Chương 6 - Hồng Loan Hỷ
ai chị em nhà họ Lâu, một cô tên là Nhị Kiều, một cô tên là Tứ Mỹ, cùng đi đến công ty thời trang Tường Vân thử quần áo. Ngày kia anh trai cả của hai cô sẽ kết hôn, chính hai cô sẽ làm phù dâu. Nhị Kiều hỏi cậu nhân viên: “Cô dâu đến chưa?” Cậu nhân viên đáp: “Đến rồi, đang ở phòng trong ạ.” Tứ Mỹ kéo tay Nhị Kiều nói: “Chị ơi, chị nhìn mảnh màu vàng treo bên kia kìa, cái mảnh sọc chéo ấy.” Nhị Kiều nói: “Em có một cái áo màu vàng rồi còn gì,” Tứ Mỹ cười nói: “Còn không nhân cơ hội này may thêm vài bộ, mấy hôm nay chắc bố cũng không nỡ nào cáu giận ai đâu.” Hai người bước tới sờ tấm vải, hỏi giá tiền, lại hỏi xem liệu có phai màu không.
Nhị Kiều ngắm nghía đôi giày đang đi, nói: “Đáng lẽ không nên đi đôi giày này đến đây, lát nữa thử quần áo, dài ngắn lại không đúng.” Tứ Mỹ hỏi: “Ngày kia chị định đi đôi giày nào?” Nhị Kiều đáp: “Đấy, giống đôi em đang đi ấy, Ngọc Thanh thì phải đi giày đế bằng, chị ấy cao hơn anh cả, không thể để anh ấy trông có vẻ thấp quá.” Tứ Mỹ thầm thì: “Người Ngọc Thanh… anh cả còn chưa nhìn thấy chị ấy bỏ quần áo ra trông thế nào đâu...”
Hai cô cùng phì cười. Nhị Kiều vừa cười vừa nói: “Suỵt! Suỵt!” rồi quay đầu ngó nghiêng. Tứ Mỹ nói tiếp: “Người chị ấy đúng là cứng đơ... đúng là ‘gỗ đá tinh khôi’.” Nhị Kiều cười bảo: “Câu này em học được ở đâu đấy, văn vẻ thế. Mà đúng thật, nếu không thử quần áo cùng thì thật cũng chẳng tưởng tượng nổi. Khổ thân anh cả, sau này cả đời...” Tứ Mỹ cười rũ rượi: “Động vào một cái là xương cốt kêu răng rắc. Lúc khiêu vũ với chị ấy chắc không nghe thấy vì bị tiếng nhạc át đi mất. Kể cũng lạ, bảo gầy thì cũng chẳng gầy, mà sao người lại toàn xương thế không biết?” Nhị Kiều nói: “Khung xương to.” Tứ Mỹ nói: “Trắng thì trắng thật, chỉ tiếc lại là xương trắng.” Nhị Kiều cười cười đánh cô em một cái, nói: “Làm gì đến nỗi?... Ôi, ông anh tội nghiệp, nói với anh ấy cũng vô ích thôi, việc đã đến nước này rồi...”
Tứ Mỹ nói: “Em nghĩ chị ta kiểu gì cũng đến ba mươi rồi.” Nhị Kiều nói: “Anh cả hăm sáu, chị ta cũng bảo mình hăm sáu.” Tứ Mỹ nói: “Muốn tìm hiểu cũng chẳng khó gì. Dưới chị ta còn có mấy người em nữa, chị ta khai man tuổi, mấy đứa em cũng lần lượt phải khai man theo, những đứa còn bé thực chất bao nhiêu tuổi nhìn là biết ngay.” Nhị Kiều khoát tay làm bộ, nói: “Đứa nào cũng nói giảm tuổi xuống, lại thành ra giống như xếp quân bài đô mi nô thành một dãy, quân này nối tiếp quân kia, chỉ cần đẩy một cái là cả dãy lắc rắc đổ rạp hết.” Hai cô cười nghiêng ngả. Nhị Kiều nói tiếp: “Đứa nhỏ nhất vừa mới sinh, kiểu gì cũng không thể chui lại vào bụng mẹ được.” Tứ Mỹ vừa cười vừa nói: “Mai đến trường em sẽ hỏi bọn cái Đường Sảnh, nó là em họ Ngọc Thanh đấy.” Nhị Kiều nói: “Em thân thiết với bọn Đường Sảnh, Lê Sảnh lắm à?” Tứ Mỹ nói: “Gần đây chúng nó thường hay đến nói chuyện với em.” Nhị Kiều chỉ cô em bảo: “Em phải cẩn thận. Anh cả đã lấy Ngọc Thanh rồi, nhà mình lại còn cậu ba nữa, sợ rằng bị bọn nó nhắm rồi đó! Cũng khó trách bọn nó thèm thuồng. Chẳng phải chị nói gì chứ Ngọc Thanh có điểm nào xứng với anh cả nhà mình đâu, bọn họ hàng nhà Ngọc Thanh càng không dây vào được, đứa nào đứa nấy nghèo kiết xác!”
Khâu Ngọc Thanh đứng xoay lưng lại phía gương, ngoảnh đầu lại ngắm dáng áo phía sau trong gương. Ngọc Thanh không hề thảm hại như lời hai cô gái kia, chí ít là lúc này khi đang mặc chiếc váy cưới vạt dài ống tay dài màu trắng, trong trang phục trang trọng, trông cô rất khá, đúng kiểu hình tượng “quý phái thanh lịch” trong quảng cáo trên báo; khiến Nhị Kiều và Tứ Mỹ xét trong tương quan đó thành ra lại có vẻ giống mấy cô nương nhà giàu mới nổi. Bố của Nhị Kiều và Tứ Mỹ dù cũng là con nhà có học, nhưng vài năm mới “phất” lên, vì thế trên người các con gái ông luôn có một vẻ hân hoan thô tục mới mẻ. Hai cô chào hỏi Ngọc Thanh, đuổi cậu nhân viên ra ngoài, rồi bắt đầu cởi quần áo, vất vả tuột chiếc áo xường xám ra khỏi đầu, qua lần váy lót, có thể nhìn thấy những núm vú vểnh lên như đang khiêu khích của họ.
Ngọc Thanh vuốt vuốt váy hỏi: “Các em xem có chỗ nào cần sửa không?” Nhị Kiều nhìn một cái cho ra vẻ có trách nhiệm, nói: “Đẹp quá còn gì!” Ngọc Thanh vẫn lo đằng sau liệu hơi dài quá chăng, thì Tứ Mỹ đã kêu toáng lên vì phát hiện ra lớp vải lót và lớp sa bên ngoài bộ đầm dạ hội của cô có hai màu hồng khác nhau. Ai cũng cảm thấy vai trò của mình trong buổi hôn lễ ngày kia là quan trọng nhất, đối với Nhị Kiều và Tứ Mỹ, Ngọc Thanh là chữ “Hết” màu trắng nổi bật sẽ hiện lên cuối cùng trên màn ảnh, còn bọn họ là đoạn quảng cáo hấp dẫn của bộ phim hay sẽ chiếu kỳ sau.
Cậu nhân viên chạy vào, Nhị Kiều và Tứ Mỹ bắt đầu kêu ca, cậu nhân viên chỉnh chỗ này cao lên một chút chỗ kia thấp vài li nhằm xoa dịu họ, nói: “Không nhầm đâu, số đo vẫn còn đây mà, eo một thước chín, vai một thước hai phân rưỡi, cô đây là một thước hai, không nhầm đâu. Màu không đúng muốn đổi. Được rồi được rồi! Thế này đi, cô giặt lớp ngoài đi một lần. Ở đây chúng tôi có thuốc, nếu màu vẫn không phai đủ vừa, chúng tôi sẽ nhuộm lại lớp bên trong một chút. Được rồi được rồi!”
Cậu nhân viên là một cậu bé khoảng mười lăm mười sáu tuổi, mặc một chiếc áo dài màu xám vải thô Ái quốc[22], trên gương mặt non tơ trắng trẻo lúc nào cũng thường trực nụ cười, vẻ vô cùng nhẫn nại. Nghe giọng điệu của cậu ta sẽ không thể biết những bộ đầm dạ hội này chẳng qua chỉ là cho hai cô gái thuê tạm thời. Một cậu bé linh lợi như một bông thủy tiên thẳng đuột, lúc trưởng thành sẽ trở thành một nhân tài cỡ nào, quả thực khó lòng tưởng tượng nổi.
Phòng ốc của công ty Tường Vân được xây theo kiểu gọi là kiến trúc cung diện, trên những bức tường đỏ nhô ra hình những con rồng vàng nhỏ đắp nổi. Tường trong phòng nhỏ có gắn một tấm gương thử đồ hình chữ nhật dài, trên bốn bức tường treo đầy ảnh cô dâu, những gương mặt cười hí hửng khác nhau thò ra từ cùng một chiếc áo cưới cho thuê. Căn phòng nhỏ màu đỏ quạch phảng phất một niềm vui vô nhân tính, nhất loạt như nhau.
Ngọc Thanh đẩy dẹp những chiếc xường xám vứt vương vãi trên ghế tròn bằng đá màu lục biếc, ngồi xuống ghế, người hơi nhoài về phía trước, một tay chống má, đăm chiêu nhìn hai cô phù dâu của mình. Ngọc Thanh hết sức cẩn trọng không để lộ ra vẻ vui sướng, cái vẻ mừng vui háo hức vì sắp được lấy chồng, dường như sẽ chứng tỏ cô là một cô gái già vậy. Gương mặt Ngọc Thanh sáng sủa ngay ngắn, như một chiếc giường mới trải xong ga gối; lại có thêm một vẻ ưu phiền đè nặng, như thể có người vừa ghé mông ngồi xuống đó vậy.
Nhị Kiều hỏi Ngọc Thanh: “Đồ đạc mua sắm đủ cả rồi chứ?” Ngọc Thanh nhíu mày đáp: “Đâu! Chạy suốt cả buổi sáng đấy, bây giờ mua đồ đều thế cả, cái nào trông hơi vừa ý một chút thì giá đều trên trời. Nhưng không mua cũng chẳng được, sau này sẽ còn tăng giá nữa!” Nhị Kiều đưa tay ra nói: “Để em xem loại vải chị mua nào.” Ngọc Thanh đưa cho cô ta, nói: “Đây là vải đũi thô.” Nhị Kiều chọc thủng một lỗ trên chiếc túi giấy, ghé mặt vào, cứ như là từ cái lỗ nhỏ ấy có thể hút sạch sành sanh những chứ bên trong vậy, lại giống như con muỗi đốt vào quả trứng gà, khiến lòng đỏ lập tức ứa loang ra, mồm nói: “Ồ, hoa văn đẹp đấy.” Tứ Mỹ nói: “Cái này năm ngoái cũng thịnh hành một dạo.” Nhị Kiều nói: “Nhưng thế nào cũng phai. Trước em cũng có một miếng, giặt xong là không còn ra gì nữa.” Ngọc Thanh đỏ mặt, giật chiếc túi giấy về, nói: “Chất lượng khác nhau đó, cùng một loại hoa văn như nhau, hàng rẻ tiền cũng có. Tôi vốn thế, thứ gì không bền tôi chẳng thèm mua!”
Ngọc Thanh còn mua một chiếc váy ngủ bằng đoạn mềm thêu hoa, đồng bộ với chiếc áo choàng tắm thêu hoa bằng lụa tơ tằm, một đôi dép gấm viền ren vàng, một chiếc gương trang điểm khung vàng của Pháp, một chiếc túi da sần có khóa kéo, bên trong gắn một miếng gương trang điểm nhỏ. Cô cho rằng đời người phụ nữ chỉ có một lần này là được quyền làm theo ý mình, không thể không tận dụng hết đặc quyền, cho nên gặp gì mua nấy, thứ gì không kịp mua, trong lòng đều có cảm giác chia lìa, đau đớn, cho nên cái vẻ buồn đau của cô khi sắm sửa đồ nữ trang cũng không hoàn toàn là làm bộ làm tịch.
Thế nhưng người nhà chồng lại thấy cô quả thực vô cùng lãng phí. Mặc dù cô tiêu tiền của chính cô, hai cô em chồng vẫn cảm thấy hết sức căm phẫn. Gia đình Ngọc Thanh là một nhà thế gia đã thất thế, bố mẹ gom góp được năm vạn cho cô làm của hồi môn, nay cô đem cả món tiền này chi cho mình. Nhị Kiều, Tứ Mỹ, và cả Tam Đa (cậu em thứ ba) đều xì xào sau lưng. Họ đã dò xét ngọn ngành, theo lệ cũ của Trung Quốc thì mọi đồ đạc trong phòng cưới, trừ cái giường ra, đều phải do phía nhà gái lo liệu; tục lệ của nước ngoài có khác, nhưng cô dâu ngoài việc mang một món tiền về, cũng phải chuẩn bị mọi thứ từ khăn mặt, khăn trải bàn đến chăn ga gối đệm trong phòng tân hôn. Nói chung bất luận theo lề lối cũ hay phong cách mới, sự vô trách nhiệm của Ngọc Thanh đều là không đúng. Dù bố mẹ chồng chịu thiệt không nói năng gì, nhưng những người gián tiếp chịu thiệt là em trai em gái chồng lại không có được đức độ ấy.
Nhị Kiều và Tứ Mỹ rà soát một lượt những thứ Ngọc Thanh mới mua, khó tránh khỏi một cảm giác bị tổn hại trực tiếp, mà cứ cho là hoàn toàn đứng trên vị thế của người ngoài cuộc, thấy một người đàn bà ngu xuẩn, chẳng hề biết cách tiêu tiền mà lại tiêu pha hoang phí đến thế, trong lòng cũng trào lên một nỗi đau đớn tiếc nuối vô hạn.
Những nụ cười mỉm thì vẫn y nguyên. Nhị Kiều cười hỏi: “Làm lễ bái đường xong chị mặc chiếc áo dài màu hoa hồng đỏ đó, đã có giày đi cùng chưa?” Ngọc Thanh nói: “Chị chưa nói với em à? Thật bực mình chết được, màu đó rất khó chọn giày. Chạy khắp bao nhiêu cửa hàng, giày thêu hoa chỉ có màu đỏ tươi, màu hồng và màu đỏ đậm.” Tứ Mỹ nói: “Không cần mua đâu, mẹ em đang khâu cho chị đấy, vì nghe nói chị không mua được.” Ngọc Thanh kêu lên: “Ôi! Thế thì thật... mà làm sao kịp được?” Tứ Mỹ nói: “Tính mẹ thế đấy! Bao nhiêu việc quan trọng thì bỏ đấy chẳng ai lo liệu, mẹ lại đi khâu giày! Mấy hôm nay trong nhà nhiều việc lắm!” Nhị Kiều cảm thấy hơi ngượng, mẹ cô xưa nay vẫn luôn khiến mọi người cảm thấy ngượng, nhưng trước mặt người ngoài lại không thể không biện hộ cho bà. Nhị Kiều bèn nói: “Thực ra trong nhà vẫn có một bà già chuyên việc khâu vá, bảo bà ấy khâu gấp lấy một đôi thì cũng chẳng có gì không được. Nhưng tính mẹ là thế, cho dù khâu không được đẹp, cũng cứ nghĩ đó là tấm lòng của mình.” Ngọc Thanh cảm thấy cô cũng nên cảm động mới phải, nên cũng hơi bối rối, nói đi nói lại: “Thế thì thật... thế thì thật...” rồi vội vã thay đồ, một mình về trước, mang theo mái tóc rũ rượi đến tiệm cắt tóc. Những lọn tóc xoăn như cảm nhận được nỗi rời rã của một ngày mưa. Ngày kia trời nhất định đừng có mưa thì mới được.
Bà Lâu vui sướng khâu giày hoa cho con dâu, cũng là vì bà đều không thạo những việc trước mắt, dù đã trải qua hai ba mươi năm rèn luyện, trong khi việc dán phôi giày, vẽ mẫu hoa đều là những bài học hằng ngày trước khi lấy chồng. Có cơ hội trốn vào trong ký ức tuổi thơ là một niềm vui thích. Thực ra đến cả việc khâu giày bà cũng chẳng giỏi giang mấy, nhưng người bây giờ không quá cầu kỳ nên cũng chẳng phát hiện ra, kể cả nếu đường kim mũi chỉ có vụng về một chút, mũi giày có hơi lệch về một bên, chứ chị em ngày trước mà thấy có khi cười thối mũi.
Mặc dù khi khâu giày bà vẫn mặt nhăn mày nhó, đầy vẻ miễn cưỡng, nhưng dường như mọi người trong nhà đều nhìn ra chân tướng sự việc, đều biết thực ra bà có được một niềm hoan hỷ nào đó từ công việc này, nên cũng không ngăn nổi bà.
Ông Lâu Hiêu Bá chồng bà vẫn như thường lệ rất muộn mới từ ngân hàng về. Về đến nhà, thay đôi dép lê, ngồi xuống sô pha nghỉ ngơi, lật lật một quyển tạp chí Lão gia cũ trong lúc đợi bà già chuẩn bị nước tắm cho mình. Người Mỹ thật giỏi làm quảng cáo. Trên nóc xe hơi bao giờ cũng bồng bềnh một đám mây trắng nhỏ ấm áp, nhẹ nhàng. Loại Whisky hiệu “Bốn bông hồng”, rượu vàng sóng sánh, chiếc ly pha lê long lanh để trên bàn mặt kính sáng choang, bên cạnh vương vãi vài bông hồng nhung, một ly rượu mà cũng làm cho sang trọng kiểu cách đến thế được. Ông Lâu Hiêu Bá đưa tay ra với cốc trà trên chiếc bàn tròn cạnh ghế sô pha, chợt nhìn thấy một chiếc phôi giày màu đỏ thắm ép phía dưới mặt kính, những bông hoa thêu bằng chỉ kim tuyến vàng lấp lánh dưới ánh đèn, ông liền cảm thấy những đồ vật in trên cuốn tạp chí và sự giàu có của ông bỗng kết lại thành một mối, mang một không khí xa hoa mà thanh khiết, đó là sự thành đạt của kẻ có học. Lâu Hiêu Bá từng đi Mỹ du học giành được học vị, đúng nghĩa là người có học, mặc dù sự thành đạt của ông sau này chẳng hề liên quan gì đến mười năm đèn sách của ông.
Một chiếc phôi giày màu đỏ thắm vẫn còn ở trên tay bà Lâu. Lâu Hiêu Bá nhìn thấy bèn không nén được hỏi: “Bận tối mắt tối mũi mà còn có sức làm cái này! Đừng làm nữa được không?” Cứ nhìn thấy vợ là ông có thể nói liền một hơi: “Đừng có cắt tóc thành cái đầu hình đít vịt thế có được không? Muốn dễ gội thà cạo luôn đi cho xong. Đừng đi tất màu xanh nhạt có được không? Đừng có kéo tất quăn xuống đến tận dưới đầu gối được không, đừng để lộ cả một đoạn quần ren đen ra ở chỗ xẻ áo xường xám có được không?” Vẻ bực bội, nhưng vẫn là giọng điệu thương lượng, bởi vì Lâu Hiêu Bá vốn nổi tiếng là người chồng tốt. Ngoài ông ra, chẳng ai có thể thông qua mai mối lấy một bà vợ như bà Lâu, ra nước ngoài du học rồi mà về nước vẫn sinh bốn đứa con với bà, ba mươi năm vẫn như ngày đầu. Bà Lâu đeo kính, đôi lông mày hình chữ “bát” nhíu chặt thành hình chữ “nhân”, gương mặt trắng tròn, trông như chiếc bánh trôi đứa trẻ con bắt chước người lớn nặn ra, vê đi vê lại, cuối cùng chẳng còn ra hình dạng gì cả, bụi bẩn ở lòng bàn tay trộn hết vào bột bánh, làm thành một thứ màu trắng đùng đục.
Lâu Hiêu Bá cũng đeo kính, cũng mặt trắng tròn, nhưng trái ngược hoàn toàn với vợ, ông là người rất giỏi giang, giỏi nhất là đãi bôi giao tiếp. Ông rất cao, tuy mặc đồ Tây nhưng lại khiến người ta liên tưởng đến một vũ sư điệu nghệ, việc xã giao của ông trên thực tế chính là một kiểu khiêu vũ, đó là một vũ điệu xoay vòng vòng trên đầu ngón chân khiến người xem chóng mặt buồn nôn.
Một đôi vợ chồng hoàn toàn không tương xứng như ông bà Lâu khiến bao nhiêu người cảm thấy bất bình thay cho ông Lâu. Điều này bà Lâu cũng biết, vì bực mình, nên dù sau lưng luôn có vài phần nhẫn nhịn, trước mặt mọi người bà luôn cố tình bắt nạt ông, để thể hiện ông Lâu vừa yêu vừa sợ bà chứ không hề như những gì người ngoài nói. Lúc này, vì trong phòng có hai bà già đang ngồi chuẩn bị phong bao lì xì, bà Lâu không chịu nổi mấy câu nói này của chồng, bèn lập tức xị mặt nói: “Tôi khâu giày của tôi thì mắc mớ gì đến ông? Đúng là rỗi hơi!”
Lâu Hiêu Bá không nói tiếp nữa, trước mặt người khác ông xưa nay vẫn luôn nhịn bà vài phần. Bà thích truyền cái tiếng tăm ghê gớm ra ngoài thì mặc kệ bà; đằng nào ông cũng đã hy sinh bấy nhiêu chuyện rồi, thôi thì làm một đức ông chồng tốt đến cùng vậy. Thế nhưng hôm nay ông có hơi mất kiên nhẫn, những bức ảnh quảng cáo đẹp đẽ sáng trưng trên tạp chí và sự giàu có trước mắt bỗng tách ra thành hai, thứ trong sách lại vẫn là thứ trong sách, nhà ông vẫn là nhà ông. Trong lòng ông thầm nói với vợ: “Đừng ngu ngốc thế có được không?” Vẫn là nỗi bực tức mang giọng điệu thương lượng. Bà già mời ông đi tắm. Ông đứng dậy, quyển tạp chí rơi từ trên người xuống sàn, ông cũng chẳng nhặt lên, bước đi luôn.
Bà Lâu cũng cảm thấy Hiêu Bá đã bực mình. Cũng chỉ vì lúc đó có người ở đó, bà muốn sĩ diện nên mới đắc tội với chồng. Bà xưa nay vẫn thường ghét có người khác ở bên cạnh, nhưng trong lòng cũng không phải không hiểu rõ, nếu những người hay quan tâm ấy đều chết cả, xung quanh trơ trọi chỉ còn lại độc mỗi bà với chồng, chồng bà sẽ chẳng đoái hoài đến bà nữa; lúc đó ông đóng vai một ông chồng trách nhiệm cho ai xem nữa đây? Bà biết bà nên biết ơn những người xung quanh, song cũng vì thế mà càng hận họ hơn.
Đồng hồ điểm chín tiếng. Nhị Kiều và Tứ Mỹ đạp xe về đến nhà. Các cô vừa đến nhà mới của anh trai chị dâu giúp việc bày biện trang trí, đem theo những đồ mừng của bạn bè người thân đến, có hai cái khăn tay hình giỏ hoa lại đem trở về, Ngọc Thanh chê loại khăn tay bằng vải sa kẻ ca rô trông không phong cách, khăn tay hình giỏ hoa trông tầm thường quá. Nhà mới lại nhỏ, để ở đó khó tránh khỏi bị người ta nhìn thấy. Đang nói thì lại có nguời mang hai cái khăn tay hình giỏ hoa đến, bà Lâu và hai cô con gái vội vàng thưởng tiền để họ về. Bà Lâu vẫn không nỡ rời tay khỏi cái phôi giày, vẫn nào kim nào chỉ, một cái kim còn cắm trên ống tay áo khoác. Tứ Mỹ nhìn thấy, bất giác nhớ ra nói: “Mẹ, không cần khâu giày nữa đâu, Ngọc Thanh mua được giày rồi.” Bà Lâu cũng không nghe ra được mấy câu nói tự nhiên của cô con gái có mang một sự báo thù vui sướng bên trong. Bà làm ra bộ không hề để tâm, nói: “Ồ, mua được rồi à?” liền rút sợi chỉ đang luồn trong cái kim ra, đoạn nhét cái phôi giày còn chưa làm xong xuống dưới lớp kính trên mặt bàn.
Lại phát hiện có một người bạn quen biết sơ sơ có gửi quà mừng mà chưa đưa thiếp mời cho người ta, phải mang đi một cái bổ sung. Bà Lâu bảo bà già đi xem cậu cả đã về chưa, bà già bảo cậu về rồi, bà Lâu bèn gọi cậu ta ra viết thiếp. Đại Lạc thấp hơn bố một cái đầu, gương mặt nhỏ điềm tĩnh, tai vểnh, trông như thằng câm trong phim “Nàng Bạch Tuyết”, nhưng lại rất lắm lời, vừa đến đã kể lể việc tiêu pha. Tự cậu ta cũng thấy rất kinh ngạc, tổ chức một cái gia đình nhỏ mà phải tốn nhiều tiền đến thế. Thuê một căn hộ hai phòng ở chỗ người bạn, nền nhà phải đánh bóng, bồn tắm cần tẩy trắng lại, cửa sổ hướng Tây phải lắp mành trúc, bên ngoài mành lại phải thêm một lớp rèm, màu sắc không được tương phản với thảm lót sàn và vải bọc đệm ghế; đèn phải có bóng đèn chụp đèn, đánh bài phải cần một cái bàn riêng với đầy đủ khăn trải bàn, đèn chiếu, những chuyện này Ngọc Thanh đều rất hiểu biết, hai căn phòng cộng thêm một gian bếp, mỗi gian phải có một cái đồng hồ, nếu đã định sống một cuộc đời thanh bạch nghiêm túc. Đại Lục tiêu vài đồng tiền của bố mẹ trong lòng cũng chẳng cảm thấy hổ thẹn lắm, vì người cậu lấy nào phải hạng phụ nữ không gốc gác gì. Ưu điểm của Ngọc Thanh là cô đem lại cho người ta một cảm giác cao quý. Cô có khả năng khêu gợi ra những tố chất cao cấp nhất trong mỗi người. Như bố cậu hễ nhìn thấy Ngọc Thanh là bất giác muốn luận bàn những biến chuyển mới của thời cuộc, nói liền một mạch một hai tiếng đồng hồ, sau đó quay mặt lại khen Ngọc Thanh với mọi người, bảo là hiếm hoi lắm mới thấy một cô gái có học vấn có kiến thức như thế.
Hai vợ chồng trẻ đều là những người có kiến thức, mua đồ liền chọn những thứ lặt vặt mua trước, những thứ quan trọng để tới sau cùng, tiêu hết tiền rồi mới đi mua, ví dụ, giường thì bắt buộc không thể không mua. Bà Lâu kêu ca: “Xem cái thằng này, không biết tính toán gì cả!” Xót con trai, lại cũng xót tiền, lòng nhói lên một nỗi đau dịu dàng, bà bèn nói: “Thôi lấy cái giường của mẹ cho con, mẹ ngủ cái giường nhỏ của con là được rồi.” Nhị Kiều Tam Đa Tứ Mỹ đồng thanh phản đối: “Làm thế không được, trong phòng mẹ vốn dĩ đặt hai chiếc giường đôi song song, bỗng nhiên mất đi một chiếc, thay vào bằng một chiếc giường nhỏ, mấy bữa nay khách lại nhiều, để người ta nhìn thấy lại bảo cưới được cô con dâu mà nhà cửa tan hoang cả, còn ra gì nữa? Bố là trọng sĩ diện nhất mà.”
Đang nói thì Lâu Hiêu Bá khoác áo choàng tắm bước ra, tay cầm chiếc kính bốc hơi nước mù mịt, gọng kính chỉ vào bà Lâu, nói: “Mẹ con bà lúc nào cũng thế, cứ để nước đến chân mới nhảy rồi lại cuống lên! Năm ngoái tôi đi xem hàng bán hạ giá thấy cả bộ đồ nội thất toàn bằng gỗ tếch, tôi đã bảo mua về để lúc nào Đại Lục cưới vợ sẽ dùng đến, lúc đó thì chẳng nghe lời tôi.” Đại Lục bật cười nói: “Lúc đó con còn chưa quen Ngọc Thanh.” Lâu Hiêu Bá trừng mắt với cậu, tự thấy ánh mắt ấy còn chưa đủ, bèn đeo kính lên trừng mắt tiếp. Bà Lâu sợ nhất là bố con họ bất hòa, vội vàng nói: “Đúng thật, hồi đó không mua luôn đúng là tiếc quá. Thực ra sớm muộn gì Đại Lục chẳng phải lấy vợ, cứ mua để dành cũng chẳng thừa.”
Ông Lâu Hiêu Bá hất hàm, nói: “Tất cả những việc này tôi đều phải lo liệu cả! Thế bà làm gì? Đến cái giấy phép nghỉ học của con tôi cũng phải đích thân viết!” Hai câu nói này vốn dĩ không có can hệ gì lắm, nhưng bà Lâu biết chồng mình đã không chỉ một lần, trước mặt người nhà, nói những câu phiền trách như thế, tự bà cũng thấy mình khiến chồng chịu thiệt thòi, còn nỗi hờn tủi trong lòng bà lại chẳng thể nói ra cùng ai được. Lúc này một cơn bực bội bốc lên, đang định cãi lại ông vài câu: “Ở nhà mà ấm ức thế thì ông đừng về nhà nữa! Hay là chính vì ông có người khác ở ngoài rồi, về đến nhà là thấy cái này không đúng cái kia không đúng, bới lông tìm vết!” Song nghĩ lại, mình rõ ràng sắp làm mẹ chồng rồi... lời nói dâng lên đến miệng rồi lại nuốt xuống, ưỡn ngực thẳng lưng, bước đi bình bịch bỏ vào nhà tắm, súc miệng ùng ục, súc đi súc lại trong họng, rồi nhổ phì ra. Mỗi lần bực bội muốn khóc, bà Lâu bèn giấu mình trong một vẻ hiên ngang, chỉ một lúc là có thể rũ bỏ hết tất cả.
Phía bên ngoài phòng tắm hai bố con họ vẫn đang tiếp tục câu chuyện. Lâu Hiêu Bá giọng điệu vẫn còn mang chút thách thức, hỏi Đại Lục: “Người vừa mang quà lễ đó là ai thế, bố có quen không?” Đại Lục nói: “Cũng là đồng nghiệp cùng ngân hàng với con.” Ông Lâu ngạc nhiên nói: “Đồng nghiệp trong ngân hàng cùng góp tiền mua một món quà chung rồi, anh ta bỗng đâu nhảy ra một mình mang đồ lễ đến tặng, lại phải gửi thêm thiệp mời cho anh ta! Chắc là bạn rượu của mày chứ gì?” Đại Lục giải thích: “Anh ta là người bên phòng kế toán, là người nhà của Bành tiên sinh.” Lúc này Lâu Hiêu Bá mới đổi giọng, tiện đà nói chuyện với Đại Lục về Bành tiên sinh, về việc bọn nhà báo chơi Bành tiên sinh một vố như thế nào.
Bố con họ dù gì cũng vẫn là bố con. Bà Lâu cảm thấy cô độc. Cả nhà họ Lâu từ già đến trẻ, xinh đẹp, hiếu thắng, những người bà yêu thương, chồng bà, con bà kết bè kết đảng với nhau từng giờ từng phút tìm mọi cách thử thách bà, hết lần này đến lần khác phát hiện lại những điểm kém cỏi của bà. Chồng bà từ khi còn nghèo khổ đã ưa sĩ diện, thích xã giao, thường xuyên đặt bà vào đủ kiểu hoàn cảnh khó xử, hết lần này đến lần khác phát hiện ra sự kém cỏi của bà. Sau này gia đạo phất lên, đáng lẽ sẽ phải được sống những ngày vừa ý, không ngờ hễ gặp công to việc lớn là bà càng phát hiện lại sự kém cỏi của mình.
Thế nhưng, nếu bảo bà phải sống một cuộc đời kiểu khác, không có cơ hội ăn mặc chỉnh tề, đón khách, lễ lạt, bà lại sẽ không vui, dường như thấy mất mát một điều gì đó. Sự xa hoa, phiền não, khó xử, đó chính là cuộc sống. Bà Lâu lại cảm thấy một cơn đau dịu dàng. Đứng trước bồn rửa mặt, đối diện với chiếc gương, bà cảm thấỵ ngưa ngứa như có vật gì rơi vào rìa kính, tưởng là nước mắt, mới kẹp chiếc khăn tay vào mấy đầu ngón tay, đưa lên chấm chấm, thì hóa ra là một con thiêu thân. Bà Lâu gỡ kính xuống, xem xét, lật cả mi mắt lên để kiểm tra, nghi ngờ con côn trùng lúc nãy đã chui cả vào bên trong. Bà bước gần hơn đến chiếc gương, gần như gí sát mặt vào gương, cả một khối thịt trắng tròn nung núc. Tự nhìn bản thân trong gương, hoàn toàn vô cảm, nỗi đau buồn của bà không thể nói rõ ràng ra được ngay cả với bản thân. Đôi lông mày nhíu chặt lại, lúc nào cũng nhíu lại như thế, tất cả những gì thể hiện ra chỉ là “Phiền phức! Phiền phức!” chứ chẳng phải là đau buồn.
Mặc dù hai vợ chồng có gây gổ chút ít, nhưng hôm sau có chút việc đột xuất, bà vẫn gọi điện đến văn phòng Lâu Hiêu Bá hỏi ý kiến ông. Vốn dĩ người định mời làm chủ hôn là ông bộ trưởng Giao thông đã từ chức, mặc dù không còn làm quan nữa, nhưng hành tung vẫn xuất quỷ nhập thần đúng kiểu quan chức, chẳng nói câu nào lặng lẽ rời Thượng Hải. Lâu Hiêu Bá nhất thời không nghĩ ra được người tương đương nào khác, bèn bảo vợ đi tìm một ông họ Lý, là giám đốc một bệnh viện, cũng là người có chút tiếng tăm. Bà Lâu đội mưa gọi xe đi, vừa đến nhà họ Lý, bèn vẫn mở ô đặt trên tấm thảm ở phòng khách, cởi chiếc áo mưa màu xanh da trời ra, cầm lấy cổ áo giũ mạnh, sau đó rút khăn tay ra lau những chỗ nước bám trên áo khoác da. Chiếc áo khoác da không cài cúc, cứ hiên ngang mở toang ra như thế suốt dọc đường, vạt áo bên dưới mở rộng thành hình chữ “bát”. Bà Lâu tay cầm áo mưa, nhìn quanh quất, cuối cùng vẫn đặt chiếc áo mưa ướt sũng lên ghế sô pha, rồi tự mình cũng ngồi xuống. Bác sĩ Lý không có nhà, chỉ có bà Lý ra tiếp khách. Bà Lâu đưa tấm danh thiếp của Lâu Hiêu Bá ra nói: “Hiêu Bá với bác sĩ Lý vốn là chỗ thân quen.” Bà Lý là người Quảng Đông, chỉ nói được vài câu tiếng phổ thông không sõi, dường như cái gì cũng biết rất mù mờ. May mà bà Lâu vốn có một niềm tự tin tuyệt đối về tiếng tăm của chồng mình, do đó thái độ vẫn rất tự nhiên, nói rõ mục đích chuyến thăm viếng. Bà Lý nói: “Lát nữa tôi sẽ nói với ông ấy, bảo ông ấy gọi điện trả lời bà.” Bà Lâu lại đưa ra hai hộp trà, bà Lý cực lực đòi trả lại, bà Lâu nhất định bắt bà ta để xuống, cuối cùng bà Lý cũng nhận, nhưng thái độ lại trở nên lạnh nhạt. Bà Lâu cảm thấy lần này mình lại làm sai rồi, thế nhưng, được vô vàn những thất bại suốt ba mươi năm nay khích lệ, bà vẫn hiên ngang ngồi đó, chẳng sợ gì. Ngồi đến lúc phải về, mới đứng lên mặc áo mưa cáo biệt, ra đến cửa mới nhớ ra bỏ quên ô ở trong phòng, bèn quay vào lấy, lại gật gật đầu với bà Lý, cái gật đầu đầy sức mạnh, vững chắc như núi Thái Sơn, cứ như biết chắc người khác tuyệt đối chịu không nổi cái cúi chào của bà vậy.
Thế nhưng sâu thẳm trong lòng bà Lâu lại vẫn có đôi chút hoang mang, còn chưa ra đến cửa bà đã giơ ô lên, lúc bước ngang qua cửa liền bị mắc lại, bèn lại cụp ô xuống, lại làm rớt một vũng nước mưa ra sàn nhà.
Sau đó ông viện trưởng Lý gọi điện đến, đồng ý làm chủ hôn.
Hôm làm lễ cưới trời vẫn mưa, ban đầu nhà họ Lâu còn lo lắng, sợ khách đến ít, nhưng đó rõ ràng là lo quá xa, bởi vì thời buổi bây giờ, những người đã có quà tặng sẽ quyết không chịu bỏ lỡ một bữa ăn vốn là của mình. Ba giờ chiều làm lễ, hai giờ rưỡi lễ đường đã khá đông người, tự động chia thành hai đám, một đám là khách bên nhà trai, một đám là khách bên nhà gái, mọi người mỉm cười, rì rầm trò chuyện, đi lại rón rén khẽ khàng, cũng có người kéo ghế ngồi xuống. Trong gian sảnh rộng rãi sừng sững cây cột trụ lớn màu đỏ son, có đắp nổi những con rồng xanh to bự; tường thủy tinh sẫm màu, trong ban thờ hõm vào vách tường có đặt tượng Phật nhỏ bằng vàng, tất cả những gì đại diện cho phong cách phương Đông; của các bà phu nhân ngoại quốc đều hiển hiện ở đây. Khắp sàn nhà trải thảm in hoa sẫm màu kiểu Bắc Kinh rộng thênh thang, giẫm chân lên đó, cảm giác bồng bềnh như chân không chạm hoa, tựa hồ bị ngăn cách bởi một lớp gì không biết. Toàn bộ gian lễ đường lộng lẫy trông như một quả cầu thủy tinh, tâm điểm quả cầu là những hình hoa vỡ vụn đủ màu sắc. Đám khách mời là những con ruồi chăm chú bò đi bò lại trên bề mặt quả cầu, không có cách nào chui vào bên trong.
Cũng có vài người không chịu cam tâm lặng lẽ cứ thế dừng chân vô ích phía bên ngoài, bèn cố tìm cách chui vào giữa trung tâm của chốn phù hoa đó. Ngọc Thanh có năm cô em họ, được mẹ dẫn cả đến. Cô cả cô hai đều là những tiểu thư đàng hoàng, chỉ hiềm tuổi đều đã lớn, tự thấy sốt ruột, không thể nào bình tâm được. Nhị tiểu thư Lê Sảnh mới may được một chiếc xường xám mỏng rất ưng ý, không ngờ mưa suốt hai hôm, trời lạnh cóng, lại chưa đến cái mùa khách sạn đốt đường ống sưởi, khiến cô không có cách nào cởi chiếc áo khoác cũ ra, cũng chẳng phải cô không chịu được rét, mà là không chịu được những câu hỏi thăm của mọi người: “Không lạnh à?” Lê Sảnh vốn là một người bất hạnh bẩm sinh, mặc dù cô đến rất sớm, không hiểu sao vẫn chẳng tìm được chỗ ngồi. Cô đứng tựa vào cột, cô thích thế; gương mặt trắng bệch mệt mỏi của cô là một sự thách thức, dường như đang muốn nói: “Tôi đang chán đời đây, cho nên tôi ghét cả anh nữa, anh có ghét tôi không?” xong rồi bất ngờ quay đi, đầy vẻ khiêu khích.
Đường Sảnh chị cô không cao bằng cô, mặt lại tròn hơn, vì vậy nhìn thoáng qua trông lại trẻ hơn cô. Đường Sảnh là người hoạt bát, hoạt bát bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn chẳng lấy được chồng, khiến cô mất hết cả lòng kiêu hãnh. Tâm hồn tròn trịa của cô đã nứt vỡ rồi, phải dùng sứ trắng trám lại, lòng trắng mắt như sứ trắng, hàm răng cũng như sứ trắng, hơi vẩu ra, cứng nhắc lạnh lẽo, trắng muốt, vô tình, nhưng vẫn giữ nguyên nụ cười, đã thế lại càng hoạt bát. Nhìn thấy một người chị dâu họ từ xa, cô liền đứng dậy vẫy gọi chị ta tới gần, nhường chỗ cho chị ta, mình thì ngồi lên tay vịn của ghế, chỉ chỉ trỏ trỏ, cười cười nói nói, thì thầm hỏi, cái người đứng đón khách ở ngoài cửa có phải là em trai chú rể không. Sau nghe ra đó là người làm ở ngân hàng của Lâu Hiêu Bá, bèn mất hết hứng thú. Sau đó họ hàng đến mỗi lúc một đông, gặp ai cô cũng hàn huyên tâm sự, nắm tay thân thiết. Giọng nói có kèm âm sắc tiếng cười của Đường Sảnh dường như cũng mọc răng, ban đầu chỉ như đang trêu chọc cắn nhè nhẹ vào bạn, nhưng cắn một lúc thì bắt đầu thấy đau đớn khó chịu.
Ban nhạc tấu lên hành khúc hôn lễ, cả một đội ngũ huy hoàng cô dâu chú rể phù dâu phù rể cùng tấp nập bước vào. Sự mong đợi đến nín thở trong giây phút ấy mang một cảm giác lương thiện, đầy chất thơ; những cô phù dâu trong trang phục hồng nhạt vàng nhạt trông như những đám mây trong trẻo, những chàng trai trong lễ phục đen trông như những bóng chim yến bay chầm chậm giữa áng mây, cô dâu mắt lim dim trong trang phục màu trắng trông như một chiếc đầu tử thi còn chưa kịp tỉnh dậy vào buổi sáng sớm phục sinh, mang một thứ ánh sáng khiêm nhường. Tất cả cùng tiến vào trong tiếng nhạc cao vút tưng bừng.
Thế nhưng sau khi cô dâu chú rể đã đứng yên vị, người chủ hôn bắt đầu cất lời: “Thưa các vị huynh đệ. Hôm nay. Vô cùng. Hân hạnh.” Bầu không khí lập tức khác đi. Người chủ hôn nói về đạo đức mới, tư tưởng mới, trách nhiệm của quốc dân, hy vọng đôi trẻ sau này nỗ lực làm những công dân tốt. Mọi người cười ồ lên. Tiếp đó đến người làm mai lên phát biểu. Người làm mai không nhất thiết phải có giữ vẻ nghiêm nghị như người chủ hôn, nên có thể thể hiện một cách tự do hơn. Tư tưởng chủ đạo là: Đôi nam nữ này lát nữa là sẽ ngủ với nhau rồi, nhân lúc này có mà ngắm họ cho kỹ đi, lát nữa là không ai được ngắm nữa đâu. Hiềm nỗi người phát biểu không biểu đạt được rõ tư tưởng chủ đạo của mình, cũng may người nghe đều thấu hiểu, do đó cũng biết mà cười. Nhưng lời phát biểu dù sao cũng quá dài, nghe đến đoạn sau rất ít người còn tiếp tục cười thêm nữa.
Ban nhạc lại tấu lên một hồi. Lúc cô dâu đi ra ngoài, chiếc váy cưới trông dường như có vẻ hơi cũ kỹ, cả sắc mặt cũng cũ kỹ mất rồi.
Khách khứa hò hét, ném giấy vụn màu xanh màu đỏ vào người họ. Người đứng sau ném giấy vụn khắp đầu khắp cả người đứng trước. Từ lúc làm lễ, Đường Sảnh cứ nhìn không chớp mắt phù rể Lâu Tam Đa, em trai của chú rể, đến lúc này cô mới bật ra một tiếng kêu hoan hỷ, cuồng dại, ném tất cả chỗ giấy vụn xanh đỏ trong túi vào người cậu ta.
Cô dâu chú rể phù dâu phù rể đi chụp ảnh. Các khách mời sang phòng bên uống trà, ăn bánh. Đường Sảnh vô cùng hoạt bát, Lê Sảnh thì chỉ lạnh lùng ngồi ăn bánh ga tô.
Ăn được một nửa thì cô dâu chú rể quay vào, ban nhạc lại bắt đầu tấu nhạc, cô dâu chú rể tiên phong ra sàn khiêu vũ. Bây giờ mới là thế giới của đám thanh niên, những người không khiêu vũ cũng quây vòng tròn lại đứng xem. Các bà có tuổi lặng lẽ đứng lùi ra phía sau, nở nụ cười mỉm thận trọng, dường như mặc dù bị đẩy ra ngoài tầm chú ý, họ vẫn giữ trên mình một vẻ quan trọng mang tính tiêu cực, giống như cái dấu đỏ chĩnh chện trên một bức tranh, thiếu nó đi thì sẽ không còn là hàng tốt.
Chẳng có ai mời Đường Sảnh khiêu vũ. Đường Sảnh vẫn giữ nguyên nụ cười, cứ như bên mép bị gắn một mảnh sứ trắng to, không ngậm miệng lại được.
Đường Sảnh và Lê Sảnh suy nghĩ xem có nên về sớm một chút không, nhân lúc người ta còn chưa giải tán, để lại một ấn tượng kiểu chim hồng chim hạc thoáng xuất hiện trong giây lát rồi bay mất, để người ta còn hỏi nhau xem cái cô tiểu thư mặc áo xanh đó là cô nào. Vừa định về thì lại có một bà vốn là chỗ quen thân bước đến bàn bọn họ, kể lể với mẹ các cô: “Chẳng biết ai lo liệu việc ở đây, bên bàn chúng tôi ngồi rõ là chẳng có đồ gì cả, đáng lẽ ra mỗi bàn đều phải có một người phụ trách trông nom mới phải chứ!” Mẹ các cô vội vàng mời bà ta uống trà, bà ta liền ngồi xuống, không ra vẻ nhiệt tình, cũng chẳng ra vẻ lạnh nhạt, chỉ bắt đầu hùng hục ăn uống với vẻ hoàn toàn vô cảm. Đường Sảnh và Lê Sảnh không biết làm cách nào biểu lộ sự khinh bỉ của mình, đành chỉ giục mẹ mau đi về.
Rình đúng lúc Tam Đa đứng cạnh Lâu phu nhân, hai cô bước đến chào từ biệt bà ta. Sự nghi hoặc của bà Lâu giống như kiểu một người vừa mới thay cặp mắt kính mới, không nhận ra được hai cô là ai, đến khi nhận ra rồi, cũng chỉ nhíu mày nói một câu: “Sao không ngồi thêm lúc nữa?” Hôm nay bà Lâu bận hết việc này việc khác, tự thấy rằng mình đã có quyền được đường đường chính chính nhăn mày giữa đám đông.
Bởi vì nhà họ Lâu là gia đình theo lối mới một trăm phần trăm, bữa tiệc tối chỉ còn lại vài người họ hàng thân thích, cũng không theo tục chọc phá phòng hoa chúc[23]. Ngày hôm sau đôi vợ chồng mới về nhà ăn cơm trưa với bố mẹ chồng, bố mẹ và anh chị em của cô dâu cũng đến, ảnh chụp hôm trước cũng đã có mẫu gửi đến. Bức ảnh Ngọc Thanh chụp một mình, cô đứng đó, chiếc váy cưới trắng xẹp lép cứng đơ, ngươi hơi đổ về phía trước mà không ngã, cứ như con búp bê bằng giấy sau lưng có chống một tấm bìa cứng vậy. Bức chụp cùng Đại Lục, cô lại kéo khăn voan xuống che mặt, gương mặt mờ ảo, trông như vô tình chụp phải một chiếc bóng oan hồn lẩn khuất. Ngọc Thanh rất không vừa ý, quyết định sau này sẽ thuê áo cưới chụp lại lần nữa.
Ăn cơm xong, ông Lâu Hiêu Bá lại tự mình cao đàm khoát luận về các vấn đề quốc tế, nói đến tình hình thời sự biến đổi, còn đứng cả lên vung tay đập bàn. Bà Lâu ngồi trên ghế xô pha với bà thông gia và cô con dâu, bình tĩnh duỗi thẳng hai chân, ngắm đôi tất màu xanh nhạt của mình tụt quăn xuống dưới đầu gối. Sau đó bà mới phát hiện ra mọi người chẳng ai nghe, chỉ truyền nhau xem mãi tập ảnh cưới, thỉnh thoảng còn quay mặt đi ngáp. Bà Lâu bất giác cảm thấy một nỗi chán ghét, cũng không biết là chán ghét chồng mình, hay là chán ghét những người ở bên cạnh chứng kiến cách ông bà làm vợ làm chồng nữa.
Bà thông gia hút thuốc, bà Lâu bèn với tay lấy bật lửa, ánh mặt trời giữa trưa chiếu vào tấm kính bàn uống nước, chiếc phôi giày màu đỏ thắm phía dưới mặt bàn kính rực rỡ đến nhức mắt. Trái tim và bàn tay bà Lâu dừng lại một chút trên vệt nắng đó, bất giác nhớ lại hồi bà còn nhỏ, đứng ở cổng nhìn người ta đón dâu, những tiếng chiêng tiếng trống đinh tai, xập xòe liên hồi trước kiệu hoa, át cả tiếng khóc của cô dâu. Tiếng đập thanh la rúng động lòng người. Dưới ánh nắng chói chang, những tua rua sặc sỡ trang trí kiệu hoa, dây màu xanh biếc, dây màu hồng tươi, dây màu đỏ thắm, rung động như làn sóng, khiến người ta vừa choáng váng lại vừa có cảm giác tỉnh táo của buổi giữa trưa, như khi uống rượu hùng hoàng dịp Tết Đoan Ngọ. Người phu khiêng kiệu mặc chiếc áo thêu hoa, phía dưới để lộ ra chiếc quần cộc vải xanh có mấy miếng vá, phía trên thò ra một chiếc cổ vàng gầy guộc, đầm đìa mồ hôi, cứ như một con sâu thò cổ ra từ đài hoa. Người phu khiêng kiệu và người đánh trống dàn hàng đi tới, phô trương thanh thế dọc theo con phố. Những người đứng xem hợp với họ thành một nhóm, ai nấy đều bị chấn động bởi một niềm vui lớn lao bên ngoài mình, lòng dạ bắt đầu thấy lâng lâng mất tự chủ.
Bao nhiêu năm qua rồi bà Lâu vẫn còn nhớ, mặc dù bản thân bà đã lấy chồng rồi, thậm chí đến con trai cả của bà cũng lấy vợ rồi, đáng lẽ bà phải rất biết hôn nhân vốn chẳng hề giống những thứ đó. Cái đám cưới mà bà xem hôm đó mang một cảm giác rất chỉnh thể, trong khi đám cưới con trai bà lại là những mảng rời rạc, chẳng hiểu vì sao.
Chồng bà bỗng dừng việc đánh giá thời cuộc lại, một tay tì lên bệ lò sưởi, ghé mắt nhìn cô con dâu, dùng giọng điệu thoải mái nhất, khoa học nhất, đúng kiểu một ông bố chồng kiểu mới, hỏi:
“Lấy chồng cảm giác thế nào? Có thích không?”
Ngọc Thanh hơi ngập ngừng một chút, cũng lộ một vẻ vô cùng thoải mái, đáp: “Tốt lắm ạ.” Nói xong rồi mặt mới hơi đỏ lên một chút.
Mọi người trong phòng đều bật cười, nhưng đều cười một cách không yên tâm, chẳng biết là nên cười hay không nên cười nữa. Bà Lâu chỉ biết chồng mình vừa mới nói đùa, chứ không nghe rõ gì, nên cười vang nhất.
(Nguyên đăng trên kỳ số 6 quyển 9 Tân Đông Phương, Thượng Hải tháng 6 năm 1944)
Trần Trúc Ly dịch
Chuyện Tình Giai Nhân Chuyện Tình Giai Nhân - Trương Ái Linh Chuyện Tình Giai Nhân