng duyên chẳng cớ, mình đã đáp lời Bagheera và những người khác một cách dở ẹc, đối với Cư dân của Rừng cũng như đối với bạn bè mình. Với lại, mình thấy trong người hết nóng lại lạnh, hết lạnh lại nóng, hoặc có khi không nóng không lạnh thì mình lại cảm thấy bất mãn chẳng biết vì sao. Ô hô! Thật đã đúng lúc làm một cuộc chạy mùa xuân, chạy đến tận vùng đầm lầy phía Bắc và trở lại. Bộ Bốn sẽ đi với mình, dạo này chúng đã béo mẫm như những con giun trắng.
Chú gọi, nhưng không con nào trong bộ Bốn đáp lời. Chúng đã ở rất xa, ngoài tầm gọi, chúng đang lặp lại những khúc Xuân Ca – khúc hát Trăng và khúc hát Sambhur – cùng với những con sói trong Bầy, vì vào mùa xuân, các Cư dân của Rừng không hề phân biệt ngày với đêm. Chú cất tiếng sủa khẩn cấp trong lời gọi thân thuộc và chỉ được trả lời bằng tiếng miao chế giễu của con mèo rừng nhỏ lông lốm đốm đang trườn mình giữa những cành cây tìm các tổ chim kết sớm. Thế là chú run rẩy toàn thân vì giận dữ và rút dao ra đến nửa chừng. Rồi chú làm ra vẻ cao ngạo, tuy chẳng có ai ở đó nhìn chú, và vênh mặt nhíu mày, chú bước từng bước nặng nề đi xuống sườn núi. Nhưng không ai trong số anh em của chú hỏi han chú lấy một câu, tất cả còn bận bịu những công chuyện riêng của họ.
- Thế đấy! – Mowgli tự nhủ, dù trong thâm tâm chú cảm thấy mình vô lý – Khi loài Dhole từ Dekkan tới, hay Hoa Đỏ nhảy nhót trong những bụi tre, thì cả Rừng chạy tới thút thít dưới chân mình và tặng mình những danh hiệu lớn lao của loài Voi. Nhưng đến lúc Mắt Mùa Xuân nở đỏ, con Mao trưng hai cái cẳng trụi lông, đúng thế, trong một điệu múa xuân nào đó, là cả Rừng phát rồ y hệt như Tabaqui… Thề có con Trâu Mộng chuộc mạng ta, ta có phải là Chúa Tể của Rừng nữa hay không? Im đi, các người làm gì đó?
Hai con sói non trong Bầy phóng xuống một lối mòn tìm một quãng trống để đánh nhau (nên nhớ rằng Luật Rừng cấm quyết đấu trước mặt Bầy). Lông cổ chúng cứng như dây thép và chúng sủa dữ dội, con nọ bò về phía con kia, rình cơ hội giành lấy ưu thế của đòn cắn trước.
Mowgli chỉ nhảy chồm lên một cái đã mỗi tay nắm lấy một cổ họng đang vươn ra, chú toan quật ngã hai con vật như chú đã nhiều lần làm lúc chơi đùa hay đi săn với Bầy. Nhưng chưa bao giờ chú can thiệp vào trận quyết đấu mùa xuân. Hai con sói lao lên phía trước, hất chú sang bên cạnh mạnh đến nỗi chú ngã nhào, rồi không một lời vô ích, chúng quấn tròn lấy nhau.
Đúng lúc sắp ngã thì Mowgli đứng thẳng lên được. Dao tuốt trần, răng nhe ra trắng nhởn, vào phút này chú có thể giết chết cả hai con, không cần duyên cớ, chỉ đơn giản vì chúng đánh nhau khi chú muốn chúng dàn hoà, dẫu rằng Luật đã đảm bảo toàn quyền cho mọi con sói được tự do giao đấu.
Chú nhảy tới nhảy lui xung quanh chúng, hai vai thu lại, bàn tay run lên sẵn sàng tung ra một đòn xung kích ngay lúc chúng hạ cơn sốt của đợt xung phong đầu tiên. Nhưng trong khi chờ đợi, sức lực bỗng như rời khỏi thân thể chú, mũi dao hạ xuống, chú tra nó trở vào bao và đứng ngây ra đó.
- Mình đã ăn phải chất độc – Cuối cùng chú nói – Từ lúc mình giải tán Hội Đồng bằng những bông Hoa Đỏ, từ lúc mình giết Shere Khan, trong Bầy không kẻ nào dám gạt mình ra một bên. Mà hai con này chỉ là những con sói hạng chót, những thợ săn nhỏ xíu. Sức lực mình đã bỏ đi mất rồi, mình sắp chết đây. Ôi! Mowgli! Tại sao ngươi lại không giết cả hai chúng nó?
Cuộc vật lộn vẫn tiếp diễn mãi đến khi một trong hai con sói bỏ chạy, và Mowgli ngồi lại một mình trên đám cỏ bị dẫm đạp be bét máu, ánh mắt chú lướt từ con dao xuống hai cẳng chân, rồi từ hai cẳng chân lên hai cánh tay, trong khi cái cảm giác khổ sở ấy, cái cảm giác từ trước đến giờ chú chưa hề biết tới, đè ngập cả người chú, như nước phủ lên một thân cây nổi bập bềnh.
Tối hôm ấy chú giết mồi rất sớm và ăn rất ít để khoẻ khoắn bước vào cuộc chạy mùa xuân, và chú ăn một mình, vì tất cả các Cư dân của Rừng đang ở tận đẩu tận đâu để hát hỏng và đánh nhau. Đó là một trong những đêm trắng tuyệt vời như chú thường gọi.
Tất cả cỏ cây mới từ sáng đến giờ mà như đã lớn lên qua một tháng. Cũng cành cây ấy ngày hôm trước còn mang những lá vàng mà bây giờ đã chảy nhựa khi Mowgli làm gãy. Những lớp rêu dày và ấm lăn xoăn dưới chân chú, cỏ non chưa bị cắt, và tất cả các giọng nói của Rừng gầm gừ như một sợi dây trầm của cây thụ cầm mà mặt trăng chạm vào – mặt trăng đầy của Mùa Thay Giọng tuôn ánh sáng tung toé trên mỏm đá và mặt ao, lướt đi giữa thân cây và dây leo, lọc qua triệu triệu chiếc lá. Đang đau khổ là thế mà Mowgli cũng hát vang lên vì hân hoan lúc cất bước lên đường. Bước đi của chú giống điệu bay của một con chim lớn, vì chú đã chọn lối dốc dài dẫn đến vùng Đầm Lầy phía Bắc qua chính giữa lòng Rừng, ở đó đất dẻo quẹo làm nhẹ bớt tiếng chân chú. Một kẻ lớn lên giữa loài người mà mở một lối đi qua đó thì cứ gọi là mỗi bước một vấp xiêu vấp té trong ánh trăng lừa dối, nhưng những bắp chân của Mowgli được rèn luyện qua nhiều năm thử thách đã đưa chú đi nhẹ tựa lông hồng. Khi một khúc gỗ mục hay một hòn đá không nhìn thấy xoay dưới chân chú, chú lấy lại thăng bằng mà không hề chậm bước, không cần cố gắng, một cách vô thức. Lúc nào chạy trên đất thấy mệt, chú nắm lấy sợi dây leo gần nhất, theo kiểu loài khỉ, và hình như chú nổi lên chứ không phải là trèo lên những cành cây mảnh, từ đó chú phăng đường qua những ngọn cây, cho đến lúc, theo cơn hứng mới, chú ném người, vạch một đường cong dài lao xuống giữa lớp lá và lại đặt chân trên mặt đất. Có những khoảng đất trũng nóng ấm và lặng lẽ, vây quanh là những tảng đá ẩm ướt, ở đó chú thấy khó thở vì không khí ngột ngạt mùi hương của những loài hoa đêm và những nụ đang nở dọc những sợi dây rừng, có những con đường rộng tối tăm, trên đó ánh trăng lặng ngủ vạch những dải sáng đều đặn y như sàn đá hoa trong chính điện một nhà thờ, những khu rừng rậm, ẩm ướt, có những cây non cao đến nửa người chú, cành lá quấn chặt quanh mình chú và những đỉnh đồi đội những tảng đá vỡ mà chú nhảy từ tảng này sang tảng nọ, bên dưới là hang hốc của lũ cáo non khiếp hãi. Đôi khi chú nghe thấy từ rất xa tiếng trúc – trúc yếu ớt của một con lợn rừng đang mài nanh trên một khúc gỗ, và một lúc sau, chú chạm trán con thú lớn cô độc đang cày xới và rứt xé lớp vỏ đỏ của một cái cây, mõm sùi bọt và mắt như hai ngọn lửa. Hoặc chú quành một đoạn khi nghe lách cách những tiếng sừng giữa những tiếng gầm gừ rin rít, và vượt qua một tốp Sambhur hung dữ đang chạy xiêu vẹo đây đó, đầu chúi thấp, mình loang lổ những vệt máu đen sì dưới ánh trăng. Hoặc nữa, trong những đợt thác của một dòng sông cạn, chú nghe thấy Jacala, con Cá Sấu rống lên như bò mộng, hay là chú giẫm phải một nùi rắn độc, nhưng chúng chưa kịp mổ thì chú đã chạy xa, qua phía bên kia những dải đá cuội lấp lánh và lại lao vào chính giữa lòng Rừng.
Chú cứ chạy như thế, lúc thì la hét, lúc thì hát một mình như một kẻ sung sướng nhất đêm nay trong số các sinh linh của Rừng, cho tới khi hương các loài hoa báo cho chú biết là chú đang đến gần vùng Đầm Lầy trải dài bên ngoài bán kính những chuyến đi săn xa nhất của chú.
Ở đây nữa, một con người lớn lên giữa đồng loại của mình sẽ lún đến tận cổ ngay sau bước chân thứ ba, nhưng chân của Mowgli có mắt, chúng đưa chú từ bụi này sang bụi khác, từ một mô đất lung lay này sang một mô đất lung lay khác mà không cần sự hỗ trợ của đôi mắt trên đầu. Chú tiến về phía giữa đầm lầy, làm hoảng sợ những con vịt bay ngang, và ngồi trên một thân cây rêu phong nổi trên mặt nước đen sì. Đầm lầy đang thức khắp bốn xung quanh và suốt đêm những đàn chim qua lại rạch nát không trung. Không ai để ý đến Mowgli, chú ngồi giữa đám sậy lớn đang thì thầm những bài hát không lời và kiểm tra lòng bàn chân màu nâu chai cứng xem tình cờ có còn cái gai nào sót lại ở đấy không. Chú như đã bỏ lại phía sau, trong Rừng, tất cả nỗi phiền muộn của mình và bắt đầu một bài ca, thì bỗng tất cả lại trở lại – mười lần tệ hơn trước. Bất hạnh lại chồng thêm: mặt trăng vừa lặn.
Lần này thì Mowgli quị hẳn.
- Ở đây vẫn có cái ấy! – Mowgli nói không thành tiếng – Cái ấy nó theo mình.
Và chú ngoái nhìn qua vai xem có phải cái ấy đứng sau lưng mình không.
- Chẳng có ai ở đây cả.
Những tiếng động ban đêm tiếp tục trong đầm lầy, nhưng không thú, không chim nào nói với chú, và một lần nữa cảm giác khổ sở lại dâng lên.
- Mình đã ăn phải chất độc – Chú nói bằng một giọng kinh hoàng – Phải, mình đã vô ý ăn phải chất độc, và sức lực đã bỏ mình mà đi – mình đã sợ - tuy nhiên không phải chính mình sợ - Mowgli đã sợ khi hai con sói đánh nhau. Nếu là Akela hay Phao, thì họ đã tách chúng ra, thế mà Mowgli đã sợ. Đó là một bằng chứng chắc chắn cho thấy mình đã ăn phải chất độc. Nhưng đối với các Cư dân của Rừng, thì có hề gì! Chúng hát, chúng hét, chúng đánh nhau và chạy từng đàn dưới trăng, còn mình? – Mình sắp chết trong đầm lầy vì ăn phải chất độc.
Chú mủi lòng cho chính mình đến mức sắp khóc oà lên.
- Và sau đó – Chú tiếp tục – chúng sẽ tìm thấy mình nằm sóng soài trong lòng nước đen sì. Không, mình phải quay về Rừng của mình và chết trên Phiến Đá Hội Đồng, và bên cạnh Bagheera mà mình yêu quí, nếu như anh ấy không đang gầm gừ trong thung lũng, thì có lẽ Bagheera sẽ canh giữ những gì còn lại, kẻo Tril sẽ đối xử với mình như hắn đã làm với Akela.
Một giọt nước mắt to và ấm rơi, tan trên đầu gối chú, và, tuy đau khổ là thế, Mowgli lại cảm thấy sung sướng vì đã đau khổ đến mức ấy, nếu như các bạn có thể hiểu được cái kiểu hạnh phúc ngược đời đó.
- Như là Tril, con Diều Hâu, đã làm với Akela – Chú nhắc lại – Cái đêm mà mình cứu Bầy Sói khỏi hoạ Chó Đỏ.
Chú yên lặng một lát, suy nghĩ đến những lời cuối cùng của Sói Độc, những lời mà chắc các bạn còn nhớ.
- Tuy nhiên trước khi chết, Akela đã nói với mình nhiều điều vô lý. Khi người ta chết thì ý nghĩa thay đổi cả. Lão bảo mình “… Ta cũng thuộc về Rừng không kém”.
Trong cơn kích thích vì kỉ niệm của trận chiến bên bờ sông Waingunga, chú buột nói to lên những lời cuối cùng, và giữa đám cói hoang, một con trâu rừng cái quì chồm hổm lên, khịt khịt.
- Một Con Người!
- Ùi! – Mysa, con Trâu Rừng nói (Mowgli nghe tiếng nó quay mình lại trong bùn) – Đó không phải là Người. Chỉ là con sói trần trụi trong bầy Seeonee. Những đêm như đêm nay, hắn cứ chạy lăng xăng đây đó.
- Ùi! – Con cái vừa nói vừa gục đầu xuống gặm cỏ - Tôi tin rằng đó là Người.
- Ta bảo không phải! Ê, Mowgli, có gì nguy hiểm đấy? – Mysa ọ ọ.
- Ê, Mowgli, có gì nguy hiểm đấy? – Chú bé nhắc lại một cách giễu cợt – Đó là tất cả những gì mà Mysa nghĩ. Có gì nguy hiểm? Nhưng còn việc Mowgli chạy khắp Rừng trong đêm, thức chong chong, thì không kẻ nào bận tâm đến.
- Sao mà hắn kêu to thế? – Con Trâu Cái nói.
- Thế đấy! – Mysa trả lời vẻ khinh khi – Những kẻ bứt cỏ lên rồi không biết làm sao ăn thì kêu như thế đấy.
- Chưa cần đến như thế - Mowgli rên rỉ rất khẽ - chưa cần đến như thế, nếu vào mùa mưa vừa rồi mình đã đâm vào hông Mysa, ném hắn ra khỏi cái lỗ bùn của hắn, mình đã cưỡi lên lưng và dùng sợi cói làm dây cương rượt hắn chạy rông khắp đầm lầy.
Chú soài tay ra bẻ một cây sậy đầy lông, nhưng rồi lại buông tay xuống với một tiếng thở dài. Mysa, không hề cảm động, tiếp tục nhai lại và cỏ kêu rào rạo ở chỗ con trâu cái đang gặm.
- Mình không muốn chết ở đây – Mowgli nghĩ một cách giận dữ - Mysa của loại máu với Jacala và loài lợn, hắn sẽ nhạo cười mình. Hãy qua bên kia đầm lầy xem ở đấy có chuyện gì. Mình chưa bao giờ có một cuộc chạy mùa xuân như thế này: vừa nóng lại vừa lạnh. Đi nào, Mowgli!
Không cưỡng nổi sự cám dỗ, chú trườn qua bụi tre đến chỗ Mysa, đâm cho nó một mũi dao. Con trâu mộng ròng ròng nước vọt ra khỏi cái lỗ như một quả đạn nổ, trong khi Mowgli cười ngặt nghẽo đến nỗi phải ngồi sụp xuống.
- Bây giờ thì ngươi có thể nói con sói trần trụi của bầy Seeonee đã rượt ngươi, Mysa! – Chú la lên.
- Một con sói! Mi ấy à? – Con trâu mộng vừa khịt khịt vừa dậm chân trong bùn - Tất cả Rừng đều biết mi là một thằng chăn gia súc – một Thằng Người ranh, giống như những kẻ kêu la trong đám bụi đất ở đằng kia, cạnh những đám hoa màu. Mi mà thuộc về Rừng! Thợ săn mà trườn như một con rắn ở giữa đám đỉa, và bằng một ngón bẩn thỉu – ngón của chó rừng – đã làm nhục ta trước bà nhà ta? Hãy ra chỗ đất cứng, để ta, để ta…
Mysa sùi bọt mép, vì lẽ trong Rừng không có ai xấu nết hơn nó.
Mowgli nhìn nó thở phì phì mà ánh mắt chú không thay đổi. Khi thấy nó có thể nghe được tiếng mình qua tiếng bùn tung toé, chú hỏi:
- Có Bầy Người nào sống gần đây, cạnh đầm lầy, Mysa? Khu rừng này lạ lẫm với ta lắm.
- Đi lên phía Bắc – con Trâu Mộng giận dữ rống lên, vì Mowgli đã đâm nó khá mạnh – Đó là ngón nghề của đồ chăn bò trần truồng. Hãy đi mà kể với lũ làng ở cuối đầm lầy.
- Các Bầy Người không thích nghe chuyện Rừng, và Mysa ạ, chắc chắn họ chả bõ công tập họp cả một Hội Đồng vì việc thêm hay bớt một vết xước trên da ngươi. Nhưng ta sẽ đi liếc qua ngôi làng này một cái. Phải, ta sẽ đi. Giờ thì yên đi. Chúa Rừng không phải đêm nào cũng chạy đến để canh chừng ngươi.
Chú đặt chân lên khoảng đất rung rinh viền quanh đầm lầy, chắc chắn rằng Mysa sẽ chẳng bao giờ tấn công mình trên một địa bàn như thế, và vừa chạy, chú vừa cười khi nghĩ đến con Trâu Mộng đang nổi giận.
- Sức lực của mình chưa bỏ đi hết – Chú nói – Có thể chất độc chưa ngấm đến xương. Kìa, có một ngôi sao đằng kia, ở cuối chân trời.
Chú chụm tay thành hình phễu để ngắm ngôi sao.
- Thề có con Trâu Mộng chuộc mạng ta, đó là Hoa Đỏ - Hoa Đỏ mà trước đây ta đã ngủ gần bên – trước cả khi đến với Bầy Sói đầu tiên ở Seeonee! Giờ đã trông thấy nó, thì đi không còn xa nữa.
Khúc cuối đầm lầy mở ra một cánh đồng rộng, ánh sáng nhấp nháy ở phía ấy. Đã lâu Mowgli không quan tâm đến những hành vi cử chỉ của Con Người, nhưng đêm hôm nay, ánh Hoa Đỏ hấp dẫn chú như một con mồi mới.
- Mình sẽ đi xem – Chú nói – Cho biết Bầy Người có gì thay đổi không.
Quên phắt là không còn ở trong Rừng, nơi chú có thể hành động tuỳ thích, chú vô tư đạp lên lá cỏ trĩu sương, đến tận cái lều lung linh ánh sáng. Ba bốn con chó lên tiếng hú vì chú đã đến địa giới của ngôi làng.
- Chà! – Mowgli nói, chú ngồi xổm xuống, đáp lại bằng một tiếng chó sói gằn gừ đùng đục để làm câm họng mấy con chó dữ - Mowgli, mi còn dính dáng gì nữa với những nơi con người ở kia chứ?
Chú đưa ngón tay lên miệng, chỗ nhiều năm về trước một hòn đá đã đập vào, cái ngày Bầy Người xua đuổi chú.
Cửa lều mở ra, và trên ngưỡng cửa, một người đàn bà ngoái lại nói:
- Một con chó rừng làm lũ chó nhà thức dậy đấy mà. Ngủ đi con. Chỉ một lúc nữa thôi là trời sáng.
Ngồi trong đám cỏ, Mowgli bỗng run lên như phải cảm. Chú biết rõ giọng nói này, như để cho chắc, chú gọi khe khẽ và bất ngờ khi nghe thấy tiếng nói của Loài Người trở lại với mình dễ dàng đến thế:
- Mẹ Messua! Mẹ Messua ơi!
- Ai gọi đấy? – Người đàn bà hỏi, giọng run run.
- Mẹ quên rồi à? – Mowgli hỏi, cổ họng chú se lại.
- Nếu là con thì ta đã đặt cho con tên là gì? Trả lời đi.
Bà đã khép cửa lại đến nửa chừng và bàn tay nắm lại để trên ngực.
- Nathoo! Mẹ ơi, Nathoo! – Mowgli đáp
Vì, như các bạn đã biết, đó là tên bà Messua đặt cho chú khi lần đầu tiên chú đến với Bầy Người.
- Lại đây, con ta ơi! – Bà nói.
Và Mowgli, bước một chân vào vùng sáng, thấy mình đứng trước mặt bà Messua, người đàn bà đã đối xử rất tốt với chú và đã được chú cứu thoát khỏi tay Bầy Người từ ngày lâu lắm rồi. Bà đã già đi nhiều và tóc đã ngả màu tro, nhưng đôi mắt và giọng nói thì không thay đổi. Với bản chất người phụ nữ bà trông đợi sẽ thấy lại Mowgli y như lúc bà xa chú, và ánh mắt bà bối rối lướt từ ngực đến đầu chú, cái đầu chạm đến khung cửa.
- Con tôi! – Bà ấp úng.
Và ngã xuống dưới chân chú.
- Nhưng đây không còn là con tôi nữa. Đó là một vị Thần Rừng trẻ tuổi! Ahai!
Đứng trong ánh đèn đỏ đòng đọc, cao lớn, khoẻ mạnh và đẹp đẽ, mớ tóc đen dài quét vai, con dao đeo trên cổ và đầu đội một vòng hoa nhài trắng, chú dễ dàng được người ta coi là một vị thần rừng trong truyền thuyết về Rừng. Thằng bé đang ngủ thiu thiu trong nôi bỗng trỗi dậy, kinh hãi hét đến chói tai. Bà Messua quay lại để dỗ nó trong khi Mowgli cứ đứng im, từ phía ngoài ngắm nghía những nồi niêu lu hũ và mọi đồ dùng khác của Con Người mà chú ngạc nhiên thấy mình nhận lại được dễ dàng đến thế.
- Con muốn ăn hay uống thứ gì? – Bà Messua thì thầm – Tất cả ở đây là của con. Chúng ta đã chịu ơn cứu mạng của con. Nhưng có phải con đúng là đứa bé mà ta gọi là Nathoo, hay thật ra con là một vị thần?
- Con là Nathoo – Mowgli trả lời – Chỗ này rất xa nơi con ở. Con đã trông thấy ánh lửa này và tìm đến tận đây. Con không ngờ là sẽ thấy mẹ ở đây.
- Khi từ Khanhiwara trở về, chúng ta không tìm thấy cái làng cũ đâu nữa. Thế là chồng ta ra đồng làm lụng, và cuối cùng vì ông thực sự là một người đàn ông cường tráng, chúng ta đã có được một ít ở đây. Đất không tốt bằng đất ở làng cũ, nhưng chúng ta đâu có cần gì nhiều…
- Người đàn ông đêm hôm ấy đào một cái lỗ trong cát bụi, ông ấy đâu rồi?
- Chết rồi – đã được một năm.
- Còn nó? – Mowgli chỉ thằng bé.
- Đó là đứa con trai ta sinh đã được hai mùa mưa. Nếu con là một vị thần, con hãy ban cho nó ân huệ của Rừng, để nó có thể yên lành đi giữa họ hàng của con, giống như chúng ta đã đi đêm hôm ấy.
Bà bế đứa bé lên, nó đã quên cả sợ, ngã người xuống để nghịch con dao lủng lẳng trên ngực Mowgli. Và Mowgli nhẹ nhàng đẩy những ngón tay bé nhỏ ra.
- Và nếu con đúng là Nathoo mà hổ đã tha đi – bà nói tiếp với một giọng nức nở - thì đó là em trai của con. Con hãy ban cho nó lời chúc phúc của một người Anh Cả.
- Hai-mai! Con biết gì về cái mà mẹ gọi là chúc phúc đâu? Con không phải Thần cũng chẳng phải anh nó, và – mẹ ơi mẹ, tim con sao mà nặng trĩu.
Chú run lên, đặt đứa bé nằm lại.
- Điều ấy không có gì lạ - bà Messua vừa nói vừa xăng xái quanh những cái nồi – Đấy là do chạy qua đầm lầy ban đêm. Không nghi ngờ gì nữa, con bị cái lạnh nhiễm vào đến tuỷ rồi.
Mowgli hơi mỉm cười trước ý tưởng trong Rừng có thứ gì đó có thể làm cho chú đau ốm.
- Ta đi nhóm lửa, pha sữa nóng con uống nhé. Cất vòng hoa nhài đi con, trong căn nhà nhỏ này mùi nó ngột ngạt lắm.
Mowgli ngồi xuống, môi mấp máy, hai tay ôm đầu. Tất cả cảm giác lạ lùng chạy khắp người chú, giống hệt như khi bị ngộ độc, và chú cảm thấy mình choáng váng và hơi ốm. Chú uống sữa nóng từng hơi dài, trong khi bà Messua lúc lúc lại vỗ lên vai chú tự hỏi không biết đây có phải là Nathoo con mình từ những ngày xa xưa hay một tạo vật thần kỳ nào của Rừng, nhưng dẫu sao bà cũng hài lòng được thực sự cảm thấy nó bằng xương bằng thịt.
- Con ơi – Cuối cùng bà nói, hai mắt đầy vẻ kiêu hãnh – có lúc nào người ta bảo con rằng con rất đẹp so với tất cả đám con trai không?
- Sao cơ? – Mowgli hỏi, dĩ nhiên là chú chưa bao giờ nghe thấy cái gì như thế.
Bà Messua buột ra khe khẽ một tiếng cười hạnh phúc. Ánh mắt rạng rỡ trên gương mặt Mowgli cũng đủ khiến bà vui.
- Thế ra ta là người đầu tiên đã khen con? Đúng thế đấy, tuy hiếm khi có một người mẹ nói với con những điều ấy. Con đẹp trai lắm. Ta chưa từng thấy một người đàn ông nào như con.
Mowgli quay đầu lại, tìm cách tự nhìn mình qua bờ vai nổi bắp, và bà Messua lại cười, cười mãi, đến nỗi Mowgli, không hiểu tại sao, cũng phải bật cười với bà, và thằng bé cũng vừa chạy từ người này sang người kia vừa cười khanh khách.
- Không, không được chế nhạo anh mày – bà Messua vừa nói vừa bế đứa bé lên ngực – Bao giờ mày đẹp bằng một nửa anh mày, chúng ta sẽ cưới cho mày cô con gái út của nhà vua, và mày sẽ trèo lên lưng những con voi to tướng.
Mowgli không hiểu nổi cách nói ấy, dù là câu được câu chăng. Sữa nóng đã gây hiệu quả với chú sau một cuộc chạy bốn mươi dặm, cho nên, người cuộn tròn, ngay một phút sau là chú ngủ li bì. Bà Messua vén tóc chú lên khỏi mắt và đắp một chiếc chăn lên mình chú. Bà cảm thấy mình hạnh phúc.
Theo kiểu Rừng, chú ngủ nốt đêm ấy và kéo đến hết cả ngày hôm sau, và linh tính của chú, vốn không bao giờ ngủ hoàn toàn, báo cho chú biết rằng chú chả có gì để sợ.
Cuối cùng chú bừng tỉnh, chồm lên một cái làm rung chuyển cả căn lều, vì vải trùm lên mặt làm chú mơ thấy những cái bẫy. Chú cứ đứng đấy, tay đặt vào con dao, đảo đôi mắt còn nặng trĩu vì ngái ngủ đề phòng mọi bất trắc.
Bà Messua bật cười và đặt bữa ăn tối trước mặt chú. Chỉ có vài cái bánh nướng mộc oi khói, một ít cơm, với mứt me chua – vừa đủ lót dạ chú cho tới khi chú hạ con mồi buổi tối. Mùi sương ngoài đầm lầy khiến chú cảm thấy đói bụng và xao xuyến. Chú đã muốn hoàn thành cuộc chạy mùa xuân, nhưng thằng bé con nằn nèo nằm lại trong lòng chú, và bà Messua nhất định chải mái tóc dài đen nhánh của chú. Bà vừa chải vừa hát những khúc hát trẻ con vô nghĩa, lúc thì gọi Mowgli là con, lúc thì yêu cầu chú san sẻ cho thằng bé một ít quyền lực của chú đối với Rừng.
Tuy cửa lều đóng kín mít, Mowgli vẫn nghe rõ một tiếng động mà chú biết rất rõ, và chú thấy bà Messua há miệng ra với một vẻ khiếp hãi, trong khi một cái cẳng to màu xám cào cào dưới cửa và Xám Anh ở bên ngoài phát ra một tiếng rên rỉ nghẹn ngào, trong đó có sự hối hận, nỗi lo âu và sợ hãi.
- Cứ đợi ngoài ấy. Lúc ta gọi thì ngươi không đến – Mowgli nói bằng ngôn ngữ của Rừng mà không quay đầu lại.
Vừa dứt lời, cái cẳng to màu xám biến mất.
- Đừng đem… đừng đem bọn… bọn đầy tớ của con đến – Bà Messua nói – Ta… chúng ta bao giờ cũng sống hoà thuận với Rừng.
- Yên lành cả mà – Mowgli vừa nói vừa đứng dậy – Mẹ hãy nhớ cái đêm trên đường đi Khanhiwara. Có đến hàng hai chục con trong bọn ấy đi trước và đi sau mẹ. Nhưng con thấy rằng, ngay cả trong mùa xuân, Nòi Giống Tự Do không phải bao giờ cũng quên. Mẹ, con đi đây.
Bà Messua rụt rè tránh ra – bà nghĩ, đó là một vị Thần Rừng – nhưng khi tay chàng trai trẻ chạm vào cửa, người mẹ trong bà xô bà tới bíu lấy cổ Mowgli, bà say mê ghì chặt chú nhiều lần.
- Hãy trở lại – Bà thì thầm bên tai chú – Phải con ta hay không phải, con cũng trở lại nhé, vì ta yêu con, và con trông kìa, nó cũng buồn đấy.
Thằng bé khóc vì người đeo con dao sáng loáng bỏ đi.
- Hãy trở lại! – Bà Messua lặp lại – Bất cứ đêm hay ngày, với con, cánh cửa này không bao giờ đóng.
Cổ họng Mowgli run rẩy như bị ai rút gân, và chú trả lời bằng một giọng hình như phải hết sức mới bật ra được:
- Chắc chắn con sẽ trở lại.
- Và bây giờ - Chú vừa nói vừa gạt cái đầu mơn trớn của con sói trên ngưỡng cửa – Xám Anh, tôi có một điều trách cứ đối với anh. Tại sao các anh không đến, cả bộ Bốn, tôi gọi từ bao nhiêu lâu nay rồi.
- Từ bao nhiêu lâu nay? Mới từ đêm qua mà. Tôi, chúng tôi bận hát những Bài Hát mới trong Rừng, vì giờ là Mùa Thay Giọng mà. Chú nhớ chứ?
- Phải, phải, tôi biết.
- Và ngay khi xong các bài hát – Xám Anh nói tiếp một cách năn nỉ - là tôi đi theo dấu chú. Tôi bỏ tụi ấy lại đằng kia để đi cho nhanh. Nhưng mà chú em ơi, còn chú, chú đã làm gì vậy? Đó kìa, chú đã ăn, đã ngủ giữa Bầy Người!
- Nếu các anh đến ngay lúc tôi gọi thì việc ấy chẳng bao giờ xảy ra – Mowgli vừa nói vừa chạy nhanh hơn gấp bội.
- Còn bây giờ thì sẽ ra sao? – Xám Anh hỏi.
Mowgli sắp trả lời thì một cô gái quàng một tấm vải trắng đi xuống theo con đường mòn từ bìa làng tới. Xám Anh lập tức khuất dạng, và Mowgli lùi vào giữa đám ruộng lúa mọc cao không một tiếng động. Cô gái đi tới chỉ còn cách một gang tay, thì cây lá đã khép lại che khuất mặt chàng trai, và chàng biến đi như một chiếc bóng. Cô gái kêu lên một tiếng, nghĩ rằng mình vừa thấy một hồn ma, rồi cô buột ra một tiếng thở dài sâu thẳm. Mowgli đứng sau những thân rạ mà chú lấy tay tách ra nhè nhẹ, dõi mắt nhìn theo đến tận lúc cô khuất bóng.
- Bây giờ à? Tôi cũng không biết nữa – Chú nói, và đến lượt chú thở dài – Tôi, tại sao các anh không đến lúc tôi gọi?
- Chúng tôi đi theo chú – Chúng tôi đi theo! – Xám Anh vừa lẩm bẩm vừa liếm gót chân Mowgli – Chúng tôi bao giờ cũng đi theo chú, không kể vào Mùa Thay Giọng!
- Và các anh sẽ theo tôi đến chỗ Bầy Người chứ? – Mowgli hỏi rất khẽ.
- Thì tôi đã chẳng theo chú đến đấy, cái đêm Bầy Sói của xua đuổi chú là gì? Thế ai đánh thức chú dậy lúc chú ngủ trong ruộng hoa màu?
- Phải, nhưng anh sẽ lại làm thế chứ?
- Thì đêm nay tôi đã chẳng theo chú đó sao?
- Phải, nhưng lần khác, lần khác nữa và có thể lại lần khác nữa chứ, Xám Anh?
Xám Anh yên lặng.
Lúc nó cất tiếng trở lại, đó là để lầm bầm một mình:
- Con Đen nói đúng thật!
- Nói làm sao?
- Rằng Người cuối cùng sẽ quay về với Người. Và Raksha, mẹ chúng ta…
- Đó cũng là điều Akela nói vào cái đêm diệt Chó Đỏ - Mowgli lẩm bẩm.
- Cả Kaa nữa, lão khôn ngoan hơn tất cả chúng ta.
- Còn anh, anh nói sao, Xám Anh?
- Ngày xưa họ đã xua đuổi chú với những lời chửi rủa. Họ đã ném đá dập miệng chú. Họ đã bảo Buldeo đi giết chú. Họ đã toan ném chú vào đống Hoa Đỏ. Chính chú chứ không phải tôi đã coi họ là độc ác và điên rồ. Chính chú chứ không phải tôi – vì tôi, tôi thuộc về bà con tôi – đã thả Rừng xông vào họ. Chính chú chứ không phải tôi, đã hát lên những bài hát chống lại họ còn chát chúa hơn cả bài hát chúng ta chống lại loài Chó Đỏ.
- Tôi hỏi anh rằng, anh thì nói sao?
Họ vừa chạy vừa nói chuyện. Xám Anh phóng một lúc mà không trả lời, rồi nó nói, và những bước nhảy của nó như đánh nhịp cho lời nói:
- Chú Người Con – Chúa Rừng – con của Raksha – anh em cùng ổ của tôi – dẫu đôi lúc vào mùa xuân tôi có lãng quên nhưng luôn luôn dấu chân chú là dấu chân tôi, chỗ chú ở là chỗ tôi ở, cuộc săn của chú là của tôi, và cuộc chiến đấu cuối cùng của chú sẽ là của tôi. Tôi nói nhân danh ba đứa kia. Nhưng chú sẽ nói gì với Rừng?
- Đúng lắm. Chờ đợi từ lúc thấy đến lúc đánh là không hay. Chạy lên trước và triệu tập bọn chúng tới Phiến Đá Hội Đồng đi, tôi sẽ nói với chúng điều gì tôi nghĩ trong đầu. Nhưng có thể chúng sẽ không đến – trong Mùa Thay Giọng có thể chúng sẽ quên mất.
- Chứ chú không quên gì hay sao?
Xám Anh vừa ngoái lại phía sau sủa ăng ẳng vừa soãi dài bước phóng. Và Mowgli theo sau, tư lự.
Vào những mùa khác, sự thông báo một tin tức như vậy đã qui tụ tất cả Rừng, con nào con nấy lông cổ dựng đứng, nhưng trong suốt những ngày này chúng đang miệt mài săn bắt, đánh nhau, giết chóc và hát xướng. Xám Anh chạy từ chỗ con này đến chỗ con khác, la lên:
- Chúa Rừng quay về với Con Người. Hãy đến Phiến Đá Hội Đồng!
Các con vật đang sung sướng trả lời lơ đễnh:
- Anh ấy sẽ trở về vào mùa hè nóng bức. Những trận mưa sẽ đưa anh ấy về hang. Đến đây chạy và hát với chúng tôi, Xám Anh.
- Nhưng Chúa Rừng quay về với Con Người! – Xám Anh nhắc lại.
- Ie-Iuaua! Mùa Thay Giọng vì thế mà giảm giá hay sao? – Chúng trả lời.
Vì thế, khi Mowgli lòng nặng trĩu, leo lên qua những tảng đá – đến tận cái nơi người ta đã mang chú ra trước Bầy, chú chỉ thấy có Bộ Bốn, Baloo đã gần như mù vì tuổi tác, và bác Kaa nặng nề có dòng máu lạnh cuộn tròn quanh chỗ ngồi của Akela để trống.
- Dấu chân chú kết thúc ở đây ư, Mụn Người? – Kaa nói khi Mowgli gieo mình xuống đất, hai tay ôm lấy mặt – Hãy nói lên tiếng nói của chú. Chú và ta, chúng ta cùng máu mủ - Người và Rắn ở với nhau.
- Tại sao loài Chó Đỏ không xé xác tôi làm hai mảnh kia chứ? – Cậu con trai rên rỉ - Sức lực của tôi đã rời bỏ tôi, mà không phải tại chất độc. Suốt ngày suốt đêm tôi nghe thấy tiếng bước chân điệp bước theo tôi. Khi tôi ngoảnh đầu lại, thì như có ai đó vừa ẩn đi ngay lúc ấy. Tôi nhìn ra phía sau rặng cây, nhưng hắn không có ở đấy. Tôi gọi và không ai trả lời, nhưng cứ như có ai lắng nghe mà kìm câu đáp lại. Tôi nằm xuống mà không sao nghỉ ngơi. Tôi lao vào cuộc chạy mùa xuân mà không tìm thấy được sự yên tĩnh. Tôi tắm rửa mà không thấy mát. Giết chóc làm cho tôi kinh tởm, mà tôi không có lòng nào đánh nhau nếu như không để giết. Trong mình tôi có Hoa Đỏ, xương tôi tan ra thành nước, và, tôi không biết được mình biết cái gì.
- Nhiều lời như thế ích gì – Baloo chậm rãi nói, đầu nó quay về phía Mowgli đang nằm dài – Akela đã chẳng nói bên bờ sông rằng chính Mowgli sẽ đưa Mowgli trở về với Bầy Người đó sao? Ta cũng nói như vậy. Nhưng bây giờ có ai nghe Baloo? Cả Bagheera – Bagheera ở đâu đêm nay – cũng biết như vậy. Đó là Luật.
- Ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên ở Hang Lạnh, ta đã biết như vậy, Mụn Người ạ - Kaa vừa nói vừa hơi xoay những khoanh mình lực lưỡng – Cuối cùng Người sẽ quay về với Người, ngay cả khi Rừng không xua đuổi hắn.
Bộ Bốn nhìn nhau, rồi nhìn Mowgli, bối rối, nhưng khuất phục.
- Vậy là Rừng không xua đuổi tôi chứ? – Mowgli ấp úng.
Xám Anh và ba con sói kia gằn gừ một cách dữ tợn và cất tiếng:
- Chừng nào chúng tôi còn sống thì không kẻ nào dám…
Nhưng Baloo ngắt lời chúng:
- Ta đã dạy chú Luật. Ta là người có quyền nói, và, dẫu bây giờ ta không còn nhìn thấy những tảng đá trước mặt, nhưng ta lại trông xa. Chú Ếch Con ơi, chú hãy đi theo vết chân của mình, hãy gây tổ với những kẻ cùng dòng máu, cùng nòi giống và cùng bầy đàn, nhưng, khi chú cần đến một bàn chân, một chiếc răng, một con mắt, hay khi có một lời nhắn gấp trong đêm, thì hãy nhớ rằng, hỡi Chúa Rừng, rằng chú chỉ cần cất lên một tiếng, Rừng sẽ là của chú.
- Rừng Giữa cũng thuộc về chú – Kaa tiếp – và ta không nói thay cho những kẻ hèn mọn đâu.
- Hai-mai! Những người anh em của tôi – Mowgli vừa nói vừa giơ hai tay lên trời – Tôi không biết tôi bị làm sao tối nay. Tôi không muốn ra đi, mà tôi cứ cảm thấy hai chân cứ kéo mình đi. Làm sao có thể rời bỏ những đêm này?
- Nào, hãy ngước mắt lên, chú em! – Baloo nhắc lại – Không có gì phải hổ thẹn vì chuyến săn ấy. Khi mật hết rồi thì người ta bỏ lại những ngăn tổ rỗng.
- Khi lột bỏ lớp da, người ta không còn có thể chui lại vào đấy – Kaa nói – Đó là Luật.
- Nghe đây chú, kẻ ta quí hơn tất cả mọi thứ trên đời – Baloo nói - Ở đây không có lời nói nào, ý nguyện nào có khả năng giữ chú lại. Hãy ngước mắt lên. Ai có thể vặn hỏi Chúa Rừng? Ta đã nhìn thấy chú chơi với những hòn cuội trắng ở đúng chỗ này, khi chú còn là một Con Ếch Con. Bagheera, kẻ đã chuộc chú với giá một con Trâu Mộng tơ vừa mới giết, cũng thấy chú ở đây. Trong cuộc kiểm tra ấy, giờ chỉ còn hai chúng ta, vì Raksha mẹ nuôi chú đã chết, cũng như bố nuôi chú, những con sói già của Bầy đều đã chết từ lâu, Shere Khan ra sao thì chú đã biết, còn Akela cũng chết, chết giữa bầy Dhole – Không có trí khôn và sức mạnh của chú thì cả Bầy Sói thứ hai của Seeonee cũng táng mạng giữa lũ chó ấy. Chỉ còn lại nắm xương. Như vậy chú không còn là Chú Người Con xin cáo biệt cùng Bầy, mà là vị Chúa Rừng đổi đường đi sắp tới. Vậy ai tính cản ngang những dự định của Con Người?
- Nhưng, Bagheera và con Trâu Mộng đã chuộc mạng tôi. Tôi không muốn…
Một tiếng rống và tiếng răng rắc ở phía dưới, trong những đám cây rậm, làm chú ngừng bặt, và Bagheera hiện ra nhẹ nhàng, cường tráng và hung dữ như bất cứ lúc nào.
- Vì cái này mà ta không đến sớm hơn được – Nó vừa nói vừa chìa ra bàn chân phải ròng ròng máu – Cuộc săn kéo dài, nhưng nó đã nằm chết giữa bụi cây – một con trâu mộng giữa năm hai tuổi – con Trâu Mộng trả lại tự do cho chú, chú em. Tất cả nợ nần giờ đã trả xong. Đối với phần còn lại, lời ta cũng như lời Baloo.
Nó liếm bàn chân Mowgli.
- Hãy nhớ rằng Bagheera yêu chú – Nó nói, và nhảy chồm lên, biến mất.
Dưới chân đồi, giọng trong trẻo của nó còn cất lên, càng xa càng chậm lại:
- Chúc cuộc săn tốt lành trên con đường mới, hỡi Chúa Rừng! Hãy nhớ là Bagheera yêu chú.
- Chú nghe thấy chưa? – Baloo nói – Thế là xong. Giờ thì đi đi, nhưng hãy lại đây cái đã. Ôi, Con Ếch nhỏ khôn ngoan, hãy lại gần ta!
- Lột da thì cực đấy! – Kaa nói trong khi Mowgli nức nở gấp hai lần, đầu gục vào sườn con Gấu mù, hai tay vòng quanh cổ Gấu, và Baloo yếu ớt tìm cách liếm chân chú.
- Sao đã nhợt rồi – Xám Anh vừa nói vừa hít ngọn gió ban mai – Hôm nay chúng ta ngủ đâu? Vì, từ lúc này, chúng ta đi theo những con đường mới.
Và đó là câu chuyện cuối cùng về Mowgli.
Chương trước
Mục lục
Mowgli - Người Sói
Rudyard Kipling
Mowgli - Người Sói - Rudyard Kipling
https://isach.info/story.php?story=mowgli_nguoi_soi__rudyard_kipling