Dẫn Nhập
Các nghiên cứu phát hiện được gia phả của các hệ tư tưởng là những thứ làm người ta bực bội nhất.
Lord Acton
Các sự kiện đương thời khác với sự kiện lịch sử ở chỗ ta không biết chúng sẽ đưa mình tới đâu. Nhìn lại, chúng ta có thể hiểu được các sự kiện trong quá khứ, có thể theo dõi và đánh giá được hậu quả của chúng. Nhưng đối với chúng ta, lịch sử đang diễn ra lại không phải là lịch sử. Nó hướng đến những miền đất lạ và chúng ta hầu như chẳng bao giờ có thể đoán được những chuyện sẽ đợi mình trong tương lai. Mọi chuyện sẽ khác nếu ta có điều kiện trải qua cùng những sự kiện đó một lần thứ hai, khi đã biết trước kết quả của chúng. Khi đó chúng ta sẽ nhìn sự vật với con mắt hoàn toàn khác và sẽ nhận thấy những tín hiệu của sự biến dịch mà hôm nay chúng ta gần như không nhận thức được. Nhưng kinh nghiệm như thế là không thể xảy ra, con người không thể biết các quy luật của lịch sử, mà có lẽ như thế lại là may.
Mặc dù lịch sử không lặp lại theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng mặt khác, sự phát triển của các sự kiện lại không phải là một tiến trình tất yếu, chúng ta có thể rút ra được những bài học từ quá khứ nhằm ngăn chặn sự lặp lại của một số quá trình nào đó. Không cần phải là nhà tiên tri mới có thể nhận thức được mối đe dọa đang đến gần. Đôi khi sự kết hợp giữa kinh nghiệm và mối quan tâm lại bất ngờ cho phép một người nhìn thấy các sự vật dưới góc độ mà nhiều người khác không nhận ra.
Những trang sau đây là kết quả rút ra từ kinh nghiệm của tôi. Tôi dường như đã sống đến hai lần trong cùng một giai đoạn, ít nhất là đã quan sát đến hai lần sự tiến hóa tương tự của các hệ tư tưởng. Một người sống suốt đời trong một nước thì khó mà có kinh nghiệm như thế, nhưng nếu sống đủ lâu ở những nước khác nhau thì trong một số hoàn cảnh nhất định kinh nghiệm như thế là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù là tư tưởng của phần lớn các dân tộc văn minh cùng chịu những ảnh hưởng như nhau, nhưng những ảnh hưởng này lại xuất hiện trong những thời điểm khác nhau và với tốc độ khác nhau. Vì vậy khi đi từ nước nọ sang nước kia ta có thể chứng kiến đến hai lần cùng một giai đoạn phát triển của trí tuệ. Tình cảm trở thành đặc biệt sâu sắc hơn, khi lần thứ hai ta nghe thấy những ý kiến hay những lời kêu gọi mà ta đã từng nghe hai mươi hay hai mươi lăm năm về trước thì những lời nói ấy đã có thêm ý nghĩa thứ hai, được coi như là triệu chứng của một xu hướng nhất định, được coi như là chỉ dấu, nếu không phải là sự tất yếu thì cũng là khả năng, cho sự phát triển của các sự kiện tương tự như lần thứ nhất.
Đã đến lúc phải nói rõ sự thật, dù nó có thể cay đắng đến đâu: chúng ta có nguy cơ lặp lại số phận của nước Đức. Đúng là mối nguy chưa ở ngay trước mắt và tình hình ở Anh cũng như ở Mỹ còn khác xa với tình hình ở Đức mà chúng ta chứng kiến trong mấy năm gần đây. Nhưng mặc dù con đường đó còn xa, cần phải thấy rằng mỗi lần tiến sâu vào là một lần khó quay trở lại. Về dài hạn, chúng ta làm chủ số phận của mình, nhưng trong ngắn hạn chúng ta lại là tù binh của những tư tưởng do chính mình tạo ra. Phải kịp thời nhận ra mối nguy ta mới có hi vọng tránh được con đường nguy hiểm đó.
Nước Anh và nước Mỹ hiện nay hoàn toàn không giống với nước Đức của Hitler mà chúng ta biết trong cuộc chiến này. Nhưng bất cứ người nghiên cứu lịch sử tư tưởng xã hội nào cũng không thể bỏ qua sự tương đồng, không chỉ bề ngoài, của sự phát triển các ý tưởng ở Đức trong và sau Chiến tranh Thế giới I với những luồng tư tưởng đang lan tràn trong các nước dân chủ. Ở đây người ta cũng đang thể hiện rõ quyết tâm giữ nguyên các cơ cấu tổ chức được thành lập cho mục đích quốc phòng để sử dụng cho công cuộc kiến thiết trong thời bình. Ở đây cũng có cùng xu hướng coi thường tư tưởng tự do thế kỉ XIX, cùng “chủ nghĩa hiện thực” giả dối và cũng sẵn sàng chấp nhận “các xu hướng không thể đảo ngược” như là một định mệnh, ít nhất chín trong mười bài học mà các nhà cải cách lớn tiếng kêu gọi chúng ta rút ra từ cuộc chiến tranh này cũng chính là những bài học mà người Đức đã học được từ cuộc chiến tranh trước và nhờ đó mà họ đã tạo ra hệ thống quốc xã. Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ có một vài cơ hội để nhận ra rằng trong nhiều lĩnh vực chúng ta đang đi theo nước Đức, với khoảng cách là từ mười lăm đến hai mươi lăm năm. Người ta không muốn nhắc lại chuyện đó, nhưng cái thời mà các nhà tiên phong còn coi chính sách xã hội chủ nghĩa của Đức là thí dụ đáng theo chưa phải là xa, cũng như mới gần đây thôi mọi con mắt của những người cấp tiến đều đổ dồn vào Thụy Điển. Còn nếu đi xa hơn nữa thì không thể không nhớ rằng chính sách và hệ tư tưởng Đức đã có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với lí tưởng của cả một thế hệ người Anh và ở một chừng mực nào đó, đối với cả người Mỹ trước Chiến tranh Thế giới I.
Tác giả đã sống hơn nửa cuộc đời trưởng thành ở nước Áo quê hương, gắn bó với môi trường trí tuệ Đức, nửa còn lại ở Anh và Mỹ. Trong giai đoạn thứ hai này, càng ngày tác giả càng tin tưởng rằng ít ra là một số thế lực đã từng giết chết nền tự do Đức cũng đang hoạt động tại đây, trong khi đó đặc điểm và nguồn gốc của hiểm nguy lại được nhận thức một cách hời hợt hơn ở Đức trước kia. Bi kịch ở chỗ là người ta vẫn chưa nhìn thấy rằng tại Đức, đa số những người tử tế, những người được coi là mẫu mực và được mọi người trong các nước dân chủ ngưỡng mộ, đã dọn đường cho những lực lượng hiện thân của những điều mà họ ghê tởm. Để tránh một số phận như thế, chúng ta phải tỉnh táo, chúng ta phải sẵn sàng xét lại những niềm hi vọng và khát vọng đã ăn sâu bén rễ và bác bỏ chúng nếu chúng chứa đựng nguồn gốc của hiểm nguy. Hiện thời, mọi việc đều chứng tỏ rằng chúng ta chưa có đủ dũng khí trí tuệ cần thiết để công nhận những sự lầm lẫn của mình. Chúng ta không muốn nhìn nhận rằng sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quốc xã không phải là phản ứng chống lại các xu hướng xã hội chủ nghĩa trong quá khứ mà là sự tiếp tục và phát triển tất yếu của chính các xu hướng đó. Nhiều người không muốn công nhận sự kiện này, ngay cả khi sự tương đồng giữa những đặc điểm xấu xa nhất của các chế độ cộng sản Nga và chủ nghĩa xã hội quốc gia Đức đã trở nên rõ ràng. Kết quả là nhiều người, trong khi bác bỏ hệ tư tưởng quốc xã và căm thù mọi biểu hiện của nó, lại đi theo những lí tưởng mà nếu được thực hiện thì sẽ dẫn thẳng đến chế độ chuyên chế mà họ căm thù.
Mọi so sánh giữa những con đường phát triển của các nước khác nhau đều dễ gây ngộ nhận. Nhưng lí lẽ của tôi được xây dựng không chỉ dựa trên những so sánh kiểu đó. Tôi cũng không khẳng định sự tất yếu của bất cứ con đường nào. Nếu vấn đề là không tránh khỏi như thế thì còn viết làm gì. Tôi chỉ khẳng định rằng có thể ngăn chặn được một số xu hướng nếu kịp thời làm cho dân chúng hiểu rằng các nỗ lực của họ đang thực sự dẫn tới đâu, cho đến mãi gần đây hi vọng được lắng nghe là không cao. Nhưng bây giờ, theo tôi, thời cơ cho một cuộc thảo luận nghiêm túc vấn đề đã chín muồi, vấn đề không chỉ là hiện nay đã có nhiều người nhận thức được tính nghiêm trọng của nó mà còn có một số lí do nữa buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật vào lúc giao thời này.
Có thể có người cho rằng bây giờ không phải là lúc nêu ra vấn đề chứa đựng những quan điểm xung đột sâu sắc đến như thế. Nhưng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nói đến ở đây không phải là vấn đề đảng phái và các câu hỏi mà chúng ta thảo luận cũng chẳng liên quan gì đến những cuộc tranh luận giữa các chính đảng. Bản chất của vấn đề không bị ảnh hưởng bởi việc một số nhóm muốn có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn, còn những nhóm khác thì muốn bớt chủ nghĩa xã hội đi; bởi một số người kêu gọi chủ nghĩa xã hội nhân danh quyền lợi của phần này của xã hội, trong khi những người khác lại nhân danh quyền lợi của phần khác. Điều đáng lưu ý là, ngày hôm nay, những người có khả năng ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của đất nước không ít thì nhiều, đều là những người xã hội chủ nghĩa cả. Vì vậy, lời tuyên bố “tất cả chúng ta giờ đây đều là người theo chủ nghĩa xã hội” không còn phải nhắc đi nhắc lại nữa: đây là điều quá rõ ràng. Ít người còn tỏ ra hoài nghi việc chúng ta phải tiến lên chủ nghĩa xã hội và các cuộc tranh luận chỉ xoay quanh các tiểu tiết của phong trào, chỉ xoay quanh vấn đề tôn trọng quyền lợi của nhóm này hay nhóm khác mà thôi.
Chúng ta đang tiến theo hướng đó vì đấy là ý chí của đa số. Nhưng chưa hề có và hiện cũng không có nhân tố khách quan nào làm cho việc tiến lên chủ nghĩa xã hội trở thành tất yếu cả. Chỉ có kết cục bi thảm tất yếu của “hoạch định” mà chúng ta sẽ bàn đến trong phần nội dung tiếp sau. Vấn đề đáng quan tâm là: phong trào này sẽ đưa chúng ta đến đâu? Và nếu những người mà niềm tin vốn là điểm tựa của phong trào này bắt đầu chia sẻ những ngờ vực mà hôm nay mới chỉ ít người nói tới thì liệu họ có trở nên hoảng loạn mà rời bỏ cái giấc mơ đã làm điên đầu cả thế hệ chúng ta, có đoạn tuyệt với nó không? Giấc mơ của cả thế hệ chúng ta sẽ đưa chúng ta đến đâu - đây không phải là vấn đề của các đảng phái, đây là vấn đề mà mỗi chúng ta đều phải giải quyết. Có bi kịch nào lớn hơn cái bi kịch mà, nếu chúng ta, trong khi cố gắng giải quyết vấn đề tương lai của nhân loại và hướng đến những lí tưởng cao cả nhất, lại vô tình tạo ra trên thực tế một chế độ trái ngược hoàn toàn với những điều chúng ta mong muốn, hay không?
Có một lí do cấp bách nữa buộc chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, đấy là: lực lượng nào đã sinh ra chủ nghĩa xã hội quốc gia? Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hiểu rõ được kẻ thù, hiểu rõ được vì sao chúng ta lại cùng chung sức chiến đấu. Chẳng cần phải chứng minh rằng chúng ta còn chưa thật hiểu những lí tưởng tích cực mà chúng ta đang bảo vệ trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta biết rằng chúng ta đang bảo vệ quyền tự do xây dựng cuộc đời theo các ý tưởng của mình. Thế đã là nhiều, nhưng vẫn chưa đủ. Chưa đủ để chúng ta giữ vững niềm tin trong cuộc chiến đấu chống lại những kẻ vẫn coi tuyên truyền, cả thô lậu lẫn tinh vi, là vũ khí chủ yếu. Nó lại càng không đủ bởi vì sau chiến thắng chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả của đường lối tuyên truyền đó, chắc chắn đây là những hậu quả lâu dài, cả trong các nước thuộc phe Trục, cũng như trong các nước chịu ảnh hưởng của phe này. Chưa đủ, nếu chúng ta muốn thuyết phục người khác chia sẻ các lí tưởng và chiến đấu cùng với chúng ta; chưa đủ, nếu chúng ta muốn xây dựng một thế giới mới, an toàn hơn và tự do hơn.
Đáng buồn, nhưng đây lại là sự thật: toàn bộ kinh nghiệm mà các nước dân chủ tiến hành để đối phó với các chế độ độc tài, các cố gắng của những nước này trong công tác tuyên truyền sau đó cũng như việc xác định nhiệm vụ của cuộc chiến, đã cho chúng ta thấy rõ sự mù mờ và thiếu nhất quán của các mục tiêu, điều đó chỉ có thể được lí giải là do sự thiếu rõ ràng của lí tưởng và sự thiếu hiểu biết về bản chất của những sự khác biệt giữa các chế độ dân chủ và những kẻ thù của họ. Chúng ta đã tự làm mình rối trí vì, thứ nhất, chúng ta thực thà tin vào một số lời tuyên bố của địch thủ và thứ hai, không chịu tin rằng kẻ thù cũng thực sự tin tưởng vào một số quan điểm mà chính chúng ta đang theo. Chẳng phải là tất cả chúng ta, cả các đảng cánh tả lẫn cánh hữu, đều đã bị lừa khi cho rằng Đảng xã hội chủ nghĩa quốc gia bảo vệ chủ nghĩa tư bản và chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa xã hội đấy ư? Chẳng phải là người ta đã từng đề nghị lấy; khi thì yếu tố này, khi thì yếu tố khác của hệ thống của Hitler làm hình mẫu phải theo, tuồng như các yếu tố đó không phải là một phần không thể tách rời của một hệ thống thống nhất và không thể kết hợp với chế độ xã hội tự do mà chúng ta muốn bảo vệ hay sao? Chỉ vì không hiểu rõ kẻ thù của mình mà chúng ta đã phạm hàng loạt sai lầm, cả trước cũng như sau khi cuộc chiến xảy ra. Có cảm tưởng rằng chúng ta không muốn tìm hiểu con đường dẫn tới chế độ toàn trị vì sự hiểu biết như thế sẽ đe dọa phá tan một vài ảo tưởng gần gũi với tâm hồn của chúng ta.
Chúng ta vẫn không thể đối phó thành công với người Đức vì chúng ta chưa hiểu được tư tưởng và cội nguồn tư tưởng đó của họ. Các luận điểm về sự đồi bại của người Đức, mà ta được nghe nói nhiều trong thời gian gần đây, không thể đứng vững trước bất kì lời chỉ trích nào và cũng không hoàn toàn đáng tin với ngay cả những người phát minh ra chúng. Đấy là chưa nói đến việc họ đã thóa mạ một loạt các nhà tư tưởng người Anh, những người thường xuyên tham khảo và tiếp thu được những điều tốt nhất và không chỉ những điều tốt nhất của tư tưởng Đức trong suốt một thế kỉ qua. Xin nhớ lại, thí dụ như John Stuart Mill, người tám mươi năm về trước đã lấy cảm hứng từ hai người Đức là Goethe và Wilhelm von Humboldt, để viết nên luận văn On Liberty (Bàn về tự do) sáng chói của mình. Mặt khác, hai bậc tiền bối có ảnh hưởng nhất đến tư tưởng quốc xã lại là Thomas Carlyle và Houston Stewart Chamberlain, một người Scot và một người Anh. Tóm lại, các luận điểm như thế không đem lại thanh danh cho các tác giả của chúng vì rất dễ nhận ra rằng chúng chỉ là những mô phỏng thô thiển lí luận phân biệt chủng tộc của Đức mà thôi.
Vấn đề hoàn toàn không phải là vì sao người Đức lại xấu, có lẽ họ cũng chẳng tốt mà cũng chẳng xấu hơn các dân tộc khác, mà là những điều kiện trong vòng bảy mươi năm qua đã để cho một số tư tưởng nhất định tìm được sức mạnh và trở thành chủ đạo trong xã hội Đức và vì sao kết quả đó lại giúp một số phần tử xấu xa nhất rốt cuộc lại giành được quyền lực ở nước Đức. Nếu chúng ta căm thù mọi thứ liên quan đến Đức chứ không căm thù các tư tưởng đang thống lĩnh tâm hồn người Đức thì chưa chắc chúng ta đã hiểu được mối nguy thật sự của chúng ta đang đến từ đâu. Đấy là thái độ thoát li thực tế, thái độ nhắm mắt trước các quá trình đang diễn ra không chỉ ở Đức, không chịu xem xét lại những tư tưởng du nhập từ nước Đức, thái độ đó có thể sẽ làm chúng ta lầm lạc chẳng khác gì người Đức vậy. Quy chủ nghĩa quốc xã cho sự đồi bại của người Đức còn nguy hiểm gấp đôi vì với cái cớ như thế người ta dễ dàng áp đặt cho chúng ta chính những thiết chế đã tạo ra sự đồi bại đó.
Những lời giải thích các sự kiện ở Đức và Ý được đưa ra trong cuốn sách này khác hẳn với quan điểm của đa số các nhà quan sát ngoại quốc và những người lưu vong vì lí do chính trị từ những nước này. Nếu quan điểm của tôi đúng thì nó đồng thời cũng cho phép giải thích vì sao những người lưu vong và các phóng viên Anh, Mỹ, mà đa số là có quan điểm xã hội chủ nghĩa, đã không thể nhìn ra vấn đề như nó vốn là. Cái lí thuyết vừa hời hợt vừa sai lầm, cho rằng chủ nghĩa xã hội quốc gia chỉ là phản ứng của những nhóm người mà lợi ích và đặc quyền sẽ bị chủ nghĩa xã hội đe dọa, lại được tất cả những người đã từng tham gia vào phong trào tư tưởng đưa đến chiến thắng của chủ nghĩa xã hội quốc gia ủng hộ, nhưng đến một lúc nào đó giữa những người này và quốc xã bỗng phát sinh mâu thuẫn và họ buộc phải bỏ nước ra đi. Nhưng việc những người đó là lực lượng đối lập đáng kể duy nhất đối với quốc xã đã chứng tỏ rằng trên thực tế toàn thể nhân dân Đức là những người xã hội chủ nghĩa, theo nghĩa rộng nhất của từ này, và rằng chủ nghĩa tự do, theo cách hiểu ban đầu của nó, đã bị chủ nghĩa xã hội thế chỗ. Tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng xung đột giữa những người xã hội chủ nghĩa quốc gia “cánh tả” và “cánh hữu” là tất yếu, là thứ xung đột luôn nảy sinh giữa các phe phái xã hội chủ nghĩa. Nếu quan điểm của tôi đúng thì ta có thể rút ra kết luận rằng những người nhập cư theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mặc dù dự định của họ là tốt đẹp, trên thực tế đang thúc đẩy các nước tiếp nhận họ đi theo con đường của nước Đức.
Nhiều người Anh, bạn tôi, đã choáng váng trước các ý kiến mang tính phát xít của những người nhập cư Đức, thế mà nếu xét theo quan điểm thì đấy lại là những người xã hội chủ nghĩa chính cống. Người Anh cho đó là do nguồn gốc Đức mà ra, nhưng trên thực tế nguyên nhân lại nằm trong quan điểm của những người đó. Đơn giản là, về quan điểm, những người này có điều kiện tiến xa hơn những người xã hội chủ nghĩa Anh, Mỹ vài bước mà thôi. Dĩ nhiên là do những đặc điểm của truyền thống Phổ mà những người xã hội chủ nghĩa Đức có được một sự ủng hộ rộng rãi. Sự tương đồng nội tại giữa chủ nghĩa quân phiệt Phổ và chủ nghĩa xã hội vốn là niềm tự hào dân tộc của người Đức chỉ càng củng cố thêm cho luận điểm chính của tôi. Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng tinh thần của dân tộc chứ không phải chủ nghĩa xã hội đã dẫn đến sự phát triển của chế độ toàn trị trên đất Đức, vì không phải chủ nghĩa quân phiệt Phổ mà là thế thượng phong của các quan điểm xã hội chủ nghĩa đã gắn bó nước Đức với nước Ý và nước Nga. Chủ nghĩa xã hội quốc gia không phải là con đẻ của các giai cấp có đặc quyền đặc lợi, gắn bó với truyền thống Phổ, mà là con đẻ của đám đông.
Đường Về Nô Lệ Đường Về Nô Lệ - Friedrich Hayek Đường Về Nô Lệ