Rừng Thánh
ip rời cánh đồng anh đang đào xới, bàn tay trái giơ ra trước mặt như bị bong gân.
Anh đi qua hình bù nhìn trong vườn của Hana, cây thập tự treo những lon cá mòi, lên đồi về tòa villa. Anh chụm bàn tay kia lên bàn tay giơ ra trước mặt như để che ngọn lửa nến. Hana gặp anh ở hàng hiên, anh cầm tay nàng áp vào tay mình. Con cánh cam đang bò quanh móng tay út của anh nhanh nhẹn băng qua cổ tay nàng.
Nàng quay trở vào nhà. Bây giờ nàng giơ bàn tay ra trước mặt. Nàng đi qua bếp rồi lên lầu.
Người bệnh quay lại đối diện nàng khi nàng vào phòng. Nàng chạm vào chân ông bằng bàn tay có con cánh cam. Nó rời nàng, di chuyển lên làn da sậm. Tránh tấm khăn trải màu trắng rộng mênh mông, nó bắt đầu cuộc hành trình dài suốt thân hình ông, một điểm màu đỏ rực trên da thịt dường như của núi lửa.
Trong thư viện, hộp ngòi nổ lơ lửng trong không trung, đã bị Caravaggio đẩy khỏi quầy khi anh quay lại vì tiếng hét vui sướng của Hana trong hành lang. Trước khi nó chạm đất, thân hình Kip trượt xuống bên dưới nó, rồi anh chụp nó trong tay.
Caravaggio liếc xuống nhìn mặt anh chàng trẻ tuổi đang thở phì phì.
Anh đột nhiên nghĩ anh nợ Kip một cuộc sống.
Kip bắt đầu cười, không còn e thẹn trước mặt người đàn ông lớn tuổi hơn, tay giơ hộp dây điện.
Caravaggio sẽ nhớ cú trượt ấy. Anh có thể bỏ đi, không bao giờ gặp lại Kip, và anh sẽ không bao giờ quên Kip. Nhiều năm sau này, trên một con đường ở Toronto, Caravaggio sẽ ra khỏi xe taxi, giữ cánh cửa mở cho một người gốc Đông Ấn sắp vào xe, và lúc ấy anh sẽ nghĩ đến Kip.
Bây giờ, anh công binh chỉ ngước mặt cười với khuôn mặt Caravaggio, với trần phòng qua vai Caravaggio.
“Chú biết nhiều về xà rông.” Caravaggio vẫy tay về phía Kip và Hana trong khi anh nói. “Chú có gặp mấy người Ấn ở đầu Đông Toronto. Chú vào trộm trong một căn nhà hóa ra thuộc về một gia đình Ấn. Họ thức dậy, ra khỏi giường, quấn trong những tấm vải gọi là xà rông để ngủ, và nó làm chú tò mò. Họ và chú nói chuyện rất nhiều, cuối cùng họ thuyết phục được chú mặc thử xà rông. Chú cởi quần áo, quấn xà rông, và họ lập tức nhào vào chú rồi rượt chú gần như trần truồng chạy trong đêm.”
“Chuyện ấy có thật không?” Nàng cười. “Một trong nhiều chuyện có thật!”
Nàng biết rõ về anh, nên nàng gần như tin vào câu chuyện. Trong lúc ăn trộm, Caravaggio thường xuyên bị lạc hướng vì những yếu tố con người. Lẻn vào một căn nhà lúc Giáng sinh, anh sẽ bực mình nếu anh để ý lịch Giáng sinh chưa được lật đến đúng ngày. Anh thường trò chuyện với những con vật nuôi bị bỏ lại một mình trong nhà, hùng hồn thảo luận các bữa ăn với chúng, cho chúng ăn những khẩu phần hậu hĩ, và thường được chúng vui mừng chào đón nếu anh trở lại nơi phạm tội.
Nàng đến trước những kệ sách trong thư viện, mắt nhắm lại, rút đại một cuốn sách. Nàng tìm thấy khoảng trống giữa hai phần của một cuốn thơ và bắt đầu viết vào đấy.
Anh ấy nói Lahore là một thành phố cổ. So với nó, London là thành phố mới. Tôi nói, Chao ơi, em đến từ một đất nước mới hơn nữa. Anh ấy nói họ đã biết về thuốc súng từ lâu. Ngay từ thế kỷ XVII, đã có những bức tranh trong hoàng cung ghi lại cảnh pháo bông.
Anh ấy nhỏ người, không cao hơn tôi mấy. Lúc anh cười, nụ cười gần gũi thân mật của anh có thể quyến rũ mọi thứ. Anh không để lộ bản tính cứng cỏi. Ông người Anh nói anh là một trong những vị thánh chiến sĩ. Nhưng anh có một chất tếu riêng, ồn ào hơn bề ngoài của anh. Nhớ câu “Sáng mai anh sẽ nối lại dây cho ông ấy." Ô là la!
Anh ấy nói Lahore có mười ba cổng - mang tên những vị thánh và hoàng đế hoặc nơi cổng dẫn đến.
Chữ bungalow[83] bắt nguồn từ chữ Bengali.
Lúc bốn giờ chiều, họ nai nịt Kip và hạ anh xuống hố cho đến khi anh ngập đến eo trong làn nước bùn, người anh quấn quanh thân trái bom Esau. Từ vây đến mũi, trái bom cao hơn ba mét, mũi bom ngập trong bùn cạnh chân anh. Bên dưới làn nước màu nâu, đùi anh kẹp ngang vỏ bom bằng kim loại, tựa như cách anh đã thấy những người lính ôm phụ nữ trong góc một sàn nhảy của NAAFI. Khi tay anh mỏi, anh đặt chúng lên dàn gỗ chống cao ngang vai anh, dùng để ngăn không cho bùn sụp xuống quanh người anh. Lính công binh đã đào hố quanh trái bom Esau và dựng những vách tường bằng khung gỗ trước khi anh đến địa điểm. Năm 1941, bom Esau với ngòi nổ Y loại mới đã bắt đầu xuất hiện, đây là trái bom thứ hai của anh.
Trong những buổi họp kế hoạch, họ đã quyết định rằng cách duy nhất để đối phó với ngòi nổ mới là vô hiệu hóa nó. Đây là một trái bom khổng lồ trong tư thế đà điểu, đầu chúi xuống đất. Anh để chân trần xuống hố, đã đang từ từ lún xuống, chôn trong đất sét, không thể bám chân xuống đấy trong làn nước lạnh. Anh không mang giày bốt - chúng sẽ lún chặt trong đất sét, và khi họ dùng ròng rọc kéo anh lên, cú giật có thể làm gẫy cổ chân anh.
Anh áp má trái vào lớp vỏ kim loại, cố hình dung mình đang ấm áp, tập trung vào chút ánh nắng lọt xuống dưới hố sâu hơn sáu mét và rơi lên gáy anh. Vật anh đang ôm có thể nổ bất cứ lúc nào, khi nào những cái cần gạt rung lên, khi nào bộ phận phát lửa khởi động. Không có phép màu hoặc tia X để báo hiệu lúc nào một cái ống nhỏ vỡ, lúc nào một sợi dây điện ngừng rung. Những tín hiệu cơ khí nhỏ nhoi ấy như tiếng trái tim thì thầm hoặc một cơn tai biến não bên trong người đàn ông đang vô tư băng qua đường trước mặt bạn.
Anh đang ở thị trấn nào? Anh không nhớ nổi. Anh nghe một giọng nói và ngước nhìn lên. Hardy chuyền dụng cụ xuống trong cái túi da cột vào đầu một sợi dây thừng, cái túi treo lơ lửng ở đấy trong khi Kip nhét những cái kìm và đồ nghề khác nhau vào mấy túi áo chẽn anh đang mặc. Anh đang âm ư bài Hardy đã hát trong xe jeep trên đường đến địa điểm:
Họ đang đổi lính canh ở cung điện Buckingham…
Christopher Robin đi xuống với Alice.[84]
Anh lau khô chỗ ngòi nổ rồi bắt đầu nặn đất sét thành hình chén bao quanh ngòi nổ. Rồi anh mở bình, đổ oxygen lỏng vào chén. Anh dán chặt cái chén vào mặt kim loại. Giờ đây anh lại phải chờ.
Khoảng không gian giữa anh và trái bom rất hẹp, nên anh đã bắt đầu cảm thấy nhiệt độ thay đổi. Nếu anh ở trên đất khô, anh có thể bỏ đi và trở lại trong vòng mười phút. Giờ thì anh phải đứng đây cạnh trái bom. Họ là hai tạo vật đáng ngờ trong một khoảng không gian kín. Đại úy Carlyle đang làm việc trong một đường hầm với oxygen lỏng thì cả hố đột nhiên bốc cháy. Họ nhanh chóng kéo anh ta ra, đã bất tỉnh trong dây nịt của mình.
Anh đang ở đâu? Lisson Grove? Đường Old Ken?
Kip nhúng bông gòn vào nước bùn, chạm nó vào vỏ bom cách ngòi nổ khoảng hai tấc rưỡi. Nó rời ra, có nghĩa là anh phải đợi lâu hơn. Khi miếng bông gòn dính, nghĩa là khu vực chung quanh ngòi nổ đã đóng băng đúng mức và anh có thể tiếp tục. Anh đổ thêm oxygen vào cái chén.
Bây giờ bán kính của lớp băng đang lan ra là khoảng ba tấc. Một vài phút nữa. Anh nhìn mảnh giấy ai đó đã dán vào trái bom. Họ đã cười nhiều khi đọc nó sáng nay trong bộ đồ nghề cập nhật gửi đến tất cả các đơn vị gỡ bom.
Khi nào một vụ nổ là hợp lý?
Nếu cuộc sống của một người là X, rủi ro là Y, ước lượng thiệt hại của vụ nổ là V, thì một nhà lý luận học có thể tranh luận rằng nếu V nhỏ hơn X chia cho Y, thì nên cho trái bom nổ; nhưng nếu V chia cho Y lớn hơn X, nên cố gắng tránh vụ nổ tại chỗ.
Ai viết những lời ấy?
Lúc này anh đã ở trong hố với trái bom hơn một giờ. Anh tiếp tục đổ thêm oxygen lỏng vào chén. Ngang vai anh, phía bên phải, là một cái ống bơm không khí bình thường xuống để ngừa anh bị say oxygen. (Anh đã nhìn thấy binh lính bị mệt vì say rượu dùng oxygen để chữa nhức đầu.) Anh dùng bông gòn thử lần nữa và lần này nó dính. Anh có khoảng hai mươi phút. Sau đó nhiệt độ của bộ pin trong trái bom sẽ lại tăng lên. Nhưng tạm thời bây giờ ngòi nổ đã đóng băng và anh có thể bắt đầu gỡ nó ra.
Anh vuốt lòng bàn tay trên vỏ bom để xem lớp kim loại có bị rách không. Phần vỏ bom ngâm trong nước sẽ là an toàn, nhưng oxygen có thể bắt lửa nếu nó chạm vào thuốc nổ. Sai lầm của Carlyle. X chia cho Y. Nếu có chỗ rách đáng lẽ họ phải dùng nitrogen lỏng.
“Bom một tấn Esau, thưa sếp.” Giọng Hardy từ trên mặt hố bùn.
“Dấu hiệu đề loại năm mươi, trong vòng tròn, B. Thông thường có hai túi ngòi nổ. Nhưng chúng ta nghĩ ngòi thứ hai không được nối. Rõ chứ?”
Họ đã bàn thảo với nhau tất cả chuyện này trước đấy, nhưng họ đang xác nhận và nhớ mọi thứ lần cuối.
“Bây giờ thì gài microphone cho tôi rồi lùi lại.” “Rõ, thưa sếp.”
Kip mỉm cười. Anh nhỏ hơn Hardy mười tuổi, không phải là người Anh, nhưng Hardy vui sướng nhất bên trong lớp kén của kỷ luật quân đội. Lúc nào lính cũng ngập ngừng khi nói “thưa sếp” với anh, nhưng Hardy hét ra tiếng ấy to và hăng hái.
Anh đang làm việc nhanh để cạy ngòi nổ ra trong lúc tất cả bộ pin không hoạt động.
“Anh có nghe rõ tôi không? Huýt sáo đi… Được rồi, tôi nghe rồi. Tôi đang đổ oxygen lần cuối cùng. Sẽ để nó sủi bọt ba mươi giây. Rồi bắt đầu. Thêm lớp băng đóng mới. Rồi, tôi sẽ tháo cái chặn… Rồi, cái chặn đã được tháo ra.
Hardy đang lắng nghe và ghi chép tất cả, phòng khi có chuyện chẳng lành xảy ra. Một tia lửa thôi, Kip sẽ ở trong hố ngập lửa. Hoặc có thể trái bom có một trò đùa. Người kế tiếp sẽ phải cân nhắc những lựa chọn khác.
“Tôi sẽ dùng chìa khóa chủ.” Anh rút nó ra khỏi túi áo ngực. Nó lạnh và anh phải chà xát cho nó ấm. Anh bắt đầu tháo vòng khóa của trái bom. Nó chuyển động dễ dàng và anh bảo Hardy như thế.
“Họ đang đổi lính gác ở cung điện Buckingham”, Kip huýt sáo. Anh kéo vòng khóa và vòng định chỗ ra, thả chúng chìm xuống nước. Anh có thể cảm thấy chúng lăn chầm chậm dưới chân anh. Bốn phút nữa mọi chuyện sẽ xong.
“Alice sẽ thành hôn với một lính gác. ‘Đời lính khổ cực quá lắm’, Alice nói!”
Anh đang hát lớn lên, cố gắng làm thân thể ấm hơn, ngực anh lạnh buốt. Anh vẫn đang cố dang xa lớp kim loại đông đá trước mặt anh. Và anh phải luôn đưa hai bàn tay ra sau gáy, nơi ánh nắng vẫn chiếu đến, rồi xoa chúng cho sạch bùn dơ và dầu mỡ và băng đá. Dùng ống kẹp để giữ chặt đầu ngòi nổ không phải là dễ. Rồi anh kinh hoảng thấy đầu ngòi nổ tách rời ra hoàn toàn.
“Sai rồi, Hardy. Cả đầu ngòi nổ đứt rời ra. Nói chuyện với tôi nhé, rõ chưa? Thân chính của ngòi nổ bị kẹt dưới kia, tôi không với đến được. Không có cái gì lộ ra ngoài để tôi có thể nắm lấy.”
“Lớp băng đá đang ở đâu?” Hardy ở ngay phía trên anh. Hardy mất vài giây để chạy bay đến hố.
“Sáu phút nữa băng sẽ tan.”
“Sếp lên đây đi, chúng ta sẽ cho nó nổ.” “Không được. Chuyền cho tôi thêm oxygen.”
Anh giơ tay phải lên và cảm thấy cái bình lạnh lẽo được đặt vào đấy.
“Tôi sẽ nhỏ bùn dơ lên chỗ hở của ngòi nổ - chỗ đầu ngòi đã rời ra - rồi tôi sẽ cắt lớp kim loại cho đến khi tôi có thể nắm lấy cái gì đó. Lùi lại đi. Tôi sẽ nói cho anh nghe.”
Anh suýt nổi cáu vì chuyện đã xảy ra. Bùn dơ, tên họ gọi oxygen, đổ ra đầy quần áo anh, kêu xèo xèo khi nó chạm vào nước. Anh đợi cho lớp băng đá xuất hiện và bắt đầu dùng một cái đục cắt lớp kim loại. Anh đổ thêm oxygen, đợi, rồi đục sâu hơn. Khi không có gì rời ra, anh xé một mảnh áo sơ mi, nhét nó giữa lớp kim loại và cái đục, rồi bất chấp nguy hiểm dùng búa nện vào cái đục, đập vỡ những mảnh vụn. Lần vải áo sơ mi anh đang mặc là lớp an toàn duy nhất bảo vệ anh nếu có tia lửa xẹt. Vấn đề nghiêm trọng hơn là ngón tay anh bị lạnh. Chúng không còn linh động, trơ ra như bộ pin trong trái bom. Anh tiếp tục cắt ngang vào lớp kim loại chung quanh đầu ngòi nổ đã mất. Cạo nó ra từng lớp, hy vọng sự đông đá sẽ khiến cách mổ xẻ này an toàn. Nếu anh cắt thẳng xuống, thì có thể anh sẽ đập vào nắp gõ dùng để mồi bộ phận phát lửa.
Chuyện này xảy ra trong vòng năm phút. Hardy không rời khỏi miệng hố, thay vì thế cho anh biết thời gian ước lượng cho đến lúc lớp băng tan. Nhưng thật ra cả hai không ai có thể biết chắc. Vì đầu ngòi nổ đã gẫy, họ đang làm đông đá một chỗ khác, và đối với anh, làn nước dù lạnh vẫn ấm hơn mặt kim loại.
Rồi anh nhìn thấy một thứ gì đấy. Anh không dám đục lỗ thủng rộng thêm. Chỗ nối mạch run run như một sợi tua bạc. Phải chi anh có thể với tới nó. Anh cố xoa tay cho ấm lên.
Anh thở ra, bất động trong vài giây, rồi dùng kìm nhỏ cắt đôi mối nối trước khi anh hít vào trở lại. Anh thở hắt ra khi cái lạnh giá buốt làm bỏng một phần tay anh trong lúc anh rút tay khỏi những mạch điện. Trái bom đã bị vô hiệu hóa.
“Ngòi nổ đã tháo. Bộ phận phát lửa tắt. Hôn tôi đi nào.” Hardy đã bắt đầu quay trục dây cuốn và Kip đang cố gắng tự gài mình vào dây ràng; anh hầu như không làm được vì vết bỏng và cái lạnh, tất cả bắp thịt anh nhiễm lạnh. Anh nghe tiếng ròng rọc giật và chỉ nắm chặt những sợi dây da vẫn chưa cột xong quanh người anh. Anh bắt đầu cảm thấy đôi chân da nâu của mình được kéo ra khỏi vòng siết của bùn, di chuyển như một cái xác người cổ đại được mang ra khỏi đầm rêu. Hai bàn chân nhỏ nhắn của anh nổi lên trên mặt nước. Anh trồi lên, được nhấc ra khỏi hố vào ánh nắng, đầu và rồi thân mình.
Người anh treo ở đấy, quay chầm chậm dưới khung cọc gắn ròng rọc. Giờ đây Hardy vừa ôm choàng lấy anh vừa gỡ khóa dây ràng cho anh để thả anh ra. Đột nhiên anh nhìn thấy một đám đông đang theo dõi họ cách đấy khoảng hai mươi mét, quá gần, thật quá gần, so với khoảng cách an toàn; nếu bom nổ họ sẽ bị tiêu diệt. Nhưng dĩ nhiên Hardy không có ở đấy để chặn họ lại.
Họ lẳng lặng nhìn anh, một người Ấn, bám trên vai Hardy, gần như không thể bước trở lại xe jeep với tất cả dụng cụ - đồ nghề và bình và chăn và máy thu âm, vẫn xoay mình lắng nghe tiếng hư không dưới hố.
“Tôi đi không nổi.”
“Chỉ đến xe jeep thôi. Vài mét nữa thôi, thưa sếp. Tôi sẽ thu dọn mọi thứ còn lại.”
Họ bước chậm chạp, chốc chốc lại ngừng. Họ phải đi qua những khuôn mặt đang nhìn họ chằm chằm, nhìn người đàn ông da nâu mảnh mai, không mang giày, trong chiếc áo chẽn ướt, nhìn khuôn mặt phờ phạc không nhận ra hay thừa nhận bất cứ điều gì, bất cứ ai trong số họ. Tất cả im lặng. Chỉ lùi lại nhường lối cho anh và Hardy. Đến xe jeep, anh bắt đầu run. Mắt anh không chịu được ánh sáng phản chiếu từ kính xe. Hardy phải nhấc và đỡ anh vào ghế bên cạnh tài xế.
Khi Hardy rời khỏi, Kip chậm chạp cởi cái quần ướt và quấn mình trong chăn. Rồi anh ngồi đấy. Lạnh và mệt đến nỗi không vặn mở được bình thủy đựng nước trà nóng trên ghế bên cạnh anh. Anh nghĩ: ở dưới ấy thậm chí mình không sợ hãi. Mình chỉ cáu - vì lỗi lầm của mình, hoặc khả năng trái bom có một trò đùa. Phản ứng của một con thú để bảo vệ chính mình.
Giờ đây, anh nhận ra, chỉ có Hardy giữ cho anh còn nhân tính.
Khi có một ngày trời nóng ở villa San Girolamo, họ gội đầu, đầu tiên gội bằng dầu hôi để giết chấy nếu có, rồi bằng nước. Nằm ngửa, tóc trải ra, mắt nhắm tránh ánh nắng, Kip bỗng có vẻ dễ tổn thương. Trong tư thế yếu đuối này, anh có một nét e thẹn, nhìn anh giống một xác chết trong thần thoại hơn bất cứ vật gì sống động hoặc thuộc về loài người. Hana ngồi cạnh anh, mái tóc nâu đậm của nàng đã khô. Đây là những lúc anh sẽ nói về gia đình anh và người anh trai trong tù.
Anh sẽ ngồi dậy, hất mái tóc về phía trước, rồi bắt đầu dùng khăn lông xoa suốt chiều dài của nó. Nàng tưởng tượng ra tất cả châu Á qua những cử chỉ của người đàn ông này. Dáng chuyển động chậm rãi, nét tao nhã thầm lặng của anh. Anh nói đến những vị thánh chiến sĩ và bây giờ nàng cảm thấy anh là một trong những vị thánh ấy, nghiêm khắc và lý tưởng, chỉ trong những lúc trời nắng hiếm hoi này mới tạm thời không còn là thần thánh, giản dị, đầu anh ngả lại xuống bàn để mặt trời có thể hong khô mái tóc anh trải ra như những hạt lúa trong giỏ rơm hình quạt. Mặc dù anh là một người Á châu, trong những năm cuối cùng của cuộc chiến anh đã nhận lấy những người cha Anh quốc, theo lề luật của họ như một đứa con trai hiếu thảo.
“À, nhưng anh của anh nghĩ rằng anh là một thằng ngốc vì tin người Anh.” Anh quay lại phía nàng, đôi mắt lấp lánh nắng. “Anh ấy nói một ngày kia anh sẽ sáng mắt ra. Châu Á vẫn chưa phải là một lục địa tự do, và anh ấy kinh hoảng vì bọn anh hăng hái quăng mình vào trong những cuộc chiến của người Anh. Đấy là chuyện bọn anh vẫn thường tranh cãi. Anh của anh cứ nói ‘Một ngày kia em sẽ sáng mắt ra’.”
Anh công binh nói điều này trong lúc mắt anh nhắm chặt, giễu cợt ngụ ý trong câu nói‎. “Anh nói, Nhật Bản là một phần của châu Á, và người Nhật đã đối xử tàn bạo với người Sikh ở Mã Lai. Nhưng anh của anh bỏ qua chuyện ấy. Anh ấy bảo bây giờ người Anh treo cổ những người Sikh tranh đấu cho độc lập.”
Nàng quay đi, khoanh hai tay lại. Những hận thù của thế giới. Những hận thù của thế giới. Nàng bước đi trong bóng tối giữa ban ngày của tòa villa, đến ngồi bên ông người Anh.
Ban đêm, khi nàng thả tóc anh xuống, anh lại là một chòm tinh tú khác, những cánh tay của hàng ngàn xích đạo trên gối anh, những gợn sóng của chúng giữa họ, trong vòng tay ôm và những xoay trở của họ trong giấc ngủ. Nàng ôm một nữ thần Ấn trong tay, nàng ôm lúa mì và dải lụa. Khi anh cúi xuống người nàng, mái tóc anh tuôn chảy. Nàng có thể cột nó quanh cổ tay mình. Khi anh chuyển động, mắt nàng mở để thấy ánh điện xẹt trong tóc anh giữa bóng tối của cái lều.
Lúc nào anh cũng di chuyển tương đối với mọi vật, bên cạnh tường, hàng giậu ở ban công. Anh nhìn lướt chung quanh. Khi anh nhìn Hana, anh thấy một mảng khuôn má gầy của nàng tương đối với khung cảnh đằng sau. Như anh nhìn đường bay vòng cung của chim hồng tước bằng khoảng cách nó rời xa mặt đất. Anh đã đi dọc lên nước Ý với cặp mắt cố gắng nhìn tất cả, ngoại trừ những gì thuộc về con người hoặc tạm thời.
Một điều anh không bao giờ xét đến là chính mình. Chiếc bóng của anh, hoặc cánh tay anh với đến lưng ghế, hoặc hình phản chiếu của anh trong một khung cửa sổ, hoặc họ nhìn anh như thế nào. Trong những năm chiến tranh, anh đã học được rằng điều an toàn duy nhất là chính mình.
Anh ở bên ông người Anh nhiều giờ, ông gợi anh nhớ đến cây linh sam anh nhìn thấy ở Anh quốc. Một cành bệnh hoạn của nó, quá nặng nề vì tuổi tác, được một cây khác chống đỡ. Nó đứng trong vườn của Huân tước Suffolk bên bờ vách đá, nhìn ra eo biển Bristol như một tên lính canh. Mặc dù nó yếu ớt, anh cảm thấy sinh vật trong cây cao thượng, với một ký ức có sức mạnh vượt ra ngoài bệnh hoạn.
Anh không có gương soi. Anh quấn khăn xếp ở ngoài trời trong khu vườn của anh, nhìn quẩn quanh lớp rêu trên cây cối. Nhưng anh để ý vết kéo cắt trên tóc Hana. Anh quen hơi thở của nàng khi anh áp mặt vào người nàng, ở chỗ khúc xương đòn gánh khiến da nàng trắng hơn. Nhưng nếu nàng hỏi anh mắt nàng màu gì, mặc dù anh đã yêu mến nàng, nàng nghĩ anh sẽ không nói được. Anh sẽ cười và đoán, nhưng nếu nàng, mắt đen, nhắm mắt và nói nàng mắt xanh, anh sẽ tin lời nàng. Anh có thể chăm chú nhìn những đôi mắt nhưng không ghi nhận chúng màu gì, như thức ăn đã vào cuống họng hoặc bao tử anh chỉ là cấu trúc hơn là mùi vị hoặc một vật rõ rệt.
Khi người nào đó nói, anh nhìn cái miệng chứ không nhìn đôi mắt và màu mắt, anh thấy dường như chúng luôn thay đổi tùy theo ánh sáng của căn phòng, theo giờ phút trong ngày. Cái miệng biểu lộ sự bất an hoặc tự mãn hoặc bất cứ điểm nào trong quang phổ cá tính. Đối với anh, nó là khía cạnh tinh tế nhất của khuôn mặt. Anh không bao giờ biết chắc đôi mắt biểu lộ điều gì. Nhưng anh có thể đọc được cách cái miệng tối lại thành tàn nhẫn, hoặc gợi ý dịu dàng. Người ta thường có thể xét lầm đôi mắt vì phản ứng của chúng với một tia nắng bình thường.
Anh thu góp lại tất cả như một phần của khúc hòa âm biến chuyển. Anh nhìn thấy nàng trong những giờ những chốn khác nhau và chúng biến đổi giọng nói hoặc bản chất của nàng, thậm chí sắc đẹp của nàng, như cách năng lực trong lòng đại dương ôm ấp hoặc sai khiến định mệnh của những chiếc thuyền cứu đắm.
Họ có thói quen dậy lúc rạng đông và ăn tối trong ánh sáng cuối cùng còn sót lại. Suốt buổi tối, chỉ có một ngọn nến tỏa ánh sáng vào bóng tối bên cạnh bệnh nhân người Anh, hoặc ngọn đèn dầu lưng nửa nếu Caravaggio xoay xở kiếm được dầu. Nhưng những hành lang và phòng ngủ khác chìm trong bóng tối, như trong một thành phố bị chôn vùi. Họ trở nên quen bước đi trong bóng tối, tay giơ ra, chạm những đầu ngón tay vào tường bên này hoặc bên kia.
“Không còn ánh sáng. Không còn sắc màu.” Hana hát đi hát lại một mình câu này. Phải làm cho Kip bỏ thói quen đáng sợ vịn một tay lên lan can cầu thang để trượt xuống. Nàng tưởng tượng hai chân anh bay trong không trung và đá vào bụng của Caravaggio vừa trở về.
Nàng đã thổi tắt ngọn nến trong phòng ông người Anh một giờ trước đấy. Nàng đã cởi giày tennis, áo đầm của nàng mở nút ở cổ vì cái nóng mùa hè, hai tay áo cũng không cài nút và lỏng lẻo, kéo cao lên cánh tay. Nét cẩu thả dễ thương.
Ở tầng chính của phần tòa nhà bên này, ngoài nhà bếp, thư viện và giáo đường nhỏ bỏ trống, là một khoảnh sân trong nhà bao quanh bằng kính. Bốn bức tường kính với một cánh cửa kính dẫn vào một cái giếng đậy kín và những kệ đựng những cây đã chết, những cây hẳn đã có thời nở rộ trong căn phòng được sưởi ấm. Mảnh sân trong nhà này càng lúc càng làm nàng nhớ đến một cuốn sách mở ra để lộ những cánh hoa ép, một thứ người ta liếc nhìn khi đi ngang qua, không bao giờ bước vào.
Hai giờ sáng.
Hai người vào tòa villa bằng hai lối khác nhau, Hana bằng lối vào giáo đường nhỏ bên cạnh ba mươi sáu bậc thang, anh từ sân phía bắc. Khi anh bước vào nhà, anh cởi đồng hồ và luồn nó vào trong một hốc tường cao ngang ngực, trong hốc là một tượng thánh nhỏ. Thánh bảo hộ của bệnh viện ở tòa villa này. Nàng sẽ không nhìn thấy ánh lân tinh. Anh đã cởi giày và chỉ mặc quần. Anh đã tắt ngọn đèn buộc vào tay anh. Anh không mang gì khác, chỉ đứng đấy một lúc trong bóng tối, một chàng trai mảnh dẻ, một cái khăn xếp sẫm màu, vòng kara lỏng lẻo quanh cổ tay anh chạm vào làn da. Anh dựa vào góc tường như một ngọn giáo.
Rồi anh lướt qua khoảng sân trong nhà. Anh vào bếp, lập tức cảm nhận con chó trong bóng tối, bắt nó rồi cột nó vào cái bàn bằng một sợi thừng. Anh lấy lon sữa đặc trên kệ bếp rồi trở lại phòng kính trong khoảng sân trong nhà. Anh lần tay dọc theo phía dưới bệ cửa và tìm thấy những khúc cây nhỏ dựa vào đấy. Anh vào sân, đóng cửa sau lưng anh, và lúc nó sắp đóng hẳn, anh thò tay dựng những khúc cây vào cửa trở lại. Phòng trường hợp nàng đã nhìn thấy chúng. Rồi anh leo xuống giếng. Anh biết khoảng một mét bên dưới giếng có một thanh ngang vững chãi. Anh đóng nắp miệng giếng, co người ngồi đấy, tưởng tượng nàng đang đi tìm anh hoặc đang ẩn trốn. Anh bắt đầu mút lon sữa đặc.
Nàng ngờ rằng anh sẽ làm như vậy. Đến thư viện, nàng bật ngọn đèn trên tay nàng, bước cạnh những kệ sách từ cổ chân nàng vươn lên đến chiều cao nàng không nhìn thấy. Cửa đóng, vì thế một người đứng trong hành lang sẽ không nhìn thấy tia sáng đèn. Anh chỉ có thể nhìn thấy vầng sáng phía bên kia cánh cửa kiểu Pháp nếu anh đứng ngay trước cửa. Nàng bước đi, hai, ba bước lại dừng chân, tìm một lần nữa trong những cuốn sách hầu hết là sách Ý một cuốn sách tiếng Anh lạc loài nàng có thể mang đến cho bệnh nhân người Anh. Nàng đã dần dà yêu những cuốn sách với gáy sách kiểu Ý, những trang đầu sách, những hình minh họa được phủ một lớp giấy mỏng dán trong sách, mùi của chúng, thậm chí tiếng kêu rắc khi người ta mở chúng ra quá nhanh, như thể làm vỡ một chuỗi xương bé xíu vô hình. Nàng ngừng lại một lần nữa. Tu viện thành Parma.
“Nếu có ngày anh hết khó khăn”, anh nói với Clelia, “anh sẽ đến thăm những bức tranh đẹp ở Parma, và rồi xin em đoái tưởng một cái tên: Fabrizio del Dongo”.
Caravaggio nằm trên thảm đầu bên kia thư viện. Từ chỗ tối của anh, dường như cánh tay trái của Hana là lân tinh thô, chiếu sáng những cuốn sách, phản chiếu ánh đỏ lên mái tóc thẫm màu của nàng, nổi rực lên mặt vải chiếc áo đầm của nàng và tay áo phồng lên ở vai.
Anh ra ngoài giếng.
Ánh sáng tỏa ra từ cánh tay nàng khoảng một mét rồi bị nuốt vào bóng tối, thế nên Caravaggio cảm thấy ở giữa họ là một thung lũng bóng tối. Nàng kẹp cuốn sách bìa màu nâu dưới cánh tay phải. Khi nàng cử động, những cuốn sách mới hiện ra và những cuốn sách khác biến mất.
Nàng đã già dặn hơn. Và anh yêu nàng lúc này nhiều hơn lúc anh hiểu nàng rõ hơn, khi nàng là sản phẩm của cha mẹ nàng. Bây giờ nàng là con người nàng quyết định muốn trở thành. Anh biết, nếu anh đi ngang qua Hana trên một con đường ở châu Âu, nàng sẽ trông quen quen nhưng anh sẽ không nhận ra nàng. Buổi tối đầu tiên anh đến tòa villa, anh đã che giấu sự kinh ngạc của mình. Khuôn mặt khắc khổ của nàng, thoạt tiên có vẻ lạnh lùng, mang một nét sắc bén. Anh nhận ra rằng trong hai tháng vừa qua anh đã quen với con người hiện nay của nàng. Anh gần như không thể tin nỗi vui thích của mình trước sự biến đổi của nàng. Nhiều năm trước, anh đã cố tưởng tượng nàng thành người lớn như thế nào, nhưng anh đã vẽ ra một người với những tính chất đúc khuôn từ cộng đồng của nàng. Không phải là kẻ lạ tuyệt vời này, người anh có thể yêu sâu đậm hơn vì anh không góp phần tạo nên con người nàng.
Nàng đang nằm trên ghế sofa, xoay ngọn đèn vào trong để nàng có thể đọc, đã đắm chìm vào cuốn sách. Một lúc sau, nàng ngước nhìn lên, lắng nghe, rồi nhanh nhẹn tắt đèn.
Nàng có biết anh đang ở trong phòng không?
Caravaggio nhận ra hơi thở anh ồn ào, anh không thở nhẹ và đều được. Ánh đèn bật lên một thoáng rồi lại tắt.
Thế rồi, ngoại trừ Caravaggio, dường như tất cả mọi thứ trong phòng đang chuyển động. Anh có thể nghe tiếng di động chung quanh mình, ngạc nhiên rằng chưa có ai đụng vào anh. Thằng bé đang ở trong phòng. Caravaggio bước đến ghế sofa và hạ tay xuống về phía Hana. Nàng không có ở đấy. Trong khi anh đứng thẳng lên, một cánh tay quàng qua cổ anh và ghì chặt người anh ngửa ra sau. Một ánh đèn rọi gắt vào mặt anh, và cả hai người thở hổn hển khi họ ngã xuống sàn nhà. Cánh tay có ngọn đèn vẫn ghì lấy cổ anh. Rồi một bàn chân trần hiện ra trong ánh đèn, đưa ngang qua mặt Caravaggio và giẫm lên cổ cậu nhỏ bên cạnh anh. Một ánh đèn nữa được bật lên.
“Bắt được anh rồi. Bắt được anh rồi.”
Hai thân hình trên sàn nhà ngước nhìn lên hình dáng thẫm màu của Hana phía trên ánh đèn. Nàng đang ngân nga, “Em bắt được anh, em bắt được anh. Em nhờ vào Caravaggio - tiếng thở của chú ấy thật khò khè quá đỗi! Em biết chú ấy sẽ ở đây. Chú ấy là mẹo của em”.
Chân nàng nhấn mạnh hơn xuống cổ cậu nhỏ. “Đầu hàng đi. Thú tội đi.”
Caravaggio bắt đầu run trong vòng tay của cậu nhỏ, toát mồ hôi khắp người, không thể vùng ra. Ánh sáng chói của hai ngọn đèn bây giờ rọi vào anh. Bằng cách nào đấy anh phải leo ra, bò ra khỏi sự kinh hoàng này. Thú tội đi. Cô gái đang cười vang. Anh cần phải lấy lại giọng bình tĩnh trước khi anh nói, nhưng họ hầu như không nghe, đang kích động trong cuộc phiêu lưu của họ. Anh gỡ mình ra khỏi vòng tay nới lỏng của cậu nhỏ, không nói một lời, ra khỏi phòng.
Họ lại ở trong bóng tối. “Anh ở đâu?”, nàng hỏi. Rồi nhanh nhẹn chuyển động. Anh sẵn sàng tư thế để nàng va vào ngực anh, rồi vòng tay ôm lấy nàng. Nàng đặt bàn tay lên cổ anh, rồi môi nàng lên môi anh. “Sữa đặc! Trong khi mình giao đấu? Sữa đặc?” Nàng áp môi vào cổ anh, lớp mồ hôi trên cổ, nếm vị anh nơi bàn chân của nàng đã đặt lên. “Anh muốn nhìn thấy em.” Ngọn đèn của anh bật lên và anh nhìn thấy nàng, mặt lem luốc bụi đất, tóc cuốn dựng lên vì mồ hôi. Nụ cười của nàng với anh.
Anh luồn hai bàn tay mảnh dẻ của anh vào trong tay áo đầm của nàng và ôm lấy vai nàng. Nếu nàng xoay người, hai tay anh xoay cùng với nàng. Nàng bắt đầu nghiêng người, ngã ngửa xuống, tin rằng anh sẽ ngã theo nàng, tin rằng tay anh sẽ đỡ nàng. Rồi anh sẽ cong người lại, chân giơ lên trời, chỉ có hai bàn tay và cánh tay và môi anh ở trên người nàng, phần còn lại của người anh như cái đuôi của con bọ ngựa. Ngọn đèn vẫn buộc chặt vào bắp thịt và mồ hôi ở cánh tay trái của anh. Khuôn mặt nàng len vào ánh đèn để hôn và liếm và nếm. Trán của anh dụi vào mái tóc ướt của nàng.
Thế rồi bỗng dưng anh ở bên kia căn phòng, ngọn đèn lính công binh của anh nhảy nhót khắp nơi, trong căn phòng anh đã tốn một tuần để rà sạch tất cả những ngòi nổ có thể được gài. Như thể rốt lại căn phòng đã ra khỏi chiến tranh, không còn là một khu vực hoặc địa hạt. Anh di chuyển, chỉ với ngọn đèn, tay đong đưa rọi trần phòng, khuôn mặt tươi cười của nàng khi anh đi qua nàng, đang đứng trên lưng ghế sofa nhìn xuống thân hình mảnh mai bóng ướt của anh. Lần kế tiếp anh đi ngang qua nàng, anh thấy nàng đang cúi xuống chùi hai tay vào váy. “Nhưng em bắt được anh, em bắt được anh”, nàng ngân nga. “Em là người Mohican của đại lộ Danforth.”
Rồi nàng cưỡi lên lưng anh, ánh đèn của nàng lượn lên những gáy sách trên những ngăn kệ cao, hai tay nàng giơ lên hạ xuống trong khi anh xoay nàng vòng quanh, rồi nàng chúi về phía trước, ngã xuống và chụp lấy đùi của anh, rồi nhỏm dậy và rời khỏi anh, nằm ngửa trên mặt thảm cũ, mùi những cơn mưa trong quá khứ xa xưa vẫn còn trong ấy, bụi đất trên hai cánh tay ướt của nàng. Anh cúi xuống bên nàng, nàng với tay tắt ngọn đèn của anh. “Em thắng, phải không?” Anh vẫn chưa nói gì từ lúc anh vào phòng. Đầu anh làm cử chỉ nàng yêu thích, nửa gật đầu nửa lắc đầu phản đối. Anh không thể nhìn thấy nàng vì ánh sáng chói. Anh tắt ngọn đèn của nàng để họ cùng bình đẳng trong bóng tối.
Có một tháng trong cuộc đời của Hana và Kip khi họ ngủ cạnh nhau. Một hình thức độc thân giữa họ. Khám phá ra rằng ân ái có cả một nền văn minh, một xứ sở trước mặt họ. Yêu ý niệm về anh hoặc về nàng. Em không muốn làm tình với anh. Anh không muốn làm tình với em. Ai biết được họ đã học được điều ấy ở đâu khi họ còn trẻ như thế. Có lẽ từ Caravaggio, người đã nói với nàng trong những buổi tối ấy về tuổi tác của anh, về nỗi dịu dàng dành cho mỗi tế bào ở người tình khi người ta khám phá rằng mình không phải là bất tử. Dù sao đi nữa, thời đại này là thời đại của cái chết. Ham muốn của chàng trai chỉ trọn vẹn trong giấc ngủ say nhất của anh trong vòng tay của Hana, khoái lạc cực điểm của anh liên quan nhiều hơn đến sức hút của mặt trăng, cái kéo giật của đêm tối trên thân thể anh.
Suốt buổi tối, khuôn mặt thuôn thả của anh áp vào sườn nàng. Nàng nhắc anh nhớ đến khoái cảm được gãi, những móng tay nàng cào theo hình vòng tròn trên lưng anh. Ayah[85] của anh đã dạy anh điều này từ bao nhiêu năm trước. Kip nhớ rằng tất cả êm ấm và bình an trong thuở ấu thơ đã đến từ bà, không bao giờ từ người mẹ anh yêu hoặc anh trai anh hoặc cha anh, những người cùng anh chơi đùa. Khi anh sợ hãi hoặc không ngủ được, ayah là người nhận ra thiếu thốn của anh, sẽ ru anh ngủ với bàn tay trên tấm lưng nhỏ gầy của anh, bà là kẻ lạ thân thiết gốc Nam Ấn đã sống với họ, giúp công việc nhà, nấu và hầu bữa ăn cho họ, nuôi lớn con của bà trong khuôn khổ gia đình họ, đã vỗ về anh trai anh những năm trước đấy, có lẽ biết tính tình của tất cả trẻ con trong nhà rõ hơn cha mẹ ruột của chúng.
Đấy là một tình cảm hỗ tương. Nếu người ta hỏi Kip anh yêu ai nhất, anh sẽ phải nhắc đến ayah trước mẹ anh. Với anh, tình yêu đầm ấm của bà to lớn hơn bất cứ tình yêu máu mủ hoặc tình dục nào. Sau này anh nhận ra rằng, suốt đời anh đi tìm một tình yêu như thế ngoài vòng gia đình. Sự thân mật không có dục tính, hoặc đôi khi sự thân mật có dục tính, của một kẻ lạ. Phải đến tuổi xế chiều anh mới nhận ra điều ấy về mình, thậm chí mới có thể hỏi chính mình câu hỏi anh yêu ai nhất.
Chỉ một lần anh cảm thấy anh đã đền đáp cho bà đôi chút an ủi, mặc dù bà đã hiểu rõ tình yêu của anh đối với bà.
Khi mẹ bà chết, anh đã lẻn vào phòng bà và ôm lấy thân hình bỗng dưng già cỗi của bà. Anh lặng lẽ nằm bên cạnh bà đang khóc than, không kềm giữ và đúng lễ tục, trong căn phòng gia nhân nhỏ bé của bà. Anh nhìn bà hứng những giọt lệ của bà vào trong một cái chén thủy tinh kề sát mặt bà. Anh biết bà sẽ mang nó đến đám tang. Anh nằm sau lưng thân hình gẫy gập của bà, hai bàn tay chín tuổi của anh trên vai bà, và khi cuối cùng bà êm lại, chỉ thỉnh thoảng run rẩy, anh bắt đầu gãi qua lớp áo sari[86] của bà, rồi vạch áo ra và gãi lên làn da của bà - như bây giờ Hana nhận được nghệ thuật dịu dàng này, những móng tay anh trên hàng triệu tế bào của làn da nàng, trong lều của anh, vào năm 1945, nơi hai lục địa của họ gặp nhau trong một thị trấn vùng đồi.
Bệnh Nhân Người Anh Bệnh Nhân Người Anh - Michael Ondaatje Bệnh Nhân Người Anh