Chương 8
ũng lên thăm bà rồi về nhà ngủ thôi, lại đây u xốc cổ áo lại cho đã nào.
- Không, con không ngủ đâu u, Dũng không ngủ một mình đâu, con sợ lắm, sao u cứ bỏ con một mình vậy, con ghét u quá.
- Trời, con giai lớn rồi mà, ngủ với u chứ ngủ một mình bao giờ nào, thôi lên với bà chút đi rồi xuống ngủ, u bảo ngoan u yêu.
- Thôi con lên ngủ với bà cơ, con không ngủ với u nữa, u đánh lừa con hoài.
- U thức trông bà chứ đi đâu nào?
- Con cũng thức trông bà, nhất định con thức trông bà với u, con không ngủ đâu.
Dũng vừa nói vừa vùng vằng đi từ cuối phòng tới đầu phòng ra vẻ hờn dỗi, nó cầm gối ở giường ném tung lên rồi xếp lại ngay ngắn, nó cứ làm hoài như thế cho đến lúc u Tám phải quát lên nó mới thôi, nó tiếp tục đi lại tung tăng làm ra vẻ cương quyết.
- U nghe con nói không?
- Nghe rồi nhưng con có muốn bà buồn bà khóc vì con không nghe lời không đã?
- Không.
- Có muốn u khóc không?
- Không.
- Thế con phải nghe lời u chứ, con còn bé không thức đêm được, con thức quấy rầy, bà mất ngủ, con có muốn thế không?
- Con không quấy đâu, con quấy bao giờ nào?
Con lên hỏi bà vậy...
- Ơ kìa, con lại không nghe lời u rồi.
- U không thương con mà... Con lên... con lên, con lên đây.
- U không thương con thì thương ai... Lại đây với u, lại đây với u. Phải ngoan, nghe lời u mới thương chứ...
Bé Dũng lại ngồi vào lòng u Tám, nó ngồi thừ như nghĩ ngợi điều gì, u Tám vuốt bàn tay gầy khô nhưng mềm mại lên mái tóc ngắn đen của Dũng. U xốc lại cổ áo cho nó và vỗ nhẹ tay vào má nó. Thực u cũng không có ai ngoài Dũng cho u thương mến. U coi nó như con của u. Tình thương của u có khi còn hơn tình thương của một người mẹ ruột thờ ơ lãnh đạm và ruồng rẫy con cái. U đã sống trong gia đình này từ khi nó chưa sinh ra, từ khi bố thằng Dũng chưa lập gia đình nữa. Bao nhiêu năm đã trải qua u cũng không biết, u chỉ nhớ một cách mơ hồ là đã lâu lắm. Bây giờ Dũng đã lớn, bao nhiêu chuyện vui buồn cùng thay đổi đã xảy ra trong ngần ấy năm dưới mái nhà này u đã chứng kiến, chịu đựng và chia sẻ. U nhớ cả những ngày giỗ chạp, biết tính nết, thói quen của từng người. Ai trong nhà này cũng coi u như người ở trong gia đình, chính u cũng chỉ muốn thế, sống ở đây rồi chết ở đây. Tất cả những cái gì có trong gia đình này đều sống mật thiết với u.
Từ khi người mẹ ốm đến nay u thấy lo lắng buồn phiền, u lo cho mối bất hòa nơi những anh em, tuổi thơ thiếu tình thương cho Dũng, và đời sống những bất trắc lo âu cho chính đời u những ngày còn lại. Ungười sẽ sống với ai, cảnh gia đình suy tàn, chia xé, giằng co đến độ nào nữa cho u thêm đau xót? Bà mẹ chết đi, sợi dây liên lạc này đứt, những người con, cháu kia sẽ đối đãi với nhau như thế nào? Phải chăng là những thù nghịch, oán ghét. Nhưng với bà mẹ liệu có tiêu tan được những đau xót đó hay không, điều mà chính bà mẹ đã nhiều lần nói với u qua hàng nước mắt, bà tin những đứa con lớn lên sẽ hiểu thấu lòng bà và yêu thương nhau, nhưng có được như thế không, hay chỉ nhờ bà nhắm mắt lại họ sẽ nhìn nhau không những với đôi mắt người dưng mà với con mắt kẻ thù. Nhiều lúc u oán trách những đứa con đó. U thương bà mẹ như thương chính u. U vẫn lẩm bẩm tự nói với mình: hóa có con cũng chẳng sung sướng gì, có khi còn khổ thêm là khác. Dù vậy u vẫn buồn về đường chồng con của u chẳng ra làm sao. Vì thế u thương Dũng gấp bội. U không hiểu nổi tại sao bà mẹ đã bắt Nhân phải lấy một người vợ mà Nhân không muốn, bà đã từ chối những rộng rãi, hiểu biết, bao dung để dùng quyền cha mẹ trong việc gây dựng gia đình cho con. Bà đã vướng một lầm lẫn khi hối hận không kịp nữa. Nhân là một người bay nhảy, không yên phận, muốn tự lập trong đời sống khác hẳn với những người cùng một lứa tuổi, một người như thế mà bà mẹ lại bắt nghe theo bà trong việc đặt đâu ngồi đấy. Cuộc tình duyên ép buộc đã làm Nhân uất ức bỏ đi sau đó không bao lâu nhưng cũng đủ để lại một bào thai trong bụng mẹ. Tại sao có chuyện kỳ cục như vậy được, u Tám không thể nào hiểu. Dũng sinh ra giữa mối bất hòa của bố mẹ nó. Đó là cái lỗi của bà nó hay của ai? Dù vậy u Tám vẫn oán Nhân, oán vợ Nhân đã bất nhẫn với chính giọt máu sinh ra của họ. Họ không yêu nhau sao còn có con với nhau làm gì. Không yêu nhau sao còn muối mặt ăn nằm với nhau, như vậy chẳng là bẩn thỉu sao. Và đứa con đó tội tình gì phải là một đứa con không được sống với cha mẹ, không được biết thế nào là tình thương yêu, vỗ về, đầm ấm, thế nào là cha là mẹ nuôi dưỡng. Nó sinh ra để không biết bố. Mẹ nó chỉ nuôi nó ít ngày rồi mang trả nó cho bà nội nó nuôi. Hồi đó u đã không ngớt nguyền rủa người đàn bà đó một cách tàn tệ, u gọi là quân súc vật, dã man, trời phật không tha tội chết đường chết chợ... Đẻ con đứt ruột mà ruồng rẫy, dù cho đứa con thế nào đi nữa cũng là con mình. Nhân bỏ đi không bao giờ ngó mặt, coi Dũng không phải là con mình. Và từ đó cũng không nghe thấy tin tức gì cả, không hiểu sống chết ra sao. Người vợ lấy một người chồng khác nghe đâu giàu có lắm nhưng chẳng được bao lâu người chồng chết... Sự thực đó chắc không bao giờ Dũng biết. Có đẹp đẽ sung sướng gì đâu để kể lại, nếu có biết nó sẽ khổ sở biết chừng nào về bố mẹ nó. Bà mẹ nuôi đứa cháu như để chuộc lại một phần nào những lỗi lầm của mình và nó như là con của u Tám. Một đứa con nuôi cưng chiều, nguồn an ủi cho chính số phận hẩm hiu của u. U Tám ôm chặt Dũng vào lòng, u thấy tự hào và mãn nguyện như đã làm được một việc phi thường. U thấy mình đỡ trơ trọi mỗi khi nghĩ tới người chồng đã đuổi u đi khỏi để lấy vợ khác, vì sống với nhau hơn mười năm trời chẳng có một mụn con. Nghĩ đến đời mình u Tám thấy tủi, u cho là tại kiếp trước vụng tu nên phải chịu cực. U yên với số phận hèn mọn của mình. U chỉ mong nhờ cậy vào gia đình này cho đến khi chết đi. U muốn sống lâu để được trông thấy Dũng khá, Dũng sẽ trở thành một người lớn.
Từ hồi bà mẹ lâm bệnh đến nay u càng thương Dũng gấp bội, nó không còn ai vỗ về như trước, nếu bà nó chẳng may mất nó sẽ thiếu một nguồn an ủi lớn, nguồn an ủi đó chắc u không làm sao mang lại cho nó được. Sau nữa quãng ngày về sau của nó sẽ ra làm sao với những ông bác, ông chú, bà cô chừng như chẳng mấy ai thương nó. Nghĩ thế bất giác u ứa nước mắt. Dũng ngó u:
- Sao u khóc vậy? U ghét con sao?
- Không, u thương con chứ.
- Con và u lên bà đi, u có lên không?
U Tám dắt Dũng lên phòng bà nó, Nhẫn đang ngồi bên giường mẹ nghe tiếng động ngửng lên nhìn. Bà mẹ vẫy tay ra hiệu cho Dũng lại gần.
- Lại đây với bà nào, cháu ngoan lắm, cháu không được quấy u nghe không?
- Nó đang đòi lên ngủ với bà đó.
U Tám đi lại phía bàn thu chiếc bát không lên chiếc khay con bưng lên tay.
- Còn cháo nóng bà sơi nữa để con múc.
- Thôi u ạ, u dẹp đi giúp tôi, để cháu nó chơi ở đây một chút, u xuống mà ăn cơm đi. U Tám ra khỏi phòng, bà mẹ nhìn chiếc lưng nhỏ bé lầm lủi với một vẻ nhẫn nhục khôn cùng. Bà mẹ kéo Dũng ngồi gần lại. Nhìn đứa cháu bà nhớ tới bố nó. Với đôi mắt một mí mở lớn cương quyết, vầng trán nhô một cách bướng bỉnh bà thấy nó giống Nhân quá độ. Nhớ lại đứa con làm bà buồn, nó đã đi cùng với lòng oán ghét, bà lấy vợ cho nó là bà lo cho nó thương nó thật bà không thể nào ngờ kết quả lại như thế. Bà vẫn còn thấy đôi mắt của Nhân mở lớn sáng lên một cách hằn học và giọng nói rắn lạnh như thỏi sắt cứng tàn nhẫn: con đã nói với mẹ rồi, nó không thể nào là vợ của con được, mẹ thấy chưa, con lấy nó để làm vui lòng mẹ, nhưng đến bây giờ con thấy rõ rằng nếu không yêu nhau người ta không thể nào chung sống với nhau được dù cho thế nào đi nữa. Nó khác hẳn con. Mẹ muốn con như thế, mẹ muốn con khổ thì con chỉ còn cách bỏ đi để mẹ khỏi khổ vì con không nghe lời mẹ nữa thôi. Con chịu hết nổi rồi. Tại mẹ, nếu còn bố con chắc con không đến nỗi phải khổ thế này. Mẹ thấy thế không – Con muốn nói sao thì nói bây giờ mẹ không biết gì nữa, mẹ mong các con khá ra, mẹ muốn trông thấy gia đình các con và các cháu, nhất nữa con là con lớn trong gia đình. Mẹ muốn có một người cháu. Ai không muốn thế hở con. Mẹ sống được bao lâu nữa... Trong tròng mắt sâu tối nước mắt của bà mẹ đã tràn ra, bà đã khóc về những đứa con, bà khổ sở những điều mà bà không hiểu vì sao bà phải chịu đựng nhiều như thế, chịu đựng không hiểu nguyên do.
- Bà chết cháu có thương bà không?
- Bà không chết, bà ở với cháu. Bà còn phải dẫn cháu đi chùa chứ. U Tám chẳng đưa cháu đi chơi bao giờ cả.
- Tội nghiệp, tội nghiệp cháu của bà quá. Tại bà đau mà. Chú Tuấn, Thạch sắp về rồi cháu có nhiều quà, rồi cháu được đi chơi.
- Các chú ghét cháu lắm.
- Không có, các chú thương cháu chứ, cháu phải ngoan kia.
- Sao mẹ cháu không về với bà, bà đau mà, cả bố cháu nữa?
- Có chứ...
Bà mẹ không muốn nhắc đến nữa, bà muốn quên, không biết bà còn có cơ hội để được nói về bố mẹ nó cho Dũng nghe không, chắc nó biết nó sẽ không yêu bà nữa, sau này nó sẽ biết.
- Sáng mai cháu có đi đón chú Tuấn với cô Nhẫn không?
- Nhưng cô có cho cháu đi không?
- Có chứ. Cô sẽ đưa cháu đi nữa, rồi mua quà, nhớ mang về cho bà nữa nghe.
Dũng ngồi im không nói, nó mân mê bàn tay gầy guộc của người bà, nó sợ không dám nhìn vào đôi mắt sâu quầng, khuôn mặt nhăn nheo những nếp nhăn nhúm, mái tóc bạc trên mặt gối vuông. Nó rùng mình sợ hãi một cách không đâu. Nó thấy lo sợ một cái gì mà chừng như nó linh cảm thấy một cách không rõ ràng trong khối óc non nớt của tuổi thơ. Bà nó, trên khuôn mặt chừng như khác xưa nhiều, nó ngại ngần quay sang phía Nhẫn ngồi đang khóc. Tại sao cô Nhẫn lại khóc? Gian phòng mờ tối trong im lặng bà mẹ nói với Dũng:
- Thôi cháu xuống đi ngủ đi, cả cô Nhẫn nữa.
- Không, cháu ở đây với bà.
- Bà mệt, cháu phải xuống dưới, cháu nghe lời bà không.
Nhẫn đưa tay ra cầm tay Dũng, nó vùng vằng:
- Không, cháu ghét cô lắm.
Nhẫn đứng lặng thinh không nói gì. Bà mẹ ngoảnh mặt vào trong. Dũng một mình tha thủi ra khỏi phòng. Nó muốn khóc lớn.
Gia Tài Người Mẹ Gia Tài Người Mẹ - Dương Nghiễm Mậu Gia Tài Người Mẹ