Chưong 8 -
ôi ngồi im lặng, trầm ngâm nhìn vào bức tường trống bên kia giếng trời. Ánh nắng rọi xuống bức tường loang lổ đầy vệt mốc đen xì, tạo thành những hình thù ngồ nghĩnh, có khi tôi nhìn ra là bóng một cô gái tóc dài buông xoã, có lúc lại là một cái cây to cổ thụ toả bóng xuống bên đường, bữa thì nhìn thành đàn gà vây quanh mẹ tìm mồi. Tất cả chỉ là do mình tưởng tượng … đang mải mê ngắm nhìn vệt nắng nhẩy múa trên bức tường, bỗng giật nẩy mình khi nghe tiếng nhạc phát ra từ cái máy CD player của ông già Tàu bán đồ sắt vụn phế liệu bên dưới. Tôi buộc miệng la lên:
- Đấy, đấy, đến giờ của ổng rồi đấy.
Cả nhà cười rầm, ai cũng quen với âm thanh này, chỉ mình tôi thấy khó chịu. Tiếng ồn ào của thứ nhạc Tàu nhão nhẹt, ư ử...rên xiết xuốt cả buổi trưa làm tôi choáng váng không chịu nổi. Sống chung với gia đình nhà ông này, chắc có ngày điên. Buổi sáng đã bị tra tấn bởi mùi cà phê thơm ngát, khói nhang bay lên ngập ngụa cả nhà, mới banh mắt ra mà nước mắt dàn dụa, rồi trưa và buổi tối thì mở nhạc Tầu rền rĩ với công xuất hết cỡ. Nếu ở nước ngoài ông già này sẽ bị tôi kiện về tội ồn ào gây phiền phức cho người khác, nhưng ở Việt Nam đi kiện chỉ có ma mới giải quyết giùm cho tôi, chán nản, tôi cầm ly nước đi vào phòng mình đóng cửa lại. Một lúc sau chị Nguyệt, Hạnh và con nó cơm nước xong cũng mò vào tán chuyện với tôi:
- Chị ơi, chị Nhung ở xóm em mời chị bữa nào đi ăn cơm đấy.
- Ừ.
- Bữa nào được?
- Khi bà rảnh thì đi, mình có thời gian mà.
- Vậy lúc nào đi em gọi điện thoại báo chị trước nhé. Bà ấy bảo cũng muốn gặp chị để xem mặt mũi ra làm sao, bà ấy hỏi nhỏ em chị mày có xinh không, chị nghe thằng bồ cái Thu gọi điện thoại về kể: "Mẹ ơi, cô Hân xinh lắm nhưng mà...nhìn mặt chồng cô thấy khó đăm đăm, chắc cũng khổ, không sung sướng gì đâu“
Tôi nghe Hạnh nói phì cả cười, chồng tôi có gương mặt khó chịu thật, ai mới đầu nhìn thấy cũng ngại tiếp xúc, nhưng thực ra chồng tôi không đến nỗi khắt khe lắm, nhất là đối với vợ, anh lúc nào cũng nhã nhặn, lịch sự giống y như Tây, khác hẳn những người đàn ông Nhật khác, chẳng biết ga lăng cho phụ nữ tí tẹo nào. Tuy nhiên tôi rất lấy làm khó chịu khi anh hướng dẫn tôi cách sống theo kiểu người quý tộc, từ cách cầm đũa ăn cơm đến tư thế ngồi phải ra sao, không được chống tay lên bàn, không được thò tay bốc v.v... không được nhai nhồm nhoàm, làm đôi lúc tôi bực bội gắt um xùm: "Đây là nhà mình chứ có phải nhà hàng đâu, để cho tôi thoải mái một chút được không?“. Ở nhà hay ra đường, tôi đều phải ăn mặc gọn gàng lịch sự dưới cặp mắt của anh, nếu không vừa ý là anh bắt tôi thay bộ khác, thời trang đối với anh rất quan trọng vì đó là nghề nghiệp chính của anh.
Chồng tôi sau khi tốt nghiệp Đại Học Kinh Tế ở một trường hạng xoàng thuộc tỉnh Hiroshima, anh lên Tokyo theo học tiếp hai năm trường kỹ thuật về may mặc, chuyên ngành thiết kế thời trang. Sau khi lấy bằng cấp, anh xin vào làm việc ở công ty Durban thuộc Renown Group, một công ty thời trang dành cho nam giới của Nhật Bản. Trong năm năm làm việc tại đây, anh đã có nhiều kinh nghiệm hiểu biết về các hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới như Gianni Versace, Luois Vuitton, Coco Chanel, Hermes v.v... anh cho biết hiệu nào chuyên về quần áo, hiệu nào chuyên về túi xách, về mỹ phẩm, đồng hồ…. Anh giảng giải cho tôi hiểu về những bộ quần áo do hãng Versace sản xuất, từ chất liệu vải, đến đường kim mũi chỉ, có bộ đồ giá đến cả 4 đến 5 ngàn đô la. Tôi lè lưỡi, lắc đầu, trợn mặt
- Khiếp sao mà đắt thế, vậy có bao nhiêu người dám bỏ tiền ra mua?
- Số người mua đồ hiệu không nhiều, họ là ai? Là những nhân viên cao cấp trong chính phủ, giới diễn viên điện ảnh, ca sĩ và đặc biệt là thành phần lãnh đạo maphia, họ có thể mua một lúc 10 bộ đồ vest giá mấy ngàn đô la một bộ mà không tiếc tiền, với họ tiền không quan trọng, họ chỉ mua cái hiệu sản xuất tại Ý, tại Pháp. Và những hãng thời trang nổi tiếng đó, họ sản xuất hàng xa xỉ để bán cho giới giầu có lắm tiền nhiều bạc, họ không nhắm vào giới thường dân, khách hàng của họ ít như vậy cũng đủ rồi, vì lợi nhuận quá cao.
Tôi hỏi thêm anh về vấn đề nhãn mác và nơi sản xuất của những hãng thời trang nổi tiếng được bán tại Nhật Bản, họ có thể ”treo đầu dê bán thịt chó không?” Chẳng hạn như sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi là sản xuất tại Ý. Anh trả lời rằng theo luật pháp Nhật, chuyện này hoàn toàn không được phép, nhưng cũng không thể kiểm soát hết được 100%, theo anh các hãng nổi tiếng không dại gì làm bậy ở đất nước này, nhất là vấn đề luật pháp bắt buộc phải ghi rõ nơi xuất xứ, và uy tín của nhãn hiệu, trong các công ty đó thiếu gì gián điệp ẩn náu, chỉ cần họ có một thông tin nào đó sơ hở bị tung ra, hãng mất uy tín thì doanh số thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Đối với các nhãn hiệu khác anh không nói đến, riêng về Versace bảo đảm uy tín, sản xuất ở đâu, ghi nhãn ở đấy, phần lớn quần áo xa xỉ đều được may tại Ý, không phải may thật nhiều kiểu "đại trà" trong nhà máy, mà họ có từng tổ hợp riêng lẻ được hãng đặt may, "em nên nhớ chất liệu vải rất đặc biệt, không phải ai cũng có thể may được đâu, rất khó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và kinh nghiệm dày dặn cùng những bí kíp gia truyền, em cứ thử nghĩ đi nếu là em, em có chịu bỏ tiền ra mua một bộ đồ trị giá mấy ngàn đô la mà lại ghi nhãn "made in China" không? Đó là tâm lý của mỗi người, các hãng thời trang chẳng ai dại gì làm mất uy tín của họ, phải không nào?" Tôi nghĩ thì cũng đúng, nếu là tôi, bất cứ cái gì mà sản xuất tại Trung Quốc tôi đều muốn né. Cách đây không lâu, hãng Nike của chồng tôi có một lô hàng quần lót thể thao cho nam giới lên đến 5000 cái, trị giá mỗi cái 2300 yên Nhật (20 đô la mỹ), vậy mà khi đưa vào phòng thí nghiệm kiểm tra, tìm thấy có một loại hoá chất còn trên vải, loại hoá chất này không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng, mặc dù chỉ cần giặt bằng nước qua một lần thì chất đó sẽ biến mất. Nhưng Nike họp đi họp lại nhiều lần và cuối cùng chồng tôi quyết định huỷ bỏ lô hàng đó, trong khi nhiều người khác đề nghị mang giặt qua rồi mang gắn nhãn lại là được. Chồng tôi bảo đây là vấn đề uy tín của công ty, nếu tin này bị xì ra, các hãng khác sẽ nhẩy vào dập cho Nike tan nát, ảnh hưởng tới doanh thương, anh không dại để mai mốt bị lôi đầu ra làm bia đỡ đạn, toàn bộ lô hàng 5000 cái bị huỷ, tôi tiếc đứt ruột gan. Chồng tôi có hai tủ đồ treo đầy những bộ vest hàng hiệu giá trị, anh bảo những thứ hàng mắc tiền này mặc cả đời không bị xưa, trừ khi nó tự huỷ. Những bộ đồ trị giá hàng ngàn trở lên có độ bền rất lâu, còn thứ rẻ tiền thì chỉ mặc vài lần là vải sẽ bị mềm ra, và chất lượng vải cũng không tốt. Tôi xem kỹ lại những bộ đồ hàng hiệu quả thấy đúng như vậy, mặt vải và kỹ thuật may khác hẳn hoàn toàn, nhìn mấy bộ đồ đó tôi cứ xít xoa tiếc rẻ... chọc ghẹo anh rằng: "Mấy thứ này anh mặc uổng cả đi" Anh cười hỏi tôi: "Thế em nghĩ anh mặc cái gì thì đẹp?" Tôi bảo: "Anh khỏi mặc gì hết " rồi cười ha ha..., tôi chọc thêm "Em thấy anh nên đổi nghề đi, xin làm quảng cáo cho hãng quần xì líp HOME, chỉ có vậy là đẹp nhất". Nhìn hai tủ đồ của anh là tôi ngao ngán, bây giờ anh làm việc cho hãng thể thao, không cần đến đồ vest nữa, nhiều lúc tôi chỉ muốn mang đi vứt bỏ nhưng lại tiếc rẻ vì bộ nào cũng giá trị bạc ngàn, mà để thì không có chỗ treo đồ.
Cách đây vài bữa tôi xem một chương trình trên ti vi NHK của Nhật chiếu về qui trình may gia công hàng cho Nhật bản tại Việt Nam, nhà máy Bình Minh nằm ở ngoại ô Saigon chuyên may gia công cho công ty Tomiya Apparel, do một người Nhật già cai quản, ông Mitohashi, có đến vài trăm công nhân lành nghề may. Nhà máy này trước đây chỉ may hàng loại rẻ tiền cung cấp cho các siêu thị hạng thường ở Nhật, nhưng nay nhà máy được giao trách nhiệm thử nghiệm loại hàng cao cấp. Cả nhà máy lựa chọn mãi mới được khoảng 90 người xuất sắc nhất, mang vào thử nghiệm, nhưng luyện tập hơn tháng mà chỉ có mình cô Lê Thị Nga, một tổ trưởng có nhiều kinh nghiệm và từng qua Nhật luyện tay nghề 3 năm, mới may được một cái áo mẫu, bản thân cô này đã bị ông người Nhật bắt tháo đi sửa lại bao nhiêu lần, phải canh từng mi li để các sọc vải không bị xéo, chất liệu vải rất khó may đòi hỏi người công nhân phải có kinh nghiệm. Không đơn giản như là chúng ta nghĩ. Chính ông người Nhật cũng phải thổ lộ rằng viêc huấn luyện kỹ nghệ may cho các công nhân không phải dễ. Phim được quay vào thang 5 -2005, hôm nay, tháng 10-2005, ông già này đã xin nghỉ việc và trở về Nhật. Chồng tôi bảo rằng nghề may bên Nhật không còn thịnh hành, các công nhân tay nghề cao nay đã già nua hết, lớp trẻ thì không hứng thú học ngành này, họ có nhiều lưa chọn cho công việc, làm công nhân cho những nhà máy công nghệ cao, nhàn tản hơn và lương bổng khá hơn. Tuy phần lớn công việc được chuyển ra ngoại quốc nhưng những việc quan trọng họ đều giữ lại trong nước đâu dại gì mang hết ra ngoại quốc để bị ăn cắp nghề. Những lớp công nhân may nay đã già cả, không còn khả năng nhanh nhẹn như lớp trẻ, vì vậy phần lớn hàng hoá cao cấp của Nhật đều được gia công tại Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam … Đó là một sự thật không thay đổi được, dù vậy tôi vẫn thích mua hàng được sản xuất tại Nhật hơn.
Chồng tôi là việc cho Durban5 năm, nhưng vì không có tài làm thiết kế thời trang, anh xin nghỉ và. chuyển qua làm việc cho Daie, một đại công ty hàng đầu của Nhật Bản, có mấy ngàn siêu thị lớn bé trên toàn cõi nước Nhật, từ buôn bán lẻ, đến xây dựng, khách sạn...và có cả một đội bóng chầy riêng. Daie càng ngày càng lún sâu vào nợ nần, chính phủ Nhật phải nhẩy vào can thiệp sợ Daie phá sản, lắm người thất nghiệp. Hơn tháng trước, ông chủ tập đoàn Daie ra đi trong lặng lẽ, chỉ có gia đình đưa tiễn, không bạn bè nào được biết tin, cho đến cả tháng sau ti vi mới loan báo. Ông chủ Daie còn là hiệu trưởng một trường đại học tại thành phố Osaka, ông chỉ vừa mới về hưu được ít ngày thì mất. Tôi thiết tưởng, nếu ông không ôm đồm quá nhiều việc, không mở rộng Daie ra quá lớn như bây giờ, chỉ chú tâm vào việc buôn bán ở siêu thị thì giờ đây chưa chắc ông đã chết.
Sau tám năm làm việc tại Daie, tháng nào cũng công tác ngoại quốc hai tuần lễ, còn lại thì lang thang hết nhà máy này, cơ sở nọ, ít khi nào có mặt ở nhà, với lại tình hình Daie không mấy sáng sủa. Anh đã nộp đơn xin vào ba công ty khác như Nike, Kanebo, Kao, qua ba lần phỏng vấn, cả ba nơi đều đậu, anh đắn đó suy nghĩ và quyết định vào làm việc cho Nike. Thời gian tôi qua định cư tại Nhật, cũng là ngày anh chuẩn bị gia nhập Nike Japan, anh muốn dành nhiều thời gian bên vợ, không muốn xách cặp lang thang bên xứ người.
Hiện giờ anh đang theo học lớp quản trị kinh doanh MBA của trường đại học xứ Wales (University Of Wales), để lấy được bằng cấp của trường này chẳng phải đơn giản, vừa tốn rất nhiều tiền, vừa phải miệt mài học bài và mất thời gian tìm kiếm tài liệu khác. Sách vở, tài liệu được gửi tới tấp đến nhà, tôi trả tiền mệt xỉu. Vậy mà anh còn đòi lấy xong MBA sẽ học tiếp lấy bằng PhD (tiến sĩ), anh bảo phải quyết tâm kiếm thu nhập cỡ hai trăm hoặc ba trăm ngàn đô la một năm mới chịu. Tôi phục cái trí lớn của anh nhưng tôi lại sợ anh học nhiều quá chưa thành tài đã lăn cù queo ra bệnh tâm thần thì ai sẽ lo lắng cho tôi làm anh cười khằng khặc. Chồng tôi là một kho sách vĩ đại, hỏi gì anh cũng có thể trả lời vanh vách, quả anh là một con người đáng nể phục.
Tôi vẫn còn đờ đẫn vì mệt mỏi, mặc ai muốn nói gì thì nói tôi lăn ra ngủ đến tận chiều, trong lúc còn mơ màng, tôi nghe tiếng thằng cu Minh chạy rầm rầm đùa giỡn vòng quanh mọi người cùng với thằng cu Tin, Minh là con trai nhưng lại thích chơi trò bán hàng của con gái, nó nghêu ngao: " Nấu một nồi xôi, chia ra năm phần, phần mẹ, phần cha, phần ông, phần bà, phần cho cô Hà, phần cho bác Hân, phần để chị Trân...phần..." Chị Nguyệt ngắt lời nó: " Ủa, nồi xôi chia ra có năm phần mà Minh cho nhiều người quá vây? " Thằng bé cười khúc khích. Tôi mắc cười muốn quát lên một tiếng bắt nó im nhưng lại không mở mắt, mở miệng nổi, cứ chìm dần vào trong giấc ngủ mê mệt.
o O o
Tôi tỉnh dậy vào khoảng 3 giờ chiều, tụi nhỏ và Hạnh đang nằm lăn ra nệm ngủ, chị Nguyệt nằm kế bên tôi, nhìn tôi lom lom, máy lạnh vẫn phà hơi xuống mát rượi. Ngoài kia, tiếng nhạc Tầu rền rĩ cũng chấm dứt, tôi mỉm cười hỏi chị Nguyệt:
- Chị không ngủ hả
- Chị ngủ được một lát rồi, thấy em ngủ ngon quá chị không nỡ đánh thức tính đi về nhà.
- Ở đây chơi, về nhà làm gì sớm.
- Về lo hứng nước em ơi, không thôi tối khỏi tắm.
- Sao kỳ vậy?
- Nước dạo này yếu lắm, chiều nào chị cũng phải lo hứng nước hết trơn.
Tôi uể oải ngồi dậy, bước né mấy đứa đang nằm bên dưới, mở cửa ra bên ngoài, cái nóng xộc vào mặt một mùi chua len loét như cứt mèo, tôi hít hít vài hơi rồi lẩm bẩm, nhà mình có mùi gì thật khó chịu. Út Linh đã tỉnh giấc lúc nào đang ngồi trên ghế ngay bếp, nhìn tôi nhoẻn miệng cười.
- Sao lại ngồi đây hứng cái nóng từ máy lạnh toả ra? Dốt thế!
Tôi bước thẳng xuống W.C, nhưng chợt nhớ ra, quay đầu lại hỏi nó:
- Mày có hửi thấy mùi chua chua như cứt mèo trên nhà mình không vậy Út? Chị thấy cái mùi khó chịu quá, tìm nguyên nhân xem sao.
- Dạ
Chị em tôi lục tung mọi xó nhà mà vẫn không tìm đâu ra nguyên nhân mùi hôi thúi này, càng trưa nắng gắt, càng bốc mùi bạo, nhất là khu vực gần bàn thờ mẹ tôi. Mãi cho đến chiều tối bưng bình bông huệ ra thay nước, tôi mới phát hiện ra mùi nước trong bình thúi um
Khoảng 8 giờ tối, anh Đại, ông hàng xóm của Hạnh gọi điện thoại đòi ghé nhà thăm tụi tôi. Dứt điện thoại, Hạnh bật cười kể chuyện oong hàng xóm tên lão Đại, anh làm việc tại đài truyền hình Sài Gòn.
- Lão Đại đang mết bà Lan nhà mình lắm,rủ em lên trên đó uống cà phê hoài, lão ngồi ngắm chị mình đắm đuối.
- Thế à? lão coi được không? Vợ con gì chưa?
- Có vợ rồi, chỉ khoái ngắm nghía vậy thôi chứ có dám làm đếch gì đâu mà sợ.
Tôi tiu nghỉu:
- Xời ơi...tưởng sao, cvợ con nhèo nhẹo rồi thì nói làm gì. Kiếm ông nào coi được được gả quách bà cho rồi, để bà không chồng, khó tánh quá chịu không nổi...
- Lão mát dây lắm, em chọc hoài, chịu làm anh rể tôi đi, tôi gả liền, lão cười típ hết cả mắt, nói: "Chị em trông hết xẩy, mặt đẹp như đức mẹ nhưng mà cười lên nom khốn nạn lắm em ạ“
Tôi nghe vậy ôm bụng cười nắc nẻ, cười đau quặn cả ruột gan, Hạnh lại tiếp:
- Lão này…
Chưa kịp nói hết câu thì nghe tiếng réo um xùm gọi tên nó bên dưới. Hạnh mở cửa chạy ra ngoài, khoảng một lát, nó mở cửa đi vào, theo sau là một người đàn ông trung niên cao lớn, đeo cái giỏ xách khá nặng trên vai, anh có gương mặt đỏ au và cặp mắt ti hí. Hạnh giới thiệu với tôi:
- Đây là lão Đại, anh rể tương lai của mình.
- Con đây là chị Hân em, ở Nhật mới về.
Lão gật đầu chào tôi, đưa tay ra bắt. Lão ngồi xuống cái ghế còn trống và đặt giỏ xách ngay bên cạnh, lão Đại liếc nhìn căn nhà một lượt, miệng xít xoa:
- Nhà đẹp quá, rộng rãi quá...thế này mà bị đập đi uổng nhề?
- Đang nẫu hết cả ruột gan đây mà ông còn bơm thêm vô cho tôi tiếc.
- Không, anh nói thật đấy chứ, uổng quá!
- Có uổng thì cũng phải chịu, không đi, họ cho xe đến ủi bố nó cả nhà mình. Này, đừng giỡn mặt với Cộng Sản!
Lão Đại luôn chép chép miệng tỏ vẻ tiếc rẻ căn nhà, lão không già lắm nhưng lại cứ thích xưng mình là lão Đại, lấy tên theo tập truyện "Làng Vũ Đại Ngày Ấy”, một tác phẩm nổi tiếng với nhân vật "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao. Thằng Út vừa tắm xong, vuốt mái tóc còn ướt nhẹp cũng lên nhà ngồi góp chuyện, miệng dẻo như kẹo:
- Anh Đại năm nay ăn tết có to không?
- Bình thường thôi em. Sao, buôn bán khá không mày?
- Lai rai anh ạ, gần tết rồi hơi chậm.
- Bữa nào mày lên coi giùm anh cái máy lạnh, vệ sinh cho nó một cái sạch sẽ để còn ăn Tết.
- Dạ, lúc nào anh cần cứ hú, em lên liền.
Lão Đại và tụi tôi ngồi nói chuyện phiếm đã gần gần 10 giờ tối, thằng nhóc đi học thêm vừa về, xà ngay đến ôm mẹ kêu đói nhặng xị. Tôi định đứng dậy vào phòng lấy tiền đưa cho con xuống dưới đường mua đồ ăn, nhưng lão Đại cản lại, rủ cả nhà đi ăn tối. Tôi đưa mắt sang nhìn cái Hạnh, thấy mặt nó tươi roi rói đồng ý liền, tôi thì không mặn mà lắm vì tôi không có thói quen ăn khuya, nhưng thấy mọi người đều đứng lên cả, tôi cũng đứng lên theo, mở cửa ra phố. Bước xuống mấy bậc thang tôi mới xực nhớ ra là mình không mang theo tiền, liền vòng trở lại, Hạnh nắm áo tôi hỏi:
- Chị đi đâu đấy?
Tôi nói nhỏ vào tai nó:
- Quay vào lấy tiền, đâu có mang theo xu teng nào.
- Khỏi, em có đây rồi.
Nghe nó nói vậy, tôi lại quay xuống. Đèn ngoài đường phố vẫn sáng, ánh lên một màu vàng dịu, xe cộ thưa dần không còn đông đúc và ồn ào như ban ngày. Tụi tôi theo chân lão Đại đi bộ băng ngang qua ngã tư Nguyễn Công Trứ, thẳng lên tuốt đường Nguyễn Thái Bình (Nguyễn Sâm cũ), đoạn này, quán ăn mọc lên như nấm, quẹo phải chỉ một khúc mà nhân viên từ các nhà hàng túa ra chèo kéo làm tôi cảm thấy ái ngại, lão Đại dẫn cả đám tấp vào quán ăn ngay gần đó. Tụi tôi chọn ngồi bên ngoài hè phố cho thoáng mát. Hai cái bàn bằng nhôm trắng được kê sát lại nhau, xung quanh xếp đầy ghế mủ mầu đỏ sậm. Lão Đại đọc thực đơn rồi quẳng nó sang cho tôi nói:
- Ăn gì kêu đi em.
Tôi nhìn danh mục thức ăn ghi đầy ở trong đó, lật qua lật lại mà chưa biết kêu món gì. Tôi quay sang hỏi thằng nhóc:
- Ăn gì con? Con thích món gì?
- Cho con dĩa nui xào thịt bò được rồi.
Tôi thẩy cuốn thực đơn lên bàn, nhìn mọi người, nói:
- Ai ăn gì thì tự kêu đi, tui không biết đi chợ.
Cái Hạnh chộp lấy, kéo lại gần mình dán mắt vào đọc, nó xướng lên từng món và đưa mắt hỏi lão Đại:
- Món này được không anh?
- Ôi giời, cứ kêu đại đi, món nào ăn chả được. Cả nhà cứ thoải mái nhá, anh bao, hôm nay có “mầu” rồi, đừng lo.
Hạnh quay sang ghé sát tai tôi thì thầm:
- Chị có muốn ăn gì thì kêu đi, lâu lâu mới được lão bao, lão này keo lắm!
Tôi nhìn lão tủm tỉm cười, tôi nghe Hạnh nhắc mãi về lão nhưng hôm nay mới được gặp mặt. lão không đẹp trai nhưng được cái cao ráo, sáng sủa và có thân hình rắn chắc, nổi bật nhất là cái mũi sư tử, đỏ hỏn, to như hai nắm tay luôn phập phồng. Tôi nghĩ thầm, lão tốt tướng thật, với cái lỗ mũi này chắc chắn dư ăn dư mặc. Cái ý nghĩ ấy vừa thoáng lên trong tôi thì Hạnh lại thì thầm:
- Coi lão vậy thôi chứ mà giầu nứt đố đổ vách đấy chị ạ, có mấy cái biệt thự cho mướn. Chỉ mỗi tội kẹo thôi.
Tôi bật cười, hỏi lại:
- Lão có mấy đứa con?
- Một đứa, đang du học bên Đức
- Tụi bay nói xấu gì anh đấy?
Bất thình lình lão Đại hỏi, làm tụi tôi phá lên cười:
- Ai nói xấu gì anh đâu, đang khen anh đấy chứ, chị Hân bảo trông anh tốt tướng, giầu sang phú quý.
Lão Đại sung sướng nhe răng ra cười típ cả mắt, cặp mắt vốn đã nhỏ xíu bây giờ trông chỉ như một đường chỉ mỏng manh
Thức ăn lần lượt được mang lên, nui xào thịt bò lúc lắc, hủ tiếu xào hải sản, dồi trường hấp gừng chấm mắm tôm, cả thêm một dĩa đậu hũ chiên giòn, món nào trông cũng hấp dẫn. Lão Đại động đũa trước, miệng dẻo quẹo:
- Mời cả nhà.
Tất cả nhập cuộc, tôi nhấm nháp món đậu hũ chiên giòn chấm mắm tôm, lâu lắm mới được ăn món quê nhà, đạm bạc vậy mà sao nó ngon như cao lương mỹ vị. Thằng Út tay gắp bỏ vào dĩa cho tôi miếng thịt bò lúc lắc, miệng thì tía lia:
- Chị ăn thịt bò vào cho bổ máu, chị ốm quá, sao lại cứ ăn đậu hũ thế? Bên Nhật không có đâu hũ à? Để mai tôi bảo con Linh mua cho chị cả ký, ăn chết bỏ.
Hạnh thì chêm vào:
- Đậu hũ ở nhà tao ăn mỗi ngày rồi, ngán lắm, tao chỉ thích cái món này thôi - nó đưa tay chỉ vào dĩa dồi trường hấp gừng - Út, mày chẳng ga lăng cho chị mày gì cả, để tao gắp hoài anh Đại anh lại bảo tao tham ăn.
Nói xong nó đưa mắt nhìn lão Đai cười toe toét. Thằng Tài con tôi không nói tiếng nào, cứ lẳng lặng đánh chén tì tì. Ăn no bụng, cu cậu đứng dậy lịch sư xin phép mọi người về nhà trước, cái thằng có tánh kỳ cục, hễ no là đi về nhà, chẳng nói năng lôi thôi. Lần nào dẫn nó đi sắm đồ cũng vậy, mua được món gì là y rằng đòi về nằng nặc, khóc lóc rầm trời, nhiều khi tôi chỉ muốn đập cho một trận ngay giữa chợ.
Tôi ăn vài miếng đậu hũ và hết phần thịt bò thằng Út gắp bỏ dĩa hồi nãy thì gác đũa, nhìn ngó tứ phía. Sài Gòn chẳng thay đổi gì mấy, chỉ khác là quán ăn mọc lên thật nhiều, chỗ nào cũng có quán nhậu, dân tình than nghèo khổ nhưng mấy nhà hàng thì luôn đày ắp khách đến nhậu, nhất là mấy “Làng Nướng" "Phố Ăn". Xe gắn máy thì chạy đầy đường, mùi hôi xăng dầu, bụi khói bốc lên khét nghẹt. Thằng Út cũng không ăn nhiều vì mới vừa dùng cơm chiều xong, ra đây cho có lệ. Hôm nay nó đi làm về hơi trễ. Hạnh và Minh coi chừng cũng đã no, chỉ còn lại mình lão Đại vẫn khí thế gắp. Tôi ngồi nhìn lão Đại ăn, bất giác quay đi chỗ khác. Thú thật trông cái kiểu cách ăn uống của lão tôi chẳng có cảm tình tí nào, mồm nhai nhồm nhoàm, tạp lấy tạp để cứ như cả đời chưa được ai dậy cho một bài học về cách ăn uống. Tuy tôi không phải là tầng lớp trí thức, cầm cái bằng tốt nghiệp cấp ba chỉ được coi là xoá nạn mù chữ mà thôi, nhưng với chồng, con, gia đình, bạn bè và luôn ngoài xã hội tôi luôn cư xử đúng mức, tế nhị, không làm mất lòng ai và cũng chẳng để ai mắc cỡ vì mình. Hồi năm ngoái, tôi bảo lãnh con qua Nhật nghỉ hè một tháng để cho cháu quen dần với đời sống ở ngoại quốc, chồng tôi thấy con ăn cơm cứ chúi mặt vào chén, anh không vui tí nào, anh bảo phải chú ý dậy dỗ con từ bé, nếu cứ để như thế này ra đường mắc cỡ với người, anh còn hỏi tôi một câu khiến tôi đỏ mặt mắc cỡ: “Ở bên Việt Nam không ai dậy con biết cách ăn cơm hả?" Quả thật từ xưa đến nay có ai chú ý gì đến việc ăn uống của thằng nhỏ đâu, tới bữa, bới cho một tô, gắp thức ăn rồi thả vào đó một cái muỗng cho nó tự xúc ăn lấy. Giờ nghe anh hỏi, tôi mới giật mình như vừa tỉnh giấc, phải dạy con cách ăn uống cho tử tế. Thoạt đầu, cu cậu khó chịu lắm, nhưng sau thì quen dần và nay đã thay đổi hẳn, nhiều khi nó còn dạy ngược lại cả mình.
Mọi người đã no nê, lão Đại kêu tính tiền, lão móc trong túi ra một cọc loại giấy 50 ngàn đồng polyme mới coóng. Hạnh nhắc khéo:
- Anh phải đếm cho kỹ đấy nhé, tiền này hay dính lắm, coi chừng lộn.
- Ừ, anh biết rồi.
- Năm nay bên công ty của anh được thưởng nhiều không?
- Cũng kha khá, đủ tiền bao tụi bay.
- Bên công ty chồng em, năm nay thưởng ít lắm. Tổ mẹ cái thằng cha “chọ chẹ” mới chuyển về làm tổng giám đốc, cha tính thưởng cho công nhân viên theo tiêu chuẩn giống như xứ sở " Chó ăn đá, gà ăn sỏi" nhà cha. Đời sống ở Sài Gòn mà cha đem so sánh với Nghệ An, công nhân viên năm nay khóc ra tiếng mán cả lũ.
- Mán với miếc gì nữa, thôi đi về, trễ rồi, mai anh còn đi làm.
Tất cả chúng tôi đều đứng dậy, Hạnh và cu Minh quá giang xe của lão Đại về nhà bên chồng. Tụi tôi lần theo con đường cũ, đi bộ trở về nhà mình. Các quán ăn hai bên đường vẫn tấp nập khách khứa ghé lại.
Tôi mở cửa bước vào, tiếng nhạc êm dịu từ trong phòng mình phát ra, tò mò tôi ghé mắt vào khi đi ngang qua đấy. Thằng bé chưa ngủ, đang ngồi trên ghế lim dim cặp mắt, lẩm nhẩm hát theo điệu nhạc, tôi đứng im lặng nhìn con, mới hôm nào đó còn đỏ hon hỏn mà nay đã ra dáng thanh niên, tay chân dài loằng ngoằng, chỉ mỗi tội đang còn nhõng nhẽo khiếp, lúc nào cũng bám lấy mẹ vòi vĩnh đủ thứ. Dường như có một linh tính gì đó, thằng bé bỗng quay đầu nhìn lại:
- Trời, mẹ làm con hết hồn. Mẹ về hồi nào vậy? Ăn gì mà lâu dữ.
- Mẹ vừa về tới, vừa ăn vừa nói chuyện mà con.
Thằng bé đứng dậy, vươn vai, nó đứng cao hơn cả tôi, dẹp cái ghế vào sát chân bàn điện toán, nói:
- Đi ngủ thôi mẹ ơi, trễ rồi, mai con còn đi học.
- Chừng nào nghỉ tết con?
- Con chưa biết chính xác, hình như ngày 26 gì đó.
- Ừ, thôi đi ngủ sớm, mai còn đi học.
Tôi mở tủ lấy bộ đồ mặc ở nhà mang vào phòng tắm thay. Thằng nhóc hạ tấm nệm dựng sau chân giường xuống, mặc dù lớn tướng nhưng vẫn cứ thích ngủ chung phòng với mẹ, đuổi ra phòng khác nhất định không chịu, cẳn nhẳn cằn nhằn: "Cả năm con mới được gần bên mẹ, sao cứ đuổi con đi."
Tôi trở lại phòng thì nó đã nằm im trên nệm, kéo mền đắp ngang cổ. Tôi nép mình lách qua cái bàn điện toán, leo lên trên giường xắp xếp lại mấy cái gối mà hồi nãy thằng cu Tin lên phá. Bất chợt, lá thư lúc trưa bé Trân đưa cho tôi chưa kịp đọc, tôi nhét dưới gối nằm, bây giờ lòi ra, tôi cầm lên đưa tay xé phong bì, lôi ra đọc: "Hân xa và nhớ...!" hàng chữ này khiến tôi hồi tưởng đến anh, anh đã viết cho tôi cả trăm bức thư như một, câu đầu tiên bất di bất dịch không bao giờ thay đổi "Hân xa và nhớ!", bức thư không dài, chỉ là một tờ giấy nhỏ, chữ viết li ti. Đọc hết thư, tôi nằm vật ra giường, gác tay lên trán, một cảm giác buồn nản từ đâu ập xuống, thư anh đề ngày 24 tháng 6 năm 2004, nhưng đi lòng vòng mãi cho đến tận bây giờ mới tới tay tôi. Thời gian trước, tôi vẫn nhận thư anh đều đặn mặc dù chẳng hồi âm bao giờ. Thời gian qua đi đã lâu, cuộc tình của của hai đứa đã nhạt dần theo mưa nắng, vậy mà trong lòng tôi vẫn có một cái cảm giác gì đó hờn giận, ấm ức mỗi lần nghĩ đến anh. Khoảng sáu năm trở lại đây, tôi không còn nhận được thư của anh nữa, thì ra anh đang ở tù, cũng lại ma tuý thuốc phiện...sao đồng tiền dễ cám dỗ người ta đến như vậy, họ cứ lao vào nó như con thiêu thân, dù có mang cả tánh mạng mình ra đánh đổi. Gia đình tôi có hai gương tày đình đang còn trong vòng lao lý, bạn bè cùng lớp, hàng xóm láng giếng thủa xưa nhan nhản trong tù, và rồi hôm nay lại thêm cái tin này nữa.
- Mẹ ngủ chưa? Con tắt đèn nghen?
- Ừ, tắt đi con.
Thằng bé nhổm dậy, với tay tắt đèn, căn phòng bỗng tối sụp xuống. Tôi nằm im không nhúc nhích, đầu óc lâng lâng như đang trôi tuột về dĩ vãng thủa xa xưa.
Một Người - Một Đời Một Người - Một Đời - Lê Mỹ Hân Một Người - Một Đời