Hội Những Người Già Xa Xứ
a tôi nói người già thường như trẻ thơ: hay giận dỗi, làm nũng và thích được người thân quan tâm đến. Người già sống chung với con cháu đã thấy có vấn đề, huống hồ gì ông bà nội tôi sống thui thủi một mình, lại cô đơn trên đất khách quê người.
Cuối cùng thì Trời Phật cũng thương cho bao đêm tôi thắp nhang cầu nguyện có ngày gặp lại ông bà. Nhân chuyến đi Pháp miễn phí của mình, tôi tranh thủ xẹt qua Thụy Sỹ. Đáng lý ra tôi nên giữ bí mật này cho đến phút chót nhưng ba tôi trong lúc vui mừng đã lỡ bật mí cho nội tôi hay khi bà gọi điện về. Tội nghiệp, bà đếm từng ngày, mong từng đêm được gặp lại đứa cháu đã không thấy mặt từ mười mấy năm nay.
- Trời đất ơi! Sao mà con ốm dữ vậy?
Tôi lỏn lẻn cười, thấy còn bỡ ngỡ lắm. Bà nắn bóp tay tôi, kéo đầu tôi xuống hôn chụt chịt. Ông tôi không nói gì, chỉ đứng nhìn.
- Ba má con khỏe không? - Cuối cùng ông cũng lên tiếng - gặp mặt mày ở đây mà không biết đến bao giờ mới gặp ba má mày.
Bà nội lăng xăng chạy ra chạy vào lấy cái này bỏ cái nọ, nấu nấu nướng nướng và miệng không ngớt la lên:
- Mô Phật! Hôm nay vui quá! Có cháu nội qua thăm!
Nhìn bà, tôi nhớ lời ba tôi so sánh người già như trẻ nhỏ, niềm vui của nội phô bày ra như trẻ nhỏ được quà. Tôi quay mặt đi, đến bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Bà nội có lần viết thư tả cảnh quanh nhà đẹp như truyện cổ tích quả thật không sai. Đã vào thu nên cây cối rụng lá tạo thành một thảm dày dưới đất. Tiếng suối chảy ầm ào vọng đến thật vui tai. Mấy con bồ câu bay sà xuống bậu cửa sổ mổ vụn bánh mì. Thấp thoáng bóng mấy con sóc nhỏ tí ti chuyền cành thật dễ thương.
- Đẹp không con? Đẹp quá há? - Bà nội đã đến sau lưng tôi - Ở đây vui lắm, cây cối, chim muông đủ hết.
- Vui gì mà vui! Ông nội xen vào - Nhìn mười mấy năm nay rồi chưa chán sao? Đẹp thì đẹp thiệt nhưng đâu phải của mình mà vui.
- Đó! Con có nghe tiếng suối chảy róc rách không? - Bà nội nói tiếp, không để ý đến những lời “phá bĩnh” của ông - Chút nữa ăn cơm xong bà nội dẫn con vô rừng chơi, ngắm suối và hái táo ăn.
- Chà! Lãng mạn quá ta! - Ông nội lại xen vào - Cái đó là hệ thống thoát nước từ trong thành phố chảy ra, gọi đại nó là ống cống cho rồi. Còn táo người ta trồng làm cảnh bà biểu nó hái, tụi Thụy Sỹ bắt thường [1], bà cho nó tiền trả đó nghen!
Lần này bà tôi cụt hứng không thèm che giấu, te tái đi vô bếp, miệng lầm bầm:
- Thọc gậy bánh xe hoài! Toàn nói những chuyện làm người ta mất vui.
Cho dù ông tôi đã ngán ngắm cảnh thì đối với tôi nó vẫn còn thần tiên lắm, nên thơ lắm, tuyệt vời lắm. Tôi đòi bà nội dẫn vô rừng chơi ngay sáng ngày mai. Bà vui vẻ trở lại và ngồi tả cảnh tả tình tiếp. Lần này rút kinh nghiệm, hai bà cháu vô phòng đóng cửa lại để ông nội không có dịp làm phiền.
- Cho ổng hết nói ra nói vô, hí hí!
Bà nội cười hồn nhiên và lấy làm khoái chí với sáng kiến loại ông ra khỏi cuộc chơi. Hai bà cháu tâm tình với nhau chưa được bao lâu thì ông nội gõ cửa:
- Ê! Vô được không?
- Chuyện gì? - Giọng bà nghe thật hách - Tụi này đang tâm sự. Không có chuyện gì khẩn cấp thì yêu cầu rút lui có trật tự.
- Bà có téléphone kìa! Ở đó mà làm cao!
- Bà nội giật mình xô cửa chạy ra không quên cằn nhằn:
- Sao không nói sớm?
- Đã bị điếc mà còn bày đặt đóng cửa - Ông nội vẫn chưa tha - Bữa nay mới kiếm được đồng minh nên làm bộ làm tàng với tôi. Nó về rồi bà đừng có đi theo tôi nói chuyện à nhe!
Bà nội trở vô nói cho ông hay người ta gọi đến để báo tin một bà bạn đã mất sáng nay. Vậy là sớm mai ông bà tôi phải đi Genève viếng đám ma.
- Nhưng mà hai đứa mình đi hết rồi để con bé ở nhà với ai? - Bà nội lo lắng - Hay rủ nó theo luôn nhe!
Tôi trấn an ông bà là từ hồi tôi còn nhỏ xíu đã không ngại ở nhà một mình thì căn hộ nhỏ tẹo này của ông bà có gì đáng sợ đâu.
Sáng sớm hôm sau, ông bà nội lên đường sau khi đã dặn dò tôi đủ thứ chuyện và lấy ra một tá băng vidéo. Tôi coi chưa được ba cuộn thì ông bà về tới, đã chiều tà rồi. Bà tôi không líu lo nói như chim nữa. Ông nội càng trầm mặc.
- Ông bà nội đi đám ma có vui không?
- Đi đám ma mà vui cái nỗi gì? - Ông nội la - Chắc bên Việt Nam có kèn có trống nên con thấy vui. Phải chi lúc sáng cho con theo luôn để con thấy bên đây đám ma ghê rợn đến cỡ nào!
- Buồn lắm con ơi! - Bà nội rầu rầu - Bên đây người ta quàn trong nhà xác chớ đâu có cho đem quan tài về nhà. Như căn hộ này đâu có được phép làm đám ma, gây ồn ào cho hàng xóm. Phải làm ở chỗ công cộng. Khách viếng đâu có bao nhiêu người, chỉ có mấy ông bà già cùng hội với nhau chứ mấy người trẻ đi làm hết rồi. Nhang khói cũng lưa thưa, không khí hôi mùi thuốc sát trùng. Sao bà nội sợ chết quá con ơi!
- Chết mà sợ! - Ông tôi yếu ớt cắt lời - Ai mà không phải chết. Vậy sao bà đòi tu, ăn chay trường cả năm nay rồi và miệng lúc nào cũng nói không muốn luân hồi. Chết là giải thoát, sống gửi chết về!
- Ý tôi nói sợ là phải chết giống bà Mão - Bà nội quay sang tôi phân bua - Con coi, bả sống trong viện dưỡng lão, chết không gặp mặt con cháu, chết rồi quàn trong nhà xác, lạnh lùng, tủi tủi sao đó con ơi! May mà còn có mấy người bạn già đi viếng và có sư cô trên chùa đến tụng kinh cầu siêu.
- Thì tôi đã nói với bà là mình phải về Việt Nam đi, rồi chết ở đó mà bà không chịu.
- Vậy không lẽ mình về báo hại tụi nó rồi chết trong nhà tụi nó?
- Chứ không lẽ nó cho mình nằm ngoài đường. Bà sao mà ảnh hưởng lối sống bên đây, lúc nào cũng sợ làm phiền con cháu. Tụi nó làm phiền mình cả đời có ai nói gì đâu, chỉ có lúc chết mới phiền lại chút xíu. Cả đời mới chết một lần chứ có chết hoài đâu?
- Nhưng mà tôi thấy lương tâm mình cắn rứt.
Ông tôi sững người rồi bỏ về phòng nằm. Bà nội nhìn tôi len lén kỳ kỳ:
- Con đừng có nghe lời ổng nói. Khi không đã bỏ đi lâu quá rồi nay lại trở về báo con báo cháu. Tại ổng nhớ quê hương quá nên nói vậy thôi chứ làm sao về được?
- Sao lại không được? - Tôi thấy thương ông bà nội quá - Về đi! Ở nhà của con đó!
- Kỳ lắm con! Lương tâm bà nội không cho phép - Mắt bà mờ sương - Ngày xưa lúc khổ cực quá ông bà nội đã bỏ quê, bỏ ba má con và tụi con để qua đây với mấy cô chú. Giờ lẽ nào đến phút cuối đời lại quay về làm rộn tụi con. Con coi, ông bà nội có chín đứa con, con cả là ba con ở lại Việt Nam, tám đứa còn lại đều qua đây mà có đứa nào lui tới với ông bà đâu. Có gia đình rồi là tách ra hết, chưa có gia đình cũng ở riêng cho độc lập. Có đứa nào nghĩ tội nghiệp cho ông bà nội đâu! Mà thôi, con đã qua được tới bên đây thăm ông bà là mãn nguyện lắm rồi.
“Hội những người già xa xứ” của ông bà nội hôm nay đến thăm tôi. Quả thật là toàn những ông bà già trên bảy mươi, ai cũng vui vẻ, mạnh khỏe và xông xáo. Có người phải đi xe lửa, rồi đổi nhiều chuyến xe bus mới đến được nhà ông bà tôi. Mọi người hỏi han tình hình quê nhà, có hơn phân nửa là đã về Việt Nam chơi vài lần.
- Lần này là bà hồi hương, về thiệt nhe con - Bà Lý mau mồm mau miệng lớn tiếng giãi bày - Về ở luôn đó chứ không trở qua nữa đâu. Bà còn một thằng con trai, nó sửa sang sẵn nhà cửa cho bà rồi. Chờ bà xong “nhiệm vụ” bên đây là bay về liền.
- Bà có “nhiệm vụ” gì? - Tôi thắc mắc - Bà đâu còn đi làm công sở gì đâu!
- Nhiệm vụ này thiêng liêng lắm con ơi! Ở bên đây ai cũng phải làm hết! - Một bà cười nửa hóm hỉnh nửa chua chát - Bà nội mày cũng từng gánh vác nhiệm vụ này trong vòng bảy năm chứ ít ỏi gì! Còn tao phải đến hết năm sau mới xong “nhiệm kỳ”.
- Bà chị than thở gì? - Một ông già xen vào giành quyền được nói - Tôi là đàn ông đàn ang mà cũng phải gánh vác nhiệm vụ đó. Mình mà không làm thì lương tâm nó cắn rứt lắm.
- Ở đây đâu có ai bằng tôi - Một bà nhỏ thó nãy giờ im lăng giờ cũng lên tiếng - Tôi đã qua “thâm niên” hai mươi năm rồi đây, vậy mà cũng còn bị dày xéo, chưa làm vừa lòng “bà chủ”.
- Tại bà không biết “đấu tranh” - Bà Lý bất bình thay - Tôi ngày mới qua cũng như bà nên tụi nó ăn hiếp, đi chùa cũng không cho, bạn chết đi đám ma nó cũng cằn nhằn. Tôi phải dùng chân lý để đấu tranh cho lẽ phải nên bây giờ mới được đi chùa mỗi tháng một lần, đỡ khổ!
Tôi thật không hiểu họ đang nói về “nhiệm vụ” gì, “tụi nó” là ai và tại sao phải “đấu tranh”. Cố nghe để tự suy đoán không được tôi đành hỏi thẳng:
- Mấy ông bà đang nói chuyện gì vậy?
Cả hội cười ồ. Ông nội tôi giờ mới chịu mở miệng:
- Mấy ông bà già bên đây bị giữ cháu đó mà. Nhưng cháu không giống bên Việt Nam, không phải muốn nuôi sao cũng được, muốn rầy dạy sao cũng được và nhất là không được đánh cháu. Ở tù chết!
- À thì ra... - Tôi vỡ lẽ - Giữ cháu nội cháu ngoại đó mà! Làm gì mấy ông mấy bà dùng toàn từ “đao to búa lớn”.
- Sự thật là vậy đó con ơi! - Bà Lý đều giọng - Không đơn giản đâu, có ở trong cuộc mới thấu. Giữ cháu ruột mà như làm vú em, nếu cháu là con lai thì còn phiền não nữa. Sáng trước khi vô sở, cha mẹ tụi nó để lại danh sách các việc phải làm, phải chăm sóc trẻ theo tiêu chuẩn bên đây, có giờ ăn, giờ ngủ và giờ đi dạo trong công viên. Chiều về bị xét nét xem có làm đúng không. Tới tháng ăn lương, không muốn nhận cũng phải nhận. Đâu giống như bên Việt Nam, ông bà có quyền rầy dạy, nuôi nấng theo ý mình. Bởi khổ tâm vậy nên có lần bà “đình công”, cho thằng cháu lai đi nhà trẻ, bà còn để thời gian đi chùa niệm Phật và gặp gỡ bạn bè đồng hương nữa chứ! Nhưng mà rốt cuộc cũng không đành lòng. Rồi lại tiếp tục giữ cháu, hết đứa này đến đứa khác.
- Thì đi chùa làm gì mà lại bỏ cháu. Tụi nó cũng là “chúng sanh” mà - Bà nội tôi có ý kiến - Làm công quả chi cho xa xôi, cháu ruột mình mà mình không chăm giữ. Chỉ buồn, con cái coi cha mẹ như người làm công ăn lương.
Ra là vậy, thế mà có bao giờ bà nội viết thư than thở về chuyện này đâu, lúc nào cũng nói mình sung sướng, mình hạnh phúc, mình tự do.
- Con ơi! Ông bà bên đây xuống giá lắm - Bà Lý lại ta thán - Con cái lo cho chó mèo còn thấy vui hơn là lo cho cha mẹ. Bởi vậy bà quyết chí hồi hương, năm sau thằng cháu nó vô cấp hai, tự đi xe bus được thì bà về. Bà nhớ Việt Nam lắm, thương Việt Nam lắm, tội nghiệp! Chiều ba mươi Tết đứng bên cửa sổ phòng bà nhìn xuống hồ Léman, thấy nước dâng lên mà nhớ quê mình ghê gớm.
Về Việt Nam rồi tôi vẫn nhớ như in cảnh ông nội xách giỏ đi chợ hằng ngày. Ông băng qua con đường mòn trong rừng, leo hai cái dốc thì ra tới đường cái. Ông nói phải đi bộ hằng ngày để luyện tập đôi chân, trời lạnh mà bó gối nằm nhà là chân cẳng cứng đơ hết. Còn bà nội thì ngày nào cũng ăn mặc chỉnh tề rồi mới dám mở cửa phòng xuống nhà dưới mở hộp thơ. Cất công như vậy nhưng nhiều khi chả có cái thơ nào ngoài một chồng giấy tờ quảng cáo.
Bà nội không kể khổ cái thời phải giữ mấy đứa em họ của tôi nhưng tôi biết vì bà không muốn nói xấu con mình. Mấy ngày ở chung với bà, gợi chuyện cho bà thì bà lại tuôn ra cả dòng sông buồn tủi.
- Chỉ có con là chịu nghe bà nội tâm sự. Mấy cô chú của con mỗi lần nghe bà nội nói là gắt lên: “Mẹ làm như tụi con là cái thùng rác, trút đủ thứ hết!”. Ở bên đây kiếm được một người chịu nghe mình khó lắm. Nay gặp con cho bà nội cởi bỏ hết nỗi lòng. Con không tu mà như Bồ Tát.
Gần Tết, bà nội viết thư về, kể bà Lý và mấy bà bạn khác đã về Việt Nam ăn Tết. Vậy là năm nay bà Lý khỏi phải nhìn nước hồ Léman dâng lên ngậm ngùi rồi. Còn ông bà nội vẫn chỉ thấy tuyết một màu trắng xóa mà không sao liên tưởng được ở Việt Nam có cảnh nào buồn đến như vậy không?!
Chú thích:
[1] Bồi thường.
Hai Người Đến Từ Phương Xa Hai Người Đến Từ Phương Xa - Dương Thụy