Gánh Hàng Hoa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8 - Trong Vườn Bách Thảo
ột buổi trưa mùa đông ấm-áp và khô ráo. Minh và Liên ngồi phơi nắng trên một chiếc ghế dài trong vườn Bách-Thảo. Để thêm tài-liệu soạn-thảo cho truyện và hồi-ký đang viết dở dang, Minh cần tả nhiều cảnh trong vườn Bách-Thảo. Vì thế chàng nhờ Liên đưa đến đây vài lần; thứ nhất để cùng nhau ôn lại kỷ-niệm thời thơ-ấu; đồng thời cũng là để có thêm đề-tài mà viết.
− Hôm nay hình như vườn Bách-Thảo vắng lắm phải không?
− Sao mình biết?
− Anh đoán.
− Thế thì mình đoán đúng đấy. Có lẽ vì mình tính rằng trời rét thì ai lại ra đây làm gì đó phải không?
Minh cười:
− Thế chúng ta chẳng ra đây là gì? Nhưng chẳng qua là một công hai chuyện, vừa để nhớ lại thời xa xưa, vừa là để làm việc. Mình có mang theo giấy bút đầy đủ đấy chứ?
− Có mình ạ. Nhưng em đề-nghị thế này, mình thử ngẫm xem có lý hay không nhé. Món tiền mình để dành được cũng hơn một trăm rưởi rồi, mà tiền mổ mắt theo lời bác-sĩ thì chỉ có khoảng một trăm. Vậy sao mình không tạm gác công việc mà nghỉ ít lâu cho khỏe để chuẩn-bị đi mổ mắt có hơn không?
Nghe vợ nói, Minh ngồi lặng yên suy nghĩ. Từ hôm Văn đến điều-đình thương-lượng với ông chủ-nhiệm, tiền nhuận bút của Minh được tăng lên một cách đáng kể. Và trong ba tháng nay, tháng nào chàng cũng kiếm được trên 50 bạc. Nhưng hiện nay hình như chàng đang mê man theo đuổi một thứ khác mà chàng cho là quan-trọng hơn, vì tiền chữa bệnh chàng đã dư, không còn phải lo nghĩ đến nữa. Cái thứ ấy, một khi biến thành sa đọa đưa ta vào tròng còn làm ta mê muội si mê gấp trăm nghìn lần hơn là tiền tài nữa. Đó là danh vọng.
− Mình mải nghĩ gì mà không chịu trả lời em?
− Mình ạ. Anh nghĩ rằng không biết lúc anh hết mù thì liệu còn viết hay được như hiện-tại nữa không?
Liên cười:
− Sao mình lẩn thẩn quá! Không trông mà còn viết hay được thì khi sáng mắt tất viết phải càng hay hơn chứ sao!
− Anh thì không dám chắc như thế. Anh cho là một khi ta được nhìn thấy ngoại vật thì trí tưởng tượng của ta có phần kém đi. Nhiều khi nghĩ vẩn vơ, anh không còn muốn đi mổ mắt nữa! Thà là cứ để mặc vậy, bao giờ khỏi thì khỏi, mà dẫu không khỏi thì cũng chẳng sao nữa!
Liên nghe xong thấy lòng buồn vô hạn. Nàng nhớ có một lần Văn nói ngay mặt Minh rằng: “Anh biết không, tôi không muốn anh nổi tiếng một tí nào!”. Hồi mới nghe câu đó, nàng hơi buồn Văn, cho là anh ta phần nào ganh tị với chồng nàng. Mà chính Minh cũng từng nói với vợ rằng Văn ganh với chàng vì đôi khi nói chuyện, Văn khuyên răn nhiều câu làm Minh phải nghĩ ngợi nhiều, cho là bạn cố tìm đủ cách để ‘dìm tài’ mình.
Nhưng mấy hôm nay, nghe Minh tán tụng yêu mến cảnh mù, Liên nghiệm lại thấy lời nói của Văn rất là chí lý. Nhớ lại mấy tháng trước đây khi Minh cứ một hai đòi chết cho bằng được vì không chịu đựng nổi cảnh mù mà thấy dở khóc dở cười! Nàng nghĩ thầm: ”Chẳng lẽ ham danh-vọng đến độ sợ rằng đến khi sáng mắt rồi thì không viết văn được nữa hay sao?”. Thấy bất nhẫn, nàng buột miệng nói:
− Chà! Không lẽ viết văn hay lại quan-trọng hơn được sáng mắt lại hay sao? Anh Văn không muốn mình nổi tiếng thật không phải không có lý-do.
Minh nói ra vẻ kinh-ngạc:
− Thế ra mình cũng ganh với anh như anh Văn đó sao?
Liên nghe nói hết sức bực bội, giọng nàng hơi gay gắt:
− Anh nói thế thì còn giời đất nào! Sự thật thì em đồng ý với anh Văn đấy. Em cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu với cái tài của anh rồi đó! Trước kia em yêu mến nó vì không những nó giúp anh kiếm được tiền để đi mổ mắt mà nó còn cứu vãn được cả tâm-hồn anh, tạo dựng lại ý chí quyết sống của anh. Nhưng nay thì quá quắt lắm rồi, cái tài của anh đã trở thành con dao hai lưỡi, thành một thứ thuốc phiện khiến cho anh nghiện ngập, và thành một ngục tối để giam hãm anh mãi trong cảnh mù.
Thấy vợ bị xúc động quá mạnh, Minh ít nhiều cũng cảm thấy hối hận. Nghĩ đến cảnh hiện-tại, chàng tự nhận thấy mình quá ư là ích-kỷ! Lúc mới bị mù, mọi việc nhất nhất đều phải nhờ đến vợ chăm sóc. Chàng vì thương vợ nên đâm ra buồn bực đến độ không còn muốn sống nữa. Chàng nghĩ rằng chỉ có cái chết của chàng mới giải thoát được cái khổ tâm, vất vả cho Liên. Lúc đó, chàng coi đó là một điều hy-sinh. Nhưng nay nghĩ lại thì thật ra nó chỉ là một điều hết sức giả dối, giả dối đến độ chàng không thể nào ngờ được. Thật ra, lúc đó chàng chỉ muốn giải thoát cho chính bản thân của mình thôi chứ nào nghĩ đến Liên!
Ngay cả bây giờ, dù Minh tương đối có được đầy đủ về cả hai mặt tinh-thần lẫn vật chất Liên cũng chưa hết vất vả vì chàng. Không lẽ chàng vì muốn viết văn cho hay, muốn bay cao lên trên đài danh vọng nên đã biến cảnh mù từ tật-nguyền trở thành một phương-tiện để thành công. Và những ai phải trả giá cho sự thành công đó? Phải chăng là Liên, người vợ yêu quý của chàng? Nàng còn phải hầu hạ, trông nom chàng cho đến bao giờ? Đó là chưa nói đến Văn, người bạn hiếm có mà Minh dẫu có thắp đuốc đi khắp thế gian này cũng chưa tìm được một người thứ hai.
Minh chợt cất tiếng cười vang lên. Liên lo lắng hỏi:
− Mình sao vậy?
− Anh đang nghĩ tới lòng ích-kỷ và kiêu-hãnh của một đời văn-sĩ.
− Em không hiểu.
− Có gì mà không hiểu! Chỉ cần để ý đến sự thay đổi về tính tình của anh trong mấy tháng nay là em cũng đủ hiểu lời anh nói đựng ý nghĩa gì rồi. Chẳng qua là em không chịu nhìn nhận đó thôi!
− Nhưng anh có ích-kỷ và kiêu-hãnh bao giờ đâu?
Minh cười nhạt, nói bằng một cách như thú nhận:
− Anh chỉ biết nghĩ tới anh thôi! Chỉ vì ham thích những lời tán tụng mà quên bẵng đi mất rằng cái tật nguyền của anh đã và đang làm phiền em biêt chừng nào! Như thế thì chẳng phải là ích-kỷ thì là gì? Có lẽ cho tới bây giờ thì anh chưa kiêu hãnh, nhưng biết đâu nếu thiên-hạ cứ tiếp tục ca tụng tâng bốc anh mãi thì không chừng anh sẽ trở nên vậy đó! Nhiều lúc anh nghĩ đến sự dần dà biến cải tâm-hồn của bản thân mà anh giật mình. Nhưng nghĩ cho cùng, con người thật nhỏ bé quá, mình ạ. Nhưng chính cái nhỏ bé đó lại là cái trọng-đại cao quý của nó. Nếu con người không ‘nhỏ bé’ như thế thì có lẽ sẽ sống hồn nhiên như các thực-vật vô tri vô thức...
Liên cười ngắt lời chồng:
− Em thật chẳng hiểu mình nói gì!
Nhưng có lẽ Minh đang bị chìm đắm trong những tư tưởng của ‘triết-lý’ nên không lưu tâm đến lời vợ. Chàng say sưa nói tiếp:
− Thực vậy em ạ. Những gì to tát chỉ là những sự kiêu-hãnh. Mà sự kiêu-hãnh đó bao giờ cũng xui giục loài người tới những gì xấu xa!
Minh nói như vậy là vì chàng nhớ đến một sự việc mới xảy ra từ tuần trước. Một sự cám dỗ đối với lòng tự-phụ, háo danh của chàng.
Hôm ấy trong khi Liên vắng nhà đi bán hoa như thường lệ, một thiếu-phụ hình như đẹp lắm đích thân đến thăm chàng. Cứ nghe lời nói, bộ điệu, giọng cười lả lơi và lối nói chuyện sành đời của cô ả, Minh đoán chắc rằng nàng là một gái giang-hồ, có tính tình rất phóng đãng. Nàng cười nói với Minh rằng:
− Đọc văn của anh mà em cảm thấy yêu anh quá anh ạ. Em cứ tưởng là họ bịa ra câu chuyện anh mù. Nhưng nay được nhìn thấy tận mắt anh mù thật em thấy càng hứng thú, càng yeu anh nhiều hơn nữa.
Minh luống cuống, bẽn lẽn, ấp úng trả lời:
− Không lẽ cô muốn tôi mù mãi à?
− Không phải thế. Nhưng em thấy anh thành thật thì em yêu đó thôi. Đàn bà chúng em yêu nhất là hạng người thành thật.
Minh tuy không được nhìn thấy nhan sắc cô kia ra sao nhưng chàng cũng cảm thấy con tim mình rung động rồi. Từ hôm đó, một khuôn mặt xinh đẹp luôn luôn được hình dung trong tâm trí của Minh. Nhưng chàng nào chịu hiểu, có biết đâu rằng cái ‘yêu’ đó chẳng qua chỉ vì phát xuất từ lòng mến mộ tài năng cá-nhân giữa con người với con người, không hơn không kém. Người đời vẫn thường lầm lẫn cho đó là ‘yêu’, nhưng sự thật đó chỉ là lòng ái-mộ chứ không phải là ái-tình.
Hôm nay nhân cơ-hội nói đến lòng ích-kỷ và tự-ái mặc cảm của người cầm bút, chàng chợt nhớ tới câu chuyện ấy kể cho Liên nghe. Chàng nói ra đây một phần như để tạ lỗi với vợ, một phần như để trút bỏ một cái gì nặng nề đè lên trái tim mình. Những tưởng Liên ít nhiều sẽ ghen tuông, khó chịu chút đỉnh nhưng trái lại nàng không những không ghen mà còn làm ra vẻ vui mừng, sung sướng bảo chàng:
− Làm văn-sĩ thật là thú-vị anh nhỉ! Được nhiều người yêu mình quá! Nhưng giá mà anh mổ mắt rồi thì có phải được chiêm-ngưỡng nhan sắc cô ta không! Em chắc là cô ta đẹp lắm.
Minh cười, âu yếm nói:
− Đẹp sao bằng em được!
Vốn dĩ là một câu nói nhiệt tình để khen ngợi, lấy lòng vợ cho vợ được vui, nhưng Liên khi nghe câu này chợt bỗng dưng lo sợ. Mới hôm qua khi soi gương, nàng nhận thấy mình hết sức tiều-tụy, hốc hác, xấu hẳn đi rất nhiều. Suốt nửa năm trời luôn làm việc quá sức, ăn uống kham khổ không đủ chất dinh-dưỡng nên cả tinh-thần lẫn thể xác của nàng đều sa sút có thể nói được là đến độ thậm tệ. Má thì hóp lại. Đôi mắt thì lúc nào cũng lừ đừ vì thiếu ngủ. Làn da trắng mát nay trở nên vàng vọt như người bệnh hoạn. Liên khẽ buông một tiếng thở dài. Minh tưởng nàng buồn vì mình nên nói lẫy bèn cố gượng cười pha trò cho nàng vui.
− Em buồn vì ghen đó phải không? Thì ai bảo em không luôn luôn ở bên cạnh anh làm chi?
Liên bật cười chữa thẹn:
− Anh cứ nói thế! Có đời nào em lại đi ghen một cách vô lý như vậy!
Thật ra, chỉ vì nghĩ đến sự suy giảm của dung nhan mình mà Liên đâm ra sợ nên mới sinh ra chuyện đoán mò nhan sắc của cô gái kia. Rồi nàng nghĩ đến ngày Minh phục hồi được thị-giác trông thấy nhan sắc của nàng hiện-tại thì lúc đó chàng sẽ xử trí ra sao? Liệu chàng có còn yêu thương nàng đằm thắm được nữa không?
Nàng đã được đọc nhiều chuyện cổ-tích, nhiều anh nhà quê thi đỗ trạng-nguyên được vua chiêu mộ làm phò-mã, hay tệ lắm thì cũng lọt vào mắt xanh những người đẹp con tể-tướng... Những chàng Trạng-Nguyên kia sau đó liền bỏ vợ đi theo tiếng gọi của danh-vọng giàu sang phú quý. Minh dù sẽ không cưới được công-chúa hay con tể-tướng như trong cổ-tích, nhưng với tài năng của chàng hiện-tại thì sẽ không thiếu gì cơ-hội gặp gỡ những người đẹp con nhà giàu. Nàng thầm nghĩ rằng mới một ả giang-hồ mà đã làm cho chàng suýt nữa phải sa ngã thì thật không phải là chuyện dễ cho chàng khi nói tới chuyện kềm lòng trước những ‘sắc nước hương trời’ mà chàng sẽ được tiếp xúc trong tương-lai.
Như đọc được ý nghĩ của Liên, Minh vội ‘trấn an’:
− Liên ạ. Sau khi anh khỏi bệnh, anh sẽ miệt mài tận lực để hết tâm trí vào việc soạn sách. Nếu gặp may mắn, biết đâu sau này mình sẽ trở nên sang trọng giàu có. Được như vậy mới xứng đáng đáp lại với tình yêu và sự hy-sinh cao cả của em dành cho anh.
Liên không để ý đến câu nói thật tình tri ân của Minh vì nàng bận nghĩ đến những lời lẽ trong nhiều bức thư của các nữ độc-giả gửi cho chàng. Nàng chỉ chọn những câu chân thật cảm động đọc cho Minh nghe thôi, còn những lời đường mật hoa bướm thì nàng giấu nhẹm tất cả, không đọc. Mỗi lần gặp những lời lẽ mà nàng cho là cợt nhả đó, Liên khó chịu thầm nghĩ:
− Quái lạ, sao họ bạo thế nhỉ? Ai đời con gái lại viết thư đi hỏi tuổi đàn ông bao giờ! Hay là chỉ tại hạng gái quê mùa như mình quá nhút nhát, không ‘ăn theo thuở, ở theo thời’ đó thôi?
Một phút im lặng trôi qua. Sau cùng, Minh là người phá vỡ bầu không khí nặng nề.
− Liên ạ, chúng ta hãy bắt đầu làm việc đi! Cứ ngồi mà tán gẫu thế này thì chỉ mất thì-giờ vô ích thôi!
− Vậy anh bảo em phải làm gì bây giờ?
− Anh muốn viết lại, tả lại quãng đời lúc còn học lớp ba và lớp nhì (ngày nay là lớp 4) trường Yên-Phụ. Bấy giờ em chỉ mới lên tám, lên chín mà thôi. Cứ thứ năm với chủ nhật là chúng ta cùng nhau nô đùa chung quanh cái hồ này. Anh muốn biểu lộ được cái tính tình ngây thơ của chúng ta thời đó, và theo thời-gian lớn lên từ từ biến thành ái-tình. Cuốn truyện anh định viết đây dựa vào chuyện thật của chúng mình. Cái chủ yếu anh muốn nói lên trong truyện là những tư tưởng chất-phác và những thú vui giản-dị của tầng lớp bình dân.
Liên vỗ tay tán thành:
− Như thế thì thật là hay lắm. Nhưng mình cứ nghĩ sao viết vậy là được rồi, cần gì phải có em dính vào!
Minh cười giải thích:
− Đừng quên em là đôi mắt của anh. Em phải giúp anh ‘trông’ và tả lại cho anh. Những cảnh vật đẹp sẽ làm khung cho cuốn truyện đấy, em hiểu không? Trước kia anh vẫn thích ngắm cảnh, nhưng chẳng qua là ngắm để mà ngắm đó thôi chứ có ngờ đâu có ngày cần phải ngắm cảnh để viết truyện và soạn sách. Những vật liệu của thiên-nhiên sẵn có đó vẫn còn in sâu trong đầu óc của anh, nhưng rất lờ mờ. Nếu em nhắc lại, tả lại cho anh được phần nào thì anh nhớ lại ngay.
Liên ngại ngùng nói:
− Nhưng em chỉ biết trông thôi chứ nào có biết nói!
Câu trả lời ngây thơ khả-ái của vợ khiến Minh phải bật cười.
− Thì em cứ thử nói đi xem nào!
− Khổ lắm, mình cứ bảo em nói, nhưng mà nói cái gì bây giờ!
− Em trông sao cứ nói vậy. Thí-dụ em đang ngắm vật gì... Em thử tìm một vật khác để so sánh với nó xem sao, xem nó giống cái gì...
Cực chẳng deã, Liên phải cố nhìn mà nặn ra đề tài:
− Em đang ngắm cây si bên hồ mà ngày xưa còn bé chúng ta thường cùng nhau leo lên đó ngồi và đùa nghịch. Có một hôm, mình cỡi lên cái đám rễ cong kia và nói với em rằng mình là ‘ông Đinh Tiên Hoàng cỡi rồng’. Ngày nay nhìn ngắm kỹ thì nó chẳng giống rồng tí nào cả mình ạ. Cùng lắm, chỉ thấy giống như một đàn rắn to tướng vươn cồ lên định quấn lấy nhau hay cúi đầu sát cỏ định bò xuống nước.
Minh vui mừng ra mặt nói:
− Mình chép ngay xuống cho anh kẻo chốc nữa về nhà anh lại quên mất.
Liên lại thêm một phen ngơ ngác:
− Mình bảo em chép, mà chép cái gì mới được?
− Thì chép lại những lời em vừa nói đó chứ còn gì nữa!
Liên cứ tưởng là chồng chế riễu mình. Nàng xấu hổ lặng thinh không đáp. Minh lại hối thúc:
− Mình đã chép chưa? Ấy chính là văn đấy. Các văn hào nổi tiếng cũng chỉ làm như chúng ta mà thôi. Nhưng sở dĩ họ hơn được chúng ta là ở chỗ họ biết ghi lại, nói lại những điều họ trông thấy hay hơn chúng ta. Giờ đây em đã biết diễn tả được, so sánh được những gì em trông thì em đâu có thua kém họ? Chính em cũng là một văn-sĩ đấy, em biết không? Nếu em thích viết và chịu khó viết thì anh cam-đoan không thua ai đâu!
Mặc dù lời khen của Minh có lẽ cũng ‘hơi quá đáng’, nhưng Liên nghe vẫn thấy vui. Nàng sau đó chiều ý chồng, đặt quyển vở lên ghế xong ngồi xuống đất lúi húi viết. Viết xong nàng lại hỏi:
− Bây giờ thì làm gì nữa đây?
− Em còn trông thấy cái gì nữa? Có trông thấy cây thông lá nhỏ lăn tăn hình dáng như cái nón nhọn không?
− Có mình ạ. Nhưng em không thấy nó giống cái nón chút nào! Nón gì mà lại dài thế! Theo mắt em trông thì có lẽ nó giống con thoi hơn.
Minh cau mày nghĩ ngợi:
− Giống con thoi?
− Vâng. Nghĩa là kể cả cái bóng của nó chiếu xuống hồ nước.
Minh vừa kinh-ngạc, vừa mừng rỡ. Chàng reo lên:
− Ồ! Hay thật! Mình có óc nhận xét thật hay! Phải rồi, giống con thoi đấy mình ạ!
Liên bỗng tỏ ra nũng nịu:
− Nhưng bây giờ thì em thấy lạnh quá rồi. Chúng ta về thôi, mình nhé!
− Ừ, mình nói phải đấy! Về đến nhà anh sẽ đọc cho mình viết một đoạn do chính những ý tưởng của mình vừa gợi ra. Có thể nói đây là chính mình viết đấy. Anh chỉ sắp xếp từ-ngữ, sửa đổi lại văn-chương lại chút đỉnh cho mình thôi đấy nhé!
Gánh Hàng Hoa Gánh Hàng Hoa - Khái Hưng Và Nhất Linh Gánh Hàng Hoa