Chương 8
ôi mò về đến võng thì có tiếng của Hoàng:
- No chưa?
- Vấn đề gạo sẽ được giải quyết nay mai anh ạ! Tôi nghe trộm nên biết thế.
- Ai nói thế?
- Ông kẹ gọi và chỉ thị trực tiếp cho Đại tá Tư lệnh Quân Khu IV, tôi nghe bằng chính lỗ tai tôi.
- Có chắc không?
- Thì nó đã được Bộ trông thấy tận mắt. Lính đói rõ rồi chứ phải chỉ nghe đâu!
- Gạo tiếp tế cho Bà Thủy hết rồi!
- Hả! – Tôi giật mình – Sao anh nói vậy?
- Thì hai tàu gạo đó là gạo tiếp tế cho đường này chứ ai. Bị đánh chìm ở Bến Thủy – Hoàng tiếp – Lúc ổng nói với ông Tư Lệnh tao có ở đó. Tao đến xem văn công lúc gần xong màn ba.
Tôi nói:
- Anh không nghe ổng nạo ông Nam Long hay sao?
- Vấn đề không phải là “nạo” mà là “gạo”. Nạo thế mấy mà ông Nam Long không có gạo cũng không tài nào tiếp tế được!
Sáng hôm sau tôi còn đang ngủ thì một bàn tay đập đập võng tôi. Tôi tốc mùng ra nhìn thì ra thằng nhạc sĩ của đoàn, bạn của tôi từ thời chống Pháp ở Miền Tây Nam Bộ:
- Ông kẹ gọi mày!
- Kẹ nào? – Tôi bật dậy hỏi.
- Còn ông kẹ nào nữa?
- Sao mày biết tao ở đây?
- Lúc tao diễn cái họat cảnh tao nom thấy mày ngồi gần gốc cây.
- Ủa mày đổi nghề rồi sao?
- Mấy đứa trong tổ kịch sốt rét, tao phải thế vai, không có chó bắt mèo ăn cứt.
- Ổng gọi tao làm gì?
- Không rõ thằng nào mách mà ổng biết có tụi bây ở đây. Ổng tính mở một buổi họp để nghe tố khổ. Nè.
- Gì?
- Muốn thăm con bé của mày không?
- Thôi! Còn gì để nói mà gặp.
- Phải rồi, gặp cũng chẳng làm gì. Nó đang bị “lập trường đè”. Một cổ hai tròng mày ạ! Nó đang sốt rét rên hù hù đằng kai.
- Khổ quá, họp thì họp, gọi tụi này làm gì.
Thằng nhạc sĩ bạn tôi đi, tôi quay ra gọi Hoàng. Hoàng đáp:
- Mày có đi thì đi, tao cử mày đại diện cho tao và con Thu đó.
- Làm biếng hoài cha nội.
- “Phương tiện giao thông” của mày còn khá thì ráng chút đi, coi ổng có cho cái gì không?
- Nói thì nhất định có nói rồi nhưng cho thì chắc là không.
- Sẵn dịp mày tố khổ luôn. Mấy khi được nói thẳng vào lỗ tai kẹ.
Tôi đến thì thấy một lô người ngồi trước võng của ông Mặt Sắt. Ông đang ngồi trên võng hai tay giăng ra nắm hai đầu võng như con chim gi soải cánh. Ông đang cà gục cà gặc cái mặt sắt về phía đám người.
Thú thực là nếu ở Hà Nội thì tôi không đến cái buổi họp vì hai lần tôi gặp ông Mặt Sắt. Một lần ở Viện Văn Học mà tôi đã kể ở trên kia. Lần thứ hai tôi đọc bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” trên báo Nhân Dân. Cái lối của ổng là bất chấp đối tượng và bất chấp lý lẽ. Cái lối của ổng là bắt người khác nghe theo lý lẽ của mình mặc dù lý lẽ đó chưa hẳn đã là chân lý.
Ông đang nói:
- … Cách mạng Miền Nam đang gặp khó khăn. Quân Mỹ đang đổ bộ thêm vào Sàigòn. Chúng tăng cường cho bọn Sàigòn hai ngàn trực thăng và rất nhiều dụng cụ truyền tin. Miền Bắc chúng ta phải hi sinh nhiều hơn nữa. Trận Pleime là trận thử sức giữa ta và nó…
Ông ngưng lại, không nói cái kết quả của cuộc thử sức đó ra sao nhưng ai cũng biết nó ra sao rồi. Ông nói sang những vấn đề trên đường dây:
- Đảng và Chính Phủ không phải là không thấy những khó khăn về gạo thóc thuốc men ở đây. Trong lúc Miền Bắc mất mùa nhân dân phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa. Đảng và Chính Phủ đã cho chở vào Vinh hai tàu gạo để đưa vào đây, nhưng rủi ro đều bị đánh chìm ở Bến Thủy. Đồng chí Tư Lệnh Quân Khu IV cho tôi biết hiện giờ đồng chí đang động viên dân và bộ đội lặn moi lên. Nước mặn gạo ngâm một đêm là hỏng hết cả. Ở dưới hầm tàu, dễ gì moi lên. Tôi nói rõ cho các đồng chí nghe một sự kiện quan trọng như vậy để các đồng chí thấy Đảng và Chính Phủ rất quan tâm tới con đường này chứ không phải để các đồng chí ăn đói ăn khát rồi thối chí nản lòng. Làm cách mạng, không ai được thối chí nản lòng. Những lúc đảng gặp khó khăn thì chính là những lúc đảng cần bàn tay và khối óc của đảng viên và quần chúng yêu đảng chia sẻ gánh nặng với đảng chứ không phải là lúc chửi đổng và phá đám như bọn Nhân Văn Giai Phẩm.
(Cái câu cùng này đúng y nguyên văn tới nghe ở Viện Văn học mấy năm trước )
Ông tiếp:
- Bây giờ gạo thiếu thốn, các đồng chí chỉ huy không điều khiển đơn vị được. Như tôi xem thấy trong họat cảnh tối qua, chiến sĩ đào ngũ, tự sát thương, vô kỷ luật.. chúng ta nhìn nhận hiện tượng đó nhưng là người Cộng sản chúng ta phải đặt vấn đề khắc phục nó như thế nào, chứ không nên đứng nhìn nó hoặc xuôi tay cho nó tràn ngập chúng ta. Tôi thay mặt Trung ương đảng, Tổng quân ủy, xin gởi lời chào thân ái và quyết thắng của Hồ chủ tịch đến các đồng chí. Các đồng chí còn có ý kiến gì không?
Mọi người im phăng phắc.
Ý kiến gì bây giờ? Té ra làm cách mạng với đảng thì không cần gạo. Dù có phải trèo non vượt biển, cứ hễ thiếu gạo thì tìm cách khắc phục lấy, không được thối chí nản lòng.
Các vi quân dân chánh đảng lẳng lặng ra về, tôi cũng gầm mặt mà rút lui cho được việc. Về vừa đến võng Hoàng đã hỏi:
- Chừng nào gạo tới?
- Tới rồi! Tới dưới lòng sông Bến Thủy!
Đáng lẽ giao liên đã đưa đoàn đi vào trạm trong, nhưng ông Mặt Sắt cho nghỉ lại tất cả để ông nói chuyện và chấn chỉnh tổ chức.
Chúng tôi không buồn vì cách mạng Miền Nam chậm tiến một ngày mà lại mừng vì được nghỉ ngơi hợp lý và không bị giao liên gắn cho là nằm ỳ ăn vạ.
Vấn đề nấu cao khỉ được tôi đặt ra. Nhưng Hoàng gạt ngang:
- Cách mạng chưa cần cao khỉ!
Cả hai cùng cười. Riêng Thu thì rưng rưng nước mắt.
Tôi gắt đùa:
- Cách mạng Miền Nam không cần nước mắt! Rõ chưa?
Nhưng Thu vẫn cứ rên rẫm trong nước mắt:
- Giá lúc này mà thằng Hồng trở lại thì em đi theo nó.
- Sao hôm đó không đi?
- Nó gạt em. Nó nói nó đi rồi nó trở lại. Mà nó không trở lại -Thu tiếp- Còn cái ông Kiếm ông Kiết gì có một ba lô K54 đó, ổng hứa cho em tháp tùng nhưng rồi cũng lẩn mất. Ai cũng sợ gánh nặng đeo lên lưng.
- Chỉ mình anh là không sợ thôi!
- Anh nữa, anh cũng sợ chịu trách nhiệm về em chớ gì!
- Sao em nói vậy?
- Anh luôn luôn khuyến khích em làm B quay.
Tôi lặng thinh. Quả nàng nói có đúng. Tôi yêu nàng là vì tôi, không phải vì nàng. Nàng biết tôi vừa tạm biệt người yêu ở ngả rẽ xuống Bác Kế cách đây hơn mười ngày. Người yêu tôi, Phương là bạn nàng. Tôi cũng biết nàng đi Nam để gặp người yêu trong đó. Thế nhưng trong hoàn cảnh bi thương hai đứa cần nương tựa nhau về vật chất lẫn tinh thần hằng ngày. Và hai đứa đã vượt biên giới của tình bạn và càng lúc càng đi sâu hơn. Nàng khổ lắm. Tôi biết vậy, nhưng tôi cho là nỗi khổ đó chính là hạnh phúc. Còn tôi, tôi là thằng đàn ông như mọi thằng đàn ông khác, chẳng bao giờ cưỡng lại những cử chỉ thân ái của đàn bà. Tôi chẳng những tạo hoàn cảnh để làm nảy ra những cử chỉ ấy mà lại còn tấn công bằng một chiến thuật có vẻ như vô tình mà thực ra là cố ý. Và bây giờ Hoàng cũng biết tôi và Thu yêu nhau. Chúng tôi tỏ vẻ thân ái với nhau hơn những người đồng hành một cách không ngần ngại. Chúng tôi tự cho mình chẳng có tội gì. Trước những giờ phút mà thân thể và tinh thần bị dày vò cực độ, người ta cần có sự an ủi. Chúng tôi an ủi và giúp đỡ nhau để đưa nhau đi trên con đường cách mạng gian khổ và đi tới đích của nó. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang, Lê Hồng Phong và Mình Khai…đã yêu nhau trong công tác…
Nhưng bây giờ Thu trách tôi. Thu trách tôi cũng như trách bao nhiêu người khác: Sợ chịu trách nhiệm về Thu cho nên muốn Thu làm B quay.
Nói cho cùng, Thu đã trách đúng. Tôi đã không dám chịu trách nhiệm về Thu. Tôi chỉ muốn Thu có mặt với tôi để tôi được vui vẻ nếu Thu mạnh khỏe không gây trở ngại cho tôi, không trở thành gánh nặng của tôi. Nếu Thu bệnh họan thì tôi tránh né hoặc chối từ trách nhiệm một cách khéo léo.
Tuy bị nói trúng tim đen nhưng tôi vẫn cố chống chế:
- Thì em lúc nào cũng nằng nặc đòi về Hà Nội, vậy anh còn làm gì được!
- Sao anh không lấy quyền gì của anh mà cấm em. không cho em làm thế..
- Quyền gì, anh có quyền gì đối với em?
- Em đã cho anh cái quyền tối cao rồi, anh không biết ư?
- Em chỉ cho anh tình yêu chứ cho quyền gì?
- Tình yêu là quyền lực mạnh mẽ nhất, mạnh hơn bất cứ quyền lực nào cả.
Tôi lặng thinh. Nàng tiếp:
- Giá bây giờ em từ giã anh để trở và Hà Nội thì chắc anh cũng chỉ hơi buồn tí thôi rồi khi quay lưng anh chẳng đau khổ tí nào. Phải không ạ?
- Anh không thể biết được vì chuyện đó chưa xảy ra!
- Thế thì bây giờ anh muốn em như thế nào?
- Anh muốn thế nào được mà muốn.
- Thấy không? Đáng lẽ ra anh quát em: “Em không được quay lại, em phải đi với anh. Không có em anh sẽ chết đọc đường. Anh muốn nếu chẳng may anh chết dọc đường, anh có được bàn tay em vuốt mắt! ” Nếu anh nói thế thì dù gì đi nữa em cũng không quay lại. Nhưng anh lại không nói gì hết, anh lại còn tán thành việc em quay lại. Thế nghĩa là anh yêu em đó phải không?
- Thu ạ! -Tôi đành dịu giọng- Chúng ta có hai quê hương khác nhau, cùng nằm trên một nước nhưng là hai mảnh đất xa nhau nghìn dậm. Em không muốn rời quê hương và mồ mã ông bà thì anh trên đường về quê hương thăm lại mồ mã ông bà, lẽ nào anh bắt em phải nghe anh. Đối với anh tình quê hương nặng hơn bất cứ tình nào khác kể cả tình yêu. Nếu khác đi thì anh đã đi với Phương về Bác Kế rồi chứ không đi một mình về Nam Bộ. Em biết anh và Phương yêu nhau như thế nào. Chỉ một bước nữa là thành vợ chồng. Nếu ở Hà Nội thì Tết này có thể cưới nhau rồi. Bố mẹ Phương rất thương anh và anh cũng rất yêu bố mẹ Phương. Anh không về được lần này thì không còn lần nào khác nữa! Nếu em muốn đi vào thì anh sẵn sàng đi với em đến nơi nào em muốn, nhưng ngược lại em muốn trở ra thì anh cũng không muốn cản ngăn em. Tình yêu là điều cao cả nhưng không phải là tất cả! Em thấy đó, nếu đối với anh tình yêu là tất cả thì anh đã ở lại Hà Nội, cưới vợ sống muôn năm trong hòa bình rồi, lựa là phải lê xác vô đây! Và không phải đợi đến yêu Phương, nếu muốn thế, anh đã lấy vợ từ lâu rồi.
Tuy tôi giải bày cặn kẽ và rất có lý như thế, nhưng Thu vẫn không vui lòng. Đàn bà không mấy khi nghe lý luận, họ nghe tình cảm nhiều hơn. Nếu không thế chẳng có nhiều bi kịch cho đàn bà hơn đàn ông, trong đó đàn bà là nạn nhân của tình cảm.
Tôi nói:
- Cái ông vừa gọi anh đến đó có thể cho em về Hà Nội được đấy.
- Anh đi xin giấy phép của ổng dùm em đi.
- Thật không?
- Thật mà! Em chán tất cả rồi. Em muốn về ngay Hà Nội bây giờ, bây giờ!
Nàng gào lên và ôm mặt nức nở.
Tôi rối lọan tâm thần không biết nàng dỗi mà nói thế hay là nói thật..
Đang lúc hoang mang thì Hoàng nói vọng sang:
- Đúng đấy, mày đến trình bày vấn đề của nó và đề nghị ổng cho nó trở lại thôi. Tao lấy con mắt chuyên môn mà nhìn thì cái chân của nó không thể leo núi nổi đâu và dù có đến nơi cũng không công tác như cũ được.
Tôi thấy Hoàng có lý, nên chẳng suy nghĩ gì thêm, tôi đến chỗ ông Mặt Sắt để trình bày vấn đề. Giá mà ở Hà Nội thì còn lâu mới trông thấy mặt ông ta được, nhưng trên con đường này ranh giới giai cấp, theo nghĩa nào đó, đã bị xóa mất: Tất cả đều cùng một giai cấp, giai cấp “chân đất.”
Tôi đến nơi gặp lúc ông đang thuyết giảng vấn đề gạo. Tôi đứng xa xa đợi một hồi rồi nhờ một chiến sĩ trong đoàn tùy tùng bẩm dùm.
Nghe nói cô nữ văn công có vấn đề, ông gọi tôi đến ngay. Ông vui vẻ hỏi:
- Đoàn các anh đi được bao nhiêu người?
- Dạ trên bốn chục.
- Gồm các bộ môn nào?
- Dạ đủ hết cả.
- Bộ môn nào đi đông nhất?
- Dạ nghệ sĩ biểu diễn.
- Sáng tác cũng cần. Anh thuộc bộ môn nào?
- Dạ, Văn.
- Thế à? Anh đã in được mấy quyển sách rồi.
- Dạ, ba quyển.
- Nhiều thế, giỏi thế.
- Dạ còn hai quyển to hơn nữa nhưng không in!
- Sao không in?
- Dạ nhà Xuất bản Quân đội hứa in rồi không in!
- Tại sao kỳ vậy?
- Dạ chuyện hơi dài nhưng tóm tắt có thế này. Dạ mà, tôi nghĩ anh Sáu đang còn bận nhiều việc không nên làm mất thì giờ của anh Sáu.
Ông Mặt Sắt xua tay một cách dễ thương:
- Không mất thì giờ đâu. Ở đây tôi dư thì giờ. Muốn làm gì cũng không làm được. Đại khái như nghe hai tàu gạo bị máy bay Mỹ đánh chìm ở Bến Thủy nhưng tôi làm gì được bây giờ. Tôi cảm thấy như mọi khuyết điểm của cách mạng được bộc lộ trên con đường này. Nào, anh cứ nói cho tôi nghe vấn đề sách của anh xem! Mà này, năm trước tôi có đến nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ ở Viện Văn Học anh có đến dự không?
- Dạ có!
- Anh nghe thế nào?
- Dạ, anh Sáu nói thế nào tôi nghe thế ấy.
- Tôi muốn biết là câu chuyện của tôi có giúp cho các anh được gì trong phương hướng sáng tác hay không?
- Dạ có ạ, có rất nhiều.
- Nhiều như thế nào?
- Dạ thì như anh Sáu nói lúc đảng gặp khó khăn thì mọi người nên góp tay vào…
- Đúng! Đó là thái độ đúng đắn nhất. Anh có đọc bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” của tôi không?
- Dạ có!
- Có thật không?
- Dạ có thật ạ, bài đó đăng hai ba kỳ báo Nhân Dân mỗi kỳ bốn trang. Anh Sáu ký tên.. Trưởng ban Công Tác Nông thôn…
- Đúng đó. Anh thấy nó thế nào?
(Sự thực thì nội dung của bài báo là ca ngợi tổ chức Hợp Tác Xã, đả phá lối làm ăn riêng rẽ. Kết luận của nó là tất cả nông dân Miền Bắc đều sẽ phải vô hợp tác xã để làm mẫu mực cho Miền Nam giải phóng sau này. Quả tình tôi có đọc bài ấy thật. Tôi đọc nó trong một hoàn cảnh điễn hình. Hồi đó tôi đang tìm đường trốn về Nam. Tôi đang ở trong nhà một anh nông dân. Tôi có hỏi về đời sống gia đình anh. Anh nói thẳng ra là cuộc sống bây giờ khó khăn hơn thời Pháp. Anh không chịu vô hợp tác xã. Hợp tác xã đã bao vây anh bằng mọi cách, nhưng anh nhất định không vô. Ruộng nhà anh là ruộng do chánh phủ cấp trong Cải cách ruộng đất. Ở ranh ruộng có một cái ao mà tiền kiếp là một hố bom trong thời kỳ chống Pháp. Anh đã thả rau muống, thả chà để nuôi cá nhưng éo le thay, một nửa cái ao nằm bên ruộng nhà anh, còn một nửa thì lại nằm bên ruộng hợp tác xã. Vì rún ép mãi mà anh không vô hợp tác xã cho nên xã viên gai con mắt, chẳng phải vì chánh sách, mà vì cái ao đem lợi lộc cho anh chàng cá thể kia. Một hôm thừa lúc anh đi rừng đốn củi- ban quản trị cầm đầu một nhóm xã viên ra tát cái ao. Sắp bắt cá thì anh gánh củi về ngang. Thấy cớ sự lạ lùng, anh bèn chất vấn những người đang làm ẩu kia. Những người này lên mặt thầy đời mạt sát anh là tên lạc hậu. Anh không nhịn thua. Anh mắng trả lại. Hai bên xô xát nhau bằng lý lẽ rồi dùng đến tay chân. Cuối cùng là vũ khí. Bởi là ăn cướp nên đám xã viên có mượn súng du kích đem theo để phòng thân. Họ dọa bắn. Và anh ta đã nhanh tay dùng dao rừng chém một nhát, người xã viên cầm súng dọa anh bị đứt lìa một chân sát đầu gối. Khi tôi chạy đến nơi thì cả xóm đã bu đen quanh miệng ao. Anh chủ nhà bị trói, bị giải đi. Rồi ở tù. Ở nhà ruộng đất anh bị tịch thu chia chác. Vài tháng sau tôi đi ngang vùng này, tôi có ghé thăm gia đình anh. Người trong xóm rỉ tai tôi rằng ông phó chủ nhiệm hợp tác xã tới lui nhà anh thường xuyên để “giúp đỡ” vợ con anh lắm khi ngủ luôn tại nhà… Đúng là một bức minh họa sống cho bài “Cây đa bến cũ, con đò khác đưa” của ông Trưởng ban Công Tác Nông Thôn Trung ương đảng Nguyễn Chí-Bần-Cố-Hỉ.
Tôi có được chi tiết “cái ao” đó tôi khoái lắm, định viết thành truyện ngắn, nhưng thấy truyện ngắn không chứa nổi, bèn dựng truyện dài lấy tên “Một nửa bên này” nhưng đem nó đi trình bày trong tổ đi thực tế nông thôn của Hội Nhà Văn thì có hai ý kiến trái ngược. Ý kiến thứ nhất cho rằng đề tài vô cùng phong phú, chưa có sách nào viết về hợp tác xã mà có được chi tiết (cái ao) lý thú đến như thế, nên viết ngay ra để cho Trung ương thấy rằng hợp tác xã là một thất bại trong quan hệ sản xuất.
Ý kiến thứ hai cũng cho rằng chi tiết rất lý thú nhưng nếu viết ra thì vô cùng bất lợi cho chính sách hợp tác xã vì ý thức sản xuất cá thể mạnh quá lấn át cả đường lối của đảng. Cho nên hợp tác xã không giác ngộ anh cá thể được mà phải cưỡng bách và cuối cùng áp bức (tát ao ẩu). Rồi lại bắt anh cá thể đi tù. Như vậy hoá ra chánh sách chỉ là một cái khuôn đẫm máu chụp trên đầu nhân dân. Vì ngoài các luật lệ của hợp tác xã, hợp tác xã còn có chánh quyền đứng sau lưng… Nói chung chi tiết hay, nhưng “rất khó” viết.
Cuối cùng tôi đành “ngâm cứu” luôn cho đến ngày đi B không hỏi ý kiến ai nữa cho đến ba mươi ba năm sau (1988) tôi mới viết nó ra trên xứ Hoa Kỳ – cho Mỹ xem chơi.
Câu chuyện Cây đa Bến đò nó lằng nhằng như thế đó, cho nên khi ông Mặt Sắt hỏi gắt:”Có không?” thì tôi đáp “Có!”. Mà tôi có đọc nó thật!
Nhưng khi ông hỏi tiếp: Anh thấy nó thế nào, thì tôi ngắc ngứ. Nếu tôi kể chuyện “Cái ao” cho ông ấy nghe thì sẽ có một cuộc tranh luận mà trong đó chiến thuật lấy thịt đè người chắc chắc sẽ bị áp dụng và người bị đè không phải là ông. Như vậy vừa mất thì giờ vừa mất sức khoẻ cho nên tôi đáp như máy:
- Dạ tôi vốn là người Miền Nam nên không hiểu nông thôn Miền Bắc lắm ạ!
- Theo anh trong Hội Nhà Văn ai hiểu nông thôn Miền Bắc nhất?
- Dạ theo tôi thì có ba người: anh Kim Lân, anh Tô Hoài và anh Nguyên Hồng. Anh Kim Lân thì hiểu nông thôn đến mức độ chúng tôi gọi đùa là chuyên gia mắm cáy, anh Tô Hoài thì chuyên gia nông thôn nhưng đặc biệt là giới thủ công nghiệp và dân nửa chợ nửa quê, anh Nguyên Hồng thì là bạn của dân nghèo thành thị.
- Các anh ấy có viết gì về Cải cách ruộng đất không?
- Dạ không, ủa có! Hai anh Tô Hoài và Nguyên Hồng thì không, nhưng anh Kim Lân thì có viết một truyện.
- Một truyện thôi à? Bao dai?
- Dạ chừng năm trang sách.
- Có thế thôi ư?
- Vâng! Đúng ra thì có cả một quyển chừng hai trăm trang, nhưng chỉ có một truyện được nhắc nhở.
- Truyện nào, tên gì?
- Dạ “Cu Ế”.
- Nội dung như thế nào?
- Dạ đại khái là một thanh niên bần cố nông nghèo đói suốt đời, không ai chú ý tới, các cô nàng không dòm ngó nên không lấy được vợ, cho nên được gọi là “thằng Cu Ế”. Nhưng nhờ đội Cải cách ruộng đất về bắt rể, Cu Ế đứng lên tố khổ địa chủ và được chọn làm cốt cán gương mẫu, sau đó thì lấy được vợ.
Ông Mặt Sắt nhăn mặt:
- Chỉ đơn giản thế thôi à?
- Dạ, vâng, chỉ có thế.
- Nếu chỉ có thế thì có gì để mà các anh nhắc nhở?
- Dạ anh em nhà văn nhắc nhở là vì thằng Cu Ế của anh Kim Lân mô tả lại rất giống anh Kim Lân, nó gầy gò xấu xí! Giống đến đỗi anh em gọi luôn anh Kim Lân là Cu Ế.
- Thế kia à! – Ông Mặt Sắt cười gượng. Chập sau ông lại hỏi – Ngoài ra không có quyển nào khác viết về Cải cách ruộng đất à?
- Dạ có nhưng không được nhắc nhở bằng Cu Ế. Ủa, có một quyện trọn bộ ba cuốn. Quyển này được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc tới.
- Thế cơ à? Quyển gì?
- Dạ quyển “Đất sụp”, “Đất lở” gì đó tôi không nhớ!
- Thế anh Tô đọc rồi ảnh nói sao?
- Dạ, Thủ tướng bảo là nhà văn non tay.
- Nghĩa là thế nào?
- Dạ đồng chí Thủ tướng không có nói trực tiếp với tôi (tôi làm sao được cái hân hạnh vĩ đại đó) nhưng tôi có nghe anh em nhà văn đồn rằng Thủ tướng bảo: ” Nhà văn tả địa chủ như tả con vật. Địa chủ cũng là người. Nó cũng yêu vợ con nó chứ!”
- Chỉ có thế thôi à?
- Dạ tôi chỉ nghe được có thế.
Ông Mặt Sắt gật gù, hồi lâu lại nói:
- Đấu tố càng hăng càng tốt nhưng viết văn mà y như đấu tố thì lại không chắc tốt. Tôi bận quá không có thì giờ đọc sách, để khi tôi trở ra Hà Nội, tôi tìm sách nói về Cải Cách đọc thử xem, nhưng anh Tô nói thì chắc đúng. Ảnh gần với nhà văn hơn tôi.
Tôi sực nhớ ra rằng tôi đi đến ông Mặt Sắt không phải với sứ mạng văn học nên thừa lúc kết thúc được câu chuyện, tôi bèn trình bày về trường hợp của Thu. Nghe xong, ông kêu lên:
- Bọn giết người! Bọn giết người! Chúng nó tưởng một diễn viên ca múa như thế dễ kiếm lắm chắc. Ở Liên Xô một diễn viên ba-lê đứng cao bao nhiêu vàng chồng lên cao bấy nhiêu, ở đây sao mình coi như đồ bỏ vậy? Đâu nào, đem cô ấy lại đây tôi xem. – Ông quay lại mấy người tùy tùng đang đứng quanh chờ sai bảo. Tôi nói luôn:
- Cô ấy đang ở cuối dãy lều. Tên là Thu.
Ông Mặt Sắt quay lại tôi. Tôi bỗng thấy cái mặt ông bớt đi màu sắt, dễ thương hơn.
- Anh đã ghi chép được nhiều chưa?
- Dạ có ghi nhưng không còn gì hết.
- Ủa, tại sao kỳ vậy.
- Dạ, tôi nhóm lửa nấu cơm hết. Tôi dùng luôn cả cái bản thảo mà nhà xuất bản Quân Đội hứa in rồi không in! Tôi định mang về Nam in, nhưng giữa đường thì nặng quá…
- Tại sao họ hứa rồi không in?
- Dạ, họ đòi một nhân vật có uy tín Nam Bộ đọc, nếu nhân vật này đồng ý, họ sẽ in. Nhưng nhân vật đó đã khen sách hay, có nhiều tính chất Nam Bộ, họ vẫn không in.
- Nhân vật đó là ai?
- Dạ là đồng chí Nguyễn Văn Trấn, Tư lệnh kiêm Chính ủy khu IX hồi chống Pháp.
Ông Mặt Sắt cúi mặt một chốc rồi ngóc lên:
- Ai là giám đốc nhà xuất bản Quân Đội?
- Dạ, Trung tá Lữ Giang!
- Sao lại thế nhỉ! Anh này thì phải cho làm hậu cần sao lại phụ trách xuất bản?
- Dạ, chính ông ấy đấy ạ!
Vừa đến đây thì Thu tới. Ông Mặt Sắt kêu lên:
- Trời đất! Con người ta vầy mà… Ông quay lại bảo – Anh Thuần đâu?
- Dạ, đồng chí bí thư văn hoá đang sốt.
- Thôi được, anh nào đó, gọi cho tôi anh Lành, anh Vịnh, bảo chấm dứt gởi diễn viên văn công vào đây! – Ông càu nhàu – Nhất là nữ diễn viên.
- Dạ!
Ông nói tiếp:
- Tôi không hiểu đầu óc các người ấy như thế nào mà họ gửi các cô con gái mảnh mai như thế này vô Nam. Để làm cái gì mới được chứ? Trông kia, chân của một nữ diễn viên ca múa trên sân khấu phải lót bằng nhung, đâu có phải chân voi như chân tôi mà múa trên đá ta mèo được!… Cô đi vào đây bao lâu rồi?- Ông hỏi Thu.
- Dạ hơn một tháng.
- Cô đau chân bao lâu rồi?
- Dạ hơn mười ngày chi đó.
- Sao cô không nằm lại mà cứ đi thế này?
- Dạ nằm lại thì không có ai giúp đỡ cả thành ra cháu phải cố đi.
Tôi tiếp thêm:
- Dạ chúng tôi đi cùng đoàn với cô ấy, nhưng không thể nằm lại được. Vì nếu nằm lại thì coi như phạm kỷ luật của đường dây.
Ông Mặt Sắt ngoảnh lại. Một chiến sĩ biết ông cần ai, bèn thưa ngay:
- Đồng chí bí thư chính trị sẽ đến gnay, thưa anh Sáu.
- Bảo anh nhắc tôi vấn đề kỷ luật đường dây nghe!
- Dạ!
Rồi ông quay lại tôi:
- Kỷ luật thế nào, ai đặt ra?
- Dạ cái kỷ luật này bất thành văn, nhưng tóm tắt nó như thế này thưa anh: “Ai mạnh cứ đi, ai ốm cứ nằm lại.”
- Được rồi! – Ông hỏi Thu – Cô học nghề múa ở đâu vậy?
- Dạ ở Trung Quốc rồi sang Liên Xô.
- Cô đã đến hai mươi chưa?
- Dạ, cháu đã hai mươi hai.
- Ai bảo cô đi Nam vậy?
- Dạ ở trên, đâu Bộ Văn Hoá hay Ban Thống Nhất cháu không biết, chỉ thấy cơ quan bảo đi.
- Họ có nói vô Nam cô sẽ làm gì không?
- Dạ họ nói là vô Nam sẽ biểu diễn ở Sàigòn!
Ông Mặt Sắt bảo:
- Gọi bác sĩ lại đây. Nhanh lên.
Tôi thở phào. May quá! Phải chi hôm trước mình gặp được ổng thì thằng Núi có thể bớt khốn nạn hơn nhiều. Tôi như thấy nó nằm trên cái võng kaki xâm xấp nước theo kiểu hạ nhiệt độ của ông Tùng. Sẵn dịp tôi tố luôn:
- Chúng tôi còn hai đồng chí cũng đau không đi nổi.
- Ở đâu? Sao kỳ cục thế nhỉ? Họ coi văn nghệ sĩ như rác thế này là nghĩa làm sao?
- Dạ một đồng chí thì đang ở đây, một đồng chí tụt ở trạm sau. Đồng chí ở đây thì còn đi được, nhưng đồng chí nằm tại trạm sau thì ốm nặng.
- Cho mời đồng chí ở đây! Còn đồng chí ốm nặng kia thế nào?
- Dạ chúng tôi sợ đồng chí ấy bị sốt ác tính.
- Thế cơ à?
Tôi kể lại bệnh tật của Núi cho ông nghe. Nghe xong ông kêu trời luôn ba bốn tiếng rồi nói:
- Một họa sĩ đã học Cao Đẳng Mỹ Thuật lại bị ném vào đây như thế ư? Anh nào gọi đồng chí Lành và đồng chí Vịnh từ nãy đã được chưa?
- Dạ Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh thì đi vắng còn đồng chí Tố Hữu thì không có điện đài liên lạc với chúng ta.
- Vậy gọi về Tổng Cục bảo cho hai cơ quan Bộ Văn Hoá và Ủy Ban Thống nhất ngưng hẳn gởi nữ văn công và văn nghệ sĩ vào đây nữa, rõ không?
- Vâng ạ!
(Tôi giật mình đánh thót. May mà mình đã lọt vào đây rồi. Nếu không thì sẽ kẹt ngoài đó mười năm mưa phùn gió bấc nữa!)
Mạng Người Lá Rụng Mạng Người Lá Rụng - Xuân Vũ Mạng Người Lá Rụng