Dàn Nhạc Đỏ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8: Cục Tình Báo Hồng Quân
eopold trở thành cộng sản vì anh là người Do Thái.
Qua tiếp xúc với công nhân ở Dombrova, anh đã lược định được sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Ngoài ra, anh thấy chủ nghĩa Marx đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của việc giải quyết vấn đề Do Thái là vấn đề ám ảnh anh từ lúc anh còn là thiếu niên. Anh nhận định chỉ có xã hội xã hội chủ nghĩa mới chấm dứt được nạn phân biệt chủng tộc và tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa của cộng đồng người Do Thái. Anh đã nghiên cứu chủ nghĩa bài Do Thái từ khi nó ra đời cho đến cơ cấu của nó, những vụ tàn sát người Do Thái dưới thời Nga hoàng đến vụ Dreyfus ở Pháp. Anh cho rằng chủ nghĩa quốc xã ở thế kỉ XX là biểu hiện rõ ràng nhất của chủ nghĩa bài Do Thái. Anh trông rõ thấy con quái vật đó đang lớn lên và anh lo lắng thấy con người không nhận thấy nguy cơ đó. Các đảng công nhân Đức lao vào cuộc đấu tranh huynh đệ mà quên mất kẻ thù chung. Nhiều đảng công nhân nhận định rằng một khi đã nắm được chính quyền, Hitler sẽ xếp xó kho vũ khí của hắn lại, sẽ quên cuốn "Cuộc chiến đấu của tôi" đi và chuyển các đơn vị xung kích S.A. thành những huấn luyện viên các trại hè. Giai cấp tư sản Đức và quốc tế suy nghĩ ràng sau khi lập lại trật tự nhỏ nhoi xong thì tình hình sẽ tốt đẹp ở đất nước đang bị những phần tử đỏ quậy phá.
Ngày 30-1-1933, trên trang nhất các nhật báo cả thế giới đưa tin Adolf Hitler được chỉ định làm thủ tướng nước Đức. Đối với một đảng viên cộng sản như Leopold, anh nhận định sự kiện này báo hiệu nguy hiểm đã bắt đầu. Cánh cửa đã mở cho bọn man rợ xông vào. Chiếc mặt nạ dân chủ người ta đeo trên mặt tên trung sĩ người Áo nhỏ bé đã rơi mất rồi. Từ nay trở đi nước Đức và chẳng bao lâu cả châu Âu sẽ phải học cách sống dưới gót giầy.
Ngày 27-2-1933, trụ sở quốc hội Đức bị cháy. Chỉ vài phút sau Goebbels và Goering đã có mặt ỏ đó. Đêm hôm sau hàng vạn đảng viên cộng sản và xã hội bị bắt. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 3. Goering đã báo trước: "Tôi chẳng quan tâm đến những định kiến để cho công lí viễn tưởng trói buộc chúng ta. Tôi ra lệnh phá hủy những gì cần phá và chỉ cần thế thôi". Vì thế những lá phiếu bầu cho cộng sản bị tuyên bố là không có giá trị. Mặc dù không khí khủng bố lan tràn như thế, nhưng cộng sản và xã hội chủ nghĩa vẫn thu được mười hai triệu phiếu bầu. Các đảng khác mười triệu và bọn quốc xã được mười bảy triệu phiếu. Theo lệnh của Hitler, những đại biểu cộng sản bị loại bỏ. Ernst Thaelmann, tổng bí thư Đảng cộng sản Đức, bị bắt giam, ngay sau đó Dimitrov cũng bị bắt.
Chuỗi sự kiện tiếp theo:
Ngày 23 tháng ba, hiến pháp Weimar thực thi.
Nước Đức do dự giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã. Bây giờ thác lũ cuốn mọi vật theo. Hitler tập trung vào việc đánh phá phong trào công nhân Đức. Chống lại lao động, nó có những đội xung kích. Ngày 2-5-1933, trụ sở tổng công đoàn bị tấn công, trong khi lãnh đạo tổ chức này dự định chặn Hitler lại bằng tổng bãi công. Xung kích S.A. chiếm đóng trụ sở này. Hàng ngàn thành viên công đoàn bị tống giam. Còn thiếu một công cụ khủng bố nữa. Vào tháng 4 năm 1934 cơ quan mật thám Gestapo ra đời.
Trước khi Hitler lên nắm chính quyền, Leopold đã đọc cuốn "Cuộc chiến đấu của tôi" khiến cho các bạn của anh chế giễu. Nhưng ít lâu sau, anh nhận thấy cuốn sách đó đã mô tả rất sát sự phát triển của chủ nghĩa quốc xã. Trong cuốn sách của Hitler có hai chủ đề luôn luôn được nêu ra là: "Đập tan phong trào Do Thái quốc tế" và "Tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản".
Vừa là Do Thái, vừa là Cộng sản, Leopold thấy mình bị liên quan. Ngoài ra đến tháng giêng năm 1935 đạo luật làm trong sạch chủng tộc ra đời: Các đồng chí Đức cũng bị tấn công. Leopold nhận định chủ nghĩa Quốc xã sẽ không đóng khung trong phạm vi nước Đức mà nó sẽ lan tràn ra khắp thế giới, chiến tranh và chết chóc sẽ trở thành vấn đề quốc tế. Bão tố sắp tới, nhiều dấu hiệu đã cho thấy như vậy. Ngày 13-1-1935, chính phủ Quốc xã ra lệnh bắt buộc thanh niên đi lính. Hitler vứt hiệp ước Versailles vào sọt rác. Cũng năm đó chín mươi phần trăm nhân dân tỉnh Saar tán thành hợp nhất tỉnh mình vào nước Đức.
Các nước dân chủ phương Tây không chịu thừa nhận có nguy cơ trước mắt. Họ chờ đợi có phép lạ, họ muốn hòa dịu. Họ càng do dự, Hitler càng lấn tới. Ngày 7-3-1936 quân đội Đức tiến vào vùng Rhineland. Không có phản ứng. Đầu tháng 7 năm 1936 cuộc nội chiến bắt đầu nổ ra ỏ Tây Ban Nha. Các chính phủ Anh và Pháp chủ trương không can thiệp, để cho các đạo quân lê dương Đức và Italia đánh bại Cách mạng Tây Ban Nha. Rồi cũng năm 1936 Đức và Italia kí hiệp định chống Quốc tế cộng sản.
Thế giới do dự không dám phá tan chủ nghĩa phát xít từ trong trứng, đã để cho bệnh dịch này phát triển và lan tràn. Ngày 1-5-1937, Leopold đi công tác lần đầu ở Pháp có qua Berlin. Tình hình thay đổi rất nhiều. Cảnh tượng đường phố không thể chịu nổi: Hàng ngàn công nhân đội cát két, hàng ngàn thanh niên vác cờ chữ thập ngoặc hát vang những bài hát ca tụng Hitler. Đứng trên hè, anh không thể tưởng tượng nổi. Quần chúng Đức đã bị cơn điên loạn lôi cuốn mất. Lúc này theo anh nghĩ chỉ có một cú sốc rất mạnh, một cuộc chiến tranh quy mô thế giới mới có thể đánh quỵ chủ nghĩa quốc xã. Anh quyết định mình phải đứng về phía nào trong cuộc chiến đấu không thương tiếc để bảo vệ tương lai của loài người. Vị trí đó là vị trí hàng đầu.
Khả năng để tham gia, anh sẽ giành được trong Cục tình báo Hồng quân có trụ sở ở gần Quảng trường Đỏ, số 19 phố Znamenskaia. Đây là một ngôi nhà nhỏ mầu nâu nên được người ta đặt cho cái tên là "Ngôi nhà Chocolate". Cơ quan tình báo Xô viết thời đó hoạt động không giống các cơ quan tình báo phương Tây. Nó dựa chủ yếu vào đảng viên các Đảng cộng sản các nước. Được thành lập trong cuộc nội chiến nên chưa kịp đào tạo ra những cán bộ đích thực.
Cơ quan tình báo Xô viết cũng không thoát khỏi quy luật cơ bản là muốn thu thập tin tức thì phải tuyển chọn điệp viên người địa phương. Tất nhiên Hồng quân thu hút hàng nghìn đảng viên cộng sản công tác không có tính chất là điệp viên mà cơ bản mang tính chất là những chiến sĩ tiền phong của cách mạng thế giới. Cục tình báo Hồng quân Liên Xô mang tính chất quốc tế cho đến năm 1935, và ta sẽ không hiểu được việc tuyển lựa những con người gia nhập hàng ngũ cơ quan này nếu không gắn nó với bối cảnh quốc tế của cách mạng. Những con người này thật sự rất vô tư. Không bao giờ họ nêu ra vấn đề lương bổng, tiền bạc. Đó là những dân thường hiến dâng mình như khi họ tham gia một công đoàn vậy.
Tướng Jan Berzin lãnh đạo Cục tình báo Hồng quân. Là đảng viên Bolshevik lão thành, trước Cách mạng Tháng Mười đã hai lần bị kết án tử hình. Trong cuộc nội chiến, ông chỉ huy một trung đoàn gồm người Litva và Estonia (Thời kì đó hai nước Litva và Estonia còn độc lập), chịu trách nhiệm bảo vệ Lenin và chính phủ. Theo chủ nghĩa quốc tế, chỉ các nhà lãnh đạo Bolshevik mới dám trao việc bảo vệ mình cho người nước ngoài như thế.
Song song với Cục tình báo Hồng quân, Quốc tế Cộng sản có một lưới tình báo tại mỗi nước. Các lưới này thu thập những tin túc về chính trị và kinh tế. Lí do chính phải tổ chức như vậy là vì thời kì đó Liên Xô chưa lập được quan hệ ngoại giao với các nước trong một giai đoạn khá dài. Như ta biết, thông thường tin tức được truyền theo con đường ngoại giao, mà Liên Xô chưa lập được. Không có đường truyền tin này cho nên phải dùng các đảng bộ quốc gia vậy.
Cơ quan tình báo thứ ba của Liên Xô là cơ quan NKVD phụ trách an ninh nội địa. Ban đầu cơ quan này chịu trách nhiệm phát hiện điệp viên nước ngoài hoạt động trên đất Liên Xô. Với thời gian, quyền hành của NKVD mở rộng ra. An ninh của người Liên Xô ở nước ngoài được trao cho nó, rồi thêm nhiệm vụ giám sát bọn Nga lưu vong đang tiếp tục phá hoại trên mọi lĩnh vực. Cuối cùng NKVD có cả chức năng đối nội và đối ngoại và hay cạnh tranh với cục Tình báo Hồng quân bằng cách cài người của mình vào cục này.
Sau Cách mạng Tháng Mười, các cơ quan sứ quán nước ngoài chứa nhiều ổ phản cách mạng.
Trong sứ quán Anh có một tay tình báo quậy phá tên là Lockart vẫn ôm mộng lật đổ chính phủ Xô viết. Tên Lockart này quan hệ với các phần tử cực đoan mang tham vọng lật đổ đảng Bolshevik. Berzin được tin bọn này đang tuyển mộ những quân nhân, để chuẩn bị đảo chính. Berzin tự đến gặp Lockart trình bày rằng ông đang chỉ huy một trung đoàn có ý định chạy sang hàng ngũ bên kia. Ông kể rằng trung đoàn của ông bất mãn với chế độ mới; quần chúng thì thất vọng do bị cách mạng lừa bịp; nước Nga đang lao xuống vực thẳm; rất cần những biện pháp tổng tẩy uế công cộng... Và Berzin yêu cầu Lockart giúp cho phuong tiện để tiến hành việc chặn tình hình đang chuyển biến rất xấu.
Lúc đầu Lockart còn hoài nghi, sau thì rơi vào bẫy. Từ từ hai bên thỏa thuận một kế hoạch nhằm đánh đuổi ê kíp cầm quyền ở Liên Xô. Kế hoạch với quy mô như thế cần phải có những phương tiện quan trọng: Tiền công trả cho binh lính tham gia vào chiến dịch này phải được ưu tiên hàng đầu với số lượng rất lớn. Berzin đề xuất Lockart ứng trước mười triệu ruble. Lockart trao ngay không chút do dự.
Hai bên tiến hành thực thi kế hoạch phản cách mạng. Cũng đơn giản nhưng cũng thật là triệt để: Bao vây trụ sở chính phủ, bắt giữ hết các thành viên chính phủ. Tính đến cả cách xử lý Lenin. Một linh mục đạo chính thống có tên tuổi đã đồng ý cho mượn nhà thờ của ông để tổ chức lễ an táng Lenin!
Berzin cất số tiền sứ quán Anh đưa cho. Đến ngày khởi sự, mọi hành động được thực hiện đúng với kế hoạch: Toán phiến loạn tập hợp trước trụ sở chính phủ, một trung đoàn Hồng quân tóm bọn đó. Lockart bị bắt và bị trục xuất... về Anh.
Đó là đòn lớn đầu tiên của Berzin. Sau đó ông tập trung sức lực vào việc tổ chức các cơ quan tình báo Xô viết. Vào tháng 12 năm 1936, khi Leopold tiếp kiến ông, Berzin đã trở thành nhà lãnh đạo đầy uy tín của Cục Tình báo Hồng quân.
Berzin được mọi người kính trọng; con người này không giống hình ảnh của một chuyên gia tình báo người máy. Ông đặc biệt quan tâm đến giá trị con người của những cán bộ được ông tuyển chọn và ông thường nói rằng: "Một cán bộ tình báo Xô viết phải có ba đức tính: Cái đầu lạnh, quả tim nóng, thần kinh bằng sắt". Ngược với tập quán trong các cơ quan tình báo, không bao giờ ông để cán bộ của ông gặp khó khăn. Không bao giờ ông hi sinh cán bộ của ông. Đối với ông, điệp viên là con người, và trước hết, là cộng sản.
Giữa Berzin và cán bộ hoạt động ở nước ngoài, bao giờ cũng có quan hệ cá nhân. Chính vì thế mà ông lập được quan hệ vô cùng thân thiết với Richard Sorge, một trong những điệp viên xô viết vĩ đại nhất.
Sorge đã kể lại cho Leopold cuộc gặp đầu tiên của mình với Berzin. Anh kể khi Leopold gặp anh tại Brussels. Năm 1938 sau khi Leopold đến Bỉ.
Sorge là một chàng trai đại tài. Rất thông minh. Anh đã tham gia Đảng cộng sản Đức và sáng tác nhiều công trình về kinh tế. Khi anh đang công tác tại Trung Quốc năm 1933 thì anh được triệu tập về Moscow. Berzin tổ chức gặp anh tại một câu lạc bộ đánh cờ có rất nhiều người Đức đến chơi.
Theo Sorge kể lại thì Berzin đi thẳng vào chủ đề:
- Theo anh thì lúc này, nguy cơ lớn nhất đối với Liên Xô là gì?
- Dù có giả thuyết đối đầu với Nhật Bản - Sorge trả lời - Tôi vẫn tin rằng mối đe dọa thực sự là xuất phát từ nước Đức quốc xã. (Cuộc nói chuyện này xảy ra vài ngày sau khi Hitler tiếm quyền).
Berzin nói tiếp:
- Vậy chính vì lí do đó mà chúng tôi mời anh đến đây... Chúng tôi dự kiến anh sang công tác tại Nhật Bản.
- Tại sao lại là Nhật Bản?
- Bởi vì tại Tokyo trước triển vọng liên minh Nhật - Đức anh sẽ biết được nhiều về kế hoạch chuẩn bị quân sự...
Bắt đầu hiểu công tác mà Berzin yêu cầu mình, Sorge cắt lời Berzin:
- Sao tôi làm báo cơ mà!
- Anh không muốn làm điệp viên, nhưng sang Nhật Bản và trở thành điệp viên, nhưng anh có biết điệp viên là như thế nào không? Anh cho điệp viên là thế nào? Cái mà anh gọi là "điệp viên" đó là một người tìm kiếm tin tức giúp cho chính phủ nước mình khai thác những điểm yếu của kẻ thù. Người Xô viết chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh, nhưng chúng tôi muốn biết kẻ thù sửa soạn cái gì, phát hiện ra những chỗ yếu của kẻ thù để không bị nó tấn công bất ngờ vào chúng ta... Mục tiêu của chúng ta là anh lập tại Nhật một nhóm quyết tâm tranh đấu cho hòa bình. Anh chuyên tâm tuyển chọn những nhân vật Nhật Bản cao cấp và anh cố hết sức ngăn không cho nước của họ bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô...
- Tôi sang đó dưới họ tên gì?
- Dưới họ tên thật của anh...
Sorge không có ý kiến khác. Những cán bộ giúp việc cho Berzin cùng dự cuộc gặp này không giấu nổi thắc mắc của họ:
- Nhưng cảnh sát chính trị Đức đã lên hồ sơ anh Sorge vì anh đã tham gia Đảng cộng sản Đức! Đúng sự kiện này không phải bây giờ (Sorge vào Đảng cộng sản Đức thời kì 1918-1919) nhưng bọn mật thám không để mất hồ sơ đó đâu...
- Tôi biết - Berzin đáp lại - Tôi biết rằng chúng ta liều lĩnh đấy nhưng tôi cho rằng đi bằng chính giầy của mình mới là vững nhất. Tôi biết rằng Gestapo vừa được hưởng thụ tàng thư của cảnh sát... Trước khi chúng lục ra được hồ sơ của Sorge thì nước đã cuộn chảy bao nhiêu rồi qua cầu Moscow! Và giả dụ Gestapo lục ra hồ sơ đó sớm hơn chúng ta giả định thì với thời gian mười lăm năm con người phải có thay đổi về quan điểm chính trị đi chứ!
Berzin quay về phía cán bộ phụ trách địa bàn nước Đức và yêu cầu:
- Anh hãy thu xếp để Sorge vào làm phóng viên của báo Frankfurter Zeitung ( một tờ nhật báo nổi tiếng).
Ông quay về phía Sorge:
- Anh thấy không, làm như vậy, anh cảm thấy thoải mái và không có cảm tưởng là phải đóng vai gián điệp nhé.
Berzin đã sáng lập ra nguyên tắc quý báu là vỏ bọc của một cán bộ tình báo không đơn thuần chỉ là cái bề ngoài và điều ông dự kiến đã đến: Sorge được chính thức tuyển dụng làm phóng viên tờ Frankfurter Zeitung. Các bài viết của anh được chính giới Nhật Bản coi trọng cho nên đã mở cho anh bước vào những cánh cửa khó vào nhất: Anh đã làm quen lần lượt đại sứ Đức tại Tokyo đến tùy viên quân sự. Cuối cùng anh được họ coi như "người nhà". Những tin tức bí mật nhất mà Berlin thông báo cho đại sứ của họ tại Tokyo đều lọt vào tay của Sorge.
Hai hoặc ba năm trước khi chiến tranh nổ ra, Berlin cử một phái viên Gestapo sang Tokyo kiểm tra và giám sát nhân viên sứ quán Đức. Sorge đã nhanh chóng làm thân với tên này. Rồi đến ngày xảy ra điều những phụ tá của Becclin lo ngại. Tên đại diện Gestapo tại Tokyo nhận được thông báo từ Berlin về hồ sơ của Sorge nêu ra những tiền sự của anh là cộng sản...
- Thời đó anh cũng làm duyên làm dáng đấy nhỉ - Tên Gestapo hỏi Sorge.
Nhớ lại lời dặn của Berzin, anh trả lời:
- À, phải, đó là một lỗi lầm của tuổi trẻ, cũng đã quá lâu rồi!
Và Sorge đùa dai thêm nữa bằng cách vài tháng sau xin gia nhập đảng quốc xã! Trò chơi của anh cao tay đến nỗi khi anh bị Nhật Bản phát hiện, đại sứ Đức ở Tokyo chính thức phản đối việc bắt giữ một trong những "Cộng tác viên giỏi nhất" của sứ quán.
Dàn Nhạc Đỏ Dàn Nhạc Đỏ - Leopold Trepper Dàn Nhạc Đỏ