Chương 5
hú tiểu An cứ thắc mắc mãi về một điểm trong cuộc đánh lộn với lũ thằng Căn. Sau khi Căn nhét ve vào mồm An, có một đứa đứng xem nào đấy hát to câu: “Ba cô đội gạo lên chùa - Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư”, thì thằng Căn bỗng nổi xung lên, buông tay không hành hạ An nữa, mà quay lại ném đất đá vào lũ người ủng hộ nó. Vậy thì tại sao lại thế? Chú tiểu An liền đem chuyện đó ra hỏi sư thầy Khoan Độ. Sư thầy trả lời:
- Sư thúc Vô Trần là học trò cuối cùng của sư tổ Vô Chấp, là em út của sư phụ chúng ta. Chuyện của các bậc đời trước, làm sao huynh biết được. Chỉ nghe nói rằng hiện nay sư thúc là đệ tử tục gia, và đang làm chính ủy...
Một ông sư lại là một người cách mạng. Câu chuyện về ông chắc khá đặc biệt. Tôi nóng lòng muốn biết. Sự tò mò khiến tôi tìm hiểu, lượm lặt những lời đồn đại, những mẩu chuyện liên quan đến sư thúc.
Thực ra cái sự tích đặc biệt ấy xảy ra ở chùa Sọ cũng đã lâu lắm rồi. Nhà chùa thì không muốn nhắc lại vì lý do tế nhị. Còn người làng Sọ thì cũng đã quên mất rồi. Lúc ấy còn là thời Pháp thuộc. Lão hòa thượng Thích Vô Chấp chưa về chùa Sọ cụ hãy còn trụ trì ở một ngôi chùa nhỏ ven Hà Nội, quá ô Cầu Dền một chút. Nghe nói thủ đô Hà Nội lúc ấy bé tẻo teo. Các bà Phật tử thuộc khu phố cổ, cùng Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ cần đến bờ Hồ, hay ra chợ Đồng Xuân, đi xe điện, xuống đến quá ô cầu Dền một đoạn, xuống tàu là đã thấy những ngôi làng ven đô rất quê, và đã có thể vào những ngôi chùa cổ kính lễ Phật. Chẳng nhớ tên chữ Hán của ngôi chùa ấy là gì nhưng dân sở tại vẫn gọi là chùa Ổi, bởi vì ở vùng đó trồng rất nhiều cây ổi.
Có một bà Phật tử khá giả ở phố Hàng Chiếu. Bà là người sùng mộ đạo Phật. Ngày rằm, mùng một, bà thường đem cậu con trai nhỏ đi theo xuống chùa Ổi. Cậu ấm khoảng hơn mười tuổi. Cậu bé suốt tháng năm sống ở cái phố cạnh chợ Đồng Xuân nhốn nháo, nơi đầy rẫy những kẻ lừa bịp, nơi cuộc cạnh tranh không thương xót diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Có lẽ vì thế nên khi cậu bắt gặp khung cảnh hiền hòa, thanh bình của chùa Ổi liền lập tức bị ấn tượng rất mạnh.
Tên cậu bé là Trần. Gặp ngôi chùa, Trần cứ tưởng như mình được lột xác. Tuần nào cũng vậy, cứ xuống khỏi xe điện, là Trần vội vã ba chân bốn cẳng chạy vào chùa. Ở đây cậu có thể ra hồ sen, ngồi dưới gốc si già, hoặc đến rặng ổi leo trèo. Đặc biệt, cậu Trần có thể ngồi hàng giờ trong mùi hương ngào ngạt để nghe sư cụ đọc kinh. Cậu ấm Trần rất cung kính, lễ phép nên được sư cụ rất yêu. Dần dà cậu trở thành như người nhà của chùa Ổi. Thân thiết đến mức cậu được phép ngồi lẫn với các chú tiểu, sư thầy để nghe sư cụ giảng kinh. Trần đang học năm thứ tie tníờng trung học Pháp Việt, lại khá thông minh, học đến đâu hiểu đến đó, nên được lão hòa thượng Thích Vô Chấp yêu mến vô cùng.
Cho đến một hôm, bỗng nhiên cậu ấm Trần mất tích. Gia đình bà phố Hàng Chiếu nhốn nháo đi tìm song không thấy đâu. Đầu tiên, họ bổ xuống chùa Ổi, các sư tăng đều lắc đầu. Đến nhà họ hàng quyến thuộc cũng không tăm tích. Bà Phật tử khóc lóc kêu trời, nghĩ mình là người tu nhân tích đức, cớ sao lại gặp nghịch cảnh. Được ba hôm, thì chính sư cụ Vô Chấp đã tìm ra cậu.
Đêm nào sư cụ cũng tụng kinh rất khuya. Đêm hôm ấy, tụng kinh xong cụ cứ thấy bồn chồn trong dạ. Cảm giác như nghe thấy một tiếng động mơ hồ nào đó. Nằm xuống ngủ cũng không ngủ được. Cứ như nghe thấy có ai gọi trong đầu. Sư cụ liền thức dậy, đốt nến, vào tòa chính điện, soi khắp các nơi, các xó. Soi mãi vẫn chẳng thấy gì. Chợt cụ nhớ tới pho hộ pháp. Ngày trước, lúc đi trốn bọn giặc Cờ Đen hung ác, sư tăng trong chùa có đào một căn hầm nhỏ dưới đít pho tượng khổng lố. Cụ vội lật đật đến mở tấm ván đậy hầm, thì quả nhiên thấy cậu ấm Trần nằm co ro trong đó. Nhịn đói ba hôm trời. Cậu bé gan liền đã lả đi. Sư cụ liền gọi người tới cõng lên, ủ chăn ấm và đổ cháo cho ăn. Đến sáng, cậu ấm tỉnh lại. Bà mẹ được tin xuống chùa, run rẩy ôm lấy con trai:
- Sao lại thế hở Trần? Muốn thế nào thì con phải nói với cha với mẹ chứ.
Trân ứa nước mắt bảo bà:
- Thưa mẹ, con đã nghĩ kỹ rồi. Con xin lạy mẹ. Con xin phép mẹ được cắt tóc đi tu. Lòng con đã nhuốm mùi thiền chỉ có vào chùa, con mới thấy lòng mình thanh thản.
Sư cụ Vô Chấp nghiêm nghị bảo:
- Việc này là việc lớn, quan hệ đến cả đời người. Một cậu bé thông minh nguyện cắt tóc đi tu có thể là một điều hay. Người ta nghĩ vì chán đời mà đi tu là không phải. Hoan hỉ mà đi tu mới là phải. Đây là chuyện tìm đường giải thoát. Sợ rằng đó là chuyện còn quá cao siêu với cháu Trần.
- Bạch sư cụ, con rất lấy làm hoan hỉ. Thưa, cứ đến nhà chùa ngửi mùi hương trong chính điện là con thấy thích, thấy lòng nhẹ nhõm.
Bà phố Hàng Chiếu về nhà bàn tính với chồng. Bà nghĩ đây là chuyện nông nổi, trẻ con còn cạn nghĩ, không ngờ ngay sau đó, Trần không đến trường học nữa và hễ cứ hở ra là cậu bé lại trốn nhà xuống chùa Ổi. Sư cụ cũng rất băn khoăn; sự quá đỗi nhiệt tình của Trần làm sư cụ vừa thấy yêu, vừa lo lắng. Sự nhiệt tình ở một con người thông minh... rồi con người sẽ gặp bao cảnh đời gập ghềnh mới lạ... Sự cuồng nhiệt... sự thông minh sẽ gặp bao nẻo rẽ trên con đường trần thế... Sư cụ thấy lo lắng vì sự cuồng nhiệt và thông minh ấy. Người càng cuồng nhiệt thông minh thì càng dễ thay đổi. Sau này, gặp một hoàn cảnh khó xử cậu ta sẽ ra sao? Tuy nhiên cậu Trần cứ kiên trì một mực như vậy, cuối cùng, bà phố Hàng Chiếu và cả sư phụ Vô Chấp cũng phải chịu thuyết phục, chấp nhận cho Trần đi tu.
Cậu bé tên Trần được sư đặt pháp danh là Vô Trần. Trưởng lão lúc ấy đã già, cả đời thu nhận hơn chục đồ đệ, nay được người học trò thông minh sáng láng ấy lấy làm vui mừng vô hạn. Đó là người học trò cưng yêu nhất của hòa thượng. Có thể đó là pháp khí nối được đèn tổ chăng. Sư đi đâu cũng đem tiểu Vô Trần theo hầu.
Khi hòa thượng quay trở về chùa Sọ, ngôi chùa mà người bắt đầu đời tu hành, hòa thượng cũng đem Vô Trần về đó. Sư cu nghĩ phải đem học trò về tận tổ đình, nơi tổ đăng luôn luôn thắp sáng; có như thế con người mới hiểu được công sức của bao nhiêu các tổ đã viên tịch, người tu hành mới hiểu rõ được tại sao phải giữ lửa cho tổ đăng.
Ở gian giữa nhà tổ có bức hoành phi bốn chữ “Tùy duyên lạc đạo”. Hôm mới về, sư cụ đã giải thích cho Vô Trần ngay:
- Bốn chữ này rút từ câu “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” của đệ nhất tổ Trúc Lâm, đức vua Trần Nhân Tông. Xưa, đức vua có lúc tu hạnh đầu đà, đã lìa bỏ ngôi vua, đi khắp nước giáo hóa Phật pháp. Qua đây, chính tay người đã viết bốn chữ này. Ý vua muốn nói người tu phải bất ly thế gian, tùy duyên ở cảnh đời nào cũng vui với Đạo.
Vô Trần ngây ngất ngắm nhìn bức tranh hoành phi cũ kỹ sơn son thếp vàng, nay sơn đã bay, gỗ đã có chỗ nứt. Của quý đến như vậy vẫn ẩn tàng ở một ngôi chùa nghèo, thật không ai ngờ tới. Trần thầm tưởng tượng ra cái cảnh một ông vua đi chân đất, trải tấm giấy hồng ra giữa sân chùa, xắn tay áo lên, cầm cây bút lông to vung tay viết những chữ tưởng chừng như giãn dị kia, mà đến bây giờ nhìn thấy, lòng người vẫn ưng rưng xao xuyến, suy ngẫm. Sư cụ Vô Chấp cũng xúc động đã lâu lắm cụ không kể chuyện xưa. Hôm nay cụ muốn thổ lộ tấm lòng cho hết, như người cha nói với đứa con út yêu quý:
- Thời Lý, thời Trần, dân ta ai cũng theo đạo Phật. Năm trăm năm thờ Phật, nên trong hồn người Việt, ai cũng có hạt giống Phật. Trải qua nhà Hồ rồi hai chục năm lệ thuộc nhà Minh, đạo Phật đã phôi pha ít nhiều. Đến đời nhà Lê, các vua đề cao đạo Nho. Các vua nhà Lê không nhắc đến đạo Phật, vì nhắc đến đạo Phật là nhắc đến đức Trần Nhân Tông, vị vua đã chiến thắng quân Nguyên, chiến thắng lừng lẫy, rồi lại tự mình xây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm làm rạng rỡ văn hóa Việt. Các vua Lê sợ dân nhớ đến nhà Trần, nên mặc cho chùa đổ hoang tàn. Đạo phải có lúc hiện lúc ẩn. Thuận thì hiện, không thuận thì ẩn. Tuy nhiên, ẩn chứ không dứt. Đạo vẫn ở trong nhân gian. Đàn ông say mê danh lợi không cần đạo, thì các vị sư sãi và đàn bà làm các vãi giữ lấy đạo không dứt...
Vô Trần tinh tấn tu hành chằng mấy chốc đã mười bảy, mười tám.
Một nhà sư trẻ tuổi, mặt sáng như trăng rằm, ăn nói mềm dẻo, làu thông kinh kệ, giỏi chữ Hán, là niềm tự hào của hòa thượng Vô Chấp. Sư cụ cố đem hết cái sở đắc của mình truyền dạy cho người học trò yêu. Cũng sắp đến lúc làm lễ truyền giới cho Vô Trần. Thấy người học trò đêm ngày miệt mài kinh kệ, sư bảo:
- Tinh thông giáo lý là điều quan trọng, nhưng đó mới chỉ là bước đầu của việc tu tập. Con đã nghe hai câu này chưa?
Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp thân
Quật quật hoàng hoa vô phi bát nhã
(Trúc biếc xanh xanh là Pháp thân
Hoa vàng rợp rợp là Bát Nhã).
Da con xin được nghe lời chỉ dạy của sư phụ.
Xưa có ngài Hương Nghiêm đã đọc thiên kinh vạn quyển, tu hành đã lâu mà vẫn chưa vào nổi cửa Thiền. Có một hôm, chợt ngài nghe thấy tiếng vang của một hòn sỏi chọi vào cây trúc. Thế là ngài đốn ngộ. Ngài Linh Vân cũng vậy. Một hôm đi trên đường, bỗng trông thấy vườn đào nở rộ; ngay lúc đó, ngài ngộ đạo. Con đã hiểu ý ta chưa?
- Bạch thầy, con vẫn chưa hiểu.
- Ngộ đạo không phải cố học mà được. Người ở chùa phải kiên nhẫn tinh tấn tu hành. Bao giờ thời tiết nhân duyên chín mùi và thâm tâm thanh tịnh thuần thục, thì có khi nghe thầy quát một tiếng, bị thầy đạp một cái, hay tai nghe một tiếng động, mắt trông thấy một màu sắc, bị kích thích đột nhiên ta bừng ngộ.
- Vậy con đọc kinh Phật thì sao?
- Chỉ là một nhân duyên. Không biết đọc có khi còn cản trở.
- Bạch thầy...
- Con quá đỗi nhiệt tình. Từ lúc ta mới gặp con cũng vậy. Vì thế ta vừa yêu con vừa lo lắng cho con.
Xem như thế ta mới thấy tình thầy trò khăng khít biết nhường nào. Sư cụ lo lắng uốn nắn cách tu cho Vô Trần từng li từng tí. Nói chung hòa thượng có lo cho Vô Trần nhưng mừng là chủ yếu. Con đường đã vạch sẵn rõ ràng; môi trường tu tập thuận lợi; học trò thì ngoan ngoãn cố gắng, do đó hòa thượng thấy yên tâm, nghĩ rằng học trò đã lớn khôn, bèn giao hết việc chùa cho Vô Trần. Lúc đó sư cụ đã già lắm, người muốn được rảnh tay, đi thăm lại các ngôi chùa xưa, những nơi người đã trụ trì và hiện đã giao cho các đệ tử của mình. Rồi một hôm người đeo tay nải lên vai, chống gây về thăm chùa Ổi:
- Thầy đi dăm bữa nửa tháng sẽ về. Chuyến này có lẽ hơi lâu. Con ở nhà nhớ đèn nhang chu đáo. Đừng có chểnh mảng tu tập.
Có lẽ sư cụ không hiểu tâm lý một chàng trai mới đến tuổi trưởng thành. Cũng có lẽ cụ quá tin cậy vào bản lĩnh của người học trò yêu nên đã để cho Vô Trần một mình quản lý ngôi chùa. Có biết đâu, dù sao Trần cũng chỉ là một chàng trai mới lớn. Sư cụ thường dạy:
- Con không bao giờ được phép để cho tay chân hay đầu óc được nghỉ ngơi. Con người phải biết luôn chân luôn tay. Hết việc này thì phải tìm việc khác mà làm. Hết việc chân tay thì tìm việc đầu óc. Buông tay ra phải tìm ngay quyển kinh, cuốn sách. Rồi còn tụng kinh, ngồi thiền. Có vậy mới nên kẻ chân tu.
Bao nhiêu năm qua Vô Trần vẫn răm rắp theo đúng lời sư phụ. Nhưng dạo này Trần bỗng thấy mình lêu lổng. Đó không phải là chuyện lang thang bằng đôi chân mà là sự lang thang đầu óc. Sự lang thang này cũng thật vô cùng thú vị. Đúng là từ sáng đến đêm Trần vẫn theo đúng lời thầy dạy. Nào hương đăng sớm tối, nào quét tước lau chùi để cái sân chùa bao la không một chiếc lá, để những chiếc cột lim thường xuyên bóng lộn, nào gõ mõ tụng kinh cho đến lúc gà gáy nửa đêm... Nhưng sau đó thì sao? Một mình một bóng trong ngôi chùa mênh mông. Có đêm, Trần thấy cô quạnh quá, phải ra sân chùa ngồi cạnh con chó vàng già nua trên thềm hè. Vô Trần ôm lấy đầu con chó kể lể những câu chuyện tận ngày xửa ngày xưa.
- Nhà ta ở phố Hàng Chiếu. Ở đấy chật lắm không nuôi được chó, nhưng mẹ ta vẫn nuôi một con mèo... Mèo trắng tinh đẹp vô cùng. Đến tối nó vẫn ngủ cùng ta. Gừ gừ... Con mèo lúc nào cũng run rẩy. Có những đêm thật nóng mà nó vẫn run lên trong lòng ta. Ta yêu nó. Mẹ ta cũng yêu nó. Mẹ ta kể chuyện lúc ta rời nhà đi tu, nó nhớ ta quá, hàng tuần liền đêm nào cũng ngồi trên nóc nhà mà gọi meo meo... Còn mẹ ta nghe thấy nó kêu cũng nhớ ta mà khóc cả đêm. Còn bây giờ thì... đã gần chục năm rồi. Con mèo trắng đã chết... Còn mẹ ta cũng đã qua đời.
Vô Trần miên man nghĩ đến đám tang của mẹ. Cha của Trần cũng buồn, nhưng dù sao ông cũng còn có người vợ thứ hai trẻ măng bên cạnh. Chính mẹ ta đi tìm một người đàn bà mắn đẻ để cưới cho chồng làm vợ lẽ. Một sự bắt đền. Vì ta đi tu nên cha ta thở ngắn than dài là không có người nối dõi. Và dì hai đã đẻ luôn cho cha ta hai cậu con trai. Mừng vui hay buồn tủi? Có lẽ cha ta thì mừng, còn mẹ ta thì tủi. Sự mặn nồng của cha ta với mẹ ta thế là phai lạt. Ôi! Thân mẫu yêu quý! Sư phụ bảo lẽ đời lạ vô thường. Cũng bảo mẹ dày phúc đức. Có con đi tu mẹ cũng được nhờ cậy, sẽ thoát khỏi đầu thai vào cõi ngạ quỷ... Bóng dáng người mẹ hiền thục và cam chịu ấy chợt hiện lên rõ mồn một trong tâm tưởng. Mẹ ơi! Giờ mẹ ở nơi đâu? Ở cõi trời hay cõi người? Trong mỗi con người đàn ông đều có bóng dáng một người đàn bà. Hình ảnh thân yêu ấy từ lúc mở mắt chào đời ta đã thấy...
Đêm hôm ấy, Vô Trần ngồi ở hiên chùa ôm con chó già nhìn những ngôi sao đổi ngôi vạch trên trời, nghe những con vạc, con cú bay qua vườn chùa, mơ màng cùng những kỷ niệm, về những hình ảnh đẹp vô cùng mà cuộc sống tu hành bận rộn làm chàng hầu như đã quên mất. Còn đêm nay, nó ào ạt trở về. Nó trở về cùng với sự mang mang ý thức về nỗi cô đơn của kiếp người. Đã đành rằng đi tu là phải xả hết nỗi buồn vui ở đời. Vui cũng chẳng động tâm, buồn cũng chẳng động lòng. Luôn luôn tĩnh lặng sáng suốt. Thế nhưng đức Thế Tôn xưa đã chẳng vì ý thức được nỗi đau khổ của thế gian nên đã đi tìm con đường giải thoát sao. Có khi nỗi buồn đã hoàn thiện con người, làm con người trở thành người.
Vô Trần cứ miên man nghĩ như vậy. Có lẽ anh chưa dứt khỏi vòng sinh tử. Phải chăng sự đi tu của anh là một sự đi tìm đường trong cõi nhân gian, và đó cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một hành trình dài dằng dặc.
Trong đêm tịch mịch, chợt Vô Trần hình như thoảng nghe thấy một tiếng động lạ. Chàng trai định thần chú ý. Đúng là có tiếng động lạ. Hay chính xác hơn đó là tiếng khóc. Những làn gió nam khởi dấy lên từ lúc nào chẳng biết, đã đưa tiếng khóc đến ngôi chùa. Càng lúc tiếng khóc than càng rõ hơn. Chàng hiểu rồi. Ở phía bắc ngôi chùa có một bãi tha ma. Trưa nay, có đám ma trong làng. Những nhà khá giả ở đây có người chết thường đến chùa, xin sư cụ làm lễ siêu độ và có lời với hội vãi già đi đưa để bắc cầu vồng dẫn vong sang thế giới bên kia. Nhà này chắc nghèo nên chẳng liên hệ gì với chùa. Tiếng ri ri khóc than có lúc nghe rõ mồn một dần dần làm xốn xang lòng chàng. Vô Trần như bị cuốn hút rồi bị mê hoăc vì tiếng khóc. Chàng đứng dậy. Con chó vàng ngẩng đầu nhìn chàng như muốn hỏi chàng định làm gì. Chàng lầm bầm trong mồm một câu gì đó. Rồi chẳng nói chẳng rằng, như người mê, bập bỗng thất thểu ra cổng chùa, mở cái cửa bên. Con chó lững thững bước theo, nhưng tới cổng, nó dừng lại vẫy đuôi, sủa dồn lên như muốn gọi. Vô Trần vẫn đi không quay đầu lại. Con chó vẫn rên ư ử như thất vọng, khi bóng chàng khuất sau những bụi cây. Nó chỉ còn biết sủa bâng quơ mấy tiếng rồi nằm xuống ở bóng tối tam quan, ở cái cổng bên, mà chàng đi ra.
Vô Trần nhằm thẳng bãi tha ma đi tới. Bãi tha ma ngổn ngang gò đống, trơ trọi. Chỉ có bóng lù lù những ngôi mả bên cạnh những bụi sim, mua. Tới đầu bên kia mới thấy bóng hai cây nhãn vươn lên trời. Đó là nơi phu đào huyệt nghỉ tay tránh nắng. Ở đây có bàn thờ thổ thần thổ địa xây bằng gạch. Tiếng khóc phát ra từ chỗ này. Bây giờ nghe đã rõ ràng. Người đàn bà nào đó khóc rằng.
- Dì ơi... sao dì bỏ... cháu mà đi... Trời cao đất dày ơi!... Bây giờ... tôi biết... sống cùng ai...
Tiếng khóc thật ai oán, lúc to, lúc nhỏ, lúc tỉ tê kể lể, lúc nức nở không ra tiếng, rồi tiếng hỉ mũi... Rồi tiếng nấc... Tiếng khóc im lặng một lát sau lại ré lên... Rồi thì ằng ặc... ằng ặc... Đột ngột tiếng kêu than ngừng hẳn. Lặng lẽ đến ngạc nhiên. Cả bãi tha ma chợt im phăng phắc để sau đó vang lên tiếng rộn của muôn ngàn con dế và lũ ễnh ương, cóc nhái trong những hố chôn, trong bãi cỏ còn đọng nước của trận mưa vừa qua.
Vô Trần như bị thôi miên. Chàng cảm nhận có chuyện gì đó mới xảy ra. Chàng vội đến chỗ hai cây nhãn. Dưới bóng trăng, một người đàn bà nằm còng queo dưới chân bàn thờ thổ thần. Chàng ngồi xuống bên cạnh người đàn bà đang ngất xỉu chân tay lạnh ngắt. Ở chùa, sư cụ còn dạy Vô Trần y thuật Chàng vội vã lấy ngón tay cái bấm vào huyệt ấn đường dưới mũi, huyệt bách hội trên đỉnh đầu và huyệt hợp cốc ở nơi bàn tay. Được một lát thì chị ta tỉnh lại. Chị ta vẫn còn nấc nhẹ nhưng đôi mắt khóc như đã cạn nước mắt. Hỏi ở đâu, chị ta chỉ biết hất đầu chỉ vào cái lùm tre gần đấy nhất. À, chị ta ở trại Cò. Đó là cái vườn cò chừng mươi mẫu trên mấy quả đồi thấp. Đồi trồng toàn tre của nhà cụ chánh. Nghe đâu có một bà già trông vườn. À, chắc cô này là cháu. Và người mới đem chôn hẳn là bà cụ già.
Trần dìu người con gái đi về vườn cò. Phải dìu vì cô ta hầu như kiệt sức. Lần đầu tiên Vô Trần được ôm một thân hình mềm mại và ấm áp. Trong bóng trăng chẳng nhìn rõ được từng nét mặt của chị ta. Anh chỉ cảm nhận được một khuôn mặt trẻ trung, tròn vành vạnh, và trắng ngát. Ở người chị ta toát ra một hương thơm, thứ hương đặc biệt của người con gái. Nó gần giống như hương của những bông lúa ngậm sữa. Hay là hương trên da thịt một đứa bé bụ bẫm.
Họ đã đi vào bóng những lùm tre. Thỉnh thoảng lại gặp vũng trăng trên mặt đất. Tre cót két. Tre rì rào. Những con cò, con vạc, con sếu làm tổ trên những ngọn cây nghe bước chân họ đi lại kêu xáo xác, ríu ran. Có những chỗ tối om hoàn toàn. Trần đã quên mình đang dìu cô gái. Hình như cô ta đã tỉnh hẳn rồi thì phải. Trần cảm nhận như vậy vì đến quãng này chính anh lại được cô ta dìu đi. Nói cho đúng, họ ôm nhau mà đi. Và đây là đất của cô, đường sá ở đây cô đã thuộc lòng. Bóng tối kịt của vườn tre đã bịt kín mắt hai người, nhưng họ bước đi không hề đụng chạm. Cho đến lúc đằng trước mặt lóe sáng. Ánh sáng mở rộng dần. Họ đã tới một khu đất trống. Một túp lều nằm chính giữa khu đất. Đi trong vườn cò Trần đã biết được tên cô gái là Nấm. Anh hỏi:
- Cô Nấm ơi. Đèn nhà mình ở đâu?
- Nhà em không có đèn, nhưng có củi đấy. Củi ở ngoài hiên.
Trần đốt củi lên. Sờ bàn tay cô gái đã thấy ấm, Trần bảo:
- Không hề gì nữa rồi. Chỉ đến mai là cô khỏi hẳn.
Nấm cũng trạc tuổi Trần. Cô gái khỏe mạnh, không đẹp, nhưng đôi mắt rất sáng, lúng liếng. Cô có những vết tàn nhang trên đôi má bụ bẫm. Trần nhìn vào đôi mắt lúng liếng của cô chợt thấy như chúng đang van xin. Nấm bảo:
- Thầy đừng về đêm nay nhé?
- Sao? - Vô Trần cảm thấy mình đỏ mặt.
- Chẳng sao cả. Nhưng ở một mình em sợ lắm. Tối nay ở một mình em sợ quá. Cứ thấy hồn dì về nên em phải ra bãi tha ma.
- Lại thế nữa ư?
-Thầy mà về thì em lại theo thầy ra bãi tha ma. Hay là em theo vào chùa. Em chỉ ngồi ở sân chùa thôi. Lạy thầy. Cứ cho em ngồi ở sân chùa chắc Phật chẳng nỡ chối từ em.
- Cô vào chùa ban đêm ư? Chẳng được đâu.
- Thế thì thầy cứ phải ngồi đây với em suốt đêm nay. Không sao đâu. Cứ đốt lửa ngồi cả đêm.
- Thế đêm mai thì sao?
- Đêm mai em cũng sợ chứ, nhưng không sao, sáng mai em sẽ về nhà anh trai em. - Cô thở dài - Nhưng nhà anh trai em nghèo lắm. Lại đông con... Em chỉ định ở đấy ba hôm rồi lại quay về đây. Em chỉ còn đủ gạo ba hôm mang về cho anh chị ấy. Mà... ba hôm, chắc em cũng nguôi ngoai... Mà ba hôm chắc vong linh dì em cũng nguôi ngoai... Bà chắc cũng đã yên tâm ra đi, không quay trở về... làm em sợ nữa.
- Sao cô lại ở với bà dì?
- Em góa chồng mà. Năm ngoái chồng em đi bắt lươn bị hổ mang bành nó cắn. Em mới mười tám tuổi. Bố chồng em nói: “Thôi con vui lòng về với anh trai con. Con còn trẻ quá. Gặp người nào tử tế thì đi bước nữa. Chứ con ở đây... nhà đông người chật chội không tiện đâu”. Em về nhà anh trai. Anh có bốn đứa con, lại nghèo quá, vợ chồng anh chỉ biết mò cua bắt ốc quanh năm. Thế là em phải về đây ở với dì.
- Đây là đất nhà cụ bá Phượng. Có phải đất dì em đâu.
- Dì em làm lẽ thứ năm cụ chánh. Cụ chánh là bố cụ bá Phượng. Dì em không có con. Cụ chánh cho dì em ra ở đây mỗi năm cấp cho mấy chục thùng thóc.
- Hóa ra thế.
- Cụ chánh thường nói: “Đất lành chim đậu”. Cụ lại bảo: “Giữ sao cho cò vạc không bay đi. Thế là phúc cho nhà phúc cả cho làng mình”. Cụ cho dì em ở đây cốt để trông coi ngăn trẻ chăn trâu phá phách. Dì em ở đây nhưng không được phép bắt cò ăn thịt. Chỉ được bắt những con nào lúc gió bão, hoặc ban đêm sẩy chân rơi từ tổ xuống đất.
- Như thế chắc gì ông chánh sẽ cho cô ở thay chân bà dì.
- Việc ấy chẳng biết nữa. Nhưng sau rồi sẽ tính.
Hai người cứ ngồi bên bếp lửa nói chuyện vặt như thế suốt đêm cho đến lúc gà gáy sáng. Vô Trần dẫm trên sương mai trở về chùa. Con chó vàng thấy Vô Trần sủa gâu gâu, vẫy đuôi. Có lẽ con vật đã nằm ở cổng chùa lo lắng cho chủ suốt đêm.
Hai đêm tiếp theo, Vô Trần cảm thấy lòng mình thảnh thơi tính lặng. Song tới đêm thứ ba, mới sẩm tối, chàng đã thấy lòng mình chợt bồi hồi khó tả. Thường thì cứ ba hôm, chàng mới quét sân chùa một lần. Đáng lẽ ra phải đến ngày kia mới là lúc cần phải quét. Nhưng tối nay chàng cảm thấy cần phải quét ngay. Trận gió sáng nay làm lá đa rụng nhiều. Vô Trần lấy cái chổi dài kết bằng lá cọ. Những nhát chổi quét trên sân gạch kêu ràn rạt. Cứ tưởng tiếng chổi đưa có thể làm cho con người trấn tĩnh hơn. Nào ngờ càng quét lòng càng rối bời, cứ như đám lá bời bời ở đầu sân bên kia gặp cơn gió quẩn, tự nhiên bốc lên lại rải ra khắp sân. Hóa ra đâu vẫn hoàn đấy. Vô Trần vứt chổi, vào điện thắp hương, gõ mõ. Tiếng mõ ngày xưa thật diệu kỳ. Khi nó vang lên, chỉ một lát tâm hồn chàng đã lặng yên như mặt nước hồ vào ngày đứng gió. Sóng không bao giờ nổi. Còn hôm nay, lạ chưa! Càng gõ, mặt hồ tâm hồn càng gợn sóng. Ngồi thiền cũng chẳng xong. Có bao giờ chàng rơi vào một thứ tà thiền như đêm nay. Tâm hồn chàng bỗng như chú ngựa hoang, không chịu sự sai khiến. Nó muốn rong chơi. Nó muốn hí dài rồi cong đuôi lên, nhìn bầu trời bát ngát. Chàng thở dài đi nằm. Chàng cứ chạy trốn mãi, nhưng cuối cùng những mong muốn thực sự cũng hiện ra. Một tiếng nói dịu dàng văng vẳng bỗng nghe rõ mồn một trong óc: “Em chỉ về nhà ông anh em ba hôm. Chiều hôm thứ ba em lại quay về”. Sau tiếng nói là hình ảnh cô thôn nữ căng đầy nhựa sống với con mắt lúng liếng, với đôi má bầu bĩnh tàn nhang. Mở mắt ra cũng thấy hình. Nhắm mắt lại hình vẫn sờ sờ trong óc. Đi đứng, nằm, ngồi, hình ảnh cô Nấm cũng chẳng lúc nào rời Trần chợt nghĩ tới một câu chuyện cổ.
Ngày xưa, có một thầy tăng ở trên núi, mỗi lần về làng đều phải qua sông. Người lái đò là một cô gái xinh đẹp, duyên dáng, rất ưa nhìn. Tiền đò là một xu. Cô lái đò lại đòi thầy tu hai xu. Cô giải thích: “Người ta qua đò chỉ nhìn sông nhìn nước, còn thầy qua đò lại nhìn cả mặt tôi. Hai xu là phải”. Lần sau, có việc qua sông. Hôm ấy, thầy tăng úp mặt xuống ván thuyền, quyết không nhìn cô gái. Song tiền đò lại tăng bốn xu. Và cô giải thích. “Lần này, thầy không nhìn bằng mắt mà nhìn bằng tâm. Tâm nhìn thì rõ hơn. Không những nhìn được mặt tôi, mà còn nhìn thấu suốt vào con người tôi. Bốn xu là phải”.
Vô Trần bật cười khi nghĩ đến câu chuyện ấy. Đúng là ta nhìn bằng tâm. Ta trốn cũng không được nữa rồi. Nghĩ như vậy xong, thầy yên tâm với cái lý lẽ: việc đã trốn không nổi, thì thà cứ đương đầu với nó cho xong. Khi thầy Trần ra cổng chùa, con chó vàng lại đủng đỉnh đi theo. Con chó vẫn sủa lên như muốn gọi lại. Hình như lần trước thầy có ngoái đầu nhìn, còn lần này thì tuyệt nhiên không.
Vô Trần xăm xăm đi vào rừng tre xào xạc. Thầy lội qua những vũng trăng, chui vào lối tre mịt mù hun hút. Lúc trước chàng bồi hồi vật lộn với chính mình, còn lúc này chàng lại hồi họp lo lắng. “Không biết Nấm đã quay về chưa?”. Chỉ khi cái quãng trống và căn nhà lá hiện ra, chàng mới hết lo và tim chàng bỗng đập rộn ràng lúc nhìn thấy ngôi nhà có ánh sáng chứ không lù mù tối om như lần trước. Chàng ùa vào túp lều rách nát, long lanh con mắt nhìn vào Nấm đương ngồi sưởi bên đống lửa. Cô gái ngẩng lên không chút ngạc nhiên:
- Anh đã tới rồi ư?
Cô lặng lẽ đặt chiếc ghế con sát bên mình. Hai người ngồi bên nhau im lặng. Họ chẳng nói một lời vì có lẽ ngôn ngữ lúc này là vô ích, là ngớ ngẩn. Mãi cô mới hỏi:
- Thầy có đói không?
Vô Trần im lặng. Còn cô thì ríu ran:
- Còn em đói lả mất rồi. Em đã nấu cháo. Chỉ còn thiếu thức ăn.
Mắt Nấm bỗng sáng rực. Cô rất tự nhiên nắm lấy tay Trần:
- Đi, ta cùng đi kiếm thức ăn.
Hai người đứng dậy, bước ra cái lạnh man mác của đêm xuân. Lại qua một lối tre hun hút để tới một khoảng trống thứ hai, nơi đây lô nhô những cây rơm.
- Nhà ông chánh, sáu con trâu nên phải tích trữ rơm cho chúng ăn quanh năm. - Cô Nấm giải thích - Rơm nhà này để tau cữu. Có những cây rơm, bên dưới mục ra nên có nhiều nấm rơm... Nào để em dẫn thầy tới chỗ nhiều nấm nhất.
Cô gái cầm tay Trần kéo đi, họ len qua giữa hai cây rơm để chui vào cái khoảng trống, mà bốn phía đều có những cây rơm che kín. Ở đây, không có gió. Ở đây, rơm như một tấm nệm dầu thơm phức. Ở đây, kín đáo, nhưng lúc nào trăng cũng nhòm xuống. Ở đây, tia mắt của người ta nhìn nhau như cũng ấm áp hơn. Hai người đi vén rơm phủ xòa quanh chân cây rơm, ở đấy những chiếc nấm trắng phau tròn như những quả ổi, những nắm tay lộ ra dưới trăng. Nấm đã trắng lại càng thêm trắng. Họ ríu rít như trẻ thơ. Tay chạm tay, vai chạm vai, có lúc mặt cũng chạm mặt để những hơi thở nóng ran phả vào nhau. Để rồi họ nắm lấy tay nhau lúc nào cũng không hay. Nấm nâng những ngón tay dài thư sinh của nhà sư trẻ lên mặt để nhìn thấy chúng run rẩy, nàng nở một nụ cười. Cô yêu thích những ngón tay dài thanh dịu dàng này. Những ngón tay mà những người nghèo khổ quanh nàng không bao giờ có. Những ngón tay quý hóa ấy nay thuộc về cô. Thuộc về Nấm tất cả. Cả cái khuôn mặt sáng ngời, cái dáng gầy gò mảnh mai của con người trẻ tuổi này cũng vậy. Cô bầu bĩnh mập mạp. Chàng mảnh dẻ yếu đuối. Hai cánh tay dài bỗng trượt theo bờ vai ôm lấy cổ nàng. Lúc này không những bàn tay mà toàn thân chàng run lên. Nấm chợt hiểu ra cái ma lực của mình. Cô thấy kiêu hãnh trước sự thèm khát. Ở đây cô là nữ thần. Ở đây cô là hạnh phúc. Dưới ánh trăng ngút ngát trần gian này, cô còn hơn cả ngọc ngà châu báu. Khi cái yếm đào rơi xuống, Vô Trần đỡ lấy nó, nâng niu trên hai bàn tay, nghi lễ của một bước ngoặt, nghi lễ điểm đạo trần gian. Họ hiến dâng cho nhau có trăng sao làm chứng, có rừng tre rì rào hát khúc tụng ca, có đồng lúa tỏa mùi thơm được gió dẫn vào ướp hương cho cái nệm ái ân của họ.
Đêm hôm sau, Vô Trần như lên cơn sốt. Chàng nằm liệt giường, nhưng khi lũ cú mèo làm tổ trên những tháp cổ bay ra đi ăn đêm, có thể chúng bay tới khu rừng Cò, thì chàng không đừng được nữa. Vô Trân bật dậy mặc quần áo, rồi len lén lẻn ra vườn chùa y như một kẻ trộm. Hôm nay, chàng muốn giấu cả con chó vàng. Chàng sợ đôi mắt của nó ngước lên như muốn hỏi chàng đi đâu. Chàng sợ cả tiếng sủa dài của nó ở cổng chùa, mỗi khi chàng xăm xăm đi về phía vườn cò. Đêm nay, chàng luồn mình qua lỗ chó chui.
Đêm nay, nàng lại dẫn Trần ra cái góc ái ân thiêng liêng của họ. Tay trong tay, họ nhìn vào mắt nhau. Cho đến lúc nàng đưa tay ra sau gáy cởi dải buộc cổ yếm, để cho cái yếm từ từ rơi xuống. Họ thích cái nghi lễ ái ân này. Nhìn vào mắt Nấm, chàng trai hiểu đêm nay cô ta muốn chàng mạnh mẽ chiếm đoạt. Đêm qua, nàng dạy và chàng học. Đêm nay, người đàn bà muốn trả lại quyền chủ động cho người đàn ông. Vì chỉ ở trạng thái thụ động, người đàn bà hưởng thụ được hạnh phúc toàn vẹn. Người đàn bà thích uể oải lười nhác trong cuộc trao duyên. Hay ít nhất, đối với nàng đêm nay là thế. Hay đó cũng là cách trao duyên tinh vi và đắm say nhất của người đàn bà. Đến lúc ăn cháo nấm đêm bên đống lửa, nàng mới hỏi:
- Đêm qua... thì sao?
- Ta sợ lắm... nhưng mà ngọt ngào.
- Còn đêm nay?
- Trời đánh! Đêm nay ta bị trời đánh...
Cô Nấm cười khúc khích. Khúc khích vì cô đã hiểu cái quyền năng của cô bây giờ là tuyệt đối. Vô Trần sẽ chẳng bao rời xa cô.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa