Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Cậu Ấm Ngây Thơ
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 8
T
ừ hôm theo Áo Đỏ rủ đi câu về, tôi đâm nghi ngờ Nhím. Khi bị vu oan để có cớ bị đuổi khỏi nhà trọ, tôi càng nghĩ hắn là người tồi. Nhưng trong cuộc họp, khi thấy hắn khăng khăng đòi xử phạt bọn học sinh hỗn láo thì tôi ngạc nhiên và không hiểu nổi. Khi nghe bà cụ Ha- gi- no nói là Nhím đã từng gặp Áo Đỏ để nói về chuyện của anh Bí Đỏ thì tôi vỗ tay khâm phục. Trong lúc đầu óc tôi còn đang phân vân, chưa biết chừng chính Áo Đỏ là kẻ giả dối đã vòng vo xuyên tạc sự thật chứ không phải Nhím là người xấu thì bắt gặp hắn dẫn Madonna đi chơi ở bờ đê, thế là tôi tin ngay rằng từ trước tới nay chính Áo Đỏ là đồ lèo lái. Hắn có gian giảo hay không thì tôi chưa rõ, nhưng quyết không thể là người lương thiện được. Hắn là con người lá mặt lá trái rõ ràng. Làm người mà không thẳng thắn như cây to thì chẳng hay ho tốt đẹp gì. Nếu gặp được người thẳng thắn thì dẫu có phải cãi nhau với họ cũng thấy dễ chịu. Còn cái loại tỏ ra hiền lành, thân mật, cao sang, luôn luôn khoe cái tẩu màu hổ phách của mình như Áo Đỏ thì không thể chơi được. Loại này dù có muốn cãi nhau với hắn cũng không cãi nhau được. Mà có cãi nhau được cũng không thể cãi một cách hả lòng hả dạ, cãi cho đã được. Cũng như chơi vật sumo, đã chơi thì phải chơi như cuộc đô vật tổ chức tại chùa E- không- in mới là đô vật. Còn nếu không thì thà cãi nhau với Nhím như chuyện một xu rưỡi ở phòng giáo viên hôm nọ, làm cho mọi người được một phen trố mắt, kinh ngạc còn thú vị hơn. Trong cuộc họp, khi mắt hắn đảo ngang đảo dọc, nhìn tôi long sòng sọc thì trông đáng ghét thật. Nhưng suy cho cùng, thà thế còn dễ chịu hơn cái giọng ỉ eo, vuốt ve như vờn mèo của Áo Đỏ. Thực ra sau cuộc họp đó, tôi đã có ý định làm lành, nên nhiều lần gợi chuyện với hắn, nhưng hắn không thèm bắt chuyện, mặt cứ lơ vê lên nên tôi cũng tức, không thèm làm lành nữa. Từ sau hôm cãi nhau, Nhím không thèm nói chuyện với tôi. Một xu rưỡi tôi để trên bàn vẫn nằm nguyên tại chỗ. Những đồng tiền đã bị bụi phủ kín. Tất nhiên tôi không đụng tới mà Nhím cũng dứt khoát không cầm. Một xu đã trở thành bức tường ngăn cách giữa hai chúng tôi. Tôi muốn nói gì cũng không dám nói. Còn Nhím thì cũng gan lì không chịu mở miệng. Trong khi tôi và Nhím giận nhau như vậy thì giữa tôi và Áo Đỏ vẫn quan hệ bình thường. Thỉnh thoảng tôi và Áo Đỏ vẫn nói chuyện với nhau. Sau tối hôm gặp ở bờ sông No- ze- ri, sáng hôm sau đến trường, hắn chạy đến chỗ tôi trước:
- Thế nào cậu? Nhà trọ mới có khá hơn không? Hôm nào ta lại đi câu nhà văn Nga nữa chứ? Hắn gợi chuyện nói luyên thuyên.
Lúc đó tôi thấy hơi ghét nên bèn nói:
- Tối qua tôi đã gặp anh đến hai lần nhỉ.
- Ừ, mình đã gặp nhau ở ngoài bến tàu nhỉ. Hôm nào cậu cũng đi vào giờ ấy à? Đi như vậy có muộn không?
- Chúng ta còn gặp lại nhau cả trên đê sông No- ze- ri nữa nhỉ - Tôi đế thêm.
- Không, tôi không hề ra đê. Tắm xong là tôi về ngay mà! Hắn trả lời.
Không hiểu sao mà chuyện gì hắn cũng có thể trí trá như thế được. Chuyện rõ ràng hiển nhiên như vậy mà hắn chối phăng. Đúng là một thằng dối trá thành thần. Một kẻ như thế này mà cũng đi làm hiệu phó của một trường trung học thì có lẽ tôi đây cũng có thể làm hiệu trưởng một trường đại học thừa sức. Từ đó tôi dần dần mất hết lòng tín đối với Áo Đỏ. Với con người mà mình không tín thì lại nói chuyện, còn con người mà tôi thích như Nhím thì lại không được nói. Cuộc đời thật ngang trái.
Một hôm Áo Đỏ bảo tôi:
- Tôi có chuyện muốn nói với anh, anh vui lòng ghé vào nhà tôi được không?
Phải bỏ một buổi đi tắm cũng tiếc, nhưng tôi đã đến nhà Áo Đỏ vào khoảng bốn giờ chiều. Hắn chưa có gia đình nhưng vì có chức hiệu phó nên thuê hẳn cả một căn nhà có phòng tiếp khách rất rộng. Nghe nói tiền nhà mỗi tháng tới chín yên năm mươi xu. Nếu ở nhà quê, bỏ ra mỗi tháng chín yên rưỡi mà thuê được một căn nhà thì tôi cũng muốn thuê, rồi đưa bà Ki- yô từ Tokyo xuống đây cho bà phấn khởi.
Tôi lên tiếng hỏi thăm người chủ nhà thì thấy em Áo Đỏ đi ra. Thằng này cũng là học sinh của trường, có học giờ toán, giờ đại số của tôi và rất dốt. Đã thế, nó là thằng ở địa phương khác đến nên còn mất dạy hơn những thằng nhà quê ở đây.
Tôi gặp Áo Đỏ hỏi có chuyện gì? Vẫn cái tẩu hổ phách mọi khi, hắn vừa phun khói khét mù vừa nói:
- Từ khi anh về đây, thành tích của học sinh khá hơn hẳn trước đây khi ông thầy cũ dạy. Ông hiệu trưởng rất mừng là đã lấy được giáo viên tốt về trường. Nhà trường rất tin tưởng, hi vọng ở anh. Mong anh hãy cố gắng học hỏi thêm.
- Cái gì? Thật thế ư, tôi phải học thêm à? Nhưng tôi không thể học thêm hơn thế này được nữa!
- Tất nhiên trình độ của anh hiện nay là đủ rồi. Nhưng có điều... Anh hãy nghe tôi nói đã, và mong anh đừng quên cái chuyện tôi đã nói là được.
- Chuyện cái tay giúp tôi tìm nhà trọ là người nguy hiểm ấy à?
- Ừ, nói thẳng ra thì cũng không có gì là cụ thể. Thôi được, về ý nghĩa thì anh cũng đã hiểu. Nếu anh chịu khó cố gắng như từ trước đến nay thì nhà trường cũng công nhận khả năng của anh. Nếu có điều kiện, có thể tăng lương cho anh ít nhiều...
- Cái gì, tiền lương ấy à? Tiền lương thì thế nào cũng được. Nhưng nếu có khả năng được tăng thì tăng vẫn hơn không.
- Vậy thì cũng nhân dịp này, trường có một người sẽ đổi đi. Để tôi bàn lại với hiệu trưởng xem. Tất nhiên nếu trường không đồng ý thì cũng phải chịu. Nhưng sẽ có một số tiền dôi ra. Tôi đang định xem thế nào rồi bàn với hiệu trưởng.
- Xin cảm ơn anh. Nhưng ai sẽ đổi đi thế?
- Chuyện này cũng sắp công khai nên tôi có thể nói với anh, đó là anh Không- ga.
- Anh Không- ga? Anh ấy là người quê ở đây cơ mà?
- Là người ở đây nhưng nó có lẽ nên phải thế. Vả lại một nửa cũng là nguyên vọng của anh ấy nữa.
- Anh ấy chuyển đi đâu?
- Đến No- be- ô- ka vùng Hi vọng Gu- ga. Đó là vùng xa nên anh ta đồng ý chuyển đi để được tăng một bậc lương.
- Vậy ai sẽ về thay anh ấy?
- Người thay thế cũng đã có quyết định rồi. Vì thế mới có điều kiện có thể tăng lương cho anh.
- Nếu thế thì tốt. Nhưng cũng không cần phải cố tình tăng lương cho tôi đến thế đâu.
- Thực ra thì tôi cũng định bàn với ông hiệu trưởng và chắc ông ấy cũng tán thành thôi. Mà nếu như vậy thì anh sẽ phải tăng phần công việc. Cho nên mong anh chuẩn bị tinh thần ngay từ bây giờ là vì vậy.
- Tăng số giờ hiện nay lên ấy à?
- Không, số giờ thì có thể giảm hơn hiện nay cũng nên.
- Giảm số giờ mà sao bảo phải làm việc nhiều hơn là thế nào? Lạ nhỉ!
- Nghe thì có vẻ lạ thực. Thật ra cũng khó nói. Đại loại là anh có thể phải gánh thêm một trách nhiệm nặng hơn.
Tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Trách nhiệm nặng hơn thì chả lẽ tôi sẽ làm chủ nhiệm khoa toán chăng?! Nhưng chức chủ nhiệm thì đã có Nhím rồi. Mà hắn thì chả có lí do gì để mà phải từ chức cả. Một giáo viên có năng lực, được học sinh kính phục như vậy nếu bắt thôi việc hay thuyên chuyển đi nơi khác thì chả mang lại lợi ích gì cho nhà trường. Chuyện của Áo Đỏ bao giờ cũng mập mờ, bí hiểm, chẳng làm sao mà hiểu nổi. Không hiểu được thì cũng mặc. Câu chuyện chính đến đây là hết. Sau đó hai người quay ra nói phiếm với nhau. Trong câu chuyện tào lao, có đề cập đến bữa liên hoan chia tay tiễn anh Khôngga. Rồi Áo Đỏ hỏi tôi có uống được rượu không? Tôi bảo anh Bí Đỏ là một người rất quân tử, đáng mến. Áo Đỏ thì diễn thuyết đủ thứ. Cuối cùng hắn đổi chủ đề hỏi tôi có hay làm thơ Haiku không? Thằng cha này lại sắp giở quẻ đây! Tôi bảo không, rồi chào hắn và chuồn. Thơ với thẩn thì để cho những ông Basho hay những ông thợ cắt tóc ông ấy làm. Chứ còn cái loại giáo viên dạy toán như tôi đây, ai hơi đâu mà đi "kín nước tưới hoa bìm bìm" 1.
Về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi. Đời sao mà lắm kẻ khó hiểu thế không biết. Đang tự nhiên lại đi bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ cái nơi làm việc chẳng có gì đáng phàn nàn để đi đến một cái nơi khỉ ho cò gáy nào đó mà rước khổ vào thân. Đành rằng đi xa, nhưng nếu là đi đến những nơi đô hội, có tàu điện, có phố phường đầy hoa đã đành. Đằng này đi đến cái vùng No- be- ô- ka ở tận bên kia phía mặt trời mọc. Tôi mới đến cái xứ này có một tháng, mà lại là nơi có nhiều thuyền bè qua lại dễ dàng, thế mà tôi đã muốn về ngay. Còn No- be- ô- ka là cái nơi rừng núi của rừng núi, phải qua bao nhiêu núi mới tới. Theo Áo Đỏ nói thì sau khi lên thuyền rồi, còn phải đi xe ngựa một ngày mới tới Mi- ya- za- ki, rồi từ đó lại đi xe hơi một ngày nữa mới tới nơi. Chỉ nghe cái tên thôi đã thấy đó là một nơi chẳng tốt lành gì. Người ta có cảm tưởng ở đó một nửa là người còn một nửa là khỉ sống chung với nhau. Dù cho có thánh thiện quân tử như anh Bí Đỏ đi chăng nữa, chẳng có lí do gì khiến anh lại thích làm bạn với khỉ đến thế. Thật là quá đáng!
Tôi đang suy nghĩ như vậy thì bà chủ nhà bưng cơm tối vào. Tôi hỏi hôm nay lại khoai sọ phải không? Bà bảo không, hôm nay đậu phụ. Thì cũng thế cả.
- Này, bà này, nghe nói anh Không- ga sắp chuyển đi Hi vọng Gu- ga có đúng không?
- Thật tội nghiệp cho anh ấy quá.
- Bà nói tội nghiệp là nghĩa thế nào? Anh ấy thích đi thì thế chứ sao mà tội nghiệp?
- Thích đi? Ai bảo là anh ấy thích đi?
- Còn ai bảo nữa. Tất cả đều nói thế mà. Họ bảo là anh Không- ga thích nên đã xin đi đấy chứ?!
- Không phải thế đâu thầy ơi, thầy nhầm rồi.
- Nhầm à? Chính Áo Đỏ nói thế mà. Nếu mà tôi nhầm thì thằng cha ấy là vua nói láo.
- Ông hiệu phó ông ấy nói thế thì cũng có cái lí của ông ấy. Nhưng anh Không- ga có thích đi hay không thì cũng có cái lí của nó.
- Thế thì cả hai bên đều đúng cả nhỉ?
- Sáng nay tôi vừa mới gặp bà mẹ của anh Không- ga, bà ấy đã kể cho tôi tất cả tình đầu câu chuyện rồi.
- Bà ấy kể thế nào?
- Chả là bố anh ấy mất đi, nhà ấy không còn sung túc như ta tưởng đâu, mà ngược lại rất nghèo túng. Mẹ anh ấy mới đi tìm ông hiệu trưởng, nói là cháu nó đã làm ở trường được bốn năm rồi, mong ông tăng thêm lương cho cháu một ít. Thế đấy thầy ạ.
- À ra vậy.
- Thế rồi ông hiệu trưởng ông ấy mới hứa là để ông ấy xem xét. Bà mẹ anh ấy rất yên tâm, cứ chờ tin anh ấy được tăng lương. Chờ mãi tháng này sang tháng khác cũng chả thấy ai nói năng gì. Đang sốt ruột thì ông hiệu trưởng gọi anh Không- ga lên bảo là có chuyện muốn nói. Tưởng chuyện gì, hóa ra ông ấy bảo là bây giờ nhà trường đang rất khó khăn, không có tiền nên không thể tăng lương cho anh được. Nhưng ở No- be- ô- ka họ đang cần người, nếu chuyển sang đó thì mỗi tháng sẽ được thêm năm yên tiền lương. Tôi nghĩ đến nguyện vọng của anh nên đã làm thủ tục thuyên chuyển cho anh xong rồi. Vậy anh chuẩn bị mà đi...
- Như vậy là gọi người ta đến để ra lệnh chứ nói chuyện gì?
- Thì đúng là thế. Anh Không- ga anh ấy bảo là anh ấy không muốn được tăng lương mà phải chuyển đi xa như vậy. Cứ để cho anh ấy ở lại như cũ vì nhà cửa, gia đình anh ấy đều ở đây cả. Nhưng ông hiệu trưởng bảo là không được vì mọi thủ tục đã làm xong rồi. Ở đây đã có người thay thế anh ấy nên không thay được nữa.
- Kì lạ! Bắt nạt người ta quá đáng, chả ra làm sao. Như vậy có nghĩa là anh Không- ga không muốn đi phải không? Tôi cũng nghĩ làm gì có chuyện lạ như vậy?! Làm gì có người hâm đến nỗi chỉ vì tăng thêm năm yên tiền lương mà thích đi đến cái nơi rừng rú, ở chung với khỉ, với vượn như vậy!
- Hâm là thế nào cơ hở thầy?
- Là thế nào cũng được... Cái trò này nhất định do Áo Đỏ bày ra đây. Thật là độc ác. Cứ như là rình để cắn trộm người ta vậy! Hắn nói là sẽ tăng lương cho tôi mà sao dám bảo là nhà trường không có tiền? Vậy lên lương cho tôi là ai lên?
- Thầy được lên lương ấy à?
- Họ bảo sẽ lên lương cho tôi nhưng tôi đang định từ chối đây.
- Sao? Sao thầy lại từ chối?
- Chẳng sao cũng cứ từ chối. Bà biết không? Cái tay Áo Đỏ đó là đồ láo lếu, đồ khốn kiếp.
- Nhưng mà thầy ạ, láo lếu thì mặc láo lếu, nếu họ lên lương cho mình thì mình cứ vui vẻ mà nhận. Tội gì từ chối cho thiệt. Người ta lúc trẻ thì hay nóng nảy, tức giận thế đấy, nhưng đến lúc già, nghĩ lại mới thấy hối tiếc nhiều chuyện. Giá như mình chịu khó kiềm chế một chút. Chỉ vì nóng nảy mà chịu thiệt. Rồi sau này phải hối tiếc là đương nhiên. Thầy hãy nghe lời bà lão này, nếu ông Áo Đỏ ông ấy tăng lương cho thầy thì thầy cứ vui vẻ mà nhận lấy.
- Bà già rồi, không cần phải lo cho tôi như vậy. Tăng lương hay giảm lương thì cũng là lương của tôi chứ không phải là của bà.
Bà cụ im re, không nói năng gì nữa. Ông già thì vẫn thản nhiên hát dân ca. Cái làn điệu mà ông đang ca là một nghệ thuật cố tình gầm gào, uốn éo làm sao cho những lời ca, lẽ ra dễ hiểu trở nên ồm oàm, không ai còn biết là gì nữa. Vậy mà tối nào ông cũng rên rỉ, không biết chán thì lạ thật. Nhưng hát hò không phải là việc của tôi lúc này. Người ta hứa tăng lương cho tôi. Tôi cũng chẳng yêu cầu phải tăng. Nhưng nếu họ thừa tiền không biết để làm gì thì bỏ không cũng phí nên tôi đồng ý nhận. Thế mà đối với người khác, chỉ vì lấy cớ là lên lương cho người ta mà người ta không muốn đi cũng bắt chuyển đi. Làm sao họ có thể đang tâm làm những chuyện tàn nhẫn như vậy. Anh ấy đã nói là tôi cứ ở đây, không cần tăng lương cũng được. Thế mà vẫn tống người ta đến tận cái nơi như No- be- ô- ka là thế nào? Đến như Da- zai- gon- no- so- tsu 2 cũng chỉ bị đầy đến gần Hakata. Còn Ka- wa- i Ma- ta- go- ro thì cũng chỉ mới đến Sa- ga- ra là dừng lại. Nhất định tôi phải đến chỗ Áo Đỏ để từ chối chuyện lên lương mới được. Không thì tức lắm, không chịu nổi.
Xỏ chiếc quần Hakama vải thô vào xong, tôi đến nhà Áo Đỏ. Đứng trước cái cửa ra vào chính rộng mênh mông, tôi gọi thật to. Vẫn thằng em hắn ra làm người liên lạc tiếp khách. Thấy tôi, mắt nó trố ra như muốn hỏi: "Sao, ông lại đến à?" Lại đến nữa thì đã sao. Có việc thì đến bao nhiêu lần chẳng được. Dù cho là đã nửa đêm thì cũng không phải không thể dậy được. Tôi có đến để xin xỏ gì ông hiệu phó đâu mà sợ thiệt. Tôi đến là để trả lại cái tiền lương mà ông ấy hứa tặng cho tôi nhưng tôi không cần.
Thằng em hắn nói là hắn đang có khách. Tôi bảo tôi chỉ cần gặp một chút thôi, ở ngoài cửa ra vào này cũng được. Tôi nói thế, thằng lỏi đi vào trong nhà. Tôi nhìn xuống chỗ để giầy dép, thấy có một đôi guốc có lót cói, thấp tè và chúc mũi. Từ trong nhà, nghe thấy tiếng nói vọng ra "thế thì tuyệt". Tưởng ai, hóa ra khách là Hề Trống. Giọng nói the the ấy với đôi guốc phường chèo này, không hắn thì còn ai vào đây nữa. Một lúc sau, Áo Đỏ cầm đèn đi ra.
- Anh vào trong nhà đi. Anh Yo- si- ka- wa đấy mà.
- Thôi, tôi đứng đây đủ rồi. Tôi có chút việc muốn nói với anh, được không?
Tôi nói và nhìn Áo Đỏ. Mặt hắn đỏ như gà chọi, đúng là hắn và Hề Trống đang uống rượu.
- Lúc nãy anh có nói chuyện là sẽ lên lương cho tôi, nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi không đồng ý nữa. Tôi đến để nói cho anh biết là tôi từ chối việc đó.
Áo Đỏ giơ cái đèn lên phía trước, dòm vào tận mặt tôi. Sự bất ngờ làm cho hắn ngớ ra, không biết trả lời thế nào. Có lẽ hắn không tin nổi ở đời lại có một thằng, người ta tăng lương cho mà lại từ chối không nhận? Hoặc hắn quá ngán ngẩm rằng nếu có từ chối thì làm gì đến nỗi vừa về đến nhà đã vội vàng quay lại ngay như thế? Hoặc là cả hai lí do đó đã làm cho hắn chỉ biết đứng há hốc mồm ra mà không thốt lên được.
- Lúc nãy tôi đồng ý là vì nghe nói anh Không- ga tự ý muốn chuyển đi...
- Đúng là anh Không- ga hoàn toàn tự nguyện xin chuyển đi mà.
- Không phải. Anh ấy muốn ở lại đây, dù lương vẫn như cũ cũng được. Anh ấy muốn ở lại quê mình.
- Anh nghe anh Không- ga nói thế à?
- Không, tôi không nghe trực tiếp anh Không- ga nói.
- Vậy thì nghe ai?
- Bà chủ nhà trọ của tôi. Hôm nay bà ấy nghe mẹ anh Không- ga nói, bà ấy nói lại cho tôi.
- Bà chủ nhà trọ của anh, bà ấy nói thế hả?
- Vâng, đúng thế.
- Vậy thì xin lỗi anh, không phải thế đâu. Nếu anh nói như thế thì nghĩa là anh đã tin lời bà chủ nhà hơn là lời của người hiệu phó, có phải không ạ?
Tôi hơi bí. Đúng là cử nhân văn học có khác. Đang lúng túng như vậy mà hắn quay sang tấn công ngay được. Bố tôi vẫn thường hay nói tôi là "cái thằng này bộp cha bộp chộp, chẳng được cái tích sự gì cả". Ngẫm ra, quả là tôi phổi bò thật. Vừa mới nghe bà chủ nhà nói thế, đã tin ngay và chạy vội đến đây. Không gặp anh Không- ga hay mẹ anh ấy mà hỏi xem thực hư ra sao đã. Bây giờ bị loại cử nhân văn học họ dồn cho như thế này, chẳng còn biết chống đỡ thế nào nữa.
- Tôi cũng không bắt buộc anh phải hiểu. Chỉ biết là tôi từ chối, thế thôi.
- Anh đã không muốn thì tôi cũng không ép buộc anh làm gì. Có điều, chả có lí do gì mà mới chỉ vài ba tiếng đồng hồ, anh đã thay đổi ý kiến nhanh như vậy. Làm như vậy, e rằng không có lợi cho uy tín của anh sau này đâu.
- Không lợi cũng chẳng sao.
- Sao lại chẳng sao nhỉ. Đối với con người ta, cái quý nhất là sự tín nhiệm. Ví dụ bây giờ anh chịu nhịn một bước. Chuyện ông chủ nhà...
- Không phải ông chủ mà là bà già.
- Thì ông già hay bà già cũng vậy. Ví dụ chuyện bà chủ nhà nói với anh là đúng sự thật đi, thì chuyện tăng lương cho anh cũng không phải là do bớt lương của anh Không- ga mà có. Chẳng qua vì anh Không- ga chuyển đi No- be- ô- ka thì người khác sẽ về thay. Người về thay này, lương thấp hơn anh Không- ga một chút, vì thế cái chỗ dôi ra ấy mới có để tăng cho anh. Anh không cần phải ái ngại cho ai cả. Anh Không- ga chuyển đến No- be- ô- ka sẽ được trọng dụng hơn ở đây rất nhiều. Còn người mới đến thì đã chấp nhận mức lương thấp ấy trước khi đến cơ mà. Như vậy thì nếu anh được tăng lương cũng là một dịp may hiếm có. Anh không thích thì cũng được, nhưng có lẽ anh nên về suy nghĩ kĩ lại đi.
Tôi là một thằng chẳng khôn ngoan gì, cho nên những lúc khác, nếu bị đối phương mồm mép khôn khéo dồn cho thế này, thế nào tôi cũng đầu hàng và cho là mình sai thật rồi. Nhưng hôm nay thì không thế. Ngay trước khi đến đây, tôi đã ghét Áo Đỏ lắm rồi. Trên đường đi thì có lúc tôi cũng nghĩ hắn hiền như đàn bà, nhưng lại nghĩ ngay là chẳng phải hiền từ gì đâu và càng tức. Bây giờ thì tôi thấy ghét thực sự.
Cho nên mặc cho hắn trổ hết tài lí luận ra, hắn có ra vẻ ta đây là hiệu phó mà thuyết phục tôi thì cũng vô ích. Chẳng phải cứ ai mồm mép giỏi thì người đó là người tử tế. Người không cãi lại được thì chưa chắc đã là người xấu. Nhìn bề ngoài có tuyệt vời bao nhiêu đi chăng nữa, chưa chắc đã thuyết phục được bên trong con người ta. Nếu dùng tiền của, uy quyền hay lí luận mà mua nổi lòng người thì những kẻ cho vay nặng lãi, bọn cảnh sát hay giáo sư đại học cũng đều được mọi người yêu quý tất. Với cái tài lí luận cỡ hiệu phó trung học của hắn, liệu có thể lung lạc được tôi chăng? Người ta nghe theo hay không là do tình cảm yêu hay ghét mà nghe, chứ đâu phải do nghệ thuật lí luận!
- Anh nói đúng lắm. Nhưng mà tôi không thích lên lương. Tôi từ chối. Có suy nghĩ lại thì cũng thế thôi. Thôi, chào anh, tôi về.
Tôi nói rồi đi ngay.
Bầu trời đầy sao. Dải Ngân Hà kéo một vệt sáng vắt ngang trên đầu.
Chú thích
(1)Ám chỉ câu thơ của Kaga Chiyo 1702- 1775, nhưng trích dẫn sai.
(2)Tức Sugawara no Mitsizane 845- 903, nhà quý tộc, một học giả nổi tiếng thời Hei An, bị thất sủng và bị đày năm 901, chết trong tù. Ngày nay được thờ như một vị thần của học vấn.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Cậu Ấm Ngây Thơ
Natsume Sōseki
Cậu Ấm Ngây Thơ - Natsume Sōseki
https://isach.info/story.php?story=cau_am_ngay_tho__natsume_sseki