Huyền Xưa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8/31
hông phải chỉ có anh em thằng Chửng bảo tôi thích chị Ngà. Ngay cả dì Miên cũng bảo vậy.
Một hôm tôi đang ngồi chẻ lạt sau nhà, kế bên cửa sổ phòng học của dì Miên, bỗng nghe dì kêu:
- Ngà ơi Ngà!
- Gì vậy Miên? - Tiếng chị Ngà hỏi lại.
- Cái ngòi viết của tao hư rồi.
- Sao vậy?
- Nó rớt xuống đất.
- Thì thay ngòi khác.
- Có đâu mà thay! Phải ra huyện mới mua được!
- Lát chiều tao với mày đi.
- Không được! Chiều nay tao phải đi xay gạo dùm cho bà Sáu.
- Vậy nhờ Trường đi mua giùm cho!
- Trời ơi, thằng đó mà nhờ! Cúng cho nó ít tiền, thuê nó đi thì họa may.
Tôi giật thót người, không ngờ dì Miên lại nỡ bêu xấu thằng cháu yêu quý trước mặt chị Ngà như vậy. Câu nói độc địa của dì khiến tôi giận tím gan, mặc dù suy cho cùng những điều dì nói không xa sự thật là bao. Trong khi tôi đang lưỡng lự không biết có nên lên tiếng “phản kích” hay không thì chị Ngà bật cười khúc khích:
- Cháu mày đâu có tệ dữ vậy. Nếu mày không nhờ thì để tao nhờ giùm cho.
- Mày nhờ thì lại khác! - Giọng dì Miên nửa đùa nửa thật – Tao kêu, nó không đi nhưng mày kêu thì nó đi liền.
Câu nói ỡm ờ của dì Miên khiến tôi đâm chột dạ, suýt chút nữa lưỡi rựa liếm đứt ngón tay.
Trong nhà bỗng vang lên tiếng la “oai oái”. Rồi tiếng chị Ngà gầm gừ:
- Nói bậy nè!
- Bậy gì! Chẳng phải thằng cháu tao lúc nào cũng nghe lời mày răm rắp sao?
- Thì nó cũng nghe lời mày vậy!
- Tết Công Gô nó mới nghe lời tao!
Chị Ngà cười:
- Ai bảo mày hay ỷ lớn ăn hiếp nó chi!
Dì Miên khịt mũi:
- Không phải vì tao hay ăn hiếp nó mà chính vì nó thích mày.
- Ðủ rồi nghen! - Chị Ngà la lên – Tao chỉ coi nó như em thôi. Mày đừng có gán ghép bậy bạ.
Khi chị Ngà thốt ra câu nói đó, chị không biết tôi đang ngồi nghe lỏm ngoài hè, vì vậy chị không biết rằng chị vừa giáng vào ngực tôi một nhát búa nặng nề. Từ nãy đến giờ, những lời trêu chọc của dì Miên khiến tôi vừa sợ vừa ngượng, người cứ giật thon thót. Nhưng bên cạnh nỗi hoang mang run rẩy đó, tôi vẫn cảm thấy một niềm xao xuyến nhẹ nhàng đang len lỏi vào trái tim tôi và tôi cứ thầm mong cái cảm giác dễ chịu đó kéo dài không bao giờ dứt. Nhưng chị Ngà đã kéo tôi ra khỏi giất mơ ngắn ngủi. Câu nói của chị khiến tôi đâm bần thần, mặc dù tôi không hiểu tại sao. Kể từ đêm lều trại năm nào nằm bên cạnh chị cho đến tận lúc này, bao giờ tôi cũng xem chị là chị và điều đó dường như chẳng hề thay đổi. Vậy mà khi nghe chị bảo chị xem tôi như em, đột nhiên tôi buồn bã quá chừng. Tôi cảm thấy như vừa đánh mất một điều gì kỳ thú.
Lòng tổn thương, tôi cầm lên chiếc rựa và nhặt nhanh những sợi lạt vương vãi, lủi thủi lần ra sau bếp.
Trưa đó, ăn cơm xong, chị Ngà ngoắt tôi:
- Trường ơi! Lại chị nói cái này cho nghe nè!
Tôi biết tỏng chị định nhờ tôi đạp xe ra huyện nhưng vẫn thản nhiên bước lại:
- Gì vậy chị?
- Chiều nay Truờng rảnh không?
- Tôi tính nói rảnh nhưng thấy dì Miên ngồi đó, bèn lắc đầu:
- Chiều nay em bận rồi.
Ðôi mắt chị Ngà thoáng lộ vẻ ngạc nhiên. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên chị thấy tôi trả lời trái ý chị. Ngần ngừ một thoáng, chị tò mò hỏi, giọng xuôi xị:
- Trường bận chuyện gì vậy?
Vẻ thất vọng của chị khiến tôi áy náy vô kể nhưng sợ bị dì Miên chọc, tôi đành phải bấm bụng phịa tiếp:
- Chiều nay em phải xuống xóm Cây Duối với anh em thằng Chửng.
- Chi vậy?
- Tụi em đi tát cá.
- Trường cứ đi chơi lông bông với tụi thằng Chửng hoài! Không lo coi lại bài vở gì hết! – Dì Miên chợt chen tiếng trách.
- Tối nào mà cháu chẳng ngồi học! – Tôi chống chế.
Thật ra tuần lễ bảy buổi, tôi chỉ ngồi vào bàn được chừng hai buổi. Những ngày còn lại, hôm nào tôi cũng đi chơi đến tối mờ tối mịt, về nhà ăn qua loa vài miếng cơm là tôi tót lên phản, ngủ thẳng cẳng.
Nhưng lúc này, dì Miên không có thì giờ để hỏi tội tôi. Dì lo thu dọn chén đũa vào mâm, bưng xuống bếp. Thấy chị Ngà định bưng rế cơm đi theo, tôi liền gọi giật:
- Chị Ngà.
- Gì Trường?
- Khi nãy chị hỏi em rảnh không chi vậy?
- Chị định nhờ Trường đi mua đồ giùm chị.
Tôi giả ngốc:
- Mua gì vậy chị?
- Ngòi viết.
- Ra ngoài huyện hả?
- Ừ, nhưng Trường bận thì thôi!
Tôi cười:
- Ðể em đi mua cho!
- Chị Ngà tròn xoe mắt:
- Sao khi nãy Trường bảo Trường bận đi tát cá?
Tôi chớp mắt:
- Thì bây giờ em không đi nữa! Cá thì lúc nào tát chẳng được!
Nghe tôi nói vậy, chị Ngà không hỏi nữa. Mà mỉm cười:
- Trường ngoan ghê!
Chị Ngà khen tôi như khen một đứa bé. Tôi đỏ bừng mặt định ngoác miệng phản đối nhưng khi chạm phải tia nhìn dịu dàng của chị, không hiểu sao tôi lại ngoảnh mặt đi.
Tôi la cà ngoài huyện suốt cả buổi chiều. Mua ngòi viết chỉ nhoáng một cái là xong, nhưng tôi ghé thằng bạn này một chút, thằng bạn kia một chút, lúc về tới cầu Cẩm Lễ, mặt trời đã xuống khỏi ngọn tre.
Chị Ngà ngồi trước sân, bên hàng hoa cúc, ngoảnh nhìn tôi:
- Sao Trường đi lâu dữ vậy?
- Em chơi nhà mấy đứa bạn.
Tôi đáp và chạy xe vòng ra sau hè.
Ông tôi giờ này đi thăm bệnh, chắc còn lâu mới về. Ông chạy chiếc mobylette cũ kỹ màu trắng sữa, nom giống hệt con ngựa trời. Thường, học trò chở ông đi. Nhưng tháng trước, ông vừa đuổi một anh chàng gian lận. Không còn người xách tráp đi theo, cũng chẳng có ai thúc giục, ông thường ở chơi với gia chủ đến tận chiều tối. Dì Miên cũng đi đâu mất biến, nhà vắng hoe. Xay gạo xong, chắc dì còn ngồi chơi bên bà Sáu.
Tôi thắp đèn bưng lên nhà trên và nhìn ra sân. Chị Ngà vẫn còn ngồi chỗ cũ, chiếc áo bà ba trắng nhòa lẫn giữa màu hoa vàng nom giống hệt bức tranh Giáng Kiều treo ở nhà bà tôi.
Tôi cầm chiếc ngòi viết ra sân:
- Ngòi viết của chị nè.
- Cảm ơn Trường nghen.
Chị Ngà cầm lấy ngòi viết nhưng vẫn không rời khỏi khúc gỗ làm đòn kê. Hai tay chị lại bó gối. Tôi nói:
- Sao chị không vô nhà? Ngồi đây muỗi cắn chết!
- Lát nữa chị vô.
- Ngần ngừ một lát, tôi không kềm được thắc mắc:
- Chị ngồi đây chi vậy?
Chị Ngà mỉm cười:
- Chơi vậy thôi! Chị ngồi ngắm hoa.
Tôi ngạc nhiên:
- Hoa gì? Hoa cúc này đây hả?
- Ừ.
Tôi hắn giọng:
- Hoa cúc có gì mà ngắm. Trông nó chán phèo, chỉ được mỗi cái ướp trà cho ông.
Chị Ngà đưa tay vuốt tóc và khẽ liếc tôi:
- Tại Trường không thích Trường nói vậy thôi. Thích mới thấy nó đẹp. Cúc vàng đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Lần đầu tiên tôi nghe điều này. Hoa cúc trồng trước sân nhà ông tôi đã lâu nhưng chưa có ai nói với tôi rằng nó đem lại niềm vui cho tâm hồn. Tôi nhìn chị Ngà, chớp mắt hỏi:
- Thế còn cúc trắng?
- Cúc trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Nhưng cúc trắng lại kém huy hoàng. Chị thích cúc vàng hơn! - Giọng chị Ngà mơ màng.
Tôi bâng khuâng lướt mắt trên những đóa cúc vàng. Tôi chẳng thấy chúng huy hoàng chút nào. So với vẻ lộng lẫy của dãy hoa giấy um tùm tước cổng, chúng mờ nhạt hơn nhiều. Nhưng dù sao, ngắm nghía lũ hoa cúc một hồi, lòng tôi cũng cảm thấy vui vui. Ðiều này thì chị Ngà nói đúng. Tuy nhiên, niềm vui của tôi không phải đến từ hoa cúc mà đến từ nỗi hân hoan lấp lánh trên gương mặt khả ái của chị. Bao giờ tôi cũng vui với những gì chị vui và yêu thích với những gì chị thích, chẳng rõ tại sao. Ngay cả trò bắn chim đã một thời làm tôi mê mẩn bây giờ cũng chẳng còn cuốn hút tôi nữa, một khi tôi biết chị không ưa.
Chị Ngà không rõ tất cả những điều đó. Thấy tôi đột ngột chạy ra sau vườn xách một gàu nước đem lên, chị ngơ ngác hỏi:
- Trường làm gì vậy?
- Em tưới hoa.
- Khi nãy chị tưới rồi.
- Tưới rồi thì tưới nữa.
Chị Ngà dòm tôi lom lom:
- Sao bữa nay Trường siêng dữ vậy?
- Ừ.
Câu trả lời lửng lơ của tôi khiến chị Ngà nhăn mặt:
- Ừ là sao?
Tôi cười:
- Em thích thì em tưới chứ là sao! Em thích hoa cúc. Cũng như chị vậy.
Chị Ngà càng ngẩn ngơ:
- Sao khi nãy em bảo hoa cúc trông chán phèo?
- Khi nãy khác, bây giờ khác! - Tôi khịt mũi – Bây giời thì em thích. Hoa cúc đem lại niềm vui cho tâm hồn.
Chị Ngà cười khúc khích:
- Trường xạo ghê!
Miệng bảo tôi xạo nhưng đôi mắt chị Ngà lại nhìn tôi long lanh ấm áp. Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt đẹp đẽ đến nồng nàn như vậy. Tôi đọc thấy trong đó sự rạng rỡ không che giấu. Tôi cũng đọc thấy trong đó nỗi rộn ràng khó tả của trái tim tôi. Người run lên, tôi không đủ can đảm nhìn lâu hơn vào đôi mắt đầy quyến rũ kia nữa. Mà cúi xuống chiếc gàu mo cau sóng sánh nước trên tay.
Tôi khẽ nghiêng gàu cho những giọt nước xôn xao rơi ngập ngừng trên hoa vàng lá biếc. Hay đó chính là lòng tôi đang ngẩn ngơ nghiêng xuống mối tình đầu?
Huyền Xưa Huyền Xưa - Từ Kế Tường Huyền Xưa