Con Chó Hào Hùng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7
ai con chó nhỏ của ông Hai Thìn đã được đem cho ông Hội đồng Dược là một điền chủ miền Tây, giàu lòng yêu nước, đã từng giúp đỡ tận tình cho những phong trào Cách mạng thời ấy. Hoạt động của ông hết sức bí mật, ít ai rõ được hành tung. Ông còn là Mạnh Thường Quân có thể sánh với ông Hội đồng Tồn ở vùng Chợ Lớn. Ông cũng đã từng sang Nhật, gặp Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và một số nhà Cách mạng Việt Nam còn lưu tại Nhật. Cha tôi là một đồng chí của ông nên thường ghé lại nhà ông. Cha tôi ít khi về nhà, mải mê theo các hoạt động Cách mạng nên từ khi ba chị em tôi ra đời, cha tôi cũng như chim trời theo gió, rày đó mai đây, chẳng hẹn lúc về chẳng báo lúc đi. Đúng ra mỗi năm ông cũng về nhà độ hai ba lần, một lần vào mùa gió nồm đón khách từ Lục Tỉnh lên, và mùa gió bấc, ở vào dịp Tết, đón khách từ Trung, Bắc vào thường đi theo những ghe buồm. Những chuyến phải xuống Lục Tỉnh cũng như lúc về, thế nào cha tôi cũng ghé lại nhà ông Hội đồng Dược ở tại Sa Đéc. Một lần, nghe ông Hội đồng kể lại chuyện hai con chó mang về từ nhà Hai Thìn, cha tôi thật là xúc động. Ông kể lại cho ông Hội đồng nghe câu chuyện con Quít được nuôi trong nhà chúng tôi, rồi được Hai Thìn mang về chữa trị. Như thế, bây giờ mặc nhiên cha tôi có quyền chia một con chó trong số hai con. Ông Hội đồng Dược nhường lại cha tôi con Mực, bởi vì mẹ nó ngày xưa cũng sắc lông này. Bây giờ nó đã khá lớn và cũng khôn ngoan không kém gì cha mẹ nó ngày xưa. Để có thể đưa nó về yến ổn, suốt khoảng thời gian ở lại nhà ông Hội đồng, cha tôi tìm cách làm quen với nó, giữa vật và người bắt đầu có niềm quyến luyến. Bấy giờ ông Hội đồng cho người nhà đóng một cái thùng, tập nó ra vào trong đó và giao nó cho cha tôi. Một hôm, cha tôi cho nó vào thùng, chở xuống con tàu Long Hồ cùng về Mỹ Tho. Nó được mua vé hẳn hoi và cuộc hành trình có vẻ êm thấm, xuôi dòng sông nước Cửu Long. Không ngờ, vào lúc đêm khuya, khi tàu sắp tới Mỹ Tho con Mực bỗng tru tréo lên dữ dội, hẳn nó đòi ra làm việc vệ sinh khiến những hành khách trên tàu thảy đều thức giấc.
Viên cò tàu rất nổi giận, hùng hổ xách khẩu súng sáu chạy đến đòi bắn chết nó và vứt xuống sông. Cha tôi đành phải xin lỗi tất cả hành khách, năn nỉ viên cò người Pháp, trình vé của nó cho y thấy rõ. Viên cò vẫn chưa hết giận, gọi người bán vé buộc cha tôi phải đóng phạt gấp đôi.
Về nhà, nó được chúng tôi đón mừng, săn sóc, được cho ăn uống đầy đủ nên nó lớn mau như thổi. Khác hẳn mẹ nó ngày xưa, nó có sức mạnh thật là kinh hồn. Một mình nó có thể vật ngã hết một bầy chó đông, và khi đã biết đòn của nó rồi không một con nào dám xáp lại gần. Tài lặn của nó cũng không thua gì loài rái. Những khi gặp những kỳ đà, nó rượt thật nhanh chận lấy miệng hang của giống loại này và ngoạm lấy cổ, không để con kỳ đà nào dùng đuôi mà quật được nó. Nếu kỳ đà lặn xuống nước, nó cũng chẳng chịu buông tha. Nó đứng trên bờ, bươi đá để rớt lõm bõm buộc kỳ đà phải lội đi, rồi nó trông theo hướng dòng nước rẽ mà nhảy xuống theo, vồ lấy. Nhiều lần gặp những kỳ đà quá lớn nó phải vật lộn dưới nước khá lâu, và thế nào đến lúc cuối cùng ngoạm được cổ con vật lôi lên trên bờ, quật chết. Ở con Mực này truyền thống về cái sức mạnh và sự gan dạ của người cha nó vẫn được lưu truyền. Kỳ đà cứ được kéo về, nhưng mẹ tôi không ưa món thịt này, bảo tôi đem sang cho chú Năm tôi. Về sau, mỗi khi săn được con nào, tự nó mang sang nhà chú chứ không đưa mồi về nhà như trước. Thỉnh thoảng gặp những vịt bầy lội ở dưới mương, nó tìm cách đuổi xua đi rồi lặn xuống nước mò trứng. Nó khéo đến nỗi ngoạm trứng giữa hai hàm răng lởm chởm mà không hề làm bể trứng bao giờ. Tôi chợt nhớ lại một dạo những người gánh hàng đi từ chợ về sơ ý là bị nó cắp xâu thịt mà chẳng ai hay. Nó biết ngậm lấy ở chỗ dây cột chứ không cắp ngang miếng thịt mà gợi chú ý. Mỗi lần ăn cắp được thịt, cũng như mò trứng nó mang về nhà, nhả lên đặt ngay giữa ván một cách chững chạc rồi mới quay đi. Má tôi lại xách xâu thịt đem ra ngoài xóm hỏi thuộc về ai, để mà trả lại. Chừng đó kẻ bị mất cắp mới biết. Rồi má tôi về kêu nó lại gần, bảo nó nằm xuống, răn dạy:
- Từ rày không được ăn cắp nghe không? Nếu mày còn đi mò trứng hay là lấy thịt của người thì tao đập chết.
Không hiểu thế nào mà con Mực biết ý nghĩa của lời dạy đó. Từ đấy nó không còn dám giở trò đạo tặc như cũ.
Chú Năm của tôi thích ăn thịt chó, cho nên nó ghét chú lắm. Hễ gặp chú đâu là nó sủa lên dữ dội. Nhiều khi chú ở đằng xa, chưa vào đến ngõ mà nó đã sủa ỏm lên để đón chú rồi. Tuy vậy, biết chú ưa thịt kỳ đà, mỗi khi săn được nó vẫn mang sang nhà chú biếu luôn. Chú tôi biết nó khôn ngoan lại hay tìm cách để chọc phá nó. Chú cầm một miếng thịt heo ném cho nó đớp, rồi làm tiếp theo cầm miếng thịt chó ném tới. Con Mực táp trúng, vội vàng nhả ngay, bỏ đi về nhà một nước khiến ai trông thấy cũng phải buồn cười. Nhưng sự khôn ngoan con Mực đã bị hoàn cảnh gia đình của tôi hạn chế nên không thi thố được gì. Cũng như mẹ nó ngày xưa, tất cả giá trị của con vật đó chỉ được gói kín trong bốn bức rào gia đình, trong sự trung thành với chủ, quanh quẩn giữa một thế giới gà vịt mà thôi. Nếu có điều kiện để dạy dỗ nó, và nếu nó được dùng vào những công cuộc khác lớn lao hơn nhiều như cha của nó ngày xưa, chắc rằng con Mực sẽ lập được nhiều kỳ công, thành tích oanh liệt.
Tôi còn nhớ rõ, năm ấy, trái với thường lệ, ba tôi có nhắn sẽ trở về nhà vào khoảng tháng Tám, trong ngày hai mươi bốn Âm lịch. Vì có ngày hẹn chính xác như thế nên gia đình tôi nô nức đợi chờ. Suốt ngày hôm ấy vẫn không thấy bóng cha tôi. Trời lại mưa dầm, gió lạnh, cảnh vật rất đỗi thê lương. Vào lúc mười hai giờ khuya, từ phía sau bến có tiếng xuồng khua, tiếng mái chèo chống và tiếng chạm đất của chân người nhảy lên bờ. Rồi một tiếng la đột ngột cất lên giữa đêm lạnh lẽo: “Có phải nhà của thầy Năm đây không?” Chưa dứt câu hỏi bên ngoài má tôi đã chống cửa liếp vừa vặn cao đèn đi ra, đáp “phải”, vừa soi đèn cho người khách thấy đường. Má tôi đã quen những điều bất trắc, tưởng cha tôi sai người về vì ông bận đi một nơi nào đó gấp rút. Không ngờ, sau khi nghe má tôi đáp, khách lạ buột miệng kêu trời một tiếng, quay lại nói với người bạn đồng hành còn ngồi dưới xuồng:
- Rõ ràng thầy Năm soi đường cho chúng ta đi.
Cũng vừa lúc ấy người cầm lái xuồng tay rút bó nhang tỏa khói cắm ở trước mũi vội vã đi lên. Có tiếng ngã huỵch xuống đất, má tôi ngất xỉu buông rơi chiếc đèn. Dầu đổ tung tóe, ngọn lửa bén cháy suýt thiêu rụi cả mái tranh. Diễn biến xảy ra thật nhanh như chớp. Hai người khách lạ vực má tôi dậy, lay tỉnh và sẵn lá dừa chất ở vựa củi sau hè, họ đốt cháy sáng rực lên sưởi ấm má tôi rồi khiêng vào nhà.
Hai người khách lạ, sẵn dầu bạc hà đem theo trong túi xoa cho má tôi, và một lúc sau người choàng mở mắt. Vừa thấy chúng tôi, bà liền òa lên khóc ngất, nói nghẹn ngào qua nước mắt:
- Cha của các con chết rồi!
Bây giờ bao nhiêu đèn trong nhà đều được thắp sáng. Khách lạ cắm bó hương lên bàn thờ. Chú Năm ở cách chúng tôi độ chừng trăm thước, thấy đèn rực sáng liền khoác áo ngoài đi sang coi xem việc gì. Hai người khách lạ, từ giữa Đồng Tháp Mười kinh rạch chằng chịt như những chỉ tay, chưa từng bước đến nhà tôi lần nào, chỉ nghe lời dặn: bơi theo Kinh Sáng, ra ngã Rạch Gầm Vĩnh Kim rồi đổ ra sông Cửu Long, đi tẽ vào Kênh Bảo Định, qua khỏi ngõ chợ Mỹ Tho tiến vào ngọn rạch cầu Vỹ, về Lương Hòa Lạc... Hai người khách lạ không sao nhớ hết lời dặn, liền ôm theo một bó nhang cứ đốt liên tục, hết nắm này sang nắm khác, cắm trước mũi xuồng ba lá vừa bơi vừa khấn cầu xin cha tôi dẫn dắt họ đi ngay đường, để cho trúng nhà kịp lo chung sự cho người. Với lòng tin đó, họ đã đi đến tận nơi và vào đúng bến.
Tôi không hiểu nhiều về những hoạt động Cách mạng mà cha tôi đã theo đuổi trong bao nhiêu năm. Chỉ khi cha tôi lâm bệnh bất ngờ, từ trần, chú Năm - người em nuôi của cha tôi - sang báo cho ông tôi hay, ông chỉ buông,một câu than não lòng:
- Tao gãy cánh tay mặt rồi!
Tất cả hoạt động cha tôi được gồm trong câu nói đó. Cái chết của ông khiến cho ông tôi buồn phiền không ít, và cho đến khi qua đời ông tôi vẫn không hề chịu nói gì cho chúng tôi biết. Những tâm sự ấy đã được giấu kín vào cõi thiên thu. Tôi còn nhớ rõ, lúc gia đình tôi thuê được một chiếc ghe chài chở lúa để đưa quan tài cha tôi về nhà, con Mực đã xuống tận ghe, quấn quýt ở bên quan tài cho đến lúc đem quàng xong giữa nhà. Kể từ phút đó, con vật nằm phủ phục dưới áo quan, mõm gác lên hai chân trước. Nó nằm bất động như vậy, không ăn uống gì, chẳng hề rời khỏi quan tài cho đến lúc chôn. Đến lúc phát tang, má tôi cẩn thận buộc vành khăn tang vào cổ con vật.
Nơi an nghỉ cuối cùng của cha tôi là gò đất cao có nhiều cây chà là gai giữa bãi ruộng biền không cấy lúa được phải để trồng lác. Muốn đi vào đó phải bọc vòng lối ruộng gò mới có lối bước. Con Mực đi theo đám tang đến lúc hạ huyệt, đắp nấm mộ rồi ai nấy ra về, riêng nó nằm lại trên nền đất ướt của ngôi mộ mới. Nó đã nhịn ăn đến ngày thứ ba, cổ vẫn còn mang khăn tang.
Cả nhà bận rộn không ai còn nhớ tới nó. Cho đến hôm mở cửa mả mới thấy nó nằm sải chân như chết ở trên nấm mộ. Mưa gió lất phất từ ngày chôn cất tới nay vẫn còn kéo dài. Bầu trời âm u với những lớp mây thấp nặng, xám xịt, gợi cho người buồn héo ruột thắt gan. Nhìn thấy con Mực trong tình trạng đó, má tôi càng xúc động hơn.
Chị tôi ẵm nó về nhà và lấy sữa pha rồi để âm ấm đổ vào họng nó, buộc nó phải nuốt.
Đến lúc làm tuần, má tôi khấn vái cha tôi nếu có linh thiêng hãy giúp cho con Mực sống để mà làm bạn với lũ con mình. Nó được đổ sữa như vậy liên tiếp mấy ngày nên đã tỉnh hẳn.
Khi đã bắt đầu ăn lại, nó gần như không chịu rời bàn thờ. Chị em chúng tôi phải thay phiên nhau đút cơm cho nó như là săn sóc đứa em tập ăn trong những ngày đầu. Cho ăn xong rồi, chúng tôi kéo tấm rèm bàn phủ xuống.
Một hôm, con Mực chui qua bàn thờ đi ra phần ngõ. Chúng tôi tưởng nó đi làm công việc vệ sinh cần thiết thường lệ, không ngờ nó bước qua cầu, tiến thẳng ra đường lần hồi tìm đến ngôi mộ cha tôi, nằm lên chỗ cũ. Nó cứ nằm yên như thế trọn ngày, chúng tôi phải tìm ẵm nó đem về. Qua cữ cúng thất tuần rồi, con Mực vẫn cứ ngày ngày ra nằm bên mộ. Từ đó đến ngày mãn khó, xả tang, chiếc khăn của nó cũng được mẹ tôi gỡ lấy đốt chung một lượt với đồ tang sự trong nhà. Và cũng sau ngày lễ ấy, con Mực ở hẳn lại nhà không còn đi đi về về như trước. Thỉnh thoảng nó mới sang thăm mộ của cha tôi, nằm ở trên ấy trọn buổi hay là trọn ngày. Má tôi vẫn thường bảo rằng con Mực có hiếu hơn anh chị tôi nhiều lắm. Bà còn quả quyết cha tôi đã làm cho nó sống lại, vì nó cự tuyệt ăn uống, đã nằm ngoài mưa rõ ràng muốn chết theo chủ - bà đã van vái cha tôi khuyên nó ở lại với lũ chúng tôi.
Tất cả những sự việc này xảy ra trước mắt, ngay trong gia đình cho nên chúng tôi không thể nào suy nghĩ đến mà không cảm thấy ngạc nhiên về sự thông minh của loài vật đó. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là từ khi mang nó về. Cha tôi ít khi ở nhà, cũng không bao giờ có chút rảnh rỗi để chăm sóc nó, tại sao có sự trìu mến một cách lạ thường như vậy? Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm được lời giải đáp đó.
Sau khi cha tôi qua đời, tiền bạc mà ông hùn hạp đây đó trong các công cuộc kinh doanh kể như đóng góp luôn cho Cách mạng, má tôi không đòi tính toán làm gì. Cho đến quốc trái, công trái người Pháp bắt mua lấy tiền đánh Đức, bà cũng không biết làm những thủ tục đi lãnh. Gia đình chúng tôi ngày càng sa sút và cái tình trạng khủng hoảng kinh tế thời ấy khiến gia đình tôi không còn thuê nổi chỗ ruộng vườn cũ, nên phải trả đất dời nhà mà đi. Chúng tôi về cất ngôi nhà nhỏ hẹp, nằm trên miếng đất ông tôi, gần mộ cha tôi. Từ đó, cảnh sống gia đình lại càng kham khổ, con Mực chỉ còn ăn cháo gạo lứt nấu chung với cám.
Bây giờ con vật không còn sục sạo đi săn như trước. Nhưng về đêm, một mình nó đi canh gác, bao quanh khắp cả khuôn vườn ông tôi. Kẻ trộm không làm cách nào vào được, nhiều lần lấy da trâu nướng ném vào gạt phỉnh nó ăn, nhưng nó không để mắc lừa. Tôi chắc là bọn trộm này không phải từ nơi xa đến nên chúng biết rõ ban đêm không làm thế nào dụ được con Mực, đành đợi ban ngày chờ lúc chúng tôi dẫn nó đi chơi, kẻ trộm mới lẻn vô nhà, trút cháo vào bát dành riêng cho nó rồi vùi mấy miếng thịt heo nhét đầy mảnh chai ở giữa. Con Mực đã tưởng của nhà nên không đề phòng. Từ lâu kham khổ, bây giờ gặp miếng thịt ngon, lại ở trong nhà, nó không ngờ đến. Nuốt trôi mấy miếng, nó bị mảnh chai xóc cổ khạc mãi không ra. Mảnh chai đâm cổ họng nó sưng vù, không uống được nước. Mảnh chai vào ruột, đâm lủng ruột nó, nó rặn ra máu mà không tiêu được. Má tôi thấy mấy miếng thịt găm đầy miểng chai, biết chúng tôi đã bỏ nhà đi chơi cho nên con Mực mới bị ám hại. Một đời tinh khôn của nó phút chốc vấp phải miếng ăn mà chịu đau đớn, nằm rên ư ử không phát thành tiếng. Nó không còn ở trong nhà, tìm một chỗ khuất ở ngoài đống rơm nằm trốn. Mỗi ngày, tôi ra thăm nó, đổ nước cho nó thấm giọng. Vào một đêm kia, không nghe tiếng nó rên nữa, tôi ra đống rơm nhưng không gặp nó.
Đến sáng, tôi đi tìm khắp khu vườn, thấy xác nó chui vào một cái bộng tháo nước. Nước lớn dâng ngập, nó chết cách xa nhà tôi gần một trăm thước. Má tôi hay được tin ấy, không sao cầm được nước mắt. Người bảo: “Con Mực đã tự vận rồi”. Lúc sống nó đã gần gũi chúng tôi không chịu rời xa, lúc chết gom hết tàn lực cố lết cho xa chúng tôi. Biết đâu, khôn ngoan một đời, lỡ lầm một phút, con Mực đành phải chết nhục thê thảm nên không muốn nhìn thấy mặt chúng tôi vào lúc cuối cùng. Tôi ôm xác nó về nhà, chôn cất thật là tử tế. Nhiều lần, sau này, tôi cũng nghĩ ngợi về cuộc đời nó, biết đâu trong cái truyền thống tinh khôn nó đã mang sẵn trong mình của cha mẹ nó, lại không có những tì vết của một nhược điểm đã khiến cho nó mắc mưu kẻ thù? Phải chăng cái tỳ vết ấy là sự hưởng thụ no béo mà mẹ nó đã thừa hưởng một thời ở trong gia đình chú Chưởng?
Con Chó Hào Hùng Con Chó Hào Hùng - Vũ Hạnh Con Chó Hào Hùng