Chương 8 : Ronaldo
ristiano Ronaldo là cầu thủ tài năng nhất mà tôi từng dẫn dắt. Cậu ấy xuất sắc hơn tất cả những học trò giỏi nhất mà tôi từng có tại United. Chỉ duy nhất một vài người đủ tài năng xếp cạnh cậu ấy là cặp đôi trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ – Paul Scholes và Ryan Giggs. Bởi vì họ có những đóng góp phi thường cho Manchester United trong suốt hai thập kỷ. Sự bền bỉ, lòng trung thành và lối sống gương mẫu khiến họ trở nên đặc biệt.
United đã để mất thầy phù thủy của mình, Cristiano, vào tay Real Madrid. Nhưng chúng tôi luôn trân trọng khoảng thời gian mà cậu ấy đóng góp cho Quỷ Đỏ với niềm tự hào và lòng biết ơn chân thành. Trong sáu mùa giải cùng United từ 2003 đến 2009, cậu ấy ghi được 118 bàn thắng trong 292 trận đấu, giành một danh hiệu vô địch Champions League, ba Cúp Premier League, một Cúp FA và hai Cúp Liên đoàn. Cậu ấy đã ghi bàn ở trận Chung kết Champions League với Chelsea tại Moscow và góp mặt trong trận Chung kết một lần nữa 12 tháng sau đó, đối đầu với Barcelona tại Roma.
Tài năng đặc biệt của Ronaldo được thể hiện từ sân tập Carrington đến đội hình Một, đưa đội bóng qua thời kỳ khó khăn ở giữa thập kỷ 2000. Chúng tôi đã giúp Ronaldo trở nên xuất sắc như hiện giờ và cậu ấy cũng tìm lại cảm hứng cho Manchester United.
Madrid đã chi tới 80 triệu bảng để có được cậu ấy và bạn có biết tại sao không? Đó là cách để Florentino Pérez, vị chủ tịch của họ, tuyên bố với thế giới rằng: “Chúng tôi là Real Madrid, chúng tôi là câu lạc bộ vĩ đại nhất”. Đó là một bước đi thông minh của Real và cũng để khẳng định mục tiêu luôn theo đuổi những cầu thủ nổi tiếng nhất của họ.
Ramón Calderón, người tiền nhiệm của Pérez, đã tuyên bố trước báo giới một năm về trước rằng ngày nào đó Cristiano sẽ trở thành cầu thủ của Real Madrid. Tôi biết chắc nếu như họ có thể đặt lên bàn đàm phán 80 triệu bảng, cậu ấy sẽ ra đi. Chúng tôi không thể ngăn cản ước muốn quay trở về bán đảo Iberia của cậu ấy và khoác lên mình màu áo trắng huyền thoại như những Di Stefano hay Zidane đã từng. Sự thật về việc quản lý Ronaldo, hay rất nhiều tài năng khác đã đến Manchester United khi còn ở tuổi thiếu niên: bạn có thể giám sát họ một cách khá dễ dàng trong những năm đầu khi họ chưa là biểu tượng toàn cầu, lúc họ đang trên đường phát triển bản thân. Khi họ đã là một siêu sao thế giới, như Ronaldo, bạn phải tự hỏi mình một câu hỏi như Carlos Queiroz và tôi đã từng bàn luận rất nhiếu lần: “Chúng ta có thể giữ chân Cristiano Ronaldo trong bao lâu nữa?”.
Carlos đã tiên đoán rất đúng những gì đã xảy ra. Ông ấy nói với tôi: “Alex, nếu ông có thể giữ chân cậu ta trong năm năm thì đó là một kỳ tích đấy. Chưa có tiền lệ nào cho một cầu thủ Bồ Đào Nha ra nước ngoài thi đấu từ tuổi 17 và ở lại đó quá năm năm”. Thực tế thì chúng tôi có cậu ấy trong vòng sáu năm. Champions League và ba chức vô địch quốc gia là thành quả ấn tượng.
Khi khả năng Ronaldo ra đi lớn hơn, tôi đã đạt một thỏa thuận miệng với cậu ấy. Tôi tới nhà của Carlos ở Bồ Đào Nha và biết được rằng cậu ấy đang đề đạt mong muốn được chuyển tới Real Madrid. Tôi đã nói với cậu ấy: ”Cậu không thể ra đi trong năm nay, nhất là sau cái cách tiếp cận của Calderón. Tôi biết khát khao khoác áo Real Madrid của cậu. Nhưng tôi thà lấy súng bắn chính cậu hơn là bán cậu đi vào lúc này. Nếu như cậu vẫn thi đấu tốt, không nổi loạn và câu lạc bộ nào đó đề nghị một mức giá kỷ lục thì tôi sẽ để cậu ra đi”. Tôi cũng đã truyền tải thông điệp này tới đại diện của Ronaldo, Jorge Mendes.
Lời thuyết phục đã thành công. Tôi chỉ rõ nguyên nhân từ chối bán cậu ấy ngay trong năm nay là vì Calderón: “Nếu tôi làm vậy, danh dự của tôi sẽ mất hết, mọi thứ của tôi cũng tiêu tan, tôi có thể không cho cậu ra sân và ném lên khán đài. Mọi thứ sẽ không đi xa đến vậy, nhưng tôi phải cho cậu biết rằng tôi sẽ không để cậu đi trong năm nay”.
Tôi đã thông báo chi tiết buổi nói chuyện với David Gill, rồi ông ấy truyền lại cho nhà Glazer. Chắc hẳn Real Madrid cũng biết chuyện này. Vào thời điểm đó, tôi như chết điếng khi biết những chi tiết trong bản hợp đồng của chúng tôi với Ronaldo có thể bị tuồn ra ngoài. Chúng tôi đã cảnh báo Cristiano những hệ quả có thể xảy đến. Tôi không tin cậu ấy lại tiết lộ những điều đó với Real Madrid. May mắn cho cậu ấy khi có Jorge Mendes là đại diện của mình, tôi có thể nói rằng ông ấy là người đại diện tuyệt vời nhất mà tôi được biết đến. Ông ấy rất trách nhiệm, luôn quan tâm đến cầu thủ của mình và công bằng với các câu lạc bộ. Tôi cảm nhận được sự lo lắng của ông ấy nếu Cristiano chuyển tới Tây Ban Nha. Jorge sợ Real sẽ “chiếm” lấy Ronaldo. Mỗi nhà môi giới là một con người khác nhau.
Điều mà tôi luôn nhớ về Ronaldo là ngay cả khi có một trận đấu không tốt, cậu ấy vẫn luôn tạo ra ít nhất ba cơ hội ghi bàn. Mọi trận đấu. Trong hàng núi các băng hình tài liệu, bạn không thể tìm được bất kỳ trận nào nào mà cậu ấy không kiến tạo được ba cơ hội sáng sủa. Cậu ấy sở hữu tài năng siêu phàm. Tôi có thể kể ra mọi thứ: thái độ tập luyện chuyên nghiệp, sức mạnh, sự can đảm, kỹ năng hoàn hảo với hai chân, khả năng không chiến.
Trong những ngày đầu tiên ở đây, không thể phủ nhận Ronaldo thi đấu hơi “màu mè”. Những đánh giá không công bằng đầy rẫy xung quanh cậu ấy. Nhưng Ronaldo đã thay đổi. Một khía cạnh mà những người chỉ trích thường xuyên bỏ qua là tốc độ của cậu ấy. Với một người chạy ở tốc độ cao như vậy, bạn chỉ cần chạm khẽ là đủ khiến họ loạng choạng. Khả năng thăng bằng của con người cũng không đủ để đứng vững ở tốc độ nhanh bất thường đó. Một pha phạm lỗi vào chân, hay một cú cùi chỏ vào mạn sườn sẽ làm cầu thủ té ngã. Bởi vậy, thật không công bằng khi đánh giá thấp khả năng giữ cân bằng khi chạy tốc độ cao của Ronaldo.
Trong những ngày đầu tiên ở đây, tôi thừa nhận Ronaldo “thể hiện” quá mức và Carlos đã phải dạy dỗ cậu ấy vất vả. Ông ấy liên tục nhắc nhở Cristiano: “Cậu chỉ trở thành một cầu thủ giỏi khi mọi người ngoài Old Trafford công nhận điều đó. Là cầu thủ tốt nhất đối với chúng tôi thôi thì chưa đủ. Khi bắt đầu biết chuyền, biết tạt, đến thời điểm thích hợp, đối thủ sẽ không thể bắt bài được cậu. Và khi đó những cái tên xuất sắc ra đời”.
Lúc ấy, đối thủ hiểu cách đối phó với Ronaldo. Họ biết cậu ấy sẽ giữ khư khư trái bóng mà thôi. Nhưng nếu xem lại bàn thắng của Cristiano trong trận Bán kết Champions League với Arsenal, bạn sẽ thấy sự thay đổi lớn lao. United phản công nhanh, Ronaldo giật gót cho Park Ji-sung và có mặt ở vòng cấm đội bạn trong vòng chín giây. Vâng, cậu ấy chỉ mất chín giây để đưa trái bóng vào lưới.
Đó là sự đổi thay chóng mặt của cậu nhóc ngày nào thích phô diễn nhưng bất lực trong việc thuyết phục mọi người về tài năng của mình. Rất nhiều cầu thủ giỏi phải chứng minh khả năng và không một ai có thể hạ gục Ronaldo trên hành trình này. Dù bao nhiêu lần bị đốn ngã hay chơi xấu trong trận đấu, cậu ấy vẫn giữ vẻ thách thức: “Các người không thể loại tôi khỏi cuộc chơi này, tôi là Ronaldo”. Cậu ấy có một lòng can đảm phi thường và sự tự tin bất diệt vào chính mình. Cậu ấy tự nâng cao bản thân, trong tiềm thức của tôi và rất nhiều những cầu thủ United khác, tới điểm mà tất cả mọi người xung quanh đều phải nể phục.
Các đồng đội rất nhiệt tình với Ronaldo mỗi lúc tập luyện. Họ giúp đỡ cậu ấy học hỏi. Lần đầu bị đốn ngã tại Carrington, cậu ấy đã hét lên kinh hoàng “Aaggh!”. Nhưng các cầu thủ còn lại không hề nương chân. Ronaldo nhanh chóng nhận ra rằng không nên kêu gào như thế nữa. Sự thông minh đã giúp cậu ấy. Ronaldo là một chàng trai vô cùng sáng dạ. Một khi nhận ra không ai sẵn sàng làm khán giả nghe mình hò hét và diễn kịch, cậu ấy dừng lại và tự động loại nó khỏi các trận đấu. Trong mùa giải cuối cùng ở United, Ronaldo có vài lần phản ứng với đối phương để nhận những quả đá phạt, nhưng không hề nhiều hơn các cầu thủ khác. Trong trận đấu với Bolton năm 2008, cậu ấy được trao một quả penalty “ma”. Công bằng mà nói, cậu ấy không đóng kịch để có được cơ hội đó. Nó chỉ là một sai lầm của người “cầm cân nảy mực”. Hậu vệ đối phương đã xoạc bóng hợp lệ và khiến Ronaldo ngã. Người đáng bị chê trách không phải Ronaldo mà là trọng tài của trận đấu này, Rob Styles.
Dù nhiều đội bóng tuyên bố từng có cơ hội ký hợp đồng với Ronaldo (Real Madrid và Arsenal) nhưng United có một mối liên hệ mật thiết với Sporting Lisbon, câu lạc bộ đầu tiên của cậu ấy tại Bồ Đào Nha. Chúng tôi đã trao đổi các huấn luyện viên với nhau để học hỏi kinh nghiệm. Khi Carlos gia nhập United vào năm 2002, ông ấy nói với tôi rằng: “Có một cậu bé tại Sporting mà chúng ta cần phải để mắt đến.”
“Ai vậy?” Tôi hỏi. Bởi vì tôi ấn tượng với hai đến ba cầu thủ ở đó.
“Ronaldo”, ông ấy trả lời. Chúng tôi hiểu rất rõ cậu ấy. Thời điểm đó, Cristiano còn thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm. Carlos nói rằng chúng tôi phải hành động càng sớm càng tốt vì đó là một cầu thủ đặc biệt. Vì thế, tôi đã cử Jim Ryan tới xem Sporting Lisbon tập luyện như một phần trong thỏa thuận giữa hai câu lạc bộ. Jim trở về và nói: “Trời, tôi đã chứng kiến cậu ta thi đấu. Tôi nghĩ cậu ấy là một cầu thủ chạy cánh, nhưng đang thi đấu như một tiền đạo cắm ở đội trẻ. Tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Mười bảy tuổi là đủ để ai đó chơi một canh bạc”.
Và United gửi lời đề nghị đến Sporting về cậu bé kỳ diệu đó. Câu trả lời nhận được là họ muốn giữ chân cậu ta thêm hai năm nữa. Tôi gợi ý một bản hợp đồng ghi nhớ rằng sau hai năm, chúng tôi sẽ đưa cậu ấy về Old Trafford. Ở thời điểm đó, chúng tôi chưa hề nói chuyện với người đại diện hay bản thân Ronaldo. Nó đơn thuần chỉ là buổi đàm phán giữa hai câu lạc bộ.
Mùa hè năm đó, Carlos chuyển sang dẫn dắt Real Madrid, và chúng tôi tham gia tour du đấu tại Mỹ. Peter Kenyon chia tay, Juan Sebastian Veron cũng rời nơi đây. Một phần tour du đấu của chúng tôi là trận đấu với Sporting Lisbon trong lễ khánh thành sân vận động mới của họ, nơi được chọn làm địa điểm thi đấu của EURO 2004.
Vậy là chúng tôi tới Bồ Đào Nha. John O'Shea được sắp xếp đá hậu vệ phải. Mọi người cứ đồn đại vị trí đó của Gary Neville nhưng thực sự là John O’Shea. Ronaldo có đường chuyền đầu tiên và tôi phải hét lên với John: “Lạy chúa, John, bắt chặt lấy cậu ta”.
John nhún vai, sự bối rối, hoang mang thể hiện trên khuôn mặt của cậu ấy. Những cầu thủ khác trên băng ghế dự bị cũng không kìm được: “Khỉ thật, huấn luyện viên ơi, gã kia đặc biệt đấy”.
Tôi trấn an: “Không sao đâu, tất cả đã nằm trong tính toán của tôi”. Lời nói như thể tôi đã ký hợp đồng với Ronaldo từ mười năm trước vậy. Tôi gọi Albert, người phụ trách trang phục thi đấu của đội: “Ông chạy ngay lên khu vực lãnh đạo và bảo Kenyon xuống gặp tôi vào giờ nghỉ giữa hai hiệp”. Và rồi tôi nói với Peter: “Chúng ta sẽ không rời khỏi đây cho đến khi có được chữ ký của cậu ấy”.
“Cậu ấy có xuất sắc đến vậy không?” Kenyon hỏi.
“John O’Shea đang phát điên kia kìa”, Tôi dứt khoát. “Ký hợp đồng với cậu ấy ngay”.
Kenyon tới nói chuyện với quan chức bên phía Lisbon và xin quyền thương thảo với Ronaldo. Họ cảnh báo chúng tôi Real Madrid đã đề nghị mức phí tám triệu bảng.
“Vậy thì trả họ chín triệu”, Tôi lớn giọng.
Ronaldo đang ở tầng dưới trong một căn phòng nhỏ với người đại diện của cậu ấy. Chúng tôi bày tỏ mong muốn được thấy cậu ấy thi đấu cho Manchester United. Trước mặt Jorge Mendes, tôi tuyên bố: “Tôi phải nói trước, cậu sẽ chưa được chơi bóng hàng tuần, nhưng cậu sẽ có mặt trong Đội Một. Tôi không mảy may nghi ngờ điều đó. Cậu mới 17 tuổi, cần một khoảng thời gian để thích nghi. Chúng tôi sẽ chăm sóc cậu”.
Một chiếc máy bay riêng đã được thuê cho Ronaldo, mẹ và chị gái cậu ấy, Jorge Mendes và luật sư của cậu ấy đến Anh trong ngày hôm sau. Chúng tôi phải hoàn thành bản hợp đồng này càng sớm càng tốt. Tốc độ là điều tối quan trọng. Tôi từng tự mình đi “trinh sát”, vào một buổi sáng thứ Bảy tại Glasgow. Và khi ở vị trí đó, tôi sẽ luôn nói với những cầu thủ “lọt vào mắt xanh”: “Thật tuyệt vời khi có thể tìm được một ai đó mà bạn biết chắc phù hợp với chuyện này”.
Tôi từng xem bộ phim “Nanh trắng” được chuyển thể theo cuốn sách cùng tên của Jack London về chuyến đi tìm vàng tới Klondike. Nó rất giống với công việc của người tuyển trạch. Bạn đang thưởng thức bóng đá vào sáng thứ Bảy và phát hiện ra một George Best, một Ryan Giggs hay một Bobby Charlton. Đó chính là cảm giác của tôi khi ở Lisbon. Một sự soi rạng.
Quả thực sự phấn khích, sự chờ đợi của tôi đã dâng lên đến tột cùng. Lần gần nhất tôi có cảm giác này là đối với Paul Gascoigne. Lúc ấy, Newcastle đang chiến đấu giành suất trụ hạng và Gascoigne dính chấn thương. United hành quân đến St James’ Park trong ngày Lễ Phục sinh. Tôi xếp Norman Whiteside và Remi Moses ở trung tâm hàng tiền vệ, bộ đôi này không hề dễ chơi. Bạn khó có thể múa may trước mặt họ. Nhưng riêng Gascoigne thì khác, cậu ấy xỏ háng rồi lừa bóng qua Moses như một đứa trẻ ngay trước mặt tôi. Tôi bay ra khỏi khu vực huấn luyện, hò hét: “Đuổi theo gã kia nhanh lên…”
Sau đấy, Whiteside và Moses cố gắng lấy ấn tượng với Gascoigne như thể muốn nói cậu ấy đã đánh giá sai đối thủ rồi đấy. Họ sẵn sàng “dạy” lại một bài học cho tiền vệ của Newcastle nhưng Gascoigne cứ nhẹ nhàng vượt qua.
Chúng tôi đã cố gắng để có được chữ ký của cậu ấy vào mùa hè năm đó. Nhưng cuối cùng, Newcastle đã bán Gascoigne cho Tottenham. Khi chứng kiến một tài năng ngay trước mắt, bạn biết đó là cảm giác bạn sẽ kiếm tìm trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình. Khám phá ra điều này đã thôi thúc tôi ký hợp đồng với Gascoigne ngay lập tức.
Với Ronaldo thì ngược lại, Kenyon đã làm rất tốt. Tôi cảm nhận rằng Sporting không muốn bán cậu ấy cho một câu lạc bộ Tây Ban Nha. Hợp đồng được ký kết chóng vánh, với tổng chi phí khoảng 12 triệu bảng cùng với điều kiện duy nhất, nếu chúng tôi bán Ronaldo thì Sporting sẽ là đội bóng được ưu tiên mua lại. Vài ngày trước khi bán Ronaldo cho Real, tôi gọi cho Sporting và thông báo họ có thể có cậu ấy với mức giá 80 triệu bảng. Không ngạc nhiên khi chẳng tờ séc nào được ký cả.
Cuộc sống mới của Ronaldo khởi đầu tại Cheshine, mẹ và chị gái đã đi cùng cậu ấy. Đó hẳn là một điều tốt lành. Như những gì bạn chờ đợi, mẹ Ronaldo luôn che chở cho cậu ấy. Bà tốt tính và thẳng thắn, không hề điệu bộ. Rồi tôi giải thích cho Ronaldo rằng Lyn và Barry Moorhouse sẽ coi sóc giúp gia đình cậu ấy về mọi thứ trong nhà, tài khoản ngân hàng và nhiều thứ khác. Chúng tôi đã bố trí cho họ một căn hộ kín đáo, gần khu Alderley Edge và họ ổn định rất nhanh.
Sau trận đấu với Sporting Lisbon, United trở về trên chiếc phi cơ của đội Dallas Cowboys, họ cho chúng tôi thuê trọn mùa hè này. Ferdinand, Giggs, Scholes và Neville liên tục nói về Ronaldo trong suốt chuyến bay: “Hãy ký hợp đồng với cậu ấy, hãy ký hợp đồng với cậu ấy!”.
Vì thế, Ronaldo bước vào Carrington nhận thức được rằng tất cả các cầu thủ khác đã biết tất tần tật về cậu ấy và hiểu cậu ấy xuất sắc đến nhường nào. Tôi nghĩ điều đó rất có ích.
Màn ra mắt của Ronaldo đến từ băng ghế dự bị trong trận đấu với Bolton trên sân nhà Old Trafford vào ngày 16 tháng Tám năm 2003. Các hậu vệ của Bolton như vẹo sườn trước các phả đảo bóng của cậu ấy. Hậu vệ phải đội khách cướp được bóng của Ronaldo ở giữa sân, nhưng cậu ấy đứng dậy ngay và tiếp tục xin bóng. Ngay lập tức. Tôi thầm nhủ: “Dù thế nào cậu ấy cũng phải có bóng”.
Ngay phút tiếp theo Ronaldo bị kéo ngã và United được hưởng một quả penalty. Nhưng Van Nistelrooy đã sút hỏng. Rồi sau đó, Ronaldo di chuyển sang bên cánh phải và có hai đường tạt bóng nguy hiểm, một trong số đó đến chân Scholes, người đã chuyền cho Nistelrooy, cú sút của tiền đạo người Hà Lan lại bị chặn bởi thủ môn Bolton, nhưng Giggs đã có mặt đúng lúc để đưa bóng vào lưới. Đám đông trên khán đài đằng sau khung thành đội khách hóa rồ như thể đấng cứu thế xuất hiện ngay trước mặt họ vậy. Ronaldo đã gây ảnh hưởng rất lớn lên các cổ động viên của United mà chưa ai từng làm được kể từ sau Eric Cantona. Ronaldo có thể không bao giờ được sùng bái như Cantona, bởi vì Eric có một ma lực thần kỳ, nhưng tài năng của Ronaldo là không thể phủ nhận.
Bàn thắng mà Ronaldo ghi được ở trận đấu với Arsenal tại bán kết Champions League năm 2009 khẳng định khả năng của cậu ấy trong các trường hợp phản công. Trái bóng di chuyển từ chân Park cho Rooney rồi tới Ronaldo với tốc độ kinh hoàng. Tôi luôn nói với Ronaldo rằng: “Khi chạy lên tham gia tấn công, hãy kéo dài sải chân của cậu”. Bởi khi kéo dài sải chân, bạn làm chậm bản thân và tính toán thời gian kỹ hơn. Bạn có ít kết nối với cơ thể lúc bứt tốc nhưng khi giảm cường độ xuống, não bộ sẽ hoạt động tốt hơn. Ronaldo đã làm đúng như vậy. Bạn thấy rồi đấy.
Vào mùa xuân 2004, trước trận chung kết Cúp FA ở Cardiff, nơi mà chúng tôi đã đánh bại Millwall với tỷ số 3 -0, Walter Smith, người trở thành trợ lý cho tôi từ tháng Ba, hỏi tôi về trình độ tài năng của tất cả các cầu thủ mà United có.
“Ronaldo là cầu thủ như thế nào?” Ông ta hỏi ”Đó có phải là một cầu thủ giỏi không?”
Tôi trả lời: “Tất nhiên rồi, không thể tin nổi, kể cả ở trên không, cậu ấy là một chuyên gia không chiến”.
Walter tỏ vẻ ngờ vực: “Ông không ngừng nói với tôi về khả năng không chiến tuyệt vời của Ronaldo. Tôi đã nhìn thấy cậu ấy chơi đầu một vài lần trong khi luyện tập, nhưng trong trận đấu thật thì chưa bao giờ”.
Thứ Bảy tiếp theo, trong trận đấu với Birmingham, Ronaldo đã ghi bàn bằng một pha đánh đầu không thể cản phá. Tôi quay sang Walter. “Vâng, tôi biết, tôi biết rồi”, ông ấy sốt sắng.
Tôi đã xem Millwall đánh bại Sunderland trong trận Bán kết vè nói với các cộng sự: “Tim Cahill là một cầu thủ không tồi”. Cậu ta không quá tài năng trong việc điều khiển trái bóng, nhưng có thể liên tục làm rối loạn hàng phòng ngự đối phương. Khi đó, bạn có thể mua Cahill với giá một triệu bảng. Cậu ấy sẽ ghi nhiều bàn thắng hơn nếu được chơi cho một đội bóng chất lượng. Dennis Wise thì thi đấu đầy quyết liệt trong trận đấu đó. Có nhiều cầu thủ khác cũng thi đấu quyết liệt như Wise trong những năm qua, kiểu cầu thủ khiến bạn phải cầu nguyện: “Cầu Chúa con vẫn có thể tiếp tục chơi bóng”. Wise sẽ không thể tồn tại trong thế giới bóng đá trước kia, tôi đảm bảo. Nhưng điều này cũng không mấy quan trọng, bởi Ronaldo đã hủy diệt Millwall ngày hôm đó.
United từng đối mặt với một sự việc về chính trị có liên quan đến Ronaldo. Đương nhiên, nó diễn ra ở kỳ World Cup 2006, khi cậu ấy nháy mắt với các cầu thủ trên băng ghế dự bị của Bồ Đào Nha sau tình huống Wayne Rooney dẫm vào người Ricardo Carvalho. Điều này làm dấy lên khả năng về mối bất hòa giữa Ronaldo và Rooney và rằng họ sẽ không thể nào chơi cạnh nhau được nữa. Tuy nhiên, Ronaldo đã được cứu bởi một Rooney rất hào hiệp. Tôi đã nhắn tin cho Rooney và bảo cậu ấy gọi lại. Cậu ấy đề nghị sẽ làm một buổi phỏng vấn chung với Ronaldo để chứng minh cả hai vẫn hòa thuận. Ngày hôm sau, tôi hỏi ý kiến Mick Phelan và ông ấy cho rằng hành động đó hơi mang tính giả tạo. Tôi cũng đồng ý. Nhưng quan trọng là sự rộng lượng của Rooney đã làm Ronaldo ấn tượng. Cậu ấy đã nghĩ không thể nào quay về Manchester được nữa. Rooney còn gọi điện vài lần để đảm bảo cho Ronaldo.
Đây không phải là lần đầu hai đồng đội tại United va chạm nhau ở đội tuyển quốc gia. Tôi sẽ đưa các bạn về trận đấu giữa Scotland và Anh năm 1965, trận đầu tiên khoác áo Tam Sư của Nobby Stiles. Denis Law đang đứng trong hàng của đội tuyển Scotland, Nobby bước qua và nói: “Chúc những điều tốt lành nhất, Denis”. Nobby thần tượng Denis nhưng nhận được câu trả lời làm ông choáng váng: “Biến đi, gã người Anh này, chính cậu đấy”.
Đúng, Ronaldo có chạy về phía trọng tài để yêu cầu ông phạt Rooney, điều thường thấy trong bóng đá hiện đại. Nhưng Ronaldo chỉ nghĩ một điều duy nhất khi đó: giành chiến thắng cho đất nước của mình. Cậu ấy không có thời gian nghĩ về việc chơi cho Man United mùa giải sau. Đó là một trận đấu tại World Cup.
Nhưng dẫu sao, Ronaldo cũng hối tiếc vì hành động đó. Cái nháy mắt đã bị hiểu sai ý. Huấn luyện viên Scolari đã yêu cầu Ronaldo tránh xa các rắc rối có thể xảy ra nên hành động này không nhằm bày tỏ sự hài lòng với chiếc thẻ đỏ của Rooney. Tôi tin tưởng Ronaldo khi cậu ấy phủ nhận cái nhảy mắt có hàm ý như: “Tôi giải quyết chuyện này rồi, hắn ta nhận thẻ đỏ”.
Chúng tôi gặp nhau và ăn trưa tại một biệt thự ở Bồ Đào Nha. Jorge Mendes cũng có mặt. Rooney đã gọi cho ông ấy để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của Ronaldo và giúp cậu ấy giải tỏa căng thẳng. Tôi nói với Cristiano: “Cậu là một trong những cầu thủ dũng cảm nhất đã tới thi đấu cho Manchester United, nhưng ra đi vào lúc này sẽ là hèn nhát”. Tôi gợi lại tình huống của Beckham năm 1998: “Nó cũng giống y hệt với tình cảnh của cậu lúc này. Họ coi Beckham như một kẻ tội đồ, họ treo hình nộm cậu ấy bên ngoài những quán rượu ở London. Nhưng cậu ấy đã dùng trái bóng để phản đối lại tất cả”.
Trận đấu đầu tiên của Beckham sau tai nạn không thể tha thứ đó là chuyến làm khách tới West Ham – nơi tồi tệ nhất có thể sau trận đấu kinh hoàng với đội tuyển Anh – và Beckham đã chơi rất tốt. “Cậu phải vượt qua điều này”, tôi nói với Ronaldo. Cuộc hành quân tiếp theo tới London của Ronaldo là với đối thủ Chalton vào tối thứ Tư. Tôi bắt đầu trận đấu từ khu kỹ thuật, nơi mà một cổ động viên đội nhà đã hét lên lăng mạ: “Thằng khốn Bồ Đào Nha!”. Đó là câu lịch sự nhất. Năm phút trước giờ nghỉ giải lao, Ronaldo nhận bóng, đi bóng kỹ thuật qua bốn cầu thủ đối phương và sút bóng trúng mép dưới xà ngang. Anh chàng ban nãy ngồi im ở tình huống này như bị xẹp hơi. Có lẽ hắn nghĩ những lời la ó chỉ tiếp thêm sức mạnh cho Ronaldo.
Ronaldo sau đó ổn định, thi đấu tốt trong phần đầu mùa giải và hòa hợp với Rooney. Đằng nào thì Rooney cũng phải nhận thẻ đỏ, công bằng mà nói thì sự can thiệp của Ronaldo cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm khi sự việc này qua đi mà United vẫn giữ chân được Ronaldo để rồi tiến lên giành chức vô địch Champions League 2008 ở Moscow.
Mùa hè 2012, tôi có nhận lời tham dự chương trình Hỏi & Đáp được dẫn bởi Dan Walker của đài BBC cùng với Peter Schmeichel và Sam Allardyce. Một câu hỏi được đưa ra: “Ai xuất sắc hơn, Ronaldo hay Messi?” Tôi trả lời ”Nền tảng thể lực của Ronaldo tốt hơn Messi, cậu ấy giỏi không chiến hơn, nhanh hơn và thuận cả hai chân. Messi là một tài năng thiên bẩm, trái bóng như có phép thuật khi được đặt vào chân cậu ấy, như thể nó được đặt chân một chiếc giường lông vũ vậy. Khả năng thăng bằng của cậu ấy thật đáng kinh ngạc”.
Schmeichel thì cho rằng Ronaldo có thể chơi cho một đội bóng tầm trung trong khi Messi thì không thể. Đó là một luận điểm tốt. Nhưng Messi sẽ vẫn có thể tạo nên những đường bóng huyền ảo từ đôi chân của cậu ấy. Quan điểm của Peter là Messi phụ thuộc nhiều vào Xavi và Iniesta. Nhưng Ronaldo cũng không khác nhiều khi bạn xét đến việc cậu ấy liên tục cần tiếp bóng. Đã rất nhiều lần được hỏi tôi đều chẳng thể tìm ra ai là cầu thủ xuất sắc nhất, xếp ai vào vị trí thứ hai cũng là sai lầm.
Một điều quan trọng khác đối với tôi ngoài việc Ronaldo đã thể hiện hết tài năng thiên bẩm trong màu áo Đỏ là chúng tôi vẫn giữ liên lạc gần gũi ngay cả khi cậu ấy đã chuyển tới Real. Một cái kết có hậu trong thế giới bóng đá của những mối quan hệ nhất thời.
Hồi Ký Ferguson : Leading Hồi Ký Ferguson : Leading - Alex Ferguson Hồi Ký Ferguson : Leading