Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Rasputin Và Vần Chữ Cái
ôi vừa mới kể cho Klepp bạn tôi và Bruno người coi sóc tôi (cả hai chỉ nghe bằng nửa tai) về trải nghiệm đầu tiên của Oskar với một thời khóa biểu học sinh. Trên tấm bảng đen mà người thợ ảnh dùng làm phông nền truyền thống cho những bức ảnh khổ bưu thiếp chụp những thằng nhỏ sáu tuổi mang cặp sách và Sừng Phồn Thịnh (tôi nói) có ghi dòng chữ: Ngày đầu tiên đi học của tôi.
Dĩ nhiên, chỉ có những bà mẹ đọc được dòng chữ này, họ đứng đằng sau anh thợ ảnh, còn náo nức hơn cả lũ con của họ. Bọn trẻ đứng trước tấm bảng đen, giỏi lắm cũng phải một năm sau mới đọc vỡ được những - chữ ấy, hoặc vào dịp lễ Phục sinh khi nhà trường mở lớp 1 mới, hoặc ngay trên tấm ảnh cũ của chúng. Lúc đó, và chỉ đến lúc đó, chúng mới đọc được rằng những bức ảnh đáng yêu ấy đã được chụp vào ngày đầu tiên chúng đến trường.
Lời chứng đó cho một chặng mới trong đời được ghi bằng kiểu chữ Sütterlin [1] bò suốt chiều ngang tấm bảng đen với những góc cạnh tua tủa. Tuy nhiên, những nét vòng thì lại quá mềm, quá tròn trặn. Thực ra thì kiểu chữ Sütterlin này được chỉ dẫn đặc biệt để dùng cho những phát ngôn hàm súc ngắn gọn, gây ấn tượng, như khẩu hiệu, biểu ngữ chẳng hạn. Và còn có một số tài liệu mà thú thật tôi chưa bao giờ thấy, nhưng tôi hình dung là chỉ có thể viết bằng kiểu chữ Sütterlin: tôi nghĩ đến những giấy chứng nhận tiêm chủng, bằng thể thao và án tử hình viết tay. Ngay từ dạo ấy, tôi đã có thể nhận dạng kiểu chữ Sütterlin tuy tôi không đọc được nó: với lỗ mũi tôi, nét vòng kép ở chữ N viết theo kiểu Sütterlin mở đầu dòng ghi trên bảng đen, có cái mùi hiểm độc của dây gai, nhắc đến giá treo cổ. Ngay cả như thế, tôi vẫn muốn đọc được cụ thể từng chữ, chứ không phải chỉ đoán láng máng thôi. Xin đừng có ai nghĩ rằng sở dĩ tôi nổi trống với khí thế cách mạng và đập kính bạo liệt như thế trong buổi đầu gặp gỡ với Cô Spollenhauer, là do tôi đã thông thạo vần chữ cái. Ồ, không đâu, tôi quá biết rằng cái trực giác của tôi về kiểu chữ Sütterlin là chưa đủ, rằng tôi thiếu cả đến những điều sơ đẳng nhất của kiến thức học đường. Chỉ có điều không may là phương pháp trau dồi kiến thức của Cô Spollenhauer không hấp dẩn đối với Oskar thôi.
Do đó, khi rời trường Pestalozzi, tôi tuyệt nhiên không hề quyết định rằng ngày đầu tiên đi học của tôi cũng là ngày cuối cùng, rằng tôi đã chán ngấy sách, bút cùng những cung cách của các thày, cô giáo. Tuyệt đối không có thể. Ngay cả khi anh thợ ảnh đang ghi lại hình tôi đễ lưu truyền hậu thế, tôi đã nghĩ thầm trong bụng: Đấy, mày đang đứng trước một tấm bảng đen, dưới một dòng chữ chắc là đầy ý nghĩa và có thể báo trước nhiều điều. Mày có thể dựa vào các mẫu tự mà đoán định dòng chữ ấy và gợi lên những liên tưởng như biệt giam, tạm giam, quản chế và đem-treo-cổ-cả-bọn-nó-lên-cùng-một-giá, nhưng mày đâu có đọc được chữ nào. Vậy mà, mặc dù sự dốt đặc của mày khiến mây mù phủ kín bầu trời, mày vẫn quyết tâm không bao giờ đặt chân trở lại ngôi trường có thời gian biểu này nữa. Ôi, Oskar, mày sẽ học vỡ lòng vần chữ cái lớn, nhỏ của mày ở đâu bây giờ?
Thực ra, đối với tôi một vần chữ cái nhỏ cũng là nhiều rồi, nhưng căn cứ vào cái thực tế rành rành không thể chối cãi là sự tồn tại của những kẻ to xác tự xưng mình là người lớn, tôi suy ra rằng đã có vần chữ cái nhỏ, ắt phải có vần chữ cái lớn. Vả chăng, người ta cứ ra rả chứng minh sự tồn tại của một vần chữ cái lớn và một vần chữ cái nhỏ bằng sách giáo lý lớn và sách giáo lý nhỏ, bảng cửu chương lớn và bảng cửu chương nhỏ, và trong những cuộc đi thăm chính thức của các chính khách, tuỳ theo số lượng các vị quyền chức và các nhà ngoại giao có mặt, mà người ta nói đến nghi lễ lớn hay nhỏ.
Mấy tháng tiếp theo, cả Matzerath lẫn mẹ đều không tỏ ra băn khoăn gì về chuyện học hành của tôi. Họ đã thử cho tôi đến trường và về phần họ, cuộc thử nghiệm duy nhất ấy - khá nhục nhã đối với mẹ - là quá đủ rồi. Họ ứng xử hệt như anh Jan Bronski, mỗi khi cúi nhìn tôi lại thở dài và đào bới những chuyện cũ như sự kiện bữa sinh nhật lần thứ ba của tôi. "Cái cửa sập! Tại anh không đóng nó lại, đúng không nào? Anh ở trong bếp và trước đó anh đã xuống hầm, đúng không nào? Anh mang lên một hộp mứt quả để tráng miệng, đúng không nào? Anh đã để ngỏ cửa hầm, đúng không nào?"
Tất cả những điều mẹ buộc tội Matzerath đều đúng, tuy nhiên, như các bạn biết đấy, lại không đúng chút nào. Nhưng ông vẫn cam nhận và thậm chí có khi còn khóc vì tâm hồn ông thi thoảng cũng khá nhạy cảm. Vào những lúc ấy, mẹ và Jan Bronski lại phải dỗ ông, và họ gọi tôi, Oskar đây, là cây thập tự mà họ phải vác, một định mệnh phũ phàng và chắc là không thể đổi thay, một thử thách mà họ không biết vì sao họ phải đương đầu.
Hiển nhiên là không thể trông chờ sự giúp đỡ nào từ phía những người vác thập tự đang chịu thử thách nặng nề và nạn nhân của số phận ấy. Ngay cả anh gái Hedwig, người vẫn thường đưa tôi đến Công viên Steffens chơi nghịch cát với bé gái Marga hai tuổi của anh, cũng không thể làm gia sư cho tôi. Anh ấy tốt tính thật đấy nhưng đần độn như một ngày dài. Cũng không thể trông cậy vào Xơ Inge của anh sĩ Hollatz được, Xơ không tốt tính cũng chẳng đần độn, nhưng Xơ không chỉ có phận sự mở cửa mà thật sự là người phụ tá không thể thiếu của ông anh sĩ và do đó, làm sao có thì giờ dành cho tôi được.
Một ngày mấy bận, tôi lên lên xuống xuống cầu thang của ngôi nhà chung cư bốn tầng - có tới hơn trăm bậc - đến mỗi chiều nghỉ đều dạo trống thỉnh vấn. Tôi ngửi thấy bữa trưa của mười chín hộ thuê nhà có những món gì, nhưng tôi không gõ cửa nhà nào cả: tôi hiểu rằng người thày tương lai của tôi không thể là ông già Heylandt hay anh thợ sửa đồng hồ Laubschad, càng không thể là bà béo Kater hay Mamăng Truczinski mặc dầu tôi rất mến Mamăng.
Ở tầng sát mái có Meyn, nhạc công thổi t’rompét (một loại kèn). Meyn nuôi bốn con mèo và lúc nào cũng say khướt. Anh chơi nhạc nhảy ở tiệm Zingler và những đêm Nô-en, anh cùng năm người khác cũng say như anh vừa lội tuyết vừa chơi những bài thánh ca Giáng sinh chống lại giá rét. Một hôm, tôi bắt gặp anh trên tầng áp mái: anh mặc quần đen, áo sơ-mi trắng dạ hội, nằm ngửa, hai chân trần vần vò một chai rượu gừng đã cạn và trong tư thế ấy, chơi t’rompét hay tuyệt vời. Miệng vẫn ngậm chiếc kèn, anh chỉ khẽ đảo mắt liếc về phía tôi và tin cẩn cho tôi vinh dự làm người đệm trống. Đối với anh, chiếc kèn cũng có giá trị như cái trống đối với tôi. Cuộc song tấu của chúng tôi khiến bốn con mèo của anh phải chuồn lên mái và làm rung cả mấy cái ống máng.
Chơi xong, chúng tôi đặt nhạc cụ xuống và tôi rút từ trong áo nịt ra một số báo Neues Nachrichten cũ, vuốt thẳng ra, ngồi bệt xuống cạnh nghệ sĩ t’rompét Meyn, chìa cái bài tập đọc ấy ra xin anh dạy cho kỳ thuộc vần chữ cái cả lớn lẫn nhỏ.
Nhưng Meyn vừa buông kèn đã lăn ra ngủ tít thò lò. Đầu óc anh chỉ công nhận có ba nơi trao gửi: chai rượu gừng, chiếc kèn t’rompét và giấc ngủ. Quả thật là trong một thời gian dài sau đó - chính xác là cho đến khi anh gia nhập ban nhạc của đoàn kỵ binh SA và tạm thời bỏ rượu - chúng tôi đã thường xuyên song tấu với nhau mà không cần tập trước, rất ngẫu hứng, trong căn gác xép, phục vụ một cử toạ gồm những ống khói, mái ngói, bồ câu và mèo, nhưng chưa bao giờ anh dạy cho tôi điều gì với tư cách là thày giáo.
Tôi cũng đã thử cơ may với Greff-Rau-Quả. Không mang theo trống (vì Greff không thích nó), tôi sang thăm giả nhiều lần trong cái cửa hàng bên kia đường. Tiền đề cho việc học tập toàn diện, đến nơi đến chốn, dường như đã đầy đủ: khắp chỗ trong căn hộ hai phòng, cả trong cửa hàng, dưới và đằng sau quày, cho đến hầm khoai tây tương đối khô ráo, la liệt những sách là sánh, truyện phiêu lưu mạo hiểm, sách hát, Der Cherubinische Wandersmann (Kẻ lãng tử thiên thần), các tác phẩm của Walter Flex, Đời giản dị, Daphnis và Chloé của Wiechert, sách chuyên khảo về nghệ thuật, hàng chồng báo thể thao và những hoạ báo đầy ảnh những thiếu niên gần như khỏa thân, phần lớn (không hiểu vì lẽ gì) đang đuổi theo một trái bóng giữa những cồn cát, phô những bắp thịt bóng nhãy dầu.
Ngay từ hồi đó, Greff đã gặp rắc rối trong việc buôn bán. Các thanh tra của Phòng Cân Đo không hài lòng lắm về những quả cân của giả. Người ta nói đến chuyện gian lận. Greff phải nộp phạt và mua những quả cân mới. Đầu óc giả đang nặng trĩu lo lắng phiền muộn; chỉ còn niềm vui duy nhất là sách báo, những cuộc họp mặt hướng đạo sinh và những cuộc du ngoạn cuối tuần.
Giả đang hí hoáy trên những tấm nhãn ghi giá hàng nên hầu như không để ý thấy tôi vào. Lợi dụng lúc giả đang bận, tôi nhặt ba, bốn miếng các tông trắng vớ một cây bút chì đỏ và, nhằm thu hút sự chú ý của giả, làm ra vẻ hết sức miệt mài chép lại những tấm nhãn kia bằng mẫu tự Sütterlin theo kiểu riêng của tôi.
Nhưng rõ ràng là Oskar quá bé đối với giả, không có nước da trắng và cặp mắt tròn to hợp sở thích của giả. Tôi buông cây chì đỏ, chọn ra một cuốn sách đầy ảnh bán khỏa thân rất hấp dẫn đối với Greff và giả vờ xem rất chăm chú, xoay nghiêng hình các thiếu niên uốn mình hoặc duỗi dài để giả có thể nhìn thấy.
Nhưng khi không có khách hàng nào hỏi mua củ cải đỏ hoặc bắp cải, thì ông chủ tiệm rau quả chỉ để mắt tới những tấm nhãn ghi giá. Tôi cố làm cho giả quan tâm đến sự có mặt của Oskar mù chữ bằng cách đóng sập mạnh bìa cứng hoặc giở nhanh các trang cho kêu soàn soạt.
Nói cho nhanh: Greff không hiểu tôi. Khi có hướng đạo sinh trong cửa hàng - vào buổi chiều, bao giờ cũng có hai, ba cậu đội phó quanh giả - Greff chẳng mảy may để ý đến Oskar. Và khi Greff có một mình, giả có thể cáu tiết nhảy chồm lên, ra lệnh: "Oskar, cháu có để yên cuốn sách đó không nào. Dù sao, cháu cũng không thể hiểu đầu cua tai nheo nó ra sao. Cháu còn quá nhỏ, lại quá đần. Cháu sẽ lảm hỏng sách mất thôi. Cuốn sách này giá hơn sáu florin đấy. Nếu cháu muốn chơi thì kia, vô khối bắp cải và khoai tây đấy."
Giả lấy lại cuốn sách đồi bại từ tay tôi và lật giở từng trang, mặt ráo hoảnh, bỏ lại tôi giữa đám khoai tây cùng mấy đại diện của gia đinh bắp cải - cải trắng, cải đỏ, cải xoăn, cải Bruychxen - trong nỗi cô đơn tội nghiệp vì tôi không mang trống theo.
Còn có cô vợ Greff nữa và sau lần bị ông chồng cự tuyệt, tôi thường tìm đến phòng ngủ của họ. Hồi ấy, Lina Greff đau bệnh nằm lì trên giường hàng tuần liền, hôi rình mùi áo ngủ mục rữa, đôi bàn tay vẫn năng hoạt động nhưng chẳng bao giờ sờ đến một cuốn sách khã dĩ dạy cho tôi được điều gì.
Trong những tuần lễ tiếp theo, Oskar không phải không cảm thấy một chút gì tựa như thèm muốn khi nhìn bọn trẻ cùng lứa tuổi với những cặp sách đeo lủng liểng miếng xốp hoặc giẻ lau bảng. Tuy nhiên, nó nhớ là chưa bao giờ có những ý nghĩ đại loại như: mày làm mày chịu, Oskar ạ, lẽ ra mày phải làm bộ vui vẻ với lề thói nhà trường, lẽ ra mày không nên gây thù chuốc oán với mụ Spollenhauer. Những thằng nhà quê kia đang vượt lên trước mày. Chúng nó đã thuộc làu vần chữ cái lớn hay chí ít cũng thông thạo vần chữ cái nhỏ trong khi mày thậm chí chưa biết cầm tờ báo Neues Nachrichten thế nào cho đúng chiều.
Một chút gì tựa như thèm muốn, tôi vừa mới nói vậy, có thế thôi, không hơn. Chỉ cần thử mùi tí ti là đủ khiến tôi ớn trường học mãi mãi.
Đã bao giờ quý vị thử ngửi những miếng xốp xơ xác, giặt dối dá cột vào những tấm bảng đá học trò tróc lở, những miếng xốp không hiểu bằng cách nào mà lưu cữu được hết thảy mọi mùi của các giờ tập viết, số học, mùi mồ hôi của những thỏi viết bằng đá đen, những thỏi viết thấm nước bọt, rít kèn kẹt, nguệch ngoạc, ngập ngừng? Thỉnh thoảng, khi bọn trẻ trên đường đi học về để cặp xuống đất để chơi bóng đá, tôi thường cúi xuống những miếng xốp lau bảng bốc hơi dưới nắng và chợt nghĩ: nếu quỷ Xatăng có thật, hẳn nách nó cũng có mùi khăn khẳn như thế.
Dứt khoát là nhà trường với những bảng đá đen và xốp lau bảng như vậy chẳng khiến tôi khao khát chút nào. Nhưng mặt khác, sẽ là thái quá nếu nói rằng Gretchen Scheffler, người ít lâu sau đảm nhiệm việc giáo dục Oskar, là sự đáp ứng thoả đáng cho những ước mơ của nó.
Mọi thứ trong nhà vợ chồng Scheffler phía sau cửa hiệu bánh mì ở đường Kleinhammer-Weg đều khiến tôi ghê răng. Những tấm trải giường mang tính trang trí, những cái gối thêu gia huy, những con búp-bê Kathe Kruse rình rập ở các góc đi-văng, những con thú bằng vải lăn lóc khắp nơi, những đồ sứ cần phải nhẹ tay, những đồ lưu niệm từ các chuyến viễn du bày la liệt, những đồ thêu, đan, móc, bện, ren... đang làm dở. Một nơi mùi mẫn hết chỗ nói, điệu đàng, nhỏ hẹp đến ngạt thở, mùa đông thì sưởi ấm quá mức cần thiết, mùa hè thì ngộ độc vì hoa. Tôi thấy chỉ có một cách giải thích duy nhất: Gretchen không có con. Ôi, giá cô có một đứa bé để đan áo cho nó, ôi, cô sẽ sung sướng biết bao nếu có được một bé em xinh xĩnh xình xinh để cô có thể yêu đến kiệt cùng, để quấn tã cho nó bằng những đồ do cô đan, móc, phủ lên nó nào đăng-ten, nào ruy-băng, nào những nụ hôn bằng mũi đan chéo.
Đó là nơi tôi đến học vần chữ cái lớn và nhỏ. Tôi cố gắng hết sức mình để tránh làm vỡ các đồ sứ và đồ lưu niệm. Tôi để cái giọng diệt thủy tinh của tôi ở nhà và mím miệng nhẫn nhịn khi Gretchen phát biểu rằng tôi đánh trống thế là đủ rồi và, với một nụ cười phô hai hàm răng ngựa bịt vàng, cất cái trống khỏi đầu gối tôi, đặt vào giữa đám gấu nhồi bông.
Tôi đánh bạn với hai con búp-bê Kathe Kruse, ghì chúng vào lòng, vuốt ve hàng lông mi che cập mắt lúc nào cũng tỏ vẻ kinh ngạc của chúng, như thể trong cơn si mê cuồng dại. Mục đích của tôi khi phô bày tình yêu (có vẻ rất chân thành chính vì nó hoàn toàn, giả dối) với hai con búp-bê như vậy, là nhằm đan một cái lưới quanh trái tim đan - hai mũi lên hai mũi xuống - của Gretchen.
Kế sách của tôi không đến nỗi dở. Chỉ sau hai lần đến thăm là Gretchen cởi mở trái tim mình, có nghĩa cô tháo nó như tháo một chiếc tất, vạch cho tôi thấy cả một sợi dài nối đi nối lại nhiều chỗ. Cô mở tất cả các tủ và hòm lớn, hòm nhỏ và bày ra các thứ linh tinh, quần áo trẻ sơ sinh, yếm đãi đủ cho một đợt sinh năm, ướm vào người tôi, bắt tôi mặc thử rồi lại cởi ra.
Đoạn cô khoe tôi những huy chương thiện xạ mà Scheffler giành được ở Câu lạc bộ Cựu chiến binh cùng những tấm ảnh đi kèm (một số giống hệt ảnh ở nhà tôi). Thế rồi cô lại quay trở về với mớ quần áo trẻ con và cuối cùng, trong khi tìm một vật be bé xinh xinh - họa có trời biết là cái gì - cô moi ra mấy cuốn sách. Đó chính là điều Oskar nhắm nhe. Nó hết lòng trông chờ cô tìm thấy sách dưới đống tã; nó đã nghe cô nói chuyện về sách với mẹ nó; nó được biết, trong thời gian đính hôn và cả sau khi lấy chồng sớm (họ cưới gần như đồng thời), hai người vẫn háo hức trao đổi sách với nhau và chăm chỉ mượn sách ở thư viện bên cạnh Cung Điện ảnh, hy vọng mở rộng chân trời và tô điểm hào quang cho hai cuộc hôn nhân tiểu chủ - tạp hóa và bánh mì - của họ.
Gretchen chẳng có gì nhiều nhặn để dạy tôi. Giống như mẹ tôi đã bỏ đọc sách vì Jan Bronski, cô cũng thôi không đọc nữa mà dành hết thời gian vào đan lát, hiển nhiên là cô đã đem những cuốn sách đẹp của câu lạc bộ sách (mà cả hai đã là thành viên trong nhiều năm) cho những người còn đọc vì họ không bận đan cũng chẳng có chàng Jan Bronski nào.
Sách dù dở cũng vẫn là sách và thiêng liêng. Những gì tôi tìm thấy ở đó chỉ có thể gọi là sách linh tinh, chắc hắn phần lớn đến từ tủ sách của Theo anh trai cô, người thủy thủ đã hy sinh trên con tàu Dogger-Bank. Bảy hay tám cuốn trong bộ Biên niên ký hàng hải đầy những tàu đã đắm từ lâu, Các cấp bậc trong Hải quân hoàng gia, Paul Beneke, Anh hùng hải quân - những thứ này khó có thể là món ăn tinh thần mà trái tim Gretchen thèm khát. Tôi dám chắc rằng cuốn Lịch sử thành phố Danzig của Erich Keyer và cuốn Một cuộc đấu tranh vì Rôma (kể về một người tên là Felix Dahn chiến đấu với sự trợ giúp của Totila và Teja, Belisarius và Narses) sở dĩ đến mức cũ nát, sờn gáy long bìa như thế này là do bàn tay người anh thủy thủ. Theo tôi, thuộc sở hữu riêng của Gretchen chỉ có một cuốn sách kế toán của Gustav Freytag về Bên có và bên nợ, một cuốn của Goethe Những ái lực chọn lọc [2] và một cuốn dày cộp đầy tranh minh họa mang đầu đề Rasputin [3] và đàn bà.
Sau hồi lâu phân vân - phạm vi lựa chọn quá hạn hẹp nên không thể quyết định nhanh chóng được - tôi nhặt đại lên, trước tiên là quyển Rasputin sau đó là quyển Goethe. Tôi cũng chẳng ý thức được là mình chọn cái gì, mà chỉ nghe theo cái tiếng nói bên trong quen thuộc.
Sự hòa hợp đầy mâu thuẫn giữa hai thứ ấy sau đó đã có ảnh hưởng quyết định đến đời tôi, chí ít là cuộc đời mà tôi muốn sống riêng rẽ khỏi cái trống của mình. Cho đến tận hôm nay - khi mà Oskar, với lòng ham học, đã dần dà cày hết tủ sách của bệnh viện tâm thần - tôi vẫn coi khinh Schiller cùng đồng bọn mười lăm phút, chỉ chao đảo giữa Rasputin và Goethe, giữa pháp sư và học giả của Thế kỷ ánh sáng, giữa con người với tâm địa đen tối chuyên bỏ bùa cho đàn bà và bậc thi bá sáng láng thích để đàn bà bỏ bùa cho mình. Nếu có thời kỳ tôi nghiêng về Rasputin hơn và sợ tính không khoan nhượng của Goethe, thì đó là do một chút nghi ngờ đại loại như thế này: Nếu mày, Oskar, sống và chơi trống vào thời Goethe, hẳn ông ta sẽ nghi là mày phản tự nhiên và lên án mày là hiện thân của phản tự nhiên; còn về cái bản chất tự nhiên quý giá của ông - mà, về cơ bản, mày vẫn luôn ngưỡng mộ và cố noi theo mặc dầu đôi khi nó trương ra những bộ điệu hết sức phản tự nhiên - ông nuôi dưỡng nó bằng bánh mật ong và nếu ông có để mắt đến mày, đồ quỷ con tội nghiệp, thì chỉ là để nện lên đầu mày mấy nện bằng cuốn Faust hoặc một cuốn bự trong bộ Lý thuyết về màu sắc của ông mà thôi.
Nhưng thôi ta hãy trở lại với Rasputin. Với sự trợ giúp của Gretchen Scheffler, ông đã dạy tôi cả vần chữ cái lớn lẫn vần chữ cái nhỏ, dạy tôi biết ân cần với đàn bà và an ủi tôi những khi Goethe xúc phạm tôi.
Cùng một lúc vừa học đọc vừa làm bộ ngu dốt, thật chẳng dễ gì. Thậm chí còn khó hơn cả đóng vai một thằng bé đái dầm như tôi đã từng làm trong nhiều năm. Bởi vì nói cho cùng, việc đái dầm mỗi buổi sáng chỉ đem lại bằng chứng thuần tuý vật chất về một khuyết tật mà thực ra tôi không cần đến. Còn như giả đò ngu dốt có nghĩa là che giấu sự tiến bộ nhanh chóng của mình, là tiến hành một cuộc đấu tranh thường xuyên với niềm tự hào trí tuệ mới chớm. Tôi có thể ngầm nhún vai cho qua chuyện người lớn coi tôi là đứa "dấm đài", nhưng nếu năm này qua năm khác vẫn là một thằng đần dưới mắt họ, điều đó là một xúc phạm đối với Oskar cũng như với người dạy dỗ nó.
Lúc tôi thu hồi được mớ sách dưới đống tã lót, Gretchen mừng rỡ reo lên, cô đã linh cảm thấy thiên chức của mình là nhà giáo. Tôi đã gỡ rối được cho người đàn bà vô sinh tội nghiệp này thoát ra khỏi đống len và làm cho cô hầu như hạnh phúc. Thực ra, cô muốn tôi chọn cuốn Bên có và bên nợ làm sách tập đọc hơn, nhưng tôi một mực không rời Rasputin, đòi hỏi Rasputin khi cô đưa ra một cuốn sách vỡ lòng phổ thông vào buổi học thứ hai của chúng tôi và cuối cùng quyết định lên tiếng khi thấy cô cứ tiếp tục lôi ra những truyện cổ tích như Chú Lùn Mũi dài hay Tôm Bé tí hon. "Rasputin!" tôi kêu lên, hoặc có khi: "Rasusin!" Thi thoảng, Oskar chơi bài ngu tới số: "Rasu, Rasu!" Mục đích ‘là để cô Gretchen hiểu thật rõ rành tôi thích tập đọc cái gì, đồng thời vẫn không biết gì về thiên tài văn học bắt đầu thức dậy nơi tôi.
Tôi học đều đặn và mau chóng, không phải cố gắng gì nhiều lắm. Một năm sau, tôi có cảm giác như mình đang sống ở St. Peterburg; trong những phòng riêng của Sa hoàng, chúa tể của mọi nước Nga, phòng trẻ của hoàng tử Nga thường xuyên đau yếu, giữa những giáo hoàng và những kẻ âm mưu, mục thị chứng kiến những cuộc truy hoan của Rasputin. Câu chuyện hấp dẫn tôi và tôi sớm nhận ra đây là một gương mặt trung tâm. Điều đó thật hiển nhiên bằng vào những tranh khắc đương đại rải rác từ đầu đến cuối sách, minh hoạ Rasputin râu rậm, mắt đen như than giữa những nàng tươi trẻ không mặc gì ngoài đôi tất đen. Cái chết của ông gây sốc mạnh đối với tôi: người ta đầu độc ông bằng bánh ga-tô tẩm thuốc độc và rượu pha thuốc độc; rồi khi ông đòi thêm bánh gatô, họ bèn rút súng lục bắn ông và khi đạn chì trong ngực khiến ông thèm khiêu vũ, họ trói ông lại, thả xuống sông Neva qua một cái lỗ khoét giữa lớp băng. Tất cả những hành động đó đều do đám sĩ quan nam giới làm. Các bà các cô ở thành St. Peterburg ắt chẳng đời nào cho lão Rasputin thân yêu của mình ăn bánh ga-tô tẩm thuốc độc, mặc dầu họ sẵn sàng cho lão bất kỳ cái gì khác mà lão muốn. Cánh phụ nữ đặt lòng tin vào Rasputin, còn cánh sĩ quan thì phải loại bỏ ông nếu họ muốn lấy lại lòng tự tin ở bản thân.
Có gì là lạ nếu không phải chỉ mình tôi khoái chuyện sống và chết của vị pháp sư lực sĩ? Dần dà, Gretchen nhen nhóm lại cái thú đọc sách. Đôi khi, giữa lúc cao giọng đọc, cô bỗng như xụp đổ hoàn toàn; chỉ một từ "truy hoan" cũng đủ làm cô run lên và cô thốt ra hai tiếng đó trong một hơi thở hổn hển; khi cô nói "truy hoan", cô thực sự sẵn sàng vào cuộc truy hoan mặc dù chắc chắn cô chỉ có một ý niệm rất lơ mơ về chuyện đó.
Chuyện xoay ra một hướng sàm tục khi mẹ tôi theo tôi đến phố Kleinhammerweg dự buổi học của chúng tôi trong căn phòng phía trên cửa hiệu bánh mì. Đôi khi, buổi tập đọc biến thành một cuộc truy hoan và cái đó trở nên một mục đích tự thân, bài học của bé Oskar bị quên phắt. Cứ đến câu thứ ba là hai bà lại song tấu cười ngặt nghẽo, cười đến khô cả môi. Dưới ma lực của Rasputin, hai bà mỗi lúc một sáp lại gần nhau hơn; họ bắt đầu ngọ nguậy trên nệm đi - văng và áp đùi vào nhau. Cuối cùng, tiếng cười chuyển thành tiếng rên. Mười hai trang sách Rasputin vào quãng giữa chiều đã đưa đến những kết quả họ không mấy ngờ tới, nhưng lại rất vui vẻ chấp nhận. Dù sao đi nữa, chắc Rasputin cũng không phản đối; trái lại, có thể tin rằng ông sẵn sàng phát không những phước lộc như vậy đời đời.
Chung cuộc, khi cả hai bà vừa "lạy Chúa, lạy Chúa" vừa ngồi lại cho ngay ngắn và bối rối sửa lại tóc tai, mẹ tôi tỏ ra hơi áy náy: "Cậu chắc là bé Oskar không hiểu gì chứ?". "Đừng có ngớ ngẩn," Gretchen trấn an mẹ, “cậu không tưởng nổi là mình đã vất vả như thế nào với nó mà nó học không vào. Thành thật mà nói, nó sẽ không bao giờ biết đọc đâu."
Để chứng minh sự ngu dốt thâm căn cố đế của tôi, cô nói thêm: "Cậu thử tưởng tượng xem, Agnès, nó đã xé nhiều trang ở quyển Rasputin rồi vo lại, thế là mất tăm. Đôi lúc mình cảm thấy muốn bỏ cuộc. Nhưng khi thấy nó xiết bao hạnh phúc với cuốn sách, mình cứ để cho nó xé, nó phá. Mình đã dặn Alex đến Nô-en kiếm cho bọn mình một quyển Rasputin mới."
Như quý vị hẳn đã đoán ra, rất từ từ, trong vòng ba, bốn năm - Gretchen vẫn tiếp tục dạy tôi suốt thời gian ấy và cả ít lâu sau nữa - tôi đã lấy đi được hơn nửa số trang của cuốn Rasputin. Tôi xé từng tờ rất cẩn thận trong khi làm ra vẻ phá hoại bừa bãi, vo nhỏ lại và giấu vào trong áo chui đầu. Rồi khi về nhà, trong cái góc dành riêng để chơi trống, tôi vuốt thẳng lại, xếp thành một chồng và bí mật đọc một mình, không có sự hiện diện của bất kỳ người phụ nữ nào. Tôi cũng làm thế với cuốn Goethe mà cứ bốn buổi một, tôi lại lớn tiếng đòi Gretchen đọc "Goethe". Tôi không muốn chỉ tập trung vào một mình Rasputin vì chẳng mấy chốc tôi đã sớm nhận ra điều này: trên thế gian này, mỗi Rasputin đều có một Goethe của mình, mỗi Rasputin đều kéo theo sau mình một Goethe hoặc nếu quý vị muốn, mỗi Goethe đều kéo theo sau - hoặc thậm chí tạo ra một Rasputin để sau này có thể lên án hắn.
Với cuốn sách không đóng của mình, Oskar rút về căn gác xép ở tầng áp mái hoặc nấp sau những khung xe đạp trong hăng-ga của ông già Heiland, đảo trộn những tờ rời của Rasputin và Những ái lực chọn lọc như đảo bài tây, tạo thành một cuốn sách mới. Nó ngồi đọc cuốn sách đặc biệt đó và mỉm cười ngỡ ngàng nhìn theo nàng Ottilie khoác tay Rasputin, yểu điệu dạo gót qua những khu vườn ở miền Trung nước Đức trong khi Goethe ngồi cạnh một tiểu thư quý tộc, nàng Olga phóng đãng, phóng xe trượt tuyết qua St. Peterburg mùa đông, từ cuộc truy hoan này sang cuộc truy hoan khác.
Nhưng thôi, ta hãy trở về với căn phòng học của tôi ở đường Kheinhammer-Weg. Mặc dù tôi có vẻ như chẳng tiến bộ chút nào, Gretchen vẫn thích thú như cô thiếu nữ khi ở bên tôi. Nhờ có tôi (tuy nhiên, phần nào cũng do bàn tay lông lá vô hình của vị pháp sư Nga), cô tươi trẻ phây phây ra, thậm chí còn truyền cái sinh lực mới tìm thấy sang cả những chậu cây cảnh và xương rồng nữa. Giá trong những năm ấy, thi thoảng Scheffler- thấy nên cất tay khỏi mớ bột bánh mì để nhào thứ bột khác ấm hơi người! Cô Gretchen ắt sẽ sung sướng để cho ông nhào và vần vò mình, đánh với lòng trắng trứng và cho vào lò. Biết đâu chả ra lò được một cái gì. Chưa chừng cuối cùng lại tòi ra một đứa bé cũng nên. Thật đáng tiếc. Lẽ ra cô phải được hưởng niềm vui đó.
Vậy là sau khi say sưa đọc Rasputin, cô ngồi đó, đôi mắt bốc lửa và tóc hơi bù rối; hàm răng ngựa bịt vàng đụng đậy nhưng chẳng có gì nhai và cô thở dài lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, rồi trở nên tư lự. Vì mẹ tôi đã có anh Jan của mình nên không cách nào giúp được cô, phần tiếp theo của công cuộc giáo dục tôi ắt đã có thể kết thúc bi thảm nếu Gretchen không có một trái tim hồ hởi lạc quan.
Có khi cô chạy tọt vào bếp rồi trở lại với cái cối xay cà-phê. Ghì nó như ghì một người tình, cô vừa xay vừa hát với một vẻ say mê rười rượi, "Mắt huyền" hay "Sarafan đỏ", và mẹ tôi cũng hát theo. Đem cặp Mắt huyền vào bếp, cô cho nước vào đun; rồi khi nước sắp sôi trên bếp ga, cô chạy xuống cửa hàng bánh mì và, bất chấp sự phản đối của Scheffler, vơ một lô bánh ngọt mang trở lên, bày lên bàn nào tách đĩa, nào cốc ăn kem, nào âu đựng đường, nào dĩa ăn bánh và rắc hoa păngxê vào những kẽ bàn. Cô rót cà-phê, vừa hát nho nhỏ vài điệu trong nhạc kịch Hoàng tử Nga, vừa mời bánh. "Một chàng thủy thủ đứng trên bờ sông Volga", bánh vòng Francfort rắc mảnh hạnh đào, "Trên ấy có nhiều thiên thần không?" bánh hoa đường trên mặt phủ kem đánh tơi, "dịu dàng biết mấy, dịu dàng biết mấy", và trong khi họ nhai, câu chuyện lại lộn về Rasputin, nhưng bây giờ họ giữ một khoảng cách cần thiết và một khi đã chén bánh đầy tễ, họ thậm chí có thể hoàn toàn chân thành lên án sự thối nát sâu thăm thẳm của đời sống cung đình dưới thời Sa hoàng.
Những năm ấy tôi ăn quá quá nhiều bánh ga-tô. Như quý vị có thể thấy trong những tấm ảnh, tôi không cao thêm chút nào mà chỉ béo phục phịch thôi. Sau những giờ học thừa mứa chất ngọt ở phố Kleinhammer-Weg, tôi thường lẻn vào cửa hiệu nhà chúng tôi và chờ cơ hội. Hễ thấy Matzerath vừa quay đi một cái là tôi lập tức buộc dây vào một miếng bánh mì, nhúng vào thùng cá trích muối cho đến khi ngấm đẫm nước mắm mới kéo lên. Quý vị không thể tưởng tượng được đó là liều thuốc gây nôn tuyệt vời đến thế nào đối với một kẻ đã ăn quá nhiều bánh ngọt. Nhiều khi, với hy vọng gày bớt đi, Oskar nôn vào cầu tiêu nhà mình một lượng ga-tô nhà Scheffler đáng giá tới một florin Danzig. Vào thời bấy giờ, ngần ấy là ối tiền.
Tôi còn trả công dạy dỗ của Gretchen theo một cách khác nữa. Vốn mê đan, móc, khâu, may quần áo trẻ con, cô dùng luôn tôi làm manơcanh tiệm may. Tôi phải mặc thử những cái yếm dãi be bé, những cái mũ be bé, những cái quần be bé và những cái áo măng-tô be bé có hoặc không đính mũ, đủ mọi kiểu, mọi màu, mọi loại vải.
Tôi không biết mẹ tôi hay cô Gretchen, nhân dịp sinh nhật lần thứ tám của tôi, đã biến tôi thành một tiểu Sa hoàng đáng đem xử bắn. Hồi ấy, lòng sùng bái của họ đối với Rasputin đã tới đỉnh.Trên một tấm ảnh chụp hôm ấy, tôi đứng bên cạnh chiếc bánh sinh nhật với tám cây nến không chảy cắm xung quanh; tôi mặc một chiếc áo blu thêu kiểu Nga với một chiếc mũ Cozăc đội lệch trên đầu, hai băng đạn bắt chéo trước ngực, quần trắng ống thụng và ủng ngắn cổ.
Cũng may là cái trống của tôi cũng được phép có mặt trong ảnh. Một điều may mắn nữa là Gretchen- có lẽ theo yêu cầu của tôi - đã may cho tôi một bộ đồ mà nhờ kiểu cắt trang nhã và đầy ái lực chọn lọc của thế kỷ 19, vẫn gợi lên được tinh thần của Goethe trong cuốn album của tôi, do đó chứng thực sự hiện hữu của hai tâm hồn trong lồng ngực tôi và khiến tôi, chỉ với một cái trống duy nhất, mà có thể cùng một lúc ở cả hai nơi: St Peterburg và Weimar, đi tới vương quốc của các Bà Mẹ đồng thời vẫn tiến hành các cuộc truy hoan với các nương nương.
Chú thích:
[1] Kiểu chữ viết chuẩn của Đức do Ludwig Sütterlin phát triển và được dạy ở các trường học từ 1915 đến 1945.
[2] Một trong những tiểu thuyết tiêu biểu của đại văn hào Đức Johann Wolgang Goethe (1749 - 1832) được thai nghén và viết trong khoảng thời gian từ 1807 đến 1809. Đầu đề Die Walilverwaiuhschaffren (Những ái lực chon lọc) là một thuật ngữ vật lý có gốc La-tinh "attractio electiva duplex" mượn từ Từ điển Vật lý của F.S.T. Gehler, và chỉ một hiện tượng hóa học đặc biệt trong đó hai yếu tố kết hợp, dưới tác động của hai yếu tố khác có những đặc tính nhất định, rời nhau ra để hợp với những yếu tố kia. Cuối cùng hình thành hai cặp mới. Trong tác phẩm của Goethe, cặp thứ nhất là đôi vợ chồng Charlolte-Edouard và cặp đến sau "sinh chuyện" là Ouille-Đại Úy. Cuốn sách kết thúc bằng cái chết của Ouille và ít lâu sau của Edouard.
[3] Grigori Elimovich Rasputin (1871 - 1910), pháp sư Nga được triều đình sủng ái. Mặc dù ít học, ông nổi tiếng trong các tầns lớp nông dân như là một thánh nhân. Thời kỳ 1908 – 9, có ảnh hưởng lớn đối với Sa hoàng và hoàng hậu, can thiệp sâu vào chuyện triều chính, nhất là về chính sách giáo hội. Nổi tiếng về "thành tích" với phụ nữ và trụy lạc. Bị một nhóm quý tộc ám sát ngàv 31/12/1910.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc